Sắp cưới - Phần III - Chương 5

5

Câu chuyện Đội làm mối cho Xuân lấy Lý như mạch nước ngầm truyền từ miệng Lý đi các xóm dưới hình thức khéo léo như thế này:

- Mình chả dám lên văn phòng, anh Độ anh ấy cứ chế mình với anh Xuân. Ngượng ngượng là. Đang lúc đấu tranh, ai lại thế.

Người nọ lại truyền miệng cho người kia nhưng không quên thêm râu thêm ria: Sắp cưới rồi. Độ cuối bước ba thôi. Có lẽ đội Độ sẽ đứng làm chủ hôn tổ chức cưới điển hình toàn xã. Có người nói y như thật: Cưới xong, Đội chia cho ba gian nhà tây. Danh giá chán. Cũng có người lại làm như chính mình là ban tổ chức: Cưới to thế, chắc phải đón văn công về diễn. Nồi cháo và hai kê là vừa xoẳn.

Chuyện đến tai làm ông bà Thủy lo lắng tợn. Ông Thủy vốn có thói quen đặt bàn tính trong đầu tính rất chi li trước lúc khởi sự:

- Kể cũng được, nó có một mình, Đội quy là bần nông, thời kỳ vừa qua lại đấu tranh hăng, tố nhiều thế nào cũng được chia nhiều. Đội mà tổ chức cho thì vừa danh giá vừa đỡ tốn kém. Dựng rạp, khiêng bàn khuân ghế, mượn cốc tách, Đội chỉ ới một cái là tinh quân. Chắc chắn là cưới lối mới, bãi được gần hai chục mâm cỗ mặn. Nước chè thuốc lá độ hơn vạn, ai kêu ra kêu vào ta cứ báo là Đội làm. Khốn nỗi con ấy buôn bán thì khá nhưng làm ăn thì quều quào lắm.

Bà Thủy chặn ngay:

- Nếu thế thì ông lo lắng làm gì. Thiên hạ nói sao thì nói mình không có gì thì thôi.

Ông Thủy thở dài:

- Khổ lắm. Đội đã xây dựng chẳng lẽ từ chối thì không tiện. Đội sẽ nghi là mình còn liên lạc với nhà Khuyến, có phải là phiền không. Có khi Đội giận Đội không chia cho cái gì thì sao. Thế nào nhà ta cũng còn phải xin Đội dăm sào đồng Bầu, xin lấy chân trâu, cái mâm đồng, cái nồi, cái niêu nữa chứ.

Bà Thủy phản đối ra mặt.

- Không đồng ý thì Đội cũng bắt bò mình à? Con ấy rắn mặt lắm, về đây không bảo được đâu. Cái hạng ăn không nói có thì cũng đến sinh ngang đẻ ngược thôi. Mà xem ý thằng Xuân nhà ta không ưng đâu.

Ông Thủy ngần người ra:

- Sao hai đứa vẫn đi với nhau?

- Cái hạng con gái thấy giai như mèo thấy mỡ thì ai mà nó chẳng vồ, vú to như cái thời bắt ếch, không khéo đến trăm thằng rồi. Làng Chè này đã hết con gái hay sao?

- Làm thế nào bây giờ?

- Thì thôi chứ còn làm thế nào.

Suy nghĩ một lúc, ông Thủy lại bàn thêm:

- Hay là thế này. Ta hỏi cái Lựu cho nó xem, thằng Viên thì bị Đội giữ, ngữ ấy thì cũng đến đi tù, con Lựu thế nào cũng bỏ mà bà cụ Lựu vớ được nhà mình sướng như chết đuối vớ được cọc.

Không ngờ chồng lại tính đến những chuyện tồi tệ đố, bà Thủy độp ngay:

- Tranh vợ cướp chồng như thế thì phúc Đức nào bù đắp cho lại?

Ông Thủy giảng giải:

- Có thế Đội mới không bắt thằng Xuân lấy con Lý chứ. Mà cái Lựu chỉ là bần nông.

Bà Thủy gạt phắt:

- Người ta bị oan bị ức đã không nói đỡ được nửa lời lại tính chuyện rẽ duyên người ta. Đặt địa vị con mình bị như thế ông có chịu được không?

Ông Thủy nổi xung lên:

- Oan gì mà oan, bao che cho địa chủ, nói xấu Đội. Bà mày hay đi lo hộ thiên hạ, nhà mình yên trí là tốt rồi.

Bà Thủy bĩu môi:

- Địa chủ. Có dăm ba thứ địa chủ, có thứ địa chủ ăn thịt cá như Lý Sản, Phó Văn, có thứ địa chủ ăn cám ăn khoai như bà ta.

Tức thời ông Thủy tròn xoe mắt ra:

- Ngu như chó ấy, bà bà gì. Hôm đấu đã không chịu lên nay còn bà bà mãi, họ không tống cổ ra khỏi nông hội ấy à? Còn hòng được chia bôi gì không? Chẳng nhẽ thức toét mắt, góp tiền dầu đèn mà tay không à?

Bà Thủy thở dài chép miệng:

- Có được chia thì sớm muộn cũng phải trả người ta. Con giai người ta làm ở tỉnh người ta chịu ngồi im hay sao.

Mặc kệ chồng ba hoa chích chòe, bà thở dài nghĩ đến Bưởi:

- Làm ăn đảm đang như thế, nết na hiền lành như thế, đừng dính tí địa chủ thì hay bao nhiêu.

Đang lúc đó thì có tiếng: “Anh Xuân ơi! Anh Xuân ơi!” nheo nhéo ngoài ngõ, bà Thủy thấy lộn tiết lên. “Con ôn vật ấy lại mò đến dụ dỗ con giai mình rồi!”.

*

* *

Xuân loay hoay tìm bản nháp thống kê, Lý cứ giục lấy giục để:

- Đi đi.

- Thì chị đi trước, tôi đi sau.

- Lại hẹn con Bưởi ở đồng Bàu chứ gì?

Xuân cuống lên:

- Làm gì có.

- Thế sao lại cứ đòi đi sau.

- Ấy thì mới nói thế.

- Thề đi nào.

- Tôi mà còn có tư tưởng gì với cái Bưởi nữa thì tôi chết.

- Ừ được. Xong chưa. Lâu thế?

- Còn tìm. Không biết hôm qua để đâu.

Trong khi Xuân mướt mồ hôi mồ kê đi tìm thì Lý ngồi bắt chân chữ ngũ ở chiếc chõng tre gần đó giở sách hát:

Anh đã chót yêu con nhà địa chủ

Quá yêu rồi nỡ bỏ sao đành

Đêm qua trằn trọc suốt năm canh

Không sao dứt được mối tình nhớ thương.

Miệng thì hát nhưng thỉnh thoảng Lý lại đưa mắt ra thăm dò thái độ Xuân như thế nào. Hát đến đó, Lý khanh khách cười:

- Có đúng cảnh không, anh Xuân?

Xuân giả vờ:

- Cảnh ai?

Lý bĩu môi lườm yêu, đôi mắt đung đưa như thuyền hái muống:

- Xin lỗi anh đi. Thế nào, lâu nay có gặp Lý Hương Hương không?

- Không.

- Thật không?

- Thật.

- Ừ được. Cứ lăng nhăng, tôi mách anh Độ cho mà xem. Thấy chưa. Khiếp, sốt cả ruột. Đi đi.

Xuân tặc lưỡi:

- Ừ thì đi.

Ra đến đường, Lý khơi chuyện trước:

- Anh Xuân này, đến gần văn phòng, anh vào trước đi chứ hai “chúng mình” cứ đi sóng đôi thế này, anh Độ anh ấy lại chế.

Lý bảo gì Xuân cũng chỉ biết ừ. Dạo này Xuân không ghét Lý như ngày xưa nữa. Mấy hôm đấu bá vừa rồi Lý được Đội cử làm thẩm phán tòa án nhân dân đặc biệt. Tiếng Lý thật là dõng dạc:

- Anh em du kích đâu, lôi thằng Tú ra cho nông dân đấu!

Ở dưới này có tiếng xì xào:

- Ai đấy nhỉ?

- Lý.

- Lý xóm Đông.

- Oai nhỉ.

Nghe đâu Lý sắp được kết nạp Đảng. Đội đã đề nghị Cụm, đã về tận xóm điều tra lý lịch chỉ chờ Đoàn ủy duyệt nữa là xong thôi. Lý đã vươn mình rồi, khác trước rồi.

Hai người đi sóng đôi với nhau trên cánh đồng Bầu. Mấy người đang dùa cỏ cất tiếng cười khanh khách, rồi một người cất giọng kể Thạch Sanh cao vút lên:

Đàn kêu: Sao ở bất nhân

Biết ăn quả lại quên ơn người trồng

Đàn kêu năn nỉ trong lòng

Tiếng ti tiếng trúc đều cùng như ru.

Xuân đi chầm chậm lại định nghe xem tiếng ai thì Lý đã nắm lấy tay kéo phăng đi. Tiếng hát vẫn không tha:

Đàn kêu: trách Hán quên Hồ

Trách Tần quên Sở, trách Ngô quên Tề.

Xuân hỏi Lý:

- Không biết đứa nào hát ấy nhỉ?

- Cái bọn bất mãn ở xóm ta thì thiếu gì. Họ thấy hai chúng mình được lên Đội luôn họ ghen hơi.

Câu chuyện dưới đồng trở nên rôm rả hơn:

- Có lẽ chị em ta sắp phải đi đun nước rồi.

- Dâu rể nhà Đội có phải chuyện thường.

- Đỗ Văn Bạc lấy Nguyễn Thị Điêu. Đẹp đôi quá rồi còn gì.

- Đố các chị quả dưa bở vỏ vàng mà ruột có vàng không nào?

- Kệ người ta, còn mình có mồm thì cắp có nắp thì đậy, giữ làm sao không mất chỗ đội nón là được.

Tiếng sau cùng, Xuân nhận ra tiếng Lựu. Sao dạo này Lựu thấy mình hay đi với Lý, Lựu định tung dư luận hay sao?

*

* *

Đến chiều Xuân lẻn về trước đến nhà Lựu định hỏi chuyện, Lựu lấy cớ sắp phải đi băm bèo, hẹn đến tối, Xuân bằng lòng.

Họp xóm xong, Xuân đến nhà Lựu rủ Lựu lại nhà mình, Lựu không đi. Hai bên còn đang dùng dằng thì Lựu cầm tay kéo tuột vào trong nhà hỏi trước:

- Anh Viên có nhắn gì anh không?

Xuân lắc đầu:

- Thế liệu anh ấy có việc gì không?

Xuân đi ngay vào câu chuyện của mình:

- Đội giữ bí mật lắm. Này chị Lựu, sao chị tung dư luận tôi với Lý…

Lựu giả vờ sửng sốt:

- Anh sắp lấy Lý đấy à?

- Ấy thì tôi mới hỏi thế. Không hiểu dư luận ấy ở đâu ra?

- Chắc cũng có.

- Nhưng tôi có gì đâu? Lạ thật.

- Cũng khác nào chuyện Bưởi ngày xưa, ai hỏi anh cũng chối.

Xuân thở dài:

- Liệu Bưởi có biết không?

- Có. Cô ấy nhờ tôi nhắn hộ anh khi nào sắp cưới thì cô ấy cố bắt cua mò ốc lấy tiền mua quyển Vương Quý, Lý Hương Hương tặng anh.

Xuân thấy nhoi nhói trong lòng:

- Thật là tai bay vạ gió.

- Anh cắt đứt với Bưởi rồi, ai nói được anh.

- Chị tính còn làm thế nào. Có phải tại tôi đâu.

- Thế tại cô ấy à?

- Năm ngoái tôi giục cô ấy cưới đi thì cô ấy cứ dùng dằng như là bắt cá hai tay. Bây giờ cải cách rồi ai cho lấy con gái địa chủ. Tại cô ấy cứ đứng núi này trông núi nọ.

Lựu liền dồn cho một chập:

- Không ai như anh cơ. Chưa ra làm sao đã bỏ người ta, có khổ cho cô ấy không. Anh định lấy cô ấy thì làm gì mà anh không biết nhà có mẫu hai, có hai lao động chính. Anh là người sinh đẻ ở làng này mà còn như thế thì huống chi những ông ở đâu đeo ba-lô về.

Xuân cãi gượng:

- Chẳng nhẽ Đội sai, đến Cụm cũng sai à?

Lựu cười nhạt:

- Cột lim chẳng dựa dựa vào cây nứa tép thì ông ba đầu sáu tay cũng hỏng. Đội cũng là người chứ là gì mà Đội báo cáo láo, Đoàn ủy cứ ngồi trên nghe thì cũng sai. Anh Viên đã làm đơn khiếu nại trên Đoàn rồi, anh ở gần Đội mà không nói hộ một câu.

Xuân trợn mắt lên, lắc đầu:

- Nói làm sao được. Anh Viên nói thì không sao, tôi mà nói thì người ta lại bảo tôi tranh đấu vì cá nhân để lấy con gái địa chủ. Chị không biết những cán bộ về nhà Bưởi anh Độ anh ấy ghi hết.

Lựu lại trách:

- Anh mà nói một tiếng bao nhiêu người đỡ khổ, chúng tôi ở xa có nói gió lại bạt đi mất.

Xuân quay ra định về, Lựu giữ lại:

- Này bỏ Bưởi thật đấy à?

- Tôi còn biết làm thế nào?

- Sao ngày trước anh nói với tôi là anh yêu cô ấy vì cô ấy siêng làm, lao động khỏe, tự túc được?

Xuân tắc lý nuốt nước bọt cho trôi hết đắng cay đọng lại ở đầu lưỡi. Lựu lại bàn vào:

- Hay là gặp cô ta một tí.

Xuân lắc đầu:

- Gặp làm sao được. Không có lợi.

- Gặp ở nhà tôi kín chẳng ai biết. Con Lý bây giờ ngủ như chết lấy ai đi mà sục sạo. Còn Trí thì nó chẳng báo cáo đâu mà sợ.

- Chịu thôi. Đội biết thì chết.

- Không, anh cứ ở đây tôi đi tìm cô ấy nhé. Dù có định bỏ thì gặp nhau đôi mặt một lời.

Nói xong Lựu chạy ù ra cửa, Xuân chạy theo giữ Lựu lại rồi chèn lên trước chạy vượt ra. Lựu gọi theo:

- Trở lại đã nào. Này, này, này…

Nhưng Xuân đã chạy biến vào trong đêm tối.

*

* *

Ngay lúc đó, Bưởi đẩy cửa buồng chạy ra níu áo Lựu lại:

- Kệ họ. Bụng dạ người ta thế đấy.

- Cô rõ đến hay. Dù thế nào mình phải xem tư tưởng hắn ta chứ lại. Cô xem anh Viên thì như thế rồi, chị em mình không đi sát với nó thì làm sao biết được trên Đội họ bàn gì, mình có gây cảm tình được với nó ngộ con thợ đấu tung chuyện gì với Đội nó cũng gạt đi cho.

- Chị không biết. Con trai khôn lắm. Thế nào nó nói cũng được. Lúc nó yêu mình thì tưởng chừng nhảy vào nước sôi nó cũng nhảy, khi nó chán thì giở lắm trò. Ngày xưa thì kêu tuổi không hợp, bố mẹ không đồng ý, nay thì kêu thành phần xấu, có vấn đề, đoàn thể không tán thành. Bụng mình đã chín phần chực bỏ thì đoàn thể biết đâu mà tán thành.

Lựu kéo Bưởi vào trong nhà. Hai chị em cùng ngồi trên cần cối giã gạo, Lựu ngồi sát đến cạnh Bưởi:

- Này tôi hỏi cái này cô phải nói thật, hay là…

- Chị bảo em sao?

- Hay là trót dại với nó nên nó chán nó giãy ra. Nếu có cô cứ bảo tôi để tôi cho nó một trận.

Bưởi lắc đầu:

- Đời nào! Chị xem em có phải là đứa hư đốn đâu.

Rồi Bưởi chép miệng thở dài:

- Bây giờ em mới biết tìm được người yêu mình từ trong đáy lòng thì khó mà toàn chỉ gặp những người yêu mình từ đầu lưỡi trở ra.

Thấy Bưởi buồn, Lựu sợ cứ khơi mãi những chuyện ấy Bưởi càng buồn thêm liền giục Bưởi giã nốt cối gạo:

- Nghỉ mãi, bắt đầu nào.

Ba chữ “Bắt đầu nào” lại nhoi nhói trong lòng Bưởi. Cuộc đời của mình từ nay cũng lại bắt đầu rồi nó sẽ ra sao. Cổ tay Bưởi đã buộc sợi dây ngày một lỏng dần, tuổi Bưởi ngày một lên, mẹ già ngày một yếu thêm, ngày Đội rút chẳng còn mấy nữa. Bưởi sẽ chịu cảnh cực nhục mãi như thế này. Đã thế người ta lại còn đánh đập xua đuổi, ai thèm bênh, ai thèm nhìn đến mình nữa.

Bưởi thở dài thờ thẫn đứng dậy di lên chân cối rồi bảo Lựu:

- Chị đi nghỉ đi, để em giã lấy cũng được.

- Khỉ ạ, dơ nó vừa vừa chứ. Lúc này không giúp cô thì tôi còn giúp lúc nào. Nếu sợ thế tôi đã chẳng bầy cách cho cô sang đây mà làm.

Tiếng chày thình thịch Lựu cứ đếm đến một trăm lại đếm ngược lại chín mươi chín, chín mươi tám, chín mươi bảy, chín mươi sáu. Hết trăm nọ sang trăm kia, Bưởi thấy Lựu đếm nhầm chày rất nhiều. Bưởi cũng biết Lựu có tiếng là gan, có chuyện gì thì dao kề cổ cũng chẳng bao giờ nói, chỉ thở dài và chép miệng mà nghĩ một mình. Còn Lựu nghe thấy Bưởi thở dài và ít khơi chuyện mình thì cũng biết là hai đứa cùng im lặng là buồn lắm rồi, nhưng chẳng đứa nào chịu nói với đứa nào, sợ đứa kia buồn lây.

*

* *

Câu chuyện Lựu cố tình giấu Bưởi mới xẩy ra trong khoảng chiều nay. Buổi trưa Đội cho Viên về nhà lấy gạo đi lớp quản huấn, Viên có vòng qua nhà Lựu thì Lựu đi làm cỏ với tổ rồi ăn cơm ngay Gò Ổi, đến tối mới về Viên nhắn tin cho Lựu sang xóm Trung tìm mình. Đúng hẹn Lựu đến nhà Viên ở, may vào lúc nhá nhem không ai nhìn thấy. Hai người đưa nhau ra cầu ao.

Lựu hỏi trước:

- Anh có sao không?

Viên thở dài:

- Bị khai trừ rồi.

Lựu giật mình:

- Khai trừ…

Viên nuốt nước bọt ừng ực trước khi nói:

- Đội họ truy quá nào là bao che cho địa chủ lọt lưới, bố trí cho đồng chí Văn sa vào tổ kén, gây hoang mang trong quần chúng làm mất ảnh hưởng Đội, lợi dụng văn nghệ lãng mạn làm nhụt chí căm thù của quần chúng, đưa con địa chủ vào tổ văn nghệ. Đồng chí phó bí thư hôm nay đã bị bắt rồi, còn hai đồng chí chi ủy viên, Đội đang lấy cung về vụ cháy đống rạ ở xóm Trung.

Lựu cố níu lấy một hy vọng:

- Hay là anh làm đơn khiếu nại để em cầm thẳng lên Đoàn.

- Thôi. Đồng chí bí thư Đoàn ủy về lãnh đạo việc này.

- Thế thì khiếu lên Khu vậy.

- Đồng chí Khu ủy đi ô-tô về tận đây đôn đốc.

- Trung ương?

- Cán bộ Trung ương về đến giờ lại bắt đồng chí nhà mình mạnh hơn. Bây giờ không còn lối chạy nữa. Bây giờ chỉ có lấy hết máu trong người viết đơn khiếu nại may trên mới thấu.

Lựu đặt nhẹ tay vào ngực Viên:

- Đừng anh. Ai lại thế.

- Còn tôi có lẽ đến tù mất. Tội như thế là tội chống phá cải cách rồi. Lựu tính sao? Hay là Lựu xem ai vừa ý thì xây dựng đi. Chờ tôi thì chả biết ngày nào.

- Anh là thành phần bần cố, không sợ bị đấu đâu. Thế anh nhận những gì?

- Tôi chỉ nhận: thấy Đội dựa vào Lý và Trí thì tôi có bất mãn hay đi các nơi nói làm mất ảnh hưởng của Đội, tính nết hay cáu gắt.

- Mà không ai như anh cơ. Anh làm cái gì thì cứ bắt người ta làm ngay, không làm thì anh quát tháo đánh đập người ta nên du kích họ cũng tố vào anh.

Viên thở dài:

- Giặc càn đến nơi, thì giờ đâu mà “chính trị” nữa.

- Thế mới sinh chuyện, chứ không thì làm gì đến nỗi họ đưa lý lịch anh đi các xóm để phát hiện cả đến chuyện lấy gạo, bắt gà của nhân dân, em ngồi nghe xấu cả mặt. Chẳng ai thanh minh cho một câu. Ngay những du kích cùng ăn cũng không dám nhận, cứ đổ riết cho mình anh. Có mình em với anh Trí nói làm sao lại được.

- Thằng Xuân nó không nói gì à?

- Bây giờ nó “xu hướng” về con Lý rồi, nó thiết gì mình.

- Thằng ấy đểu thật, nó mà nói ra thì nhà Bưởi đỡ khổ mà tôi cũng đỡ bị nghi oan thế này. Lựu ạ, không biết tôi có được về Chè nữa không. Tôi còn con lợn đấy, nếu Bưởi cần tiền, Lựu cứ bán đi mà đưa cho chị ấy. Đưa kín nhé không chết tôi. Thôi Lựu đi về đi…

Lựu về đến sân thì trên trời có một ngôi sao đổi ngôi bay vút được quãng hai sải tay rồi tắt ngấm. Lựu càng lo lắng không hiểu Viên sẽ ra làm sao. Lạ thật, chính sách nói một đằng thì làm một nẻo. Đội cứ cho dân học dựa vào bần cố nông, đoàn kết trung nông, thế mà đánh đổ xong tên chánh Thoại, Đội đánh đổ luôn nhà Bưởi đến nay lại đánh đổ nốt anh Viên. Không hiểu nó ra làm sao.

Đẩy cửa vào trong nhà, nghe tiếng “tậc tậc” Lựu vội vặn to ngọn đèn nhìn lên nóc nhà, một con thạch sùng đang bậu ở mé dưới quá giang thấy động liền chạy tuồn tuột vào phía cửa buồng. Tài thật. Đầu lộn xuống đất, bốn chân chổng lên giời mà làm sao nó vẫn chạy nhanh. Thảo nào trong tám năm kháng chiến đứa nào nằm im chạy dài bây giờ lại được ra làm việc, những ai nằm hầm nằm hố đánh giặc giữ làng thì bây giờ đang mắc vạ mang tai.

Khai trừ. Tù. Phản động. Bao che. Tình nghi Quốc dân đảng. Tham ô. Bao nhiêu tội người ta trút lên đầu anh ấy. Sao chẳng ai nhớ tới lúc anh ấy vào sinh ra tử ở cái đất Xuân Hạ này?