Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 2) - Chương 17 -18 - 19

ĐÊM DÀI NHẤT TRONG ĐỜI 8 / 1 / 1979.

Một đêm vắng lặng trên con đường 126. Trăng vẫn sáng trên những ngọn cây khộp, nằm dưới hố cá nhân mới đào khi chiều, nhìn vầng trăng… trăng đêm nay hình như cũng buồn… những lá khộp cuối cùng rơi lác đác, lá đã lìa cành…

Mấy anh em đặc công cũng tốt bụng thật. Đêm nay, họ không cho anh em trinh sát gác, vì họ cũng thông cảm cho nỗi buồn còn ẩn uất trong lòng, qua một ngày quần với giặc, mất đi những người anh em, mà mới đây bên bờ sông Srepok vẫn còn chung nhau một điếu thuốc, một chuyến đò ngang vượt dòng sông.

Sáng nay, nhóm trinh sát xuất phát với mười bảy gương mặt còn lộ rõ niềm vui… giờ đây chỉ còn năm… tám anh em đêm nay nằm một mình lạnh lẽo ở Đức Cơ, không có hơi của đồng đội, trong những tấm nilon dày màu trắng đục, giữa nghĩa trang còn bụi mù đất đỏ, và có thể đêm nay hay ngày mai, các anh em vĩnh viễn nằm dưới lòng đất mẹ, những hình hài không còn hiện hữu trên cõi đời này. Tội nghiệp anh Tâm già (Đan Phượng – Hà Nội) nhận thư con gái viết những nét đầu tiên, bằng cây bút máy Hồng Hà, bố mua cho trong dịp cùng với mẹ vào thăm bố nơi huấn luyện... những nét chữ ấy ngày mai, ngày kia em sẽ viết cho ai... Anh chưa kịp hồi âm cho con, vì còn đang trên đường chiến dịch. Anh Chín trinh sát d1 (Cam Tân – Cam Ranh) bị người yêu giận mấy hôm, chưa kịp làm lành, ngày ra đi, cô nàng cố chấp không ra bến xe đưa tiễn, nhưng khi xe rời khỏi Ủy ban xã, chỉ nhìn thấy cô nàng hốt hoảng nhìn nghiêng nhìn ngửa tìm anh… nước mắt lưng tròng… bàn tay chới với vẫy vào không gian… nhưng còn kịp đâu… và mãi mãi không bao giờ kịp nữa rồi… Bốn anh em khác, đêm nay không biết ở viện Pleiku hay 17 Đà Nẵng, vết thương tấy lên nhức nhối, có ai an ủi động viên không? Cầu trời cho các anh gặp người con thương, để anh em được an ủi phần nào, khi biết rằng các anh là những người cùng chiến hào với con… Thương cho anh Hùng khi tỉnh dậy biết mình đã mất một chân… sau này có còn được đi cùng người yêu bách bộ dọc biển Trần Phú - Nha Trang dưới những đêm trăng và sóng lặng hay không?

Còn mình…

“… Em cùng mẹ anh đi gánh nước trên đồng, giữa đường gặp anh giao liên đưa thư của xã, anh đưa cho em một lá và mẹ anh một lá thư của anh gửi về. Lá thư có lẽ anh viết trong một hoàn cảnh quá thiếu thốn, phong bì và lá thư là một mảnh giấy láng, trên mặt là những dòng chữ bằng tiếng ngoại quốc (vỏ của lon thịt gà Hà Lan loại 1,3 kg. Tôi chú thích), em nhìn những nét chữ ‘thiên thần’ của anh mà chạnh lòng. Mẹ anh ngồi xuống bên vệ đường, bảo em đọc ngay, không chờ về nhà nữa, em càng đọc… nước mắt mẹ anh chảy như suối đổ… Tội nghiệp con tôi! Lời cuối cùng em nghe mẹ anh nói như vậy.

Trong vòng một tuần, tin tức từ chiến trường gần như ở xã ai cũng biết, anh em ở thôn mình cùng đơn vị với anh, bị thương đang nằm ở Pleiku, Đà Nẵng báo tin về, gia đình họ lên thăm, mẹ anh lo lắm, vì họ nói rằng anh là lính trinh sát, gian nan nguy hiểm hơn họ nhiều. Mẹ anh khóc nhiều lắm, nhiều lúc em động lòng cũng khóc theo…

Gia đình anh và cả em đều biết anh nói dối, để em và gia đình an tâm, những người thăm con về, họ nói chiến trường Campuchia khốc liệt lắm, nhưng sao anh vẫn thấy bình thường là sao? Nhiều lúc em cũng giận anh ghê, sao anh không nói thật để em cùng chia sẻ với anh, những gian nguy của chiến tranh lửa đạn, em không giúp gì được cho anh, nhưng tình yêu của em dành trọn cho anh, như dòng suối mát, chảy trong hoang địa và sa mạc, như lời anh nói khi chia tay với em khi nào kia mà?

Mổi lần nghe tin có thư anh, bác Cảnh chủ tịch xã đều xuống nhà, xin lá thư của anh, để đọc trên hệ thống truyền thanh của xã, động viên tinh thần của thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự…”

Tôi dựa lưng vào hố cá nhân ngửa mặt nhìn trời, ánh trăng sáng vời vợi, dìu dịu rọi qua những thân cây khộp trơ trọi… những cơn mưa lại đến và sức bật của mầm xanh trỗi dậy… đời vẫn là màu xanh dù cho lửa đạn em ơi. Người lính em yêu, sẽ trở về với em, với dòng sông hoa trắng của quê mình.

Đi vào giấc ngủ chập chờn, hình bóng anh em lại hiện về… tất cả anh em dường như vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Đêm nay sao dài vô tận!

RỪNG KHỘP, CON ĐƯỜNG ĐẾN CHHEP VÀ TRẬN ĐÁNH DAM PHIEP

Qua một đêm dài như bất tận tại trận địa, đội hình lại tiếp tục lên đường.

Sáng ngày 9/ 1, đội hình trợ chiến của chiến dịch và sư đoàn, dưới sự hỗ trợ của e29 hành quân tiếp cận với e95. Những chiếc tăng và thiết giáp của e574, lần lượt dừng lại phía sau chúng tôi chừng 50 m, những anh lính tăng ngồi trên xe, nhìn chúng tôi có vẻ tư lự. Tôi bước đến chưa kịp hỏi gì, thì anh pháo thủ ném cho gói thuốc Đà Lạt và hỏi “Hôm qua đánh dữ lắm phải không? Tôi mất ba thằng đồng hương rồi.” Anh này dân Mộ Đức Quảng Ngãi. Tôi thuật lại cho anh diễn biến trận đánh, trông gương mặt anh có vẻ buồn lắm.

Tại SCH e95 có cuộc họp phân công nhiệm vụ giữa các đơn vị, và đội hình hành tiến về thị trấn Chhep như sau:

1. Tăng (2c) + thiết giáp (4c) + tăng (3c) + xe sửa chữa tăng (2c).

2. dBB2 + dBB3 + Trợ chiến e95 + Pháo binh + dBB1.

Tôi và ba trinh sát f đi trên chiếc tăng đầu tiên, cùng anh thông tin PRC 25, khi giao nhiệm vụ cho tôi, TMT e95 có nói là luôn theo dõi mức hành tiến, xác định các tọa độ dọc hai bên đường, để khi cần là gọi pháo ngay (khi đến Chhep, tôi mới biết là có một đơn vị pháo vẫn còn ở trận địa ngày 8/ 1 do e29 bảo vệ và sẵn sàng chờ lệnh).

Khoảng tám giờ đội hình xuất phát.

Nắng đã lên và đường bụi mù khi xe chạy qua... Hơi thở chưa kịp ra khỏi mũi khỏi miệng, hình như đã bị rút kiệt hơi nước làm cho đặc lại. Bụi đất chỉ chờ hé miệng ra là đã tràn vào, nên giọng nói cứ lao khao, ram ráp.

Hai bên đường phần lớn chỉ có các loại cây họ dầu lá rộng, rụng lá vào mùa khô, xen kẽ là những cụm bằng lăng trắng... Đang là thời kì cao điểm của mùa khô, rừng khộp trụi lá, ngỡ như là... rừng chết, không còn thấy màu xanh, chỉ thấy những thân cây sần sùi xám mốc, những cành nhánh khẳng khiu, trơ trụi lá và nắng như đốt bỏng da người... Bởi sắc vàng lấp lánh miên man khắp cánh rừng. Bởi những chiếc lá vàng rụng chấp chới, ngập ngừng trong nắng nghiêng ban mai.

Xe vượt qua những vùng khô cằn bỏ hoang, mặt đất là các loại cỏ, le và cây con mọc dày đặc. Cỏ cháy vàng suộm, khô giòn từng đồi, từng cánh đồng nhìn mà nhức cả mắt.

Khi còn ở XA – XB, những cánh rừng khộp mới ngày nào còn mơn mởn, tươi xanh, trên đường đi trinh sát địch, vẫn dừng chân bên các bờ suối của cánh rừng khộp mà nghỉ. Thế mà giờ đây, chỉ sau vài tháng, những cánh rừng khộp như vừa qua cơn bệnh trọng... Rừng khộp có lẽ là nơi cảm nhận được hết cái khốc liệt của mùa khô. Suối trơ đáy. Gió hình như không thể đến được nơi này…

Anh xạ thủ trên tăng luôn quan sát hai bên đường, tay đặt vào súng, mặt như đanh lại… thỉnh thoảng đưa tôi bi đông nước của anh, tôi cũng tranh thủ làm vài nắp cho đỡ khô họng.

Súng máy M113 bắn vào hai bên đường liên tục, anh em BB cũng bắn cầm chừng những nơi nghi vấn, và cả tuyến đường đến Chhep chúng tôi không gặp sự kháng cự của địch.

Khoảng mười một giờ trưa, chúng tôi đến thị trấn Chhep (trên bản đồ thuộc tỉnh Preah Vihear) khi cách Chhep khoảng 2 km, tôi nhìn thấy bên vệ đường có bóng người dân đứng cạnh đường, TMT e95 lệnh cho trinh sát nhảy xuống xe, cùng với d3 bám theo hai bên đường, yểm trợ cho đội hình tiến vào thị trấn Chhep.

Men theo vệ đường cùng các anh em c9, tôi gặp một gia đình người dân gồm hai vợ chồng và hai đứa con, khi gặp chúng tôi, người chồng khoảng năm mươi tuổi khóc một cách đáng thương, như chưa bao giờ được khóc. Ông nói tiếng Việt trong tiếng nấc “Tôi chờ bộ đội mình mấy năm nay rồi.” Ông chỉ vào hai đứa nhỏ cũng khoảng trên dưới mười tuổi và nói “Giống nòi của mình đó các chú!” Chúng tôi nhìn hai đứa nhỏ mà lòng xúc cảm khi nghe hai chữ “giống nòi.” Con cháu dòng giống Lạc Hồng mà như những con ma đói, thê lương như thế này sao? Ông năn nỉ cho gia đình ông đi theo bộ đội, vì nếu ở lại, chúng biết ông là người Việt chúng nó sẽ giết, và chúng tôi cho ông đi theo ở phía sau cuối đội hình c9.

Thị trấn Cheep thì không sung túc bằng nếu so với Thala, nhưng cũng là một thị trấn khá lớn, với những dãy nhà và các con đường ngoằn ngoèo trong Phum.

Trong Phum dân tụ tập khá đông chắc khoảng một nghìn người, và nhìn dân ở đây chúng tôi mới có khái niệm về đất nước bị diệt chủng, cũng như sự diệt vong của một dân tộc. Trước mắt chúng tôi là những con người sao? Làm sao tin họ là những con người của thế kỉ XX nổi đây? Những thây ma chờ chết không hơn không kém… những con người chỉ còn da bọc xương, con mắt to hơn cái bụng… trên thân hình những lằn gân xanh nổi lên… Phụ nữ với những đôi mắt đẹp, đượm vẻ buồn man mác… những đứa trẻ con… nhìn cái đầu, mới biết các em là người.

Qua tiếp xúc với gia đình người dân khi nãy, chúng tôi biết được hoàn cảnh của ông như sau: Ông là người dân Long An (huyện gì có chữ Hưng…) qua Phnôm Pênh làm ăn buôn bán, sau đó trôi dạt về miền Nam Campuchia làm nghề đánh cá trên Biển Hồ, cưới một người phụ nữ Việt Nam dân Hồng Ngự, sinh được hai đứa con, thời Lon Nol tàn sát dân mình, ông trốn lên Preah Vihear sinh sống, bà vợ người Việt bị bệnh chết năm 1974, ông nuôi hai đứa con… năm 1977 Ăngka cưới vợ cho ông, và người vợ chúng tôi gặp là người vợ Campuchia, kém ông khoảng hai mươi tuổi, nên bà không biết nói tiếng Việt.

Nhìn kĩ hai đứa trẻ, đúng là mang hình dáng của người Việt, vẫn còn nét đẹp giống người mẹ miền Tây Nam Bộ, chỉ có điều nhìn thân xác kia, không ai có thể tin là giống nòi Lạc Hồng.

TRẬN ĐÁNH BÊN BÃI LẦY PHUM DAMPHIEP.

(Tên Phum có thể không đúng 100% (có chữ Dam… chữ Phiep) cũng chỉ vì thời gian đã xóa nhòa mọi thứ. Xin bác Rongxanh căn cứ vào bài viết và xác định vị trí trên bản đồ hành quân).

Đây không phải là tài liệu kêu gọi một điều gì đó. Lại càng không phải là trang viết mang dáng dấp của tiểu thuyết thời chiến tranh (muốn viết cũng không làm được vì khả năng của cá nhân) chỉ ghi lại một trận đánh… nhưng không giống như mọi trận đánh khác tôi viết trên QSVN… vì nó là huyền thoại… huyền thoại đến mức thật… và thật... đến mức trở thành huyền thoại… về lòng quyết tâm trả thù cho đồng đội.

Anh em c2 d1 ngày đó, sau khi tàn cuộc chiến 1989 rút quân về nước, chắc cũng còn khoảng trên mười người, có người nay là Tướng, Chính ủy của một Quân đoàn chủ lực của quân đội ta, có người công tác ở Thanh tra tỉnh Quãng Ngãi… và còn nhiều anh em khác nữa, đang đầu tắt mặt tối trên các cánh đồng của dải đất hẹp miền Trung, quanh năm quần quật lo cho gia đình, với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhăn nhó mỗi lần vết thương cũ tấy lên khi trái gió trở trời.

Bài viết để “TỔ QUỐC GHI CÔNG” cho những anh em đã nằm lại, và ghi một chút gì của lòng người, cho những anh em còn sống đến hôm nay: c2 d1 e95 f307. (Lời tâm sự hôm nay của tôi).

Sau khi chiếm được Chhep, ta cũng chia dân thành các nhóm tùy độ tuổi, bộ phận dân vận và địch vận làm công tác tuyên truyền ngay chính giữa Phum, cũng thấy phá kho lúa, cấp cho dân và không khí nhộn nhịp mang vẻ thanh bình, những làn khói bốc lên, những cảnh chạy xin bộ đội thuốc chữa bệnh, bằng động tác chỉ vào bộ phận nào đó trên cơ thể, những em bé chạy ngược chạy xuôi quanh mẹ chúng…

Tôi tranh thủ mắc võng vào một thân cây xoài, bên cạnh chiếc xe tăng đậu ngay bìa rừng, tranh thủ chợp mắt vì đêm trước không ngủ được.

Chẳng biết ngủ được bao lâu, khi mở mắt ra còn cay xè, nhìn bộ mặt của Trợ lí tác chiến e95 có vẻ hấp tấp lắm. Tranh thủ rửa mặt và về chiếc xe của SCH e95 xem sao.

Nhiệm vụ được giao như sau:

Tại Phum Damphiep có một lực lượng rất đông của địch đang ẩn nấp, đây chính là lực lượng đã chặn đánh ta ngày hôm qua, địch chờ chúng ta đi qua sẽ quay trở lại, chúng cài lực lượng trong dân để khống chế, nên dân chúng tập trung giữa Phum, là do yêu cầu của chúng. Chính ông già chúng ta gặp bên đường, đã thuyết phục dân chỉ điểm, và chúng ta tóm toàn bộ lực lượng chúng cài lại, nghe đâu cả chục tên. Nhiệm vụ là sẽ tấn công điểm co cụm này của địch. Lực lượng đánh như sau:

C5,c6 (d2) + c1 (d1) cắt đường rừng về điểm của địch là một bãi lầy gần Phum Damphiec.

dBB3 + lực lượng trợ chiến của e + hai tăng và hai M113 tiến theo con đường đất đỏ.

dBB2 tăng cường có nhiệm vụ bao vây từ xa cứ điểm của địch, chừa cửa chính cho bộ phận hành tiến dBb3 chọc thẳng vào đội hình địch.

Tình huống xảy ra: Anh em c2 d1 không chịu ở nhà, kiên quyết xin đi đánh. Chính trị viên d1 Nguyễn Năng không thuyết phục được, vì anh em kiên quyết trèo lên xe. Chủ nhiệm chính trị e95 Nguyễn Uông, cũng không thuyết phục được ý chí của anh em, thấy cảnh này hai thủ trưởng cũng nước mắt giàn giụa. Anh Lê Duy Hoa (a trưởng hay b phó gì đó của c2) vừa khóc vừa năn nỉ cấp trên, cho anh em đi đánh trận này.

Gương mặt nhăn nhó, miệng méo xệch vì trệu trạo khóc,với tấm thân gầy rung rung (tôi đoán lúc đó anh không đến 50 kg) tôi nghe anh nói với thủ trưởng Uông một câu nói xanh rờn “Thủ trưởng không có quyền ngăn cản anh em đi đánh địch…”

Thấy cảnh lộn xộn, e trưởng e95 xuống trực tiếp giải quyết, và cuối cùng giữa cảnh khóc lóc năn nỉ của anh em c2, ông cũng đồng ý cho anh em đi theo cánh quân của dBb3.

Xuyên qua những cánh rừng khộp mùa khô, nắng chói chang táp vào mặt không thở nổi, kiếm một chỗ mát mẻ giải lao khó khăn vô cùng (một phần cũng sợ mìn), trên lưng bộ đội sức nặng như oằn xuống, những bước chân vẫn nhoanh thoăn thoắt về phía trước, mồ hôi chảy như tắm trên mọi gương mặt và trên lưng… Mọi con suối đều đã khô. Hơn một giờ hành quân đội hình nghỉ bên bìa rừng bằng lăng (may mắn hết sức), mỗi b cử một anh thu bi đông cả b, theo trinh sát tìm nước. Từ cái nắng bốc lửa của rừng khộp bước vào bóng râm của cánh rừng bằng lăng … tuyệt.

Quan sát địch... kiểm tra mìn… tranh thủ lấy nước.

Anh em BB ta có một cái ẩu, ẩu hết sức, hễ thấy nước là cắm đầu cắm cổ uống, bất chấp tình huống sẽ ra sao thì ra. Những gương mặt, tay chân bị hốc nước, bây giờ có nước vào, da dẻ căng ra có thể thấy bằng mắt thường.

Sau giờ nghỉ lại hành quân tiếp, lại rừng khộp nắng như thiêu như đốt…

P/ S. Anh Lê Duy Hoa lính 1977 quê ở Duy Nghĩa Duy Xuyên Quảng Nam, bác nào ở gần, xin tìm đến anh, sẽ có thêm những tài liệu hấp dẫn và quý báu lắm.