Bố già trở lại - Phần III - Chương 13 - Phần 1

Chương 13

Kế hoạch cho Billy Van Arsdale và Francesca Corleone là bay từ Florida đến New York cùng với mấy cậu em của Francesca, mẹ cô và vị hôn phu muôn thuở của bà, Stan - Người Bán Rượu Mùi, nhưng bố mẹ của Billy tặng quà Giáng sinh sớm cho cậu ta: một chiếc Thunderbird (Chim báo bão) trông rất gồ ghề, trong khi chờ cậu ngày cậu từ trường về nhà trong chiếc ô tô cũ cọc cạch, một chiếc Jeepster cũ mà Billy thích có phần vì nó làm phiền lòng bố mẹ cậu ta nhưng chuyện đó nói thật ra, rất được việc khi đưa nó từ Tallahassee trở về Palm Beach. Cơ hội để ngao du trên đường thiên lí trong một chiếc xe như chiếc Thunderbird mới cáu kia, cậu bảo Francesca qua điện thoại, là quá tuyệt để có thể bỏ lỡ. Cô nghĩ mình hiểu điều gì anh muốn nói, nhưng cô chẳng nói gì về chuyện đó và cậu cũng không. Vé máy bay đã mua rồi, nhưng bố mẹ Billy, đang đi trượt tuyết ở Áo, đã gọi cho đại lí lữ hành và dặn cậu lo hồi vé để lấy lại tiền.

Đêm trước cuộc đi xa, Billy lái xe xuống Hollywood. Trước đây cậu ta từng đến đó một lần, vào ngày lễ Tạ ơn, một tháng sau khi cậu và Francesca bắt đầu hẹn hò, và dường như đã tạo được ấn tượng tốt đối với mọi người, trừ Kathy, cô nàng tỏ ra lạnh lùng với Billy suốt thời gian chàng ở đó, và rồi, tuần lễ sau Kathy viết thư cho Francesca để nói rằng mình rất thất vọng khi thấy lòng tự ố của Francesca lại sâu xa đến thế. Và đây là “bản dịch” của Francesca: Kathy ganh tị với mình đến chết được.

Tuy nhiên, khi không có Kathy, thì mọi người khác trong gia đình lại giành về phần mình chuyện làm cho Billy phải lúng túng, khó xử. Ngay cả trước khi cậu kịp có cơ hội ôm Francesca một cái, Ông Ngoại Francaviglia đã ép cậu đi đến nhà kế bên để giúp gắn cái toilet mới. Giữa lúc làm dở chuyện đó, Bà Ngoại đi vào mang một đĩa những lát cam cắt, có lát cắt từ trái vườn nhà bà, có lát từ cam ở Florida, yêu cầu cậu nếm thử xem lát nào là từ loại cam nào và cam nào ngon hơn cam nào. Rồi tất cả đi ăn ở một quán chuyên bán bít - tết loại dưới mức bình dân chỉ vì đó là quán của người anh em họ của tay huấn luyện viên bóng đá của Frankie. Frankie hỏi Billy tại sao lại chơi bơi lội mà không làm cầu thủ bóng đá, có phải vì anh bị đuổi khỏi đội bóng không? Francesca suýt đá vào chân cậu em dưới bàn, nhưng Billy - dầu bị hỏi câu quá nhột, một câu hỏi dễ khiến người khác quê độ - vẫn bình thản như không, nói rằng đúng là sự vụ đã xảy ra như thế và kể câu chuyện tếu về sự cố đó. Còn Chip thì làm đổ Coca lên người Billy. Hai lần. Lẽ nào đó có thể thực sự chỉ là ngẫu nhiên khi một đứa bé mười tuổi làm đổ nước uống của mình, hai lần, lên cùng một người? Mọi người, trừ Francesca, dường như nghĩ thế. Ồ, ngẫu nhiên thôi. Chứ không hề có ý “thử rể” đâu nhé!

Sandra, bà via của Francesca, thanh tra việc Billy chất quà Giáng sinh vào va li và lên chỗ ngồi đằng sau xe (một đòn phép khéo léo của chàng ta để ngăn bà má vợ tương lai không đi cùng chuyến đi xa này - khỏi có kì đà cản mũi!), rồi hộ tống Billy và Francesca qua nhà ông bà ngoại ở kế bên, nơi Billy cảm thấy mình bị lưu đày như một kẻ ngăn cản sự thân mật của gia đình người ta. Lúc đó chỉ mới chín giờ rưỡi nhưng ngày mai họ sẽ có một ngày dài. Lí do duy nhất mà Billy qua đêm tại đây - nhà anh chỉ cách đấy một giờ chạy xe - đó là để cho sáng sớm mai, ngay từ lúc rạng đông họ có thể khởi hành và hai đứa phải trung thành với lời hứa là lái xe suốt ngày và đêm, suốt hai mươi bốn tiếng, thẳng một mạch đến New York mà không ngừng ở bất kì khách sạn nào. “Và nếu các con buộc phải ngừng,” Sandra lúc ấy lên tiếng, và dặn đi dặn lại, “vì, lạy Trời đừng xảy ra, một lí do bất khả kháng nào đó, các con sẽ làm gì?”

“Sẽ thuê phòng riêng, Má à,” Francesca nói bằng giọng trang trọng. “Gọi cho Má biết rằng chúng con bình yên.”

“Gọi khi nào?”

“Gọi liền. Ngay tức thì, Má à. Thôi nào, đừng nói chuyện đó nữa.”

“Và biên lai cho những phòng riêng?”

“Chúng con sẽ trình cho Má để chứng minh điều đó.” Như thể điều đó sẽ chứng minh được cái gì. “Má à, nói mãi chuyện này điên quá.”

Sandra bắt Billy lặp lại bài kinh kia. Cậu chiều ý má vợ tương lai. Sandra gật đầu và phán rằng thế là tốt, bà tin tưởng chúng, và bà không thích nghĩ đến điều gì có thể xảy ra nếu lỡ như chúng phản bội lời thề. “Má biết rằng các con muốn có một nụ hôn âu yếm dịu dàng để chúc nhau ngủ ngon,” bà nói, “vậy nên má để cho các con được vài phút riêng tư, nhé?”

Ngụy thiện. Đạo đức giả. Francesca nghĩ. Khi xưa bà via mới cỡ tuổi mình đã mang bụng bầu lặc lè rồi.

“Anh yêu em,” Billy thì thầm, nghiêng người chầm chậm về phía nàng, và nàng cũng thì thầm lại câu đó, đôi môi nàng còn chuyển động với mấy từ khi chàng hôn nàng. Như được kích hoạt bởi nụ hôn, đèn ở cổng vòm bỗng sáng lên.

“Anh yêu mến gia đình em,” Billy nói.

“Anh thật là kì dị.”

“Em mong muốn họ thôi quấy rầy em, nhưng những ai không có được những gì em có đều mong ước họ có được điều đó.”

Đây không phải là lần đầu mà nàng e ngại rằng Billy đến với nàng chỉ vì nàng khác biệt, nàng là ngoại lai, là gái Ý, một phương tiện để gây sốc bố mẹ chàng nhưng không cực đoan bằng ra ngoài với một em da đen. Hay một em da đỏ, như cô bạn cùng phòng Suzy. Nhưng đây là lần đầu nàng thu hết can đảm để nói một điều gì về chuyện đó. “Anh có chắc là anh không yêu em vì gia đình em?”

Chàng lắc đầu và nhìn lảng ra xa. Ngay tức thì nàng ước chi mình đã không nói ra câu đó. Hẳn là chàng đã nói hay nghĩ điều này về mọi cô gái mà chàng từng hẹn hò, kể cả chính Francesca. Khi nàng bắt đầu xin lỗi, chàng nghiêng người về phía nàng và hôn nàng lần nữa, chạm vào nàng chỉ bằng đôi môi nồng ấm chứ không bằng cái gì khác, và giữ nguyên như thế. Khi nàng mở mắt, thì đôi mắt chàng đã mở ra trước rồi.

Trước buổi trưa ngày hôm sau, hai cô cậu đã đãng kí như là vợ chồng tại một khách sạn nhỏ trước bờ biển phía bắc Jacksonville. Francesca ngại rằng người thư kí quầy tiếp tân sẽ phản đối - vì cả hai đứa chẳng đứa nào đeo nhẫn cưới cả - nhưng Billy “boa đẹp” cho tay thư kí khi làm thủ tục lấy phòng. “Có lẽ em sẽ ngạc nhiên,” chàng nói khi cả hai bước vào phòng mình, “với sự kín miệng mà ta có thể mua được với hai mươi đô.”

Giờ đây Francesca đứng trong phòng tắm và lấy ra chiếc áo khoác ngoài mỏng nhẹ mà nàng đã - biết rằng mẹ sẽ lục xét hành lí của mình - cuộn nhỏ lại và giấu trong ví.

Okay. Nàng nghĩ. Tiến hành thôi. Cô nhìn mình đang cởi bỏ quần áo, như thể mình là ai khác, trọn vẹn hình ảnh trong gương. Một cô gái - một phụ nữ - trong những giây phút cuối cùng còn trinh trắng. Và sắp sửa tự nguyện “bế mịch” cuộc đời trinh trắng đó. Để về đâu, về bến đục hay trong? Cởi nút áo, mở thắt lưng, tuột ra, nhanh nhanh lên. Gấp mỗi mảnh quần áo lại, đặt từng mảnh thận trọng lên bệ đá cẩm thạch, như thể nàng e sợ nó sẽ nổ tung. Vỗ tay vào bụng. Chà đôi tay lên những chỗ lõm nhỏ trên da thịt mình nơi dải xu - chiêng thường đè xuống, thử làm cho chúng biến đi. Nhún nhảy xoay quanh, vươn cổ cao lên để xem mình trông ra thế nào từ phía sau. Nàng cho tay vào tóc và lùa xuống xem tóc mình xõa ra thế nào. Nàng thấm nước hoa vào các đầu ngón tay, thoa vào tất cả những nơi mà bất kì người phụ nữ nào ở tiệm trang điểm cũng sẽ khuyên làm thế rồi cúi cong đầu và chầm chậm đưa gần đến điểm đỏ hồng giữa vùng lông đen giữa hai chân và cũng chấm nhẹ vào đó. Bộ ngực nàng khá lớn và hơi cồng kềnh, vướng víu, lại thiếu cân xứng: bộ ngực của cô gái quê trong một bức tranh vẽ cánh đồng lúa mới thu hoạch một nửa (hoặc giống ngực Má, người cuối cùng trên trái đất mà Francesca muốn nghĩ đến lúc này). Cô hít một hơi thở sâu, giờ đây sâu hơn; đôi vú nhô cao lên, tạo dáng cho giống hơn với những cặp vú của các cô nàng trong các tạp chí sexy như Playboy, Penthouse, For Men Only... Nàng đỏ mặt lên nhưng hầu như nàng không nhận ra. Nàng tóm lấy chiếc áo khoác mỏng nhẹ bằng lụa, hẳn là đắt tiền từ chiếc ví màu nâu và cầm để trước mặt nàng bằng dải ruy - băng tinh tế nơi dây brờten đeo vai. Nàng ưỡn một bên hông ra, rồi lại ưỡn hông kia. Nàng nhíu mày. Chiếc áo khoác rõ là đẹp không ai chối cãi nhưng dường như không tương thích với người phụ nữ này, vào thời đoạn này. Nàng trải nó ra trên suốt chiều dài cánh tay và để nó rơi xuống bên trên đống quần áo xếp ngăn nắp của nàng. Nàng đứng đó, khỏa thân, thở không còn sâu nữa mà hơi nặng nhọc. Khỏa thân. Lõa thể. Nhưng không có gì giống với một bức tranh. Một phụ nữ thật sự, trẻ và sợ hãi. Nàng lắc đầu và cười nụ lặng lẽ rồi mỉm cười theo một cách mà nàng hi vọng là khôn ngoan hay ít nhất là dũng cảm. Nàng mở cửa và đối diện cửa ra hành lang. “Okay,” nàng nói (Có phải đó là ta? Francesca nghĩ, giọng nói đó của một cô gái linh hoạt, đầy năng lực?), “hãy nhắm mắt lại” Nàng khoanh hai tay bên trên đôi vú, tự ôm mình, nhắm đôi mắt lại, và nổi lên trong tính không chắc chắn, tính không thể tránh của phòng kế bên.

Họ lên kế hoạch những lần dừng của mình từ nhiều dặm đường trước, tìm những trạm đổ xăng nơi họ sẽ không phải chờ đợi người bán. Để bớt những lần dừng, họ cố gắng uống thật ít nước trong mức độ có thể. Họ không ăn thứ gì khác ngoài sandwiches, trái cây và ít bánh ngọt Strufoli từ cái giỏ picnic mà Bà ngoại gửi đến. Họ dự định mỗi người sẽ ngủ nhiều nhất trong mức có thể trong khi người kia lái, và Francesca đã thử làm như thế, nhưng giữa việc lấy lại bốn giờ trải qua nơi Quán Sand Dollar và tốc độ chóng mặt mà Billy lái chiếc Chim Báo Bão kia, cố gắng để bù lại bốn giờ, vù vù qua mặt các xe kéo và những chiếc Chryslers chở những gia đình nhẩn nha đi dạo - chưa nói đến thói quen của Billy là mở radio liên tục để nghe những ca khúc blues hoặc những bài ca của Johnny Fontane - nên nàng chỉ nhiều nhất là nhắm mắt lại cho đỡ mõi mắt thôi chứ không tài nào ngủ được.

Một cảnh sát giao thông chận xe họ lại. Billy trình giấy lái xe, giấy đăng kí chủ quyền xe và các giấy tờ khác, lầm bầm điều gì đó về “lịch sự”. Một lát sau họ lại lên đường, không bị phạt hay thu giữ giấy tờ gì cả, vẫn chạy vù vù như cũ. Những khoản hiến tặng rất đáng kể của bố cậu cho Hội Hữu Nghị Cảnh Sát, một lần nữa, lại được đền đáp. “Anh có thẻ Không Phải Bị Giam” Billy nói. Cậu ta đỏ mặt.

Quả là một thế giới lộn tùng phèo (an upside - down world), Francesca nghĩ, những hàng thông của bang Carolina nối tiếp chạy ùa qua bên cửa xe trong bóng lờ mờ đẫm hơi sương. Billy, chàng trai ông cụ non này mà nàng từng có lần tự ghét mình vì đã khá ngốc nghếch để tin rằng nàng có thể sở hữu, anh chàng chững chạc, người lớn nơi khuôn viên trường, chàng thiếu gia công tử này, giờ đây chỉ còn lại trước mắt nàng là một bạn trai, một bạn trai rất tốt, sẵn sàng làm vui lòng nàng, kêu gọi những ân huệ nhân danh nàng, mê cuồng vì nàng. Mọi sự bắt đầu ngày mà chị em sinh đôi của nàng rời đi. Đó cũng là ngày Francesca gặp Billy, nhưng việc Billy mê mệt nàng, cũng nhiều như chàng có ý nghĩa với nàng bây giờ, là một phó phẩm may mắn (a lucky by - product).

Khi lớn lên, Kathy vẫn luôn là đưa khôn lanh hơn trong hai chị em. Francesca là đứa bé xinh xắn, hay ít ra cũng là đứa quan tâm hơn đến việc tỏ ra xinh xắn; có nữ tính hơn. Kathy mang chất du mục, chất “bô - hê - miên” hơn, thích nhạc jazz hoang dã và phì phèo thuốc lá. Francesca là cô gái Công giáo ngoan đạo, thích làm đầu têu (cheerleader) trong các trò vui, chăm làm bài tập ở nhà hoặc giả bộ như thế. Nhưng khi không có Kathy ở gần thì Francesca - một cách vô thức - làm đầy phần trống nơi bản thể nàng nơi chị em nàng từng là bằng cách trở thành Kathy một cách nào đó. Cô không nhớ mình quyết định hút thuốc khi nào và lại chọn đúng loại thuốc của Kathy, nhưng có điều cô thấy hút thuốc giúp cô động não nhiều hơn và, như một hậu quả, học giỏi hơn! Cô thấy hăng say, năng nổ hơn trong học tập, thường giơ tay phát biểu và được thầy cô để ý, đánh giá tốt thái độ học tập tích cực.

Nhiều lần nàng đã thấy Billy Van Arsdale trong thư viện, ngồi học kế bên một cô gái hoặc bước ra từ một rạp chiếu bóng với một cô gái khác, rồi lại đi ra từ một trong những quán bar trên Phố Tennessee với một cô gái khác nữa. Đôi khi, Francesca cũng có hẹn hò (với một chàng sinh viên nào đó, không có gì đặc biệt) hay trong một nhóm học tập. Luôn luôn Billy sẽ gật đầu chào, thường thì giao tiếp bằng mắt, thỉnh thoảng cậu ta còn dừng lại và nói vài câu bông đùa. Cô ghét cậu vì chế giễu cô như thế. Cô lạnh lùng nhưng vẫn lịch sự với cậu, sợ rằng nếu cô tìm cách phớt lờ cậu hoặc, tệ hơn, mắng nhiếc cậu, cậu sẽ làm cho cô càng lúng túng hơn. Không một lúc nào cô tin rằng mình đang khai triển chiến thuật yêu thích của Kathy - thực vậy, đó là chiến thuật duy nhất của nàng - để làm cho bọn con trai thích nàng ta. Francesca có thể chẳng bao giờ biết rằng đó chính là điều nàng đang làm - dầu thiếu thận trọng cân nhắc đến đâu - nếu không phải là cho Suzy, đang sinh hoạt ở Glee Club với George, em của Billy. Một ngày nọ, lúc đang học bài cho kì thi giữa học kì, Suzy bảo Francesca rằng nếu nàng không thận trọng thì hành vi kiểu khó gần của nàng sẽ khiến cho Billy Van Arsdale không bao giờ đủ can đảm để tỏ tình với nàng.

Tỏ ra khó gần? Buồn cười thật. Francesca quá hiền lành dễ thương, quá sốt sắng chiều ý người khác, thiếu kĩ năng “chiến tranh cân não” cần thiết để cố đạt được điều mình muốn bằng cách làm bộ cự tuyệt nó, làm cho nó mất thể diện. Francesca bảo Suzy rằng cô mất trí rồi, nhưng Suzy kể lại với George, anh chàng này “trích dẫn” lại một cuộc nói chuyện giữa mình với anh mình về chuyện anh ấy hỏi cậu ta có học lớp nào chung với cô nàng Francesca Corleone không. Tại sao anh hỏi như thế? George vặn lại. Chẳng có lí do nào cả, Billy làm bộ tảng lờ. Sao, anh thích cô ta phải không? George hỏi. Thôi câm mồm, thằng óc đất sét, Billy quát, mày có cùng lớp cô ta hay không? Em nghĩ là anh đã bảo em câm mồm rồi mà, George nói kháy. Thôi bỏ qua chuyện đó đi, Billy giả lả. Em có học lớp nào chung với cô ấy không, nói anh nghe coi. Và George nói mình không có học lớp nào chung với Francesca cả nhưng mình cặp bồ với cô bạn cùng phòng với cô ấy. Làm thế nào bạn biết chắc họ đã nói tất cả những lời ấy? Francesca hỏi lại và Suzy nói mình cũng không biết nữa, tuy vậy tại sao George phải nói dối. Francesca đã nghĩ về cái cách mà các cậu em mình nói chuyện với nhau và nhận định rằng Suzy, cũng chỉ là một đứa trẻ, không thể bịa ra một chuyện như thế. Lần tiếp theo khi Francesca gặp Billy nàng không làm gì khác hơn là giữ tiếp xúc bằng mắt lâu hơn vài giây, nhưng tất nhiên là chuyện đó đem lại hiệu ứng tốt. Mấy giây sau chàng ngỏ lời mời nàng đi chơi. Chàng biết một quán bên đường rất tuyệt ở miền quê. Ferguson Bom Khinh khí đang chơi; bài “hit” của anh là “She‘s Been Gone” (Nàng đã đi rồi), cô có nghe chưa? Không thể nói được là em đã có niềm vui ấy chưa, Francesca nói, cố gắng và thất bại, để kìm lại nụ cười, để thôi không đỏ mặt. Ngày hôm sau, bà má kí túc xá gõ cửa phòng nàng và trao cho Francesca một bông hồng đỏ tươi và một phong bì đựng một đĩa H - Bom Ferguson. Hai ngày sau, hai đứa có cuộc hẹn đầu tiên. Hai tháng sau cô cậu thế này đây. Phóng như bay về hướng bắc.

Giờ đây, quan sát chàng, và làm bộ như không, nàng có thể thấy - giờ đây khi nàng đã thấy tất cả những gì nên thấy ở chàng, giờ đây khi hai đứa đã từng lên giường với nhau và mặc dầu có lẽ chàng đã từng ăn nằm với hàng trăm cô gái nhưng hóa ra là chàng vẫn rất nệ cổ còn nàng là em bé hiếu kì, chỉ trỏ, thắc mắc, muốn thử nghiệm chuyện này, chuyện kia. Bây giờ nàng đã được thuyết phục là hai đứa đã kinh qua mọi tư thế làm tình của người lớn - rằng Billy Van Arsdale không phải như con người mà nàng từng hình dung về chàng, vào ngày đầu tiên nàng đến trường. Chàng hơi thấp, với đôi mắt chó săn và một nụ cười ranh mãnh mà nàng từng nghĩ là sắc sảo tinh khôn song cũng có phần láu lỉnh, nhưng chắc chắn là không phải mô phỏng từ phim ảnh. Đầu tóc vàng của chàng luôn rối bù. Chàng là một người khiêu vũ vụng về và dường như không biết là mình nhảy vụng. Chàng hát vang theo những bài hát mà chàng chỉ thuộc lời lõm bõm. Chàng cười rít qua hàm răng giống như nhân vật trong phim hoạt hình. Tất cả những điều này nhằm nói lên rằng không phải vì có ngoại hình ưa nhìn, hay vì đa tài hay vì có một câu chuyện đời hoàn hảo nên khiến chàng chinh phục được biết bao cô gái, cũng như chức chủ tịch hội sinh viên. Chàng là một chính trị gia thiên bẩm: một phần do cái tên của dòng họ Van Arsdale danh giá, tiếng tăm lừng lẫy ở Florida, một phần do những cung cách tinh tế và bản tính xã hội của riêng chàng và phần thứ ba thật khó định nghĩa. Hơn cả sức cuốn hút thiên phú (charisma), Francesca nghĩ. Một thứ từ lực huyền bí, bất khả cưỡng.

Trừ một đoạn đường ở Virginia, Billy lái trên toàn bộ lộ trình. Cuối cùng Francesca cũng ngủ được một tí, trước khi nàng cảm nhận bàn tay của Billy trên vai nàng và thức giấc, mất phương hướng trước ánh sáng long lanh chói mắt của tuyết mùa đông đang rơi đầy trời.

“Anh nghĩ em muốn nhìn cảnh tượng này.” Chàng chỉ vào đường chân trời của New York. “Thành phố quê nhà của em.”

Nàng ngồi dậy và dụi mắt. Rõ ràng Billy rất tự hào về sự hoàn thành công việc của mình, về việc đem lại tầm nhìn kì diệu này cho nàng. Nàng không chắc là từ trước giờ nàng từng thấy thành phố từ hướng Jersey. Đó là một cảnh tượng gây sững sờ, nhưng không có gì trông giống như quê nhà quen thuộc từ thuở nhỏ. “Đẹp lắm.”

“Em không thấy hào hứng sao?”

“Anh có mệt không? Có buồn ngủ không? Trước giờ anh từng lái xe trong cảnh tuyết rơi chưa? Mấy giờ vậy anh?”

Có. Không. Thường vào những kì nghỉ đi trượt tuyết. Đúng như thời khóa biểu. Họ đã lấy lại những khoảng nghỉ bốn giờ ở các khách sạn ven đường.

“Em yêu anh” nàng nói, nghiêng người hôn cái má múp míp của chàng.

“Tên là Junior Johnson, thưa quý bà,” chàng nói, giả giọng miền nam lè nhè. “Hân hạnh phục dzụ quý bà.”

“Junior Johnson là ai dzậy?”

Một chàng tài xế xe đua lúc đầu phát triển kĩ năng của mình nhằm chạy thoát khỏi đám nhân viên liên bang trong thời kì cấm rượu và buôn rượu lậu. Nàng chưa từng nghe đại danh của con người này sao. Hóa ra đó là một người anh em họ xa của mẹ Billy.

“A!” Francesca reo lên. “Vậy ra đó là nguồn gốc gia sản kếch sù của nhà Van Arsdale.”

Billy bắt đầu nói điều gì đó rồi tự dừng.

“Được thôi,” nàng nói. “Bây giờ thì giũ bỏ nó khỏi hệ thống của anh đi”

“Không cần nữa,” chàng nói.

“Anh chắc không?” Hai đứa từng tranh luận vấn đề này trước đây. Cô đã nói với cậu rằng bố của cô đã nổi loạn chống lại mọi thứ đó, rằng ông ấy là một doanh nhân hợp pháp. Công ty xuất nhập khẩu của ông ấy mang bảng hiệu The Brothers Corleone, nhưng chỉ là do kính trọng đối với ước nguyện của bố ông. Chứ thực ra chỉ mình ông điều hành công ty đó, mấy chú kia không dính líu vào. “bởi vì chuyện này chưa được bàn luận, đúng không? Bất kì chuyện gì anh muốn hỏi em liên quan đến mọi thứ này thì hãy hỏi em ngay bây giờ, nhưng bất kì điều gì anh làm, xin đừng làm em lúng túng trước mặt gia đình em.”

Chàng quay về phía nàng, miệng mở ra. “Anh không tin rằng em lại nghĩ là anh sẽ - ”

“Em không,” nàng nói. “Anh sẽ không. Chỉ tại chúng ta quá mệt mỏi. Em xin lỗi. Anh tập trung lái xe đi.”

Tối nay là Đêm Giáng sinh, tuy vậy giao thông buổi sáng vẫn ùn tắc kinh khủng. Vào lúc đi về Long Beach, họ mất đi một trong những giờ đã lấy lại.

Hai người lùn mập mang áo khoác dài bước ra khỏi cổng đá ở lối vào dãy nhà hình bán nguyệt mà gia đình cô sở hữu. Billy quay cửa xe xuống. Francesca có thể ngửi mùi nấu nướng thức ăn từ bếp trong nhà bà tỏa ra, dầu cách đó đến năm mươi yards. Cô nghiêng người qua lòng Billy để mấy tay vệ sĩ có thể thấy cô.

Một trong hai người gọi cô là Kathy và nói anh ta xin lỗi, anh ta không nhận ra chiếc xe, và lúc đầu cũng không nhận ra cô vì cô không đeo kính.

Kính à? “Nhưng tôi là Francesca mà,” cô nói.

Người đó gật đầu. “Bà bảo chúng tôi là cô đi xe Silver Hawk, chứ không phải Thunderbird. Chắc là Má các cô không rành xe lắm. Thôi tốt hơn chúng ta nên di chuyển đi. Bà đã gọi xuống đây từ mấy giờ trước rồi.” Phía ngoài căn nhà của ông bà nội nàng - căn nhà nhỏ nhất và ít phô trương nhất trong số dãy nhà hình bán nguyệt, tất cả gồm tám căn của đại gia đình - hoàn toàn không trang trí gì. Bà nội nàng vẫn còn mang tang chồng. Không có bóng đèn cũng không có các vòng hoa, căn nhà dường như nhỏ hơn. Thu mình lại. Bên kia đường, căn nhà bungalow nơi nàng và gia đình nàng từng có lần sống, nay tăm tối và trống không. Có ai đó đã đặt một người tuyết ở trước sân và treo một vòng hoa với kích cỡ chiếc vỏ xe tải trên cửa chính.

Trước khi Billy có thể quẹo xe vào đường nội bộ, cả nhà Francesca đã bắt đầu ùa ra khỏi căn nhà bà nôi, do cô chị song sinh của nàng dẫn đầu - cô nàng bô-hê-miêng phiêu bồng lãng tử đó - với đôi kính đen to tướng che gần nửa mặt và nhảy tung tăng qua vườn cỏ đầy tuyết, trong vai trò kẻ đầu têu (cheerleader).

“Đói không?” Francesca hỏi Billy.

“Đói lả người,” Billy đáp.

“Đi đều bước thong thả,” Francesca bảo, “nhưng đừng quá nhẩn nha, kẻo họ lại nghĩ là anh miễn cưỡng phải gặp họ.”

Cô mở cửa xe, lúc đầu bị lóa mắt bởi cú sốc do lạnh gây ra - làm thế nào mà mình từng sống ở đây được nhỉ, trong cái hộp băng này? - và sau đó bởi Kathy mà cú ôm đã ép nàng vào bên hông xe. Hai đứa nhảy tung tăng và la hét cười đùa, một phong cách mà Kathy không còn có từ mấy năm nay. Mặc dầu vào ngày lễ Tạ ơn thì cuộc họp mặt của họ cũng có không khí tương tự. Chỉ khi rời ra để nhìn nhau và Francesca cảm nhận luồng gió lạnh thổi qua mặt nàng mới nhận ra là mình đã khóc. “Chị đeo kính,” Francesca nói.

“Còn em đang mang bầu,” Kathy nhận xét, rồi bước lui lại vì cả nhà đã đến.

Francesca, sững sờ, được bao bọc trong những cái ôm và những nụ hôn. Kathy nhún nhảy trên đôi chân, mỉm cười và trao đến nàng một cái vẫy tay có vẻ ngây thơ vô tội, mặc dầu cặp kính đen khiến người khác khó đọc được biểu cảm của nàng. Francesca biết rằng người ta có thể chỉ mới “giỡn chơi chút xíu - ai dè có mang” ngay từ lần đầu tiên và những gì Billy đã làm với nàng là không an toàn - gần phóng thì rút ra và xuất tinh trên bụng nàng. Nhưng như thế thì chưa có gì bảo đảm là đã chắc cú trăm phần trăm cả. Song dầu sao xác suất rủi ro là rất nhỏ, và muốn hưởng cực điểm khoái lạc thì phải chấp nhận một tí nguy cơ chứ! Đó là thứ gia vị làm tăng thêm tính hấp dẫn của... trái cấm! Và nói cho cùng, dầu có là sinh đôi hay không thì làm thế nào mà Kathy có thể biết được?

Billy vác lên một bên vai một giỏ lưới to đùng đưng loại cam Van Arsdale còn vai kia mang một giỏ nho. “Cây ở đâu?” Billy hỏi.

“Cây gì chứ?” Kathy hỏi lại. Cô bồng bé Mary, cô con gái nhỏ xinh xắn của thím Kay, giữ bé ngang hông mình, trông ra dáng bà mẹ trẻ. “Wha, twee?” bé Mary lặp lại như vẹt.

“Cây Noel đấy,” Billy nói. “Để đặt quà bên dưới.”

“Chúng tôi người Ý, cậu Billy à,” Kathy nói. “Không có cây Noel.”

“We Italian, Bee - Boy!” bé Mary hét lên, lặp lại.

“Vì Chúa!” Francesca nói, “chúng ta có một cây thông Giáng sinh ở nhà. Còn nhà Bà nội không có. Chuyện là thế. Đặt quà nơi máng cỏ đi.”

Bà nội làu bàu, không vừa ý với nhóm từ Vì Chúa. Billy ngẩng đầu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay