Bức thư tình cuối - Phần I - Chương 03 - Phần 1

Chương 3

“Chân dung. Của một nhà công nghiệp.” Chiếc bụng phệ của Don Franklin dường như sắp bật ra khỏi khuy quần. Những chiếc khuy áo, ở phía trên đai quần, bị bật nút do sức ép quá lớn, để lộ khoảng da tái trắng bên trong. Ông tựa lưng vào ghế và nghiêng li nước tì vào trán. “Đó là “mệnh lệnh” của ban Biên tập, O’Hare ạ. Ông ấy muốn một bài phóng sự bốn trang về những mỏ khoáng sản kì diệu để đổi lấy quảng cáo.”

“Tôi có biết quái quỷ gì về mỏ khoáng sản và nhà máy đâu? Lạy Chúa, tôi là phóng viên ban đối ngoại mà.”

“Cậu đã từng là phóng viên đối ngoại,” Don sửa lại. “Nhưng chúng tôi không thể để cậu làm ở vị trí đó nữa, Anthony, cậu biết điều đó mà. Tôi cần một ai đó làm cho ra làm. Cậu không thể chỉ suốt ngày ngồi đây bày bừa một đống giấy lộn trên bàn.”

Anthony thả phịch người xuống chiếc ghế đối diện bên kia bàn và rút ra một điếu thuốc.

Đằng sau bàn của biên tập viên chính, người anh vừa thoáng thấy qua vách ngăn bằng kính của văn phòng, là Phipps, phóng viên tập sự. Anh ta đang xé từ chiếc máy tính ra ba trang giấy anh ta vừa đánh máy, mặt đầy bối rối, và đặt vào giữa chúng hai tờ giấy than.

“Tôi đã từng thấy cậu viết về đề tài này. Cậu có thể làm chúng hấp dẫn.”

“Vậy là, không phải viết về chân dung. Một bài báo khuếch trương. Một bài quảng cáo lố bịch.”

“Ông ta hiện làm việc ở Congo. Cậu biết đất nước này mà.”

“Tôi biết thể loại người sở hữu những mỏ khoáng sản ở Congo.”

Don giơ tay xin một điếu thuốc. Anthony đưa cho anh ta một điếu và châm lửa. “Cũng không tồi tệ như cậu nghĩ.”

“Không?”

“Cậu nên tìm cách tiếp cận ông ta tại dinh thự nghỉ dưỡng mùa hè của ông ta ở miền Nam nước Pháp. Riviera. Những ngày nắng đẹp, ăn tôm hùm miễn phí, biết đâu còn được gặp cô nàng Bridget Bardot... Cậu phải cảm ơn tôi mới đúng.”

“Cử Peterson đi. Anh chàng đó thích những thứ như vậy.”

“Peterson đang phải làm phóng sự về tay sát thủ chuyên giết trẻ em người Nauy.”

“Vậy thì Murfett. Anh ta vốn thích lê la.”

“Murfett đã đi Ghana để viết về bất ổn chính trị ở Ashanti rồi.”

“Anh ta ư?” Anthony hỏi đầy hoài nghi. “Anh chàng đó còn chẳng viết nổi câu chuyện về hai thằng con trai đánh nhau trong buồng điện thoại. Thứ chết tiệt nào lại cử anh ta đi Ghana?” Anh hạ giọng năn nỉ. “Hãy cử tôi tới đó, Don.”

“Không.”

“Có thể thỉnh thoảng tôi hơi mất trí và say rượu nhưng tôi vẫn còn làm tốt gấp mấy lần Murfett. Anh biết rõ điều đó mà.”

“Vấn đề của cậu, O’Hare, là cậu không biết khi nào mình tỉnh táo.” Don khom người về phía trước và hạ giọng. “Nghe đây - đừng có lảm nhảm nữa và hãy nghe lời tôi. Sau chuyến đi Châu Phi của cậu, sẽ còn nhiều chuyện để nói với cậu đấy” - ông ta làm dấu ra hiệu về phía phòng trưởng ban biên tập - “về việc có nên để cậu ở lại hay không. Vụ xảy ra vừa rồi... Họ lo lắng cho cậu đấy. Họ cũng xem xét hoàn cảnh của cậu và đã quyết định vẫn trả lương cho cậu. Ngay cả khi cậu ở trong tình cảnh...” ông lại làm một cử chỉ khó hiểu “... cậu biết đấy.”

Anthony không hề tỏ ra bối rối.

“Thực ra họ không muốn cậu làm nhiệm vụ gì quá... căng thẳng. Vậy nên cố gắng kiềm chế, chuẩn bị sẵn sàng tới Pháp và phải thấy là cậu rất may mắn được giao công việc này vì chẳng mấy khi có cơ hội được ăn tối dưới chân đồi thành Monte Carlo hào nhoáng đâu. Có khi cậu lại còn gặp ngôi sao nào đó ý chứ. Biết đâu đấy.”

Một khoảnh khắc im lặng kéo dài.

Khi thấy Anthony dường như chẳng có vẻ gì hào hứng, Don dụi điếu thuốc. “Cậu thực sự không muốn làm à?”

“Không, Don. Anh biết tôi không hề thích. Bắt đầu bằng mấy thứ này, chẳng mấy chốc nữa là anh bắt tôi viết về sinh đẻ, cưới xin về chết chóc đâu.”

“Lạy Chúa. Cậu là thằng khùng ngang bướng O’Hare ạ.” Ông với tay lấy một mẩu giấy có mấy dòng chữ đánh máy trên đó. “Vậy thì cầm lấy cái này. Vivien Leigh sắp bay qua Đại Tây Dương và cắm trại ngay ngoài nhà hát mà anh chàng Oliver đang diễn. Chắc chắn là anh ta sẽ không nói chuyện với cô nàng và cô nàng kể với chuyên mục chuyện phiếm là không biết vì sao. Tìm hiểu hộ tôi liệu họ có li dị không? Viết thêm cho tôi một bài tả cảnh xem cô nàng mặc gì lúc anh ở đó.”

Lại một khoảnh khắc im lặng kéo dài. Ở bên ngoài, Phipps đã đánh xong ba trang giấy, vỗ vỗ trán, thỉnh thoảng thốt ra vài từ tục tĩu.

Anthony dụi điếu thuốc và nhìn sếp mình một cách vô cảm. “Được rồi, tôi đi sắp xếp hành lí đây.”

Có điều gì đó ở đám người cực giàu khiến anh luôn cảm thấy muốn chỉ trích thật cay độc, vừa mặc quần áo cho bữa ăn tối Anthony vừa nghĩ. Có lẽ là do vẻ ngoài cố hữu của những người hiếm khi thể hiện sự mâu thuẫn, sự khoa trương của họ khi mà những lời lẽ dù rất buồn tẻ của họ cũng khiến những người xung quanh phải kiêng nể.

Lúc đầu anh nghĩ Laurence Stirling không khó chịu như anh tưởng: ông ta tỏ ra lịch sự, nghe chăm chú những câu hỏi của anh, cách nhìn nhận của ông ta về nhân viên cũng khá thông thoáng. Nhưng dần dần, Anthony phát hiện ra ông là một người luôn đặt khả năng kiểm soát sự việc xung quanh lên đầu. Ông chỉ đơn giản là nói cho mọi người nghe, chứ không phải cần thông tin từ phía họ. Ông ta hầu như chẳng quan tâm tới bất kì điều gì khác ngoài cuộc sống và công việc trong giới của ông. Ông ta tẻ nhạt, nhưng giàu có và thành đạt đủ để không muốn thử làm một người khác.

Anthony vuốt cho phẳng chiếc áo khoác, tự hỏi sao mình nhận lời tới dự bữa tối, Stirling mời anh khi kết thúc buổi phỏng vấn, và trừ người gác cổng ra, anh buộc phải thừa nhận là anh không biết một ai khác ở Antibes và anh cũng chẳng có kế hoạch gì ngoài việc trở về khách sạn ăn qua loa gì đó. Sau đó khi nghĩ lại anh ngờ rằng Stirling mời anh ăn tối để anh viết về ông một cách trung dung. Cho dù anh nhận lời một cách miễn cưỡng, Stirling ra lệnh cho tài xế tới tận khách sạn Cap đón anh lúc bảy giờ rưỡi tối. “Cậu không thể tìm thấy nhà tôi đâu,” ông nói. “Nó nằm khá khuất nẻo sau đoạn dốc.”

Chắc hẳn thế, Anthony nghĩ thầm. Stirling có vẻ là một người không thích những cuộc xã giao tầm thường.

Phục vụ cửa khách sạn bật dậy như tên bắn khi thấy chiếc limousine đến đón anh đỗ ngoài cửa. Anh ta phóng như bay về phía cửa, khuôn mặt lúc trước gặp anh còn lạnh như tiền giờ nhìn anh rạng rỡ với một nụ cười.

Anthony không thèm để ý tới anh ta. Anh vẫy tay chào tài xế và bước vào ngồi ngay ghế trước - có vẻ như, sau này anh nhớ lại, người tài xế không thoải mái với việc đó - nhưng ngồi băng ghế sau khiến anh cảm thấy mình như một kẻ cướp xe vậy. Anh hạ cửa kính xe xuống để những cơn gió ấm áp miền Địa Trung Hải mơn trớn trên da trong khi chiếc xe thấp và dài chậm rãi trườn theo con đường uốn lượn ven biển với hương hoa hồng và cỏ xạ hương thoang thoảng. Anh ngước nhìn những ngọn đồi tím biếc đằng xa. Đã lâu rồi anh chỉ biết những khung cảnh hoang dại ở Châu Phi và gần như quên hẳn Châu Âu đẹp như thế này.

Anh trao đổi vài câu xã giao với người tài xế - đây là khu vực nào, anh còn lái xe cho ai nữa không, là một người bình thường anh thấy sống ở nơi chỉ dành cho giới nhà giàu này thế nào. Anh luôn hiểu rằng: kiến thức có thể tới từ mọi nguồn. Những thông tin hay nhất mà anh có được đôi khi lại tới từ chính những người lái xe và giúp việc cho những người nổi tiếng.

“Ngài Stirling có phải là một ông chủ tốt không?” Anh hỏi.

Người tài xế ném cái nhìn sắc nhọn về phía anh với thái độ không được thoải mái. “Phải,” anh ta trả lời theo cái cách là cuộc hội thoại tới đây chấm dứt.

“Rất vui khi biết điều đó,” Anthony trả lời và thầm nhắc nhở phải boa cho anh ta kha khá khi tới nơi. Anh nhìn theo chiếc ô tô đi về phía sau nhà, chắc hẳn nhà để xe ô tô ở đó, anh cảm thấy một chiếc nuối tiếc. Với tính cách ít nói như anh, anh thà ngồi gặm một chiếc bánh mì kẹp và chơi vài ván bài với người tài xế còn hơn phải giả lả nói cười với giới nhà giàu tẻ nhạt của Riviera.

Ngôi nhà từ thế kỉ thứ mười tám đúng kiểu ngôi nhà của một chủ nhân giàu có, hoành tráng và đẹp thuần khiết, nhìn mặt tiền bóng loáng cũng đủ biết rõ nó được bao nhiêu nhân viên chăm sóc hàng ngày. Lối dẫn vào nhà trải sỏi mịn bề thế và gọn gàng, hai bên lối đi là những phiến đá được dựng lên để ngăn không cho bất kì một cây cỏ lạ nào chắn đường. Những ô cửa sổ thanh lịch đón nắng qua cánh cửa chớp sơn trắng. Một chiếc cầu thang lát đá uốn lượn đưa khách lên sảnh chính rộng lớn, nơi vọng lại tiếng ồn ào nói chuyện từ những vị khách tới từ trước. Dọc lối dẫn lên là những cột đá được trang trí bằng những chậu hoa tươi. Anh chậm rãi bước từng bậc, cảm thấy những phiến đá dưới chân như vẫn còn ấm hơi nóng của cả một ngày đọng lại.

Bữa tiệc còn có bảy người khách nữa: gia đình nhà Moncrieffs, những người bạn của Stirling tới từ Luân Đôn - cô vợ với cái nhìn soi mói; thị trưởng thành phố, Ngài Lafayette, với vợ và con gái, một cô bé da ngăm với đôi mắt được trang điểm kĩ lưỡng và ánh nhìn ranh mãnh; đôi vợ chồng già Demarcier sống ở biệt thự bên cạnh. Vợ của Stirling có mái tóc vàng óng được cắt tỉa duyên dáng theo kiểu của Grace Kelly; kiểu người đàn bà không có vẻ gì đặc sắc nhưng luôn được ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp bên ngoài. Anh hi vọng được ngồi cạnh bà Moncrieff. Anh chẳng ngại khi bị cô ta soi xét. Điều đó thậm chí còn kích thích anh.

“Vậy là anh làm cho một tờ báo, anh O'Hare?” Người phụ nữ Pháp đứng tuổi ngó sang anh.

“Đúng vậy. Ở bên Anh.” Phục vụ bàn tới mang theo một khay đồ uống. “Anh có thứ gì nhẹ nhàng hơn không? Nước khoáng chẳng hạn?” Anh ta gật đầu và biến mất.

“Tờ báo đó gọi là gì?” Bà tiếp tục câu chuyện.

“Tờ Nation.”

Nation.” Bà nhắc lại, theo kiểu khiến người khác cụt hứng. “Tôi chưa nghe tên bao giờ. Tôi chỉ biết tờ The Times. Đó là tờ báo tốt nhất đúng không?”

“Tôi nghe mọi người nói thế.”

Ôi, lạy Chúa, anh nghĩ. Cầu mong thức ăn không quá tệ.

Khay đồ uống bằng bạc được mang tới với một li nước khoáng có đá. Anthony lảng tránh không nhìn những li rượu trắng và rượu màu những người khác đang uống. Anh cố nhớ lại vốn tiếng Pháp ít ỏi từ thời học phổ thông để nói chuyện với cô con gái ngài thị trưởng. Cô bé trả lời bằng thứ tiếng Anh rất chuẩn với âm điệu du dương và duyên dáng của người Pháp. Cô bé còn quá trẻ, anh nghĩ, và nhận thấy cái cau mày của ngài thị trưởng. Anh hài lòng vì cuối cùng khi ngồi vào bàn ăn anh được xếp cạnh Yvonne Moncrieff. Cô nàng lịch sự, vui vẻ và chẳng hề gây phiền hà. Quỷ tha ma bắt mấy bà có chồng hơn hớn kia. Jennifer Stirling ngồi bên trái anh và đang mải mê trò chuyện với người ngồi cạnh phía bên kia.

“Anh ở đây có được lâu không, anh O'Hare?” Francis Moncrieff có khổ người cao gầy, khá tương xứng với bà vợ.

“Không.”

“Anh chủ yếu làm ở Thành phố Luân Đôn à?”

“Không. Tôi không viết một chút gì ở đó.”

“Vậy anh không phải phóng viên tài chính à?”

“Tôi phụ trách thị trường nước ngoài. Tôi viết về... những bất ổn ở các nước khác.”

“Larry chính là người gây ra chuyện đó.” Moncrieff cười phá lên. “Thế anh viết về chủ đề gì?”

“Ồ, chiến tranh, đói khát, bệnh tật. Toàn những chuyện thú vị.”

“Tôi thấy chẳng có gì vui vẻ ở đây cả.” Người đàn bà Pháp đứng tuổi nhấp một ngụm rượu.

“Cả năm ngoái tôi ở Congo để viết về cuộc khủng hoảng ở đó.”

“Lumumba là kẻ gây rắc rối,” Stirling chen vào, “còn những người Bỉ là những kẻ ngốc nghếch và hèn nhát nếu họ vẫn tiếp tục nghĩ rằng đất nước đó sẽ tan nát nếu không có họ.”

“Ông nghĩ rằng những người Châu Phi không đủ độ tin cậy để có thể định đoạt chính cuộc sống của họ ư?”

“Năm phút trước đây Lumumba chỉ là một kẻ giao liên chân đất mắt toét. Cả nước Congo không có lấy một nền giáo dục chuyên nghiệp.” Ông châm một điếu thuốc và phả ra một làn khói. “Làm sao họ có thể tiếp quản và điều hành nhà băng khi những người Bỉ không ở đó, và cả các bệnh viện nữa? Cả đất nước ấy sẽ là một bãi chiến trường. Mỏ quặng của tôi nằm ngay trên biên giới Zimbabwe và Congo và tôi đã phải huy động thêm an ninh. Đội an ninh người Zimbabwe, chứ người Congo không còn thể tin tưởng được nữa.”

Một sự im lặng bao trùm. Xương quai hàm của Anthony bạnh ra khi anh nghiến chặt răng cố gắng kiềm chế. Stirling dụi điếu thuốc. “Vậy anh ở khu vực nào của Congo, ông O'Hare?”

“Chủ yếu ở Leopoldville. Brazzaville.”

“Vậy thì anh phải biết rõ là quân đội Congo không thể kiểm soát nổi.”

“Tôi biết độc lập tự do là bài toán không dành riêng cho bất kì nước nào. Và rằng nếu Trung tướng Jassens khôn khéo hơn một chút chắc hẳn nhiều người đã không phải chết.”

Stirling nhìn anh chằm chằm qua làn khói thuốc. Anthony cảm thấy anh như đang bị dò xét. “Vậy là anh cũng bị tên Lumumba đó mê hoặc rồi. Một đảng viên tự do ngây thơ?” Ông cười lạnh lùng.

“Thật không thể tin điều kiện sống của rất nhiều người dân Châu Phi không thể tồi tệ hơn được nữa.”

“Vậy thì anh và tôi khác nhau,” Stirling tỏ ra cứng rắn. “Tôi cho rằng có những người mà nếu trao tự do cho họ có thể sẽ là một món quà nguy hiểm.”

Cả căn phòng bỗng im phăng phắc. Từ xa vọng lại tiếng xe mô-tô leo lên sườn dốc. Bà Lafayette bối rối đưa tay vuốt tóc.

“Ồ, tôi không thể nói tôi biết chút gì về tình hình ở đó,” Jennifer Stirling vẫn theo dõi từ nãy tới giờ, chiếc khăn ăn để gọn gàng trên đùi.

“Rất đau lòng,” Yvonne Moncrieff đồng tình. “Có những lúc tớ không dám đọc báo buổi sáng. Francis đọc chuyên mục thể thao và điểm tin trong Thành phố, còn tớ đọc tạp chí. Thường tin tức về cuộc chiến đó không ai buồn đọc.”

“Vợ tôi cho rằng bất kì tin tức nào không có trong tờ Vogue không phải là một tin tức nên đọc,” Moncrieff nói.

Sự căng thẳng đã chùng xuống. Cuộc chuyện trò được tiếp tục, người phục vụ rót tiếp rượu vào li. Những người đàn ông trên bàn quay sang bàn chuyện thị trường chứng khoán và những sự kiện nổi bật ở Riviera - ngày càng nhiều người cắm trại đổ về đây khiến những ông bà già không ngớt than phiền, những công trình đang xây hối hả và dường như không bao giờ ngừng, và về những thành viên mới gia nhập Câu lạc bộ Những người Anh chơi bài brit.