Ván bài lật ngửa - Phần IX - Chương 05 phần 1

P9 - Chương 5

Sáng 30-11, một tuần lễ sau
cái chết của Tổng thống Mỹ Kennedy và một tháng sau cái chết của Ngô Đình Diệm,
Hội đồng Nhân dân Cách mạng họp phiên toàn thể. Lẽ ra cuộc họp được mở sớm hơn, liền sau sự cố
Dallas, song hầu hết thành viên của hội đồng đều hoang mang, họ chờ Đại sứ
Cabot Lodge giải thích. Cabot Lodge phải chờ chính Tổng thống tiếp nhiệm
Johnson giải thích. Và, chiều hai mươi chín, Cabot gặp tướng Big Minh.

- Đại sứ Mỹ đã thông báo với
tôi diễn biến cuộc ám sát Tổng thống Kennedy, hung thủ là Oswald, một kẻ loạn
trí. - Tướng Big Minh mở đầu phiên họp.

- Đây là việc nội bộ của nước
Mỹ, - Tướng Big Minh nói tiếp – Hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chính sách của
Mỹ đối với Nam Việt. Tổng thống Johnson bảo đảm sẽ trung thành theo đường lối của
cố Tổng thống Kennedy về châu Á, về Đông Dương và về Việt Nam. Tôi đã nêu thắc
mắc: tại sao một kẻ loạn trí lại chọn Tổng thống làm mục tiêu mà không chọn người
khác?

Phòng họp – phòng lớn ở Dinh
Độc Lập vừa xây xong – nín thở nuốt từng lời của vị chủ tịch.

- Oswald tiêu khiển bằng
cách hạ sát Tổng thống - đại sứ trả lời với tôi... các bạn thấy, chỉ là trò
tiêu khiển!

Phòng họp như bị đè dưới một
tảng đá nghìn cân.

- Qua lí giải của đại sứ Mỹ,
tôi càng hiểu rằng ở Mỹ thú tiêu khiển không có hạn độ... - Tướng Big Minh hơi
châm biếm, điều rất ít có ở ông – Chúng ta, tôi và anh em, không ai có thể làm
gì hơn là nghe giải thích và bằng lòng với mọi cách giải thích từ miệng người Mỹ,
nhất là từ miệng vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

- Tướng Harkins có cái nhìn
hơi khác. - Tướng Lê Văn Kim xen vào...

- Tôi biết! - Tướng Big
Minh gật chiếc đầu tóc cắt thật ngắn, môi dưới vốn đã dày như trề thêm - Tướng
Harkins phản đối cả cái chết của anh em ông Diệm... Giới quân sự và bây giờ
thêm một bộ phận trong giới chính trị gắn hai cái chết với nhau.

- Họ cho là nhân và quả? -
Tướng Kim ngắt lần nữa lời của chủ tịch.

- Không chỉ như vậy! - Tướng
Minh nhếch mép, không phải cười mà biểu hiện ngao ngán - Họ cho là sự mở đầu một
kiểu thanh toán... Mới mở đầu thôi...

Các tướng cúi gầm. Da mặt của
hai người dễ thấy nhất: Tôn Thất Đính và Mai Hữu Xuân.

- Khi mà giới quân nhân làm
chính trị, tình thế thường như vậy. Tôi trình hội đồng một huấn thị: quân nhân
nào liên hệ với các đảng phái, bất kể đảng nào, đều phải chấm dứt, băng không hội
đồng buộc xét kỉ luật, kể cả hình thức cho giải ngũ.

- Nhưng ở Mỹ, cái chết của Tổng
thống đâu có dính tới giới quân nhân? - Đỗ Mậu cao giọng.

- Làm sao biết được? - Tướng
Minh buông thõng.

- Tôi tán thành ý kiến của
trung tướng chủ tịch! - Thiếu tướng Thiệu nói nhanh.

- Có anh em nào không đồng
ý không? - Tướng Minh hỏi.

- Tôi không đồng ý! Mỗi tướng
lãnh đều có quyền tự do, miễn quyền đó không ảnh hưởng đến trách vụ mình. - Đỗ
Mậu vẫn khăng khăng.

- Tôi đề nghị anh em cho ý
kiến bằng cách giơ tay? Ai tán thành đề nghị của tôi?

Tất nhiên, chỉ trừ Đỗ Mậu,
tất cả các tướng đều giơ tay.

- Tôi thiểu số nên phải phục
tùng... Nhưng xin cho tôi nói hết ý của mình: chúng ta đang làm chính trị... -
Đỗ Mậu dằn từng tiếng.

- Đúng, nhưng làm chính trị
khác với theo một đảng. – Lê Văn Kim trả lời thay tướng Minh

- Tôi thấy nên chấm dứt cãi
cọ: việc lớn không phải đảng này hay đảng nọ... - Tướng Đôn can thiệp

Hội đồng có vẻ chịu kiểu “thực
dụng” của tướng André.

- Ngày mai, đại hội nhân sĩ
sẽ họp... Tôi đến chào đại hội xong tôi không giỏi về khoa biện luận nên nhờ
anh Kim hoặc anh Xuân họp với họ, chắc có nhiều câu hỏi khó... - Tướng Minh ngó
tướng Kim và Xuân.

- Anh Kim dự tiện hơn... -
Xuân đẩy sang Kim.

- Tôi sẽ dự. Nhưng, nên có
anh Đỗ Mậu vì tôi biết Đảng Đại Việt thế nào cũng nêu yêu sách tham chính, tôi
trả lời không tiện bằng anh Mậu.

Tướng Kim đã công khai giới
thiệu đảng tịch của Đỗ Mậu...

- Tôi sẵn sàng... Tôi có
nhiều bè bạn trong Đảng Đại Việt, ai cũng biết, nhưng tôi không phải là người
lãnh đạo họ. Lãnh đạo họ là Hà Thúc Ký, Trương Tử Anh và Nguyễn Tôn Hoàn. Ông
Hoàn chưa về nước...

- Ông Ký chắc
chắn có mặt tại đại hội. Tôi đã mời ông ta. - Tướng Minh nói thêm.

Tướng Minh dừng một lúc.

- Nếu không còn anh em nào
có ý kiến gì khác, tôi đề nghị phiên họp kết thúc.

- Tôi muốn anh chủ tịch cho
biết quyết định về ông Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông vừa về nước... - Tướng
Trần Thiện Khiêm đặt câu hỏi khi các tướng sắp rời ghế...

- Ông Thi thì nên giao cho
Bộ tổng tham mưu để nhận công việc. Còn ông Đông, thì hơi ngại! - Tướng Đỗ Mậu
nói.

- Ông ngại điều gì? - Tướng
Xuân hỏi.

- Ông Đông là người của
Phòng Nhì... - Đỗ Mậu trả lời, mắt soi mói Xuân.

- Không có bằng chứng... Chưa
chi huynh đệ đã tương tàn! Ông Đông có công trong cuộc chính biến tháng 11-1960...
- tướng Xuân phớt tỉnh.

- Thôi, tôi sẽ hỏi Tổng nha
cảnh sát về cả hai người... - Tướng Minh cắt đứt cuộc lời qua tiếng lại của hai
viên tướng.

- Tôi hỏi: Thái độ của hội
đồng đối với Đại tá Nguyễn Thành Luân? - Tướng Xuân lại nêu vấn đề.

- Tướng Jones Stepp nhắc
chúng ta: hãy để cho đại tá yên. - Tướng Phạm Xuân Chiểu nói.

- Tại sao lại để ông ta
yên? Phó Tổng Bí thư Đảng Cần lao... Xuân cau mày.

- Thôi! Nhắc chuyện Đảng Cần
lao làm gì. Ở đây, trừ tôi, các anh em đều ở Đảng Cần lao hết! Chẳng qua thời
thế bắt buộc, đâu phải chuyện lớn! – Big Minh xua tay.

- Nếu không, tôi đề nghị
công bố quân hàm thiếu tướng của ông ta do ông Diệm kí và cho ông ta làm việc!
– Xuân nói lẫy.

- Công bố quân hàm? Đâu được!
- Tướng Thiệu phản ứng nhanh – Còn làmviệc, việc gì? Ông ta không phải hạng chầu
rìa... Tiện thể, tôi hỏi anh Đính tại sao thăng vợ của đại tá Luân lên thiếu tá
và chuyển làm phó giám đốc Nha công vụ Tổng Nha cảnh sát?

- Cái đó do ông Chiểu... -
Đính trả lời.

- Cũng không phải do tôi mà
do phái đoàn cố vấn cảnh sát Mỹ đề nghị và đại sứ quán Mỹ tán thành, có cả sự
ưng thuận của tướng Jones Stepp. - Chiểu nói xuôi xị.

- Thôi... - Big Minh lại
xua tay - Việc đại tá Luân sẽ tính sau... Còn gì nữa không?

- Tướng Harkins yêu cầu sớm
họp hội nghị quân sự... Tôi hứa sẽ họp nhưng họ giục do chiến sự gia tăng và do
quân đội ta tổn thất khá... Ấp chiến lược rã nhiều rồi. - Tướng Đôn ngồi ghé xuống
ghế mà nói không mấy phấn chấn.

- Thế nào cũng họp. Nhưng,
phải sửa soạn kĩ kế hoạch. Đừng để vô hội nghị, phía mình im re, còn người Mỹ
nói hết trơn. Họ nắm nhiều tình hình hơn mình, lại còn nghiên cứu... - Tướng
Minh vẫn ngồi yên trên ghế chủ tọa.

- Tướng Harkins muốn tiếp
xúc với đại tá Luân trước khi họp. - Tướng Đôn uể oải ném thêm một quân bài lên
bàn họp.

- Không được! - Tướng Thiệu
nói như quát... - Thiếu gì người cần hỏi ý kiến...

- Nhưng Bộ chỉ huy Mỹ đề
nghị đích danh đại tá Luân. Nếu anh Thiệu không chịu thì anh trả lời thay tôi.
- Tướng Đôn cười mỉm...

- Thôi! - Tướng Minh vẫn mở
đầu bằng chữ “thôi” – Tôi sẽ gặp đại tá Luân.

Hội nghị có vẻ ngơ ngác

- Tôi không thích đại tá
Luân phát biểu ở hội nghị như là một phe, còn tụi mình là một phe trước người Mỹ.
Đại tá Luân chắc có nhiều suy nghĩ và đó là suy nghĩ của một sĩ quan Nam Việt
trong đoàn của Nam Việt.

- Vậy là giao việc cho ông
ta rồi! - Tướng Xuân nói như than.

- Ừ, thì giao việc. Có sao?
Ta không giao thì người Mỹ giao... Cái sau rất bất tiện, phải không anh em?

Tướng Big Minh đã thuyết phục
được hội đồng.

*

Bác sĩ Trần Kim Tuyến về nước,
tuy kín đáo, song ngay cầu thang máy bay đã có hai nhóm người đón với hai thái
độ khác nhau. Nhóm thứ nhất, mặc thường phục mà lưng người nào cũng cộm “con
chó lửa” và có một người cầm sẵn cây còng số tám. Bác sĩ đang hớn hở
bước xuống cầu thang, gia đình chực xô tới chào thì bị nhóm người kia ngăn lại.

- Ông bị bắt!

Một người tuyên bố dõng dạc
và tra còng vào tay bác sĩ.

- Cái gì vậy? - Bác sĩ Tuyến
kinh dị hỏi.

- Cấp trên của chúng tôi sẽ
trả lời... Các ông thừa biết một trùm mật vụ nên được ưu đãi như thế nào.

Người còng tay Tuyến trả lời
lạnh lùng. Bác sĩ, qua đôi kính cận, mặt trắng bệt – ông biết cái gì đang đợi
ông như ông đã từng chỉ thị cho bộ hạ trước đây; may mà ngay cầu thang máy bay,
bằng không ông đã nhận vài cú lên gối đến hộc máu mồm...

- Đi! – Người còng tay Tuyến
có vẻ chỉ huy, ra lệnh.

- Đi đâu?

Không phải bác sĩ Tuyến hỏi
mà một giọng khác oang oang, hơi cười cợt. Hai quân nhân, một mang quân hàm
trung tá - với toán quân cảnh trang bị tiểu liên giống như dưới đường băng bê
tông ngoi lên, án ngữ đám nhân viên mặc thường phục.

Viên trung tá chập gót chân
chào bác sĩ Tuyến.

- Mở còng ra? – Viên trung
tá bảo cộc lốc.

- Ông là ai? - Viên chỉ huy
mặc thường phục hỏi, giọng hơi run.

- Tụi bây là ai? - Viên
trung tá bốp chát

- Chúng tôi mang lệnh bắt
nguyên Trưởng cơ quan mật vụ chế độ cũ... - Viên chỉ huy lắp bắp.

- Lệnh đâu? – Viên trung tá
vẫn giọng cộc lốc.

Viên chỉ huy mặc thường phục
chìa tờ giấy đánh máy. Viên trung tá giật phắt giấy, nheo mắt đọc: “Đại tá giám
đốc Nha cảnh sát đô thành... Tao cóc biết thằng này, còn mày, thằng đại úy cà
chớn!” Và anh ta xé vụn tờ công lệnh, buông nó bay lả tả theo gió.

- Mở còng! – Viên trung tá
nhắc lại...

Viên đại úy cảnh sát ngỡ
ngàng

- Tao đếm ba tiếng. Nếu mày
không mở còng cho bác sĩ thì tao cho mỗi đứa một băng chầu ông bà, ông vải!... Một...

Chưa đến tiếng thứ hai, chiếc
còng đã được mở.

- Mời bác sĩ về ngay Bộ tổng
tham mưu... Trung tướng Tôn Thất Đính đang đợi bác sĩ - Viên trung tá lễ phép bảo.

Rồi quay sang viên đại úy cảnh
sát, anh ta bảo giọng thật trịnh thượng:

- Còn đứng đó hả? Bác sĩ ra
lệnh bắt tụi mày thì tụi mày vào nhà xác ngay! Đồ chó lợn!

Hành khách vây quanh như
xem một trò ảo thuật. Đám cảnh sát bảo nhau bằng mắt, lủi trong đám người vào
sân bay.

Tôn Thất Đính và Đỗ Mậu đón
Tuyến ngay thềm Bộ tổng tham mưu

- Bravo! - Đính ôm Tuyến
thét to... - Chào vị mưu sĩ tài ba. Mọi việc như bác sĩ dự kiến.

Khi ngồi trong phòng khách,
Tuyến hỏi:

- Tôi nghe thiếu úy Tường bị
bắn.

- Đúng! Gã vệ sĩ của Nguyễn
Thành Luân bắn...

- Thế thì việc đầu tiên,
coi như các vị trả công cho tôi, là lôi cổ Luân lẫn tên vệ sĩ của hắn ra bắn...

Tuyến nói điềm đạm nhưng âm
sắc đầy quyền lực.

- Không thể làm theo ý bác
sĩ... - Đỗ Mậu lắc đầu.

- Tại sao...?

- Vì, ngày mai chính Chủ
tịch Hội đồng Quân nhân sẽ gặp đại tá Luân và ngày kia, đại tá
Luân dự một phiên họp quân sự hỗn hợp Việt Mỹ do đại tướng Harkins và trung tướng
Đôn chủ trì...

- Đến thế kia? - Tuyến thất
vọng.

- Có thể còn hơn thế nữa...
Không có gì ngăn đại tá Luân trở thành nhân vật quan trọng ở Việt Nam Cộng hòa.
Người Mỹ muốn, và - Đỗ Mậu chua chát - Người Mỹ muốn là Trời muốn.

- Ngay lông chân của gã vệ
sĩ cũng không đụng được à?

- Có lẽ sự thật gần như bác
sĩ nghĩ...

- Chuyện đại tá Luân còn phức
tạp lắm. Bây giờ bác sĩ đã về, nên gặp gia đình, nghỉ ngơi vài hôm rồi chúng ta
sẽ mời bác sĩ làm việc... Vẫn việc cũ. Chúng ta đang xây dựng lại cơ quan mật vụ...
- Tôn Thất Đính nói.

- Tôi nghe lời hai ông. Còn
mối thù với Nguyễn Thành Luân, tôi không bao giờ quên!

- Rất tốt. Nếu bác sĩ khôn
khéo... - Đỗ Mậu lên giọng dạy đời - Nhất là đừng tỏ cho Luân biết bác sĩ thâm
thù hắn và chớ hé môi với giới quân sự Mỹ... Nắm cơ quan mật vụ, bác sĩ đủ điều
kiện hành động...

- Ly Kai còn không?

- Còn! - Đỗ Mậu trả lời.

- Được... Thế tôi có cần
trình diện tướng Minh không?

- Khoan đã! - Đỗ Mậu đắn đo
– Ông Minh có vẻ không thích bác sĩ.

- Ai chủ trương bắt tôi tại
sân bay? – Bác sĩ hỏi.

- Cảnh sát... - Đỗ Mậu trả
lời.

- Nhưng trung tướng Đính là
Tổng trưởng An ninh...

- Tổng trưởng không kiểm
soát hết mọi việc đâu. – Đính nheo mắt, coi như đó là chuyện vặt.

- Ngay tôi, nếu trung tướng
Đính không thuật lại mọi sự, tôi cũng ra lệnh bắt bác sĩ! – Đỗ Mậu nói như rít
qua kẽ răng.

- Chúng ta nên sòng phẳng...
Tôi biết nhiều chiến hữu Đại Việt của thiếu tướng chết ở nhiều nơi, kể cả ở
P.42... Nhưng tôi không thể làm khác. Nếu tôi làm khác, không có cuộc cách mạng...
- Tuyến phân trần.

- Chưa chắc! - Đỗ Mậu như hết
tự kiềm chế.

- Nghĩa là?

- Nghĩa là không cần các biện
pháp như bác sĩ đã làm và nghĩa là, không có bác sĩ chúng tôi vẫn lật được Diệm.

- Này, ngày vui, đừng tranh
cãi gay cấn. – Tôn Thất Đính dàn hòa - Vả lại, thiếu tướng không còn là Đại Việt
nữa, chúng ta thỏa thuận rồi... Mời bác sĩ uống với chúng tôi...

Sau khi cụng li, bác sĩ Tuyến
ra khỏi phòng - vợ con ông đang thắc thỏm chờ. Bác sĩ đi mà lòng ngổn ngang. Sự
thể này rõ không ổn. Ông ta nhớ lời dặn sau chót của Tôn Thất Đính: “Bác sĩ nên
nén mình. Chớ để giới Phật giáo thấy mặt, họ có thể kéo biểu tình đập phá nhà
bác sĩ... Bác sĩ cũng đề phòng giới Thiên Chúa giáo, hình như phong phanh biết
bác sĩ nhúng tay vào vụ đảo chính, họ cũng biểu tình đập phá...” Thế là như bị
giam lỏng rồi còn gì?

- Tôi định viếng mộ ông Diệm...
- Tuyến thăm dò.

- Không nên! Chắc bác sĩ đọc
báo biết việc làm của đại tá Luân, ông ta hành động phù hợp, nổi tiếng nữa.
Song không phải sự bắt chước nào cũng tốt cả đâu, bác sĩ sẽ làm bia cho báo chí
phỉ báng. - Đỗ Mậu tuôn một thôi lời lẽ cay độc.

*

Trung tướng Dương Văn Minh
dự khai mạc đại hội nhân sĩ. Đây là một đại hội do các đoàn thể triệu tập,
không từ sáng kiến của Hội đồng Quân nhân. Mặt mũi của chừng
một trăm người chẳng lạ gì với công chúng; số khá đông vừa rời khỏi tù với tấm huân
chương “Chống chế độ độc tài gia chính trị” - chống thật và chống giả, số còn lại
là các trí thức có tên tuổi, thật tình thấy nhẹ nhõm hơn khi Diệm bị lật đổ. Đại
hội gần như không có ai cầm càng - Kĩ sư Phan Khắc Sửu được
cử nói mấy lời mở đầu và ông giới thiệu trung tướng Minh. Trung tướng được hoan
hô khá lớn – ông bối rối vì cảm động.

- Tôi cảm ơn quý vị! -
Trung tướng cảm động nói – Tôi mong đại hội đóng góp nhiều ý kiến thiết thực
cho Hội đồng Quân nhân và Chính phủ trong lúc đất nước khó khăn. Tôi cũng đề nghị quý vị
đề cử một hội đồng nhân sĩ đủ tài đức tư vấn cho Hội đồng Quân
nhân và Chính phủ. Tôi mong quý vị để quyền lợi quốc gia lên trên hết... Lẽ ra
tôi phải dự cùng quý vị suốt đại hội, song công vụ không cho phép, Trung
tướng Lê Văn Kim, Thiếu tướng Đỗ Mậu, Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ sẽ làm
việc cùng quý vị, tôi sẽ xem lại biên bản... Chúc quý vị và gia quyến an
khang...

Vỗ tay. Nhưng có vẻ đại hội
thất vọng vì vị chủ tịch nói quá ngắn, tiếng vỗ tay giảm hẳn nồng nhiệt...

Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ
được yêu cầu trình bày chương trình hành động của Chính phủ. Ông Thơ không sẵn
sàng nên nói khá lập cập. Ý duy nhất mọi người ghi nhận là: Việt Nam Cộng hòa đang
thực hiện một cuộc cách mạng, song cách mạng ôn hòa. Các vấn đề kinh tế, xã hội,
về chiến tranh, về dân chủ đều bị bỏ qua. Lê Văn Kim giống một triết gia, lí luận
về những khái niệm rất chung. Đỗ Mậu nói về những hi sinh của các chiến sĩ quốc
gia để đánh đổ Ngô triều. Đại hội rơi vào cảnh hỗn loạn.
Các nhân sĩ chân chính chán nản, và lần lượt rút lui. Phần mà đại hội coi như
quan trọng nhất là giới thiệu người tham gia Hội đồng nhân sĩ. Con số lên đến một
trăm. Đủ hết! Hà Thúc Ký, Phan Quang Đán, Hồ Hữu Tường, Trịnh Khánh Vàng, Phan
Khắc Sửu, Nguyễn Thành Phương, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Chữ,
Hoàng Quỳnh, Thích Tâm Châu, Lê Văn Tất, Trần Văn Vân... Riêng Hà Thúc Ký còn
đưa ra một “phương châm”: đảng nào đổ máu nhiều tức là có công nhiều trong cách
mạng 1-11 thì được quyền chiếm tỉ lệ cao trong Hội đồng nhân sĩ và Chính phủ. Đại
hội bế mạc trong không khí ai cũng thấy mình phải là thành viên của Hội đồng
nhân sĩ - một thứ siêu nghị viện – và phải là tổng trưởng...