Sắp cưới - Phần II - Chương 1 - 2

PHẦN THỨ HAI

1

Văn vừa tới sân văn phòng Đội thì mấy đứa con ông hàng xóm chạy túm lấy:

- Anh Văn! Anh Văn!

Một em giữ tay Văn bắt Văn bế phốc lên, sung sướng khoe với mọi người:

- Anh Văn của tao.

Em khác nhảy lên ôm lấy cổ Văn, hai chân kẹp chặt lấy lưng Văn rồi cũng kêu lên:

- Anh Văn của tao.

Văn vừa cõng vừa bế hai em đứng tại chỗ làm cho các em khác xúm quanh nhao nhao:

- Anh Văn bế em cơ.

- Anh kể chuyện Con cò vàng đi.

- Không, anh kể Mèo con không vâng lời cơ.

- Anh dậy em bài “lung linh ánh sao” đi.

Ông chủ nhà thấy thế liền chạy ra quát:

- Khiếp, chúng mày cứ làm như ngụy ấy, không cho bác Độ làm việc à. Muốn sống xéo ngay.

Nghe tiếng “Bác Độ” bọn trẻ con chạy cả ra cổng. Văn nhìn theo phì cười.

Độ vừa được đề bạt đội trưởng đầu đợt 5. Chỉ huy một đội có hàng ba, bốn huyện ủy viên, vài ông cán bộ tỉnh. Độ giãy nẩy nhưng Đoàn ủy đả thông mãi, Độ không làm sao được. Gần tháng nay Độ lo sọm cả người, hai má hóp lại như trôn chén, đôi mắt thiếu ngủ đỏ ngầu thụt sâu thêm xuống tròng con mắt.

Lúc đó Độ đang nghe một cán bộ Đội thỉnh thị câu chuyện khá lôi thôi: có một anh thành phần trung nông năm ngoái mới cưới cô vợ, vừa qua trong xóm phát hiện gia đình vợ là địa chủ. Anh này đề nghị cán bộ Đội xin bỏ vợ, cán bộ Đội giải thích không cho, anh ta làm đơn gửi thẳng văn phòng Đội.

Nghe xong câu chuyện, Độ hừ một cái thật mạnh:

- Bỏ được. À, Văn đến đấy à? Vào đây góp ý kiến nào. Cán bộ thanh niên chắc nhiều ý kiến.

Văn quay lại hỏi Độ:

- Sao lại bỏ?

Độ trả lời liền:

- Nếu thật lòng thương yêu nhau thì họ chẳng đề nghị cắt đứt.

Văn quay sang hỏi đồng chí kia:

- Thế chị vợ thế nào?

- Anh ấy đuổi chị ấy đi, chị ấy nhất định không đi, chị ấy cứ bù lu bù loa lên: ngày xưa anh nhờ hết người này đến người khác nói với bố mẹ tôi xin tôi về, chứ tôi có theo không anh đâu mà anh đuổi tôi.

Văn gật gù:

- Như thế thì có nhiều lẽ: có khi anh chàng này chán vợ định bỏ từ lâu, nay vớ được dịp này bỏ cho dễ. Có khi anh ta chưa hiểu chính sách, sợ mắc tiếng “con rể địa chủ” không được vào nông hội, không được chia của đấu tranh. Tình cảm con người phức tạp bằng vạn lần cái ruột đồng hồ đeo tay ấy chứ. Trong lúc đấu tranh này thoát sao được những trường hợp mượn gió bẻ măng, những trường hợp lên gân xuống tấn để cho thiên hạ biết là ta đây cũng vững “lập trường”.

Độ gạt phắt đi.

- Cậu còn mơ hồ lắm. Có khi anh ta được phát động tư tưởng, anh ta giác ngộ quyền lợi giai cấp muốn dứt khoát với giai cấp địa chủ thì sao? Anh lấy con địa chủ, anh phải gọi địa chủ bằng bố có phải là anh đề cao uy thế chính trị cho nó chứ gì. Và trên cơ sở tình cảm ấy nó sẽ mua chuộc nông dân bao che cho nó. Cậu cứ về cho bỏ đi.

Văn gật gù:

- Đừng hấp tấp, để yên mình biên thư lên Đoàn hỏi tụi nhà báo xem nó giải đáp ra sao. Có luật nào lại bắt bỏ con địa chủ.

Mặt Độ đã thấy đỏ hơn trước:

- Luật nào. Không cần luật. Cứ “lập trường” mà giải quyết. Vẽ. Bọn nhà báo cứ ở tít trên Đoàn có nắm được thực tế đâu mà hỏi nó. Thôi cậu cứ về đi. Chỉ huy Đội đồng ý đấy.

Chỉ còn hai người ngồi đối diện nhau, Độ hất hàm hỏi Văn:

- Thế nào? Tình hình có gì chuyển không?

Văn ngượng nghịu lắc đầu:

- Vẫn như cũ.

Độ nhăn nhó:

- Cậu phải phát động tư tưởng quần chúng mạnh lên thế nào chứ.

Văn trình bày đúng như kế hoạch của Đoàn ủy:

- Thì mình đã họp thanh niên tố khổ, họp phụ nữ tố khổ, tố khổ điển hình, tố khổ phổ biến, tố khổ từng tổ, tố khổ từng nhóm, tố khổ liên gia, quần chúng tố nhiều vào bọn lý Sản thôi.

- Thế cậu đã đi sâu chưa?

- Mình đã điều tra số ruộng đất chuyển dịch hàng năm của từng hộ, mình đã tính lao động chính từng người.

- Đi sâu nữa đi.

- Sâu thế là sâu, sâu đến đất đen nữa à?

Độ đã nóng sôi lên nhưng trấn tĩnh ngay được vì hôm qua họp chỉ huy Đội, Độ đã bị phê bình là hay cáu gắt với anh em:

- Lạ thật, một xóm có mười bảy hộ mà không có một địa chủ thì đến bước ba lấy ruộng đất đâu mà chia cho nông dân?

Rồi Độ nhắc lại nguyên văn lời đồng chí bí thư Đoàn ủy vừa xuống hội ý các đội trưởng căn dặn lại:

- Kinh nghiệm bốn đợt trước, Trung ương đã tổng kết rồi, số hộ địa chủ phải chiếm ít nhất là năm phần trăm tổng số hộ toàn xã. Nếu chưa đủ thì lọt, nhất định lọt. Ở Trung Quốc, nhiều xã lên tới sáu phần trăm mà khi phúc tra còn truy được địa chủ lọt lưới kia mà.

Nhìn bộ mặt non choẹt ngây ngô nhưng cứ làm ra bộ quan trọng hóa vấn đề, Văn cười nhạt rồi thò tay kéo cái điếu xích lại phía mình thông điếu ba, bốn bận, thong thả vê điếu thuốc vừa vặn nõ điếu rồi bật lửa hơ đầu xe điếu đâu vào đấy mới châm đóm kéo một hơi dài. Tiếng điếu rít tanh tách làm Độ cảm thấy rằng Văn khinh thường mình là cốt cán mới được đề bạt không thèm nghe, nhưng việc đấu tranh tư tưởng không thể thỏa hiệp được. Nghĩ thế Độ lại khum khum năm ngón tay dập dập xuống mặt bàn như lúc đồng chí bí thư Đoàn ủy huấn thị:

- Đi cải cách ruộng đất mà không tìm ra địa chủ thì chỉ là cải cách giả. Khi chúng mình rút về, địa chủ nó lại phản công thì làm sao giữ được thắng lợi cải cách ruộng đất, làm sao củng cố được miền Bắc vững mạnh. Cậu cần kiểm tra lại công tác xem. Vô lý, một xóm không ra địa chủ, địch không hề phá hoại mà tối nào cũng văn nghệ râm rả lắm. Các đội nó chuyển bước ầm ầm, mình cứ như thế này thì đến bị đưa lên báo vì tội hữu khuynh nghiêm trọng cho mà xem. Cậu không nhớ Khu ủy nói hôm xuất phát: chỗ nào có ta là có địch, hay sao?

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, có Đoàn ủy mớm cho câu nào lại về lắp như vẹt, nghĩ thế rồi Văn nhìn thẳng vào mắt Độ:

- Mình đã báo cáo rồi. Xóm mình có tên Lý Sản hồi địch chiếm có ra làm tề; khi ta mở khu du kích nó chạy đi Hải Phòng, sau đó ta đã tịch thu sáu mẫu của nó chia cho nông dân. Cuối năm một nghìn chín trăm năm mươi tư, điều chỉnh công điền một lần. Mình cam đoan với cậu là xóm mình không lọt. Tại sao cứ một khuôn năm phần trăm mà rập một loạt như vậy. Chẳng nhẽ xóm mình không có, phải bịa ra một địa chủ à?

Độ ôm đầu nhăn nhó:

- Các cậu ở nhà có hiểu cho mình đâu. Vụ ông già bảy mươi tư ở xóm Bắc chết, vụ cắt dây điện ở xóm Nam, vụ cháy ở xóm Trung, vụ em bé chết đuối ở xóm Hạ lần nào lên Cụm cũng bị các ông ấy truy ra truy. Ba lần đề nghị chuyển bước các ông ấy lại toát cho vuốt mặt không kịp: đâu, hung thủ đâu? Đầu sỏ thủ mưu ra chưa? Sao lại chưa? Thằng bí thư chi bộ, thằng chủ tịch còn ngồi lù lù như cái “boong ke” ở đấy mà không phát hiện để xử trí thì cho chuyển để lướt nhanh à, lại còn mấy xóm không có địa chủ, truy làm sao đủ năm phần trăm mà còn chuyển biến chứ. Đấy các cậu xem. Thế nào mỗi khi nhắc các cậu thì các cậu cứ cau có khó chịu làm như tớ trù các cậu. Này Văn này, qua xóm Đông tớ thường thấy mấy cái nhà to to có sân gạch ấy, cậu thấy thế nào?

Văn lấy tay vuốt ngược món tóc vừa xòa xuống trán:

- Nhà nào cũng có từ một đến hai lao động chính cả. Thí dụ như bà Khuyến…

Văn vừa giở sổ tay đọc tên mấy người Độ nghi vấn thì Lý xách túi lò dò đến. Độ đưa mắt ra hiệu bảo cứ ngồi chờ ở phản ngay gần đấy để tí nữa sẽ hội ý riêng.

Gần hết bước một, Lý mới được vào Nông hội, nhưng bốn cuộc đấu đá toàn xã, lần nào Lý cũng lên đấu về mục chính trị, nên được Độ rất tin dùng và giao nhiệm vụ đi các xóm tìm khổ chủ. Lý đấu rất hăng, có buổi Lý nhảy lên đấu tới ba lượt, Lý gạt cả người khác ra mà đấu… Lý đấu rất tài. Năm nay, Lý mới hai mươi hai, chạy Tây vào khu tư từ dạo mười sáu, nay vừa về thế mà chuyện gì Lý cũng biết, bà nào Lý cũng đấu được. Khi Độ bồi dưỡng khổ chủ thì Lý chịu khó ngồi nghe rồi nhớ tất cả. Khi đấu thì Lý cứ việc nhắc lại các tội ấy hay gộp thêm vài hiện tượng của người vừa đấu rồi phân tích thêm vài câu: mày còn ngoan cố nông dân càng căm thù, mày thành khẩn nhận lỗi nông dân sẽ khoan hồng. Mày phải hiểu rằng nghĩa là một khi giếng cạn thì đã có sông, sông cạn thì đã có bể. Có Đảng, có Bác đưa đường chúng tao quyết vùng dậy đạp chúng mày xuống bùn đen, đất đỏ.

Đúng như lời mình đã bồi dưỡng, Độ đứng sau chỗ tòa án, thích chí phát vào cánh tay đồng chí phóng viên của Đoàn mà rằng:

- Đăng lên báo đi cậu. Rất văn nghệ. Bần nông đấy nhé.

Nhưng việc dân thôn Chè gọi Lý là “thợ đấu” thì Độ không biết mảy may.

Hôm nay Lý đến thấy Độ và Văn đang tranh luận thì Lý hạ túi xách trên vai đặt lên đùi ngồi chờ. Nghe Văn báo cáo xong và thấy Lý đã tới, Độ hỏi dập ngay:

- Nhà Khuyến mà cậu dám bảo là trung nông thì lạ thật.

Lý ngồi thẳng ngay lại, người nhấp nhổm, đôi môi vừa nhúc nhích thì Văn đọc luôn:

- Hiện có mẫu hai – hai liệt sĩ – một con là cán bộ Thanh niên tỉnh – nhà có hai lao động chính: bà ta và cô Bưởi.

Môi Lý cong cớn:

- Con Bưởi làm đã đi đến thế giới nào mà quy được là lao động chính. Nó chỉ làm phất phơ để ốp người làm và che mắt thế gian. Con mẹ Khuyến dạo này có ra đến đồng được mấy. Anh phải hiểu rằng nghĩa là một khi giai cấp địa chủ lẩn trốn thành phần thì có rất nhiều âm mưu thâm độc. Ta mà không tỉnh thì bị nó úm ngay.

Độ đưa mắt cho Văn một cách đắc thắng như có ý bảo:

- Thấy chưa? Lập trường giai cấp mơ hồ chưa?

Lý lại nói tiếp:

- Hồi năm một nghìn chín trăm bốn mươi ba nó chiếm đoạt của nhà em cái năm sào Đồng Bầu, hồi năm bốn mươi chín nó lại chiếm đoạt của nông dân xóm Đông, xóm Nam gần mẫu ruộng nữa. Hồi năm năm mươi tư nó phân tán một trâu và tám sào. Năm ngoái con cái Bưởi bán thóc đi may áo, mua khăn len, và đánh nhẫn vàng. Gớm, anh cứ tưởng “bở”.

Văn quay lại vặn Lý:

- Những tài liệu này chị hỏi ở đâu đã chứ?

Độ gạt phắt đi:

- Đồng chí nên bình tĩnh. Quần chúng nói là đúng. Đồng chí không được trấn áp quần chúng.

Văn tức mình xô ghế đứng dậy:

- Đấy, nếu các anh không tin tôi thì điều tôi đi xóm khác, anh xuống mà làm.

Độ cũng quắc mắt chỉnh lại:

- Tại sao đồng chí lại tiêu cực như thế à. Đồng chí dỗi với Đảng à? Đồng chí thử kiểm điểm xem tinh thần trách nhiệm của một đảng viên như thế có xứng đáng không?

*

* *

Văn về rồi, Độ cũng hối hận về thái độ nóng nẩy của mình, sao dạo này mình nóng quá thế. Hai cán bộ Đội to tiếng với nhau trước một cốt cán, việc ấy chắc chắn là không có lợi. Giá lúc bấy giờ mình ôn tồn phân tích cho Văn chẳng những Văn dễ tiếp thu mà lại còn giữ được đoàn kết trong nội bộ Đội. Đặt địa vị mình vào địa vị Văn lúc bấy giờ khó giữ được bình tĩnh vì mình đã sạt Văn túi bụi trước mặt Lý rồi còn gì.

Độ biết Văn từ hồi tổng kết ở Hoàng Đan. Văn mới hai mươi nhăm tuổi nhưng đã bẩy năm tuổi Đảng, tham gia huyện ủy từ lâu và có nhiều thành tích. Văn vốn trực tính, đã tranh luận là tiếng cứ oang oang, đã phê bình ai thì cứ bốp chát “ít xây dựng”. Qua các bước công tác, Văn không phải là một cán bộ lười. Về xóm Đông, Văn ba cùng rất tốt, báo cáo thỉnh thị đều, chính Độ đã đưa thành tích của Văn ra chỉ huy Đội để đề nghị Đoàn ủy cấp bằng khen. Nhưng tại sao Văn còn để lọt địa chủ. Độ tự hỏi và cũng so sánh mình và Văn. Tại Văn không bị địa chủ áp bức bóc lột như mình. Đúng thế, mỗi khi nghe nông dân tố khổ, mỗi khi nhìn thấy mặt một tên địa chủ bị lôi ra đấu, máu căm thù trong người Độ sôi lên. Những hình ảnh bao năm qua diễn lại: Hồi Ất Dậu, mẹ Độ đi tuốt nắm đòng đòng non về nấu cháo cho Độ bị thằng Lý Bảo vụt hai gậy chết vục đầu xuống bùn, thầy Độ dắt Độ từ Thái Bình lên Phú Thọ kiếm củi, làm thuê độ nhật. Thầy Độ chỉ bị một cơn sốt rét cấm khẩu rồi chết. Độ phải đem thân đi ở. Năm ấy mới mười ba, hai năm sau Độ đã phải tập bừa. Khi ra đồng phải vác bừa chổng ngược hàng răng lên trời. Nhưng Văn thì khác. Văn đi học, sau khởi nghĩa thoát ly đi bộ đội. Văn ít khổ, có phải vì thế mà lập trường giai cấp mơ hồ nên đi hai đợt liền không được Đoàn ủy cất nhắc, hay là Văn thắc mắc về địa vị cũng nên. Chả thế mà mỗi khi mình phổ biến nghị quyết của Đoàn ủy thì Văn hay đưa ý kiến ra bàn ngang một tí. Có khi gia đình Văn có vấn đề, cái này phải hỏi tổ chức xem. Thời Tây mà được đi học thì gia đình đó không phú thì địa, hay ít ra cũng liên quan với đế quốc. Nếu không thì tại sao nhà thằng địa chủ lù lù như cái lô cốt mà vẫn không chạm đến chân lông nó?

- Đấy anh không tin tôi thì anh cho tôi đi xóm khác, anh xuống mà làm.

Chợt nhớ đến câu ấy, cơn nóng đã dìu dịu lại bùng lên. Văn cứ cậy thế giỏi hơn Độ mà khinh thường. Độ lâu nay quá tự ti nên Văn làm bộ. Chuyến này Độ sẽ cương quyết với Văn, Độ sẽ dùng tập thể giáo dục cho Văn và Độ sẽ lấy thực tế để chứng minh cái lập trường giai cấp mơ hồ của Văn. Lời huấn thị của đồng chí bí thư Đoàn ủy còn văng vẳng bên tai:

- Những lúc khó khăn thì người lãnh đạo phải lăn xả vào mà làm. Xuống sát, đi sâu, phát hiện vấn đề, đột phá nhất điểm, sáng tạo kinh nghiệm để đẩy mạnh phong trào toàn diện tiến lên.

Độ gật gù: mình sẽ trực tiếp xuống xóm Đông, chỉ hai ngày thế nào cũng truy ra địa chủ lọt lưới cho mà xem.