Bố già trở lại - Phần II - Chương 05 - Phần 2

“Fuckface” (Mặt Đéo),” Narducci lẩm bẩm, thoáng tia nhìn xa xăm trong mắt.

“Xin thông báo với quý vị,” Falcone nói, “ông ấy không thích bị gọi như thế”. Luigi Russo, người điều hành công việc ở Chicago, thích được gọi là Louie hơn. Ông ấy bị dính vào cái hỗn danh đậm đà bản sắc... tục tĩu đó (mà báo chí bắt buộc phải rút ngắn lại thành “Mặt”) từ một em gái đĩ; em này oang oang tuyên bố rằng món sex duy nhất mà ông ta khoái khẩu đó là... ủi cái lỗ mũi to bự, đỏ như quả cà chua của ông ta vào cái hĩm của em! Thần khẩu hại xác phàm, em đã phải trả giá cho câu nói dại mồm dại miệng đó bằng cách... được biến thành một cái xác cụt đầu trôi lều bều trên hồ Michigan; cái đầu của em không bao giờ được tìm thấy.

“Xin trở lại đề tài”, Forlenza nói, “thứ ba là” - ngón đeo nhẫn giơ lên - ”Chicago.”

Geraci liếc mắt nhìn Falcone mà hoạt động từng có thời là chi nhánh của bộ sậu ở Chicago. Không phản ứng gì. Tất cả những mảnh vỡ thủy tinh ở trên bàn giờ đây được gom lại trước mặt anh ta.

“Bảy năm trước khi chúng tôi gặp mặt nhau, thậm chí đám Chicago còn chưa được mời,” Forlenza nói. “Bạn tưởng tượng nổi không?”

Từng có một thời, vì nóng lòng muốn hướng sự tăng trưởng của Al Capone xa mình, các Đại Gia đình New York đã nhất trí rằng tất cả những gì ở về phía Tây của Chicago thì thuộc về Chicago. Cái chất dân Cleveland trong Geraci vẫn còn đủ để nhận ra điều này như một kế hoạch chỉ có ý nghĩa với đám ở New York. Khi Al Capone rớt đài, tình trạng hỗn loạn như rắn mất đầu diễn ra ngay. Los Angeles và San Francisco lập tức li khai. Moe Greene, từ New York, có một giấc mơ, thành hiện thực là Las Vegas, được thiết kế thành một thành phố mở không có tiếng nói từ Chicago. Sau khi Greene bị giết, nhà Corleones tiếp quản casino của ông ta và xây dựng Lâu Đài Trên Cát nhưng thế lực mạnh nhất ở thành phố là liên minh những Gia đình miền Trung Tây lãnh đạo bởi Detroit và Cleveland. Chicago cũng dự phần vào liên minh đó cũng như gia đình Corleone, nhưng chỉ một ít), và Louie Russo đã gây ồn ào về việc muốn kiểm soát liên minh nhiều hơn. Chicago được thống nhất trở lại và mạnh hơn lên vào thời đó. Với New York trong tình trang cát cứ kiểu sứ quân, nhiều người nhìn Russo như là khuôn mặt quyền lực nhất trong thế giới tội ác có tổ chức ở Hoa Kỳ.

Forlenza lắc đầu tỏ vẻ không tin. “Các Đại Gia đình New York nói rằng họ bỏ rơi cố gắng khai hóa Chicago. Từ đó người ta gọi chúng là những con cừu đen, những con chó điên.”

“Những con gà sống thiến,” Molinari nói, hàm ý chuyện dịch nghĩa đen từ Capone.

“Một đám súc vật” Laughing Sal góp ý.

Falcone xoa vỗ và dựng tác phẩm điêu khắc của anh ta lên. Nó đứng cao khoảng hai bàn tay. Anh ta nghiêng mặt mình về phía nó như thể anh ta đang cố nắm bắt phản ảnh của mình trong những mảnh vỡ lớn hơn.

“Và thứ tư là” - ngón út giơ lên - “thuốc men” Lúc buông ra từ này Forlenza đồng thời thả người ra sau trong chiếc xe lăn. Ông có vẻ kiệt sức.

“Thuốc men?” Molinari thắc mắc.

“Đừng nói lại chuyện này” Falcone cáu gắt.

Geraci cố gắng không biểu lộ phản ứng gì.

“Một câu đố xưa cũ, vâng,” Forlenza nói, “nhưng là một câu đố còn chưa có lời giải. Nó là đe dọa lớn nhất cho công việc của chúng ta. Vâng, nếu chúng ta không kiểm soát nó, người khác sẽ nắm lấy, và chúng ta có thể mất quyền lực, nhưng nếu - ”

“Nếu chúng ta nắm được,” Falcone ngắt lời, “không phải là chúng ta không sẵn sàng, cho là bọn cớm sẽ không nhìn cách khác giống như bọn chúng nhìn vào cờ bạc, phụ nữ, các công đoàn, v.v... Nào, Vincent. Muốn học vài bài ca mới, hở? Nhìn chung quanh đi. Cái thiên đường nhỏ cho những tay buôn lậu rượu mạnh” - một tiếng sét nổ ra, ăn khớp hoàn toàn với thiên đường - ” đó là chuyện của quý vị. Quý vị đã làm nên chuyện và xin bái phục! Nhưng đối với những người thuộc thế hệ chúng tôi, thì đó là ma túy. Với thế hệ kế tiếp là cái gì, thì ai biết được?”

Narducci làu bàu cái gì đó mà Geraci nghe ra như là “những em đĩ trên sao Hỏa”.

“Nhiều người trong chúng ta,” Forlenza nói, “từng long trọng thề, trước Thánh Bổn mạng của gia đình mình, rằng chúng ta sẽ không dính líu đến ma túy” Ông chỉ vào cái đống bánh kẹo, trái cây và mảnh kinh vỡ của Falcone. “Anh đang làm cái gì thế?”

“Có cái gì đó để làm, tất cả chỉ là thế,” Falcone trả lời kiểu xỏ ngọt, lừng khừng, ai muốn hiểu sao thì hiểu. “À này, Vincent, tôi yêu quý ông như thể ông là nghĩa phụ của tôi, thật vậy, nhưng ông cần sống trong thời hiện tại. Chúng tôi đã phân công, phân vùng và điều hành mọi chuyện đâu vào đấy cả rồi. Và công việc chạy đều. Bọn cớm hay bất kì thứ gì, có thể làm công việc bị chậm lại một tí, đặc biệt là trong những thời kì nhiễu nhương như hiện nay, ở đây, nhưng số công việc có thể lạc hướng, chuệch choạc khiến chúng ta phải dây dưa đến chuyện pháp lí thì quên đi. Không có cơ may nào đâu.”

Gia đình Cleveland, Geraci biết, có một số doanh vụ trong ngành ma túy nhưng bằng lòng với những cống phẩm và để phần lớn lợi nhuận lọt vào tay đám da đen, đám Ái Nhĩ Lan và đám linh tinh. Sau thời kì cấm rượu, Cleveland đã nhào vào những thứ béo bở nhất kế tiếp, đó là cờ bạc và các công đoàn, và khuếch trương những lãnh vực này. Nó không phải là một tổ chức mở cho những ý tưởng mới hay ngay cả những người mới. Bố của Geraci nói rằng đã từng hơn mười năm kể từ khi Cleveland kết nạp một thành viên mới.

Forlenza vượt lên phía trước, lặp lại: rượu lậu là chuyện khác - bọn cớm cũng uống rượu và không thực sự muốn triệt phá đường dây này - nhưng ma túy là chuyện khác.

Khi Falcone cúi thấp xuống, lượm một miếng kiếng vỡ từ sàn nhà và đưa lên về phía chiếc đèn treo, Molinari, khéo léo theo kiểu ngoại giao, chỉ ra rằng Forlenza có lẽ là hơi ngây thơ về bản chất của cớm đường phố ngày nay.

“Đủ rồi”, Forlenza nói. Ông ta đưa mấy ngón tay vào miệng và huýt sáo. Mấy nhân viên phục vụ quay lại. Ông chỉ tay vào đống kiếng và bánh kẹo. “Mang thứ đó đi”

“Tôi có nói là tôi muốn thứ đó được mang đi không?” Falcone để những mảnh vỡ xuống và nhìn vào mấy người phục vụ. “Mấy người dám đem thứ đó đi thì ta đấm cho vỡ sọ đấy!”

Chicago ngay đấy thôi, Geraci nghĩ. Nói “túm gọn” lại thì cũng là Chicago thôi.

Mấy nhân viên phục vụ vẫn đứng trơ như phỗng đá. Người đứng bên phải - có vẻ là dân Slave với tóc màu xám dày - mặt trắng bệch ra như cái áo sơ-mi anh đang mặc. Người đứng bên trái, một người với vòng tóc trắng và hàng ria mép đen, đối diện Forlenza, đầu ông hơi cúi xuống.

“Mang thứ đó đi”

“Cứ thử xem”. Falcone nhón lấy chiếc bánh biscotto cuối cùng và đặt nó như một trái sơ-ri trên đầu tác phẩm sắp đặt của mình.

“Tôi có một đứa cháu đang đi học ở một trường đắt tiền,” Narducci nói. “Nó cũng làm ba cái thứ tác phẩm sắp đặt giống như thế. Hai người gặp nhau chắc là ý hợp tâm đầu, thú vị lắm đấy!”

“Thế à?” Falcone xoay người trong ghế nhìn Narducci. “Ở đâu?”

“Ở đâu để anh đi gặp hay ở đâu là trường của nó?”

“Trường học”

Narducci nhún vai. “Tôi chỉ biết trả tiền. Với tôi thì nhà trẻ nào cũng như nhà trẻ nào.”

Falcone nhảy vọt khỏi ghế ngồi và khi hắn ta lao đến tấn công tayconsigliere già thì Geraci, vẫn còn ngồi, đấm Falcone một cú thẳng cánh ngay vào cằm. Đầu hắn ta bật ngược trở lại. Hắn lảo đảo, loạng choạng.

Đám vệ sĩ ùa tới bên bàn. Geraci đứng lên. Thời gian dường như chùng hẳn lại. Những tay nghiệp dư trong nghề đánh đấm thường hay lóng ngóng, thiếu quyền biến như thế. Geraci chờ đợi điều này sẽ qua nhanh thôi.

Molinari bỗng phì cười. Ngạc nhiên thay, chỉ một chớp mắt sau đó, từ sàn nhà, Falcone cũng bật ra tiếng cười. Đám vệ sĩ dừng lại. Geraci vẫn bất động.

“Nhà trẻ”, Molinari nói. “Buồn cười thật!”

Falcone đứng dậy, xoa xoa cằm. “Cú đấm điệu nghệ đấy, O’Malley. Ngồi xuống nào. Wow!”

“Bản năng mà,” Geraci nói, tỉnh queo. Narducci chẳng hề khách khí để nói ngay cả một tiếng cám ơn chàng mà lại quay sang xỏ ngọt Falcone: “Ồ, xin lỗi, chú mày không sao chứ?”

Falcone nhún vai. “Quên chuyện đó đi”

“Anh bạn định làm gì đây,” Molinari nói, “nện cho lão già một trận te tua?”

“Chắc không phải là lần đầu,” Falcone nói, và bấy giờ mọi người đều cười. Geraci ngồi xuống và đám vệ sĩ cũng ngồi theo. “Tớ đéo quan tâm chuyện đó nữa đâu,” Falcone nói. “Mang cái thứ đó đi”

Hai người phục vụ lộ rõ vẻ biết ơn và nhanh nhẩu vâng lời ông kẹ. Anh chàng có bộ râu nhuộm còn đủ tự tin và điềm đạm để trở lại một lát sau đó và rót đầy mỗi người một li nước.

“Cậu định làm vỡ sọ bọn chúng với cái gì thế, hở Frank?” Forlenza hỏi móc.

“Chỉ là một cách “diễn tỏa” theo mĩ từ Pháp ấy mà!” Falcone xuề xòa đánh trống lảng, làm mọi người cười ồ!

Geraci đã tìm kiếm cách để mở lời, một cơ hội để nói lên điều mà chàng ta được đặc phái đến đây để nói và đây dường như chính là thời điểm thuận lợi. Anh trao đổi bằng mắt với nghĩa phụ mình.

Forlenza gật đầu.

Ông lại đằng hắng lấy giọng như một lời kêu gọi trật tự, và trong khoảng lặng mà điều này tạo ra, đã thong thả tợp một ngụm nước với vẻ đường bệ.

“Thưa quý vị,” Forlenza trịnh trọng mở lời. “Rất tiếc là người khách của chúng ta cần phải đi” Qua câu này, mọi người đều hiểu ý ông muốn nói là, vị ấy nên rời đi trước khi một số công việc được đem ra bàn cãi, chứ không phải là vị ấy có nơi nào khác phải đến. “Nhưng anh ấy từ xa xôi lặn lôi đến đậy, và trước khi rời đi, anh muốn có đôi lời thưa cùng quý vị.”

Geraci, làm ra vẻ là đang thưa chuyện với các bậc trưởng thượng, đứng nghiêm trang, gật đầu chào lễ phép trước khi thưa trình. Trước tiên, chàng ta cám ơn Nghĩa phụ Forlenza và hứa rằng chàng sẽ nói ngắn gọn thôi, không dám lạm dụng thời giờ vàng ngọc của quý vị. “Thưa quý vị, mặc dầu tôi rất tự hào khi được cho phép cùng ngồi vào nơi chiếc bàn này với các bậc bề trên, song Ngài Falcone đã nói đúng: Đây không phải là chỗ của tôi. Như ngài đã chỉ ra” - chàng ta vừa nói với Falcone lại vừa nghĩ đến Tessio, người vẫn luôn nhấn mạnh những lợi thế tự nhiên của việc bị đánh giá thấp - “Tôi đúng chỉ là một lính mới tò te thôi, đâu đã đáng được ngồi vào chiếu nhất cùng các bậc trưởng thượng như thế này, nếu không nhờ ân huệ đặc cách của nghĩa phụ tôi.” Một thứ khiêm tốn tự hạ hoàn toàn vờ vịt do Falcone “mớm cung” nhưng giờ đây lại nghe chính miệng Geraci “thành khẩn thú nhận” như thế càng khiến cho cái lão lớn xác nhưng bé đầu kia tin vào con mắt tinh đời biết phân biệt vàng thau của mình! Geraci nghĩ thầm: “Hẵng đợi đấy! Sau này rồi biết tay nhau!”

Chàng tiếp lời: “Tổ chức Corleone, tôi xin bảo đảm với quý vị, không phải là một đe dọa cho bất kì người nào trong quý vị. Michael Corleone mong muốn hòa bình. Ông đã quyết định rằng cuộc đình chiến này trở thành thường trực và đã thực thi những biện pháp để hoàn tất điều đó. Ông chưa bao giờ có ý định điều hành Las Vegas. Sau khoảng ba hoặc bốn năm ở trú sở tạm thời này, gia đình Corleone sẽ tái định cư ở Hồ Tahoe.

Trên thực tế, tổ chức Corleone sẽ không còn hiện hữu như trước đây. Hoạt động của chúng tôi ở New York sẽ tiếp tục trong hình thức nào đó, nhưng mọi việc ở Hồ Tahoe sẽ được điều hành bởi Michael Corleone giống như công việc của bất kì một ông chủ doanh nghiệp lớn nào ở Mỹ - Carnegie, Ford, Hughes, cho bất kì ai (whomever).”

“Mùi trường Luật”, Narducci thốt lên, có lẽ do bị khích động bởi từ whomever.

“Gia đình Corleone,” Geraci tiếp tục, “trong tương lai sẽ không kết nạp thêm bất kì thành viên nào. Nói rõ hơn, kể từ hôm nay. Michael Corleone sẽ rửa tay gác kiếm để đi vào con đường kinh doanh hợp pháp và ông muốn làm điều đó một cách có sự thể để vừa được các tổ chúc khác kinh nể, vừa cung cấp một mô hình cho bất kì người nào trong chúng ta mong muốn đi theo con đường tương tự”. Anh đẩy ghế của mình vào sát bàn. “Thưa quý vị, trừ phi quý vị có bất kì câu hỏi hay thắc mắc nào... ?”

Anh chờ một lát. Falcone và Forlenza, cả hai đều nhìn vào Molinari vốn đang chậm rãi chớp mắt. Là một người bạn tiếng tăm của gia đình Corleones ông ta đã chuẩn bị để thảo luận chi tiết và cũng được coi là người thích hợp hơn cả để làm điều đó.

“Trong trường hợp đó,” Geraci nói, “Tôi sẽ thăm dò thời tiết, trường hợp mà chúng ta...”

“Kệ mẹ thời tiết,” Falcone nói. Hắn ta có một trăm ngàn đô phải tranh giành. “Đến lúc phải đi thì chúng ta đi thôi”

Narducci lầu bầu điều gì đó nghe như là” hành động của Chúa”.

“Kệ mẹ Chúa!” Falcone phang bừa một cách rất vô pháp vô thiên. “Xin đừng chấp, Vincent, nhưng tôi không muốn vướng...”

“Tôi chắc là mọi chuyện sẽ ổn thôi,” Geraci nói, và rời đi.

Tom Hagen trở về phòng mình chờ đợi. Anh ném chiếc vợt tennis mà anh đã tốn cả ba trăm đô-la để mua và rồi chẳng dùng vào việc gì lên giường. Anh vẫn mặc chiếc sơ-mi đánh tennis nhưng thay từ quần soóc sang quần chinos, từ giày vải sang giày đế phẳng. Trên hai sân golf khác nhau anh có thể thấy từ vẻ huy hoàng được điều hòa nhiệt độ của phòng mình, bộ tứ bốn người mặc đồ sáng đang cười nói và uống cocktail trên khoảng không gian rộng xanh tươi nơi mà chỉ vài thập niên trước đây thôi vẫn chỉ có xương rồng và cát, nơi bất kì ai ra ngoài trời giữa trưa sẽ bị quay chín như bê thui, sẽ chết vì khát và kiệt lực với lũ chim ó, diều hâu hân hoan vui sướng lượn trên đầu. Giờ đây, thay cho cảnh tượng hãi hùng đó, là những người phục vụ trên những chiếc xe chuyên dụng ở sân golf mang bia tươi và khăn lạnh đến cho bạn. Điều này khiến Hagen nhớ đến những câu chuyện mà anh đã đọc về đế chế La mã thời xưa nơi các vị hoàng đế làm mát lạnh cung điện của mình vào mùa hè bằng cách ra lệnh cho đám nô lệ kéo hàng ngàn khối băng từ trên các đỉnh núi về. Rồi những đám nô lệ khác ngày đêm túc trực bên cạnh các khối băng kia, mình ướt đẫm mồ hôi, dùng hết sức để quạt nhưng chiếc quạt thật lớn bằng sậy papyrus cho hơi lạnh tỏa đi khắp cung điện. Đối với một hoàng đế thì không một góc nào trên quả đất là không hiếu khách.

Hagen bảo phòng tiếp tân gọi cho anh bất kì khi nào có chiếc xe đến đón anh. Anh để cuộc gọi báo thức lúc 1:45.

Cuộc gọi báo thức vang lên. Anh thức dậy, bụng đói cồn cào. Hagen ghét những buổi ăn trưa muộn. Hai giờ đến rồi đi. Hagen gọi xuống phòng tiếp tân và được báo,” Thưa ông, không, vẫn chưa có ai đến hỏi ông.”

Anh gác máy điện thoại và nhìn trừng trừng vào nó, mong sao nó reo lên. Giống một cậu bé ngây ngô chờ cô bồ tuổi teen gọi mình, đâu biết rằng nàng đang vi vu với một... lão già hảo ngọt! Anh lại cầm điện thoại lên và yêu cầu tổng đài nối kết anh với văn phòng của Mike. Không có tiếng trả lời. Anh thử gọi số điện thoại nhà của Mike. Nếu như cuộc hẹn với Ngài Đại sứ liên quan đến một chuyện kém quan trọng hơn có lẽ Hagen đã sẵn sàng lên máy bay về nhà. Bố của Kay trả lời. Michael và Kay đã ra ngoài cho bữa ăn kì niệm ngày cưới. Hagen đã quên bén chuyện này. Anh sẽ trao đổi với Mike sau. Rồi anh gọi về nhà để nói anh vẫn bình thường và mọi chuyện vẫn ổn. Anh nghe Theresa, vợ anh, đang khóc lóc bởi vì Garbanzo - con chó chồn bị bệnh viêm khớp của họ - đã chạy đi đâu mất. Bọn trẻ đã làm những tờ bướm và dán ở những nhà chung quanh và bây giờ bọn chúng đang chạy ra ngoài đi tìm con thú cưng. Điều gì xảy ra nếu con chó lang thang vào sa mạc? Hãy nghĩ đến mọi cách mà nó có thể chết trong tình huống đó: những con sói đồng cỏ, những con báo sư tử, rắn rết, đói khát. Rồi ngày mai lại có một cuộc thí nghiệm bom nguyên tử; hãy thử nghĩ đến chuyện đó. Hagen cố gắng trấn an nàng. Anh bảo nàng yên tâm đi vì một con chó nhỏ bị bệnh viêm khớp có lẽ không thể đi đâu xa được đâu, huống nữa là làm cuộc hành trình vượt sáu mươi dặm trường đến địa điểm thử bom nguyên tử để thách thức xem bom nguyên tử thì làm gì được tớ nào! Gâu gâu! Thách đấy! Chàng diễu nhại cho bà xã vui mà bớt lo.

Hagen nhìn vào chiếc vợt mà chỉ cần hai mươi đô là có thể mua ở bất kì cửa hàng bán đồ thể thao nào và kém xa chiếc vợt chàng có sẵn ở nhà. Vậy mà chàng đã phải bỏ ra ba trăm đô mà còn bị làm khó - chúng tôi không lấy tiền mặt, ông phải kí vào đây - và chàng phải quýnh quáng năn nỉ mới có được. Nghĩ cũng ngộ thiệt! Chàng là một luật sư đa mưu túc trí, khôn ăn người, thế mà cũng có lúc bị người ăn mà còn phải hạ mình năn nỉ cho người ta ăn nữa chứ! Đời mà! Cá ăn kiến thì cũng có lúc kiến ăn cá chứ! Chàng phì cười. Trong con mắt tâm linh của mình, chàng thấy lại người anh em Sonny quá cố, khi chàng ta được mời vào một nhà hàng sang trọng và cảm thấy bị xúc phạm vì không được đối xử với sự trọng thị đúng mức, đã gọi mọi thứ trên menu của nhà hàng, ăn một chút những gì chàng ta thích, độ bốn năm món, mỗi món chỉ một miếng nhỏ thôi, rồi thì tụt quần ra tè lên tất cả những gì còn lại, gạt đổ, đập phá lung tung. Xong, kêu phục vụ đến tính tiền cho Ngài Đại sứ, người mời chàng nhưng vào giờ chót lại vướng chuyện rắc rối bất ngờ nên đến trễ. Ngang ngược là thế song từ chủ nhà hàng đến nhân viên phục vụ anh nào cũng sợ xanh mặt, đâu ai dám hó hé một lời phiền trách cậu Cả nhà Corleones. Xong, chàng ta bước ra nghênh ngang về nhà. Oai phuông, lẫm liệt hết biết! Cũng vì cái thói ngang tàng vung vít đó mà về sau chàng ta đã bị phe khác xử thê thảm. Bụng Hagen cồn cào. Anh mỉm cười. Anh nhớ Sonny, người anh em thân thiết nhất trong nhà, dầu hai người tính tình có quá nhiều khác biệt.

Điện thoại reo. Tài xế của chàng đến.

Hagen đi xuống, nhưng không có xe nào ở đó. Chàng hỏi người phụ trách bãi đậu xe. Không có xe nào từ nãy giờ, anh ta nói. Đầu óc Hagen quay cuồng. Anh quên mang theo kính râm. Nheo mắt nhìn một hồi thì bị nhức mắt. Quay trở lại phòng khách anh thấy một người da đen mặc áo tuxedo. Anh ta đã kéo đến phía bên kia của tòa nhà, một chiếc xe golf sáu chỗ màu trắng tinh. Lúc đó là sau hai giờ rưỡi.

“Đây có lẽ là chiếc xe golf lớn nhất mà tôi từng thấy.” Hagen lấy tay che mắt khỏi ánh sáng gắt hắt ra từ màu trắng toát của chiếc xe.

“Cám ơn ông,” người tài xế nói, rõ ràng là một người đã được huấn luyện là không được chạm vào mắt các ông chủ mình hay cả của những người khách trừ khi người ta nói với mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay