Sắp cưới - Phần II - Chương 3 - 4

3

Đêm nay tổ Văn nghệ xã Xuân Hạ ra mắt bà con vở chèo Vương Quý – Lý Hương Hương tại đình Đông. Vở kịch tập đã hơn một tháng. Bưởi thủ vai Lý Hương Hương còn Xuân đáng nhẽ đóng vai Vương Quý nhưng cậu ta thấy bố thì gàn mà bản thân cũng lo, ngộ nhỡ ra một cái thì sao, nên chối đây đẩy. Xa Bưởi thì lại nhớ, cậu ra khôn ngoan xung phong nhận chân nhắc vở.

Trước khi diễn, Xuân chạy vào buồng trò tìm Bưởi. Ngoài kia ba bốn cậu đang lách liếp thò cổ vào tán chuyện ba lăng nhăng làm Xuân rất khó chịu, liền máy Bưởi ra phía cánh gà để ôn lại đoạn giáo đầu. Hai mái tóc chụm vào nhau, Xuân lấy ngón tay út chỉ từng dòng cho Bưởi nhẩm, khốn thay mùi phấn, mùi nước hoa thoang thoảng làm Xuân không cầm lòng được nữa, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, lợi dụng lúc sang trang, Xuân liền véo má Bưởi một cái.

- Á, đau.

- Khe khẽ chứ.

- Đau chết người đi được.

- Kêu, ai biết thì sao?

- Ai bảo véo người ta. Xấu!

Miệng nói, tay Xuân xoa xoa mấy cái vào má Bưởi.

Viên đang chạy long tóc gáy để bố trí dầu đèn cho đủ ánh sáng thì thấy léo nhéo ở sau cánh gà lại tưởng có anh nào đến ghẹo “cây cảnh” của đội Văn công, liền chạy ù đến:

- Cái gì? Cái gì?

Bưởi cãi biến:

- Dơ, người ta đang xem đoạn giáo đầu!

Lựu đang ngồi ôm một bó quần xanh áo đỏ thấy Viên cũng vội chạy cả đến làm ra vẻ lo lắng công việc:

- Này cô Bưởi, thắt cái thắt lưng này hơn.

Không có ai điều khiển, hội nghị tay tư ấy chia làm hai nhóm mạn đàm. Viên thì thầm với Lựu một tí rồi nhẩy lên sân khấu loay hoay tìm chỗ đặt cái cành đa để giả làm rừng. Lựu nhìn theo cũng hả dạ. Anh chàng trông như trâu lăn ấy mà lại chỉ huy văn nghệ toàn xã. Giá mà mình biết hát như Bưởi lên đóng một vai cũng hay. Lựu tự trách mình sao giọng cứ rè rè lên cao thì hơi bị đứt hơi, múa máy thì chân tay như que củi, mà đóng vai gì cứ nhìn thấy người khác là rũ ra cười. Nhưng ra tổ văn nghệ Lựu lại không thích; do đó buổi nào biểu diễn ở đâu Lựu cũng xung phong nhận chân đi mượn đồ lề và giữ quần áo. Làm vài bận Lựu không để mất mát tí gì, anh em tín nhiệm tợn. Được cái Viên thường đả thông: cái kim phút chạy nhanh, cái kim giờ chạy chậm, cái chữ số đứng nguyên, cái máy ở trong, cái mặt ở ngoài, có thế mới thành đồng hồ. Chứ bây giờ cái máy đòi ra ngoài, chữ số cũng muốn chạy thì còn ra cái quái gì nữa. Lựu đã yêu Viên, càng phục thêm. Chuyện, người ta đã là đảng viên, tinh thần làm gì không cao hơn mình là thanh niên lao động.

Nấp sau cánh gà, Xuân và Bưởi quên cả ôn vở chèo mà lại chúi mũi ôn lại bản tình ca của mình. Bưởi trách trước:

- Anh Xuân hay chơi nhả lắm, em không đồng ý đâu.

Xuân cười trừ:

- Đẹp quá, đẹp như tiên.

Mặc dù câu này Xuân khen Bưởi từ hai năm nay nhưng Bưởi cũng phải giả vờ xoa lại phấn, móc túi lấy cái gương ra soi thử. Chợt nghĩ điều gì, Bưởi hỏi Xuân:

- Anh Xuân hôm qua đi nói chuyện với cái Lý phải không?

- Hình như có.

- Hình như. Hai anh chị bám lấy nhau cả xóm nhìn thấy. Đẹp đôi lắm. Thống kê Đội lấy cốt cán.

- Bịa nào, chẳng nhẽ ở văn phòng về người ta hỏi lại không trả lời. Thế lúc Bưởi nô đùa với các cậu ấy đấm nhau thùm thụp thì sao?

Bưởi quắc mắt hỏi:

- Anh ghen à?

- Ấy thì mới nói thế.

Rồi Xuân đánh trống lảng:

- Này đọc nốt đi không có lại ngắc ngứ.

Hai mái tóc vừa chạm vào nhau thì tiếng Viên chõ xuống:

- Ai đến vai thì lên đi. Mau lên. Thanh niên năm mươi sáu gì mà như phụ lão thế này này.

Bưởi trèo vội lên sân khấu. Xuân níu vạt áo sau lại dặn với:

- Này cái lúc Vương Quý cầm lấy tay thì mình phải bước đi ngay, đừng để nó quàng tay ra sau lưng như hôm tập, khác nào người đun xe bò trông cứng lắm.

Ngoài kia tiếng Viên đã oang oang:

- Thưa toàn thể đồng bào…

*

* *

Cạch! Cạch! Cạch!

Màn kịch vừa kéo lên, mọi người xì xào:

- Ai thế nhỉ?

- Xinh đấy.

- Bưởi… Bưởi thật…

- Suỵt, im. Nó sắp cưới, nước mẹ gì mà bàn tán.

- Tự do tư tưởng, không cho phép người ta phê bình à.

Trên sân khấu Bưởi đang hát:

“Vốn dòng Lý thị

Tên tôi vốn gọi Lý Hương Hương”

Không ai bảo ai tự dưng im bặt.

“Việc cấy cày sớm tối đảm đương

Xuân mười tám hoa thơm mật ngọt”

Bưởi đi quanh sân khấu một vòng. Ai nấy đắm đuối nhìn theo, tấm tắc khen thầm con người đã đẹp mà ăn mặc cũng tinh. Đầu để trần rẽ làm hai món tóc tết đuôi sam buông thõng sang hai bên vai. Mỗi đuôi sam lại buộc miếng vải mầu mỡ gà thắt hao hao hình con bướm. Mé bên thái dương lại cài một bông hoa hồng bạch. Lông mày Bưởi đã cạo nhỏ lại và tô mực tàu cong vút, hai mi mắt vừa tô đen lại bôi thêm ít dầu lạc khi ánh đèn hắt vào làm đôi mắt long lanh tựa hai viên ngọc đặt giữa nền nhung. Cái miệng hơi rộng cũng được Viên tô gọn lại bằng đôi môi hình trái đào đỏ chót, khi hát khác nào đóa hồng nhung đang nở:

“Cha tôi thường sớm tối nhủ khuyên

Việc ở ăn con giữ lấy lành hiền

Cho lòng sớm yêu thương là quý”

Xuân nấp sau cánh gà thú quá cũng buột miệng đế theo:

- Là quý!

Bây giờ thì Xuân mê mẩn cả tâm thần, Lý Hương Hương của Xuân hôm nay đóng bộ cánh màu xanh nõn chuối, nẹp, gấu, cửa tay lá sen đều viền vải mầu da cam. Hai ống tay áo rộng lùng thùng hễ phất một cái trông rõ cổ tay tròn vừa một chít. Bưởi vừa hát vừa liếc vào sau cánh gà giục Xuân nhắc vở, Xuân chỉ liếc lại đưa tình. Đôi bên đắm đuối nhìn nhau làm Xuân quên cả vở kịch còn trên tay. Bưởi vội lượn sát vào cánh gà. Viên ở bên kia cũng hối hả luồn qua gầm sân khấu chui sang lấy tay thúc mạnh vào lưng Xuân một cái:

- Kìa.

Xuân sực nhớ nhiệm vụ vội vàng cúi xuống nhìn vở kịch. Ô hay, chữ hình như cũng biết nhảy làm Xuân tìm mãi mới thấy mấy chữ đầu đọc cho Bưởi dễ nhớ:

- Xuân hơn… lòng thương… phần cha… âu là…

Ngoài kia Bưởi cất giọng sử cao vút lên:

“Xuân hơn hớn hoa đào phong nhị,

Lòng thương chàng Vương Quý cô đơn.

Phần cha tôi chưa rõ thiệt hơn,

Âu là phải để tâm dò hỏi”.

Chợt bên dưới có tiếng xì xòa. Xuân nghé cổ ra nhòm xuống thì thấy một người đội mũ lưỡi trai vải vàng, ngoài khoác áo bông xanh, cái xà cột da deo qua vai trông to như cái thớt, tay phải cầm đèn pin, tay trái giơ giơ ra phía trước để tìm đường. Ánh sáng đi đến đâu người dạt ra đến đó:

- Đội ạ.

- Thưa đội ạ.

- Đội đi xem ạ.

- Đội mới về.

Xuân lấy tay che ánh đèn cho đỡ hắt vào mắt mình, nhìn rất lâu mới nhận ra người ấy là Độ.

*

* *

Từ dạo Văn bị Đoàn ủy điều đi Đội khác, mấy hôm sau Đoàn ủy lại điều mất ba cậu nữa đi dự tổng kết kiểm tra lại cải cách ruộng đất. Độ phải trực tiếp “phá bí” ở xóm này. Là người lo trách nhiệm, Độ xuống đây cũng là để kết hợp công tác. Hồi tổng kết ở Hoàng Đan, Độ đã từng xem Ái Liên, Kim Phụng, Chuông Vàng Thủ Đô, Văn công Tổng cục hay như trời, nay văn nghệ xã thì đi đến đâu. Nhưng bao giờ lại có cuộc tập trung bảy tám trăm dân như thế này. Độ sẽ tranh thủ nói chuyện với bà con vài vấn đề cần thiết. Vì thế ăn cơm tối xong Độ hối hả soát lại biểu nhà Khuyến để sáng sớm mai lên Cụm duyệt. Thấy còn sớm, Độ lại cho giao thông xuống xóm gọi Lý đến báo cáo tình hình khổ chủ. Đến lúc Lý về rồi, Độ còn đọc hết bài “Kinh nghiệm phá bí” ở những xã chậm tiến đăng ở Tập san của Trung ương rồi mới đi xuống xóm Đông.

Tới nơi thấy đang diễn, Độ sợ sắp hạ màn liền tìm lối lên sân khấu, Xuân thấy vậy vội nhô ở sau cánh gà ra:

- À, anh Độ, mời anh vào lối này.

Một tay Xuân kéo liếp cho đủ chỗ Độ lách vào, còn tay kia Xuân kéo cái ghế đẩu sát sân khấu lấy chỗ cho Độ nhảy phốc lên.

- Sao tối nay nghỉ à?

- Thưa anh, tối nay văn nghệ.

- Diễn cái gì?

- Báo cáo anh: Vương Quý, Lý Hương Hương.

Độ cau đôi long mày nét mác lại, suy nghĩ một lúc rồi gật gù:

- Vương Quý à, Vương Quý có phải cái anh chàng thấy đàn nhạn bay qua dương cung bắn một phát trúng ngay mỏ con đầu đàn ấy à?

Xuân chữa ngay:

- Thưa anh đấy là Tiết nhân Quý ở tích Chinh đông chinh tây.

Độ phì cười gật gù:

- À, à, à Vương Quý. Nội dung thế nào?

Xuân nhanh nhảu:

- Thưa anh, Vương Quý thành phần cố nông đi ở cho địa chủ Hai Thôi ở Tử Dương bị nó… báo cáo anh để em nhắc vở cái đã… Cả ngày… nằm không…

Ngoài kia Vương Quý và Lý Hương Hương đang tình tự:

“Cả ngày những khổ cùng sầu

Nằm không nhắm mắt nhớ nhau vơi đầy

Thương nhau khắc khoải canh chày

Lý Hương Hương:

“Thương nhau khắc khoải canh chày

Hỏi xem lòng đấy lòng đây khác gì

Có lòng anh cứ sang đi”

Xuân ngây người tưởng đó là lời Bưởi hẹn riêng mình. Thương nhau khắc khoải canh chày. Hồi duyên mới bén duyên thì thật đấy. Ăn cơm cũng nhớ, đi làm cũng nhớ, nhìn cái khăn tay cũng nhớ, nhất là những buổi đứng vò võ chờ ở gốc sung.

Đang mê mẩn tâm thần như vậy thì Lý Hương Hương vẫn thánh thót điệu quan họ Bắc Ninh:

Dẫu rằng rừng thẳm đồi cao

Có Hương, có Quý việc nào cũng xong

Tiếng lèo ối i i khác nào cơn gió mát thổi tận vào gan ruột, làm Xuân thích chí nhẩm khe khẽ:

- Có Xuân, có Bưởi việc gì cũng xong.

Bỗng một bàn tay chắc nịch vỗ bộp một cái vào vai làm Xuân tỉnh mộng:

- Ai phụ trách ở đây?

- Anh Viên.

Độ gật gật đầu:

- Viên Hắc phải không? Vở kịch này duyệt chưa?

- Báo cáo anh duyệt rồi. Buổi biểu diễn thử ở xóm, anh Văn cũng đến xem và góp ý kiến sửa chữa.

- Ai làm?

- Của ông Huyền Kiêu ở văn nghệ Khu.

Độ làm bầm “Huyền Kiêu à” và định hỏi “nó thành phần gì” nhưng sực nhớ ngay ra bây giờ không phải là lúc truy lý lịch quốc dân đảng, lại hỏi tiếp:

- Ai mang vở kịch ấy về?

- Chúng em đi lên tỉnh xin.

Độ chép miệng:

- Văn nghệ lãng mạn không phục vụ công nông. Tình hình gay go thế này mà diễn cái tích trai gái tán tỉnh nhau thì còn làm ăn gì. Thế những vở “Nọc rắn”, “Anh Phí chị Huề”, “Chạy đằng trời”, “Mưu thâm”, “Quyết tìm địa chủ lọt lưới” của Đoàn gửi về sao không tập?

Xuân thấy luống cuống:

- Dạ… dạ… báo cáo anh, mấy vở của Đoàn gửi về anh em chê là… là…

Xuân định nói là “tồi quá” nhưng chợt nghĩ nói thẳng như thế không tiện, nên nói lảng đi:

- … là khô quá không chịu tập, nên anh Văn bảo cứ tập vở này.

Độ toát ngay cho một trận:

- Khô ướt gì, nó ăn vào bước chứ. Lúc này, đang cần những vở căm thù địa chủ.

Xuân lại nhanh nhảu:

- Vâng, thưa anh vở này nội dung rất căm thù đấy ạ. Chốc nữa Hai Thôi tra tấn Vương Quý rất dã man, nó lại cướp cả Lý Hương Hương làm vợ, sau bộ đội về cứu được hai người, không khác gì phim Cờ hồng núi Thúy của Trung Quốc.

Độ đương định làu bàu cái gì nữa thì hạ màn. Tiếng vỗ tay như sấm dậy làm cho Bưởi sung sướng quá nhảy chân sáo vào chỗ Xuân, nhưng thấy Độ đấy, Bưởi vội đi thẳng vào buồng trò. Viên vừa chạy ra kéo cái cành cây vào hậu trường để bố trí cảnh khác thì Độ vẫy tay gọi lại:

- Này cậu Viên, lại đây.

Viên đến trước mặt Độ theo tư thế đứng nghiêm. Độ bắt tay còn tay kia khẽ vỗ vai Viên:

- Cậu giới thiệu mình ra nói chuyện với nhân dân.

Viên khẩn khoản:

- Thưa đồng chí, đồng chí thông cảm cho. Bây giờ đồng chí nói chuyện thì nhân dân về hết.

Độ quắc mắt lên:

- Việc cần thiết cứ phải làm. Cậu gọi ngay cho tôi bốn du kích gác hai cổng ra vào và trước khi tôi nói chuyện tôi sẽ tuyên bố là đứa nào âm mưu phá tối kịch hôm nay, Đội sẽ thẳng tay trừng trị. Tôi nói ngắn thôi, mấy nét lớn thôi mà.

Viên đành hậm hực y lời.

Tiếng Độ ồm ồm ngoài màn: nào là nỗi khổ của nông dân, tội ác của giai cấp địa chủ. Viên gật gù: Có đếch gì mới đâu mà cứ nhắng lên. Được một quãng thấy Độ dằn giọng: “Bà con ta có biết tôi xuống đây làm gì không? Xuống để đánh địch. Vậy địch ở đâu? Địch đang lẩn ở sau ta. Có khi nó ngồi lù lù ngay đây không biết chừng. Vậy ta phải truy kích đến cùng, không cho nó lọt lưới, ta phải đánh địch với khí thế của Thạch Sanh diệt Mãng sà Vương.

Viên giật mình: chuyến này ắt có chuyện, không hiểu Độ ám chỉ vào nhà ai.

Độ còn nói nhiều nữa, các tài tử tề tựu cả ở sau màn đến mười lăm phút, Độ mới nói xong, rồi lúng túng tìm chỗ mép màn chui vào tìm Viên.

- Thôi, đồng chí cho diễn tiếp. Đừng kéo dài hại sức khỏe của nhân dân, để mai còn sản xuất nghe chưa?

Nói xong Độ nhảy phốc xuống đất xuyên qua lối buồng trò đi về, tay lắc lắc cái đèn pin, đầu gật gà gật gù:

- Thế là sơ bộ phát động được tư tưởng quần chúng rồi. Ngày mai ta sẽ tập trung hỏa lực tổng công kích. Ăn chắc. Chuyến này chẳng những không sợ các ông ấy phê bình nữa mà còn rút được kinh nghiệm phá vòng vây ở những xóm từ đầu đợt đến giờ chưa tìm ra địa chủ. Mai phải biên thư gọi tụi nhà báo xuống viết cho một bài lên Nội san, tay Văn xem xong hết lý luận suông.

Rồi Độ thở dài một cái như trút được bao nhiêu gánh nặng:

- Từ nay lên Cụm đỡ rát mặt, chuyến này không xin các ông ấy cũng phải cho chuyển bước.

Độ đi khỏi, Viên ghé mắt qua chỗ màn thủng thấy người xem về đã vời vợi, liền làu bàu đi vào. Lựu chạy đến bên:

- Cái gì thế anh?

- Cái gì à, nhìn xem.

Chỗ sát sân khấu lúc nãy chen chân không được thì bây giờ gần chục em bé ngủ bò cả ra đất.

Ở sau cánh gà, Bưởi đang nói dở câu chuyện:

- Hôm nay ngày liên hoan, em không đồng ý anh Xuân ăn mặc lôi thôi lốc thốc đâu, trông nó thế nào ấy.

Xuân cười trừ:

- Hình thức làm gì. Anh Văn về đây cũng quần áo nâu, lắm hôm đi làm đồng về quần xắn móng lợn, bê bết những bùn là bùn, thế mà có ai dám chê anh ấy đâu.

Bưởi vừa nói:

- Chuyện, anh ấy là Đội.

Thì tiếng Viên đã léo nhéo ở trên sân khấu:

- Bà Bưởi đâu, mời bà ra cho người ta kéo màn. Nhị đâu, sáo đâu? Chuẩn bị? Nào rung trống lên.

4

Buổi trưa đi lên Cụm duyệt biểu xong, Độ về thẳng xóm Đông. Nhìn thấy Độ mặt lầm lầm như người đau bụng kinh niên, hai túi áo, hai túi quần “phăng” phình phình hàng thụt giấy một, sực nhớ hôm xưa Văn hối hả về Đoàn, chiều nay thấy Độ lại về thẳng nhà Lý không vào nhà Viên, gần tối có mấy người ở xóm Nam, xóm Bắc sang họp riêng với Độ và Lý; bà con trong xóm Đông đã mang máng thấy có chuyện chẳng lành. Buổi họp tối chỉ gõ đến hai hồi kẻng là ai nấy có mặt, phần thì đi xem Độ định làm gì, phần thì lo ở nhà chẳng may xẩy ra chuyện cháy nhà, ném đá, ném đất, đứa nào thối miệng nó vu vạ cho thì chết.

Độ đến, thấy Độ không hay cười và nói chuyện vui như Văn, chẳng ai dám nhúc nhích, Viên vội đứng lên trịnh trọng giới thiệu:

- Hôm nay tôi xin giới thiệu với bà con: anh Độ là đội trưởng về họp với chúng ta.

Tiếng hoan hô ran một lượt như chào đón vị tân khách ở nơi xa xôi lắm mới về. Ông Thủy vội vàng bưng cái ghế đẩu ở góc nhà ra mời Độ ngồi. Lý cũng lếch thếch đến đứng ngoài ngưỡng cửa nhòm vào. Viên trỏ tay xuống một chỗ trống!

- Cô Lý, vào đi.

Mặt Lý vênh lên:

- Được, đứng đây cho thoáng.

Độ nhìn bao quát một lượt. Bà Khuyến ngồi ngay hàng đầu, Bưởi ngồi tít trong cùng, Viên chăm chăm nhìn mọi người, Độ gật gù:

- Địch đã căng lưới sẵn. Quần chúng còn bị khống chế. Nếu không tỏ rõ thái độ của Đội cương quyết trấn áp địch để nâng đỡ phong trào quần chúng thì khó lòng mà đánh bật được chỗ ẩn nấp của kẻ địch.

Nghĩ thế rồi Độ đứng phắt dậy, hai tay chống lên bàn hỏi bà con những câu mà cách đây hai năm anh cán bộ Đội đã bồi dưỡng cho Độ làm:

- Nào, tôi xin hỏi bà con hôm nay ta họp gì?

Tất cả trả lời ran một tiếng:

- Họp nông dân lao động.

Độ liền tháo xà cột da đeo trên vai định đặt lên bàn thì ông Thủy nhanh nhảu đỡ lấy rồi mắc vào chỗ vì kèo. Độ lại hỏi:

- Thế có họp với đứa bóc lột không?

Ba bốn chục tiếng “không” đáp lại.

Độ hỏi tiếp:

- Nếu có đứa bóc lột chui vào đây thì bà con ta tính sao?

Hội nghị lại ồn ào. Ai nấy tỏ rõ ý chí kiên quyết đấu tranh của mình:

- Thì tống cổ nó ra.

- Thì bắt.

Ông Thủy cũng giơ cao tay:

- Đấu luôn.

Một anh thanh niên nói lớn để hở cái răng nanh bịt vàng, bộ tóc gọng kính xõa xuống mang tai như đôi cánh gà dù:

- Teo. Đề nghị Đội cho teo! 1

Thấy tư tưởng quần chúng đã được sơ bộ phát động, thấy dũng khí đấu tranh của quần chúng đã lên, Độ rất phấn khởi bèn dõng dạc tuyên bố:

- Bà con nói rất đúng. Chúng ta bị áp bức bóc lột thì chúng ta phải đấu tranh chống chế độ bóc lột. Vậy theo sự điều tra của Đội thì nhà Khuyến…

Như có tiếng sét bên tai, Bưởi nắm chặt lấy tay Lựu, người run đùng đùng như vừa bị giội một gáo nước lạnh vào gáy, tay Bưởi nắm chặt lấy tay Lựu miệng run run:

- Chị… chị…

___________________

1. Phăng teo.

Độ vẫn nói tiếp:

- Chiếm hữu ba mẫu ruộng, nhà không có lao động chính và có vấn đề với nông dân. Đội tuyên bố…

Bà Khuyến đứng phắt dậy:

- Nhờ Đội đèn trời soi xét.

Độ đập tay đến thình một cái, bát nước chè ông Thủy vừa rót cho Độ sóng sánh dàn cả nước xuống mặt bàn:

- … À… tạm đình chỉ sinh hoạt.

Lý đứng ngoài hè cũng lớn tiếng:

- Các đồng chí du kích đâu. Đội bảo đuổi nó ra.

Bà Khuyến sấn lại bên Độ:

- Nhờ Đội hỏi lại ông bà nông dân xem, mẹ con con chân lấm tay bùn.

Hai đồng chí du kích xách súng đến nói ngọt với bà Khuyến:

- Thôi, Đội đã bảo vậy, bà cứ vui lòng đi về.

Tức thời Lý chạy thẳng đến:

- Không phải lạy nó về. Con Khuyến muốn sống ra ngay!

Thấy thế Bưởi nhấp nhỏm định dứng phắt dậy thì Lựu bíu lấy hai vai Bưởi mà ấn xuống:

- Cô cứ bình tĩnh xem thế nào. Phải trái còn có nông dân chứ.

Bà Khuyến gạt Lý sang một bên quay ra phân bua với mọi người:

- Các ông các bà xem, tám năm kháng chiến nhà tôi không dõng, không tề, không phòng nhì, chỉ điểm…

Nó dám lợi dụng tình cảm để xoa dịu tinh thần đấu tranh của quần chúng. Nghĩ thế, Độ liền ra oai chỉ tay vào thẳng mặt bà Khuyến:

- Im! Ra ngay!

Lý cũng nhảy choi choi lên:

- Ra ngay! Mày định chống Đội, mày định phá hoại nông dân tố khổ à?

Viên vội giơ tay:

- Tôi xin ý kiến.

Dưới kia Lựu cũng giơ tay:

- Đề nghị Đội cho tôi nói.

Độ lấy tay che ánh đèn nhìn thấy Viên và Lựu liền nghĩ: cho hai đứa này nói, thế nào nó cũng làm quần chúng không dám tố khổ, nên tảng lờ không nghe thấy:

- Con mẹ Khuyến có ra ngay không?

Lý được thể cũng ra oai:

- Có ra ngay không?

Bà Khuyến vẫn đứng giữa hội nghị nói lớn!

- Ức tôi thế này thì tôi làm giấy kêu tận tỉnh cho mà xem.

Độ thấy nhà Khuyến vẫn tìm cách khống chế nông dân, không dùng áp lực quần chúng mà tấn công nó không xong, liền sẵng giọng.

- Chuyến này chỉnh đốn cả tỉnh cho bọn chúng mày về xua gà. Bà con ta có đồng ý đuổi nhà Khuyến ra không?

Lý giơ cao tay làm cò mồi:

- Đồng ý.

Và thấy mắt Độ long sòng sọc như hung thần gió, mấy cánh tay nữa ngập ngừng giơ lên để lấy lòng.

Hai du kích dìu bà Khuyến ra cửa:

- Thôi bà cứ yên trí. Đảng bao giờ cũng sáng suốt.

Thấy tình cảnh như vậy, hội nghị có hơn ba chục người, ai nấy im thin thít như thóc đổ bồ, người thì thấy mình hao hao như nhà Khuyến mà chưa thấy Đội gọi đến tên, người thì mắc hơi hướng họ hàng, người thì có lúc dồi công vay mượn. Bà Thủy thở dài:

- Khổ, ăn ở phúc đức như thế mà…

Ông Thủy vội vàng mắng vợ:

- Muốn chết à? Ai có thân thì lo, việc gì mà lo hộ!

Thấy Viên và Lưu lại giơ tay xin nói và thấy không khí hội nghị nặng nề như thể đá đeo, Độ cho rằng tư tưởng quần chúng còn bị khống chế, liền giải thích:

- Nông dân nói là đúng. Ai có khổ với nhà Khuyến thì cứ tố. Tố thật mạnh mới vạch hết được tội nó ra. Bà con không sợ gì cả, có Đội ở đây, kẻ nào ngăn cản, Đội sẽ trấn áp! Nào bà con ta tố đi nào, tố khỏe đi nào, tố cho rầm rộ đi nào!

Viên và Lựu đã rụt tay xuống. Cả hội nghị im phăng phắc không một ai nhúc nhích. Độ liền đưa mắt cho Lý, Lý vội vàng giơ tay chạy vào:

- Em xin lên tố khổ điển hình.

Dưới này Bưởi giật mình đến thót một cái. Hồi lâu lắm bố nó thua bạc có bán đứt cho nhà Bưởi cái mảnh năm sào ở đồng Bầu. Về sau mấy lần bố nó xin chuộc nhưng thày Bưởi tiếc chân ruộng mật điền nên không nghe. Bố nó lên tận Ủy ban huyện kiện nhưng huyện xử cho nhà Bưởi được. Về nhà, đêm sau bố nó tháo nước lúa nhà Bưởi để trả thù nên bị thày Bưởi đánh cho một trận nên thân. Chuyến này nhất định nó trả thù nhà mình.

Thấy Độ cứ nghiêng mắt hết sang bên phải lại nghiêng mắt sang bên trái, Lựu vội ngồi nhích lên cho khuất ánh đèn để giấu Bưởi ở góc nhà. Nhưng Bưởi vội cầm lấy tay Lựu giật giật:

- Chị ạ, em về đây. Ngồi mà nhìn nó bốc bùn ném vào mặt, chẳng ai bênh cho em được một câu thì ngồi làm gì.

Nói rồi nen nét xin phép từng người men theo tường đi ra sân, mặt cúi gầm như người ăn trộm bị bắt quả tang. Mọi người nhìn theo ái ngại. Ai cũng định nói câu gì nhưng nhìn thấy người bên cạnh lại thôi. Bà Thủy thấy bà Khuyến bị đuổi, thấy Bưởi đang tìm chỗ ra thì cũng tìm cách lùi dần ra hè. Cái con Lý như con trâu lấm vẩy càn, nó vẩy vào ai thì chết người ấy. Bà Khuyến đã mang vạ với nó, còn mình thì cái tích thông gia cũng sờ sờ ra đấy chẳng mấy chốc đến gần. Về ngay thì Đội nghi, chi bằng chân trong chân ngoài thế này, Đội có đuổi chạy ra cho chóng. Mình là đàn bà nếu bị đuổi ra chẳng nhẽ lại chổng mông qua mặt mọi người, họ lại buộc thêm cho là khinh nông dân.