Ván bài lật ngửa - Phần IV - Chương 13

P4 - Chương 13

Khu
rừng Bình Chánh rậm rạp, đó là khu rừng nguyên thủy hiếm hoi còn sót ở phía bắc
tỉnh. Nó nằm tận phía trên làng Tân Tịch, đối diện với Rạch Động bên kia sông.
Đường kiểm lâm vào rừng quanh co, lầy cát...

Trong
kháng chiến, có lúc tỉnh đội Thủ Biên đóng ở đây. Sau hiệp định Genève, các
nhóm trộm cướp chọn khu rừng làm nơi ẩn náu. Chiến dịch Trương Tấn Bửu kết thúc
thì khu rừng trở nên bí hiểm. Dân quanh vùng không ai dám vào rừng. Đôi người
nhổ nấm có đi mà không có về... Người ta đồn rằng một đảng cướp bề thế tên là
Rừng Xanh đặt sào huyệt giữa rừng...

Khu
rừng rộng chừng năm mươi mẫu
tây, đứng từ xa đã có thể trông thấy chòm cây cao xanh rờn.

Chưa có
một lực lượng vũ trang nào của Chính phủ mò đến đây. Tề các làng tiếp giáp với
rừng Bình Chánh mỗi khi nhắc tới khu rừng phải hạ giọng.

Những
cuộc khủng bố ghê rợn nhất, ai cũng biết, người của đảng Rừng Xanh thực hiện
khắp tỉnh Bình Dương, Bình Long, Biên Hòa. Lúc đầu, dân chúng hơi lạ: đảng cướp
mà được tiếp tế gạo thịt bằng xe cam nhông, đôi khi bằng ca nô. Rồi, mọi người
hiểu ra: đảng cướp ăn chia với Chính phủ. Và, mọi người gọi đảng cướp bằng cái
tên mới: biệt kích Mỹ.

Tất
nhiên; dân chúng không hiểu được trại biệt kích Mỹ ở Bình Chánh nầy - cũng như
trại Bình Hưng của linh mục người Tàu Nguyễn Lạc Hóa ở vịnh Thái Lan, sát rừng
U Minh – chưa được Chính phủ Mỹ công khai cho phép hoạt động, với Chính phủ
Diệm, càng không được chấp nhận cho nên nó phải kín đáo. Nó không giống các
trại biệt kích chuyên tung thám báo ra miền Bắc do Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thỏa
thuận một chương trình hành động từ vài năm qua. Mặc dù cả hai hướng đều do
Fishell phụ trách. Người đại diện của CIA có hai bộ máy làm việc riêng biệt.
Trường đào tạo thám báo đánh ra miền Bắc đặt ở Nha Trang, còn trường đào tạo
biệt kích nội địa, ngay trong vòng rào Phú Lợi.

Trại
Bình Chánh được dựng lên từ đảng cướp Rừng Xanh – nay bổ sung thêm nhiều lính
mộ trong hạng cặn bã xã hội ở các thành phố. Phạm Văn Bời, đảng trưởng Rừng
Xanh đồng thời là đại tá biệt kích.

Chiến
dịch “Cơn hồng thủy” đe dọa trại Bình Chánh. Những bộ hạ của Phạm Văn Bời, thường
là sĩ quan chỉ huy bảo an các đồn, lần lượt bị cách chức hay đổi chỗ. Mất nhân
mối bên trong, tầm hoạt động của trại hạn chế dần. Yến Thu rời Phú Cường bởi Vũ
Thành Khuynh bị gọi về Bộ Tổng tham mưu, tỉnh trưởng mới là trung tá Huỳnh Văn
Còn có vẻ ăn cánh với Nguyễn Thành Luân. Lực lượng dân vệ phát triển, làng xóm
được canh gác nghiêm mật.

Cướp
bóc hay biệt kích đều khó, nhiều lần cánh Rừng Xanh phải cõng đồng bọn bị
thương về căn cứ, bụng đói meo. Luồng tiếp tế vừa khai thông có một chuyến, Bá
Thượng Đài suýt vô khám nếu Ly Kai không dúi cho Trần Lệ Xuân một món tiền lớn.
Trần Vĩnh Đắt co vòi. Ngay trường huấn luyện Phú Lợi cũng đã dự định dời đến
một chỗ khác...

Các
nhóm của Rừng Xanh rút về Bình Chánh. Cái túi khá to, chứa gần hai trăm con người, sống lây lất.

Fishell
nhiều lần ngỏ ý với Durbow gây sức ép để Diệm chấm dứt nhiệm vụ của Nguyễn
Thành Luân, nhưng đại sứ Mỹ không tán thành. Lấy cớ gì mới được chứ? Chẳng có
cớ nào cả. Trong khi đó, cái lưới của Luân tung ra đang thắt lần quanh trại.

Trần
Viết Lượng đề nghị Fishell cho di tản đảng Rừng Xanh xuống bán đảo An Sơn.
Fishell đi thị sát vùng đó, nhưng thấy không ổn vì vẫn nằm trong phạm vi chỉ
huy của Luân. Sau cùng Lượng chọn được một khu vực trên đường 14, nơi giáp ba
tỉnh Biên Hòa, Quảng Đức và Lâm Đồng. Kế hoạch di tản thảo xong: năm chiếc GMC
sẽ bốc toàn bộ đảng Rừng Xanh chạy một mạch đến đó... Cần thêm một ngày nữa.

*

Luân
vừa ra khỏi cổng chưa đến năm phút. Thạch về, anh còn bận ít việc ở rừng chồi
nên không cùng về với Dung. Chiếc Land Rover của Thạch lại vọt ra cổng, đuổi
theo Luân.

Đoàn xe
của Luân gồm ba chiếc Jeep phóng hết tốc độ. Luân ngồi chiếc xe chạy giữa, cạnh
tài xế Toàn. Sau anh là một chuẩn úy, tên Thục, trong đội cận vệ sở chỉ huy.
Trung úy Vi ngồi giữa. Một hạ sĩ truyền tin với chiếc máy bộ đàm lúc nào cũng
kêu rè rè ngồi phía ngoài. Hai xe kia đều là cảnh vệ.

Khi xe
rẽ vào con đường cát, tốc độ chậm hẳn và cự li giữa ba xe cũng không còn giữ
như cũ. Chốc chốc xe xô mạnh, hất tung. Tuy nhờ mưa, đường cát có dẽ, những vốn
là đường xe bò, rất gồ ghề...

Luân
xem đồng hồ tay: 9 giờ 7 phút. Giờ nổ súng quy định thống nhất là 9 giờ 35. Còn
non nửa giờ nữa. Nửa giờ để vượt mươi cây số.

Trung
sĩ Toàn thỉnh thoảng liếc Luân. Anh chàng lái xe ba gai nầy – Luân nghĩ
- muốn phân bua với Luân về con đường quá tồi chớ
không phải “tiên chỉ” lái tồi. Cho nên Luân đáp cái liếc của Toàn bằng nụ cười
động viên.

Chuẩn
úy Thục mặt nặng trình trịch, tay không rời báng súng ngắn. Trung úy Vi thì
ngó láo liên, anh chưa từng ra trận. Xe càng dấn sâu vào ven rừng, Vi càng
hoảng bộ râu Clark Gable của anh bây giờ trông thật hài hước, nó luôn động đậy.
Còn hạ sĩ truyền tin thì giấu nỗi sợ hãi bằng gào thất thanh: Ngân Hà đây...

Xe chạy
giữa đám vườn hoang. Hễ qua khỏi đám vườn hoang nầy là đến bìa rừng, nơi Luân
sẽ đặt chỉ huy dã chiến.

Những
hàng cây giao tàn che kín con đường. Một cành lá chắn ngang đường. Có thể ai đó
vào vườn hoang hái đã chặt cành bừa bãi.

Khoảng
cách giữa ba xe xa dần: Đèn pha đi sau chỉ chập chờn, còn đèn đuổi xe trước thì
mất hút. Luân bảo hạ sĩ truyền tin gọi xe trước chầm chậm và thúc xe sau:

- Báo
đen đâu? Ngựa vằn
đâu...

Một
cành cây thứ hai vứt ngang đường, cách cành thứ nhất những ba trăm thước. Luân bắt đầu thấy lạ. Không phải vô tình mà
có thể là mật hiệu. Mật hiệu cho cái gì?

Trung
sĩ Toàn nhấn ga, chiếc Jeep cán bẹp cành cây và anh ta giữ nguyên tốc độ đó. Xe
lao vùn vụt. Luân đã phải nhiều lần nép người tránh cành lá bên ngoài quật vào
anh.

Trung
sĩ Toàn bỗng đưa tay đập muỗi trên cổ. Luân chú ý liền cử chỉ không bình thường
đó. Nhưng trung sĩ Toàn đột ngột bẻ ngoặt tay lái chiếc Jeep nghiêng hẳn một
bên, phóng vào một đám vườn um tùm.

- Ngừng
lại! - Luân ra lệnh.

Lệnh
của anh không được chấp hành: Chuẩn úy Thục chĩa họng súng Colt 12 vào gáy Luân
bóp cò. Nếu xe không vướng cái nền nhà cũ chồm lên rồi rơi xuống thì viên đạn
đã xuyên óc Luân rồi. Lợi dụng xe chồng chềnh, Luân đạp mạnh thành xe nẩy ngửa
ra ngoài. Rơi chạm đất, anh lăn liền mấy vòng.

Chiếc
Jeep ngừng. Luân bây giờ mới biết phát đạn xuyên xương vai và anh không thể sử
dụng được cánh tay mặt. Khẩu P.38 bật chốt an toàn, Luân dán mắt nhìn chiếc
Jeep ẩn hiện lờ mờ giữa khu vườn.

- Tôi
đầu hàng! - Đó là tiếng trung úy Vi.

- Đầu
hàng con mẹ gì, mầy đi kiếm thằng Luân, nó còn sống thì chẳng đứa nào hòng
thoát nó.

Đó là
tiếng trung sĩ Toàn. Mấy bộ đàm vẫn rè rè: Ngân Hà đâu?

- Cái
gì kìa? - Chuẩn úy Thục thét.

- Em! -
Tiếng của Thi hạ sĩ truyền tin.

- Mầy
tắt mẹ cái đài cho tao!

Tiếng
của Thục giúp cho Luân vật chuẩn. Từ tay anh, khẩu P.38 khẽ rung, tiếp sau là
tiếng rú của Thục…

Luân
vừa bóp cò xong, lăn mấy vòng. Anh chọn được gốc mít làm chỗ nấp.

- Đ.m
mày! - Toàn rít. Hắn lia về hướng Luân cả băng Thompson.

- Anh
em Rừng Xanh! Xung phong! - Toàn khom người bên xe, thét to.

Phía
cuối xóm, vài phát súng nổ. Luân biết chiếc Jeep dẫn đường bắn hú họa.

- Thằng
Luân còn sống không?

Một
giọng oang oang cất lên bên kia rào dứa.

- Đại
ca Bời đấy hả,... Em là Toàn đây... Có thể nó ăn hết băng đạn của em rồi…

- Uổng
quá! Bắt sống nó tốt hơn!

Từ lộ,
nhiều loạt súng bắn vào. Ánh pha của ba chiếc xe soi thủng khu vườn rậm.

- Đ.m,
đâu thêm xe nữa? – Toàn chửi thề, Toàn đứng thẳng lưng. Luân vẫy nhẹ. Nhưng lần
này anh bắn trượt.

- Nó
còn sống!

Toàn
tru tréo, xả một băng Thompson. Gốc mít trở thành công sự tốt của Luân. Ánh lửa
lóe ngay từ nòng Thompson định hướng cho Luân. Anh lại vẫy tay, bây giờ thì Toàn gục không có cả tiếng rú.

- Cái
gì? - Bên kia rào, “đại ca” hỏi và Luân biết người đó là đảng trưởng Rừng Xanh
kiêm đại tá biệt kích Phạm Văn Bời.

- Tụi
bây bịt miệng mấy thằng lính chó ngoài lộ cho tao.

Súng nổ
giòn. Đèn pha tắt. Luân biết số “lính cậu” của anh đã co giò chạy thoát thân.
Nếu còn bắt thì chỉ có Thạch.

Phạm
Văn Bời đã vẹt được rào. Hắn ta đứng lên đầu xe Jeep, theo ánh đèn pin tìm
kiếm. Hắn tìm kiếm Luân.

Tình
thế hiểm nghèo rồi. Luân đinh ninh mình khó thoát. Song chắc chắn Phạm Văn Bời
cũng không thể sống. Anh thận trọng nâng khẩu P.38 cố gắng cuối cùng của đời
anh.

Luân
chưa kịp bóp cò, nhiều loạt đạn nổ giòn. Phạm Văn Bời té như diều đứt dây.

- Đại
ca “bị” rồi! - Một tên nào đó hô hoán.

- Tụi
nó tập hậu! Chạy! - Một tên khác gào thất thanh.

Luân
chưa hề bố trí lực lượng tập hậu này. Có vẻ không phải là một lực lượng tập hậu
vì Luân nghe rõ chỉ có súng trường nổ.

Cuộc
phục kích rối loạn. Nhiều tốp xông ra đường nhưng khẩu trung liên hất ngược
chúng lại. Chú Thạch bắn đấy! Luân mỉm cười.

Cơn đau
chợt ụp tới. Luân tối sầm mặt. Trước khi rơi vào cơn mê, anh còn kịp nghe vài tiếng pháo và bọn Rừng Xanh nhốn nháo:

- Tụi
nó thụt cà nông vô căn cứ.

*

Các báo
xuất bản buổi chiều ở Sài Gòn đều đăng tít lớn, chạy suốt tám cột: Đảng trưởng
đảng Rừng Xanh Phạm Văn Bời bị hạ sát tại rừng Bình Chánh (Bình Dương). Quân lực Việt Nam Cộng hòaphá tan sào
huyệt bọn cướp.

Một số
tự xưng là “Phóng viên chiến trường” đã vẽ rồng vẽ rắn trận đánh. Không báo nào
nói đến trận phục kích của Phạm Văn Bời, càng né những tin tức về tên Toàn, tên
Thục. Tất nhiên, các báo nhắc đến “người anh hùng của chiến thắng,” Thiếu tá Nguyễn Thành Luân, mặc dù báo chỉ đăng ảnh
Phạm Văn Bời nằm chết, con cọp nhanh vẫn nhe răng chơm chởm trên ngực hắn mà
không có ảnh của Luân.

Chính
Ngô Đình Nhu chỉ thị Bộ Thông tin khai thác trận đánh tới mức tối đa. Dễ hiểu
thôi, lẽ nào không nhân cơ hội này mà mắng xéo Mỹ.

Luân
tỉnh dậy, trí nhớ của anh mau chóng hồi phục và anh không lạ về màu trắng bao
quanh anh. Đây bệnh viện. Nhưng bệnh viện nào? Kia rồi trần thiết của phòng cho
anh biết anh đang nằm ở Grall.

Ai hạ
đảng trưởng Rừng Xanh? Câu hỏi trước phút Luân mất tri giác bây giờ trở lại.
Và, Luân chợt thấy lòng lâng lâng: nhất định một nhóm dân vệ vũ trang vùng Bình
Chánh. “Cơn hồng thủy” như
vậy đó.

Nhưng
Luân không vui lâu. Tại sao anh không nghĩ đến tên Toàn, tên Thục sớm hơn?

Luân
trở mình. Cả người anh ê ẩm và nửa vai bó trong một khối bột to tướng.

- Anh
đã tỉnh! - Dung ngồi trên ghế đặt ngay cửa, vứt chiếc áo mà Luân nhận ra áo anh
mặc hôm đánh nhau - Dung đã giặt sạch và vá chỗ thủng - chạy lao đến. Nhìn đôi
mắt sâu trũng của Dung, anh biết cô khóc nhiều và không ngủ. Nước mắt đang chảy
tiếp.

- Anh
vào đây bao lâu rồi?

Dung
không trả lời. Cô vùi mặt vào ngực Luân, khóc rấm rứt.

Cửa phòng
mở. Cố vấn Ngô Đình Nhu, Đại
tướng Lê Văn Tỵ, tỉnh trưởng Huỳnh Văn Còn bước vào sau họ bác sĩ, y tá, một số
nhà báo trong đó có Fanfani.

Dung
rời Luân, chùi nước mắt.

- Đừng
khóc chi! Không nguy hiểm đâu! - Nhu bảo Dung.

Luân
toan nhỏm dậy, Nhu ấn anh xuống.

- Chưa
được động đậy... Cứ nằm. Mới ngày thứ ba thôi. Báo với anh: Tổng thống quyết
định tặng anh “Anh dũng bội tinh” thứ hai...

Nhu
trân trọng gắn lên ngực Luân chiếc mề đay. Chiếc “Anh dũng bội tinh” đệ nhất đẳng có nhành dương liễu – chiếc thứ
hai mà Luân nhận. Máy ảnh ghi cử chỉ ưu ái đó.

- Anh
nghỉ cho khỏe. Công việc còn lại tôi đã bàn với trung tá tỉnh trưởng. - Nhu nói
trước khi ra về.

Fanfani
nấn ná một lúc. Đôi mắt cô hình như cũng ươn ướt.

- Ông
có biết Fishel tức đến mức nào không? - Cô hỏi. Luân nhếch mép. Cả một trại
biệt kích tan tành, hắn không tức sao được.

- Từ
nay, ông nên hết sức cẩn thận. Trận địa đang mở rộng đó!

Fanfani
nắm tay Luân thật chặt.

Trong
phòng còn lại hai người. Luân nhìn Dung thật lâu. Những sợi tóc lòa xòa buông
trên má, đôi mắt Dung vừa âu yếm vừa kiêu hãnh.

Luân
vẫy Dung, Dung choàng tay qua người Luân, giáp mặt với Luân.

- Anh
ơi! James Casey vừa báo: “Bản tango thứ ba đã cất tiếng...”

Thế là
Lục đã đến nơi an toàn. Một cái gì hết sức hạnh phúc tràn khuôn mặt Luân.

Ánh
nắng len qua cửa. Thạch ngập ngừng mãi - anh muốn đưa một người vào chào Luân:
trung tá Trần Viết Lượng. Ông ta được Dung tha ở khu rừng chồi...

Song
Thạch không dám kinh động. Hai người đang hôn nhau thật đắm đuối.

Thạch
không thể biết đây là lần đầu họ hôn nhau với sự chọn lựa mới: lấy nhau cũng là
hi sinh.