Sắp cưới - Phần III - Chương 2

2

Lựu đi họp thanh niên lao động toàn xã, nhân tiện lúc nghỉ chạy vội vào nhà thống kê báo tin cho Xuân:

- Tối nay Bưởi nó hẹn gặp anh ở nhà tôi đấy.

Xuân bước vội ra sân, nhìn trước nhìn sau không thấy ai mới dám vào nói chuyện:

- Sao chị liều thế. Chị không sợ bị khai trừ khỏi thanh niên lao động à?

Lựu chép miệng:

- Thấy cô ấy bị oan uổng như vậy, ai mà chẳng thương. Khai trừ, tôi làm gì mà khai trừ? Đoàn không cho tôi đi sát để giáo dục cô ấy à?

Xuân đến bên Lựu nói nhỏ:

- Ở bên xóm Trung có mấy gia đình chỉ chào địa chủ mà Đội cũng gọi đến kiểm thảo.

Lựu cãi lại:

- Nhưng con địa chủ vẫn được ở tổ văn nghệ kia mà. Anh cứ đến, ở bên tôi kín lắm, chẳng ai biết đâu.

Xuân lắc đầu:

- Hình như Đội đang nghi tôi về chuyện ấy. Hôm kia tôi bảo anh Độ: nhân dân có dư luận nhà ấy có lao động chính. Thế là anh ấy gắt mù lên. Nay lại gặp nhau, cái tội bao che ấy tôi cãi làm sao được.

- Anh xem binh tình thế nào?

- Không hạ đâu. Sáng nay ông Cụm trưởng về đến đây một cái là hỏi ngay anh Độ: nhà Khuyến thế nào? Anh Độ trả lời: Đấu rồi, trưng mua rồi. Anh ấy lại hỏi: Liệu xóm Đông còn lọt không? Chị Lựu này, nghe anh ấy nói Đội này đi thì Đội phúc tra về lại tiếp tục truy địa chủ. Tôi thấy việc tôi xây dựng với Bưởi khó lắm chị ạ.

Lựu giật mình hỏi dồn:

- Thế anh định cắt đứt ngay bây giờ à? Anh Viên đã gửi thư lên Đoàn rồi, thế nào trên cũng xét lại chứ.

Xuân thở dài:

- Chẳng xét đâu. Anh Viên đang bị Đội theo dõi đấy. Chị cũng đừng liên lạc với anh ấy luôn. Nhỡ ra một cái thì…

Lựu chặn ngay:

- Anh ấy làm gì mà “theo dõi”?

Xuân đứng dậy xòe ngửa hai bàn tay ra:

- Đấy rồi chị xem.

- Việc Bưởi, anh hãy thư thả đã.

- Khó khăn lắm chị ạ, nhà tôi đã trung nông, mà thầy tôi trước lại làm xã đoàn. “Liên quan” đến như thế, tôi có được vào thanh niên lao động như chị cũng còn trầy trật. Đã thế lại chưa dứt khoát với địa chủ, có khi Đội đuổi ra khỏi thống kê. Chị tính xem trước cải cách tôi là phó bí thư chi đoàn mà bây giờ tôi vẫn chỉ là thanh niên trơn thì còn có ra làm sao.

Lựu đứng dậy:

- Tôi phải về họp đây, anh nhớ đến đừng để cô ấy chờ.

Nể mặt Lựu quá, Xuân phải trả lời nước đôi:

- Để còn xem.

Lựu đi khỏi, Xuân lại vùi đầu vào bảng thống kê. Chưa bao giờ Xuân cộng sai như hôm nay. Cột thứ nhất sai một con, cột thứ ba sai một con. Bảng thống kê chi chít những dập dập xóa xóa, con số nọ trườn lên con số kia cũng như đầu óc Xuân đang rối bù với bao nhiêu con tính hóc búa.

Như thế là nhà Bưởi nhất định lên địa chủ rồi. Xuân phải suy nghĩ làm sao cho phải. Ở xóm Nam có người lấy con địa chủ, cưới rồi nhưng cũng cắt đứt. Anh cán bộ tỉnh khi nghe tin nhà mình lên thành phần liền biên thư về dứt khoát với gia đình. Hôm nọ con dâu Lý Sản cũng lên đấu mẹ chồng nó rất hăng. Đâu đâu người ta đều như thế cả, mình đi ngược làm sao được. Cắt đứt? Xuân tự hỏi: Bưởi có tội gì? Bưởi không phải cố tình chui vào nhà địa chủ. Bưởi cũng chẳng đòi lấy mình mà chính mình lại nhờ Viên, nhờ Lựu nói mãi Bưởi mới thông. Làm thế nào nói cho Bưởi hiểu để Bưởi khỏi trách mình là con người phụ bạc; “phụ bạc”, cái tiếng ấy cũng để đời.

Những câu thì thầm từ buổi gặp gỡ ban đầu văng vẳng bên tai Xuân:

- Tôi nói cái này Bưởi có nghe không?

- Em chịu thôi. Bu em biết, bu em chửi.

- Thế Bưởi về à? Bưởi về có nhớ tôi không?

- Không nhớ anh Xuân sao em đến đây?

Nhớ lại chuyện cũ làm Xuân ngập ngừng như người đã vung dao rồi nhưng không dám chém, vì chỗ chém ấy lại là da, là thịt, là xương của mình. Cái áo phin trắng trước còn vừa vặn nay đã chật căng sát người in lằn cả vệt dải yếm ở phía sau lưng. Đôi vai tròn, mớ tóc còn vương mùi nước gội đầu đun bằng lá chanh lá sả, mái tóc mang tai lại vắt hoa ngọc lan. Lần đầu tiên ôm người con gái đẹp nhất xóm vào lòng, người Xuân run lên như cơn sốt rét. Lúc bấy giờ Xuân thật hãnh diện với trai làng để đến bây giờ suốt mấy ngày hôm nay Xuân không biết cư xử làm sao cho đúng.

Đang nghĩ vẩn vơ như thế thì tiếng Độ quát tháo trên nhà:

- Thằng Viên láo thật. Lôi cổ nó về đây.

Một lát sau, du kích đã áp tải Viên về đưa sang cạnh nhà in li-tô viết kiểm thảo. Xuân giật mình ruột nóng như lửa đốt, việc đã như thế, Xuân không hiểu rõ số phận của mình ra sao. Đấy là Viên chỉ nói có một câu: Chuyện, vì nó lao động khỏe!

Đến chiều, xe Jeep của đồng chí bí thư Đoàn ủy và hơn chục cái xe đạp biển xanh có, biển trắng có lao vun vút về văn phòng Đội.

Ngồi dưới nhà, Xuân chống bút lắng nghe câu chuyện xì xào trên nhà. Cán bộ Đội ngồi vây quanh đồng chí bí thư Đoàn ủy. Mỗi khi một cán bộ báo cáo xong lý lịch một người thì đồng chí này chíu đôi lông mày, ngón tay trỏ lại đâm xuống mặt bàn để đánh nhịp cho chữ “bắt” được thêm phần kiên quyết:

- Chủ tịch à? Bắt!

- Xã đội à? Bắt!

- Bí thư chi bộ à? Bắt! Thế này đã ăn thua gì! Các đồng chí có biết các xã đợt bốn bây giờ ra sao không. Có xã vào loại A trước các cậu ấy, đánh địch đã cừ mà Đội kiểm tra lại về nó còn sục được một bá, hai địa và gần hai chục Quốc dân đảng. Có xã mình vừa rút đi, bọn Quốc dân đảng chui vào nắm luôn chi bộ tới ủy ban. Cho nên đợt này phải đánh địch cho khỏe, phải chần chúng như chần trạch ấy để lúc kiểm tra lại đỡ vất vả. Phải đánh địch với dũng khí của Thạch Sanh tiêu diệt mãng xà vương ấy chứ.

Đến lúc thu xếp tài liệu trao lại cho đồng chí văn phòng Đội để về nhà ăn cơm, Xuân đã thấy ở sân văn phòng Đội gần chục người bị trói. Du kích áp tải mang theo cả mát trường, cả rơ-manh-tông cắm lưỡi lê tuốt trần, cả tuyn gấp. Vụ ông già bảy mươi tư ở xóm Trung bị chết đuối nay đã tìm được thủ mưu, thủ phạm.

Đến nay Xuân mới thấy đầy đủ nghĩa câu nói của thầy Xuân khi mới ở Hà Nam về:

- Thật là long trời, lở đất!

*

* *

Xuân hối hả bước về nhà, đầu chúi về phía trước, mắt chớp chớp suy nghĩ.

Hai bên đường, mảnh ruộng nào mảnh ruộng ấy lúa đã cứng cây. Bụi lúa to như cái đó một lượt, đôi chỗ tốt phân đã cao ngập gối. Con bồ nông to bằng cái lờ đại đang co cẳng đi giữa đồng lúa tìm mồi. Đôi chim chìa vôi kêu “tích tích” rồi bay vút lên cao. Một người gánh đôi sảo không từ Gò Ổi lội tắt bờ men ra đón đường, chờ Xuân đi tới:

- Anh Xuân! Anh Xuân ơi!

Nghe tiếng Bưởi, Xuân sợ hết hồn cứ cắm đầu đi thẳng. Bưởi vứt quang gánh sang bên đường rồi cắp nón chạy theo Xuân.

- Anh Xuân ơi, anh đứng lại em hỏi cái này đã nào.

Liếc mắt nhìn hai đầu đường không thấy ai, Xuân mới dám đứng lại:

- Chị hỏi gì?

Bưởi sa sầm mặt lại. Chữ “chị” làm cho Bưởi muốn nói nhiều lắm nhưng không sao nói hết được. Có cái gì ngáng ở cổ họng. Môi Bưởi cứ run run. “Chị hỏi gì?” Xuân sợ Bưởi đến thế ư? Chị hỏi gì? Cũng phút im lặng đó bao nhiêu chuyện chớp nhoáng hiện ra trước mắt Xuân. Lý quắc mắt với Xuân hôm qua: Anh còn “tư tưởng” à. Anh không dứt khoát tôi mách anh Độ cho mà xem. Tiếp theo là giọng sang sảng của Độ: Cậu cho mình tên mấy thằng đó để mình báo cáo lên Đoàn ủy. Mỹ nhân kế. Ghê thật! Hàng trăm nắm tay giơ lên, tiếng hét như sấm dậy: Đả đảo địa chủ Khuyến! Kiên quyết đánh đổ địa chủ Khuyến! Hình ảnh hàng chục người bị trói giật cánh khuỷu ngồi run ở sân văn phòng Đội. Mệnh lệnh rành rành của đồng chí bí thư Đoàn ủy: Bắt! Bắt!

Bưởi cố lắm mới hỏi được câu:

- Anh Xuân giận em đấy à?

Xuân nghẹn lời nói với Bưởi.

- Không. Nhưng chúng mình khó xây dựng được với nhau.

Bưởi tái người, định quay đi không thèm hỏi nữa, nhưng nghĩ đến lúc này mẹ thì như thế, Viên thì như thế, nếu không có Xuân nữa thì lấy ai che chở cho qua cơn sóng gió, Bưởi cố nhịn nhục để hỏi lại Xuân một lần nữa:

- Anh Xuân định cắt đứt với em thật à?

Hai mi mắt Xuân tự dưng nằng nặng như mọng nước mắt. Xuân không biết trả lời thế nào. Bưởi trông đáng thương quá, bây giờ ai trông nom bu Bưởi, từ nay Bưởi làm gì mà ăn.

Bưởi cầm lấy cánh tay Xuân mà giật giật:

- Anh Xuân ơi, anh có cách nào cứu cho gia đình nhà em với, anh để mặc em chịu oan uổng thế này hay sao? Hai tối nay em chờ anh ở gốc sung chẳng thấy anh sang, em lo lắm.

Cái gốc sung. Bao nhiêu lần Xuân thề với Bưởi ở đó. Xuân lấy hết can đảm định nói nhưng lại thở dài:

- Bưởi buông ra.

- Thế anh Xuân định thế nào?

Xuân gạt vội tay Bưởi ra rồi run run trả lời:

- Chị và tôi ở hai giai cấp khác nhau.

Nói xong, Xuân ù té chạy. Bưởi cũng chạy theo gọi với:

- Anh Xuân! Anh Xuân!

Thấy Xuân cứ cắm cổ chạy, không thèm ngoái lại, Bưởi đứng dừng lại. Cơn giận uất lên đến cổ. Họ dứt khoát với mình thì mình lép gì mà không dứt khoát lại. Ba năm nữa thay đổi thành phần chưa phải đã chết già. Hay là đang lúc đấu tranh, anh ấy phải làm thế để che mắt thế gian? Nhìn theo bóng Xuân rẽ xuống bờ men chìm dần sau hàng lúa, Bưởi thở dài, rồi quay lại Gò Ổi lấy quang gánh về.

Đằng Tây, mặt trời như bị sa lầy thụt dần, thụt dần trong đám mây chiều vẩn đục. Ánh nắng vàng nhợt còn đọng lại trên ngọn cây đa và từ từ phai dần. Khói bếp tỏa ra từ các mái tranh trong xóm đang quằn quại trước cơn gió nhẹ. Trên mặt đường, vệt bánh xe đạp chi chít trườn lên vệt lốp ô tô khác nào những vết roi đã rớm máu in lằn trên lưng một người bị nhục hình. Chùa Chè buông hồi chuông thu không đánh dấu than cho cuộc chia tay hãi hùng và vội vã ấy. Tiếng chuông rền rĩ theo nhịp đôi cánh mỏi rời của một con chim lạc đàn đang cất tiếng kêu gọi bạn.

*

* *

Bữa sáng chẳng ai buồn ăn, đến buổi chiều thổi chưa đầy bát gạo mà hai mẹ con ăn cũng không hết. Bu Bưởi chỉ ngồi thở ngắn thở dài. Bưởi thì nằm úp mặt vào tường chẳng dám ngó đi đâu. Từ nay mình đã thành con địa chủ, đang ở du kích xã thì xã đội gọi lên tước súng và cảnh cáo về tội chui vào du kích để âm mưu phá hoại, đang ở tổ văn nghệ thì lâu nay chẳng ai gọi đến mình. Chúng bạn đã xa lánh như sợ gặp con ma hủi. Trong lúc buồn bã như vậy chỉ còn có Xuân là gần gũi hơn cả thì Xuân không an ủi được một đôi câu mà lòng nào đang tâm dứt khoát thẳng cánh như thế. Không hiểu ai xúc xiểm Xuân, chứ làm gì Xuân không biết nhà Bưởi bị quy oan, làm gì Xuân không biết anh Viên đã báo cáo lên Đoàn. Hay Xuân nghĩ tới chuyện ngày xưa, Xuân giận. Không phải. Nếu Xuân giận thì Xuân giận ngay từ đầu mà bao lần gặp Xuân chỉ cười mà bảo đó là câu chuyện trẻ con. Hay Xuân giận vì chuyện mình không cho anh ấy cưới ngay. Thì Bưởi đã bao nhiêu bận nhắc Xuân lùi lại ít ngày đã, Xuân chỉ bảo: ấy thì mới nói thế. Hay là có chuyện gì. Tại sao Xuân không vững vàng được, dù có thế nào chăng nữa, dù cấp trên nghe Đội mà không xét cho nhà Bưởi thì ba năm nữa Bưởi cũng trở lại thành phần nông dân lao động. Làm gì mà Xuân không biết Bưởi làm ăn như thế nào hay sao? Hay là trên Đội định phát hiện thêm tội ác của nhà mình. Anh Viên thì đã bị thế, bây giờ ai sẽ bênh vực cho mẹ con mình?

Cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn như vậy, Bưởi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, khi bừng mắt dậy thì đêm tối dày đặc như mảnh vải đen bịt chặt lấy đôi mắt đang đón chờ hy vọng. Tiếng dế kêu ri rỉ ngoài sân như người than vãn. Gió rào rào lách qua kẽ phên lọt vào nhà, Bưởi co mình lại kéo đôi chiếu cũ đắp lên người mà không sao khỏi rét. Tủi nhục nào bằng lúc này. Từ nay sẽ mang tiếng con địa chủ bóc lột nông dân mà sống, bao nhiêu mơ ước đã từng bay bổng, thế là hết. Bưởi đã thành cô con gái bị người con trai bỏ. Xấu xa lắm. Có ai biết cho tại sao mà mình bị bỏ. Bưởi đã từng được nghe chị em bàn tán về những người bị dứt khoát, người nào cũng không chứng nọ tật kia và ai nấy gật gù:

- Con ấy thế mới đáng!

Ra đường, còn gì xấu hổ cho Bưởi hơn nữa. Như thế này còn mặt mũi nào ở lại làng Chè! Hay sáng mai Bưởi trốn đi Thái Ninh với chị Mận. Ra ngoài thì làm gì không sống, Bưởi có thể buôn mớ rau mớ cỏ, buôn đầu chợ bán cuối chợ, Bưởi có thể làm hàng xay hàng xáo, tháng năm này Bưởi đi gặt thuê. Gặp ai vừa ý, người nhì nhằng cũng được, miễn là thật lòng với Bưởi, Bưởi sẽ lấy rồi ở luôn bên đó, tới khi chết, gửi thịt gửi xương bên đó nốt. Thế là xong.

Nhưng còn bu Bưởi?

Bu Bưởi đã già rồi, anh Hồng thì đi công tác vắng, các chị đã đi ở riêng. Bưởi bỏ đi nốt thì ai là người săn sóc. Lúc túng thiếu, khi đau yếu trông cậy vào ai? Nhà Bưởi đã thành kẻ thù của nông dân, ai còn dám đến, ai còn dám cho vay, cho mượn. Lúc vui sướng thì có mẹ có con, nay chẳng may gặp vận hạn này lòng nào mà bỏ mẹ đấy mà đi mưu cho sướng cái thân. Thử hỏi lúc đó đang ăn cơm chợt nghĩ tới mẹ già đang khổ ở nhà thì bát cơm chan nước mắt, Bưởi còn nuốt trôi được hay không. Công cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Bưởi thường nghĩ bu Bưởi kể lại ngày mới đẻ Bưởi lom nhom như con mèo mướp, lại cam sài đến năm lên bốn, bu Bưởi chật vật tốn kém bao nhiêu. Chỉ tiền thuốc cho Bưởi mà phải bán đứt hai sào đồng Bầu chưa đủ còn phải vay của Lý Sản thêm hai chục thóc đến mùa gấp chão trả thành bốn chục thùng. Năm Bưởi lên bảy vừa đúng năm đói, nhà bảy người có nồi bộng cháo, bu Bưởi chỉ ăn một bát, còn nhường cả cho các con. Hồi Tây nhảy dù xuống Bùi, Bưởi chạy đã mỏi chân, hai cẳng cứ ríu lại không đi được nữa. Bu Bưởi phải cõng Bưởi chạy tận Ba Trại. Cơ man nào là muỗi, bu Bưởi có dám ngủ đâu, suốt đêm cầm cái vỉ cói xua muỗi cho Bưởi ngủ. Sáng hôm sau, bu Bưởi đi hái được nắm rau tàu bay luộc chấm muối ăn vã, bu Bưởi chỉ ăn chiếu lệ còn nhường cả cho Bưởi.

Trở mình đi trở mình lại, đêm vẫn còn dài và dài hơn mọi đêm trước. Bưởi phải trằn trọc hơn một nghìn đêm như thế này nữa, tuổi thanh xuân của mình phải chịu đắng cay qua một nghìn đêm nữa mới đến ngày sáng sủa. Lúc chờ đợi Xuân ở đồng Bầu, Bưởi tính ba năm chẳng là mấy, ngày nào Bưởi còn thiếu nữ: cái ca-lô nâu viền vàng, cái áo sơ mi nâu chun vai cổ lá sen, món tóc cắt ngang vai, cái quần nái nhuộm lá sòi dấn nước bùn mỗi khi đi biểu tình lại luồn dây vào gấu buộc túm lại. Thế mà đã ba năm. Ba năm nữa là mấy, Bưởi mới hai mươi hai, Xuân mới hai mươi ba, có người bạn đường thì dù xa mấy cũng không quản ngại, nhưng nay trông cậy vào đâu mà chờ.

Bưởi lại thở dài nghĩ đến thời mười chín đôi mươi. Bao nhiêu đám hỏi chẳng ai được vừa lòng. Thật ra bấy giờ Bưởi cũng thấy các anh ấy đều tốt cả, nhưng lấy ngay, Bưởi cứ cho rằng mình còn chịu thiệt thế nào ấy. Ý Bưởi thì chồng mình phải là một thanh niên xinh trai, văn hóa cao cao một tí, chính trị cũng khá khá một tí, văn nghệ thông thạo một tí. Quanh quẩn thế nào thấy Xuân nặng lòng đeo đuổi, rồi thương Xuân. Trước thì thương vừa vừa, sau đâm thương quá đáng, Xuân bảo lấy, Bưởi cũng ừ. Thế mà nay Xuân lại phụ bạc với mình. Biết trước cơ sự này, tháng hai năm ngoái anh cán bộ văn nghệ tỉnh đến xem mắt, Bưởi cứ đồng ý đi thế là xong. Bây giờ tha hồ chuyện gì Bưởi cũng yên trí, có khi Bưởi được thoát ly đi công tác chưa biết chừng. Đến giờ thì làm gì Bưởi phải dơ mặt ở cái làng Chè này. Tuổi mười tám trôi mất khác nào đám mây trắng nõn như bông bay qua nền trời xanh thẳm, làm sao mà níu lại được. Đám mây đó càng bay xa càng tan dần, khi đến chân trời thì còn đâu như trước nữa. Cớ sao lúc mười bảy, mười tám mình cứ lừng khừng? Để đến nỗi bây giờ thân mình như con chim gãy cánh bị gió quật xuống vũng bùn đen rồi ngoi ngóp trong đó nghe tiếng chim đàn từ mây xanh xa tít vọng lại. Nghĩ thế Bưởi lại oán bu. Tại bu! Bu cứ bảo lấy anh ấy hơn, cùng xóm có mẹ có con, lấy chồng xa, bu nhớ lắm. Tại bu! Bao nhiêu lần Bưởi đòi đi học nữ hộ sinh, đi công trường, đi phục vụ cơ quan, bu Bưởi cứ gàn Bưởi ở nhà trông nom đồng áng chờ khi anh Hồng lấy vợ hãy đi cũng chưa muộn. Bưởi giận lây đến cả anh Hồng, đã đồng ý lấy chị Khẩn ở bên Bắc rồi sao không cưới sớm đi. Có phải là bu Bưởi có mẫu ruộng, hai chị em làm lấy hết không thuê không mượn, không đổi chác công xá gì để bây giờ đỡ phải đeo tiếng bóc lột nhân công. Cả cái chị Lựu nữa. Cứ bàn vào anh ấy tốt, lấy anh ấy hơn. Nay Xuân giở mặt làm Bưởi mang tiếng với chị với em, làm Bưởi chịu cảnh nhỡ nhàng. Bưởi giận đến cả Viên. Bưởi không thích lấy Xuân thì Viên cứ nay đả thông mai đả thông, buộc cho Bưởi là đứng núi này trông núi nọ, buộc cho Bưởi là quan điểm luyến ái bấp bênh.