Sắp cưới - Phần III - Chương 3 - 4

3

Bà Khuyến lại thở dài, mặc dầu bà biết mỗi lần bà thở dài là một lần truyền thêm nỗi buồn cho con gái. Khốn thay oan ức chồng khê chất đống trong lòng như thế này thì tránh sao không phát phiền được. Thời dân chủ mà chẳng khác gì thời đế quốc, không ai cho bà kêu được một lời oan. Hôm bị đấu, bà vừa nói:

- Con không bóc lột, con không phải là địa chủ, ông bà nông dân quy cho con thành phần khác.

Tức thời con cái Lý đã chồm chồm đứng dậy phồng mang trợn má mà gào: “Đả đảo địa chủ Khuyến ngoan cố!” và hàng loạt tiếng “đả đảo” át đi.

Bà đã có phen chạy lên tận văn phòng Đội:

- Con cắn rơm cắn cỏ con lạy Đội xét cho, mẹ con chúng con chưa hề bóc lột ai.

Nói thế thôi mà đội Độ đã hầm hầm cái mặt, đập bàn quát:

- Ra ngay! Mày dám ngoan cố không chịu thi hành quyết nghị của nông dân à? Mày có ngoan cố bằng thằng tử hình hôm nọ không? Cút!

Công lao đeo đuổi kháng chiến tám năm trời nay, cán bộ của Đảng đối đãi bạc tình như thế. Gia đình bà là gia đình cán bộ, Độ cũng là cán bộ sao Độ lại khinh miệt bà như vậy. Mười năm nay, cán bộ, bộ đội qua lại nhà bà, vợ chồng bà coi như con đẻ. Con Mận, con Đào lấy bộ đội cả, anh thì ở tận Thái Ninh, anh thì ở tận Hưng Nhân, bố mẹ không hề đến hỏi, nhưng anh chỉ huy đến xin cưới, bà cho ngay. Bà cũng biết bộ đội Cụ Hồ nghèo, đi đâu có bát gạo cũng phải quấn ngang lưng, nên việc may mặc sắm sửa bà lo liệu cho tất. Ở thôn Chè đám cưới con gái bà là đám cưới đời sống mới đầu tiên. Khi cơ sở vùng Chè bị phá, huyện cử đồng chí Quý về gây cơ sở. Ba ngày liền đồng chí Quý không vào được làng, phải nằm ở ngoài bãi ngô thì chính bà đã đi tìm đồng chí Quý về nuôi nấng cất giấu trong nhà. Ngày ấy có như bây giờ, địch nó mà biết thì chẳng những tan cửa nát nhà mà người sống thì cũng thành tàn tật với nó. Nửa năm trời đồng chí Quý đi đi về về ở đó. Có lần địch ập đến vây, bà vừa kịp hóa trang cửa hầm chạy ra đến hè thì vấp chúng nó. Nó đánh bà chết đi sống lại hai lần, bà không hề hé răng. Người của Chính phủ, của Đảng quý như vàng như ngọc, cấp trên đào tạo bao nhiêu năm mới được một người. Nghĩ thế bà quên hết, cắn răng chịu đựng. Thế mà nay công ấy Đảng còn biết cho không? Đồng chí Quý là người của Đảng, hai đứa con giai của bà là người của Đảng. Ngày kỷ niệm, Tỉnh Đảng bộ cũng biên thư về hỏi thăm. Khi Đội về, đồng chí Văn tới xóm được một hôm là sang hỏi thăm bà. Hôm mít tinh toàn xã, đồng chí Văn xuống tận chỗ bà ngồi mời bà lên hàng ghế đầu ngang với Đoàn ủy và Đội. Khi học tập ở xóm, đồng chí Văn lại lấy thành tích của bà ra làm thí dụ. Như thế tức là Đảng đã biết gia đình bà một lòng theo Đảng, một chồng một con chết cũng vì kháng chiến. Tại sao Độ là người của Đảng không biết những chuyện ấy, hay ít nhất cũng nghe bà nói đôi điều cho ra lẽ phải mà đề nghị lên cấp trên xét lại oan ức cho bà.

Những lúc nuôi cán bộ, những lúc bom đạn, những lúc cho con đi làm việc cho Chính phủ, bà chỉ nghĩ rằng: bây giờ chịu khổ một ít, sau này Đảng và Chính phủ sẽ chia ruộng chia trâu. Đồng chí Quý nói với bà: nhà bà bảy người, cứ phải ba mẫu là ít. Thế mà nay Đội ngoắc cho tiếng ngồi không ăn sẵn, thế mà nay tài sản của mình làm ăn vất vả dành dụm mà có cũng lại bị Đội lấy ra nay mai chia cho người khác. Cái nhà gỗ năm gian kia làm dần mất tám năm mới xong. Năm đầu chồng bà gieo hai chục gốc xoan, sau này hai hàng cột, quá giang đều nhắm vào đó cả. Hai vợ chồng làm được đồng nào thì cố bóp mồm bóp miệng: năm thì đào ao vật thổ, năm thì mua tre. Khi cất nóc, suy tính mãi hai vợ chồng đi mời cụ Lũy là người mát tay lên cất nóc. Quả nhiên năm sau sinh được Hồng. Bao giờ cấp trên minh xét cho mà trả lại. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa Chính phủ cũng để cho vài sào, hai mẹ con cố gắng thả thêm lứa lợn, ngày mùa ngày màng đi làm thuê thì chẳng mấy chốc lại mây mẩy cái lưng. Ngày trước bố mẹ cho ra ăn riêng, vợ chồng bà chỉ có hơn sào ruộng và chục thóc, hai vợ chồng đi khắp Đông Đoài Nam Bắc dựng nổi cơ nghiệp này. Bà thường tự hào khắp làng Chè mấy ai được như thế. Chỉ cần hai vụ lúa thôi, mẹ con bà sẽ làm vượt thiên hạ cho mọi người nhìn thấy có phải nhà bà chỉ bóc lột nông dân mà sống thôi ư?

Nhưng còn Bưởi, năm nay nó đã mười chín rồi. Ba năm nữa là hai mươi hai, chẳng may bà có thế nào đi chăng nữa, Bưởi phải để trở ba năm nữa. Con gái hai mươi lăm tuổi là già rồi. Giàu con út khó con út, tất cả tình thương của bà dồn cả cho Bưởi. Ngày nó còn nhỏ, cái răng nanh đã lẫy, ông Khuyến định buộc sợi chỉ đỏ định nhổ, Bưởi dẫm chân bành bạch khóc rinh lên làm bà sợ con đau, ra sức ngăn chồng. Răng đã lẫy không nhổ được cái sau đâm chèn ra. Nghe nói con gái chín vía, đêm nào lúc Bưởi ngủ, bà cũng lấy tay ấn chín cái vào chỗ răng cời đó, thành thử bây giờ nhìn lại thấy có duyên thầm đỡ xấu miệng cô con gái quý của bà. Hôm bị phát hiện, bà cố giấu kỳ được chục bơ lạc vì bà biết Bưởi thích ăn muối vừng trộn lạc. Nhưng chuyện chồng con của nó thì riêng lòng thương của bà dù mênh mông như biển cả cũng không làm sao được. Đang lúc này, đám ông Thủy tất nhiên phải ngãng ra. Và các đám khác nghe tin này ai dám đến lấy con địa chủ. Bà lại tiếc cho hồi tháng tư, tháng năm năm ngoái, bảy tám đám hỏi, nơi thì bà ngại xa, nơi thì bà so đôi tuổi thấy không hợp, nơi thì bà nghe đồn mẹ chồng khắc nghiệt, nơi thì bà nghe bên đó có những hai trâu, bà lo gả nhầm nó vào nhà địa chủ. Chẳng ngờ nhà mình cũng lại địa chủ mất rồi. Giá ngày ấy bà cứ gả phắt đi cho một đám thì bây giờ Bưởi chả phải lo. Dù bà có khổ thì năm nay đã trên sáu chục tuổi đầu, cả đời người khổ sở đã quen.

Ngẫm nghĩ lại, hai vợ chồng có làm điều gì thất đức đâu, có ăn trộm của đền của phủ nào đâu, có đong đầy bán vơi đâu mà dồn tội cho con gánh thay. Bưởi là đứa nết na chứ có phải đứa lăng loàn gì mà phải chịu cảnh này cho thiên hạ ghét. Nó tuổi Sửu, cầm tinh con trâu, đẻ vào giờ Ngọ, lúc đó con trâu đã tháo cày tháo bừa đang nằm nhai cỏ chỗ bóng rợp. Số ấy đáng nhẽ phải an nhàn mới phải.

Thoáng thấy con gái ngồi trên hè đang gỡ tóc rối, bà lại thở dài. Mới có mấy hôm mà mắt nó đã thâm quầng, da hơi xanh, má hình như hơi trung trũng nhưng hàm răng vẫn trắng nuột. Hình như con bà sắp đi, bà vội dặn:

- Bịt cái khăn vào cho đỡ lấm tóc đi con.

Không phải đến bây giờ bà mới nhắc con gái câu ấy mà từ dạo nó mới mười lăm, mười sáu, bà thường bắt con gái ra đồng phải bịt khăn kín tai chỉ vì sợ nắng làm rám má hồng cô con gái rượu của bà. Bà vẫn thường tự hào con gái mình xinh nhất xóm, siêng nhất xóm. Từ ngày bị kích lên địa chủ, có người chê là con gái bà ít lao động nên đẹp hơn con nông dân. Rồi đây con bà sẽ cứ xinh mãi, cứ trắng mãi, bắp chân bắp tay cứ chắc nình nịch mãi, để cho bàn dân thiên hạ xem thử là nó đẹp từ trước, từ lúc nó còn lam lũ hay là trước kia nó chỉ an nhàn, nay bị lam lũ mới xấu xí đi.

Thấy Bưởi đã buộc xong cái giỏ vào ngang sườn, sực nhớ điều gì bà lại dặn:

- Nhà ta như nhà có tích rồi, chỗ nào có người làm hãy đi, không có chẳng may đứa nào cắt dây điện, tháo nước lúa, thả chông thả gai thì người ta cứ đổ riệt cho mình.

Bưởi chào mẹ rồi đi. Bà Khuyến nhìn theo. Cái chân nó đi vẫn hay giật gót lại như hồi còn chập chững. Có khi nó vất vả tại cái dáng đi ấy hay sao?

4

Ra đường gặp ai, Bưởi cũng phải chào trước. Người thì ừ hử vì chẳng nhẽ người làng người nước với nhau không nỡ trả lời, người thì “phải” một tiếng vì không biết gọi Bưởi bằng gì cho đúng lập trường giai cấp. Thái độ lạnh nhạt ấy làm cho Bưởi tủi thân, từ nay và mãi mãi về sau này mình đã thành kẻ thù của nhân dân rồi. Mà mình thì có tội tình gì. Những con mắt trước kia rất trìu mến nhìn mình thì nay hình như lúc nào cũng sắp hỏi Bưởi:

- Đi đâu?

- Phân tán cái gì?

Những tiếng xì xào xung quanh cũng làm cho Bưởi luôn luôn phải nghe ngóng xem họ bàn gì về mình. Họ bảo: kìa đồ bóc lột kìa! hay họ bảo: quân lọt lưới trông mới khiếp chứ! Có khi họ rỉa rói: “Thế mới biết thân” cũng nên. Lúc này Bưởi mới thấy giá có đứa bạn đi cùng thì đỡ tẻ lạnh, có người chuyện trò với mình thì cũng gạt được những con mắt xoi mói sang một phía.

Xa xa có một toán thanh niên đang làm cổng chào ở Cầu Chùa. Bưởi rất ngại qua những chỗ đông người như thế. Thế nào chẳng có đứa trước kia định hỏi không được, nay thấy Bưởi lâm vào cảnh này nó được dịp trả thù cho bõ hờn. Thế nào họ cũng sẽ bàn tán về mình, đặt điều nói xấu mình. Cũng là kiếp người mà mình chịu đeo tiếng con nhà bóc lột. Họ cũng làm, mình cũng làm, phần ai người ấy ăn, thế mà bây giờ cả nhà mình phải đeo tiếng là nhờ có họ nuôi thì nhà Bưởi mới được thế này và bây giờ họ tha hồ hành tội Bưởi đến đâu Bưởi cũng phải chịu. Bưởi chỉ muốn rẽ ngay sang lối khác nhưng con đường đang đi là con đường ống thẳng tuột không còn chỗ lùi mà lùi lại nông dân có biết cho mình hay lại nghi là có âm mưu gì. Thôi thì cứ đi. Mình là người thẳng thắn thì cứ giữa đường mà đi, ai dám bảo sao.

Qua trước mặt họ, Bưởi cứ nhìn thẳng phía trước mà đi cho nhanh, mặt nóng rát như áp lửa. Những tiếng thì thầm: Mày… mày… thèm vào… Chắc họ ám chỉ mình, người Bưởi nóng sôi lên. Đi qua được vài bước có tiếng hò khiêu khích.

Hò này… Ai ai đến hỏi cũng không.

Đến khi cải cách chổng mông mà gào.

Đám đó phá lên cười. Một đứa khác gọi với theo:

- Này, chuyến này thì chống ề. Có lấy thằng Bạ thì lấy đi!

Họ hạ giá Bưởi đến như thế ư? Anh Bạ là anh quét chợ Tổng, năm nay đã ba mươi sáu tuổi đầu, vì dở người nên chưa ai lấy, mặt đã rỗ chi rỗ chít, miệng đã to răng lại vẩu, ngồi đâu nước dãi chảy ròng ròng đến đó, tay lại bị rắn cắn co rúm lại như chân gà luộc. Trước kia có anh cán bộ tỉnh hỏi, Bưởi đã đồng ý đâu mà nay họ hạ giá Bưởi đến thế này. Tiếng cười khanh khách sau lưng làm cho Bưởi tủi thân, đến nước này chỉ có mà chịu. Còn làm thế nào hơn được nữa. Hồi Bưởi còn ở văn nghệ thì họ xúm vào tán tỉnh, có đứa léng phéng thế nào chui được vào sau cánh gà lợi dụng những “hỏi cái này”, “mạn đàm cái nọ” mà chạm vào người Bưởi. Có đứa dám cả gan cầm lấy tay Bưởi, bị Bưởi mắng cho phải ôm đầu lủi mất. Bưởi lại mách Viên. Từ đó đứa nào thập thò đến là Viên trợn mắt trỏ tay ra ngoài mà quát:

- Ra ngay!

Mà lũ ấy đâu có ra, cứ nhí nhắt như chuột ngày, đứa thì chọc thủng cái cót sau buồng trò, đứa thì bắc ghế thò cổ qua liếp để giở mấy câu chuyện tầm phơ.

Nghĩ vậy, Bưởi chỉ muốn quay lại chửi chúng một trận cho sướng miệng, nhưng nghĩ lời bu Bưởi dặn đi dặn lại:

- Thôi con cố nhịn. Đến như ông Tú là chủ tịch huyện mà bây giờ bọn ngụy binh cũng vạch mặt được, huống hồ là nhà mình. Nói nhiều họ vu vạ tội nọ tội kia mà trấn áp thì dại mặt. Cố nhịn. Khi nào Đội Công bằng về, mẹ con ta mới thật là lúc cất được đầu lên.

Bưởi tự thấy mình như người bị trói tay, bịt miệng chịu ép một bề. Ừ thì Bưởi có tội gì thì tội, nhưng mà Bưởi bị oan như thế này ai không nói hộ câu gì thì chớ lại rỉa rói Bưởi để làm gì? Ruộng đấy, nhà đấy, thóc đấy lấy cả rồi, mẹ con Bưởi chỉ còn hai bàn tay trắng. Bưởi đã nhớn, Bưởi có quyền chọn ai thì chọn, cớ sao họ lại đem cả chuyện chồng con của Bưởi ra mà bêu riếu. Họ thỏa chí cười mà Bưởi thì cứ đứt ruột. Trách họ làm gì, đến gần gũi như Xuân mà còn đối xử tệ bạc với mình như thế. Không còn câu gì an ủi bằng năm chữ:

- Được, rồi sẽ biết tay!

Bóng Lý thấp thoáng đằng xa. Bưởi lấy tay gạt cái giỏ ra sau mông rồi ngẩng đầu lên nhìn. Dạo này ra đường có vẻ bà cán bộ lắm, vai đeo vắt vẻo cái túi xanh, tuy Lý mới ở nhà bước ra nhưng cũng bắt chước cán bộ Đội buộc cái khăn mặt trắng ở quai túi. Chờ cho Lý đi đến gần, Bưởi mới quay lưng lại và vờ bắt cua để chổng mông về phía Lý.

Lý liền đứng dừng lại.

- Con kia, ai bảo mày đi bắt cua để phá hoại mùa màng của nông dân? Gọi mày không thưa à, mày tắc cổ nổ họng à?

Bưởi vẫn không quay lại:

- Ruộng này là ruộng nông dân để lại cho nhà tôi.

Bị tẽn, Lý liền xoay:

- Thấy ông bà nông dân đi qua, sao mày không chào?

Bưởi cãi băng đi:

- Tôi là con địa chủ chứ không phải là địa chủ, không có phép gọi tôi bằng con kia.

Bị mất thể diện, Lý quay ngoắt lại lấy tay vẫy vẫy:

- Lên đây tao bảo! Mày đi bắt cua đã xin phép ông bà nông dân chưa? Mày định đi dấu của đấy à?

Bưởi vẫn đứng ì ra thi gan và giơ cái giỏ lên:

- Đội giải thích chính sách rồi, chúng tôi được đi bắt cua không phải xin phép. Còn muốn khám thì cởi ra mà khám hay đi ra các gò các bờ ruộng mà tìm.

Lý liền xỉa xói vào mặt Bưởi:

- À, con đĩ này nỏ mồm nhỉ!

Bưởi vẫn trêu ngươi:

- Tranh vợ cướp chồng ai mà là đĩ?

- Ai cướp chồng mày? Địa chủ chó nó lấy, ế chồng ra gốc dứa mà cọ.

Bưởi vẫn dóng một trả lời:

- Bóc lột ai mà thành địa chủ, còn đứa nào ra gốc dứa, đứa nào bị lôi ra đình thì ối người biết.

À, con này dám đem chuyện của mình ra bán xấu ở chỗ đông công chúng. Không trị nó đi chẳng may đến tai Đội thì còn gì là thể diện cho mình. Lý liền vẫy tay gọi:

- Mày ngoan cố à. Mày dám ngóc đầu dậy, mày dám chửi ông bà nông dân à? Muốn sống lên đây. Lên đây!

Bưởi vừa bắt cua vừa trả lời:

- Cần gì thì xuống mà hỏi.

Thấy Bưởi cứ ì ra, Lý tức mình chạy đến giẫm bẹp cái nón của Bưởi để ở mép đường. Bưởi ngửng phắt đầu dậy, bùn ở mười đầu ngón tay chảy tong tong xuống quần mà Bưởi không hay. Bao nhiêu chuyện cũ loang loáng trong đầu Bưởi. Máu nóng chảy dần dật lên thái dương. Đôi lông mày nhíu lại. Đôi mắt Bưởi quắc lên. Vì nó mà nhà mình mang tai mắc vạ. Chính nó chạy lăng xăng khắp các xóm mà soen soét cái mồm: “Chuyến này đánh đổ nhà Khuyến, tống cổ thằng Viên Hắc ra khỏi Đảng, cho con Bưởi đi gắp phân”. Chính nó đã nhảy như con choi choi xỉa xói vào mặt bu Bưởi, dựng đứng bao nhiêu chuyện cho nhà Bưởi. Đến nước này thì cần gì nữa, tức lộn lên rồi, nhất sống nhì chết. Không cần gì đời. Thế là Bưởi lội ngay lên bờ men, rồi đi thẳng lên mặt đường, chỉ thẳng tay vào mặt Lý:

- Dẫm bẹp nón người ta rồi. Đền đi.

Thấy chuyện lôi thôi ở trên đường, sáu bảy người làm cỏ kéo lên xem. Lý được thể hai tay chống vào cạnh sườn, mặt vênh lên:

- Muốn sống muốn tốt chốc nữa về viết bản kiểm thảo đi.

Bưởi thấy ngưa ngứa ở gót chân vội co chân lên gãi. Tay chạm phải con đỉa to tướng ăn no tròn mình. Bưởi liền nhổ nước bọt vào tay rồi túm lấy hai đầu con đỉa dứt mạnh ra rồi thuận tay ném sang bên đường miệng chửi đổng:

- Tiên nhân cái giống ăn cho béo mà làm hại người.

Tức thời Lý xông đến tát cho Bưởi một cái:

- Mày dám chửi ông bà nông dân à?

Bưởi cứ để nguyên mớ tóc xổ tung như vậy nhẩy bổ vào túm lấy tay Lý. Lý cố cựa quậy nhưng không làm sao được. Mấy người đứng xung quanh vội hét:

- Chị Bưởi! Chị Bưởi thôi đi. Hay nhỉ!

Một người chạy bổ vào can:

- Muốn chết à?

Nhưng gặp lúc đang hăng, Bưởi thuận tay du mạnh một cái làm Lý phải lùi về phía sau hai ba bước, chân loạng choạng, hai tay chơi va chơi vơi rồi ngã lăn chiêng ra đường. Tóc rơi vòng qua vai trông như người bị rắn quấn cổ. Quần áo lấm bê lấm bết. Túi xách văng ra xa. Mấy tờ tin cải cách, một quyển Điều lệ Đảng, quyển sổ tay bìa xanh, có chữ “công tác” in chìm, cái áo lót vải hoa, miếng xà phòng Con ong ở trong túi xách rơi lủng củng cả ra đường.

Bưởi vừa vấn lại tóc vừa tìm cách lảng câu chuyện để gạt lỗi cho Lý:

- Mày khôn hồn thì đền cái nón cho tao đi.

Lý lại nhỏm ngay dậy chạy ra chỗ cái nón bẹp lấy hai chân dẫm đi dẫm lại, miệng thở hổn hển, tay trái chống vào cạnh sườn, tay phải xỉa xói như người mất gà:

- Đền, đền cái “ba vạn” tao đây này.

Có tiếng khúc khích cười:

- Đội bồi dưỡng khéo nhỉ.

Bưởi sấn lại:

- Đừng có cậy thế ăn hiếp mẹ con tao.

Vừa lúc đó Độ lên Cụm thỉnh thị vừa phóng xe về tới nơi. Thấy bảy tám người túm tụm trên mặt đường, Độ cuống lên hét: Xe! Xe! rồi gò cổ lại nghiến răng bóp phanh kêu kin kít. Mọi người dạt ra, Độ ngồi nguyên trên xe, một chân chống xuống đất, miệng hỏi trống không:

- Cái gì? Cái gì?

Một người quay lại kể cho Độ nghe đầu đuôi câu chuyện. Lý nghe tiếng Độ liền vấn vội tóc lên rồi chạy đến xỉa xói vào Bưởi:

- Mày định ngóc đầu dậy mà được à? Chính quyền bây giờ ở chúng tao. Tao cho mày sống thì mày được sống. Tao bắt mày chết thì mày phải chết. Con kia không có mồm à. Mày dám phá hoại sản xuất à. Mày dám chửi ông bà nông dân à?

Muốn tỏ với Độ rằng ta là người đấu tranh tích cực, Lý túm lấy tóc Bưởi tát lia tát lịa. Thấy Độ đến, Bưởi biết là mình bị thế cô nên chỉ lấy hai khuỷu tay che kín mặt.

Độ không biết nên làm thế nào. Ngăn Lý lại ư? Khác nào mình dội gáo nước lạnh vào tinh thần đấu tranh của quần chúng. Bọn địa chủ sẽ được thể lên mặt với nông dân, làm loạn ở Xuân Hạ thì sao.

Tát đã chán tay, Lý mới buông tóc Bưởi ra, miệng thở hổn hà hổn hển:

- Con Bưởi kia. Mày không có mồm à. Khoanh tay vào. Cúi mặt xuống.

Thấy chẳng ai bênh mình, Bưởi phải nuốt nước mắt “dạ” một tiếng. Lý được thể càng ra oai. Đấu tranh hăng như thế này, thế nào Đội cũng kết nạp vào Đảng. Tiếng Lý xoe xóe như tiếng xé vải:

- Mày xem giai cấp mày có bao nhiêu đứa, mà giai cấp tao có hàng chục triệu người, chiếm chín mươi phần trăm dân số; chúng mày dầu có ba đầu sáu tay, có Mỹ - Diệm giúp đỡ, chúng tao cũng đánh cho tan tành.

Thấy Lý trấn áp đúng như lời mình bồi dưỡng, Độ rất hài lòng. Khốn thay nghe qua câu chuyện Độ đã biết Lý làm như thế là quá đáng sai toẹt tám điều quy định với giai cấp địa chủ rồi, nhưng mấy hôm nay Độ bị cán bộ Trung ương, bị đồng chí Khu ủy, bị đồng chí bí thư Đoàn ủy cạo cho một trận về tội hữu khuynh, nên rất lúng túng. Đứng về lập trường nào mà giải quyết, không có đến tai các ông ấy thì bị kiểm thảo hàng thiếp giấy chứ chẳng chơi.

May lúc đó một người nhanh miệng nói cho Bưởi:

- Cái nhà chị kia không xin phép Đội mà về còn đứng làm gì ở đây.

Bưởi vội vàng đến trước mặt Độ:

- Lạy Đội ạ.

Độ phải “lên gân” cho trong người khỏi xao xuyến và tự bảo mình: đẹp thì có đẹp nhưng đây dứt khoát là kẻ thù. Thấy Bưởi chào cũng không dám chào lại sợ mất lập trường, chỉ gật đầu, rồi giơ tay phẩy một cái ra hiệu đi đi, và trong đầu óc lộn tùng phèo bao nhiêu là chuyện: đánh là nhục hình, nhưng lại đánh địa chủ thì cũng thường thôi, hai nghìn năm nay địa chủ vẫn đánh nông dân, nay nông dân đánh có cái tát đã nước mẹ gì.

Bưởi đi rồi, Độ bảo bà con giải tán, rồi Độ cũng dắt xe đi nốt. Lý lại lếch thếch theo sau. Mọi người xì xào:

- Địa chủ ghê thật, nó giả vờ đi bắt cua để giẫm nát hết… cỏ.

- Lâu nay quen ngồi không ăn bám, nên nó gạt tay một cái làm cốt cán xuýt lăn chiêng.

- Cái con Bưởi nó ngu chứ vào tay tôi, tôi xé cho một trận, con Lý có đi tận Cụ Hồ mà kiện cũng chẳng làm gì nhau.

- Đừng nói phét nữa, lúc nó đánh cái Bưởi thì đứng như phỗng đực một lượt.

*

* *

- Đâu, nó đánh vào đâu? Chết chửa. Nó đánh sưng mày sưng mặt đến thế kia à? Có ăn cơm được không hay để bu nấu cháo cho? Bảo tránh nó đi chẳng tránh!

Nghe mẹ nói thế. Bưởi đặt bát cơm xuống, òa khóc nức nở:

- Làng xóm chẳng ai bênh được một câu về bu lại còn mắng. Bây giờ ai cũng mắng, cũng chửi được con.

Bà Khuyến nhìn con khóc đau xót như chính mình bị đánh vậy. Cả tấm lòng thương con trùm lấy Bưởi để bao bọc lấy đứa con út qua những ngày sấm sét đùng đùng như thế này bà thấy bất lực quá rồi. Người ta đã vùng dậy đánh đổ từ ông chủ tịch, ông bí thư, ông xã đội rồi đánh đổ đến bà và nay đến đứa con gái của bà cũng bị người ta hành tội nó nữa, nó có tội gì mà con Lý dám mang nó ra ngã tư đường cái bắt nó khoanh tay cúi đầu. Tại sao cũng là người của Đảng về đây ai cũng quý mến gia đình nhà bà mà Đội về lại khinh ghét gia đình bà đến như thế. Hay là Đảng đã thay lòng đổi dạ, gạt hết những người kháng chiến ra. Đúng thế, nếu không thì sao càng ngày càng quá ra!

Bà đến bên con lấy tay vuốt vuốt lưng con:

- Thôi nín đi. Đất có gấu gấu lại mọc. Giời có mắt, thế nào sét cũng đánh chết tươi thằng ngô, con đĩ ấy đi. Đảng có mắt thì thế nào Đảng cũng sẽ nhìn thấy mẹ con mình.

Bưởi lấy vạt áo lau nước mắt:

- Con bảo cứ đốt nhà đi, chọn giờ thiêng, hai mẹ con ôm nhau nhảy cả vào mà chết, rồi đi khắp xã này thấy đứa nào tố điêu thì bóp cổ cho nó chết lè lưỡi ra. Thế mới hả giận.

Lòng thương con lại bùng lên mãnh liệt như lửa bốc, như đá lăn từ đỉnh núi xuống, nhưng đôi tay đã bị thời gian làm yếu đi mất rồi. Đôi tay ấy chỉ đủ sức vuốt vào lưng con gái:

- Đến ông chủ tịch xã còn bị người ta treo lên xà nhà mà đánh cũng phải chịu thì mẹ con ta biết kêu vào đâu. Sai quá thế này, làm thế nào cho thấu tới trên. Bây giờ thời buổi khó khăn lắm; ở xóm Trung cháy có đống rạ mà mười người bị bắt, anh Viên nói có mỗi câu mà bị giữ năm ngày chưa được về, cái nhà này cháy thì cả xóm đi tù, mà anh Viên, chị Lựu không chắc còn có được ở yên cái đất làng Chè này không.

Tối hôm đó, chờ cho Bưởi ngủ say, xóm làng yên ắng như tờ, bà Khuyến lấy chục vàng, thẻ hương trốn ra miếu Đức Ông khấn thần linh phù hộ độ trì cho hai mẹ con được qua cầu thoát nạn.