Én Liệng Truông Mây - Hồi 08 - Phần 1

HỒI THỨ TÁM

Dân biên tái tìm vui nơi chợ rượu

Khách yêu hoa say đắm Ngọc Lan Hương

*

Sáng hôm sau, họ rời trạm Long Phúc sớm để tiếp tục cuộc hành trình. Khi đến Phù Ly, biết Tôn Thất Dục và Đoàn Phong đã vào Quy Nhơn để chủ trì vụ xử án bọn Trần Đại Chí, họ bèn lên đường vào thẳng phủ thành Quy Nhơn. Bọn lính canh đưa họ vào quán dịch ngồi chờ, một lát sau Đoàn Phong cùng Ngô Mãnh đến. Mọi người vui vẻ chào hỏi nhau xong, Đoàn Phong lên tiếng:

- Chúc mừng Bạch tiểu thư đã hoàn thành tâm nguyện của mình.

Bạch Mai nhìn Ngô Mãnh bằng ánh mắt cảm ơn:

- Cũng nhờ Dục thúc thúc và Ngô huynh đây giúp đỡ cho. Tiểu muội thật không biết nói gì hơn để bày tỏ lòng tri ân.

Ngô Mãnh gặp lại Bạch Mai trong lòng vui lắm nhưng tính chàng ít nói lại vụng về nên chỉ đáp lại được mấy tiếng đơn giản cộc lốc:

- Có gì đâu. Bạch tiểu thư đừng ngại.

Chỉ đơn giản thế thôi mà mặt chàng tự dưng đỏ gay lên. Văn Hiến hỏi:

- Kết quả vụ án thế nào?

Đoàn Phong đáp:

- Quan ngoại tả gởi cho Dục thúc một bức thư xin giảm tội cho bọn Đại Chí đồng thời ra lệnh cách chức quan huyện Huỳnh Hảo Hớn và quan huyện Chương Nghĩa. Cả bọn Khắc Tuyên và Huỳnh Công Đức cũng nói thêm vào nên cuối cùng Dục thúc chỉ phạt vạ bọn Đồng Bách, Thừa Ân năm ngàn quan, tịch thu hiện vật. Còn Trần Đại Chí phải bị tù năm tháng. Phần Huỳnh Hảo Hớn tôi có ngỏ lời bênh vực cho hắn vì biết hắn cũng là tay hảo hớn nhưng Dục thúc nói quan ngoại tả dặn nhất định phải cách chức hắn. Người không muốn vì chuyện đó mà mất lòng quan ngoại tả nên đành để hắn trở về dân dã.

- Như thế cũng được. Đại Chí bị giam năm tháng, bọn Dương Tử Tam Kiếm đã trở về Phúc Kiến, việc Trần gia chúng ta tạm thời đỡ phải lo.

- Thế chừng nào mọi người vào Giản Phố?

Bạch Mai đáp:

- Bọn muội định cuối tháng này sẽ theo thuyền của Cao Đường ở đầm Hải Hạc trở vô Trấn Biên. Muội muốn gặp Dục thúc thúc để nói lời cảm ơn và từ biệt người.

Đoàn Phong vui vẻ:

- Mời tiểu thư theo tôi.

Chàng đưa Bạch Mai vào trong phủ gặp Tôn Thất Dục. Hai người vừa bước vào, Tôn Thất Dục đã mỉm cười nói ngay:

- Xin chúc mừng Bạch tiểu thư đã hoàn thành tâm nguyện của mình.

Bạch Mai chắp hai tay vái dài, giọng của nàng hết sức trang trọng:

- Mọi việc cũng nhờ ơn thúc thúc đã giúp đỡ cho. Cháu xin thay mặt Trần gia cảm tạ tấm lòng của thúc thúc và các huynh ở đây.

- Chỉ là sự đền đáp nhỏ bé so với công đức to lớn mà Trần gia đã cống hiến cho đất nước này. Khi nào tiểu thư về Trấn Biên, cho ta gởi lời thỉnh an tới Trần bá mẫu và Trần Hầu nhé.

- Dạ, cháu sẽ thưa lại với bá mẫu và anh Đại Lực. Cháu có ý đến đây từ biệt thúc thúc để trở vô Giản Phố. Cầu thúc thúc ở lại vạn sự an khang.

- Chúc tiểu thư lên đường bình an. Khi nào thì khởi hành? Bọn Văn Hiến và Hồng Liệt cùng đi với tiểu thư chứ?

- Dạ, cuối tháng này ạ. Hai huynh ấy cũng cùng đi với cháu.

- Như thế ta sẽ an tâm hơn. Về sau tiểu thư không nên một mình xông pha ngàn dặm như thế nữa.

- Dạ, cháu biết rồi ạ. Cháu xin phép cáo từ.

- Tiểu thư đi bình an.

Bạch Mai và Đoàn Phong lại cùng trở ra quán dịch. Đoàn Phong nói:

- Trước khi Bạch tiểu thư và các bạn đi Giản Phố còn bọn tôi thì trở lại Phú Xuân, tôi muốn mời mọi người xuống chợ rượu Phú Đa để uống một bữa chia tay và nghe ca hát. Các bạn thấy thế nào?

Hồng Liệt vỗ tay tán thành:

- Ý kiến hay đấy! Tôi nghe nói ở chợ rượu Phú Đa tại Tửu Quán Bên Đường có bán đủ các loại rượu ngon ở phủ Quy Nhơn, lại có nàng Ngọc Lan Hương vừa xinh đẹp vừa ca hay nổi tiếng khắp phủ nữa đấy.

Đoàn Phong cười:

- Rõ là tên trộm, nơi nào có đồ quí hiếm hắn đều biết hết. Tôi cũng vừa nghe thiên hạ ở Quy Nhơn đồn đãi nên có ý mời các bạn đến nơi đó để thưởng thức. Nghe nói Ngọc Lan Hương chỉ hát ở đó mỗi tháng có ba lần. Hôm nay may mắn đúng vào dịp đầu phiên chợ cuối tháng, là ngày diễn của nàng nên chợ rượu sẽ đặc biệt đông vui nhộn nhịp đây. Bạch tiểu thư đừng chê bọn tôi là những kẻ phong lưu nhé?

Bạch Mai lườm chàng:

- Đâu dám. Cánh nam nhi của các người ai chẳng quen thói phong lưu.

Nói xong nàng nở nụ cười đẹp đến mê hồn.

- Muội nói cho vui thế thôi. Muội cũng muốn nghe nàng Ngọc Lan Hương gì đó hát nữa. Nhưng để các huynh tự nhiên hơn, muội sẽ cải nam trang. Như vậy được không?

Hồng Liệt vỗ tay:

- Như vậy mới xứng là nữ lưu chi thượng chứ!

Nói rồi, chàng liền ngâm nga lại bài thơ mà Văn Hiến vừa làm tặng Bạch Mai đêm trước. Đoàn Phong nghe qua bài thơ vỗ tay khen:

- Gã trộm này mà cũng sáng tác được một bài thơ tuyệt vời thế ư?

Hồng Liệt cười nói:

- Tôi mà thơ với thẩn cái nỗi gì. Là tên đồ gàn đã đối cảnh trên sông Thu Bồn mà đề ra để tặng sư tỷ tôi đấy.

Ngô Mãnh nãy giờ ngồi im chợt lên tiếng:

- Bài thơ vừa hay, vừa miêu tả thật chính xác.

Đoàn Phong tiếp lời:

- Đúng vậy!

Bạch Mai hổ thẹn xua tay:

- Thôi thôi. Các người ỷ đông ăn hiếp muội. Muội sẽ trốn đi Giản Phố một mình cho mà coi.

Đoàn Phong vội nói:

- Xin lỗi, xin lỗi. Bạch tiểu thư đừng giận. Thôi sửa soạn đi, đã trễ rồi đấy.

Chờ Bạch Mai vào trong cải trang xong, năm người bọn họ cưỡi ngựa ra khỏi phủ, thả dọc theo đường quan lộ đi về hướng nam, rồi quẹo xuống hữu ngạn con sông nhỏ Thạch Đề, xuôi về đông một đoạn ngắn nữa thì đến chợ rượu Phú Đa. Chợ vốn thuộc tổng Háo Đức Thượng (nay là xã Nhơn An, huyện An Nhơn). Nơi đây được xem là chốn phồn hoa đô hội bậc nhì, chỉ thua có mỗi kinh thành Đồ Bàn xưa. Dọc đường đi, Đoàn Phong kể:

- Đêm hôm trước Nguyễn Khắc Tuyên có mời Dục thúc cùng tôi và Ngô huynh đến nhà riêng của ông ta uống rượu. Ông ta mang ra bộ bình chén rượu của Huỳnh Hảo Hớn đã tặng cùng một vò rượu Tiên, loại rượu đặc biệt dành cho các vua Chiêm uống. Thật là tuyệt! Ông ta có kể cho chúng tôi nghe về lịch sử và đời sống sinh hoạt của khu chợ rượu này. Chợ có truyền thống từ xa xưa, có thể là đã có mặt cùng lúc với thành cũ Đồ Bàn của đế chế Chiêm Thành cũng nên. Và nó cũng đã từng chết đi cùng với đất nước Chămpa vào thế kỷ 15 trong một thời gian. Sau này, các đời chúa Nguyễn của chúng ta đã không ngừng di dân vào để tái tạo vùng kinh đô cũ. Nhờ đó, chợ rượu Phú Đa cũng sống lại và thành nơi tụ hợp cho những tay anh hào tứ chiếng và cho cả đám người xiêu tán đến vùng biên tái xa xôi này.

Bạch Mai chen vào:

- Phong huynh kể làm đệ nhớ lại chuyện khai hoang lập đất của vùng Cù lao Phố mà người Việt địa phương gọi là Giản Phố. Đúng là ở những vùng đất mới, chợ rượu, quán rượu bao giờ cũng là nơi qui tụ đông đảo những gã đàn ông tha phương đến mua vui sau những giờ làm việc vất vả.

- Bạch huynh đệ nói đúng. Đối với cánh đàn ông chúng tôi, nhất là với những người tha phương lập nghiệp khai núi phá rừng, men cay của rượu bao giờ cũng là chất liệu cần thiết để xua đi mệt nhọc, phiền muộn cũng như niềm tưởng nhớ cố hương. Chợ rượu Phú Đa sống trở lại và phát triển nhanh ở vùng đất mới này là vì vậy. Dần dà, cùng với đà phát triển của phủ Quy Nhơn, nơi đây trở thành chốn tụ tập ăn chơi hưởng thụ của giới quan quyền và thượng lưu giàu sang khắp vùng. Vì vậy chợ rượu thu hút gần như tất cả các giai nhân, tài tử tứ phương cùng với nhiều loại danh tửu trong thiên hạ. Xưa có rượu Tiên, nay thì có đệ nhất rượu đế Bầu Đá ngon và nổi tiếng khắp phủ Quy Nhơn.

Hồng Liệt cười nói:

- Chỉ nghe Phong huynh mô tả khu chợ rượu không thôi cũng đủ làm tôi say ngất rồi. Nhưng đó là chuyện thời nay. Đồ gàn, ngươi thử nói chuyện rượu của cổ nhân cho mọi người nghe xem nào. Theo ngươi thì rượu có từ bao giờ?

Văn Hiến hắng giọng một tiếng đáp:

- Tương truyền rượu có từ thời Phục Hy khi người dân trong một bộ lạc Bách Việt tình cờ để trái cây lên men tạo thành một thứ nước uống như rượu. Đến đời vua Thần Nông, ông dạy dân Bách Việt ta trồng lúa và ngũ cốc rồi theo đó ủ ra men, chế thành rượu thì rượu mới hoàn chỉnh và trở nên thông dụng trong sinh hoạt con người. Trong “Chiến Quốc sách” có viết:

Đế Phi Nghi Địch tạo tửu

Tiến chi vu Vũ.

Nghĩa là:

Bà Đế Phi (vợ vua Vũ) chế ra rượu

Tiến dâng lên vua Vũ.

Còn trong kinh “Chu Lễ” thì viết:

Quán dụng Uất Xưởng

Vị hữu phồn hương.

Nghĩa là:

Dùng rượu Uất Xưởng rót xuống mà tế.

Chưa có lệ đốt hương.

Nhà Chu thời ấy vẫn chưa có lệ dùng hương trong việc cúng tế mà chỉ dùng rượu nên có cả chức quan Tế Tửu để trông coi việc tế tự này. Cho đến đời Lương Vũ Đế thì mới dùng hương để tế trời:

Lương Vũ Đế tự thiên thủy dụng trầm hương.

Tạm dịch là:

Lương Vũ Đế tế trời bắt đầu dùng trầm hương.

Đại khái xuất xứ và cái dụng của rượu ngày xưa là vậy. Ngươi còn muốn nghe điều gì nữa không?

Đinh Hồng Liệt định hỏi thêm thì mọi người đã vào đến khu vực chợ rượu. Phiên chợ cuối tháng mở suốt năm ngày liền. Hôm nay nhằm ngày đầu tiên nên rất đông vui, mùi rượu thơm nồng, sực nức cả một vùng không gian rộng lớn, tiếng nói cười ồn ã. Ngoài những gian hàng, tửu lầu cố định còn có rất nhiều hàng gánh do những cô gái trẻ mang rượu tự nấu ở nhà đến đây để bán cho nên khách uống rượu có thể thưởng thức đủ mọi loại rượu trong miền. Ở đây có rượu nếp hương, rượu nếp Phú Đa, Háo Lễ, rượu gạo tăm Cảnh Hàng, rượu Sen Hồng với loại gạo Hồng Tiên hạt to lông màu hồng và đỏ... Cả những ché rượu Cần của người thiểu số từ mạn ngược trên cao nguyên chở xuống cũng qui tụ về đây. Rượu đã nhiều, toàn loại rượu ngon, lại được những bàn tay xinh đẹp của các cô hàng rượu rót mời khiến cho khách mua men một khi đã đến đây thì chẳng muốn trở về. Mà nếu có trở về thì lòng say chếnh choáng, chỉ mong sớm đến phiên chợ lần sau để được dịp trở lại đắm mình trong men rượu lẫn men tình bên những cô hàng rượu xinh tươi duyên dáng.

Bọn năm người Đoàn Phong đến trước cửa Tửu Quán Bên Đường thì nhảy xuống ngựa, trao cương cho người giữ ngựa của quán rồi bước vào trong khuôn viên quán. Cái tên “Tửu Quán Bên Đường” tự nó đã gieo trong đầu khách một ý tưởng thơ mộng và lãng mạn. Đến nơi mới biết cái cảm tưởng đó không sai với sự thật là mấy. Chủ quán hẳn là tay sành sỏi về nghệ thuật nên mới xây dựng và trang trí ngôi tửu lâu theo phong cách vừa văn nhã, vừa thơ mộng thật giống với cái tên của nó. Chẳng những thế, mọi quy cách xây dựng và trang trí đều hợp phong thủy, từ hòn giả sơn với suối nước cho đến các cấu trúc xung quanh đều ứng hợp với Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Văn Hiến đưa mắt quan sát quang cảnh tửu lầu một hồi, tặc lưỡi khen:

- Người chủ ngôi tửu lầu này quả là tay sành điệu cả về tri thức lẫn nghệ thuật. Thảo nào ngôi tửu lầu này nổi tiếng khắp nơi. Hay lắm! Phong huynh đưa chúng ta đến nơi này quả không uổng một chuyến du ngoạn.

Bạch Mai thêm vào:

- Đệ cũng có ý nghĩ giống Trương huynh vậy. Đây đúng là nơi uống rượu tốt cho các bậc tao khách.

Mọi người bước vào bên trong. Tửu lầu rất rộng, có hai tầng, tầng dưới chỉ bán rượu bình thường, lúc này tửu khách đã ngồi chật hết các bàn, tiếng nói cười chộn rộn khắp nơi. Kẻ nói chuyện khai phá vùng đất mới đến ở, người lưu tâm đến thời cuộc thì bàn tán về vụ án bọn Trần Đại Chí vừa mới xử xong. Ở một chiếc bàn lớn kê gần giữa quán đang có một người thao thao kể lại chuyện hai vị đồn thủ trẻ ở cửa An Dũ và Đại Cổ Lũy đã hạ hai tên buôn lậu người Tàu nhanh chóng bằng những thế võ siêu phàm như thế nào. Hắn miệng vừa nói, tay vừa múa ra chiêu mô phỏng lại các thế đánh y như tận mắt chứng kiến hai sự việc xảy ra cùng một lúc ở hai nơi cách xa nhau vậy. Tuy biết hắn chỉ kể lại những điều tai nghe mắt không thấy nhưng vì hắn có cách kể chuyện rất hấp dẫn nên khách ngồi nghe cũng tỏ ra hào hứng vô cùng. Bọn Đoàn Phong đưa mắt nhìn nhau mỉm cười rồi bước lên trên.

Tầng trên được trang trí đẹp và sang hơn nhiều. Ở đó có sân khấu nhỏ để ca hát và chỉ bán những loại rượu hảo hạng. Khách muốn lên trên lầu phải xem lại cái hầu bao của mình vì tiền rượu cộng thêm tiền phí xem hát được tính rất đắt. Hôm nay đặc biệt có nàng Ngọc Lan Hương trình diễn, phí xem hát lại càng cao hơn. Bởi vậy, đa số những người lao động chỉ ngồi ở tầng dưới và bảo nhau im lặng để có thể vừa uống rượu vừa nghe được tiếng hát của nàng Ngọc Lan từ tầng trên vọng xuống. Nhưng một thời gian sau, mỗi lần đến phiên trình diễn của Ngọc Lan, chủ quán cũng tính luôn tiền phí nghe hát đối với tất cả những ai vào uống ở tầng dưới, tất nhiên là rẻ hơn rất nhiều so với khách sang ở tầng trên. Ban đầu, đám khách nghèo lên tiếng phản đối nhưng sau cũng đành bóp bụng vào nghe.

Tửu Quán Bên Đường là một trong những tửu lầu có mặt ở chợ rượu Phú Đa lâu đời nhất. Họ thay nhau cha truyền con nối giữ cái quán này có đến ba đời là ít. Họ có một cái lệ nghiêm khắc là không ai được quyền đánh nhau trong quán, bất kể khách là người thế nào, có xích mích với nhau ra sao. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị chủ quán ra tay trừng trị đích đáng. Còn một khi khách đã ra khỏi quán thì dù có hạ sát nhau ngay trước cửa, chủ quán cũng chỉ khoanh tay đứng nhìn, tuyệt không can thiệp vào. Tửu Quán Bên Đường giữ được cái bảng hiệu của mình lâu đời như thế cũng là nhờ vào hai điều: Một là họ buôn bán ở đây lâu, lại có tiền nên quan phủ huyện nhà đều là chỗ quen biết cả; hai là các đời chủ quán và đám gia nhân ai nấy cũng đều có võ nghệ tuyệt luân, dám thẳng tay trừng trị những vị khách rượu quá chén vi phạm luật cấm. Nhờ vậy khách vào đây có thể an tâm thưởng thức hương vị ngon lạ của các loại danh tửu bốn phương mà không bị phiền hà về việc gây gổ, ẩu đả nhau của những tay tứ chiếng khi đã quá chén la đà.

Chủ quán thấy năm con tuấn mã chở năm chàng trai lạ mặt, người tướng mạo đường đường lẫm liệt, kẻ phong cách lịch thiệp hào hoa thì biết ngay họ là những người thuộc giới quyền quí, chính nhân hiệp sĩ từ phương xa tới nên đặc biệt đích thân ra đón. Ông ta tuổi ngoài bốn mươi, người cao lớn khỏe mạnh, chòm ria mép đen nhánh cắt ngắn gọn rất ra tướng con nhà võ. Ông vui vẻ và niềm nở chào bọn Đoàn Phong. Tất cả các bàn chung quanh bốn vách tường và một số bàn ở giữa đã có khách ngồi kín, chỉ còn hai chiếc bàn trống ở hàng thứ hai trước sân khấu. Riêng chiếc bàn lớn duy nhất đặt sát sân khấu đã có bốn người khách ngồi. Chủ quán đưa năm người khách lạ đến chiếc bàn trống, mời khách ngồi rồi lịch sự hỏi:

- Quí công tử chắc là người từ phương xa mới đến phủ Quy Nhơn phải không? Lần đầu tiên nhà quán chúng tôi được đón tiếp quí khách quả thật là điều vinh hạnh lớn. Cũng xin nói qua để quí khách thông cảm, đêm nay những chiếc bàn ở trước sân khấu, càng gần bao nhiêu thì phụ phí càng cao bấy nhiêu, do đó mới còn lại hai chiếc bàn trống này. Quí khách hiểu cho, chúng tôi tin tưởng sau khi uống rượu và nghe Ngọc Lan Hương hát xong quí khách sẽ chẳng còn lưu tâm đến việc phụ phí cao hay thấp nữa. À, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi áp giá cắt cổ đâu. Chúng tôi là những người rất biết cách làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi mà.

Hồng Liệt cười nói:

- Nghe ông chủ nói làm tôi cứ tưởng mình sắp được nghe tiên trên trời giáng trần hát khúc nghê thường.

Ông chủ quán tươi cười:

- Vị hiệp sĩ này nghĩ là tôi quảng cáo quá đáng phải không? Chờ sau khi tan đêm hát sẽ biết ngay lời tôi nói là thật hay giả. Tôi sẽ trở lại trò chuyện với các vị vào lúc ấy. Giờ quí khách muốn thưởng thức loại danh tửu nào ở đây xin cho biết?

Đoàn Phong mỉm cười:

- Ông chủ thật là người mẫn tiệp và tinh tế. Chúng tôi từ xa đến, lẽ ra phải thưởng thức loại hảo phẩm Bàu Đá Quy Nhơn nhưng mấy hôm nay đã có dịp nếm qua rồi nên giờ muốn thử món rượu Cần của người Bana cho biết hương vị vùng cao nguyên thế nào. Ở đây chắc là có loại rượu đó chứ?

Chủ quán vui vẻ:

- Có chứ, tất nhiên phải có chứ!

Rồi ông vừa đẩy tờ thực đơn về phía Đoàn Phong vừa nói:

- Quí khách tự nhiên chọn món đi.

Đoàn Phong đưa mắt hỏi ý kiến của Bạch Mai. Nàng hiểu ý lên tiếng:

- Phong huynh cứ chọn đi. Đệ thế nào cũng được.

Đoàn Phong quay sang chủ quán:

- Đã uống rượu cao nguyên thì phải nhắm thịt rừng cho hợp vị. Ông chủ cho chúng tôi ba cân thịt heo rừng, hai cân thịt nai, nấu theo kiểu đặc biệt nhất của nhà quán và một vài loại rau quả thích hợp. Mang trước cho chúng tôi một tiềm rượu cơm nếp Phú Đa và năm cái chén nhỏ nhé. Bạch đệ thưởng thức món này xem, sẽ rất thú vị.

Bạch Mai miệng chúm chím cười:

- Đa tạ Phong huynh!

Chủ quán đưa ngón tay cái lên bày tỏ sự khâm phục.

- Quí khách thật là người sành điệu! Chờ nhà quán chúng tôi một lát, mọi thứ sẽ được đưa lên ngay.

Nói xong, ông ta lễ phép cúi chào mọi người rồi đi vào trong. Khi ông ta đi ngang qua chiếc bàn đặt sát sân khấu, người khách ngồi ở đó đưa tay ra cản lại nói:

- Ông Điền, đến giờ trình diễn rồi đó.

Chủ quán đáp:

- Vâng, tôi sẽ cho bắt đầu ngay. Cao đại gia nóng ruột rồi hả?

Xong ông cười ha hả bước vào trong. Bạch Mai nhìn sau lưng người đàn ông được gọi Cao đại gia tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nói nhỏ với mọi người:

- Người đó là Cao Đường ở đầm Hải Hạc. Chúng ta có nên sang chào hỏi không?

Hồng Liệt định lên tiếng thì lúc ấy có ba người đàn ông với bộ mặt hung dữ, lưng giắt đao kiếm bước lên lầu. Tên đi đầu người cao trung bình nhưng vạm vỡ, trên má phải có một vết sẹo lớn chạy dài làm bộ mặt âm trầm của hắn trông càng dữ tợn. Tên đi kế sau người nhỏ thó, mặt choắt như mặt chuột, mắt ti hí nhưng tia nhìn giảo hoạt khiến người ta dễ liên tưởng tới loài cáo đang rình mồi. Tên thứ ba cao lêu nghêu, mặt dài như mặt ngựa, miệng rộng hoác, tóc dài được cột lại bởi một sợi vải đỏ buộc từ trước trán ra phía sau. Ba tên đưa mắt nhìn khắp phòng rồi cùng nhau tiến đến ngồi nơi chiếc bàn trống duy nhất còn lại trên lầu. Bọn chúng đặt vũ khí lên bàn rõ mạnh, tên buộc vải đỏ quanh trán lớn giọng kêu:

- Mang rượu uống đi ông chủ quán ơi! Rượu nanh chồn nấu bằng lúa Hỏa Mễ thượng hạng đấy nhé.

Tiếng của hắn nghe rặc giọng người Đàng Ngoài. Tất cả thực khách trong quán đều hướng mắt về ba người khách lạ vừa mới đến. Ba tên lạ mặt điềm nhiên coi thiên hạ như không có, tên buộc vành khăn đỏ quanh trán lớn giọng:

- Đại ca, đêm nay nàng Ngọc Lan Hương sẽ diễn ở đây. Chà, đệ nghe người ta ca ngợi nàng ta đẹp tuyệt trần mà lại thơm như hoa lan vậy. Để xem tiếng đồn có thật hay không.

Tên mặt chuột lên tiếng:

- Chắc là không ngoa đâu. Chú mày không thấy cả quán rượu từ trên lầu xuống dưới đất đều đông nghẹt khách mê hoa đó sao? Ta cũng nóng lòng muốn nhìn mặt mỹ nhân một lần cho thỏa mắt.

Lúc ấy có một tên phục vụ chạy đến bàn ba người khách lạ lễ phép hỏi:

- Ba vị khách quan dùng rượu và thực phẩm gì ạ?

Tên buộc khăn đỏ đáp:

- Lúc nãy ta đã gọi rượu nanh chồn hảo hạng, ngươi điếc tai hay sao mà không nghe? Mang cho ta một hũ lớn và ba cân thịt bê thui. Nhanh lên!

Người phục vụ lễ phép nhắc khéo:

- Dạ có ngay ạ, quí khách chờ nhà quán một lát nhé, mọi thứ sẽ được mang lên ngay. Sắp đến giờ hát rồi đó, mời quí khách yên lặng thưởng thức.

Tên buộc khăn đỏ nói:

- Rượu vào thì lời ra, ngươi không biết sao mà bảo bọn ta yên lặng? Mang rượu ra nhanh lên đi, đừng nhiều chuyện nữa.

Người phục vụ vâng dạ rồi quay vào trong, mặt lộ vẻ bất bình. Đoàn Phong nói nhỏ:

- Tôi có nghe quan huyện Phù Ly và Nguyễn Khắc Tuyên nói đến một bọn cướp mới nổi lên chiếm cứ vùng Truông Mây trong Núi Bà. Chúng cướp bóc các thôn xã quanh vùng lại ra tay rất ác độc với những người phản kháng. Chúng có ba tên cầm đầu nhưng lúc hành sự luôn bịt mặt nên chưa ai biết được mặt thật của ba tên đầu đảng này. Bọn này trông có vẻ giống bọn cướp đó lắm. Hãy để xem chúng làm gì đêm nay.

Lúc đó, một nữ phục vụ ăn vận rất đẹp, mặt xinh xắn mang tiềm rượu cơm nếp trắng ra bàn. Cô thong thả múc những viên rượu nếp ra năm chiếc chén nhỏ cho mọi người rồi nói:

- Mời quí khách thưởng thức món rượu nếp Phú Đa. Hương vị vừa ngọt vừa thơm nồng sẽ khiến các vị nhớ hoài không quên.

Cô nàng vừa nói vừa nháy mắt nhìn Bạch Mai. Bạch Mai mỉm cười:

- Chưa biết ta có quên được hương vị của rượu hay không nhưng chắc chắn là sẽ không quên nụ cười xinh đẹp của cô em đây rồi.

Cô gái nguýt dài một cái, mặt ửng hồng cúi đầu thẹn thùng nói:

- Hiệp sĩ lại nói đùa với em rồi. Các chàng hồ thỉ tứ phương, gặp gỡ thiếu gì giai nhân đài các ở những nơi đô hội thì làm gì có chuyện nhớ đến cô phục vụ quê mùa ở quán rượu miền biên tái này chứ?

Bạch Mai liếc mắt thật tình tứ:

- Hải đường, nguyệt quế ở vườn thượng uyển đôi khi lại không đẹp bằng một đóa hoa lài bên hàng giậu làng quê.

Mặt cô gái đỏ hơn, miệng nở nụ cười bẽn lẽn nhưng ánh mắt lại hiện rõ niềm vui vô hạn:

- Thôi, mời quí khách thưởng thức đi, đừng mỉa mai em nữa. Nếu không, lát nữa chị Ngọc Lan xuất hiện sẽ không còn ngôn ngữ để cho quí khách tâng bốc đâu. Em xin phép vào mang thức ăn và rượu cần ra.

Nói xong cô lễ phép cúi chào mọi người rồi lui vào trong mang thức ăn và rượu ra. Bạch Mai múc một viên rượu nếp bỏ vào miệng và chờ một lúc cho nó tan ra. Nàng nuốt xong viên rượu nếp liền buột miệng khen:

- Ui chao! Thật là ngon! Vừa mềm, vừa ngọt, vừa the nồng. Tuyệt quá! Cảm ơn Phong huynh. Nhưng thứ này là món của nữ nhân, các huynh chắc là không hảo lắm phải không?

Đoàn Phong mỉm cười:

- Hảo chứ! Coi như là một món khai vị để kích thích vị giác trước khi ăn vậy.

Một nam phục vụ bê ché rượu cần đặt trên bàn, cô gái lúc nãy tay cầm năm chiếc cần cẩn thận cắm vào bình, châm nước vào chờ một lát cô hỏi:

- Quí khách đã uống qua rượu cần chưa? Chưa à? Thế này nhé, trước tiên quí khách hút nhẹ một hơi cho rượu lên đến miệng, sau đó nín thở hút mạnh một hơi dài cho đầy rồi nuốt xuống. Chỉ trong chốc lát, quí khách sẽ cảm thấy hơi nóng bốc lên từ trong bao tử, qua lồng ngực rồi toát ra khắp các bộ vị trên mặt. Cảm giác sẽ thật thú vị. Vị công tử này cẩn thận coi chừng bị sặc rượu đó.