Bố già trở lại - Phần II - Chương 09 - Phần 1

Chương 9

Bất kì ai nhìn thấy Michael Corleone hạ cánh chiếc máy bay trên Hồ Mead - chẳng hạn những tài xế của hai chiếc Cadillac đang đứng ở cuối bến cảng và nắm giữ những sợi dây - chắc hẳn đều nghĩ rằng chàng đã thực hiện thao tác này hàng trăm lần rồi nên mới đạt đến độ chính xác và nhuần nhuyễn như thế. Kì thực thì chàng mới thực hành độ mươi lần. Kay, còn ngái ngủ ở chiếc ghế bên cạnh, vẫn không hề giật mình - cho đến khi Tommi Neri và hai anh chàng nữa ngồi ép vào nhau ở đằng sau với anh ta đồng loạt reo hò tán thưởng kì tài của chàng phi công nghiệp dư.

Kay ngồi bật thẳng dậy, mắt mở rộng hốt hoảng. “Ôi! Các con tôi đâu rồi!”

Michael cười rộ. Nhưng chỉ một thoáng sau, chàng hối hận ngay. Sự hốt hoảng không cần thiết của nàng lúc đầu khiến chàng tức cười nhưng liền đó chàng thấy cảm động biết bao. Với bất kì ai khác, chàng chưa hề phản ứng mà không suy nghĩ. Kay là người duy nhất trong đời có thể khiến chàng hành động ngược lại với chính bản tính của mình.

“Xin lỗi, Phu nhân Corleone,” Tommy lên tiếng. “Tuy nhiên, bất kì ai chứng kiến kì tích vừa rồi cũng sẽ không cưỡng được lòng ngưỡng mộ. Phu quân của bà quả thật là một tài năng thiên phú. Bây giờ tôi thành thật thừa nhận rằng hồi nãy tôi có hơi hồi hộp một tí. Tôi chưa từng ngồi trên một chiếc máy bay hợp quy tắc cho đến năm rồi.”

Kay dụi mắt.

“Vừa rồi anh không cười em đâu,” Michael nói. “Em ổn chứ?”

“Chúng thực sự nổi,” Kay nói với Tommy. “Những chiếc thủy phi cơ. Tuy vậy đôi khi chúng cũng nẩy bật lên như thia lia.”

“Vâng, thưa phu nhân, đúng thế.” Tommy phụ họa.

“Vừa rồi em mơ thấy gì thế?” Michael âu yếm hỏi vợ.

Nàng đặt một bàn tay lên ngực như muốn kìm lại trái tim đang chạy quá nhanh. “Em ổn rồi. Chúng ta đã về nhà?”

“Ờ, chúng ta đã trở về Hồ Mead.”

“Thì ý em định nói thế. Bộ anh nghĩ là em tưởng mình về lại Long Beach sao?”

Michael hoàn toàn không thích là khái niệm nhà lại có tí chút gì mập mờ lưỡng nghĩa. Anh cũng ghét có chuyện tranh cãi gì, dầu là nhỏ nhặt, trước mặt những người không thuộc hàng thân thiết của mình. Anh không trả lời nàng cho đến khi anh đưa máy bay vào cầu tàu. “Không” anh nói. “Anh không nghĩ là em có ý vậy.”

Kay tháo dây đai an toàn ra và đi qua mấy người kia mà nàng không mấy hài lòng vì sự có mặt của họ đã phần nào làm loãng đi tính riêng tư của cuộc du ngoạn kì niệm ngày cưới mà nàng muốn là khoảng thời gian dành cho cả đất trời chỉ có đôi ta. Nàng ngồi vào phía sau xe, chiếc màu vàng với mui đen.

Michael nói với mấy người kia là anh gởi lời vấn an đến Fredo và Pete Clemenza - chiếc Cadillac màu đỏ là của Fredo - và nhắn rằng anh sẽ đến Lâu Đài Trên Cát không trễ hơn sáu giờ ba mươi.

Anh vào trong xe ngồi kế bên Kay.

“Một cuộc hẹn hò,” nàng nói. “Giống như thời xưa. Suốt ngày cho đến khuya đêm nay. Đó là những gì anh đã nói.” Nàng vùng vằng gằn giọng.

“Anh cần đưa họ trở lại đây, bằng cách nào đó. Dẫu sao thì em cũng ngủ suốt lộ trình. Vậy nên có họ hay không có họ thì cũng thế thôi mà cưng.” Anh vỗ về làm hòa.

Nàng nhún vai. Đó không phải là cái nhún vai hòa giải. Có hai loại người vợ trong cách sống này. Có một lần chàng đã kết hôn với loại người vợ kia. Nhưng cuối cùng, một người vợ như Apollonia, có nghĩa là một mẫu người vợ giống như mẹ chàng, một cô gái Sicily luôn phục tùng theo từng lời nói của chồng, sẽ không phù hợp với chàng, và chắc là không phù hợp với các con chàng, không phù hợp với nước Mỹ ngày nay.

Tuy nhiên chàng không thể công khai quan điểm này, nhất là trước mặt người khác. Ngay cả những thuộc hạ trung thành nhất của chàng cũng không nên thấy người chủ Gia đình phạm một điều yếu đuối nào, cho dù nhỏ nhặt đến đâu.

“Công việc,” Michael nói. Đó là mật mã, trong cuộc sống lứa đôi của họ, cho chuyện này không phải để tranh cãi.

“Anh nói đúng,” nàng nói, nén lòng cam chịu. “Tất nhiên rồi”

Họ ngồi xe về nhà với những khúc ca cao - bồi từ chiếc radio.

Bố mẹ Kay đã đậu xe trên đường đỗ xe trong sân nhà. Bên kia đường, trước mặt vị trí xây dựng dành cho ngôi nhà của Connie, em gái Michael, là một chiếc Plymouth màu xám, một loại xe thường dành cho cớm, và hiện do một tay cớm thuộc cấp của Al Neri chăm sóc.

Từ bên trong nhà vọng ra tiếng ồn của một loại opera than khóc rền rĩ mà Michael không thể nói được là loại gì. Không giống như Petes Ria Mép Đĩ Trai, Michael chưa bao giờ cảm thấy nhu cầu tỏ ra hứng thú với opera. Âm nhạc trong nhà toàn do Kay chọn.

Kay nhăn nhó cau mày và rồi đảo tròn mắt. “Ồ, Bố,” nàng kêu lên.

Quan hệ lạnh nhạt giữa nàng với bố mẹ nàng làm Michael bối rối. Họ đã đứng vào phía nàng đối với mọi việc nàng muốn làm. Các nhân viên liên bang từng có lần đi vào cùng cuộc nghiên cứu trong đó bố nàng viết trong các bài thuyết pháp đã gọi Michael là một tên găng-x-tơ, một kẻ sát nhân, thế nhưng khi nàng quyết định lấy chàng, họ không hề do dự để chúc phúc cuộc hôn nhân ấy. Âm thanh vọng ra từ chiếc hi-fi trong phòng riêng của Michael.

“Ông ấy đang ở trong phòng riêng của anh.

“Ông ấy đã mất thính giác rồi, trong số những thứ khác nữa,” Kay nói. “Hãy dễ dãi lượng thứ cho ông ta”

“Ông đang ở trong phòng riêng của anh,” Michael lặp lại.

Nàng vuốt phẳng chiếc váy và hướng về sân sau nơi mẹ nàng đang đong đưa Mary trên chiếc ghế xích đu. Michael gật đầu chào và đi vào bên trong.

Anh bước lên mấy bậc thang và đi qua phòng ngủ. Căn phòng bị xốc tung lên, bừa bộn, ngổn ngang. Hai đứa trẻ tóc đỏ mà trước nay anh chưa từng thấy, đang chơi trên thảm với những chiếc xe tải Tonka. Thorston Adams, bố vợ chàng, ngồi đằng sau chiếc bàn giấy hiện đại màu tóc vàng Đan mạch của Michael. Anthony đang ngồi trong lòng ông ngoại. Mỗi người đều nhắm mắt lim dim và đầu ngã ra sau giống hình ảnh Chúa Jesus thanh thản với lạc phúc. Michael đi ngang căn phòng và vặn nắm điều chỉnh âm lượng của chiếc hi-fi treo trên tường.

Tia nhìn hốt hoảng của Anthony trông giống làm sao với tia nhìn của Kay mấy phút trước đó khiến trái tim của Michael nhói lên. Mấy đứa bé đang chơi trên thảm lật đật đứng lên và chạy ra xa.

“Chào bố,” Michael lên tiếng.

“Tôi có hơi tự tiện - ”

“Quên đi,” chàng nói. “Có sao đâu.”

“Có phải chúng ta đang có quá nhiều rắc rối?” Anthony bối rối hỏi.

Môi trên của cậu bé run run và đôi mắt nó mở to. Michael từ trước tới giờ có lẽ từng đét đít thằng bé hơn ba lần. Bất kì ai nghĩ rằng mình có thể giải thích mọi chuyện mà con người làm đều có thể khôn hơn ra đơn giản chỉ bằng cách có một vài đứa con. “Không đâu, cưng” Michael nói. “Con không gặp rắc rối gì đâu.” Chàng nhấc Anthony lên và ôm siết thằng bé một phát. “Con thích cái đó? Âm nhạc đó?”

“Con đã nói với Ngoại là chúng ta không nên - ”

“Được rồi. Không sao cả,” Michael vội trấn an con. “Con và Ngoại đang nghe nhạc gì vậy?”

“Nói Ba con nghe đi, Tony,” Thorston bảo cháu, và mang lại đôi mắt kính tròng đen, dày lên.

“Nhạc Puccini”

“Ông ấy là người Ý,” Thorston nói. “Chết lâu rồi, dĩ nhiên.”

“Con biết chuyện đó” Michael nói.

“Nói lại nghe coi?” Ông già Thorston đã nặng tai nhiều.

Michael lên giọng. “Puccini đã chết. Bố ăăăn gì khôôông? Muốn con làm món gì cho bố không?”

“Agnes đang nấu xoong thức ăn đấy. Hình như là thịt hầm đậu thì phải” Thorston nói.

Michael chẳng ngửi thấy gì cả. Lạ này, cái gì đang được nấu nướng mà lại chẳng nghe mùi gì cả?

“Puccini chết rồi sao?” Anthony nói, mặt tái nhợt.

Michael vò đầu tóc con. “Ông ấy đã sống một cuộc đời tốt đẹp, ông Puccini ấy,” Michael nói, mặc dầu chàng chẳng biết tí gì về cuộc đời Puccini cả. Anh có thể cảm nhận thằng bé đang thư giãn khi nghe bố nói thế. “Mấy nhóc kia con nhà ai vậy?”

“Láng giềng của con đấy,” Thorston trả lời thay cháu. “Sân sau nhà chúng và sân sau nhà con giáp nhau. Có vẻ như chúng rất thích làm bạn với Tony và Mary. Nào, Tony. Ông cháu mình nên đi thôi. Xin lỗi nếu bố - ”

Michael chỉ trao đến bố vợ một tia nhìn, nhưng là một tia nhìn nặng trĩu ý nghĩa rằng “Thế đã là quá đủ rồi đấy nhé!” Anh đặt con trai xuống, khép cửa lại và trở về đơn độc.

Vòi sen ở phòng kế bên bắt đầu chảy rào rào. Kay đang tắm. Michael khoác lên người chiếc tuxedo, chiếc áo chàng mặc vào ngày cưới. Chàng liếc nhìn trộm Kay qua lớp cửa kính phòng tắm và quay lại phòng riêng để thay đồ.

Fredo đã nghĩ đúng, điều có lẽ một ngày nào đó sẽ là bài minh trên mộ chí của anh chàng. Chẳng hạn, chiếc xe kia. Đó quả là một chiếc xe rất tuyệt với một lưới bảo vệ bằng vàng và những bánh xe có nan hoa hình lưỡi kiếm. Michael vẫn còn nghĩ Fredo là một anh chàng lãng du vô tích sự vì đã mua những chiếc xe lòe loẹt sặc sỡ như thế hay bộ thiết bị hi - fi to đùng choán cả một bức tường chỉ mấy phòng thu âm mới cần đến chứ ở nhà riêng ai mà dùng đến mấy thứ này. Vả lại Michael chưa bao giờ là người chịu phí thời giờ để nghe nhạc thu âm.

Chàng ngồi vào sau bàn giấy, ý thức hoàn toàn là mình đã kiệt sức đến thế nào. Hai ngày ở New York, một ngày ở Detroit, rồi thì sự khác biệt về múi giờ và sự tập trung đầu óc khá căng thẳng cho chuyến bay đến Hồ Mead và trở về. Và anh còn có điều hứa hẹn là một đêm dài ở đằng trước: những cuộc họp ở Lâu Đài Trên Cát, những tin tức sắp đến từ Đảo Rắn Rung Chuông, xuất hiện tại một sô diễn của Fontane và chuyện sau đó. Nghi lễ. Michael lơ đãng lướt một ngón tay quanh chu vi của cái gạt tàn lớn bằng sứ với nàng tiên cá trên một hòn đảo gợn sóng ở giữa. Cái gạt tàn này trước kia là của Bố. Vết nứt nơi chiếc gạt tàn đã được gắn vào phía sau vẫn còn thấy được. Michael đốt một điếu thuốc với chiếc bật quẹt to để bàn cũng của Bố, cao 6 inches và được tạo dáng giống con sư tử. Anh gõ các ngón tay lên chiếc bàn giấy màu vàng và nghĩ về thú chơi golf. Golf quả là một ý tưởng... sáng chói, vừa như một môn thể thao, vừa là thú tiêu khiển, vừa là một phương tiện thư giãn lại vừa là một phương cách kinh doanh. Và những cây gậy đánh golf được đặt làm theo ý mình. Tuyệt.

Chàng rơi vào giấc ngủ sâu đến độ chàng có thể giữ nguyên tư thế đó, ngồi co ro trên ghế và quên hết sự đời trong suốt phần đêm còn lại.

Đột nhiên anh thức giấc. “Mình không ngủ mê” anh nói.

Một bàn tay của Kay đặt trên vai anh. “Em thấy mình dòm lén em tắm đó. Lêu lêu!”

“Ô, xấu hổ quá! Xin lỗi nhé!”

“Đừng mát - xờ - cỡ! Vậy là em vẫn còn cái gì mới lạ chưa khám phá hết nên mình mới tò mò chứ. Khi nào mình hết thèm dòm lén nữa, lúc đó em mới bối rối đấy!”

“Em khéo đùa ghê! À, mà em thay đồ đẹp quá, định đi đâu vậy?”

Nàng cau mày. Đi nghe Johnny Fontane hát, tất nhiên rồi. Bộ anh quên rồi sao. Nào. Chúng ta đi chứ.”

“Đi nghe Fontane?”

“Chuyện này cũng giống như khi bạn sống ở New York và có thể leo lên tương Nữ thần Tự do để ngắm toàn cảnh bến cảng bất kì khi nào bạn thích nhưng lại chẳng bao giờ làm. Johnny Fontane đã hát ở casino của anh biết bao lần - ”

“Chúng ta là đối tác trong đó.”

“ - từ mấy tuần nay rồi. Chúng ta có thể đi nghe anh ấy bất kì lúc nào nhưng chúng ta lại không bao giờ đi. Anh có nhận ra rằng đã mười năm rồi kể từ khi em nghe anh ấy hát dịp đám cưới em gái anh? Đó là lần đầu tiên, lần cuối cùng và cũng là lần duy nhất.”

Rồi nàng cười lớn.

“Xem mặt anh kìa!” nàng nói. “Phải rồi, phải rồi, công việc, anh chả lúc nào mà không có công việc. Thôi đi mà lo công việc của anh đi. Em dẫn Má và Ba và mấy nhóc đi ăn tối ở quán thịt nướng mới mở.”

“Anh nghĩ má em đang làm món chiên xào gì đấy.”

“Anh đã thưởng thức tài nấu nướng của Má chưa?”

Michael hôn vợ. Anh cảm ơn nàng về một ngày tuyệt vời và cả một cuộc sống lứa đôi tuyệt vời. “Đừng thức khuya đợi anh nghe. Anh sẽ về muộn lắm đấy.”

“Anh luôn luôn thế.” Kay mỉm cười khi nói điều ấy, nhưng cả hai đều biết đó không phải là lời nói đùa.

“Chuyến bay tốt chứ?” Hall Mitchell, chiến hữu cũ cùng binh chủng Thủy quân Lục chiến, đang mặc đồ chơi golf, chào hỏi Michael. Anh chàng này bị tật nói ngọng, lẫn lộn các âm lr và thường bị đồng đội trêu ghẹo về chuyện đó. Trêu ghẹo để đùa chơi vậy thôi chứ bạn bè ai cũng mến cái tính xởi lởi, thẳng ruột ngựa của anh chàng.

“Bình an vô sự,” Michael đáp lời, ôm chặt đôi cánh tay người anh em cũ. “Tốt lắm.”

Phía sau Mitchell, đã sẵn sàng ở đó là Tom Hagen. Hagen và một anh chàng cao bồi tóc trắng đang đứng. Một ông đầu hói trong chiếc xe lăn vươn dài bàn tay ra để bắt tay. Michael là người duy nhất mặc áo tuxedo. Chưa đến hoàng hôn nhưng không còn cơ hôi thực sự nào để thay đổi.

Những bức tường trong phòng làm việc của Mitchell được phủ kín với hình ảnh của những người nổi tiếng, chỉ trừ một bức ảnh chụp nhanh cách nay đã mười hai năm gồm Trung sĩ Mitchell, Binh nhất Corleone và một đám Thủy quân Lục chiến, đứng trước một chiếc tăng bị đốt cháy của quân Nhật trên bãi biển Guadalcanal. Văn phòng nhìn qua lối ra vào chính của Lâu Đài Trên Cát. Mái che lối đi ghi hàng chữ CHÀO MỪNG LAO ĐỘNG HOA KỲ!; ngày mai tên của Fontane sẽ trở lại ngự trị vị trí đó. Trên quảng trường lát đá cẩm thạch bên dưới, các viên chức công đoàn đang đi đến để dự hội nghị sẽ khai mạc ngày mai, cũng như những người bạn khác của Gia đình Corleone.

Mitchell mời Michael ngồi vào chỗ đằng sau bàn giấy của anh ta mặc dầu Michael sẽ không ngồi ở đó đâu. Người ngồi xe lăn là chủ tịch một ngân hàng ở Las Vegas. Ông tóc trắng mặc đồ cao - bồi là một luật sư, hiện nay hành nghề tư sau một nhiệm kì giữ chức Tổng chưởng lí của bang và sau đó đảm nhận chức chủ tịch Đảng Cộng hòa Bang Nevada trong nhiều năm. Trên giấy tờ thì hai vị này cùng với Mitchell và một công ty cổ phần bất động sản do Tom Hagen kiểm soát là bốn cổ đông lớn nhất của Casino. Công ty xây dựng của Michael, trên giấy tờ, là cổ đông thứ sáu, sau người anh là Fredo; tay này trong một động tác mạo hiểm vốn đã gây ra nhiều tranh luận trong Gia đính Corleone cũng như nơi Ủy ban Cờ bạc Nevada - đã sử dụng chính tên mình. Fredo cũng được dự định là sẽ có mặt ở đây.

“Fredo Corleone gửi lời xin lỗi,” Hagen nói. “Chuyến bay của anh ấy bị hoãn lại vì lí do bất khả kháng”

Michael chỉ gật đầu. Không có gì để nói thêm, không chỉ vì có sự hiện diện của những người khác bên ngoài gia đình và nhất là trong căn phòng này vốn chắc chắn là bị cài máy nghe trộm.

Cuộc họp kéo dài khoảng một giờ. Không chỉ thuần túy là kịch trường - cả vị chủ tịch ngân hàng lẫn vị luật sư mặc đồ cao - bồi đều không ai mang ý tưởng rằng các viên chức thi hành pháp luật đang lắng nghe - và hội nghị cũng không khác với từ bất kì hội nghị nào của những cổ đông hàng đầu của bất kì công tư tư nhân nào: những vấn đề mua bán, những vấn đề riêng tư, đánh giá tính hiệu quả của những cố gắng tiếp thị và quảng cáo hiện nay. Suốt trong cuộc họp Michael hầu như không phát biểu gì. Đầu óc của anh còn hướng tới hai cuộc họp sắp đến. Cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong hội nghị lần này liên quan đến việc đặt tên cho Casino mới ở Hồ Tahoe. Ý tưởng của Hal Mitchell - Lâu Đài Trên Mây - nổi lên như là lựa chọn được đồng thuận rộng rãi nhất.

Khi họ kết thúc, Michael nói anh hi vọng anh sẽ gặp mọi người và các bà vợ của họ tại sô diễn dành cho VIP của Fontane. Xét cho cùng thì Johnny là đối tác mới của họ với mười phần trăm cổ phần trong Lâu Đài Trên Mây. Những người khác bảo rằng họ nhất định sẽ không để lỡ.

Hagen đợi cho họ rời đi và rồi thực hiện một cuộc gọi nhanh cho cho Louie Russo.

“Don Russo hiện đang trên đường tới Chuckwagon,” Hagen nói với Michael.

Họ bắt đầu ngồi vào các ghế dựa.

“Có chuyện gì với Fredo vậy?” Michael hỏi.

“Ngày mai anh ấy sẽ đến sớm mà,” Hagen nói. “Anh ấy ổn thôi. Có hai cận vệ theo sát anh ấy”

“Anh muốn nói với tôi về tay thợ cạo và tay chăn dê đấy à?”

“Đúng thế.”

Michael lắc đầu. Tay thợ cạo được dự định loại bỏ sự hoài nghi trong tối nay, sau sô của Fontane. Đó sẽ phải là một sự ngạc nhiên - đó là cách các cuộc lễ khai tâm được thực hiện. “Vậy tại sao Fredo lại lỡ chuyến bay, hở?”

“Tôi không rõ lắm. Người ta vẫn thường lỡ chuyến bay đấy thôi, tôi đoán là thế.”

“Nhưng anh không lỡ.”

“Thật ra thì hôm nay tôi cũng có lỡ chuyến đấy,” Hagen nói.

“Vậy nhưng anh vẫn có mặt ở đây, đúng giờ.”

Hagen không nói gì. Anh vẫn luôn yếu lòng với Fredo.

“Vậy thì chuyện là sao nào?” Michael nói. “Palm Springs.”

“Chính là chuyện anh và tôi cần bàn đây. Chúng ta nhắm đúng đích rồi đấy.”

Họ đi qua phòng lobby để đến quán cà phê Chuckwagon vốn chỉ mở vào giờ điểm tâm thôi. Michael có chìa khóa. Anh và Hagen ngồi vào một bàn nơi góc khuất. Lát sau, một trong những phụ tá của Hal Mitchell đưa Russo và hai người của lão ta vào quán cà phê và khóa cửa lại sau họ. Russo là một người da nhợt nhạt, người quấn tấm chăn, với đôi kính râm to tướng và đôi bàn tay nhỏ xíu. Lão ta đi thẳng tới bảng công-tắc ở trên tường, tắt hết đèn. Người của lão ta đóng các bức mành sáo.

“Xin chào, bạn mang theo cả consigliere là hay đấy.” Lão có giọng cao the thé kiểu giọng con gái.

“Chúc mừng đến Lâu Đài Trên Cát, Don Russo.” Hagen đứng lên, nụ cười rộng mở của anh ta lại chính là dấu hiệu duy nhất cho đức tính... thiếu thành thật của anh ta!

Michael chẳng nói gì cho đến khi người của Russo rút qua phòng và ngồi xuống trên những ghế đẩu cao ở quầy.

“Tôi bảo đảm với ông, Don Russo à,” Michael nói, vừa chỉ tay vào những trang bị cố định nhẹ ở trên anh, “chúng tôi đã thanh toán hóa đơn tiền điện đầy đủ mà”

“Nhưng bóng tối tốt hơn,” Russo nói, vỗ nhẹ vào đôi kính râm của lão mà kích cỡ của chúng càng làm cho lỗ mũi của lão trông càng giống hơn với một con “kẹt” treo ngay giữa mặt! “Có tên đê tiện hạ cấp nào đó đã cố tình nhắm bắn tôi xuyên qua cửa sổ của một tiệm bánh kẹo. Mảnh kính đã cắt vào mắt tôi. Tôi vẫn nhìn thấy rõ nhưng phần lớn thời gian ánh sáng vẫn làm cho mắt tôi xốn, khó chịu.”

“Tất nhiên rồi,” Michael nói. “Chúng tôi chỉ muốn cho ông được tiện nghi thôi.”

“Tôi biết điều ấy làm phiền anh,” Russo nói, vừa ngồi xuống bàn,” khi tôi tắt hết mọi ngọn đèn và khép các bức rèm che mà không nói lời nào. Phải không nào? Bây giờ thì anh biết điều ấy cảm thấy thế nào?”

“Cái gì cảm thấy như thế nào?” Hagen gằn giong.

“Hượm nào, anh bạn Ái Nhĩ Lan! Bạn biết tôi muốn nói gì, và ông chủ của bạn chắc chắn cũng biết. Các anh, dân New York, anh nào cũng giống nhau. Các người đã từng thương lượng và thỏa hiệp với nhau. Mọi thứ về phía Tây của Chicago là của Chicago. Thế rồi chẳng mấy chốc các người nhận ra là chẳng có cái quái gì ở phía Tây của Chicago cả, thế là các người đạp ngược pê - đanh, xoay vòng ngôn hànp80 độ! Al Capone đã hưởng trọn lộc rơi vào tay hắn và các người nghĩ cái thằng “chồn lùi” bị bệnh giang mai xứ Napoli ấy là toàn bộ Chicago. Còn chúng tôi. Chúng tôi chẳng được coi có kí lô nào cả! Các người đặt ra cái Ủy ban Tối cao kia, và chúng tôi có là thành phần trong đó không? Không. Moe Greene vớ tất cả khoản tiền từ New York đó và xây dựng Las Vegas. Chúng tôi đâu được hân hạnh tham khảo ý kiến. Các người tràn lên và gọi đây là một thành phố mở. Và các người biết tôi nghĩ gì? Tôi nghĩ tuyệt quá. Mở ra công việc ở Miami. Công việc ở Havana và tôi hi vọng vào Chúa rằng tình trạng sẽ như thế. Và công việc đang chạy có lẽ tốt nhất ở đây. Nhưng tại sao lại phải thiếu tôn trọng đến thế? Chúng tôi không đến được mức như yêu cầu. Đó là quan điểm của tôi. Tuy vậy chúng tôi vẫn chấp nhận điều ấy. Chúng tôi không ở trong tư thế để lí sự. Chúng tôi rơi vào những năm khó khăn mà không có gì được tổ chức tốt. Thôi quên đi. Chuyện xảy ra là - tôi không muốn nói là các người đã lợi dụng tình hình đó, nhưng mà chúng tôi đã thiệt thòi quá nhiều. Được rồi. Vegas hiện đang chạy đều. Ở Chicago, mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát. Ở New York, trong một thời gian ngắn, có máu chảy trên đường phố do những vụ thanh toán lẫn nhau, nhưng theo chỗ tôi nghe được thì các người đã tái lập hòa bình. Tôi cầu mong chuyện này là thật. Quan điểm tôi là thế này. Trong thời kì mấy người gặp lộn xộn, tôi có nghĩ là A, đây là cơ hội để giành lấy lợi thế so với các ông bạn ở New York? Thưa không. Tôi đứng ngoài cuộc. Tôi không muốn các người làm cuộc diễu binh cho tôi xem hay bất kì chuyện gì, nhưng lạy Chúa. Tôi nhận lại được gì từ sự nể nang mà tôi dành cho các người trong thời điểm khó khăn của các người. Các người rầm rộ di chuyển toàn bộ tổng hành dinh về đây. Ngay đây! Được coi là nơi chốn mở và, nếu các người muốn nói một cách kĩ thuật, là thuộc quyền của chúng tôi, cứ lí mà nói. Tôi không đến nỗi đần độn chứ, phải không? Nhưng tôi không phải là luật sư như anh chàng Ái Nhĩ Lan này đây, và tôi cũng chưa từng hân hạnh đặt chân đến trường cao đẳng, đại học nào sất! Học nhiều càng thấy mình ngu chứ có được cái tích sự mẹ gì! Học cũng tốt, không học càng tốt hơn. Quan trọng đéo gì! Quan trọng là người ta sống phải biết điều với nhau, biết tôn trọng cái đạo luật bất thành văn, đó là cái đạo nghĩa giang hồ với nhau. Tôi nói các người nghe có lọt tai được không nào?”

Louie Russo được cho là có thương số thông minh (I.Q.) chỉ 90 thôi nhưng lão lại là một thiên tài trong việc đọc ý nghĩ người khác. Còn đôi kính râm khổng lồ lại làm cho người ta khó đọc được ý nghĩ của lão.

“Tôi quý trọng đức tính thành thật của ông, Don Russo à,” Michael nói. “Không có gì khiến tôi quý trọng hơn là một con người trung thực.”

Russo lầm bầm điều gì đó không rõ.

“Tôi không biết ông lấy thông tin ở đâu,” Michael nói, “nhưng thông tin đó không đúng. Chúng tôi không hề có những kế hoạch để điều hành Las Vegas. Chúng tôi chỉ ở đây tạm thời thôi. Tôi có đất ở Hồ Tahoe, và một khi chúng tôi hoàn tất một số công trình xây dựng ở đó thì đó mới là địa chỉ thường trú của chúng tôi.”

“Tôi có kiểm tra rồi,” Russo nói, “Tahoe cũng ở về phía Tây Chicago mà.”

Michael nhún vai. “Đến lúc nào đó, điều đó sẽ chẳng có liên quan gì đến ông.”

“Nhưng hiện nay thì nó có liên quan đến tôi.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay