Tâm lý học căn bản - Chương 15 - Phần 1

Chương 15. SỐNG VỚI THA NHÂN TRONG MỘT THẾ GIỚI MUÔN MÀU

DÀN BÀI

Mở đầu

Triển khai chủ đề

I. STRESS VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

1. Phải trả giá cao đối với stress.

2. Mô hình Hội chứng Thích ứng Tổng quát: Diễn biến của stress.

3. Bản chất các tác nhân gây stress: stress đối với tôi lại là niềm vui đối với bạn.

ỨNG DỤNG TLH: Rối loạn stress hậu chấn thương: Thảm họa sống lại.

4. Biện pháp khắc phục stress.

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH: Các biện pháp khắc phục có hiệu quả.

5. Tóm tắt và học ôn I

II. THÀNH KIẾN VÀ KỲ THỊ

1. Các thành kiến về giới tính.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Tệ nạn quấy rồi tình dục

2. Các dị biệt giới tính: Tương đồng nhiều hơn khác biệt.

3. Tóm tắt và học ôn II

III. TÂM LÝ HỌC TRONG VIỄN TƯỢNG TOÀN CẦU

1 Cá nhân chủ nghĩa và chủ nghĩa tập thể: Cá nhân ngược lại tập thể.

2. Chiến tranh, hòa bình và thủ đoạn khủng bố.

3. Tâm lý học và nỗ lực cổ vũ hòa bình.

4. Tóm tắt và học ôn III.

IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ.

V. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI

MỞ ĐẦU

TRƯỜNG HỢP RODNEY KING

Nếu không bị thu hình vào băng video, vụ Rodney King bị đánh đập tàn nhẫn có lẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Nhưng bởi vì một cư dân sống gần đại lộ Los Angeles muốn thử ống kính thu hình mới, nên sự bất hạnh của King trở thành hàng tít lớn trên các tờ báo khắp cả nước.

Biến cố khởi đầu khi cảnh sát Los Angeles chặn một người Mỹ da đen tên là Rodney King sau một cuộc rượt đua căng thẳng bằng ôtô vào đầu năm 1991. Theo báo cáo của cảnh sát, King đã kháng cự lệnh bắt nên họ bị buộc phải đánh hạ anh ta. Thế nhưng, những người xem cuốn băng video lại thấy diễn biến sự việc hoàn toàn khác hẳn. Trong cuốn băng hình, các cảnh sát viên đã đánh đập King liên hồi trong khi anh té nằm dưới đất, cố gắng ngồi dậy. Anh đã bị đánh đến 40 cú bằng dùi cui cảnh sát, và bị đá vào người nhiều lần bởi một vài cảnh sát. Dây đeo súng của cảnh sát vẫn còn cột quanh người anh. Một nhóm rất đông cảnh sát viên và cảnh sát tuần tra xa lộ đang đứng gần hiện trường, điềm nhiên theo dõi. King bị gãy xương nhiều nơi, đến xương sống cũng bị gãy, một khóe mắt bi rách, và một chân bị gãy lìa.

Theo những người chỉ trích phía cảnh sát, vụ đả thương King chỉ là một trong rất nhiều vụ bê bối đã xảy ra mà động cơ phần lớn là thành kiến chủng tộc. Một điều tra về các thông điệp do máy điện toán lưu trữ đã xác nhận quan điểm ấy.

Chẳng hạn, trong một thông điệp chuyển đi trước đó vào hôm xảy ra vụ đả thương King, một trong số bốn cảnh sát viên bị cáo buộc ra tay hành hung đã ám chỉ một vụ cãi vã trong nội bộ một gia đình Mỹ gốc châu Phí sống gần nhà mình là “đúng y như một cảnh trong cuốn phim Dã nhân trong sương mù” một cảnh sát viên khác cười to đáp: “Ha ha ha ha Để tôi đoán xem họ là ai nhé.”

Phán quyết vô tội ở phiên tòa sơ thẩm xử bốn cảnh sát viên liên quan đến vụ đả thương trái phép ấy đã làm dấy lên một làn sóng bạo loạn khiến thiệt mạng nhiều người và tổn thất tài sản lên đến hàng tỉ đô la. Trong phiên tòa phúc thẩm sau đó, hai trong số bồn cảnh sát viên bị cáo ấy đã bị chứng minh phạm tội xâm phạm quyền công dân của King; và mặc dù không còn các vụ bạo loạn xảy ra nữa, nhưng các quan hệ chủng tộc ở Los Angeles, cũng như ở khắp nước Mỹ, vẫn còn là vấn đề phát sinh tai họa.

TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ

Vụ đả thương King là dấu hiệu của tệ nạn thành kiến và kỳ thị lan tràn khắp thế giới ngày nay. Chúng ta chứng kiến nó hoành hành ở xứ Nam Tư cũ, nơi các phe tham chiến tàn sát lẫn nhau trong cuộc “thanh tẩy chủng tộc”. Chúng ta cũng thấy nó hiện diện ở các khuôn viên đại học, nơi phát sinh các trường hợp căng thẳng giữa rất nhiều nhóm chủng tộc, tôn giáo và sắc tộc thiểu số khác nhau.

Trong chương này, chúng ta thảo luận xem các nhà tâm lý học chủ trương ra sao về một số vấn đề cực kỳ hệ trọng mà thế giới ngày nay đang phải đối đầu. Trước hết, chúng ta chú trọng đến vấn đề liệu với tư cách cá nhân chúng ta làm sao để đối phó với stress gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Qua đó, chúng ta tìm hiểu các nguyên nhân gây ra stress và một số biện pháp nhờ đó con người đối phó hữu hiệu với stress. Sau đó chúng ta quay sang đề tài thành kiến và kỳ thị, cân nhắc xem thành kiến phát sinh ra sao và ảnh hưởng thế nào đến cách cư xử của chúng ta đối với người khác. Chúng ta đặc biệt chú trọng đến vấn đề liệu nam giới và nữ giới bị phân biệt đối xử ra sao và lối đối xử như thế gây ra các hậu quả nào.

Cuối cùng, chúng ta quay sang các vấn đề phản ảnh tính đa dạng của nhân loại, mở ra cho bộ môn tâm lý học một viễn cảnh toàn cầu. Chúng ta tìm hiểu các chiều kích theo đó các dân tộc thuộc các nền văn hóa dị biệt có lối tư duy và cư xử khác biệt nhau, nhân đó khảo xét một số khám phá gặt hái được nhờ các cuộc nghiên cứu quan trọng về mặt giao lưu văn hóa. Chương này – và chính tác phẩm này – kết thúc bằng việc khảo xét kiến thức mà các nhà tâm lý đã gặt hái được về các nhân tố gây ra chiến tranh, cũng như về các biện pháp cổ vũ cho nền hòa bình thế giới.

Tóm lại, đọc xong chương này bạn sẽ đủ sức trả lời các câu hỏi sau đây:

– Stress là gì, nó tác động đến chúng ta ra sao, và chúng ta làm thế nào đối phó hữu hiệu nhất?

– Các nguyên nhân nào gây ra thành kiến và kỳ thị?

– Giữa các vai trò giới tính của nam giới và nữ giới có các điểm khác biệt chủ yếu nào?

– Nền văn hóa gây ảnh hưởng gì đối với cách cư xử của con người?

– Làm cách nào ngăn chặn chiến tranh và nuôi dưỡng hòa bình?

I. STRESS VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

Bây giờ là 10 giờ 26 phút sáng. Là một nội trợ, vừa là bà mẹ, và phụ tá quản lý một bệnh viện ở khu trung tâm thành phố Teaneck thuộc tiểu bang New Jersey, Cathy Collins đã thức dậy trước đây 5 tiếng đồng hồ. Bà đã chuẩn bị điểm tâm dành sẵn cho mấy đứa con rồi đáp hai chuyến xe buýt đến phòng làm việc chật hẹp và không có cửa sổ thông gió.

– Bà đang đứng tại bàn làm việc với chiếc điện thoại từ trên vai, nỗ lực giải quyết cho xong một số công việc cần kíp sau:

– Một bệnh nhân trước bàn làm việc của bà, chờ dịp hỏi bà một số việc.

– Viên thư ký yêu cầu xem phác đồ điều trị của một bệnh nhân khác.

– Hai cú điện thoại phải liên hệ, và chiếc máy intercom đang léo nhéo truyền lệnh.

– Một vài mẫu hồ sơ phải hoàn tất nằm trên bàn, và bà đang cố gắng điền vào trong khi bận trả lời điện thoại.

– Một lô hồ sơ dày cả tấc trong hộp “công văn đến”.

– Ông sếp vừa bước vào yêu cầu là sao một số giấy tờ.

Giờ đây, một bộ máy đeo quàng lên ngực và cổ tay cho thấy huyết áp và nhịp tim của bà đều tăng lên tuần tự 25 và 15% trên mức bình thường. Dù sao, các số đo này cũng không phải là mức gia tăng cao nhất trong ngày của bà Collins.

Bởi vì Cathy Collins đang tham dự một cuộc khảo cứu về stress của bệnh viện nơi bà phục vụ, nên chúng ta biết được phản ứng sinh lý kín đáo của bà đối với sự việc xảy ra vào lúc này. Và dù không có các con số đo lường các phản ứng xúc cảm này của bà. Dường như hầu hết chúng ta đều đoán được tình trạng mà bà sẽ báo cáo đang trải qua trong thời gian này là stress.

* Stress: bất kỳ nhân tố nào đe dọa đến sức khỏe cơ thể hay có tác động phương hại đến các chức năng cơ thể, như tổn thương, bệnh tật, hay tâm trạng lo âu chẳng hạn. Một dạng stress hiện hữu có khuynh hướng làm giảm sức đề kháng của con người đối với dạng stress khác. Bị stress liên tục sẽ gây thay đổi tình trạng cân bằng hormone trong cơ thể (theo Từ điển Y học).

Hầu hết chúng ta đều ít được giới thiệu về hiện tượng stress* mà theo chính thức định nghĩa là phản ứng trước các sự kiện đe dọa hoặc thách thức con người. Cho dù sự việc ấy là hạn nộp bài tiểu luận hay bài thi, là một rắc rối trong gia đình, hay cả đến một lô tích lũy các sự việc tầm thường như Cathy Collins gặp phải trong công việc thường ngày, thì cuộc sống vẫn dẫy đầy các sự kiện hay tình huống – gọi là tác nhân gây stress (stressor) – đe dọa đến hạnh phúc của chúng ta. Ngay đến các sự kiện thú vị – như dự định tổ chức một buổi tiệc hoặc khởi đầu một công việc ưa thích chẳng hạn cũng có thể gây ra stress, tuy các biến cố tiêu cực đưa đến các hậu quả tác hại hơn các biến cố tích cực.

Tất cả chúng ta đều gặp phải stress trong cuộc sống của mình. Một số nhà tâm lý về sức khỏe tâm thần cho rằng cuộc sống thường ngày trên thực tế bao gồm một loạt các chuỗi diễn biến lặp đi lặp lại, mà trong một chuỗi ấy con người nhận thức mối đe dọa, tìm cách đối phó, và sau cùng tìm cách thích ứng với đe dọa ấy; và mức độ thích ứng thành công không phải lúc nào cũng được như ý. Tuy bình thường sự thích ứng ấy không có gì đáng kể và xảy ra ngoài phạm vi ý thức của chúng ta, nhưng trong các trường hợp stress nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn thì sự thích ứng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và có thể gây ra các phản ứng sinh lý và tâm lý nguy hại cho sức khỏe của con người.

1. Phải trả giá cao đối với stress

Stress có thể hoành hành theo nhiều cách, gây ra các hậu quả về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Thông thường phản ứng tức thời nhất đối với stress là phản ứng sinh lý, bởi vì sự tiếp cận với stress làm tăng số lượng tiết ra của một vài loại hormone ở tuyến thượng thận, nhịp tim và áp huyết tăng vọt lên, và gây biến động mức dẫn truyền xung điện ở da. Trong ngắn hạn, con người có thể chịu đựng được các phản ứng này bởi vì chúng gây ra một “phản ứng khẩn trương” – phản ứng của phân hệ thần kinh giao cảm đã được thảo luận ở chương 2 – giúp cho con người đối phó hữu hiệu hơn với tình huống căng thẳng.

Tuy nhiên, tiếp cận thường xuyên với stress sẽ khiến cho toàn bộ chức năng sinh học của cơ thể sút giảm đi bởi vì các loại hormone liên quan đến stress tiết ra không ngừng. Lâu ngày, các phản ứng căng thẳng ấy có thể gây ra tình trạng thoái hóa thực sự ở các mô cơ thể, như mạch máu và bộ phận tim chẳng hạn. Sau cùng, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng dễ bị nhiễm bệnh bởi vì khả năng đề kháng vi trùng gây bệnh của cơ thể đã giảm đi.

* Rối loại cơ thể tâm thần(psychosomatic disorders) các rối loạn liên quan đến hay bao gồm các nhân tố tâm trí lẫn cơ thể, thường để chỉ các bệnh phát sinh do tương tác giữa các nhân tố vừa kể. Một số bệnh cơ thể như suyễn (asthma), eczema và loét đường tiêu hóa (peptic ulcer) bị cho là phần nào do các stress tâm lý và xã hội gây ra. Các biện pháp trị liệu tâm lý đôi khi có tác dụng rõ rệt, nhưng thường kém hậu quả hơn các biện pháp trị liệu cơ thể đối với các chứng bệnh này (theo Từ điển Y học).

Không kể các chứng bệnh nghiêm trọng, rất nhiều cơn đau nhức lặt vặt của chúng ta đều có thể do stress gây ra hoặc làm cho trầm trọng hơn. Các triệu chứng này gồm nhức đầu, đau lưng, ban ngứa ở da (skin rashes), khó tiêu, mệt mỏi và táo bón. Ngoài ra, toàn bộ một nhóm rối loạn bệnh lý, gọi là các rối loạn cơ thể tâm thần (psychosomatic disorders), thường là hậu quả của stress. Các dạng rối loạn bệnh lý này phát sinh do sự tương tác giữa các rối loạn tâm lý, tình cảm và cơ thể. Các rối loạn cơ thể tâm thần thường thấy nhất là loét bao tử (ulcer), hen suyễn, viêm khớp (arthritis), áp huyết cao và chàm (eczema). Thực tế, khả năng khởi phát các chứng bệnh nghiêm trọng dường như đều liên quan đến nhiều biến cố căng thẳng xảy ra cho người bệnh (xem bảng 15–1).

BẢNG 15–1

Dự đoán bệnh trong tương lai căn cứ vào stress trong quá khứ

Phải chăng trong tương lai bạn sẽ mắc phải một chứng bệnh liên quan đến stress? Các cuộc điều tra nghiên cứu đều cho nhiều tác nhân gây stress trong cuộc sống một người có liên hệ đến một cơn bệnh nặng của người ấy.

Để biết mức độ stress trong cuộc sống của bạn, hãy lấy trị số gán cho tác nhân gây stress ghi bên cạnh mỗi biến có mà bạn đã từng trải qua nhân với số lần xảy ra biến cố ấy trong năm qua (tối đa 4 lần), rồi cộng các điểm số ấy lại:

87 Cái chết của người hôn phối

77 Kết hôn

77 Cái chết của người thân trong gia đình

76 Ly hôn

74 Bắt đầu sống ly thân

68 Cái chết của một người bạn thân

68 Mang thai hoặc tác giả của bào thai

65 Bị thương tích hay bệnh nặng

62 Bị mất việc làm

60 Từ hôn hoặc kết thúc quan hệ lâu dài

58 Gặp rắc rối trong sinh hoạt tình dục

58 Hòa giải tranh chấp với người hôn phối

57 Cải biến lớn trong nhận định bản thân hay tự trị

56 Một thành viên trong gia đình bị bệnh nặng hay thay đổi lớn lao về cách cư xử

54 Làm lễ hứa hôn

53 Thay đổi lớn về tình trạng tài chánh

52 Nợ thế chấp hay vay dưới 10.000 đô la tiền mặt

52 Thay đổi lớn về thói quen sử dụng dược phẩm

50 Xung đột hoặc thay đổi lớn về thang giá trị

50 Thay đổi lớn về mức độ cải vã với người hôn phối

50 Tiếp nhận một thành viên mới trong gia đình

50 Vào đại học

50 Đổi sang trường mới

50 Đổi sang làm việc ở một bộ phận mới trong sở làm

49 Thay đổi lớn lao về mức độ độc lập và trách nhiệm

47 Thay đổi lớn lao về trách nhiệm ở sở làm

46 Thay đổi lớn về tửu lượng

45 Cải sửa các thói quen thường ngày

44 Gặp rắc rối với ban giám hiệu nhà trường

43 Nhận việc làm trong thời gian đi học

43 Thay đổi lớn trong các hoạt động xã hội

42 Gặp rắc rối với ông bà nhạc

42 Thay đổi lớn về giờ giấc hay điều kiện làm việc

42 Đổi chỗ ở hay điều kiện sinh hoạt

41 Người hôn phối bắt đầu đi làm hay nghỉ sở làm

41 Thay đổi bộ môn học tập chủ yếu đã chọn

41 Thay đổi thói quen hẹn hò

40 Đạt được thành quả cá nhân nổi bật

38 Gặp rắc rối với thượng cấp

38 Thay đổi lớn về mức độ tham gia sinh hoạt học đường

37 Thay đổi lớn về loại hình và/hoặc mức độ sinh hoạt giải trí

36 Thay đổi lớn về sinh hoạt tôn giáo

34 Thay đổi lớn về thói quen đi ngủ

33 Du ngoạn hay đi nghỉ mát

30 Thay đổi lớn về thói quen ẩm thực

26 Thay đổi lớn về số lần họp mặt gia đình

20 Bị cáo buộc vi phạm tội vi cảnh

Điểm số tổng cộng. Nếu tổng số điểm của bạn vượt quá 1435, thì bạn thuộc loại bị stress nặng và theo Marx, Garrity, Bowers (1975) bạn có nguy cơ sẽ bị bệnh có liên quan đến stress trong tương lai. Ngược lại, bạn chớ nên tin rằng điểm số cao nhất định sẽ mắc bệnh trong tương lai. Bởi vì nghiên cứu cho thấy tuy stress và bệnh tật có liên quan, nhưng không thể nói rằng các biến cố căng thẳng quan trọng nhất thiết sẽ gây ra bệnh tật. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng bệnh tật trong tương lai tốt hơn nên được dự đoán theo các rắc rối đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày, chứ không nên dự đoán theo các biến cố lớn miêu tả trong bảng lục vấn này. Dù vậy, mức độ nhiều biến cố căng thẳng trong cuộc sống là một nguyên nhân đáng quan tâm, và do đó sẽ khiến cho việc áp dụng các biện pháp giảm stress thành ra có ý nghĩa:

Trên bình diện tâm lý, quá nhiều stress sẽ ngăn cản người ta đối phó đúng mức với cuộc sống. Nhận định về hoàn cảnh sống của họ có thể kém sáng suốt đi (một phê phán không đáng kể của một người bạn cũng làm cho họ mất bình tĩnh), và – khi stress quá mức – các phản ứng xúc cảm có thể trầm trọng đến mức khiến cho ta không còn khả năng hành động gì cả. Hơn nữa, người bị quá nhiều stress sẽ sụt giảm khả năng đối phó với các tác nhân gây stress mới nảy sinh. Như vậy khả năng đề kháng stress trong tương lai sẽ giảm đi do hậu quả của stress trong quá khứ.

2. Mô hình hội chứng thích ứng tổng quát: Diễn biến của stress

Các ảnh hưởng của stress được minh họa qua một mô hình do lý thuyết gia stress nổi tiếng là Hans Selye (Selye, 1976) xây dựng. Mô hình này là Hội chứng thích ứng tổng quát (General adaptation syndrome, viết tắt là GAS), cho rằng bất kể nguyên nhân đặc biệt gây stress là gì cũng đều xảy ra một loạt phản ứng sinh lý giống nhau trong mọi trường hợp.

Như trình bày ở Hình 15–1 dưới đây, mô hình này gồm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, gọi là giai đoạn báo động và động viên năng lực (alarm and mobilization stage), xảy ra khi người ta ý thức sự hiện diện của tác nhân gây stress. Thí dụ, giả sử bạn biết rằng vào cuối học kỳ đầu ở đại học bạn phải qua thử thách học vấn vì điểm thấp. Có lẽ trước tiên bạn sẽ phản ứng bằng sự báo động cảnh giác, cảm thấy lo âu và bối rối. Dù vậy, sau đó có lẽ bạn sẽ bắt đầu động viên mọi nỗ lực của mình; trù liệu kế hoạch và hứa với lòng sẽ học tập chuyên cần hơn trong học kỳ sau.

Hình 15–1: Hội chứng thích ứng tổng quát (GAS) cho rằng phản ứng với stress của con người bao gồm ba giai đoạn chủ yếu (Selye, 1976).

Về mặt tâm lý, phân hệ thần kinh giao cảm được kích thích trong suốt giai đoạn báo động và động viên này. Sự kéo dài tình trạng phát động hệ thần kinh này có thể dẫn đến các rối loạn trong hệ tuần hoàn máu hoặc bệnh loét dạ dày và cơ thể dễ mắc nhiều thứ bệnh khác.

Trong giai đoạn thứ hai của mô hình, gọi là giai đoạn đề kháng (resistance stage), bạn sẽ dọn mình để đấu tranh với tác nhân gây stress. Trong giai đoạn đề kháng, con người dùng rất nhiều biện pháp để đối phó với tác nhân gây stress – đôi khi thành công – nhưng với cái giá phải trả là đánh mất phần nào hạnh phúc nói chung về mặt cơ thể hay về mặt sinh lý. Chẳng hạn, nỗ lực đề kháng của bạn có thể dưới dạng dành nhiều thời gian để học tập hơn. Sau cùng, bạn có thể đạt được điểm thi cao hơn, nhưng có lẽ bạn phải hy sinh thời gian dành để ngủ nghê và trải qua nhiều lúc lo âu.

Nếu đề kháng không đúng mức, bạn sẽ tiến đến thời kỳ cuối cùng là giai đoạn kiệt sức (exhaustion stase). Trong giai đoạn này, khả năng thích ứng với tác nhân gây stress của con người sút giảm xuống đến mức các hậu quả tệ hại của stress xuất hiện: bệnh cơ thể, các triệu chứng tâm lý dưới dạng mất khả năng tập trung tinh thần, dễ cáu giận, hoặc trong một vài trường hợp, bị mất định hướng và mất khả năng tiếp xúc với thực tại. Theo một ý nghĩa nào đó, người ta hoàn toàn kiệt sức. Chẳng hạn, nếu bạn bị đè bẹp bởi áp lực đạt được thành tích khả quan trong mọi môn học, bạn có thể bị ngã bệnh hay thấy mình không còn đủ sức học nữa.

Dĩ nhiên, không phải mọi người đều tiến đến giai đoạn kiệt sức. Nếu người ta có thể đề kháng được tác nhân gây stress ở giai đoạn hai, thì năng lực thể chất của họ không bị tiêu hao hết và có thể phục hồi được, nhờ đó tránh được tình trạng kiệt sức.

Người ta làm cách nào để vượt qua giai đoạn thứ ba này một khi đã lỡ lâm vào? Trong một số trường hợp, tình trạng kiệt sức cũng có nghĩa là người ta có thể tránh né được tác nhân gây stress. Thí dụ, những người bị ngã bệnh vì làm việc quá sức có thể được miễn trừ thi hành bổn phận trong một thời gian, nhờ đó họ được tạm thời miễn trách. Như vậy, ít ra stress trước mắt bị giảm đi trong một thời gian.

Mô hình GAS có ảnh hưởng quan trọng đối với việc tìm hiểu của chúng ta về stress. Chẳng hạn, nhờ quan điểm cho rằng tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng trong giai đoạn thứ ba gây tổn thương về mặt sinh lý, mô hình này đã đưa ra một lý giải đặc biệt về hậu quả gây bệnh của stress. Ngoài ra, mô hình này có thể áp dụng cả cho con người cũng như các loài động vật khác.

Ngược lại, người ta cũng đã đặt nghi vấn về một vài điểm đặc biệt của mô hình GAS. Một trong những phê phán quan trọng nhất nhắm vào quan niệm của lý thuyết này về phản ứng khẩn trương của phân hệ thần kinh giao cảm được phát động trong suốt giai đoạn báo động và động viên năng lực. Lý thuyết này cho rằng phản ứng đều giống nhau trên căn bản đối với bất kỳ loại tác nhân gây stress nào. Thế nhưng, một số nhà phê bình lập luận rằng một số tác nhân gây stress nhất định là nguyên nhân của các phản ứng sinh lý cá biệt, như chúng thúc đẩy một vài loại hormone đặc biệt tiết ra. Do đó, các phản ứng do stress gây ra có thể không tương đồng với nhau lắm như chủ trương của GAS.

Hơn nữa, mô hình này hoàn toàn căn cứ vào các nhân tố sinh lý nên không quan tâm nhiều đến các nguyên nhân tâm lý, nhất là trong các trường hợp các tác nhân gây stress được đánh giá khác biệt nhau tùy mỗi người. Dù sao, mô hình này vẫn đề ra một cơ sở cho việc tìm hiểu stress của chúng ta.

3. Bản chất của các tác nhân gây stress: stress đối với tôi, lại là niềm vui đối với bạn

Như đã đề cập ở trên, mô hình GAS hữu ích cho việc giải thích phản ứng đối với stress, nhưng nó lại thiếu cụ thể về các yếu tố hình thành tác nhân gây stress đối với một cá nhân nhất định. Mặc dù hiển nhiên một số biến cố nhất định, như cái chết của một người thân thương hoặc tham gia cuộc chiếc tranh chẳng hạn, hầu như đều gây căng thẳng chung cho mọi người, nhưng các tình huống khác có thể hoặc không gây căng thẳng cho một cá nhân nào đó. Thí dụ, hãy xét trường hợp đua ôtô chẳng hạn. Một số người chúng ta cho rằng lái xe hơi với tốc độ nguy hiểm là một hành động vô cùng căng thăng, một hành động rất có thể gây ra các phản ứng giống như các biến cố gây căng thẳng khác. Nhưng đối với một số người khác thì đua ôtô là một hành động thách đố rất hào hứng. Thay vì cảm thấy stress, họ mong chờ được dịp lái xe trên vòng đua với tốc độ 200 dặm/giờ. Như vậy, đua xe gây căng thẳng hay không còn tùy thuộc phần lớn vào cảm nhận của một người đối với hoạt động này.

Đối với những người xem một biến cố nào đó gây căng thẳng, họ phải nhận định biến cố ấy gây đe dọa và không đủ năng lực để đối phó hữu hiệu. Do đó, cùng một sự việc đôi khi là biến cố gây căng thẳng, nhưng vào lúc khác lại chẳng gây ra chút phản ứng căng thẳng nào cả. Thí dụ, một thanh niên có thể cảm thấy căng thẳng khi bị thất hẹn – nếu anh ta quy trách sự khước từ đó cho tình trạng kém hấp dẫn hay kém giá trị của mình. Nhưng nếu anh ta quy trách sự khước từ ấy cho một nhân tố nào đó không liên quan gì đến lòng tự ái, như sự giao hẹn trước đó của người phụ nữ khi anh ta đề nghị gặp gỡ chẳng hạn, thì cảm nhận bị khước từ có thể không gây căng thẳng chút nào cả. Do đó, các nhân tố thuộc tiến trình trí tuệ liên quan đến cách giải thích biến cố của chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định xem biến cố nào gây ra tình trạng căng thẳng.

Nhiều nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ trầm trọng của stress. Chẳng hạn, mức độ căng thẳng sẽ cao hơn khi tầm quan trọng cũng như số lượng mục tiêu muốn đạt đến tỏ ra nhiều đe dọa, khi mối đe dọa cận kề, hoặc khi biến cố gây đe dọa có nguy cơ lan rộng qua một thời gian dài.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3