Sắp cưới - Phần II - Chương 7 - 8

7

Viên cũng suy nghĩ suốt một đêm, trước một việc sai lầm như thế không sao làm ngơ được. Ngay khi Độ đuổi bà Khuyến ra khỏi cuộc họp Viên đã giơ tay bênh vực cho lẽ phải. Khi nghe Lý tố khổ, thấy nhiều điều không đúng sự thật, Viên định nói ngay nhưng khẩu hiệu của Đảng là “Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên”, mình mà nói bây giờ thì Độ sẽ tri mình vào tội phá hoại cải cách cũng rầy rà. Vì thế Lý tố khổ đến đâu Viên lấy sổ tay kê vào đùi ghi tóm tắt những chỗ tố láo để mai lên thảo luận riêng với Độ.

Có nên nói hay không? Nói ra thế nào Độ cũng nghĩ mình bao che cho địa chủ. Có phải mình sợ nhà Bưởi lên địa chủ thì mình mắc tiếng liên quan? Viên đã tự xét mình rất lâu, không phải thế, hoàn toàn không phải thế. Viên là đảng viên thì Độ cũng là đảng viên, dù cấp cao hơn nhưng hai người cùng có trách nhiệm chấp hành đúng đắn chính sách của Đảng. Nhà Bưởi hồi đồng chí Văn ở đây, Văn và Viên đã tính từng thửa ruộng, từng lao động chính rồi, dứt khoát chỉ là trung nông. Tại sao Độ lại về đánh đổ nhà Bưởi? Nghĩ thế có cái gì ức lên tận cổ; khi trước đồng chí Văn có chuyện gì đều bàn với Viên, nay Độ về gạt phắt. Như thế mình là rễ thối rồi. Nhục nhã nào bằng đeo hai chữ “rễ thối”. Viên nghĩ đến việc trả thù Độ đã làm mất danh dự của mình. Hay là không nói nữa. Viên cứ báo cáo thẳng về tỉnh ủy, thế nào Độ cũng bị hạ tầng.

Lương tâm người đảng viên tự thấy không có thể trả thù đồng chí một cách hèn nhát như vậy. Độ dù sao cũng là đồng chí của mình, hai người ở chung một Đảng, tại sao không thể ngồi nói chuyện với nhau được. Câu này Viên được một đồng chí tâm sự từ dạo ở thanh niên xung phong. Năm ấy Viên rất bất mãn với đồng chí chính trị viên đại đội và đòi đổi sang đơn vị khác. Ừ thì nói. Hay là chính sách của Đảng đã thay đổi, nếu có như thế sao Độ không phổ biến cho nhân dân. Hay là Đội thiếu ruộng chia nên phải làm thế. Không phải, nếu thế thì đồng chí Văn ở đây đã làm rồi.

Viên cứ suy đi nghĩ lại cho tới sáng, sáng lại tới trưa và đến chiều thì quyết định cứ đi gặp Độ xem sao. Người nói không có tội, người nghe chú ý răn mình.

Một dạo số bộ đội và thanh niên xung phong phục viên xã đã đề nghị Độ nên gần gũi các đồng chí địa phương, và gần đây trong Đội đã phê bình Độ kịch liệt về tội hay cáu gắt với cán bộ, với đảng viên và với tất cả cốt cán. Nên lần này thấy Viên đến, Độ chỉ chực đẩy ra, nhưng ngoài mặt vẫn vồn vã mời vào trong nhà. Thấy Viên tỏ ý muốn trình bày riêng với mình, Độ kéo Viên sang nhà bên, vừa đi vừa nói:

- Nào đồng chí có vấn đề gì nào.

Thấy Độ gọi mình là đồng chí, Viên thấy dịu dịu trong người, cơn nóng tạm dẹp xuống. Đồng chí. Hai tiếng thân yêu đó Viên nói đã lâu, từ ngày tổng khởi nghĩa nhưng Viên thật sự hiểu hết hai chữ đó từ năm 18 tuổi. Sau lễ kết nạp, Cậy dắt Viên sang chỗ họp chi bộ và giơ tay giới thiệu với mọi người: “đồng chí Viên, và nói với Viên: Đây là các đồng chí trong chi bộ ta”. Sau này Viên lại hiểu đồng chí ta không chỉ ở riêng trong xã này mà khắp toàn quốc đều có. Hồ chủ tịch, Võ đại tướng, ông Trường Chinh cũng là đồng chí của ta. Viên còn nhớ trong một đêm bị tra tấn ngất đi. Lúc tỉnh dậy toàn thân đau nhừ, máu dính cả ra áo. Thế này là sắp chết. Có khai hay không? Không khai. Năm nay mình mới hai mươi, chết sớm quá. Hay khai tạm lấy một quần chúng thường vậy? Không được, địch nó không chịu, nó biết mình là đảng viên rồi. Hay khai tạm lấy một đồng chí đã chết. Địch nó không chịu. Khai đồng chí nào cho đỡ hại. Những ý nghĩ hèn nhát ấy đang luẩn quẩn trong đầu thì một tiếng thì thầm bên tai:

- Đồng chí Viên. Tỉnh chưa?

- Khát quá! Khát cháy cổ!

Tiếng ống bơ nước sệt vào sàn xi măng, tiếng nói âu yếm rất nhỏ vừa đủ mình Viên nghe:

- Đồng chí ơi, uống đi.

Người ấy là Cậy. Sáng hôm ấy Cậy lợi dụng lúc đi vác củi đã vờ ngã xuống hồ để nhúng quần áo vắt được hai bơ nước. Anh em uống một ít và biết tối nay thế nào Viên cũng bị đem lên phòng Đơ Bê nên đã để dành lại cho Viên. Nước mát tràn ra cả mép làm Viên tỉnh hẳn và hối hận. Cách đây một phút mình đã bán mất hai chữ đồng chí để mưu lấy mạng một tên hèn nhát. Bơ nước lạnh đã làm dịu lòng súng nóng đỏ. Nòng súng đỏ lúc nào cũng chĩa về quân thù để giữ hai chữ đồng chí được nguyên vẹn trong sạch. Từ đó mỗi khi khó khăn, hai tiếng đồng chí đã thôi thúc Viên tinh thần Cộng sản:

- Các đồng chí! Tiến lên!

- Đồng chí, còn giận tôi đấy à?

- Tại sao đồng chí lại làm như thế?

- Nào, đồng chí có vấn đề gì nào?

Hôm nay Viên thấy Độ gọi mình bằng đồng chí, Viên rất hối hận về thái độ của mình. Lúc nãy Viên định lên đây “sửa mát” cho Độ một trận rồi báo cáo thẳng về tỉnh. Sao thái độ của mình lại tồi như thế. Đồng chí là những người cùng chung lý tưởng, tại sao mình và Độ là hai đồng chí không đoàn kết được với nhau thì làm sao đoàn kết được với người ngoài Đảng. Hai đồng chí trong Đảng cứ xoay lưng vào nhau thì làm sao thống nhất tư tưởng lãnh đạo quần chúng đấu tranh thắng lợi. Viên cứ nghĩ thế mà bước theo Độ loanh quanh một lúc rồi đến gian nhà Độ vẫn ngủ. Độ kéo Viên ngồi xuống:

- Ở đây cho vắng. Đồng chí có việc gì?

Viên dịu giọng:

- Tôi đề nghị đồng chí xét lại thành phần gia đình nhà Khuyến.

Độ đã thấy “nổi rôm” nhưng cố nén:

- Như ý đồng chí thì thế nào?

Viên lắc đầu:

- Đồng chí cho phép tôi trình bày. Không biết hôm qua đồng chí lấy tài liệu ở đâu mà tính những ba mẫu. Tôi đã làm thuế hai vụ tôi biết nhà chỉ còn hai sào tư điền và sáu sào tam cấp, còn ba sào ưu tiên cho anh Cậy là ruộng liệt sĩ thì mãi năm năm mươi tư mới cấp.

Độ chặn lại:

- Đồng chí quên là nhà đó đã chiếm đoạt mẫu hai ruộng của nông dân.

Viên vẫn bình tĩnh và tin tưởng lẽ phải sẽ về mình:

- Vâng, để tôi xin trình bày. Hồi bốn mươi chín. Tây nhảy xuống Bùi, nhiều nhà chạy bỏ ruộng hóa, ai ở lại làm được bao nhiêu thì làm. Khi ấy anh Cậy chưa bị hy sinh, anh Hồng vẫn còn làm bí thư chi đoàn thanh niên xã.

Đúng là giọng “tổ chức cũ”, tao sẽ cho mày một trùy, nghĩ thế Độ giở vội sổ tay ra xem lại:

- Phân tán một trâu, phân tán tám sào ruộng.

Viên vẫn trình bày:

- Vâng, một con trâu sụt hố chông phải bán cho nhà lò. Còn tám sào ruộng ấy là vốn riêng của chị Mận và chị Đào. Khi lấy chồng, hai chị ấy bán đi.

Thấy công việc làm của mình Đoàn ủy khen là chuyển biến tư tưởng kịp thời mà thằng rễ thối này dám đến chọc gậy bánh xe, Độ tuy khó chịu nhưng vẫn gật đầu làm ra vẻ ta nghe lắm đây. Chờ Viên nói xong. Độ mới “thành khẩn tiếp thu” để rồi không nhận gì cả.

- Đồng chí phát hiện như thế cũng tốt thôi nhưng chúng tôi làm đều có ý kiến riêng của Đoàn ủy.

Viên biết Độ định bịp mình:

- Vâng thế thì ta nên đề nghị Đoàn ủy…

Độ chặn ngay:

- Đồng chí đứng ở lập trường nào mà bao che cho địa chủ?

Viên cũng chẳng phải tay vừa:

- Thấy sai thì tôi có quyền đề nghị. Hồi tôi ở Thanh niên xung phong, cấp ủy còn mở rộng dân chủ cho khiếu nại đến tận trung ương.

Tai Độ bắt đầu đỏ, giọng Độ bắt đầu gay gắt:

- Ở đấy khác, ở đây khác, việc này chúng tôi đã lấy ý kiến nông dân.

Viên vặn lại:

- Tôi là cốt cán có được đồng chí cho bàn bạc gì đâu?

Thấy mình càng ôn tồn, Viên lại làm già. Độ sợ cứ “hữu” mãi, Viên sẽ dân chủ quá trớn:

- Đồng chí dám bảo nông dân tố sai?

Viên cũng nổi nóng nhưng trấn tĩnh được. Thằng này nó là Đội, lơ mơ nó giam lại cũng lôi thôi. Viên liền cố dịu giọng mà trình bày:

- Trong xóm tôi cũng có người thù hằn mà tố không đúng lắm. Vậy đề nghị đồng chí điều tra lại xem người cung cấp tài liệu ấy là người thế nào, nhân dân có tín nhiệm không?

Thằng này không đi cải cách mà dám dạy khôn mình. Hai vòng tay đỏ đã lan dần đến mặt, Độ khoa tay lên:

- Chúng tôi làm là hoàn toàn đúng.

Viên giáng một đòn cuối cùng:

- Vậy tôi xin hỏi: nhà ấy có ba mẫu hai, không có lao động chính, lại không phát canh, không mướn canh điền thì làm sao đảm bảo được?

Độ tắc lý, tìm cách đẩy Viên về:

- Chúng tôi sẽ nghiên cứu sau.

Nhưng lại tìm cách dọa:

- Đấu tranh phải có nguyên tắc, phải có đảng tính, đồng chí không được quyền về phát ngôn vô trách nhiệm. Làm cản trở công việc của Đội là làm mất uy tín của Đảng, chúng tôi thay mặt Liên khu ủy về đây có quyền quyết định hết thảy. Kẻ nào phá hoại, chúng tôi quyết thẳng tay.

Viên bực dọc ra về lầm bầm: “Đội đếch gì mà Đội ngoan cố thế này, trái lè lè cứ gân cổ ra cãi. Được, không chịu nghe thì sẽ nhờ Đoàn ủy cho nghe. Đã bảo thủ thì chuyến này phải chữa tiệt nọc bảo thủ. Viên này có phải loại ‘xê’ đâu.”

Viên đi khỏi thì Độ nhìn theo lầm bầm:

- Phải xét lại lý lịch thằng con nhà Viên Hắc này mới được.

*

* *

Đồng chí Đội phó vừa xuống xóm về. Độ đưa chuyện Viên ra bàn, đồng chí Đội phó vội đập bàn đến thình một cái:

- Thằng Viên Hắc à? Các xóm phát hiện ghê lắm. Hồi năm năm mươi mốt nó làm xã đội phó, nó đánh du kích như két. Thằng này bị giam ở Bùi bốn tháng. Đảng viên bị bắt mà không bị giết, địch nó canh gác như thế mà trốn ra được, nhất định có vấn đề. Không biết chừng bọn “Dơ Bê” nó bố trí cho ra đề “trèo cao, chui sâu, phá mạnh” như kiểu ông Giản phổ biến.

Độ thở dài đến hì một cái:

- Thế mà cậu Văn cứ khoe lấy khoe để: thằng này vào Đảng lâu, đi ở bốn năm năm, chỉnh huấn rồi, năm lần khen thưởng… đảng viên loại A.

- A cái gì mà A. Thằng này phải “ca tê” (1) ; chỉ đánh mỗi niềm bao che cho nhà Khuyến là gục thôi.

Nói xong đồng chí phó rải tờ danh sách chi bộ Xuân Hạ dài như cái phướn xuống mặt bàn:

- Đội mình “xử trí” chậm quá. Bí thư, chủ tịch, xã đội cũ ngồi thù lù như thế này còn làm ăn gì. Các đội nó đang chuẩn bị giải tán chi bộ, đội mình phải xử trí bọn tổ chức cũ thật gấp mới được.

Và ngón tay người phụ trách tổ chức lia nhanh trên giấy theo giọng nói danh danh:

- Lê Viên… hai mươi nhăm tuổi… Cố nông… 12-1949… 3-1950… Lê Cậy… Lê Khuyến… A… Bố mẹ chết đói năm bốn nhăm.

Độ ngắt lời lại:

- Khuyến nào nhỉ. Hay là Khuyến bố con Bưởi?

___________________

(1). Khai trừ.

Đồng chí đội phó gật gật đầu:

- Có lẽ… có lẽ…

Độ liền ngoái cổ xuống nhà dưới gọi Lý:

- Cô Lý, cô Lý lên đây hội ý cái này tí nào.

Lý chạy lên giọng xoe xóe như xé vải:

- Úi giời ơi. Bố thằng Viên với bố con Bưởi là anh em ruột. Bố con nó đưa thằng Viên Hắc vào Đảng để kéo bè, thằng Cậy chính trị viên, thằng Khuyến phó chủ tịch, thằng Viên xã đội phó. Hồi đó đi Việt Bắc về ốm một trận thập tử nhất sinh thì mẹ con Bưởi cho khối tiền chạy thuốc chạy thang, không có thì bây giờ đã đi khai hội với giun rồi. Anh cứ tưởng bở mà nghe nó. Anh cứ đi khắp xã hỏi Viên Hắc xem ai là người không sợ nó khiếp vía không nào…

Hai Đội vừa nghe vừa gật đầu, làm Lý càng được đà liến láu cái mồm:

- Ông Văn nhà ta nhảy dù vào nhà nó nên bị nó úm. Cứ lần nào em phát hiện về nhà Khuyến là thằng Viên Hắc cãi biến đi làm cho nhà Khuyến tha hồ lên thớ. Sáng nay, lúc ra đồng nó nói bô bô: nhà Khuyến có lao động chính, đồng chí Văn đã bảo chỉ là trung nông.

Trong khi Lý cứ thao thao bất tuyệt thì Độ mở xà cột lấy bút chì đỏ dập ngay chữ “loại A” đi. Và dưới những chữ hình tròn, múi bưởi, gọng vó, ngôi sao thay cho những chữ: tử hình, đấu bắt, xử trí thì Độ nhắm lại đầu bút chì đỏ viết thêm ba chữ C.V.Đ(1) và một ngôi sao vào bên cạnh chữ Lê Viên.

Đến lúc tắt phụt đèn đi ngủ, Độ khoan khoái thở dài:

- Không dựa vào quần chúng, tí nữa mình thả hổ về rừng. Bọn tổ chức cũ gớm thật. Mình biết ngay từ đầu kia mà. Cái mặt cứ câng câng, cái mắt như mắt rắn ráo, cái mồm liến láu bênh che cho nhau. Thằng này dám lên Đội thì ghê thật. Lý xem ra vững

_________________________

1. Có vấn đề.

đấy. Cả xóm Đông chỉ còn cô ấy là lịch sử tương đối trong sạch, không liên quan đến địa chủ đế quốc, không liên quan với tổ chức cũ. Mai phải nhắc cậu đội phó thầm tra lý lịch rồi báo cáo lên Cụm đề nghị kết nạp Đảng đi thôi. Chi bộ Xuân Hạ này sớm hay muộn cũng phăng teo rồi. Bây giờ trông đi trông lại toàn bọn đầu rắn mặt chuột cả, có kết nạp được những cốt cán tích cực đấu tranh như thế này mới tăng chất đấu tranh trong chi bộ, khác nào tiêm những dòng máu tươi vào trong Đảng.

8

“CÂU CHUYỆN LỌT LƯỚI”

Đã nhiều lần chi ủy đội Xuân Hạ chỉ thị cho đồng chí V… phụ trách xóm Đ. phải đi sâu phát hiện địa chủ lọt lưới nhưng đồng chí đó vẫn chủ quan cho rằng xóm Đ. không có địa chủ. Chi ủy Đội giúp đỡ ý kiến thì đồng chí lại tự ái “đi sâu đến đất đen nữa à”. “Tại sao cứ một khuôn năm phần trăm mà dập một loạt như vậy, chẳng nhẽ không có địa chủ phải bịa cho đủ số năm phần trăm hay sao” “Đây anh xuống mà làm”…

Trong khi đó địa chủ Kh. vẫn vào Nông hội, con gái nó chui vào tổ văn nghệ rồi chui vào du kích. Đồng chí V. chỉ quy nó là trung nông, do đó nó khống chế được tư tưởng quần chúng; và mua chuộc đồng chí V. (thanh niên xung phong giải ngũ về) che giấu thành phần cho nó.

Sau khi được đồng chí bí thư Đoàn ủy trực tiếp uốn nắn, đồng chí Độ (đội trưởng) đã thấm nhuần tinh thần đánh địch mới của Trung ương. Đồng chí lập tức về tận xóm Đ. Dựa vào chị L. (một bần nông khổ nhiều, thù sâu), bồi dưỡng cho chị tố khổ điển hình, sau đó gợi ý cho quần chúng mạn đàm liên hệ. Chỉ một đêm đồng chí Đ. đã truy ra tên Kh. là địa chủ lọt lưới.

Tài sản nó đã trưng mua hiện có ba mẫu hai, một nhà gỗ năm gian, nửa sào ao nhà có hai nhân khẩu không có lao động chính.

Học tập tinh thần đánh địch của đồng chí Độ.

Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên trong chiến dịch lịch sử chống phong kiến.

Phát huy dũng khí đấu tranh của chiến sĩ Điện Biên, chúng ta hãy:

- TỔNG CÔNG KÍCH MÃNH LIỆT vào giai cấp địa chủ.

- Đánh địch cho thật mạnh, đánh địch cho thật nhanh, đánh từng loạt, đánh cho chúng không kịp trở tay để hoàn thành tốt đợt năm cải cách ruộng đất, góp phần vào việc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Các đồng chí hãy dũng cảm tiến lên để Đoàn ta quyết đoạt cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG của Liên khu ủy trong dịp sơ kết bước hai sắp tới.

Viết theo báo cáo của đồng chí Độ

TIẾN TÙNG

*

* *

Một người cao lớn, da ngăm ngăm, vung bàn tay rắn chắc như quả đấm sắt gõ cửa tòa soạn nội san CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT của Đoàn. Cách cửa vừa hé ra, người đó đã lách đôi vai to và rộng đi thẳng vào trong nhà, cầm chiếc mũ lưỡi trai vải vàng trong tay và cất tiếng oang oang.

- Tôi muốn gặp đồng chí Tiến Tùng.

- Đồng chí ở đâu đến.

- Tôi đang nằm chờ ở phòng tổ chức.

- Đồng chí cần gì cứ thảo luận với tôi cũng được.

- Tôi muốn chất vấn đồng chí đó về bài “Câu chuyện lọt lưới” trong số báo vừa rồi.

Đồng chí trưởng phòng tuyên huấn vẫn ôn tồn như những lần gặp các độc giả khó tính trước đây thường đến tòa báo yêu cầu cải chính những tin đánh địch đã đăng trên báo của Đoàn.

- Đồng chí cứ cho ý kiến về bài ấy.

- Chính tôi là cán bộ phụ trách xóm Đông tôi hiểu rõ sự thực. Tôi tưởng nếu làm báo mà viết sai sự thực thì chỉ tốn giấy, tốn mực, tốn thì giờ của nhân dân.

- Đồng chí nên bình tĩnh.

- Vâng tôi rất bình tĩnh. Nhưng đọc bài báo của các đồng chí, tôi rất khó chịu. Bài báo của các đồng chí vu cáo tôi nhiều quá. Gia đình nhà bà Khuyến chỉ là trung nông, đồng chí Độ kích lên địa chủ. Đánh vào quần chúng tốt của ta mà các đồng chí cũng hô hào dũng cảm tiến lên, đánh đi... Tại sao các đồng chí không cử người xuống tận xóm Đông nghiên cứu tình hình viết bài giúp cho lãnh đạo thấy rõ sự thật, thấy rõ mặt phải, mặt trái của phong trào có hơn không?

- À đồng chí là đồng chí Văn phải không? Được, ý kiến của đồng chí chúng trôi sẽ nghiên cứu. Nếu cần đồng chí có thể viết bài tranh luận.

Văn liền hất cái quai da quàng qua vai cho cái túi sách xoay về phía trước bụng rồi mở khóa lấy một chiếc phong bì phồng căng:

- Vâng. Việc quy nhà Khuyến tôi không thông, tôi đề nghị nhiều lần nhưng đồng chí Độ cứ làm bừa. Không có lý nào một đồng chí ẩu tả như vậy lại được biểu dương trên báo. Sự thật ở xóm Đông thế nào tôi đã viết rõ ở số báo này, đề nghị các đồng chí đăng cho vào số sắp tới này họ. Thôi xin chào đồng chí.

Đồng chí trưởng phòng tuyên huấn liếc mắt đọc qua đầu đề bài báo rồi tặc lưỡi:

- Cậu này bị đưa lên báo nên “tự ái” đây…

Rồi tiện tay gập bài báo vèo tập hồ sơ LƯU KHÔNG ĐĂNG và hí hoáy viết nốt bài báo “phông” cho số sắp tới:

… Chúng ta hãy dũng cảm tiến lên!

*

* *

- Đồng chí thử kiểm điểm xem tinh thần trách nhiệm của một đảng viên như thế có xứng đáng không?

Về đến nhà. Văn đã cố quên đi mà câu ấy cứ văng vẳng bên tai. Văn tự hỏi: lấy gì mà đo lòng trung thành của Văn đối với Đảng. Những lúc khó khăn nhất cần lấy tính mạng ra thử thách, điều đó Văn đã trải qua. Trận Tử Lạc, tiểu đội Văn nhận trách nhiệm kiềm chế trung đội địch ở ca-nô đổ bộ vào làng. Văn bị một mảnh mốc-chi-ê vào ngực, máu ướt đẫm trấn thủ. Mắt đã hoa; đầu đã choáng váng nhưng Văn vẫn nghiến răng bắn tỉa từng tên địch đang hò a-la-xô mà xông tới chỗ Văn. Khi đồng bào đã rút chạy an toàn vào núi và có lệnh của ban chỉ huy, Văn và đồng đội mới rời khỏi trận địa.

Khó khăn nào bằng lúc vỡ cầu phao trong chiến dịch Quang Trung. Bộ đội đang hành quân qua cầu để tiến quân về mạn sông Đáy. Nước cuốn phăng phăng. Chiếc cầu phao trôi gần đến chỗ mỏm đá. Ngay lúc đó, Văn nhảy phăng xuống nước níu lấy đoạn dây song và kêu gọi toàn đội lao ào ào xuống nước vừa bơi vừa níu lấy cầu. Sức người đã thắng sức nước làm cho một số anh em ở trên bờ đủ thì giờ ghì được hai đầu cầu. Bắt cái cầu bướng bỉnh đó phải nằm thẳng qua con suối lớn.

Và cho đến ngày nay, bị truy là xóm chậm tiến, chi ủy Đội thúc lấy thúc để, Văn không hề báo cáo láo, không hề lên biểu ẩu, không hề quy bừa. Văn nhớ lại cái hôm xuất phát, đồng chí bí thư Liên khu ủy dặn đi dặn lai trên hội trường tổng kết:

- Không để lọt một kẻ gian.

Không quy oan một người lương thiện.

Văn làm cẩn thận như thế đã đúng trách nhiệm của một đảng viên chưa? Ấy thế mà vài hôm nữa giở lý lịch ra, mình không khỏi xấu hổ. Bên cạnh mười sáu lần khen thưởng trong tám năm kháng chiến qua những ngày thử thách trong quân đội nhân dân, trong vùng sau lưng địch, trong Đoàn thanh niên xung phong thì đến ngày được tham gia chiến dịch lịch sử chống phong kiến, bên trang kỷ luật lại bị bôi nhem mấy hàng chữ: để lọt địa chủ, thiếu ý thức tổ chức. Mình thì thế nhưng còn Viên? Lựu? Bưởi? Xuân? Hai đôi ấy bàn nhau bước ba thì xin cưới. Không biết họ có qua nổi cơn sóng gió này không? Và nếu bản thân mình sa vào hoàn cảnh như vậy? Và nếu gia đình mình cũng bị quy oan như vậy, mình sẽ như thế nào, có thể ngồi yên được không? Quyền lợi quần chúng đang bị xâm phạm như thế, người đảng viên có thể ngồi yên nhìn sự thực bưng bít, có thể cho bọn cán bộ ẩu tả gây thành tích trên những chuyện đau khổ của quần chúng được không?

Phải nói!