Sắp cưới - Phần III - Chương 1

PHẦN THỨ BA

1

Bưởi rút then ngang và định đẩy cửa. Tiếng chà rào soàn soạt làm Bưởi sực nhớ chiều hôm qua nông dân đã rấp ngõ rồi. Bưởi ghé mắt nhìn qua khe cửa chỉ thấy chưa được phần tư cái sân. Rác rưởi, nùn rơm, lá chuối khô, tàn đóm, giấy vụn đầy cả sân mà chẳng có ai đưa cho nhát chổi. Ngày còn sinh thời, thầy Bưởi ngày nào cũng dặn vợ dặn con:

- Cái sân nó như cái gương soi vào mặt nhà mình. Mẹ con nhà bà phải làm sao cho sạch như lau như chùi, khách đi qua ngõ không định vào nhưng thấy cái sân cũng phải tạt vào chơi.

Cái sân nó như cái gương soi mặt nhà mình. Bây giờ nhà mình bị bôi gio trát trấu thì cái sân cũng đầy rác rưởi thế kia. Góc sân có một cây chuối bị đổ. Hôm qua lúc trưng mua xong, mọi người chen nhau về đã xô phải. Tàu chuối tướp như cái cờ xua vịt. Cây chuối ấy cũng giống như mình bây giờ. Đám chuối khác nõn đâm thẳng lên trời, tàu lá nào tàu lá ấy to như nửa cánh phản một lượt, hoa chuối chõ ra chẳng khác bắp đùi. Đấy là chúng bạn mình, con Điều, con Minh… đời chúng nó tươi như hoa chỉ còn đời mình mới là thân cây chuối đổ. Bưởi thở dài nhưng vẫn nhìn qua khe cửa.

Cái sân ấy trước kia và ngày nay vẫn chỉ nhỉnh hơn mười sáu chiếc chiếu đậu. Từ dạo mười lăm mười tám tháng, Bưởi đã lê la bò bốc đất bốc cát trên cái sân ấy. Chị Đào, chị Mận, anh Cậy, anh Hồng và Bưởi nữa, năm anh em nô đùa bao nhiêu năm trên cái sân ấy. Trước kia chỉ là cái sân đất nện, đằng đông còn có cái bàn ăn quan của Bưởi. Bưởi và Lựu đánh ăn quan với nhau suốt buổi. Bưởi vụng tính nên thua luôn, không ngày nào là không phải “bán ao” cho Lựu. Hồi tháng ba đói, bao nhiêu rau sam rau má ở vườn cao hết rồi thầy Bưởi và anh Cậy đã cuốc sân lên giồng năm luống khoai lang. Tháng đầu bứt ngọn, sang tháng ba cả nhà bới củ ăn dần nên cũng có cái ăn cầm hơi đợi hột. Dỡ xong khoai lại giồng luôn mồng tơi, rau đay, rau ngót. Mãi sang đầu 47, nhờ được liền ba vụ lúa thầy Bưởi tính chuyện lát sân. Hàng gạch đỏ tươi đã che khuất những ngày túng đói khi xưa. Từ đó Bưởi được coi lúa ở nhà không phải sang sân chùa nữa. Bưởi cứ việc ngồi trên hè mà đánh chuyền. Quả cà tung lên, đôi ngón tay xinh xinh nhón từng cặp chuyền một. Đôi tôi. Đôi chị. Đôi quai bị. Đôi hành hoa. Đôi sang ba. Rồi ba lá đa… tư củ từ… năm rau răm… Bưởi cứ đánh chán đánh chê mới phải chạy xuống sân dũi lúa. Bóng cái nón tròn như cái mâm ở dưới chân Bưởi. Bưởi cố sức đi thật nhanh nhưng không làm sao ra khỏi cái bóng đó. Xế trưa bóng nắng nhích thêm bộ sải tay. Bưởi giơ chân định nhảy vào giữa bóng nón, cái bóng nón cũng dừng lại như chờ Bưởi nhưng khi Bưởi nhảy tới nơi cái bóng nón ấy đã ở phía trước mặt rồi. Bưởi nhảy theo cái bóng nón tinh nghịch đó đến tận cuối sân mới nhớ rằng mình quên hẳn một đường dũi. Bưởi quay ngược lại. Cái bóng nón cứ ở mãi phía sau Bưởi. Bưởi đi thật chậm, cái bóng nón chẳng quẩn chân Bưởi như trước nữa. Chóng thật. Thế mà đã chín năm rồi. Nhưng lúc đó còn anh còn chị. Anh Cậy, anh Hồng lấy bàn trang kéo lúa sền sệt. Chị Đào, chị Mận đội chồng đội thúng vào đổ trong cót thóc. Quanh chiếc mâm gỗ lọng sơn, cả nhà quây quần vừa ăn vừa tính chuyện ngày mai. Thế mà nay chỉ có một mình mình phải gánh vác những khổ sở này. Không biết cái sân sẽ thuộc về nhà ai. Con không đẻ không thương, dù cái sân có long mạch chẳng chắc ai cho tí vữa mà hàn lại. Có khi họ cạy gạch đi bán. Lúc cấp trên về xét thì còn gì… chẳng những cái sân mà còn năm gian nhà gỗ, cái ao, cối xay, chày máy…

Thế là mất hết. Chỉ còn hai gian bếp xiêu vẹo như cái quán chợ trong ngày mưa to gió lớn thế này.

*

* *

Có tiếng gõ liếp cành cạch, Bưởi vội cài then cửa sau rồi lên tiếng:

- Ai hỏi gì?

Ngoài kia có tiếng khàn khàn đáp lại.

- Tôi đây. Nhà này phải cử một người đi đắp đường. Đi ngay bây giờ.

Bưởi nhận ra tiếng Trí nên đỡ lo lắng, liền lách phên ra:

- Tôi chưa kịp thổi nấu gì, anh cho đi chậm một tí.

Trí lo lắng:

- Ấy lệnh của Đội như thế. Cô đi chậm, Đội trấn áp thì khổ cô.

- Đêm qua về, Đội có hỏi gì anh không?

- Hỏi nhiều lắm, hỏi cả về ông, hỏi cả chú Hồng, hỏi cả chú Viên nhưng cháu gạt được cả.

- Sao anh không nói giúp cho nhà tôi một câu có hơn không?

- Khó lắm cô ạ, anh này ở Cụm về, anh không hỏi gì về nhà cả. Anh ấy lại hỏi sang cái Lý thì cháu có báo thật là bố Lý có đi lính khố đỏ mấy năm. Anh ấy ghi cả. Anh ấy hỏi từ đời ông đời cha, hỏi từng li từng tí về cái Lý không biết làm gì.

- Thôi trăm sự nhờ anh, Đội có hỏi gì anh nói hộ cho.

- Tùy việc thôi. Chứ thành phần bà thì Đội họ chẳng nghe đâu. Nói ra Đội quy là bao che thì lại khổ dắt dây với nhau.

Rồi như để thanh minh với làng xóm, Trí lại nhắc thật to:

- Nhà Khuyến cử người mang quang sảo ra đồng Bầu, đi mau lên!

Nhưng đi được vài bước, ngoái cổ lại nhìn hai gian nhà lụp xụp, Trí thấy nao nao lòng. Từ nay hai mẹ con Bưởi phải chui rúc ở đấy không biết đến bao giờ, ăn đấy, ngủ đấy, nấu nướng đấy. Bây giờ đã vậy, nay mai nực nội lên thì không biết thế nào!

*

* *

Dọn dẹp xong, nhìn nhà cửa bây giờ không bằng cái chuồng lợn khi trước, Bưởi chán ngán cả người chả thiết ăn uống gì. Buộc lại quang đóng lại mấu đòn gánh, Bưởi đi ngay ra đồng Bầu. Hôm qua họ đấu, họ vạch nhà mình là không lao động, thì nay làm thử xem có hơn nông dân không. Hôm qua con Lý dám tố là Bưởi chỉ giả vờ ra đồng để ốp người làm, hôm nay Bưởi sẽ gánh cho mọi người nhìn thấy đã oặt đòn gánh chưa?

Bưởi tới nơi vừa lúc Trí đang đứng trên cái gò đất. Tay phải chống cạnh sườn, tay trái giơ kiếm chỉ đông chỉ tây:

- Đây này, bần cố trung thì đắp từ đây đến đây, địa chủ thì làm ở tít đằng kia.

Mấy anh tinh nghịch bắt chước giọng lè nhè của Trí khi đóng vai “cấp báo, cấp báo” liền hích nhau gào to:

- Phụng mạng!

Rồi òa lên cười. Bưởi cũng định cười nhưng vừa nhếch mép lại sực nhớ là mình bây giờ là thành phần khác. Cười xóm đội là dễ lôi thôi. Trong lúc mọi người túm tụm lại tán gẫu thì Bưởi gánh đôi sảo ra chỗ xúc đất.

Trí cắm kiếm vào một nơi rồi nhảy ngay xuống thùng đào đất, xúc đất cho mọi người. Nhìn sảo đất còn vơi, Bưởi lại giục Trí:

- Anh cứ xúc bao giờ cắn cạp thì thôi.

Trí ngừng tay:

- Cái thúng này sâu, quãng đắp của cô lại xa. Sáng ngày cô chẳng kịp ăn uống gì, cô gánh nặng quá thì sút vai mất.

Nghe tiếng chân người rầm rập, tiếng cười nói lao xao trên mặt thùng, Bưởi nói dóng một:

- Anh xúc cho đầy sảo vào để địa chủ mau cải tạo. Đòn gánh này gánh nổi năm yến thóc mà chưa gẫy đâu.

Trí vội lừ mắt ra hiệu đừng nói thế nữa. Nhưng trên này mấy anh gánh sảo không đi đằng sau, anh nọ nhìn anh kia, anh thì nháy mắt, anh thì bĩu môi như bảo nhau:

- Vẫn đanh đá lắm.

Khi Bưởi đi khỏi, mặc cho Trí xúc đất vào sảo, anh em quay ra tán chuyện:

- Ngang thật!

- Mới đấu hôm qua, hôm nay vẫn cứng cổ lắm.

- Dám mặc phin gụ, định trêu tức nông dân.

- Giá đừng quy địa chủ thì bảo nó hát cho một bài mà nghe cũng đỡ mệt.

- Mất lập trường!

- Đôi mắt thật là tuyệt.

- Trông vẫn nổi nhất đám đấy chứ.

- Chuyện, con địa chủ chỉ ăn chơi làm gì mà không đẹp.

Có tiếng cười hềnh hệch đế vào:

- Ăn chơi, cứ năm yến thóc từ Sổ sang Chè, lại bốn thúng gạo từ Chè đi chợ Lạc.

Anh khác lại nói tiếp câu chuyện cũ:

- Chuyến này khối tay cán bộ, bộ đội định hỏi, thế là tan tinh.

- Xì, hỏng đám này lấy đám khác. Con địa chủ thì báu gì mà lắm đứa cứ chui đầu vào.

Tiếng nói oang oang sau lưng mọi người:

- Vì nó lao động khỏe mà lại.

Mọi người quay phắt lại:

- Đứa nào đấy?

Viên quẳng cái mai xuống đất, tay phải vỗ dồn dập/đồm độp vào ngực.

- Rễ thối đấy! Thối hoắc!

Chỉ một loáng thôi, một truyền mười, mười truyền trăm, câu chuyện đến tai Lý. Lập tức Lý chạy ù lên văn phòng báo cáo. Nghe thoáng câu chuyện, Độ đập bàn quát lớn:

- Đủ chứng cớ rồi! Lôi cổ nó về đây!

Ngay trưa hôm đó, Viên đã phải đùm mười bát gạo lên văn phòng Đội để viết bản kiểm thảo. Nhưng suốt đêm Viên chỉ hút thuốc lào vặt, buồn rầu nhìn tờ giấy trắng tinh không nỡ tự tay mình lại bôi nhọ đời hoạt động của mình. Viên này phạm tội gì mà phải đào sâu suy nghĩ, mà phải tìm hiện tượng, mà phải kiểm tra động cơ tư tưởng, Độ không nói rõ mà chỉ thúc “thành khẩn đi”, “liên hệ cho sâu sắc vào”. Không biết đồng chí đội trưởng này đã nghe ai mà đặt vấn đề nghi vấn mình quá thế. Kiểu này lại con Lý ton hót để lấy “thành tích vào Đảng” đây, thì cái con mất dậy ấy như con rắn độc nó phun phải ai thì chết người ấy. Mình đã nói đến như thế mà đồng chí đội trưởng không nghe ra ư? Hay là hắn ta trù mình vì mình đã biên thư lên Đoàn ủy. Có lẽ thế… Năm một nghìn chín trăm năm sáu rồi mà trong Đảng lại còn những thằng lợi dụng chức vụ để trả thù riêng như thế này ư?