Sắp cưới - Phần II - Chương 5 - 6

5

Bất thần xẩy câu chuyện gay go, Xuân đã tinh ý lùi dần về phía sau cho khuất hàng cột, rồi lại lùi nữa cho khuất cả ánh đèn nhưng vẫn thấy nong nóng phía sau gáy như có hàng chục con mắt đổ dồn phía về mình mà xì xào:

- Con rể nhà Khuyến kia.

- Còn thằng này nữa, tống cổ ra luôn.

Ngồi trong cuộc họp, Xuân như người đứng giữa dòng thác lũ. Đôi lúc chân muốn bước cố lên một bước nhưng đôi chân gần như không phải của mình nữa rồi, mà muốn đứng tại chỗ thì đôi chân không vững nữa, chỉ chực bổ nhào trước dòng nước cuốn băng băng. Đầu đợt Xuân đã bị một trận hết hồn. Độ tuyên bố giải tán ban chấp hành chi đoàn vì địch đã chui vào lũng đoạn, mấy ngày liền Xuân nằm ở nhà cứ ngơm ngớp lo không khéo mình bị "đình chỉ" như ông chủ tịch, như ông bí thưa chi bộ, như đồng chí bí thư chi đoàn cũng nên. Tiếng chó sủa đầu ngõ, những bước chân rậm rịch từ xa vọng lại cũng đủ làm Xuân toát mồ hôi. May thay được hai hôm, đồng chí Văn gọi Xuân ra làm tuyên truyền và giới thiệu Xuân lên làm thống kê của Đội, khi đó Xuân có Văn che chở, Văn là đồng chí cán bộ quý người. Nhưng bây giờ chắc chắn bị gạt vì Xuân tự thấy mình liên quan với nhà Bưởi quá rõ ràng.

Thấy Viên rồi Lựu giơ tay xin ý kiến, Xuân cũng muốn giơ tay bênh vực cho lẽ phải nhưng cánh tay Xuân lúc ấy như cành cây khô mất hết nhựa sống chỉ cơn gió lốc ào đến là gẫy gục. Trong lúc ngoi ngóp ấy, một tia hy vọng lóe lên: Đội chưa quy, có khi nhà Bưởi chỉ là một phú nông cũng nên. Phú nông có được họp nông dân lao động đâu, nhưng hy vọng ấy yếu ớt quá khi thấy Độ thúc mọi người:

-Tố lên, bà con ta tố lên, mỗi lần tố khổ là một viên đạn bắn vào đồn lũy quân thù.

Quân thù trong lúc đấu tranh này là giai cấp địa chủ. Đội đã nói cứ một là một, hai là hai, chẳng nhẽ Đội sai hay sao? Đội đi từ trung ương về, Đội nắm bao nhiêu chính sách trong tay, Đội làm gì đều báo cáo thỉnh thị Đoàn ủy, trên có duyệt Đội mới dám làm. Độ lại là một đội trưởng tự tay làm việc thì không có lý nào lại sai. Hay có nhiều chính sách mới Đội giữ bí mật không phổ biến cho nhân dân.

Nghe Lý tố khổ những mánh khóe bóc lột của gia đình nhà Bưởi, thầy Bưởi chiếm đoạt ruộng đất của nhà Lý, mẹ Bưởi chui vào chấp hành phụ nữ xã, đưa Bưởi vào tổ Văn nghệ để lôi kéo thanh niên làm thanh niên mâu thuẫn nhau, Xuân thấy ít nhiều đều không đúng sự thật. Lý chỉ hơn Xuân có hai tuổi mà lại bỏ vào khu Bốn những bốn năm năm làm sao mà biết được nhiều chuyện mà Xuân ở ngay trong làng từ bé đến lớn Xuân không biết tí gì. Xuân nhìn sang Viên thì thấy Viên lúi húi ghi, Xuân nhìn sang Lựu thì chỉ thấy Lựu bó gối đôi lúc thở dài. Xuân nhìn sang chỗ ông Thủy, chợt nhớ đến những lời ông bố nói trước kia: Đội về thì địa chủ cứ ra rông rổng. Lắm thứ địa chủ lắm… Xuân nhìn khắp xóm chẳng thấy ai động tĩnh gì. Có thể có nhiều sự việc mà Xuân chưa rõ, có thể vì lập trường giai của cấp Xuân còn mơ hồ, Xuân chưa thấy được âm mưu tinh vi của địch. Chẳng nhẽ Đội sai, chẳng nhẽ thầy mình nói ngoa, chẳng nhẽ Lý nói sai. Đội đã bao nhiêu lần tuyên bố: nông dân nói là đúng. Chỉ giai cấp địa chủ mới bảo nông dân nói sai. Như vậy Xuân đứng về lập trường nào mà bảo Lý nói sai?

*
* *

Suốt đêm nằm trằn trọc, Xuân không biết nên làm thế nào bây giờ cho đúng lập trường trong lúc đấu tranh. Sớm hay muộn nhà Bưởi cũng lên địa chủ. Đội đã điều tra ruộng đất và lao động chính, Đội đã cho nhân dân tố khổ, như thế mình phải bỏ Bưởi. Xuân sợ lắm, Xuân sợ lý lịch mình ghi thêm bốn chữ “liên quan địa chủ” thì không còn gì xấu xa cho bằng. Giây vào với địa chủ khác nào bị con ma hủi bám vào người còn ai dám tin mình nữa. Ngày trước Xuân chỉ nghĩ đơn giản rằng không yêu nhau nữa thì bỏ nhau đi lấy người khác, bây giờ Xuân mới thấy cắt đứt nhau thật khó khăn, khác nào mình cầm con dao tự cắt thịt mình. Xuân không có mặt nào mà bảo thẳng Bưởi là Xuân bỏ Bưởi. Bưởi không có tội gì cả. Việc Xuân lấy Bưởi là do Xuân, việc giục cưới là do Xuân và có bao nhiêu lần Xuân thề với Bưởi: nếu Xuân ăn ở hai lòng thì Xuân bị chết đâm, chết chém. Nhưng bảo Xuân cứ theo đuổi với Bưởi nữa thì Xuân không có gan làm thế. Thầy Xuân sẽ đánh Xuân, sẽ chửi Xuân, Độ biết chuyện sẽ đuổi Xuân về, bạn bè sẽ nhìn mình bằng con mắt khinh bỉ.

Thật là oái oăm. Tại sao Bưởi xinh là như thế, làm ăn đảm đang là như thế lại đẻ vào gia đình địa chủ, bắt Xuân coi là kẻ thù. Giá câu chuyện này xảy ra từ dạo Bưởi ngủng nghỉnh vơi Xuân thì Xuân dứt khoát tư tưởng, dứt khoát tình cảm thật dễ dàng.

Xuân sực nhớ đến một chuyện, lúc tan họp ra về, Xuân qua nhà Bưởi còn nhìn thấy bóng Bưởi vịn bên gốc vối khỏa chân xuống ao sầm sầm. Xuân cũng hiểu đấy là Bưởi có chuyện định nói với mình. Gặp cái chăng? Gặp Bưởi bảo Bưởi cứ yên tâm đừng lo lắng, sau này thiếu thốn Xuân sẽ cấp đỡ, nhưng Xuân chợt nghĩ: đang lúc đấu tranh không thể làm liều như thế được. Đến bây giờ, trong lúc ngập ngừng bỏ Bưởi hay không, tiếng chân khỏa nước ào ào lại văng vẳng trong đầu óc Xuân làm Xuân nhỏm dậy, thôi thúc Xuân bước khe khẽ ra đến cửa, làm cho Xuân đủ gan tháo then lách tiếp đi ra tới sân. Dòng Ngân vắt ngang trời. Ngưu lang Chức nữ mỗi người một bên bờ, tháng bảy này đã tới ngày gặp mặt mà Xuân với Bưởi cùng xóm cùng làng lại phải chờ đến ba năm hay hơn thế nữa.

Ra đến giữa sân, Xuân lại không dám đi lên nữa. Chỗ bụi ruối này, chỗ gốc mít kia, sau đám dong bên bờ ao gần đây bao con mắt nhìn Xuân từng bước, chờ Xuân đi đến nhà Bưởi đầu ngõ nhà Bưởi mới túm cổ Xuân mà bảo:

- Thảo nào lúc nãy mày không chịu liên hệ tội ác nhà Khuyến.

Họ sẽ lôi Xuân đến trước cặp mắt nảy lửa của Độ, Xuân ra sao? Bố mẹ Xuân sẽ ra sao?

Hay là…

Hay là…

Các thứ “hay là” ấy cái nọ trườn lên cái kia làm tâm trí Xuân rối như tơ vò, nhưng cuối cùng đưa Xuân trở lại chỗ cũ. Mỗi khi chớp mắt, Xuân lại thấy một câu chuyện “hay là“ của mình đang nghĩ. Khi thì thấy Bưởi trách móc, khi thì thấy chi đoàn kiểm thảo, khi thì bị Độ chỉnh cho một trận nên thân.

Cứ như thế cho đến sáng Xuân không sao ngủ được. Xuân rất căm thù giai cấp địa chủ nhưng Xuân không căm thù bu Bưởi mảy may mà Xuân chỉ thương bà Khuyến, thương cả Bưởi không may mà đến nỗi này. Lòng thương như cơn sóng cuốn trào lên cao vút. Hay là cứ chờ. Ba năm có là mấy. Nhưng lại gặp con đê chắn ngang: hai chữ “liên quan” làm Xuân lùi dần, lùi dần.

Thế là phải bỏ, nhưng đã bao lần Xuân trót thề với Bưởi: nếu anh bỏ Bưởi thì anh cứ chết đâm, chết chém. Mặt mũi nào lại dở mặt như thế được. Hay là có cách nào khác?

Khó quá. Lúc này Xuân không dám lấy Bưởi nhưng lại không dám cho Bưởi đi lấy người khác. Công phu theo đuổi gần mấy năm trời chẳng nhẽ vì chuyện này mà phải dứt khoát nói với nhau. Bưởi có phải kẻ thù của Xuân đâu mà bảo Xuân dứt khoát. Hay là bảo Bưởi dứt khoát với gia đình ra ăn riêng. Con địa chủ chưa trực tiếp tham gia bóc lột thì sau này làm nghề gì sẽ quy theo thành phần ấy. Sức Bưởi còn khỏe, Xuân còn hơn hai vạn tiền gà, tiền cá chưa tiêu gì, Xuân sẽ đưa cho Bưởi làm gánh hàng xáo. Sau này Bưởi chỉ là thành phần dân nghèo không dính dáng gì đến địa chủ nữa. Xuân có đề nghị cưới thì ủy ban cũng bằng lòng. Hay là Xuân bảo Bưởi trốn sang Thái Ninh ở với chị Mận. Vợ chồng chị Mận chỉ là bần nông. Còn Xuân xin cải cách xong Xuân xin chi đoàn giới thiệu đi thanh niên xung phong, rồi Xuân sẽ đề nghị ban chỉ huy cho lấy Bưởi. Lấy bần nông ban chỉ huy nào không tán thành. Ở xa thế chẳng ai biết, mà dù có biết thì có con cái rồi, Đội rút đi từ tám đời thì ai làm gì.

Nghĩ thế Xuân thở dài: Phải lùi thêm một năm nữa, nhưng lại sớm được hai năm. Nếu Xuân cứ để Bưởi ở nhà với bu Bưởi thì phải ba năm hay có khi năm năm mới thay đổi thành phần. Biết thế hồi năm ngoái Xuân cứ cưới đi thì bây giờ cũng chẳng sao. Bao nhiêu cán bộ lấy con địa chủ vẫn làm việc ở cấp bộ cao, có người lấy hẳn em ruột địa chủ mà vẫn được vào nông hội. Cái chính là tự mình. Xuân lại tự trách mình đã bỏ lỡ cơ hội.

Suốt cả đêm, những ý nghĩ lấy hay không cứ quấn lấy nhau mà vật lộn trong lòng anh con trai hai mươi tuổi mới được yêu lần đầu.

6

Cơm nước xong xuôi, Xuân hối hả đi lên văn phòng Đội. Không phải vì Xuân lo lắng đến hàng thụt thống kê của các xóm gửi lên còn ùn cả văn phòng, mà là để thăm dò thái độ của Đội đối với mình như thế nào? Có thể Độ sẽ bắt Xuân trả lời tỉ mỉ những câu hỏi về ruộng nương đất cát nhà Bưởi. Có thể Đội sẽ lôi chuyện mình dan díu với Bưởi ra toát cho một trận rồi đuổi cổ về.

- Xuân này! Nhà Bưởi “địa” rồi à?

Xuân giật mình quay lại. Mấy cậu bạn ở xóm Bắc đi đổ đó vừa về. Xuân lắc đầu:

- Chưa.

Một cậu chỉ tay vào mặt Xuân nhăn nhở cười:

- Mày bao che.

Xuân vội thanh minh:

- Ấy thì nói thế. Đã quy đâu mà tao biết.

- Mày ngu thế, “đình chỉ” tức là sắp quy. Con cái Lý sang xóm tao tìm khổ chủ mãi mà lại. Địa rồi, địa đứt đuôi rồi. Chuyến này mày có giấu mẹ vợ mày không?

Cả bọn thích chí phá lên cười. Anh thì bảo dấu, anh thì bảo dừng. Xuân đau xót như người bị cắt gan, xén ruột nhưng cố gượng cười cho thên hạ khỏi nghi:

- Bịa nào. Tớ thì có gì đâu.

Một anh biểu môi:

- Có gì? Có khi có "trứng" rồi không biết chừng. Hai chúng mày vợ chồng non, nhân tình già, ai còn lạ nữa. Hôm chiếu bóng ở chợ Thiện, hai đứa bện lấy nhau.

Xuân chỉ tạm nhận một nửa:

- Láo. Chúng mày cứ chế, tao ăn gì uống gì. Cô ấy cán bộ huyện, cán bộ tỉnh hỏi đã ưng đâu.

Một cậu đế vào:

- Mà con ấy làm cao cho chết chuyến này làm bà tổ Cô.

Anh khác chép miệng:

- Con ấy lên địa chủ cũng hoài của. Nó vừa xinh, vừa khéo làm. Tao bảo chỉ lên đến phú là cùng. Phú thì phú con ấy cũng đắt như tôm tươi.

Xuân giả vờ hỏi để tìm cho mình con đường:

- Phú nông cũng bóc lột. Cán bộ ai người ta lấy.

Anh này nói luôn:

- Chúng mày không biết. Cán bộ cải cách còn có người là con địa chủ cơ mà. Ở xóm tao Đội giải thích phú nông được liên hiệp, được đi họp xóm bàn các công tác khác, con phú nông được vào tổ Văn Nghệ và lấy con nông dân. Vả lại phú thì phú, về nhà mình nó cứ làm khỏe như thế là được.

Xuân như người đi đêm bị vấp chảy máu chân lại gặp người đưa đèn cho mà đi. Lạy giời nếu Đội không tìm thấy khổ chủ thì nhà Bưởi chỉ lên đến phú nông là cùng. Xuân có thể chờ khi Đội rút, Xuân sẽ lấy Bưởi. Xuân nghĩ rất nhiều, ngay lúc bão táp thế này mà Xuân lạnh nhạt với Bưởi thì sau này anh khác lại lấy tranh mất thì Xuân làm gì. Vả lại Xuân chưa cưới, Bưởi có quyền đi lấy người khác.

*
* *

Tới Văn phòng Đội, Xuân nen nét như rắn mồng năm, rón rén đi đến chỗ Độ ngồi lấy tập thống kê. Nhìn trộm thấy Độ tươi tỉnh khác hẳn mọi ngày, Xuân yên dạ đôi phần. Đi được vài bước, Xuân thấy Độ “này này”, Xuân vội quay lại:

- Anh gọi em?

Độ “ừ” một tiếng rồi chớp chớp mắt như suy nghĩ mội việc không ra:

- À à à… Cậu tên gì ấy nhỉ?

- Em tên là Xuân.

- Ừ, ừ Xuân.

Rồi Độ hỏi theo những hân hoan trong lòng mình:

- Thế nào?

Xuân luống cuống không hiểu Độ định làm gì mình. Độ định hỏi thái độ mình với Bưởi? Độ định hỏi chuyện đêm qua? Hay ai mách Độ chuyện gì? Xuân “dạ” một tiếng rồi đứng im, làm Độ sực nhớ những điều mình định hỏi cần cụ thể hơn:

- À à à, dư luận quần chúng hôm qua thế nào, phấn khởi lắm phải không cậu?

Không thể nào trả lời trái ý Đội, Xuân đành gật đầu, ngập ngừng hai chữ:

- Phấn… khởi…

Độ đang bí dẫn chứng để chốc nữa lên Cụm báo cáo, liền túm ngay lấy:

- May quá… cậu cho mình biết mọi người phấn khởi như thế nào?

Xuân lúng túng không biết tìm ai là người phấn khởi. Tay Độ cầm bút cứ rập rình trên tờ giấy trắng. Thấy Xuân chớp chớp mắt, Độ liền gợi ý:

- Cậu có nhớ mấy nhà xung quanh chỗ cậu mạn đàm với nhau thế nào?

Xuân “à” mội cái:

- Em chỉ nghe có thầy em.

- Cũng được. Ông gì nhỉ?

- Thủy.

- Thành phần gì?

- Trung nông. Vâng, thầy em về nói với bu em: Đấy Đội tài đến thế cơ mà, xuống xóm có hai ngày tìm ngay ra địa chủ, chứ ta hàng đời ở đây cứ như mây mù bưng mắt.

Độ thú chí tủm tỉm cười:

- Văn nghệ nhỉ. Thế cậu có thấy ai là bần nông hay cố nông nói gì không?

Xuân lắc đầu:

- Sáng sớm em lên đây không rõ.

Độ gõ mấy ngón tay xuống bàn theo nhịp trống ếch, rồi hất hàm hỏi:

- Nhưng cậu có thấy ai thường về nhà nó không?

Xuân ngập ngừng, vì người thương nể ấy lại là mình:

- Cái này em không nắm vững.

Độ nhớ lại lối gợi ý của cán bộ Đội ngày xưa vẫn gọi cho Độ mỗi khi Độ không trả lời được:

- Lúc ra về có ai xì xào. Cậu nhớ lại xem nào?

Đây là vận mạng của mình. Xuân lấy hết tất cả can đảm để dành trong hai mươi năm nay mà trả lời:

- Báo cáo anh có người bảo nhà nó có lao động chính.

Độ chau mày, giọng đã gay gắt, tay đập thình xuống bàn:

- Chính, chính cái con khỉ! Nhà ấy không địa thì còn nhà nào. Người nói đó là ai, thành phần gì?

- Báo cáo anh, em không rõ. Lúc đi về, em thấy xì xào sau lưng.

- Tư tưởng quần chúng chưa lên nhưng căn bản đã thắng lợi. Còn gì nữa không nhỉ? À, à, à, có phải ngày xưa cán bộ hay về nhà Khuyến lắm phải không?

Xuân trả lời để thăm dò:

- Hồi ấy họ định lấy cô Bưởi.

Độ cười hì một cái:

- Mất lập trường. Lấy thế nào được. Con cái Bưởi thì đẹp thật nhưng cái đẹp ấy là cái đẹp của giai cấp bốc lột. Cậu cho mình tên để mình báo cáo lên Đoàn. Mỹ nhân kế. Ghê thật!

Xuân lo cuống cuồng, Xuân không nỡ làm ai bị liên lụy, nhưng đúng trước một con đường không thể lùi được nữa:

- Em chỉ nhớ có mấy anh: anh Chiêm ở xưởng bào chế Tân dược, anh Tôn ở Tuyên huấn, anh Hoài Nam ở trường Trần Phú, anh Diệu ở trường phổ thông, anh Tú ở huyện đội.

Độ ghi xong vứt bút xuống bàn vươn vai một cái đầy khoan khoái sau khi làm tròn sứ mạng của Đoàn ủy giao cho. Từ ngày xuống xã lần đầu tiên, Độ triết lý về ái tình:

- Các cậu bây giờ hỏng quá. Chỉ thích đẹp bề ngoài. Đẹp là phải có lập trường. Thành phần tốt, lý lịch trong sạch, thật thà ngay thẳng, thế là đẹp.

Rồi đến bên Xuân vỗ vai:

- Bao nhiêu nhỉ?

- Em hai mươi

- Vợ chưa.

- Chưa.

- Nhắm đám nào chưa?

Thấy Độ chưa biết tí gì về mình, Xuân sung sướng trả lời:

- Thưa anh chưa.

Vừa lúc đó Lý đến, Độ hiểu chữ chưa của Xuân theo nghĩa khác:

- Cậu công tác tích cực lắm, thế nào tớ cũng làm một mối cho cậu ra trò. Tớ có tiếng là mát tay, may miệng. Đợt nào tớ cũng xây dựng vài đám mới đi.

Xuân thở dài, bao nhiêu hy vọng đến đây sụp đổ hết. Hình ảnh Bưởi như bức tranh vẽ bằng phẩm nhạt cứ nhòe ra rồi phai dần trong lúc mưa to gió lớn. Không còn cách nào cứu được tình thế nữa rồi.

Chỉ có Lý là nhởn nhơ nhìn Xuân:

- Anh Xuân cứ đồng ý xem anh Độ bảo sao.

Xuân nghĩ đến Bưởi không biết lúc này ra sao nên nghẹn lời không nói gì cả, vội cầm tập thống kê đi xuống dưới nhà. Độ liếc mắt cho Lý, rồi hất hàm về phía Xuân làm Lý thích quá phải giả vờ e thẹn ù té chạy ra sân, miệng ngoác ra:

- Anh cứ “lói” thế chứ. Em thì thống nhất Bắc Nam đã.

Còn một mình ngồi ở nhà, Độ vừa thu xếp tài liệu vào xà cột vừa thích chí hát bài “ANH EM TA ĐOÀN KẾT TRUNG NÔNG”:

… Lao động sản xuất

Sức này phá núi ngăn sông đoàn kết một lòng

Đòi thằng địa chủ bắt nó phải triệt để

“giảm tức” “giảm tô” bao gồm “thoái tô”

Mặc dù bài hát không có chữ “giảm tức” và “bao gồm thoái tô”, nhưng Độ cũng hát thêm vào sáu chữ ấy cho đúng từng câu từng chữ như khẩu hiệu đấu tranh kinh tế trong bước một của đoàn ủy gửi về.

Hôm nay Độ lên Cụm với dáng điệu rất đường hoàng và hí hửng. Chuyến này thì có cơ chuyền bước, đi họp Đoàn không bị chúng nó gọi xách mé Đội mình “đèn đỏ” nữa rồi.