Sắp cưới - Phần III - Chương 6

6

Bưởi kiễng chân với chiếc nón treo trên vách. Nhìn chiếc nón bị dẫm bẹp dúm bẹp dụm, Bưởi thở dài. Tháng trước đi chợ Thiện lùng suốt buổi chợ, Bưởi mới chọn được cái nón vừa ý, chiếc nón Xuân Kiều mười tám vòng giang, quay lá non thắt móc óng lại sơn quang dầu bóng nhoáng. Bên phía trong nón lại cài hai con bướm, hai cái hoa chữ thọ cắt bằng giấy hồng điều và giấy trang kim. Về nhà Bưởi mất nửa buổi viền cạp nón bằng vải phin trứng sao. Cái quai mây cũng được Bưởi thay bằng cái quai ni-lông màu hồ thủy. Anh nào cũng đời xem cái nón đó. Nhìn cái nón chuyền tay từ anh nọ sang anh kia Bưởi chỉ sợ mồ hôi tay làm hỏng lớp sơn quang dầu. Chỉ riêng có Xuân là được mân mê chiếc nón ấy, rồi Xuân lấy bút máy viết chữ Bưởi vào trong lòng nón. Đến nay nét mực đã phai mầu. Bốn cánh bướm đã tơi tả, chiếc hoa chữ thọ long hết giấy trang kim. Xuân chả nhớ đến Bưởi nữa. Bây giờ Xuân sẽ viết những tên khác vào những chiếc nón đẹp hơn. Còn ai nghĩ gì đến Bưởi. Ai cũng hành hạ được Bưởi, đời Bưởi đã bị những bàn chân nhơ bẩn dẫm đi dẫm lại không cho Bưởi cất đầu dậy nữa rồi.

Lấy tay ấn chóp nón cho thẳng, rồi móc quai vào đòn gánh, Bưởi ghé vai xốc hai thùng gạo cho cân. Bà Khuyến vội ra lách phên cho con gái quẩy gánh ra đi. Ngọn đèn hoa kỳ đặt trên đầu chõng hắt hình bà trùm lên người Bưởi khác nào bóng con gà mẹ sù lông cổ dương đôi cánh ấp ủ cho đứa con. Đôi cánh ấy lúc nào cũng sẵn sàng gạt tuột mưa bão sấm sét, gai góc sang hai bên đường cho đứa con của mình được lớn mãi trong yên lành. Dặn dò con suốt đêm đến giờ, bà Khuyến vẫn thấy còn chưa đủ, Bưởi đã ra đến sân bà còn gọi với:

- Này Bưởi.

- Bu gọi con?

- Cẩn thận nhé.

- Vâng.

- Chịu nhịn nhé. Kệ họ nói gì cứ giả câm giả điếc mà đi.

- Vâng.

- Chiều về sơm sớm nhé. Cẩn thận đấy. Rồi hãy đi, nhìn sang hai bên ngõ có ai không.

- Chẳng có ai cả. Con đi đây.

Bốn thúng gạo, Bưởi gánh cũng chỉ mát vai. Hai chiếc thúng nhún nhảy theo nhịp bước chân thoăn thoắt. Chiếc nón dập kình kịch vào dây quang. Tiếng con chim chích chòe như tiếng anh học trò sắp đi thi hót lanh lảnh làm cho anh chèo bẻo cũng phải tức khí hót theo. Lũ nhái ở hai bên đường nhảy xuống ruộng chòm chọp. Gấu quần Bưởi xắn đã cao nhưng cũng đẫm sương, mỗi bước đi lại quật vào cổ chân như muốn níu chân Bưởi lại. Chợt có tiếng thình thịch sau lưng. Bưởi dừng chân ngoái cổ lại. Xóm Đông đã ở tít phía sau. Rặng tre đầu xóm mờ mờ chắn lấy con đường thẳng tắp, vắng tanh. Nghĩ thân mình khác nào đứa ăn trộm, con ếch nhảy vội xuống ruộng, giọt sương đêm đọng trên cây rơi lộp bộp xuống nón, và ngay cả tiếng gót chân thình thịch của mình cũng làm cho mình lo sợ.

Bưởi lại trở vai. Chiếc nón đập kình kịch phía sau lưng như giục Bưởi rảo bước. Bóng cây đa ở ngã ba chợ Thiện in hình ngang trời trông như người xõa tóc đang cố vươn cánh tay rắn chắc của mình để khoắng lấy từng mẻ sao nhấp nháy chực lặn. Xa xa tiếng gà gáy dồn thôi thúc, từng đám sao chạy lùi khuất dần sau bóng cây đa.

Bưởi đặt gánh nghỉ ngay dưới gốc cây. Trời vẫn nổi gió may nhưng mồ hôi đã thấm qua hai lần áo, Bưởi tháo chiếc nón ở đầu mấu đòn gánh ra quạt. Gió lạnh hút khô dần những giọt mồ hôi còn đọng trên trán.

Góc đằng đông, một vệt tim tím nhạt viền trên những rặng tre đằng xa. Ngôi sao mai dìu dịu như cô gái mười tám vừa rơi chấm đuôi chiếc lá ở chạc đa cuối cùng. Chiếc lá rung rung làm ngôi sao càng lấp lánh trông như giọt sương đêm vừa chảy theo sống lá tới đó thì đọng lại, trong lòng còn thương tình không muốn rời tay. Nhìn ngôi sao mai Bưởi chạnh nghĩ đến thân mình. Chỉ cách đây một tuần mình khác nào ngôi sao mai. Trai làng, trai thiên hạ, bộ đội đi qua vài bước còn ngoái cổ lại nhìn. Mỗi phiên chợ Thiện, Bưởi có gánh gạo, gánh rau đi chợ thì anh này đến đánh đôi, anh khác hẹn khi nào Bưởi mỏi vai sẽ ra công gánh đỡ. Cũng chỉ cách có một tuần thôi, cũng bằng lúc này đây, Xuân lẻn ra điếm gác tìm Bưởi. Bưởi đẩy Xuân ra:

- Về đi, ai biết thì chết!

- Có ai đâu mà lo.

- Ngộ có ai đi qua thì sao.

- Nhớ quá.

- Thế nay mai em đi “hợp tác” thỉnh thoảng mới về anh Xuân còn nhớ đến đâu?

- Sau này thầy bu cho ra ăn riêng.

Bưởi quắc mắt quay đầu lại hỏi Xuân:

- Thế anh Xuân không thích cho em đi à?

- Ấy thì mới nói thế.

Thế rồi Xuân đánh trống lảng chỉ tay lên trời:

- Đố Bưởi ai kia?

- Ngôi sao mai.

Xuân quàng tay qua lưng Bưởi ghé tai nói nhỏ:

- Bưởi đấy. Bưởi đẹp nhất xóm, đẹp như ngôi sao mai ấy.

Ngôi sao mai vẫn còn đó nhưng mỗi lúc một mờ dần. Vệt tím nhạt đằng đông đã chuyển sang màu trắng bệch rồi như đợt sóng êm êm cả đám ánh sáng ấy lan dần, lan dần tới tinh đầu. Chân trời đằng đông đã thấy phơn phớt hồng. Bưởi vừa móc xong chiếc nón vào đầu quang khi ngửng lên thì ngôi sao mai đã lặn mất.

Trong điếm gác đầu xóm, anh du kích áp má vào nòng súng gục đầu xuống bàn lim dim. Ở gần chỗ khuỷu tay anh, ngọn đèn hoa kỳ leo lét. Ngọn lửa bật lên bật xuống như đang lấy sức hút những giọt dầu cuối cùng. Nghe tiếng chân người thình thịch anh hốt hoảng ngửng đầu dậy, tay nắm chắc lấy súng.

- Ai?

- Tôi?

- Xem giấy!

Bưởi móc túi giở vội tờ giấy gấp tư. Trong khi anh du kích chúi đầu lầm bầm đánh vần: “Vũ Thị… Nịu”… Hai mươi mốt tuổi… bần nông…” thì Bưởi giả vờ đọc hàng chữ trên tường mới kẻ còn tươi màu mực cánh sen “Lấy thước là mắt, lấy lòng là dây”… “Lòng người hơn thước thẳng”, để giấu những dáng điệu lúng túng của người đi mượn giấy. Sao họ xem lâu thế này? Hay là lộ. Có lẽ họ tịch thu gánh gạo của mình chắc? Tịch thu sao được. Gánh hàng xáo chứ có phải của phân tán đâu. Nhưng họ cứ tịch thu. Được ăn cả ngã về không. Sợ gì. Nhưng tai vạ lây đến Lựu thì sao?

Vừa lúc đó anh du kích trả giấy và khen bâng quơ:

- Phụ nữ bên Chè đảm thật!

*

* *

Thấy xa xa có bóng người quen đang đi ngược lại phía mình, Bưởi với vội cái nón đội cúp xuống mắt, chân bước gằn chạy mau cho qua. Bộ quai dép bằng xẳm đỏ, rồi đến đôi ống quần bằng láng đen tập kết đã tới sát thúng gạo đằng trước. Một bàn tay giữ chặt bốn dây quang lại:

- Bưởi, quên tớ à?

- A, Điều.

Bưởi đành phải ngửng đầu lên cười nhạt mà chào.

Điều là người bên Sổ, cùng ở tổ văn nghệ Xuân Hạ với Bưởi. Dạo làm hàng xáo năm ngoái Bưởi hay sang đong thóc nhà Điều, Điều lại hay xúc trộm thóc nhờ Bưởi bán hộ nên hai cô càng thân nhau tợn. Đi vắng đã lâu ngày nay gặp Bưởi, Điều mừng quýnh lên tay bắt mặt mừng:

- Sao bảo làm đơn xin đi “hợp tác” rồi?

Bưởi nói dối:

- Bu em không cho đi.

- Bà cụ đến lạc hậu. Hay là bà cụ bắt ở nhà để “tuyên bố” với cái món cỏ nội hoa đồng đấy?

- Chả có.

- Thế định kén đến bao giờ? Còn muốn bốn túi chân chì à?

Bưởi thở dài:

- Ba năm nữa. Bây giờ em thì còn nụ cà hoa mướp gì nữa.

Thấy Bưởi buồn, Điều rất lấy làm lạ:

- Sao? Hay bà cụ nhà ta về già rồi.

Hơn tháng nay, trừ những lúc chuyện trò lén lút với Lựu và Trí ra, hôm nay Bưởi mới được người hỏi han vồn vã. Bưởi liền đặt phịch quang gánh sang bên đường:

- Chị ạ, nhà em lên địa chủ rồi.

Điều “à” khẽ một tiếng và nhắc lại chữ “địa chủ” một cách kinh ngạc:

- Thắt lưng buộc bụng như thế mà cũng lên thành phần? Sao không kêu lên cấp trên?

Bưởi nhìn trước nhìn sau không thấy ai mới dám trả lời:

- Họ còn có cho kêu chứ! Thời dân chủ mà chẳng khác gì phát xít. Cứ sấn sổ vào bù lu bù loa cướp sống cướp chín của người ta. Chị tính con cái Lý làm cốt cán thì nhà em làm gì không lên địa chủ. Nó định ăn không của nhà em cái mảnh năm sào đồng Bầu, nó định trả thù cái trận thầy em đánh thầy nó thì làm gì nó không tố khỏe.

- Anh Viên đâu?

- Đội cho đi quản huấn rồi.

Điều lại “à” một tiếng thật dài rồi tặc lưỡi:

- Nguy thật!

- Thế nhà chị thành phần gì?

- Trung nông.

- Nhà chị khác gì nhà em, à lại hơn con trâu nữa.

- Ấy cũng vì Đội để ý đến con trâu ấy mà tí nữa lên địa chủ đấy. Đội cho phát hiện nhưng ông chú tớ làm cốt cán gạt được. Ra xóm thầy tớ, bu tớ, anh tớ và cả tớ nữa cứ cãi om lên. Đội cho lấy nhân công, lấy lao động chính không được phải thôi. Nhưng tớ là trung nông nó không cho tớ vào thanh niên lao động.

- Vào thì đi họp kiệt xác chứ báu gì!

- Cô dạo này ăn nói như giọng bất mãn ấy.

- Thì bất mãn đây, thì phản động đây, thì mua chuộc thanh niên đây. Trời, họ hành hạ chán chê rồi, cứ nói cho sướng miệng, khi nào đi tù đã có Chính phủ lấy thuế nông nghiệp nuôi cơm.

Điều nắm lấy cánh tay Bưởi:

- Không được. Nhà mình là nhà kháng chiến, nhà cán bộ, nhà bộ đội mà lại phản tuyên truyền như thế thì bọn địa chủ nó cũng hùa theo chửi lại nông dân. Thế ra mình nối dáo cho giặc à?

Bưởi bĩu môi:

- Nhưng em là địa chủ cơ mà.

Điều cắn môi chớp chớp mắt suy nghĩ, tay nhặt mấy lá tre khô dắt trên mái tóc Bưởi:

- Ừ lạ thật. Nhưng dù sao mình phải tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ chứ…

- Không tin tưởng đã đốt nhà trốn đi Nam với Ngô Đình Diệm rồi.

- Này Bưởi này!

- Chị bảo gì em?

- Có túng lắm không?

- Chị tính đong van ông, bán lạy bà, trên thì trời, dưới thì gạo, có ăn thua gì. Gánh gạo chỉ kiếm được ba bốn trăm và hơn hai bát tấm. Chỗ cám thì dồn năm sáu phiên may ra được nổi một nghìn.

- Không sợ họ tịch thu à?

Bưởi cười nhạt:

- Chị tính sợ thì đã không làm, đã làm thì không sợ. Hồi trước địch quây quét như thế em còn đội nổi thúng báo qua chợ Chè chẳng đứa nào làm gì nổi em, chứ bây giờ chỉ có vài thằng Đội với mấy con cốt cán. Nếu bắt được em thì năm phiên chợ nay chúng nó đã bắt được rồi.

Điều ngẫm nghĩ một lát rồi nói với Bưởi:

- Tớ nói cái này Bưởi đừng giận nhé. Tớ đi học lớp y tế xã những bốn mươi nhăm ngày, sau lại kéo thêm hai mươi nhăm ngày nữa nên mới được về lấy gạo đây. Thấy Bưởi gặp cảnh này mình cũng ái ngại, nhưng thương thì để trong lòng chứ còn biết làm thế nào. Tớ còn hơn nghìn đây, Bưởi cầm tạm lấy nhé.

Ngửa tay lấy tiền của bạn là điều Bưởi rất xấu hổ nên lắc đầu:

- Chị giữ lấy tiền mà tiêu.

Điều cứ nhét vào túi Bưởi:

- Cứ cầm lấy, tớ cũng túng nhưng túng tiêu chứ không túng ăn như cô. Thôi tớ về đây.

Bưởi nắm lấy tay Điều, không biết nói gì.

Phía xa xa có đám gồng gánh đến chợ, Điều vội gỡ tay Bưởi ra rồi thanh minh:

- Trưa nay tớ đã phải có mặt rồi, chậm một tí họ phê bình chết.

Bưởi cũng biết là Điều sợ người làng nhìn thấy sẽ báo cáo Đội, nên không dám giữ lại, chỉ ngoái cổ nhìn theo bóng chiếc nón Xuân kiều quai lá nón thắt móc trắng sơn quang dầu bóng loáng khuất sau bụi tre. Ừ nó cũng mua một phiên chợ Thiện với mình mà cái nón của mình sắp thành cái mê nón đậy vại cà rồi. Thế là hết. Từ nay chẳng dám mong gì hơn là chạy vạy cho đủ ngày hai bát gạo đổ vào nồi. Giá mà năm ngoái mình cứ liều đi lớp hộ lý ở trên ty rồi công tác cho tích cực thì thế nào mình chẳng được đi học lớp y tá. Sáu tháng thôi, mình đã thành cán bộ của Chính phủ rồi mà như thế chẳng những về chuyên môn mà về chính trị thì mình còn trội hơn Điều nhiều. Hình ảnh cô y tá tóc tết đuôi sam, mặc áo đại cán mầu xanh tiêu chuẩn có bộ cúc bọc lại có khuy bấm bên trong, cổ áo hình cánh nhạn, ngực đeo cái huy hiệu bằng sứ trắng in hình chữ thập đỏ như là những cô y tá về công tác ở Chè lúc này hiện rõ hình trước mặt Bưởi. Nhưng khi quay lại nhìn đến gánh gạo đặt bên đường thì ước mơ xa xôi đó vỡ tan tành. Bưởi lại nghĩ nhiều đến Điều. Điều vẫn tốt, tốt từ xưa, tốt cả đến bây giờ. Năm ngoái có anh y tá bên Sổ nhờ Điều “giới thiệu” anh ấy với Bưởi. Bưởi đưa quẻ thẻ cho Điều xem. Điều tủm tỉm cười:

- Cô lấy anh ấy rồi anh ấy giới thiệu đi làm hộ lý không thích à. Sau này đẻ con có cam sài thì thiếu gì thuốc. Không cầu chẳng lẽ nhân duyên đến. Trăng thanh gió mát khúc đồng tâm. Đúng rồi. Tên anh ấy là Đồng nhé. Một câu có hai chữ “đồng” không là Đồng vợ và Đồng chồng là gì.

Bưởi bĩu môi:

- Chán ốm. Sao bảo tên anh ấy là Hà cơ mà.

- Hà là tên đi công tác, tên hèm là Đồng. Đấy cô xem, có oai không.

Vừa nói Điều móc túi lấy cái ảnh chụp nửa người. Nhìn anh cán bộ đội mũ giải phóng quân, mặc áo cổ cài hai móc sắt như lãnh tụ, Bưởi chỉ tiếc rằng hơi già nên chối khéo:

- Em không thích chuyên môn.

- Hay là cô lại có xu hướng quân sự.

Hai ba bận sau Điều lại bàn vào mãi. Tại sao lúc bấy giờ mình không đồng ý nhỉ. Tính suy chi mãi lại lỡ lầm. Anh Đồng là người bên Sổ. Sổ với Chè vẫn cùng một xã Xuân Hạ thì bốn chữ “Cỏ nội hoa đồng” không ám chỉ vào anh ấy hay sao? Cổ nội hoa đồng thì quý mến. Thôi muộn mất rồi. Anh ấy thèm gì lấy đến hạng mình. Lỡ chân còn bước lại được chứ lỡ miệng còn biết tính làm sao?

*

* *

Đong được gánh thóc, chợ Thiện đã vãn người, Bưởi vội gánh đến nhà quen gửi quang gánh rồi chạy ù sang chỗ hàng rau tìm chị Khẩn. Chị Khẩn đưa mắt cho Bưởi đừng lên tiếng rồi gửi dóng gánh đi ra gốc đa. Bưởi lững thững theo sau. Câu đầu tiên là chị Khẩn hỏi:

- Thóc đâu?

Bưởi nói thầm vào tai chị Khẩn:

- Em gửi cẩn thận rồi.

- Ừ, bây giờ mất gánh thóc thì chết đói đấy. Bưởi này, anh Hồng lâu nay có biên thư về không?

- Không. Anh ấy có biên thư cho chị không?

Chị Khẩn cũng lắc đầu:

- Không. Sốt ruột quá. Mấy hôm nay thấy cán bộ tỉnh, cán bộ huyện bị trói dong về đông quá, tôi không hiểu anh Hồng ra làm sao. Có khi bên nhà địa chủ, Đội tư giấy về chỗ anh ấy làm việc, họ giữ anh ấy rồi chưa biết chừng.

Bưởi thở dài, trong bụng lại thêm lo lắng nhưng vẫn nói cứng để an ủi chị Khẩn và an ủi ngay bản thân mình:

- Chả có. Anh ấy được những tám cái bằng khen chả chắc trên có nghi anh ấy đâu.

Chị Khẩn chớp chớp mắt một chập rồi quay lại hỏi nhỏ Bưởi:

- Bỏ gánh hàng xáo này còn làm cái gì khác được không?

Bưởi lắc đầu:

- Lại bắt cua mò ốc với bu em ở nhà thôi. Sao chị lại hỏi lẩn thẩn thế?

Chị Khẩn thở dài:

- Ở xóm Bắc họ kháo rình lên, thế nào Đội cũng biết, họ cho du kích đón đường tịch thu mất. Họ có biết là mình làm hàng xáo đâu họ cứ vu vạ là mình phân tán tài sản. Vì thế phiên này tôi cố mò đi tìm cô.

- Thế bây giờ chị bảo làm thế nào?

- Nghỉ vài chuyến cho yên ắng đi đã. Tôi đã xếp chỗ cho bu với cô rồi, từ mai trở đi cứ sang bên này làm cỏ.

- Đội biết thì chết. Họ giam cổ lại.

- Ối giời ôi, Đội có bao giờ mò ra đến đồng, cứ ngồi ở nhà mà gò ruộng sào hai lên sào tư. Ngay ruộng nhà thằng Độ ở cỏ cao gần bằng lúa, nhiều chỗ đã nẻ chân chim mà nó có biết tí gì đâu.

Bưởi lắc đầu:

- Em sợ lắm chị ạ. Họ bảo phá hoại chính sách.

Chị Khẩn kéo tay Bưởi vào sát mình:

- Mai bu nhà ta và cô cứ xách giỏ ra đồng làm như đi bắt cua, tôi vác cào ra chỗ Gò Ổi tôi đón. Dân bên Bắc này kín không hay hớt lẻo đâu. Tha hồ làm chẳng sợ ế công. Dạo này hết đại hội nọ đến đại hội kia khối nhà cứ bỏ cỏ ruộng. Mình lấy công hạ hơn ngoài là họ thích lắm rồi, toàn ông cô bà bác bên tôi cả, cô đừng ngại.

Bưởi thở dài:

- Thì cũng liều. Nhưng chị bảo họ giữ kín.

Chị Khẩn lại hỏi:

- Anh Xuân dạo này ra sao?

Bưởi cười nhạt:

- Người ta là con rể đội Độ rồi. Sắp lấy con Lý.

- Thằng ấy mà lấy con Lý thì tha hồ đi nuôi con thiên hạ. Sao cô không cho hắn một trận?

- Chị ạ, em biết từ lâu nhưng em cứ dơ đi không thèm nói. Mấy lần đòi cưới em có chịu đâu.

Rồi để tránh tiếng xấu “bị bỏ” Bưởi lại nói dối chị Khẩn:

- Hôm diễn kịch gặp em nó cứ nhăn nhẳn cái mặt ra bàn chuyện cưới. Em cho một trận như tát nước vào mặt. Hắn ta xin lỗi mãi. Em cứ cương quyết cắt đứt. Chị tính báu gì cái hạng bắt cá hai tay.

Chị Khẩn gật đầu đồng tình:

- Thằng ấy mà đốn đến thế thì sau này nhà ta được hạ thành phần nó mà có mò đến cô cứ lấy lá khoai lót tay dắt nó ra cho tôi. Thế cô đã định tìm hiểu ai chưa?

- Chưa.

- Cô mới mười chín thì lo gì. Nay mai tôi giới thiệu cho cô anh cán bộ. Cái anh gì bạn anh Hồng ấy, vừa trẻ vừa tài, có duyên ra phết, chấp hành tỉnh đoàn cơ mà.

Bưởi thở dài:

- Chị ạ, chị thương em thì đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Em sợ lắm rồi, chị ạ. Bây giờ em không còn biết ai là người tốt, ai là người xấu. Em chỉ thích đi tu.

*

* *

Vào lúc gà lên chuồng, Bưởi mới dám cất gánh ở chợ Thiện về. Đêm xuống mỗi lúc một nhanh. Ngửa mặt lên trời, trước thì chỉ thấy những ngôi sao to nhất sáng nhất, rồi thấy những ngôi sao to vừa sáng vừa, sau thì thấy cả những ngôi sao nhỏ li ti trông như hàng triệu mảnh gương vỡ vụn. Trên con đường thẳng tắp vắng tanh vắng ngắt chỉ còn một mình Bưởi lủi thủi gánh gạo về. Lúc buổi chợ thì còn người này người nọ túm năm tụm ba xì xào, đến nay bầu bạn chỉ có đám sao trên trời đang nhấp nháy như giục:

- Cứ đi đi.

Cứ đi đi, không biết cứ đi đêm về hôm mãi như thế này đến bao giờ. Ban ngày đi xa khuất mắt chuyện cũ may ra có thể quên đi được đôi phần, đến đêm càng về đến xóm, Bưởi lại càng chán ngán. Tiếng chó sủa ran đầu xóm. Một bóng người mảnh khảnh như cây ngô đứng ngay đầu xóm. Bưởi giật mình. Chuyến này lại mất tong gánh thóc. Nhưng lùi vào chỗ nào bây giờ? Đàng kia tiếng hỏi khe khẽ:

- Cô đấy à?

- Ai đấy?

- Cháu đây.

- À anh Trí đấy à. Cái gì thế?

Trí đi sát đến bên Bưởi:

- Anh Độ với chị Lý đang đứng ở điếm gác, cô đi vòng lối sau đình mà về.

Bưởi quay lại lối sau đình đi tắt qua vườn ngô về nhà. Chà rào đầu ngõ quệt sền sệt vào dây quang, vào thúng. Đầu đòn gánh chạm đến cục một cái vào liếp. Tiếng gọi hổn hển qua hơi thở:

- Bu.

Tiếng lách phên lạch cạch:

- Về đấy à?

Ngọn đèn bằng hạt đậu xanh được vặn cao bấc. Nhìn cái gian nhà lụp xụp, cái giường ọp ẹp, cái rổ bát, mấy cái chai lỏng chỏng ở góc nhà, cái hái mẻ chấu treo ở trên tường, Bưởi thở dài. Trước kia mơ tưởng bay đi tận đâu đâu, tận biển sâu trời rộng thì nay lại chui rúc trong cái xó xỉnh này khác nào người chết ngập trong cái vũng trâu đầm. Khổ cực đến nước này mình chỉ mong ngày được bát cơm chín mà con cái Lý, thằng đội Độ cũng không để yên cho mà ăn mà làm. Nay nó đe ne, mai nó đe bắt, chúng nó định bắt mẹ con mình phải chết đói hay sao? Ba năm nữa, ba năm dài đằng đẵng ngày nào cũng như ngày nào, ba năm dài đằng đẵng sống lẩn lút như họ nhà Vạc thế này thì trốn quách đi nơi khác cho nhẹ cái thân. Không biết khi Đội đi thì có khác đi tý nào. Con Lý bây giờ làm chúa tể xóm Đông rồi. Không có Lựu, không có Trí thì mình chết với nó từ lâu. Không biết bao giờ bên trên này mới thấy nhà mình oan uổng. Cán bộ cấp trên có về liệu Lựu với Trí hay những người tốt có dám nói cho nhà mình mấy câu hay lại im thin thít như hôm đội Độ về “đình chỉ” nhà mình?

Bà Khuyến chợt kéo vạt áo Bưởi:

- Này cô nhìn xem, con đom đóm bay vào nhà kìa. Điềm lành đấy. Thảo nào mà năm phiên chợ nay ta đều đi thông đồng bén giọt cả. Không biết chừng cấp trên cử cán bộ về xét nỗi oan cho nhà ta cũng có khi.