Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 3 - Phần 4

Kế tiếp giai đoạn là việc ông làm quyền quan tỉnh giữa những năm 1884 và 1894. Cao Xuân Dục cũng làm quen với các loại trách vụ: như tư pháp với chức vụ quyền án sát sứ Hà Nội (8-10/1884), tài chính và hành chính như bố chính tỉnh Hà Nội (9-12/1885, 9/1888-7/1889). Cao Xuân Dục còn giữ các trách nhiệm chỉ huy lãnh đạo như làm tuần phủ tỉnh Hưng Yên (11/1889-2/1890), quyền tổng đốc NamĐịnh (2-9/1889). Lúc đó ông được bổ lên Sơn Tây làm tổng đốc thực thụ (10/1890-10/1894). Đường hoạn lộ của ông đương nhiên không tách rời khỏi tình hình chính trị lúc đó. Nhiệm vụ của ông ở Ứng Hòa trong hai năm 1882-1884, cuộc đàn áp nghĩa quân Bãi Sậy đã đột nhập Hà Nội năm 1885 và 1886 - khiến ông được Vua ban thưởng Kim khánh có chữ Nhung công (công trạng nơi chiến địa) - việc Đốc Tít và Đốc Lạng về hàng Triều đình và chính quyền thuộc địa năm 1890, là những bằng chứng đủ nói lên tài năng quân sự của ông. Nhưng không có biến cố đột xuất nào trên bước đường công danh của ông: chậm chạp và đều đặn. Ông chỉ lên đến chức tổng đốc thực thụ năm năm mươi bảy tuổi, ông còn được chính quyền thuộc địa thưởng Bắc đẩu bội tinh với danh hiệu Hiệp sĩ danh dự năm 1890 và Triều đình ban cho Nam Long bội tinh hạng nhất năm 1891 xác nhận vai trò trụ cột giữa Triều đình và của chính quyền thuộc địa[234].

[234] Phân tích phần đầu của con đường làm quan dựa trên các nguồn sau: ANV-KL, 2514, tờ 34-42. Patris Ch., “Notice nécrologique S.E. Cao Xuân Dục”, BAVH, (1923/10-12), tr.455-472. TL, kỷ V, q.2, 5, 7, t.36, tr.68, 159, 214.

Còn con đường làm quan của Đỗ Văn Tâm cũng có một dạng tương tự. Sinh ra ở xã Đại Gia huyện Thượng Phúc tỉnh Hà Nội, ông đỗ cử nhân năm 1876 rồi tiến sĩ năm 1880. Quá trình thăng tiến của ông cũng đều, hơi chậm hơn so với quy định[235]. Phải mất mười chín năm mới đi từ chánh bát phẩm đến chánh nhị phẩm, trung bình ba năm mới lên được một trật. Thoạt đầu ông làm hành tẩu bộ Binh ở Huế trong ba năm, sau đó làm công việc tu thư Quốc sử quán (tháng 1/1881 đến tháng 4/1882) rồi về làm quyền tri phủ Đa Phúc tỉnh Bắc Ninh.

[235] ANV-KL 2518, tờ 2-3.

Hình 20 - Đường hoạn lộ của Đỗ Văn Tâm, tổng đốc Hải Dương

Đối với Tâm có mười một năm làm quan ở các tỉnh: quyền án sát sứ Hưng Yên (9/1885-1/1886), rồi quyền án sát sứ tỉnh Bắc Ninh (5/1888-7/1889), quyền bố chính sứ tỉnh Hà Nam (4/1892-10/1894), quyền tuần phủ tỉnh Thái Bình (6/1895-10/1896), rồi tổng đốc tỉnh Hải Dương. Chính quyền thuộc địa đánh giá cao tính trung thực và học vấn của ông[236].

[236] ANV-RST 31156, hồ sơ hành trạng của Đỗ Văn Tâm.

Các trước tác của Đỗ Văn Tâm bao quát nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, luật pháp, địa lý. Chủ nghĩa chiết trung là nét nổi bật trong các trước tác của Đỗ Văn Tâm, Cao Xuân Dục, không tách rời khỏi con đường làm quan của hai ông. Những tác phẩm của các quan đương nhiệm cuối những năm 1890 chứng tỏ từ thời Tự Đức đã có sự liên tục trong lĩnh vực gián dục học, nghiên cứu lịch sử. Đỗ Văn Tâm tham gia tích cực công cuộc biên soạn lại sách giáo khoa bằng tiếng Hán do Triều đình khởi xướng và chủ trì năm 1898. Cũng năm đó Dương Lâm được bổ dụng làm Thượng thư bộ Công kiêm thêm chức phó tổng tài Quốc sử quán. Lúc này Triều đình chủ trương cải cách phương pháp dạy học và các chương trình khảo thí bèn chỉ định Dương Lâm điều khiển công việc tu sửa (kiểm thảo) các công trình của Quốc sử quán. Hợp tác với Đỗ Văn Tâm, Đoàn Triển và Bùi Hướng Thành, Dương Lâm đã biên soạn các sách giáo khoa cải cách[237]. Công việc biên soạn lại sách giáo khoa sau này cũng được tiến hành dưới thời toàn quyền Paul Beau từ 1907 đến 1908. Vả lại tính liên tục cũng nổi bật giữa hai cuộc vận động này vì lực lượng nòng cốt của những người đòi cải cách giáo dục cũng vẫn là các ông Đỗ Văn Tâm, Dương Lâm và Đoàn Triển. Được chỉ định là thành viên của Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ tháng 8/1906, phụ trách trường mẫu về chữ viết và phòng biên soạn sách giáo khoa bằng chữ Hán trực thuộc phủ thống sứ Bắc Kỳ (8/1907-11/1908), Đỗ Văn Tâm được giao duyệt lại các sách giáo khoa bậc sơ học, tiểu học và cao đẳng tiểu học trước khi đưa đi in[238].

[237] ANV-RST 54327, hồ sơ hành trạng của Dương Lâm. Cũng xem Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam(1993), tr. 101-102.

[238] Xem đoạn dưới.

Trước tác về lịch sử của một ông quan như Cao Xuân Dục đã từng là phó tổng tài, tổng tài Quốc sử quán rồi thượng thư bộ Học (1907-1913), chủ tịch tiểu ban duyệt lại các sách kinh điển (1907) cũng chứng minh tính liên tục của công việc này dưới triều Tự Đức. Ông tham gia vào việc hoàn thành các bộ sách lớn về lịch sử, địa lý đã được khởi xướng từ thời Tự Đức. Sau khi đồng chỉnh lý bộ Đại Nam nhất thống chí, xuất bản năm 1910, ông còn chủ trì biên soạn tập cuối nói về triều Đồng Khánh, bộ Đại Nam thực lục và phần cuối tập hai bộ Đại Nam liệt truyện công bố năm 1909. Ông cũng chủ trì việc biên soạn danh sách các nhà khoa bảng của các kỳ thi hương từ 1807 đến 1891 (Quốc triều hương khoa lục) và các kỳ thi đình từ 1822 đến 1891 (Quốc triều đăng khoa lục). Cuối cùng Cao Xuân Dục cũng chủ trì việc ấn loát các tác phẩm cổ điển về lịch sử, địa lý như Quốc triều toát yếu hoàn thành năm 1908, tóm tắt phần Tiền biên và sáu Kỷ đầu của phần Chính biên trong bộ Đại Nam thực lục; Đại Nam dư địa chí ước biên, tóm tắt của bộ Đại Nam nhất thống chí, công bố năm 1905. Những tác phẩm đó đáp ứng yêu cầu phổ cập kiến thức và áp dụng các chương trình dạy học, như tóm tắt Đại Nam nhất thống chí cốt để dạy địa lý trong các nhà trường.

Việc công bố các bản tóm tắt cũng như việc phổ biến rộng rãi những công trình là cụ thể hoá dự án cải cách được vua Tự Đức duyệt y năm 1880 và sau đó là đề nghị năm 1903 do cơ mật viện đưa ra. Ngoài ra sự nghiệp giáo dục của Cao Xuân Dục nằm trong bối cảnh một phong trào rộng lớn. Nhiều vị đại thần cuối thế kỷ XIX đã nghĩ đến phải cải cách nền giáo dục kinh điển.

Đầu thế kỷ XX các tác giả các công trình luật học cũng quan tâm đến việc phổ biến rộng rãi tác phẩm của mình, đáp ứng những nhu cầu của chính quyền địa phương và các tỉnh. Các quan tỉnh, huyện, cần phải nói rõ thêm điều này, sử dụng hàng ngày bộ Hoàng Việt luật lệ, công bố năm 1812 và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Chúng ta nhắc lại rằng bộ sách này dựa trên các đạo dụ ban bố giữa những năm 1802 và 1851. Các tư liệu được xếp đặt theo từng tên các cơ quan trọng yếu của chính quyền trung ương, từng loại vấn đề và theo thứ tự thời gian. Năm 1868 được in lần đầu và lưu hành rộng rãi khắp các tỉnh, năm 1894 được tái bản nhưng người ta hiện chưa biết điều kiện và quy mô phát hành ở Bắc Kỳ như thế nào[239]. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu hé cho biết thấy tình trạng thiếu các văn bản pháp luật ở các tỉnh, tình hình này gắn với cuộc chiến tranh chinh phục và “bình định”. Bằng chứng là năm 1898 có nhiều đơn của các quan tỉnh và công sứ Pháp yêu cầu bộ Hội điển. Việc công sứ Pháp ở Hải Phòng gửi thư cho phủ thống sứ Bắc Kỳ yêu cầu bản sao 6 bộ Hội điển bằng chữ Hán cho các quan tri phủ và tri huyện trong tỉnh nhưng viên thống sứ không đáp ứng được vì thư viện toà thống sứ chỉ có ba bản. Tháng 11/1898 công sứ Hải Phòng lại gửi đơn về khâm sứ Trung Kỳ xin năm mươi bản sao bộ Hội điển[240]. Cũng nhằm bổ khuyết những thiếu sót ấy mà năm 1909 đã công bố bản tóm tắt chỉnh lý Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, mang tên Đại Nam điển lệ toát yếu tân biên do Đỗ Văn Tâm san nhuận. Bổ sung vào tập trước là Quốc triều luật lệ toát yếu, tóm tắt những luật lệ hiện hành dưới triều Duy Tân do Cao Xuân Dục đề tựa năm 1908. Năm sau lại tiếp tục ấn hành tập Quốc triều luật học giản yếu do Đỗ Văn Tâm san nhuận và đề tựa. Nội dung tập sách là giải thích các thuật ngữ luật học dùng trong các văn bản luật lệ hiện hành dưới triều Duy Tân[241].

[239] Langlet, Ph., L’ancienne historiographie d’État au Viêt Nam. Raison d’être, conditions d’élaboration au siècle des Nguyên, (1990) tr.280-282, 295, 336-338, 462-475.

[240] ANV-RST 33594. Demandes de codes annamites pour les provinces du Tonkin (1898).

[241] Quốc triều luật lệ toát yếu (A.488). Quốc triều luật học giản yếu (A.895).

Tuy nhiên trước tác của Cao Xuân Dục và Đỗ Văn Tâm dù nội dung rất phong phú nhưng không che lấp được sự đóng góp trí tuệ của các quan khác. Về phương diện này phần lớn trong đó họ thường chỉ kế tục truyền thống cổ xưa biên soạn những bộ địa chí từng tỉnh. Hưng Hóa tỉnh phú(1897) của Vũ Phạm Hàm, án sát Hưng Hoá năm 1896. Ninh Bình sự tích (1893) do Nguyễn Văn Nhượng giáo thụ Ninh Bình và Nguyễn Văn Quý đồng biên soạn. Nam Định địa chí (1916) của Ngô Giáp Dậu đốc học tỉnh Nam Định soạn[242]. Những tác phẩm này lược lại lịch sử của tỉnh và sự phân chia các đơn vị hành chính, mô tả địa lý thủy văn, địa hình, khí hậu, đê điều, nguồn nông nghiệp và có thể khoáng sản, phong tục, các chức sắc, tổ chức thu thuế và hành chính, di tích khảo cổ (đền, chùa, thành quách…). Những tác phẩm này nằm trong dòng các văn bản của đầu thế kỷ XIX như Tuyên Quang tỉnh phú (1861) của Đặng Xuân Bảng hay Hưng Hoá kỷ lược (1850) của Phạm Thận Duật, tri châu Tuần Giáo biên soạn[243]. Nếu chúng ra đời do sáng kiến cá nhân nhưng lại đáp ứng mong đợi của Triều đình đang khuyến khích các quan tỉnh nên biên soạn những tập địa chí của tỉnh mình, một công việc muốn làm được phải nắm vững địa hạt mình cai quản.

[242] Hưng Hóa tỉnh phú (A.471, A.1055). Ninh Bình sự tích (A.1406).ANV-RST 47746. Monographie de la province Nam Dinh par le dôc hoc Ngo Giap Dau (1916).

[243] Xem đoạn dưới.

Về tính chuyên nghiệp và uy tín cá nhân - đặc trưng của nhóm tuổi này - cũng là hệ quả của bối cảnh chính trị. Nói một cách khác đa số đường công danh của các quan, tác giả các công trình địa chí này ít lệ thuộc vào nhà cầm quyền thuộc địa. Nếu có trường hợp họ có tham gia các cuộc hành binh chinh phục và bình định nhưng không phải là yếu tố quyết định sự nghiệp công danh của họ vì họ đã ở vị trí cao trong hệ thống quan trường rồi.

- Các quan đỗ đạt thăng chức nhanh

Họ tạo một nhóm trung gian vì con đường làm quan của họ mang dấu ấn của dạng thứ nhất lẫn dạng thứ ba. Họ được đào tạo theo cách của nhóm thứ nhất nhưng việc họ dính líu vào các cuộc hành binh chinh phục và “bình định” tuy không phải là yếu tố quyết định đối với sự nghiệp công danh của họ nhưng họ gắn với cách thăng quan tiến chức của nhóm thứ ba. Tiêu biểu cho nhóm giữa này là Nguyễn Hữu Toản và Nguyễn Hữu Đắc[244].

[244] Xem phụ lục 5.

Là con trai của Nguyễn Hữu Lập, quan tòng tam phẩm, Nguyễn Hữu Toản được bổ làm quan năm 1871 với danh hiệu ấm thụ và hàn lâm viên đãi chiếu, do đó được ban tòng cửu phẩm. Đỗ kỳ thi ấm thụ năm 1878, quá trình thăng quan lúc đầu chậm chạp: mười một năm ở cấp tòng cửu phẩm nhưng đoạn từ chánh thất phẩm lên tòng nhị phẩm tương đối nhanh (1886-1894). Sau một thời gian được bổ đồng tri phủ Lạng Giang, ông được bổ nhiệm hậu bổ ở Lạng Sơn rồi lãnh kinh lịch trong nha môn các quan tỉnh, sau đó được bổ tri châu các châu Văn Uyên, Lộc Bình. Cuối thời kỳ làm quan ở địa phương và các phòng ở tỉnh (1884) mở ra giai đoạn hai thăng chức rất nhanh nhờ tham gia trấn áp các phong trào nổi dậy. Như năm 1886 mới là quyền tri huyện Yên Đông (tỉnh Bắc Giang), ông tham gia bình định vùng Yên Thế, Việt Yên và Yên Dũng là theo yêu cầu của công sứ Bắc Ninh, rồi năm 1886 tham gia các cuộc hành binh với chức tán tương quân vụ[245]. Ông được ban thưởng Kim khánh năm 1889[246]. Hiếm có người được ban thưởng Kim khánh. Trong nhóm bốn mươi lăm đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chỉ có bốn người từ quan tòng tứ phẩm đến tòng nhị phẩm được hưởng đặc ân này. Sau khi làm quyền án sát tỉnh Bắc Ninh rồi Hải Dương (tháng 10/1889 - tháng 1/1891) ông được bổ quyền tuần phủ Hưng Hóa sau đó đổi về làm quyền tuần phủ rồi tuần phủ thực thụ Hưng Yên (tháng 5/1892-tháng 2/1896). Đến tháng 2/1896 ông được điều về Hà Nội làm quyền tổng đốc.

[245] ANV-RST 34870, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Toản. ANV-KL 2514, tờ 8-9.

[246] Xem Đặng Ngọc Oanh, Les distinctions honorifiques annamites, BAVH, (1915/11-12), tr.391-406. Cũng xem Gillingham, H.E., Notes on the Decorations and Medals of the French Colonies and Protectorates, (1928). Lacroix, D., Numismatique annamite, (1900). Schroeder, A., Annam, Etudes numismatique, (1905). Thierry F., Catalogues des monnaies vietnamiennes, (1988).

Hình 21 - Đường hoạn lộ của Nguyễn Hữu Toản, quyền tổng đốc Hà Nội

Con đường làm quan của Nguyễn Hữu Đức cững có dạng tương tự. Quê xã Nhân Mục huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội ông đỗ cử nhân năm 1888. Đến năm 1893 ông được thăng chức đều đều rồi bắt đầu nhanh từ 1895 từ quan chánh thất phẩm đến chánh ngũ phẩm[247].

[247] Xem ANV-KL 2518, tờ 5.

Hình 22 - Đường hoạn lộ của Nguyễn Hữu Đắc, án sát Hải Dương

Thoạt đầu Nguyễn Hữu Đắc bước vào quan trường với chức quan nhỏ đứng đầu một số phủ, huyện trong tỉnh NamĐịnh (6/1890-1/1892): tri huyện Việt Yên, Yên Phong và tri phủ Đa Phúc. Từ tháng 1/1892 đến tháng 2/1894 tham gia hành quân làm bang tá quân vụ và tán tương quân vụ nhờ đó đã được thăng quan tiến chức nhanh hơn hẳn giai đoạn trước. Tháng 2/1894 ông được bổ án sát Thái Nguyên rồi án sát Hải Dương tháng 3/1894.

Xem xét quá trình thăng tiến của các quan trên đây thấy rõ tham gia công việc binh cơ là một yếu tố thúc đẩy nhưng chỉ phát huy tác dụng ở giai đoạn sau và cũng không có gì gọi là vượt bậc.

- Hoạn lộ của các quan xây dựng bằng tham gia các cuộc chinh phục và “bình định”

Các vị này khác với các vị trong nhóm trước ở chỗ họ dính líu mạnh mẽ vào các cuộc hành binh bình định góp phần hoàn thành cuộc chinh phục thuộc địa của người Pháp và gần gũi nhiều hơn với các quan kinh lược.

Nhóm này có thể chia nhỏ ra thành bốn nhóm: những người đỗ đạt mà đường hoạn lộ bị đổ vỡ và nay nhờ cuộc chinh phục của người Pháp mà được phục hồi; những người đã chiêu mộ binh lính từ lâu trước khi có cuộc chinh phục; những người từ nha môn các quan; các cựu ký lục.

Cuộc chinh phục của Pháp: cơ hội cho các cựu quan trở lại quan trường

Những ông quan trong nhóm này trước đây đã có thời gian mở đầu con đường làm quan theo cách cổ điển, kinh qua nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm trong các cơ quan hành chính của Triều đình, của các tỉnh, các huyện trước khi phải gián đoạn đột ngột. Do phạm lỗi nặng nên còn lâu hoặc không thể khắc phục được để trở lại làm quan, nếu như cuộc can thiệp quân sự của Pháp không tạo cơ hội cho họ trở nên cần thiết. Thành công của công cuộc chinh phục ngay từ đầu đã dựa vào khả năng của nhà chức trách Pháp liên minh được với một bộ phận giới thượng lưu Việt Nam vốn có ảnh hưởng cắm rễ sâu trong dân chúng, nên đã góp phần quyết định vào việc hoàn thành cuộc chinh phục. Để tưởng lệ công lao đương nhiên người Pháp đã ban thưởng rất hậu: đường hoạn lộ của Đào Trọng Kỳ và Lê Bảng là những thí dụ tiêu biểu[248].

[248] Dương Danh Lập và Nguyễn Đình Khang cũng thuộc vào nhóm này. Xem con đường làm quan của họ ở phụ lục 5.

Sinh ở xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương), Đào Trọng Kỳ đỗ cử nhân năm 1864, dự thi hội có phân số năm năm sau[249]. Sự thăng tiến của viên quan này trải qua nhiều bước gian truân. Có thể chia là ba giai đoạn: 1864-1873, 1873-1887 và 1887-1896. Giai đoạn đầu là giai đoạn cổ điển. Thăng quan tiến chức chậm: bảy năm sau khi đỗ thi hương (chánh bát phẩm) mới được bổ tri huyện (tòng lục phẩm). Trong thời gian này ông trải qua nhiều vị trí xen kẽ nhau, tại các cơ quan trung ương - hành tẩu ở sở ty luân trực thuộc viện cơ mật, hàn lâm viện trước tác - rồi tại các tỉnh như quyền đồng tri phủ Nghĩa Hưng, quyền tri phủ Kiến Xương. Ông bị cách chức và bị tước hết phẩm hàm năm 1873 vì đã giúp Francis Garnier chiếm được thành Vị Hoàng (Nam Định). Một năm sau quan kinh lược Bắc Kỳ Nguyễn Chính phái ông đi Nghệ An tham gia đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng (tháng 4/1874). Thành tích của ông đặc biệt trong việc lấy lại thành Quỳ Châu được thưởng ngân tiền mang bốn chữ Sử dân phú thọ (đã làm cho dân sống lâu và phồn vinh)[250]. Tuy nhiên năm 1875 sau vụ án các quan mắc lỗi năm 1873 nhà vua cấm ông suốt đời không được làm việc trong bộ máy công quyền (vĩnh bất tự dụng).

[249] ANV-KL 2521, tờ 2-4.

[250] TL, kỷ IV, q.50-51, t.33, tr.27-28, 35, 37, 40, 58, 61, 68-70.

Hình 23 - Đường hoạn lộ của Đào Trọng Kỳ, tổng đốc Sơn Tây

Việc ông tham gia vào các cuộc đàn áp ở Hải Dương (phủ Ninh Giang và huyện Chí Linh) từ tháng giêng năm 1883 đến tháng 11/1887 cho phép ông trở lại quan trường với cấp bậc chánh bát phẩm năm 1887. Từ đây ông thăng quan rất nhanh một cách đột biến. Chỉ trong một năm (1887-1888) ông được thăng sáu bậc từ chánh bát phẩm đến chánh ngũ phẩm. Từ tháng 6/1888 ông được bổ quyền án sát trong bảy năm 1889 đến 1896 và cuối cùng năm 1890 ông được Nhà nước bảo hộ ban thưởng Bắc đẩu bội tinh hàm Hiệp sĩ danh dự để ghi nhận công lao của ông trên bậc thang danh vọng.

Đường hoạn lộ của Lê Bảng cũng có dạng tương tự. Là con trai của Lê Lượng - đỗ phó bảng năm 1865, lang trung bộ Hộ và sau đó bố chính[251] - Lê Bảng là người quê xã Kim Nãi huyện Phong Phú tỉnh Quảng Bình, đỗ cử nhân năm 1861. Con đường làm quan của ông cũng trải qua ba giai đoạn, giai đoạn 1 từ 1861 đến 1876, giai đoạn hai từ 1876 đến 1884 và giai đoạn 3 từ 1884 đến 1896. Giai đoạn 1 là giai đoạn cổ điển, tiến chầm chậm, bước thứ nhất từ chánh bát phẩm năm 1861 đến 1865, bước thứ hai từ 1865 đến 1872 leo đến chánh lục phẩm và bước thứ ba từ 1873 đến 1876 với cấp chánh ngũ phẩm. Ông đảm nhiệm nhiều công việc trong các bộ: hàn lâm viện kiểm thảo ở viện tập hiền, lang trung bộ Binh rồi bổ quyền án sát Quảng Ngãi năm 1873. Ông bị cách quan năm 1876, bị tước hết mọi phẩm hàm vì đã hạ lệnh chém đầu các lái buôn người Hoa mà không xin ý kiến cấp trên. Ông bị sung làm lính thường tại Thái Nguyên để chuộc tội[252].

[251] ANV-RST 31274, hồ sơ hành trạng của Lê Bảng. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam…, sđd, tr.862.

[252] ANV-KL 2516, tờ 46, ANV-RST 31274, hồ sơ hành trạng của Lê Bảng.

Hình 24 - Đường hoạn lộ của Lê Bảng, tuần phủ Ninh Bình

Chúng ta hãy dừng lại xem xét việc chuộc tội (hiệu lực) đối với một ông quan để tránh mọi cách hiểu nhập nhằng nước đôi. Sự xuất hiện nhiều lần hiện tượng này trong lưu trữ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX không thể đưa chúng ta đến hiểu sai. Được triệt để pháp điển hoá và có khá lâu từ trước cuộc chinh phục thuộc địa, biện pháp này tuyệt nhiên không phải một sự trục trặc về quy tắc quan trường. Được vận hành từ 1802 đến 1884, hình thức chuộc tội này không nhất thiết là phải tham gia các cuộc hành binh, bằng chứng là các đoàn tuỳ tùng các phái bộ đi sứ Trung Hoa năm 1830. Không những các thành viên sứ bộ không thể kiếm được những sách do nhà vua yêu cầu, không nghiên cứu được tình hình Trung Hoa, nhưng họ lại mua cho bản thân họ số hàng nhiều gấp đôi số hàng mua cho nhà nước. Hai quan phó sứ (trong đó có Phan Huy Chú) đã bị cách chức và phải chuộc tội. Cuối 1832 họ lại được theo phái bộ đi sứ Batavia và năm sau họ được phục hồi mọi chức vụ trước đây[253]. Thân Văn Quyên, Hà Tông Quyền, Lý Văn Phúc cũng là những ví dụ rõ ràng: phạm lỗi trong thực thi trách vụ, họ đã chuộc tội bằng tham gia sứ bộ đi Luçon và Xingapo[254].

[253] Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, sđd, tr. 14-15.

[254] Thân Trọng Huề, “Bảo hộ quan trường”, Nam Phong, 27 (1919/9), tr. 192-202.

Chúng ta gặp lại Lê Bảng mười năm sau khi bị cách chức. Chiến tích của ông đã khiến ông được phép trở lại quan trường và có bước thăng tiến rất nhanh: mười trật trong ba năm (chánh bát phẩm đến chánh tam phẩm từ 1884 đến 1887). Ông đã leo lên tột đỉnh danh vọng và được ban thưởng huân chương hiệp sĩ (1888) và Nam Long bội tinh (1891), rồi Bắc đẩu bội tinh (1894). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Thái Nguyên, ông lại được phái làm bang tá tỉnh vụ rồi quyền nhiếp án sát Bắc Ninh (tháng 6/1884 - tháng 10/1886). Được trở lại Thái Nguyên với chức bố chính, quyền nhiếp tuần phủ. Ông làm việc ở đó ít lâu rồi đổi về Hải Dương làm bố chính rồi quyền tổng đốc Hải Dương (5/1891- 4/1895) trước khi được thăng chức tuần phủ Ninh Bình.

Do tình hình rối loạn về hành chính, nếu cuộc chinh phục của Pháp đã cho phép các ông quan ở nhóm này làm lại hoạn lộ của mình một cách chớp nhoáng, thì đó không phải là cách giải thích duy nhất. Cần phải xem tính thường trực của cơ chế quan trường như thế nào để đặt lại họ vào vị trí lâu dài hơn: trong nửa đầu thế kỷ XIX, sự tiến cử của ông “chủ” mới là một phương tiện giúp một ông quan đã bị giáng chức nặng nề làm lại sự nghiệp của mình. Vì vậy sự can thiệp của kinh lược Nguyễn Chính năm 1894 đối với Đào Trọng Kỳ, cũng như sự can thiệp của các quan đầu tỉnh Thái Nguyên trong năm 1884 đối với Lê Bảng chẳng đã tạo nên một sự đoạn tuyệt với thời kỳ trước đó sao?[255]

[255] Smith, R., “Politics and Society in Viêt Nam…”, sđd, tr.160.

Các quan đã mộ quân từ trước cuộc chinh phục

Trong các trường hợp trước nếu cuộc chinh phục rồi “bình định” đã là một phương tiện để các quan mở lại con đường công danh mới thì trong các trường hợp sau đây con đường làm quan lại bắt đầu bằng sự tham gia vào các cuộc hành binh chinh phục. Trước đó họ đã có kinh nghiệm lâu dài về quân sự. Những người này xuất hiện như những quân nhân đã chuyên đi đàn áp các cuộc nổi dậy nên thấy cuộc chinh phục là một đòn bẩy để thăng quan tiến chức.

Sinh ra ở làng Đồn Thư (huyện Thanh Oai tỉnh Hà Nội), Vũ Nghĩa Quỳ từ 1868 đã mộ binh và tham gia tích cực vào các cuộc hành binh trong thời gian từ tháng 11/1868 đến tháng 11/1879[256]. Nhờ đó ông đã thăng trật chánh ngũ phẩm năm 1871, nhưng sau đó thăng rất chậm mà bước đầu là 16 năm đứng lại ở chánh ngũ phẩm trong lúc ông đã kinh qua nhiều chức vụ trong bộ máy hành chính địa phương (phủ, huyện) tỉnh và ở bộ. Thông phán ở ty phiên tỉnh Cao Bằng từ tháng 8/1880 đến tháng 1/1883, sau đó đổi vào Huế làm biện sự ở viện cơ mật, từ tháng 4/1886 đến tháng 12/1886 là đồng tri phủ Vĩnh Tường (Sơn Tây), rồi quyền án sát Lạng Sơn. Tháng 11/1887 làm bố chính Quảng Yên. Sau một thời gian làm việc ở nha kinh lược tháng 4/1889 ông tham gia hành quân tiễu phạt với tư cách là bang tá quân vụ, quyền án sát tỉnh Tuyên Quang từ tháng 12/1889 đến tháng 7/1890, sau đó được bổ nhiệm án sát từ tháng 4/1892 đến tháng 4/1896 tại các tỉnh Hưng Hoá, Bắc Ninh, Ninh Bình rồi cuối cùng là Nam Định.

[256] Xem ANV-KL, 2514, tờ 42-45.

Lâu năm trong quân ngũ: gần mười năm từ khi ông bắt đầu gia nhập quan trường - khiến ông phải tham gia tích cực các vào cuộc “bình định” mười năm sau là nhân tố quyết định sự thăng tiến của ông[257].

[257] Nguyễn Văn Cộng cũng có quá trình tương tự. Xem phụ lục 5.

Hình 25 - Đường hoạn lộ của Vũ Nghĩa Quỳ, án sát NamĐịnh

Những người xuất thân từ các nha môn và các cơ quan chính quyền thuộc địa

Việc một nhân viên thường trở thành quan không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng như ở nửa đầu thế kỷ XIX, không có một quy định nào cấm đoán việc một viên thư lại trở thành quan[258].

Xem xét các bước đầu hoạn lộ dẫn chúng ta đến chỗ phân biệt hai loại nhỏ: một là thăng chức chậm sau đó thì thăng tiến nhanh; một loại làm quan ngay.

[258] Xem đoạn trên.

Có kinh nghiệm lâu dài làm nhân viên hay trưởng phòng tại các trung tâm quyền lực của Pháp hoặc Việt (như nha kinh lược) đã tạo thuận lợi cho việc thu thập thông tin, lập một mạng lưới quan hệ để đi vào quan trường[259]. Vương Hữu Bình và Nguyễn Đình Quang là những trường hợp tiêu biểu.

[259] Con đường làm quan của Lê Nguyên Huy, Nguyễn Thuật, Nguyễn Tiến, Nguyễn Văn Đạt thuộc về hạng này. Xem phụ lục 5.

Vương Hữu Bình là con trai Vương Hữu Quang, công chức cao cấp gốc Hoa, đỗ cử nhân năm 1825 được vua các triều đánh giá cao[260].

[260] Hãy thuật lại các giai đoạn của con đường làm quan của ông như sau: bố chính Hà Nội năm 1847, tả tham tri bộ Lại, tham gia sứ bộ đi Trung Hoa năm 1849, quyền tổng đốc Bình Phú năm 1851. 10 năm sau ông dâng sớ đề nghị 6 điều để đàn áp công giáo. TL, kỷ IV, q. 1, 3-6, 9, t.27, tr.42, 181, 194, 214, 217, 289, 423, QTHKL, tr. 150.

Hình 26 - Đường hoạn lộ của Vương Hữu Bình, tuần phủ Thái Bình