Ván bài lật ngửa - Phần VII - Chương 06 phần 1

P7 - Chương 6

Luân có trong tay một tập
sách mỏng in ronéo do một Quốc Tân nào đó biên soạn, dĩ nhiên là lưu hành bí mật.
Tổng nha Cảnh sát quốc gia tịch thu được tập sách, chuyển lên báo cáo với Ngô
Đình Nhu và Nhu trao lại cho Luân để nghiên cứu. Tập sách gồm một số chương và
một số tiết mà chương đầu tập trung nói về Ngô Đình Diệm và mối liên quan giữa
Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

Trong viết:
“Hoàn cảnh nào đã tạo ra Thủ tướng Ngô Đình Diệm?” Tác
giả bắt đầu từ 1954 và nhận định rằng, do quyết định tối hậu của các đại cường,
Việt Nam đã chia làm hai miền: Bắc bị Cộng sản thống trị, Nam dưới quyền Chính
phủ Quốc gia. Lúc đầu, Chính phủ Quốc gia vẫn tiếp tục dựa vào Pháp nhưng không
lâu thì Hoa Kỳ cảm thấy Pháp không đủ sức bảo vệ miền Nam tự do nên quyết định
gánh vác sứ mệnh đẩy lùi sự đe dọa của Cộng sản. Do môi giới của Trần Văn
Chương, đại sứ của Việt Nam ở Mỹ, Tổng thống Mỹ đã đi đến giải pháp Ngô Đình Diệm,
Ngô - Trần là thông gia với nhau và ý kiến của ông được Hồng y Spellman ủng hộ,
rất ăn khớp với dự định của Tổng thống Mỹ.

Tập sách nói đến con người
Ngô Đình Diệm như sau: Nhờ người cha, Ngô Đình Khả, là quan đại thần triều Khải
Định, Ngô Đình Diệm được học trường Hậu bổ, ra làm Tri huyện, sau thăng Tuần
vũ. Sống trong buổi giao thời, với bản tính chấp nhất, quan liêu, tự mãn với địa
vị của mình, ông Diệm chỉ là một người thuộc lớp “Cổ vô đạt, kim bất thông.”

Năm 1932, Bảo Đại từ Pháp về
nước lập Chính phủ Nam triều, ông Diệm được gọi từ Phan Thiết ra Huế giữ chức Lại
bộ Thượng thư. Sau vì ghen tài với Phạm Quỳnh và thấy cái kém của mình trước một
người tài hoa được nhà vua trọng dụng hơn, nên Diệm xin từ chức.

Suốt trong mười hai năm, từ 1934 đến 1946 là lúc dân tộc chuyển mình trong phong trào đấu
tranh giành độc lập, cả nghìn vạn chiến sĩ bị tù đày hoặc ngã gục trước mũi
súng của thực dân. Vậy mà, từ Bắc chí Nam không thấy bóng dáng và tiếng nói của
ông Diệm.

Thế rồi, đầu năm 1948, người
ta lại thấy ông Diệm xuất hiện ở Đà Lạt để Bảo Đại ban cho chức Thủ tướng Chính
phủ thuộc địa. Nhưng do thế lực của Trung tướng Nguyễn Văn Xuân khi đó quá mạnh
khiến ông Diệm bị thất vọng rồi ôm hận qua La Mã ở với anh ruột là Ngô Đình Thục.

Năm sau, ông Diệm qua Balê.
Ở đây, ông sống trong một căn nhà trọ nghèo nàn, sinh hoạt như một chàng sinh
viên kiết xác.

Khi ấy “Hoàng
thượng Bảo Đại” du hành qua Pháp. Có người kể tình cảnh ba đào của ông Diệm hiện
tại cho “hoàng thượng” nghe, “hoàng thượng” bèn nghĩ đến thể thống quốc gia, chẳng
gì cũng đường đường một vị “cựu Lại bộ Thượng thư,” sao nỡ để cho đày đọa trần
ai thế!

Bởi vậy “hoàng thượng”
thương tình nên giúp cho một số tiền, để người bầy tôi cũ của mình có thể thuê
khách sạn mà ở cho đỡ tủi thân.

Tình trạng ông Diệm như vậy,
ta đủ hiểu gia đình họ Ngô lúc đó bỉ cực đến thế nào?

Ông Diệm ở khách sạn của
Hoàng đế Việt Nam thuê cho tại Balê được ít lâu thì anh ông, Giám mục Ngô Đình
Thục, từ La Mã ghé qua đón ông sang Mỹ.

Ở đây, ông Diệm mặc áo
dòng, hầu hạ Hồng y Spellman trong bốn năm và giữa lúc đang sửa
soạn thành linh mục, thì một cơ hội nghìn năm một thuở đến với ông.

Hồng y Spellman thương tình
người đồ đệ của mình, ông nhắm thời cơ và nhận thấy tình trạng đất nước Việt
Nam lúc đó là một cơ hội tốt, có thể giúp Ngô Đình Diệm làm được nhiều việc có
lợi hơn là nằm trong khuôn khổ một linh mục.

Bởi vậy, Hồng y Spellman đã
sử dụng mọi uy tín và thế lực của mình để vận động với Chính phủ Mỹ, đưa Ngô
Đình Diệm về Việt Nam.

Trước việc làm của Spellman
và lời đề nghị của Trần Văn Chương, Chính phủ Mỹ vội vã cứu xét và chấp nhận
ngay, vì thấy có hai điều lợi ích căn bản:

1. Dùng Diệm chắc chắn sẽ tạo
được một Chính phủ chống Cộng triệt để.

2. Qua Spellman, Chính phủ
Mỹ biết được bản tính của Diệm: thuần phục, dễ bảo. Điều đó cho biết một Chính
phủ do Diệm lãnh đạo sẽ không bao giờ hành động vượt ra ngoài chủ trương và
sách lược của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Thế rồi, ông Diệm được sửa
sang mày mặt, cởi bỏ áo dòng khổ hạnh để về Sài Gòn ngồi ghế Thủ tướng.

Và, việc gì đến đã đến!

“Giải pháp Bảo Đại không ổn
thì Bảo Đại phải đi!”

Khi hoàng thượng bị truất
phế, người những hai lần tuyên thệ làm bầy tôi trung thành của hoàng thượng và
đã để hoàng thượng phải thương xót trong cơn ba đào tại hải ngoại, đã không ngần
ngại phỉ nhổ và quét mực vào mặt hoàng thượng in trên giấy, rồi đem bêu xấu khắp
các phố phường, thôn xóm.

Trong tiết “Chế độ Ngô Đình
Diệm” tài liệu viết:

Khi đã truất phế xong Bảo Đại,
ông Diệm bèn nghĩ đến việc chia bùi sẻ ngọt với anh em, bà con,
tương tự như các bậc đế vương đời Xuân Thu - Chiến Quốc thường làm.

Với Ngô Đình Nhu, con người
nuôi tham vọng trở thành “vua học thuyết và chính trị tại Việt Nam,” khi đã
đóng vai cố vấn, nấp sau hậu trường, Nhu không từ một chước thần mưu quỷ nào để
thu gom quyền hành về cho gia đình họ Ngô.

Ngô Đình Nhu đã âm mưu với
Diệm thủ tiêu Hồ Hán Sơn và Trịnh Minh Thế, hai người có công đầu trong việc kiện
toàn tổ chức, thu hồi quyền lực về cho Chính phủ trung ương. Sau đó, các giáo
phái, nhân sĩ, trí thức, đảng phái đối lập lần lượt bị anh em Ngô Đình Diệm hãm
hại và làm cho tan rã.

Đã độc tài về chính trị,
làm cho mọi người mất hết tự do, nhân dân sống trong cảnh nghẹt thở; gia đình họ
Ngô còn độc tài về kinh tế. Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn thi nhau lợi dụng uy thế
của gia đình mình, lũng đoạn nền kinh tế quốc gia, khiến cả triệu người lâm vào
cảnh đói khổ.

Những cảnh muôn vạn người
nghèo khổ, mọi thứ tự do bị chà đạp, Việt Cộng đánh phá khắp nơi đều có tội của
gia đình họ Ngô gây ra cả.

Đó là những nguyên nhân sâu
sa tạo ra phản ứng của quần chúng. Nhưng nguyên nhân tối hậu thúc đẩy sức phản ứng
quyết liệt của quần chúng lại là vấn đề Phật giáo.

Vậy tại sao có phong trào đấu
tranh của Phật giáo đồ?

Đầu năm 1963, báo HongKong
Tiger Standard tiết lộ: Giám mục Ngô Đình Thục đã không ngần ngại đọc diễn văn
nói về sự phát triển Thiên Chúa giáo tại Việt Nam đã đến giai đoạn cực thịnh.
Ông nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam đã tự hủy diệt lần mòn và tới nay không còn dấu
hiệu gì chứng tỏ đó là một tôn giáo đang còn sinh hoạt...

... Một mục sư Tin lành đã
hoạt động tại Việt Nam trong mười hai năm qua cho biết: “Ông Thục lợi dụng uy
thế của người em làm Tổng thống để âm mưu cùng mọi người trong gia đình đặt kế
hoạch biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo trong vòng vài năm...”

Báo HongKong Tiger Standard
đặt vấn đề:

“Ông Thục muốn dâng công với
Tòa Thánh Vatican để chiếm chức Hồng y hay nuôi tham vọng trở thành giáo chủ Việt
Nam giáo, tương tự như Anh giáo?”

Phù hợp với tiết lộ trên,
thực trạng tại Việt Nam cũng cho ta thấy:

- Riêng tại miền Trung đã
có mấy nghìn gia đình bị cưỡng bức tòng giáo.

- Ai không chịu theo Thiên
Chúa giáo thì bị tù đày, giết chóc.

- Phật giáo đồ bị ngược
đãi, nhiều địa phương, chính quyền công khai xúc phạm và khinh bỉ Phật giáo.

- Công chức, quân nhân theo
Thiên Chúa giáo được ưu đãi hơn mọi người theo tôn giáo khác.

Ngoài ra, mặc dù Phật giáo
đồ bất bình, ta thán về đạo dụ số 10, nhưng đạo dụ đó vẫn tồn tại suốt chín năm cầm quyền của ông Diệm.

Đạo dụ số 10 có phương hại
gì đến tinh thần tín ngưỡng cùng truyền thống của dân tộc ta?

Thoát thai từ chế độ thực
dân, đạo dụ số 10 ban hành năm 1950 mang nặng tính chất bất công, kì thị tôn
giáo.

Đạo dụ này hạ thấp tôn giáo
xuống ngang hàng với các hội đua ngựa, đá banh. Nhưng đặc biệt, lại đặt các hội
truyền giáo Thiên Chúa ra ngoài phạm vị đạo dụ đó.

Như vậy, rõ ràng thực dân
muốn miệt thị dân tộc ta, nên coi tôn giáo của đại đa số nhân dân Việt Nam
không có giá trị gì.

Ông Diệm lên nắm chính quyền,
không những không sửa đổi đạo dụ đó, mà lại còn kí thêm một nghị định vào ngày
23-9-1960 nói về việc mua bán các bất động sản của các tôn giáo - dĩ nhiên, trừ
Thiên Chúa giáo - dù bé nhỏ tới đâu cũng phải được sự cho phép của Tổng thống.

Trên danh nghĩa, mọi tôn
giáo đều chịu sự kiểm soát của Phủ Tổng thống một khi tiếp nhận bất động sản do
tư nhân tiến cúng. Nhưng mặt trái của sự việc này ra sao? Ông Diệm liệu có
tránh khỏi thiên vị khi chính nghị định này không phải là sáng kiến của ông, mà
do sự yêu cầu của người anh ruột đầy quyền hành và đầy tham vọng trần tục!

Sự kiện đó làm cho người ta
hiểu rằng, dù ông Diệm không dám mong ý tưởng hủy diệt Phật giáo, nhưng ít nhất
ông cũng bị chi phối, khiến không thể công bình trong việc đối xử với các tôn
giáo khác.

Đã thiếu minh chính, thiếu vô
tư xuyên qua đạo dụ số 10 và nghị định kí ngày 23-9-1960, ông Diệm còn phó mặc
mọi công việc thuộc phạm vi quyền hành của ông cho những kẻ thân tín trong gia
đình. Mà những kẻ này là ai? Là những kẻ chẳng có cương vị, chẳng có trách nhiệm
gì đối với lịch sử và dân tộc, nhưng trong lòng lại chứa đầy những tham vọng cuồng
dại. Mỗi người một vẻ, mỗi người đều muốn trở thành “vua” trong lĩnh vực riêng:
kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Vì vậy người dân chỉ khổ
trong phạm vị độc tài kinh tế, chính trị, nhưng Phật giáo đồ còn khổ cả về mặt
tinh thần, tức vấn đề tín ngưỡng bị đe dọa.

Quan điểm của tập sách thật
hết sức rõ ràng. Nó đáp ứng trước hết là khẩu vị của nước Mỹ và không loại trừ
bàn tay của CIA nhúng vào và khai thác, chủ yếu sự thù địch tôn giáo. Mục tiêu
chống Cộng vẫn là hàng đầu của người viết sách. Dĩ nhiên, những sự kiện mà tập
sách nêu ra đều đúng 100%, nhưng cách phân tích những sự kiện thì lại xuất phát
từ những ý định có sẵn, làm thế nào để giải thích công cuộc chống Cộng kém hiệu
quả ở Nam Việt Nam bằng một luận điểm và chỉ một luận điểm mà thôi: do Ngô Đình
Diệm, biểu trưng tập trung nhất là đàn áp Phật giáo.

Tập sách minh họa nhận định
của lãnh đạo mà Luân nhận được ở Nam Vang từ tay Sa. Trò khua động dư luận để tạo
cớ “thay ngựa giữa dòng” bắt đầu một cách rộn ràng.

Chẳng có gì khó hiểu khi Thượng
tọa Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo bỗng dưng ra một
lời đính chính rằng Phật giáo không chấp nhận sự ủng hộ của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày mùng 10-6, hãng thông tấn Pháp AFP loan
tin này, tin bịa và Thượng tọa Thích Tâm Châu đã đính chính thật. Người
ta có thể thông cảm rằng Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến muốn cột phong trào Phật
giáo với Việt Cộng nhưng người ta khó đoán mà thông cảm sự đính chính với lời lẽ
hằn học của một nhà sư. Thượng tọa Thích Tâm Châu yêu cầu báo chí nói rõ rằng sự
can thiệp của tướng Giáp là một việc làm không ăn thua vào đâu và ông ta không
nhận sự ủng hộ ấy, mà ông ta xem như là một thủ đoạn của Cộng sản.

Trong đầu Luân, bài toán
xoay quanh một ẩn số, đó là quần chúng, kẻ phán quyết số phận của chế độ Ngô
Đình Diệm lẫn các phần tử lợi dụng đạo Phật, lợi dụng quần chúng, lợi dụng thế
của cách mạng.

Ngày 16-6, Ủy ban liên bộ gồm
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần và Bộ
trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương đã kí với phái đoàn Phật giáo một thông cáo
chung. Đó là kết quả của ba ngày thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Thông cáo
chung gồm năm điều khoản, trong đó phía Chính phủ có những nhượng bộ và phía Phật giáo
cũng thế. Nếu người ta chú ý đến giờ kí bản thông cáo chung – một giờ
sáng - thì có thể hiểu quá trình “cò kè” phức tạp đến chừng nào. Thông cáo
chung được hòa thượng Tổng hội chủ Phật giáo kiểm nhận và Tổng thống Ngô Đình
Diệm thông qua. Bên trên chữ kí của Diệm là hai dòng bút tích của ông: “Những
điều được ghi trong thông cáo chung này thì đã được tôi chấp nhận nguyên tắc
ngay từ lúc đầu.”

Bị bắt buộc phải hạ mình
ngang với các sư, Ngô Đình Diệm vẫn cố vớt vát.

Cái chết của hòa thượng
Thích Quảng Đức vẫn chưa đủ độ mạnh để cảnh tỉnh Chính phủ Ngô Đình Diệm.

Mười ngày sau khi thông cáo
chung được kí kết, Tổng thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa Ngô Đình Nhu đã xác lập:
Phong trào Thanh niên Cộng hòa là một phong trào quần chúng, không phải là một
phong trào của Chính phủ để mù quáng làm tay sai cho bất cứ ai. Người ta chỉ có
thể giải thích quan điểm đó là Thanh niên Cộng hòa không thừa nhận thông cáo
chung. Nhu đã nói rõ: Các nhà sư rất hăng hái lợi dụng, xuyên tạc một cách trắng
trợn và ngoan cố để đầu độc một số tín đồ và gây áp lực với các vị đại đức hầu
phát động một chiến dịch bất tuân pháp luật... Sự nguy hiểm của công việc thiếu
giáo dục, thiếu học tập, thiếu cảnh giác nhân dân, để một số bất cứ lúc nào
cũng có thể trở nên cuồng tín. Trong một vụ làm chết người có tổ chức bằng cách
tưới xăng đốt một vị thượng tọa và các nhà sư không ngần ngại hành hung các cảnh
sát...

Theo gợi ý chung của Nhu,
Cao Xuân Vỹ, Tổng giám đốc Nha thanh niên, vận động một cuộc biểu tình đại quy
mô để yêu cầu Ngô Đình Diệm duyệt lại bản thông cáo chung mà Vỹ cho là quá
khoan hồng với Phật giáo. Một số cuộc mít tinh khác lập kiến nghị lên án Phật
giáo. Một bộ phận trong nhóm Lục Hòa Tăng và Cổ Sơn Môn, theo gợi ý của Nhu, đã
đánh điện cho Hội Phật giáo Sri Lanka lên án các hoạt động của Phật giáo Việt
Nam.

Trong thời gian này, Diệm
chơi trò hai mặt. Một mặt dùng Nguyễn Ngọc Thơ để xoa dịu, một mặt dùng Cao
Xuân Vỹ để kích động.

Phía Phật giáo cũng có cách
phản ứng riêng. Chan Htoon, Chủ tịch Hội Phật giáo thế giới đã ra lời kêu gọi
Phật giáo thế giới ủng hộ Phật giáo Nam Việt Nam chống lại sự áp bức và ngược
đãi Phật tử. Thái tử Norodom Sihnouk, Quốc trưởng Cambốt yêu cầu giải quyết gấp
rút vấn đề tôn giáo bằng đường lối hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc đã được
ghi trong tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Sihanouk còn đánh động các Chính
phủ Mỹ, Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh; và bà
Bandaranaike, Thủ tướng Sri Lanka cũng hành động tương tự.

Thông điệp của Sihanouk,
như ông ta cam kết với Luân, lời lẽ hết sức có mức độ. Nhưng các trung tâm Phật
giáo Miến Điện, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Iran, Nhật Bản và một số nước khác
đã họp tại Tân Gia Ba để bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo Nam
Việt.

Điều mà dư luận lấy làm lạ
xoay quanh chỗ hai phe chống đối đổ cho nhau là Việt Cộng. Phật giáo, qua Thích
Tâm Châu, đã gán cho Ngô Đình Nhu là Cộng sản, là sử dụng nghệ thuật của Cộng sản
khi gọi những người Phật giáo là phản động, là phiến loạn. Trên tờ The Times of
Viet Nam, Trần Lệ Xuân cho đăng một bài tố cáo rằng những cuộc biểu tình của Phật
giáo đều được tổ chức đúng như dự kiến của Cộng sản.

Phật giáo tố cáo ông Ngô Trọng
Hiếu đã cho ba
trăm cán bộ công dân vụ cạo trọc đầu, giả làm sư để làm mất
thanh danh Phật giáo, thậm chí thuê may cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam. Thông
cáo của Bộ Nội vụ trưng ra các bằng chứng về sự dính líu của Phật giáo với Việt
Cộng: tịch thu ở chùa này truyền đơn, ở chùa kia lựu đạn, ở chùa nọ chất nổ, bắt
được quả tang cán bộ Cộng sản hóa trang làm sư với giấy thông hành giả và súng
ngắn. Vân vân và vân vân.

Chín giờ sáng ngày
23-7-1963, trong lúc chùa Xá Lợi đang diễn ra cuộc họp báo của bà Diệu Huệ, mẹ
của Giáo sư Bửu Hội, cho hay bà sẽ tự thiêu thì một đoàn biểu tình án ngữ lối ra
vào chùa với các băng ghi: Đại diện cho năm vạn thương phế binh và mười hai vạn cô nhi quả phụ, yêu cầu hãy chấm dứt gây chia rẽ trong hàng ngũ Quốc
gia. Trong các khẩu hiệu, ngoài những câu chống Cộng quen thuộc, Ngô Trọng Hiếu
còn sáng tác ra một nội dung ngộ nghĩnh: Yêu cầu Tổng hội Phật giáo kết tội Lê
Đình Thám, người sáng lập Hội Phật giáo, hiện làm tay sai cho Cộng sản miền Bắc.
Nhưng có lẽ, cơ quan tình báo Mỹ đặc biệt chú ý đến hai khẩu hiệu:

- Đừng để ngoại bang xâm nhập
chủ quyền dân tộc.

- Chấm dứt mọi hành động vọng
ngoại ươn hèn.

Hết sức lí thú là sau cuộc
biểu tình “tự động” của dân vệ và thương phế binh trước chùa Xá Lợi, Tổng giám
đốc Thông tin Phan Văn Tạo hỏa tốc họp báo. Tạo thanh minh rằng Chính phủ không
hay biết về cuộc biểu tình này, người chịu trách nhiệm là Trung
tá Trần Thanh Chiêu, thanh tra Trung ương dân vệ đoàn Chính phủ đã cách chức và
phạt trung tá Chiêu bốn mươi ngày trọng cấm. Nhưng, sau cuộc họp báo giật giân
này chẳng bao lâu thì Trần Thanh Chiêu lại được thưởng Anh dũng bội tinh.

Tình hình vừa căng thẳng vừa
lộn xộn, có bi và có hài.

... Luân đọc các tin trên
báo, trong các báo cáo và anh bỗng cười. Dung kinh ngạc.

- Em đoán xem tại sao anh
cười? - Luân hỏi vợ.

- Chịu thôi!

- Hiện nay, ai cũng nhắc đến
Việt Cộng cả. Em nhớ cuộc xung đột ở bán đảo Sinai giữa Ai Cập và Do Thái
không? Ai Cập tuyên bố: Chúng tôi sẽ thắng vì chúng tôi noi theo tấm gương anh
hùng của Việt Nam. Do Thái tuyên bố: Chúng tôi sẽ thắng vì chúng tôi học các
bài học dũng cảm, kiên quyết của Việt Nam... Tại Sài Gòn, Chính phủ buộc Phật
giáo là Việt Cộng, Phật giáo buộc Chính phủ là Việt Cộng... Trăm sự đều do Việt
Cộng cả!

- Tất nhiên, họ xuyên tạc.
Song, cái đáng nói là Việt Cộng buộc họ phải nhắc đến như một huyền thoại.

- Em nói đúng. Xét cho
cùng, tất cả rắc rối thuộc nội tình của chế độ thân Mỹ ở Nam Việt sẽ không có
hoặc có dưới mức gay gắt, nếu chúng ta không tồn tại, dân tộc ta không thể hiện
bản lĩnh và từ 1954, không có một miền Bắc tự do, từ 1960, không có một Mặt trận
Giải phóng hùng mạnh...

Luân dịu dàng ghì Dung, hôn
lên má cô.

*

Mười hai giờ trưa ngày 4-8, Thích Nguyên Hương, một nhà sư
trẻ, sinh năm 1940 đã tự tưới xăng lên mình, tự châm lửa tại đài
chiến sĩ trước tòa tỉnh trưởng Phan Thiết. Thích Nguyên Hương chết
kéo theo những rắc rối mới. Cơ quan công lực tỉnh Bình Thuận bắt nhốt các tăng
ni Phật tử đến viếng Thích Nguyên Hương tại nhà xác của bệnh viện. Tàn bạo hơn
nữa, cảnh sát bẻ nhục thân của thầy Nguyên Hương để nhét vào hòm, đưa về Tuy
Phong tránh mũi nhọn của quần chúng tại thị xã Phan Thiết.

Đại đức Thích Nguyên Hương
tự thiêu không phải là một hành động đột ngột. Ngày 30-7, đại đức đã gửi một
thư trần tình và bức thư đó - cùng với bức thư của đại đức gửi cho cha mẹ - được
công bố trên báo chí.

Hai mươi giờ ngày 12-8, một thiếu nữ vóc dáng mảnh dẻ, mặc
chiếc áo dài màu xanh đã dùng búa tự chặt tay mình tại chùa Xá Lợi. Đó là nữ
sinh Mai Tuyết An. Cũng như trường hợp Thích Nguyên Hương, Mai Tuyết An đã dự định
hành động và không giấu giếm ý định của mình.

Ngày 13-8, tại Huế, đại đức
Thích Thanh Tuệ lại tự thiêu. Tám giờ ngày 15-8, tại Ninh Hòa, ni cô Diệu Quang tự
thiêu tại chùa Ninh Hội. Ngày 16-8, tại Huế, trong khuôn viên tại chùa Từ Đàm, Thượng
tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu.

Tất cả đẩy tình hình Nam Việt
đến chỗ bùng nổ.

Bình luận của các báo: Hầu
hết các báo đều đăng các tin bình dưới đây, không mang chữ kí.

*

Bảng thông cáo chung, gáo
nước lạnh dội vào ngọn lửa le lói...

Hai giờ ngày 16-8-1963, bản thông cáo chung được kí kết
giữa Chính phủ và Phật giáo sau hai ngày đêm hội đàm, năm
nguyện vọng chính đáng của Phật giáo được công nhận. Tổng hội Phật giáo Việt
Nam tuyên bố, cuộc đấu tranh đã hoàn thành trong giai đoạn cần thiết.