Tuổi Mười Bảy - Phần II - Chương 11

MỐI TÌNH ĐẦU

Ở cuối cuốn sách giáo khoa vật lí có dán thêm một tờ phụ đính với năm cột màu. Bên trái mỗi cột là màu tím thẫm, gần như là màu đen. Dần dần cột màu chuyển thành màu xanh, rồi màu da trời, màu xanh lá cây, màu vàng, màu da cam và cuối cùng màu đỏ. Bảng màu đó là quang phổ.

Lida nghĩ: Nếu như tâm tư tình cảm, cảm giác của con người có thể so với quang phổ thì những tình cảm nặng nề day dứt nhất. - Nỗi đau khổ và tuyệt vọng sẽ là màu tím thẫm, còn hạnh phúc niềm vui - màu đỏ sẫm. Tất cả những cảm giác khác nằm ở giữa hai màu này. Ý nghĩ này làm cho Lida rất lấy làm thú vị và khi nhìn lên hình quang phổ cô có thể tìm xem tâm trạng mình hiện nay như thế nào kể từ lúc tạm biệt Aliosa ở ngoài sân băng.

Đây là cảm giác gì vậy? Khó gọi là nặng nề, nhưng còn xa mới có thể gọi là vui sướng. Hình như tâm trạng của cô hiện nay đang ở quãng phía trái của bảng quang phổ. Đó là màu xanh lá cây nhạt, có lúc chuyển nhẹ thành màu thanh thiên dịu mát. Buồn. Nỗi buồn bao trùm lấy cô, tựa như sương mù dày đặc phủ lấy người bởi trên mặt nước, và Lida cũng chẳng biết nên bơi về hướng nào.

Gần đây một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu của một sự thờ ơ mới lạ và một tâm trạng hoàn toàn phớt lờ mọi thứ trên đời ngày càng choán lấy tâm hồn cô. Khi làm bài, vất vả lắm cô mới có thể tập trung được tư tưởng và nếu như không có cái “Lời hứa” của lớp thì cô đã bỏ mặc hết. Muốn thế nào thì thế! Chẳng phải là vừa mới đây thôi, trong cuộc thảo luận về hạnh phúc Lida đã từng nói rằng nếu có yêu ai hoặc có ai đó yêu cô thì cô sẽ hạnh phúc đấy thôi.

“Nhưng phải chăng đây là hạnh phúc?... Một màu xanh da trời dịu mát… Bởi vì hạnh phúc là một cái gì đó rất to lớn, một màu đỏ sáng thiêu cháy mọi vật trên đường đi của nó chẳng khắc gì đám cháy lớn trên thảo nguyên.”

Gạt sách giáo khoa sang một bên, Lida đứng dậy. Cô đi đi lại lại mấy vòng trong phòng rồi đặt tay lên sau gáy dừng lại bên cửa sổ. Cô trong thấy trên nền những mái nhà những vì sao lấp lánh yếu ớt. Nghĩ đến Aliosa cô đứng lặng người. Mắt cô ướt đầm, những ngôi sao nhòe đi thành những chấm sáng lập lòe.

Cô tưởng như anh đứng trước mặt mình thật. Người tầm thước, vai rộng. Anh có cái trán cao cởi mở, cặp lông mày thẳng đều đặn, đôi mắt màu xám vừa có vẻ nghiêm nghị, trầm tĩnh vừa có gì như châm chọc. Mũi thẳng, miệng không rộng. Đôi môi mím chặt, ở hai bên mép hơi trễ xuống.

Làm gì mà lắm chuyện thế? Lida không biết tại sao cô lại muốn tìm thấy ở anh những nhược điểm “vụng về như con gấu” nhưng cô lại thấy thinh thích những cái đó. - Chẳng nhẽ những nhược điểm ở người yêu, người ta lại cho là những ưu điểm chăng?

Những chấm lập lòe lại biến thành những vì sao. Nước mắt đã ráo hoảnh. Cô chợt nhớ tới Igor. Anh ta mê cô đến đần độn, ai cũng thấy thế. Tội nghiệp, thật là tội nghiệp! Anh ta ngắm nhìn cô bằng đôi mắt làm cho người ta không thể không nhịn cười được.

Quay trở về bàn, Lida lại cầm lấy sách giáo khoa. “Học bài là trước hết.” Nếu cô mà bị điểm ba thì Catia, Jenia và nhất là Tamara sẽ quấy rầy cô bằng biết bao câu hỏi và sẽ rất quan tâm đến việc này. Đành phải giả vờ, bịa chuyện thế nào đó mà nói dối. Nhưng nói dối thì cô lại không muốn. Vì lòng cô thật là trong sạch, không hề bị vẩn đục.

Lida ngồi bên quyển sách giáo khoa vật lí gần một tiếng đồng hồ, nhưng rồi tư tưởng lại phân tán. Mấy phút cô nhìn những sơ đồ và công thức mà mắt không nhìn thấy gì. Cuối cùng, cô dứt khoát đứng dậy và đi vào buồng làm việc của ba cô.

- Ba có bận không ạ?

- Con vào đi, Lida.

Lida theo thói quen ngồi lên bên ghế bành.

- Ba ơi, ba trả lời cho con một câu hỏi nhé?

- Tất nhiên là nếu ba trả lời được.

- Con giống ai hả ba? Giống mẹ hay giống ba?

- Tại sao bỗng dưng con lại hỏi thế?... Con là con lai. - Ông bố nói đùa.

Lida khó chịu. Cô lùi lại, nhìn ông vẻ trách móc.

- Ba không làm thế nào nói chuyện với con một cách nghiêm chỉnh à?

- Đừng giận, Lida của ba nhé. Chẳng là ba thích ngồi chơi với con, vui nên ba muốn đùa một tí.

- Tại vì đối với con, ba không chỉ là một người bạn, mà ba còn là ba của con! Mà ba con mình thì lại chưa bao giờ tâm sự cởi mở với nhau cả. Đầu óc con bây giờ đầy những vấn đề linh tinh mà con lại chẳng biết bàn bạc với ai cả... Đấy, thí dụ như vấn đề chọn ngành nghề chẳng hạn. Thầy Constantin Sergheevich mấy lần đã nhắc nhẹ là nên suy nghĩ vấn đề này. Mà con thì cho đến nay vẫn chưa biết đi đâu...

- Ừ, đây là một vấn đề rất đáng trao đổi thật nghiêm túc đấy. Nào! Thì ta nói. Có lẽ ba sẽ không lầm nếu nói rằng con đến nay chưa thấy rõ con có khuynh hướng nghề nghiệp nào. Kĩ thuật con không thích. Về khoa học con không có năng khiếu...

- Tại sao ba lại nghĩ thế?

- Con không có tính liên tục, bền bỉ và chí hướng mục đích rõ ràng. Khoa học không phải lĩnh vực của con.

- Thế khoa học xã hội ạ.

- Ba cũng chẳng thấy con có ham mê gì đối với ngành này... Nếu con muốn thì nghe ba khuyên con hãy đi học ngoại ngữ. Đó là một nghề tốt đối với phụ nữ.

- Con chưa hề nghĩ về chuyện này…

- Con suy nghĩ đi. Đó là điều thú vị và cần thiết. Cùng lắm thì con cũng sẽ giúp ba... được chứ? Con thấy chưa, hình như ba con mình đã giải quyết xong một vấn đề phức tạp. Bây giờ bàn tiếp. Vấn đề thứ hai.

- Con giống ai?

- Giống mẹ. Con giống mẹ như đúc: Cả khuôn mặt lẫn tính tình.

- Ba kể cho con nghe về mẹ đi... Ba kể cho con biết quá ít về mẹ.

- Con muốn biết gì nhỉ?

- Con muốn biết tất cả. Từ đầu. Ba mẹ làm quen nhau như thế nào.

Ông Sergei Ivanovich đứng dậy. Tóc ông dựng ngược lên và ông đi đi lại lại trong phòng. Lida biết rằng theo thói quen của người diễn giảng ông thích đứng nói, cô ngồi hẳn vào ghế bành của ông.

- Bấy giờ là thời kì rất khó khăn con ạ, - ông bắt đầu nói - Cuộc nội chiến vừa kết thúc. Sau khi bị thương ba ở nhà và lên đường đi Moscva. Bấy giờ ba còn trẻ, nhiệt tình, sôi nổi. Ba ra đi với những dự định to lớn, - triển khai hoạt động khoa học ở một đất nước đã có tự do. Hoài bão thì lớn, nhưng bộ dạng của người ước mơ thì lại tồi tàn... Chỉ có một chiếc áo khoác của người lính, một đôi ủng, mặt không cạo râu... Toa tàu chật ních, phải vất vả lắm mới chen được lên. Lọt được vào toa rồi, ba để ý thấy một chỗ chưa có người ngồi. Người ta bảo rằng chỗ ấy đã có người, nhưng ba chẳng để ý đến điều đó và cứ đàng hoàng ngồi xuống. Ngay lúc ấy thì người chủ chỗ ngồi ấy trở về. Trong bóng tối ba không nhìn rõ cô ta vả lại ba cũng chả thèm để ý đến. Cũng chẳng nhớ hai người đã ăn nói với nhau như thế nào, nhưng đã cãi nhau.

- Khó tưởng tượng được là ba cãi nhau như thế nào, - Lida nói, - nhất là lại cãi nhau với một phụ nữ.

- Bây giờ thì khó tưởng tượng được. Còn ngày ấy... Ngày ấy ba mới khỏe lại sau khi lành vết thương, ba cứ nghĩ rằng mọi người phải biết điều đó và kiêng nể mình chứ... Tóm lại là ba không chịu trả lại chỗ, thế là cô ta đành đứng khá lâu. Tiếng rưỡi sau ba cảm thấy thương hại người con gái đó. Dù sao thì mình cũng đã xử sự như đồ con lợn. Ba đứng dậy nhường chỗ. Nhưng cô ta không thèm nói gì với ba cả. Lúc bấy giờ ở tầng trên người ta dồn chỗ lại và gọi ba lên ngồi. Tất nhiên là ba lợi dụng thời cơ leo ngay lên và đánh luôn một giấc. Sớm hôm sau tỉnh dậy người đầu tiên ba trông thấy lại là cô ta. Cô ta ngủ ngồi, ngả đầu vào vai người bên cạnh. Bây giờ hồi tưởng lại...

- Cô ấy làm cho ba thích à? - Lida khẽ hỏi.

- Lida ạ, trong con người cô ta có những nét làm cho ba phải cảnh giác. Hừm... Ba và cô ấy phải đi chung với nhau suốt một ngày một đêm nữa. Ngày ấy tàu chạy chậm chạp lắm... Ba xin lỗi, tự giới thiệu, thế rồi câu chuyện trở nên sôi nổi. Khi tới Moscva thì hai người đã quen nhau lắm rồi. Cô ta về thủ đô đi học và định xin vào trường nghệ thuật sân khấu nào đó. Bấy giờ thanh niên, nhất là các cô gái, nhất định chỉ thích trở thành diễn viên... Cô gái đi cùng đường kể cho ba nghe là ở Moscva cô chẳng có ai là người quen nhưng cứ đi.

- Mẹ khá thật đấy!

Đi đi lại lại trong phòng, ông Sergei Ivanovich châm thuốc hút rồi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt trong góc. Ông lặng yên một lát. Ngọn đèn trên trần đã tắt, còn chiếc đèn bàn thì không hắt ánh sáng lên mặt ông. Lida trông thấy trong góc phòng thỉnh thoảng điếu thuốc lá lại đỏ lên.

- Tiếp theo là thế nào hả ba? - Cô khẽ hỏi.

- Tiếp đó... Tiếp đó thật là ngu ngốc hết chỗ nói. Thật khó mà tin được vào điều ấy. Ba lạc cô ấy trong bể người lộn xộn ở nhà ga, lạc ngay từ phút đầu, khi mới bước xuống sân ga. Tìm đến gần một tiếng đồng hồ đến khi gần như mất hết hi vọng thì sực nhớ ra là mình chỉ biết tên cô ta. Galia! Đó là tất cả những gì mà ba còn nhớ lại được.

Lida nín thở lắng nghe ông kể say sưa. Hồi ức khơi dậy trong ông những ấn tượng của thời kì xa xôi. Giọng nói của ông trở nên du dương êm ái kì lạ, bản thân khung cảnh cũng làm cho cô tưởng tượng rõ hơn những điều bố mình nói.

- Rồi phải dành nhiều thì giờ để giải quyết công việc, - ông bố nói tiếp, và tiến lại gần bàn. - Khi ba đã trở thành giảng viên trường đại học, lúc có thì giờ rỗi, ba vẫn cố đi tìm Galia, đi hỏi, chạy đến những trường sân khấu thăm dò tin tức... Ba đi rất kiên trì bền bỉ, nhưng vẫn không thấy tăm hơi đâu. Chẳng hiểu tình cờ hay bao giờ cũng thế, ai chịu khó đi tìm thì thế nào cũng có dịp gặp may. Có một hôm ba đi trên đại lộ gần cổng Nikitscaia, đến đó ba bước tới quầy thuốc lá hỏi mua một bao “Iava.” Nhìn vào quầy, ba không tin mắt mình nữa. Galia! Người bán hàng là cô Galia yêu quý! Bấy giờ là thời kì chính sách kinh tế mới - “NEP”[39] - cho nên rất nhiều sinh viên đến công ty nông sản và công ty công nghệ phẩm Moscva bán thuốc lá lấy công. Con còn nhớ lời quảng cáo của Maiacovski chứ? “Không mua hàng ở đâu, chỉ mua hàng ở công ty nông sản và công nghệ phẩm Moscva.” Cô Galia vui mừng không kém ba. Trông mắt cô là ba biết ngay. Cô ấy đang học tại học viện sân khấu quốc gia, gọi tắt là GITIS, sống trong kí túc xá Nikitscaia, bây giờ gọi tắt là phố Jecsen. Kì cục nhất là hai người sống ở hai nơi rất gần nhau mà mãi không gặp nhau.

[39] Novaya Ekonomicheskaya Politika.

Chủ nhật cuối tuần ấy ba đến thăm Galia... Cũng nên kể tí chút về cái kí túc xá này. Con thử tưởng tượng một cái hành lang dài và rất rộng bị ngăn ra thành nhiều buồng nhỏ bằng những tấm vải trang trí. Vào một buồng thấy trang trí màu vàng theo kiểu văn hóa Jocko. Phòng khác thì lại theo kiểu thị dân. Buồng khác là một cái nhà gỗ nhỏ. Đầu kia làm cái gì đầu này nghe thấy hết. Ngay cạnh cửa ra vào là bếp, suốt ngày người ta nấu nướng, chủ yếu là cháo kê. Những chiếc đàn dương cầm, vở thì đặt trên ghế đẩu...

Nhưng Lida ạ, trong đời mình chưa bao giờ ba thấy có ai lại vui, yêu đời, lạc quan và nhiệt tình như những sinh viên ở đây. Hay là ba cảm giác như vậy, vì dạo ấy ba còn trẻ. Sống ở đây có sinh viên tất cả các trường cao đẳng nghệ thuật. Đó là những ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, đạo diễn, họa sĩ, người kéo Violon... Tất nhiên đều là những nghệ sĩ tương lai cả. Nhiều người nay đã là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ công huân, họ phụ trách các nhà hát, chứ còn dạo ấy họ là đám thanh niên bạt tử và yêu đời. Đói, rét, khó khăn không làm cho họ sờn lòng... Nhưng ba đã đi quá xa... Ngay từ những ngày đầu ba đã thấy Galia thay đổi. Cô ta đã có những dấu hiệu ngờ ngợ. Mẹ của con là một người thông minh cho nên không tự lừa dối mình bằng những hi vọng hão huyền. Mẹ hiểu rằng mình không có năng khiếu nghệ thuật. - Ông Sergei Ivanovich lại châm thuốc hút và nói tiếp. - Suốt cả mùa đông ba và mẹ hằng tuần gặp nhau độ mấy lần. Sang xuân thì ba hỏi ý kiến mẹ xem mẹ có đồng ý lấy ba không. Đấy chỉ có thế thôi Lidusca à.

- Thế mẹ có yêu ba nhiều không? - Lida khẽ hỏi ông.

Ông Sergei Ivanovich suy nghĩ một lát và chậm rãi trả lời:

- Không con ạ. Những năm đầu chung sống mẹ con không yêu ba lắm. Nhưng hình như ba hoàn toàn không để ý thấy điều đó. Sau đó chính mẹ con thú thật với ba là mẹ con đồng ý lấy ba vì không có nơi nào nương tựa cả. Quay về gia đình với ông bà thì không tiện, hơn nữa mẹ con cũng có phần mến ba, nói đúng hơn mẹ con tôn trọng ba.

Lida tròn xoe mắt tiến đến cạnh ông và dừng lại cách ông khoảng hai bước: Cái tin mới lạ đó làm cô bàng hoàng kinh ngạc.

- Sao lại như thế được?... Con cứ tin chắc là...

- Sau này thì mẹ con có yêu ba. Tình yêu đã đến sau khi con ra đời.

- Gượm đã ba... Lẽ nào có thể như thế được.

- Thế mà lại có đấy con ạ.

- Thế ba không nhầm chứ? - Cô hỏi ba gần như van lơn.

- Ồ... Ồ... không đâu! Tình yêu đã đến, một tình yêu lớn lao sâu sắc thật sự. Sao điều đó lại làm cho con khó hiểu? Con đâu phải còn bé bỏng gì và đến lúc phải hiểu là tình cảm có thể đến với từng người một cách khác nhau, tùy thuộc vào những đặc điểm tâm lí của nó. Có khi tình cảm ập đến như vũ bão và nhanh chóng qua đi không để lại một dấu vết gì. Cũng có khi tình cảm đến một cách chậm rãi và xâm chiếm tâm hồn người ta mãi đến khi chết. Đó là hai thái cực của cách thể hiện tình cảm, còn những sắc thái tình cảm khác thì nằm ở giữa chúng. Ở trường chắc các con không học phần đó chứ gì? - Ông nói đùa - Ôi, ba con mình đã chuyện trò quá lâu rồi. Đến giờ đi ngủ rồi đấy con ạ.

- Chúc ba ngủ ngon, - Lida nói với ba.

Cô ôm cổ ba, âu yếm hôn vào trán ông và về phòng với tâm trạng bàng hoàng khó tả.