Én Liệng Truông Mây - Hồi 08 - Phần 2

Cô nói xong liếc ánh mắt tình tứ nhìn sang Bạch Mai rồi cúi đầu chào và quay bước vào trong. Ở bàn bên cạnh, thức ăn và rượu được một nam phục vụ mang ra. Tên buộc khăn đỏ hỏi lớn:

- Tại sao bàn này không có nữ phục vụ mà lại do tên đực rựa như mày mang ra vậy? Mày vào kêu cô gái phục vụ bàn bên kia ra đây phục vụ cho bọn tao. Đi đi!

Người phục vụ lễ phép nói:

- Dạ, mỗi bàn có một người phục vụ riêng đã được phân công từ trước rồi ạ. Xin quí khách thông cảm cho, không thể đổi được ạ.

Tên buộc vải đỏ xì một tiếng:

- Có mẹ gì mà không thể đổi! Mày cứ cút vào trong bảo cô gái đó ra đây. Lảm nhảm bẩn tai, tao cho ăn bạt tai bây giờ. Đi nhanh lên!

Người phục vụ vẫn giữ thái độ lễ phép nói:

- Dạ, không thể đổi được ạ. Đến giờ trình diễn rồi, xin quí khách giữ yên lặng để mọi người cùng thưởng thức ạ.

Tên vấn khăn đỏ định nổi đóa với người bồi bàn thì vừa lúc đó một số đèn được tắt bớt, còn chừa lại ánh sáng vừa đủ để thực khách ăn uống. Sân khấu bỗng nổi bật lên với ánh đèn lồng được bọc đủ màu sắc, kết hợp cùng những tranh họa trên những bức vách chung quanh khiến cho nó trở thành một chốn non bồng, nước nhược. Mọi người, kể cả tên vấn khăn đỏ lắm mồm, vụt trở nên im lặng và hướng mắt về sân khấu.

Tiếng sáo du dương từ phía sau sân khấu chợt vút lên một khúc nhạc thật ai oán. Khúc tiêu này tương truyền là của chàng Trương Chi ngày xưa thường thổi trong những đêm trăng trên dòng sông Hát để thể hiện nỗi lòng tương tư nàng Mỵ Nương đài các. Tiếp đó là tiếng đàn nguyệt trỗi lên theo từng bước đi uyển chuyển của một cô gái áo hồng, nàng vừa đi vừa khảy cây đàn cầm trên tay. Nàng đến ngồi xuống chiếc ghế đặt bên phải sân khấu, tay vẫn tiếp tục đánh đàn hòa vào điệu sáo mê hồn kia. Liền sau đó, bên trong lại vang lên tiếng đàn nhị và một cô gái áo xanh với cây nhị trên tay, gáo đàn được tì vào chiếc eo lưng nhỏ nhắn, vừa đi vừa kéo đàn. Nàng đến chỗ chiếc ghế bên trái sân khấu và ngồi xuống. Tiếp theo là tiếng đàn hồ, loại đàn giống đàn nhị nhưng gáo phát âm lớn hơn nên âm thanh trầm hơn, được tấu lên bởi một cô gái mặc áo màu tím, nàng nhẹ nhàng bước ra và ngồi vào chiếc ghế phía sau bên phải. Cùng ra với cô gái áo tím là cô gái áo vàng, trên tay ôm một cây đàn thập ngũ huyền cầm (đàn tranh, sau này đàn thêm vào một dây nữa thành đàn thập lục) đến ngồi nơi chiếc ghế ở giữa phía sau. Cô gác một đầu cây đàn trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh, đầu còn lại kê trên chân mình rồi bắt đầu hòa tiếng đàn tranh vào âm thanh của những chiếc đàn kia. Đến lượt người thổi sáo xuất hiện trên sân khấu. Đó là một thanh niên vận chiếc áo dài màu trắng, mặt hóa trang xấu xí. Tiếng sáo trúc trên tay anh ta vẫn vút cao và não nùng khiến cho người nghe tưởng chừng có thể rơi lệ. Anh đến ngồi trên chiếc ghế đặt phía sau bên trái.

Còn một chiếc ghế trống duy nhất được đặt chính giữa sân khấu có phủ tấm vải điều nữa. Mọi người đều biết đó là chiếc ghế dành cho Ngọc Lan Hương. Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về ô cửa ở phía sau sân khấu, nơi các nhạc công vừa bước ra để chờ đón Ngọc Lan.

Những tiếng đàn họa bỗng ngưng bặt để cho tiếng sáo vút lên giai điệu ai oán. Tiếng sáo như mang theo âm hưởng của những tiếng nấc nghẹn nơi cõi lòng một kẻ tương tư trong tuyệt vọng. Ngay thời điểm giai điệu tiếng sáo não nùng nhất, một tiếng hát từ sau hậu trường chợt cất cao lên. Giọng hát thật trong trẻo, thật ngọt ngào và cũng thật thê lương như lời ca của khúc hát:

Hát Giang! Hát Giang!

Vì đâu mà nhỏ lệ?

Để tiếng tiêu sầu chạnh lòng nhân thế

Vì đâu mà quạnh quẽ

Để tiếng hát buồn trăn trở khách hồng nhan.

Ơ... Đời đa đoan!

Ớ... Tình đa đoan!

Tài hoa chết giữa cô đơn

Phù dung rũ cánh... Ơ... Ơ... lầu son úa tàn...

Tiếng hát vừa dứt, một cô gái trong chiếc áo lụa dài màu hoàng yến có tấm the trắng thật mỏng khoác qua vai, mái tóc đen tuyền búi cao bằng những chiếc trâm vàng đính những hạt minh châu nhỏ lóng lánh dưới ánh đèn, trên tay ôm một chiếc đàn tỳ bà, từ nơi ô cửa nhẹ nhàng bước ra sân khấu. Tiếng vỗ tay vang lên rõ to từ chiếc bàn lớn kê sát sân khấu. Rồi như một hiệu ứng dây chuyền, những tiếng vỗ tay lan ra khắp tầng trên tửu lầu, xuống đến cả tầng dưới. Bằng những bước uyển chuyển, cô gái đi quanh sân khấu một vòng rồi dừng lại trước chiếc ghế đặt giữa sân khấu, nhún khẽ hai chân cúi chào khán giả. Dáng người yểu điệu, cử chỉ duyên dáng đáng yêu khiến cho mọi người như nín thở dõi theo. Những tiếng vỗ tay lại vang lên mạnh hơn, như những tràng pháo nổ ran khắp nơi. Chờ cho tiếng vỗ tay ngớt lại, cô gái cất tiếng:

- Ngọc Lan xin cảm tạ thịnh tình của tất cả khách yêu thích âm nhạc và những đệ tử của Lưu Linh đến với Tửu Quán Bên Đường đêm nay. Ngọc Lan hi vọng rằng những tiếng nhạc, lời ca của chị em Ngọc Lan sẽ giúp tăng thêm phần nào tửu hứng cho quí khách khi thưởng thức những hương vị đặc biệt của các loại danh tửu ở Tửu Quán Bên Đường này.

Tiếng nói của nàng êm như rót mật vào tai người. Khuôn mặt nàng thật đẹp, vẻ đẹp dịu dàng của một tiên nữ trong tranh. Nhìn nàng đứng trên sân khấu dưới ánh đèn màu, người ta cứ ngỡ như mình đang lạc vào chốn thiên thai và gặp được một nàng tiên kiều diễm. Những tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên. Tên vấn khăn đỏ lại oang oang:

- Đẹp quá! Tiếng nói như chim sơn ca hót ấy. Đại ca, thiên hạ quả đồn không sai tí nào cả.

Mặc dù tiếng nói của hắn chìm trong trong tiếng vỗ tay nhưng vẫn khiến cho một số người tỏ vẻ bất bình, nhăn mặt khó chịu. Trương Văn Hiến sực nhớ đến bạch y công chúa và thầm đem nàng ta so sánh với nàng Ngọc Lan trước mặt. Cả hai đúng là mỗi người một vẻ mười phân vẹn cả mười, duy có điều hai vẻ đó khác nhau hoàn toàn. Một thật ấm áp, dịu dàng, tinh khiết, còn một thật lạnh lùng, sắc sảo, kiêu sa. Bạch Mai ngồi kế bên bỗng khe khẽ lên tiếng:

- Trương huynh, bài thơ trên sông Thu Bồn huynh nên để dành tặng cho cô nàng Ngọc Lan này sẽ hợp hơn. Nhìn nàng, muội thấy mình thật xấu xí, thô kệch.

Văn Hiến mỉm cười:

- Mỗi người mỗi vẻ, Bạch muội đừng tự hạ mình.

Hồng Liệt thì thào:

- Mỗi người một vẻ, vậy đồ gàn ngươi làm một bài thơ cho vẻ đẹp của Ngọc Lan xem khác Bạch Mai chỗ nào.

Văn Hiến đưa ngón tay lên miệng ra dấu bảo yên lặng. Tiếng Ngọc Lan như mật rót lại vang lên:

- Giai điệu và khúc hát chị em Ngọc Lan gởi đến quí khách vừa rồi đó là đoạn mở đầu của bản tình ca Trương Chi – Mỵ Nương. Đêm nay Ngọc Lan mời quí khách cùng thưởng thức những khúc ca ai oán của bản tình ca tuyệt trần này.

Nàng vừa dứt lời giới thiệu thì những tràng vỗ tay lại rộn lên. Ngọc Lan chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế phủ khăn điều, chàng thanh niên xấu xí đưa sáo trúc lên miệng và một điệu nhạc thê lương lại vút lên. Ngọc Lan với những ngón tay nhỏ xinh, thon dài đẹp như búp măng lướt trên phím đàn tỳ bà. Tiếng đàn của nàng khiến người nghe có một cảm giác xốn xang, đau buồn khôn tả. Nàng lại cất tiếng ca:

Ôi Hát Giang!

Ôi Tiêu Lang!

Chàng là ai?

Chàng là ai?

Là hồn nguyệt bạch?

Sông dài mênh mang?

Ơ... Ơ...

Biết ai gởi đến cho chàng tình ta?

...

Ơ... Ơ... Người đi... i... i...

Thôi người đi... í... i...

Gặp chi để hận biệt ly

Thì thôi chỉ là số kiếp

Hờn cho mối duyên bẽ bàng

Giấc mộng xuân tàn. Còn chi...

Ơ... Ơ... Còn chi...

Ơ... Ơ... Còn lại đây trăng bến Ngọc Tuyền

Dòng sông xưa đâu bóng thuyền câu

Và khúc hát thiết tha giang đầu

Đã chìm sâu.

Ớ...Ơ...

Chìm trong dòng sâu!

...

Ơ...Ơ...

Giọt lệ rơi đáy cốc... í... i...chung tình...i... i...

còn vương bóng ai...i... i...

A ha... Một khối tương tư

Một tấc thành

Lệ đá tan quyện nên khói tình

Non nước... ơ... ơ...

khóc cho mối tình

Ờ... ơ... Ngàn xưa đến giờ...

Bài ca về một chuyện tình đẫm lệ, tiếng sáo thê lương, tiếng đàn ai oán, tiếng hát não nùng. Cả không gian ngôi tửu lầu như chùng xuống. Mọi người nín thở để lắng nghe rồi trầm mình vào nỗi bi thương của hai kẻ yêu nhau trong thương đau, oan nghiệt được diễn tả qua tiếng hát tuyệt vời của Ngọc Lan. Những ly rượu đầy không ngừng được mọi người rót ra rồi uống cạn trong lặng lẽ như một cách để nuốt trôi đi cái nghèn nghẹn ở cổ mình. Hai dòng lệ âm thầm chảy xuống hai má của Bạch Mai lúc nào không hay.

Những câu hát cuối cùng đã chấm dứt một lúc lâu mà mọi người vẫn còn bàng hoàng như đang trong cơn mơ. Rồi sau đó tất cả mới bừng tỉnh và dành tặng những tiếng vỗ tay cảm phục tự đáy lòng. Đây đó trong khắp gian phòng có những ánh mắt long lanh ướt dưới ánh đèn mờ ảo. Bạch Mai giờ mới nhận ra mình đã khóc, nàng vội vàng đưa tay áo chặm nhanh nước mắt. Ngọc Lan đứng lên nói lời tạm biệt. Nơi chiếc bàn đầu, Cao Đường và ba người ngồi chung đồng đứng lên vỗ tay tiễn Ngọc Lan. Năm người bọn Đoàn Phong cũng đứng lên, rồi tất cả mọi người trên tửu lầu đồng loạt đứng lên. Những tràng pháo tay tiễn đưa xen lẫn với những tiếng thì thầm luyến tiếc. Ngọc Lan và mấy cô gái đánh đàn cùng chàng thanh niên thổi sáo đồng cúi chào lần nữa rồi quay vào trong.

Những cầy đèn sáp được thắp sáng choang trở lại. Mọi người ngồi xuống, tiếp tục ăn uống và râm ran bàn tán về đêm diễn của nàng Ngọc Lan. Lại nghe tiếng nói của tên vấn khăn đỏ oang oang:

- Đại ca, nàng Ngọc Lan đó quả thật là xinh đẹp tuyệt trần, lại có giọng ca như hút hết hồn phách của đệ. Nàng còn đẹp hơn cả tiên nữ nữa đó. Úy chà! Nếu mà được ôm nàng ta hôn một cái thì có chết đệ cũng cam lòng. Ha ha...

Tiếng cười bỗng tắt ngang vì bị một chiếc xương từ bàn đầu bay véo đến đập thật mạnh vào hàm răng trắng hếu của hắn. Hắn đau đớn la “ui da” một tiếng rồi đưa hai tay ôm miệng. Một lúc sau khi cơn đau giảm đi, hắn đứng lên nhìn về phía bàn đầu chỉ tay hét lớn:

- Tên khốn kiếp kia dám đánh lén ông nội mày à? Chán sống rồi hả con?

Nói xong, hắn hùng hổ định bước tới bàn của Cao Đường. Tên mặt sẹo được gọi là đại ca đưa tay kéo hắn lại, giọng đục ngầu:

- Đừng gây sự trong quán. Hãy đợi ra bên ngoài đã.

Tên vấn khăn đỏ tức tối hét toáng lên:

- Tên kia, có phải anh hùng thì ra ngoài kia! Ông nội mày mà không dạy cho mày một bài học về tội hỗn láo thì ông đây không phải là người!

Hắn đưa tay chụp thanh kiếm trên bàn rồi hùng hổ bước nhanh đến bên cửa sổ. Như sợ người nọ không dám xuống sân, hắn quay mặt lại nói lớn:

- Tên hèn nhát kia, ngươi mà không dám ra đây gặp ta thì từ nay ở nhà bú sữa đi, đừng bao giờ đến những nơi anh hùng tụ hội này nữa!

Nói xong hắn tung mình qua cửa sổ nhảy xuống sân tửu quán. Hai tên đồng bọn của hắn cũng đứng lên, tên mặt chuột móc trong túi ra một nén bạc lớn bỏ lên bàn rồi cùng nhau bước đến cầu thang đi xuống.

Có tiếng ai đó vang lên ở góc phòng:

- Cho bọn khốn kiếp đó một bài học đi! Đồ du thủ du thực!

- Đúng vậy, để đó cho tôi! Bọn hạ cấp như thế mà cũng vác mặt đến đây nghe hát.

Rồi mỗi người một câu chêm vào khiến cả tầng lầu nhốn nháo hẳn lên. Nơi bàn của Cao Đường, một người thanh niên tuổi ngoài hai mươi, mình mặc võ phục đen đứng lên nói:

- Cao gia, để tôi xuống dạy chúng một bài học nhé?

Cao Đường gật đầu. Hai người nữa trong bàn cũng đứng lên. Một người lên tiếng:

- Bọn chúng ba tên, để hai chúng tôi giúp chú mày một tay.

Cả ba cùng xuống lầu. Khách trong quán rượu đa phần hiếu sự, lại ghét ba tên vô lại nên cũng lần lượt thanh toán tiền rồi xuống dưới đất để chứng kiến cuộc đấu. Cao Đường vẫn ung dung ngồi lại uống rượu một mình. Ông chủ quán từ phía sau bước ra, tiến đến bên Cao Đường xoa hai tay vào nhau xin lỗi:

- Thật xin lỗi đã khiến cho Cao đại gia mất cả tửu hứng. Ba tên này không biết từ đâu đến mà mặt mũi và thái độ hung hăng đến thế. Cũng nên dạy cho bọn chúng một bài học để chúng biết đây là nơi nào. Cao đại gia uống rượu tự nhiên nhé, tôi xin phép ra ngoài xem.

Cao Đường khoác tay:

- Cứ để cho bọn chúng thanh toán với nhau. Này, việc tôi nhờ ông có chút hi vọng gì không?

- Tôi đã nói cho nàng ta biết lời cầu hôn của Cao đại gia rồi. Nàng nói, phu nhân ngài mới mất chưa tròn năm, việc ấy để nàng suy nghĩ lại.

- Phu nhân nhà tôi không may qua đời sau khi sinh Đại Hồng, nay sắp đến ngày thôi nôi của cháu rồi còn gì. Ông hãy ráng thuyết phục nàng đi. Tôi thật không an lòng khi thấy nàng đem thân ca hát để mua vui cho thiên hạ thế này. Ông thấy không, gặp những tên du côn như tên lúc nãy, nếu xảy ra chuyện gì không hay cho nàng thì tôi sẽ chết mất.

- Cao đại gia an tâm, có Lê Trung anh nàng và tôi ở đây thì không ai dám động đến nàng đâu. Tôi tin chắc rằng suốt bốn tháng qua, lần diễn nào của nàng cũng có mặt Cao đại gia ngồi ở chiếc bàn này, thịnh tình ấy thế nào cũng sẽ làm động lòng nàng thôi. Cho nàng một chút thời gian nữa nhé. Giờ tôi xin phép ra xem bọn chúng thế nào rồi.

Nói xong ông xuống dưới lầu. Bạch Mai thấy chỉ còn một mình Cao Đường nên đứng lên bước sang chào:

- Chào Cao gia. Cao gia thật là người phong nhã.

Cao Đường giật mình ngước nhìn chàng thanh niên đẹp trai, sau một chốc bỡ ngỡ, ông sực nhớ ra nên liền đứng dậy reo lên:

- A! Chào Bạch tiểu... ơ... Bạch công tử. Công tử cũng có mặt ở đây à? Chuyến đi Phú Xuân kết quả thế nào rồi? Mời ngồi xuống đây uống với tôi chung rượu.

Bạch Mai tươi cười nói:

- Cảm ơn Cao gia, tôi gặp nhiều điều may mắn nên mọi việc rất tốt đẹp. À, tôi đang đi chung với mấy vị huynh trưởng. Cao gia có thể ghé sang bàn kế bên để tôi giới thiệu với mấy người bằng hữu của tôi hay không?

- Được chứ!

Bạch Mai quay bước đi trước trở lại bàn, Cao Đường theo sau. Mọi người thấy Bạch Mai đưa Cao Đường sang vội đứng lên chào. Bạch Mai giới thiệu:

- Giới thiệu với các huynh đây là Cao gia ở đầm Hải Hạc mà đệ đã nói lúc nãy.

Mọi người vui vẻ gật đầu chào. Văn Hiến đoán chừng Cao Đường tuổi khoảng ngoài ba mươi. Nhìn phong thái và khuôn mặt phương phi với hàm râu đen mịn trên đôi môi hơi mỏng của Cao Đường, chàng đoan chắc người này hẳn là tay lão luyện, khôn ngoan, đúng mẫu người thành công trên thương trường. Đoàn Phong lên tiếng:

- Nghe tiếng Cao gia ở đầm Hải Hạc đã lâu mà nay mới được gặp mặt. Hân hạnh!

Cao Đường ôm quyền đáp lễ:

- Quá lời rồi. Hân hạnh được biết các vị hiệp sĩ...

Bạch Mai vội đỡ lời, nàng giới thiệu mọi người với nhau. Cao Đường nghe Bạch Mai giới thiệu tên tuổi của bốn người thì giật mình. Ông vội vàng nói:

- Không ngờ hôm nay Cao Đường tôi lại có vinh dự lớn được quen biết với những vị hiệp sĩ tiếng tăm lừng lẫy một phương. Thật là vạn hạnh! Nhờ phúc Bạch công tử!

Hồng Liệt vốn từ lâu không có thiện cảm với bọn nhà giàu nên cười nói:

- Tên trộm như tôi mà được Cao gia tặng cho danh hiệu hiệp sĩ, không sợ làm tôi hổ thẹn sao?

Cao Đường vội xua tay cười:

- Không, không. Tôi không phải nói lời sáo ngữ đâu. Thần Thâu chuyên cướp của nhà giàu và ác bá để cấp phát cho dân nghèo, hiệp danh lừng lẫy cả ba phủ, ai ai cũng biết, đó là sự thật đấy chứ. Chỉ sợ Cao Đường tôi là người thất đức, thế nào cũng có ngày hiệp sĩ viếng thăm mà thôi. Ha ha...

Văn Hiến chen vào:

- Tứ hải giai huynh đệ. Gặp nhau là vui rồi, chúng ta hãy cùng nhau ngồi xuống uống một chung rượu mừng gặp mặt trước đã.

Nói xong, chàng gọi cô gái phục vụ mang ra một bình rượu Bàu Đá. Mọi người ngồi xuống cạn ly sơ ngộ. Cao Đường hỏi:

- Công việc đã hoàn tất, Bạch công tử định khi nào trở về Giản Phố?

Bạch Mai đáp:

- Tôi, Trương huynh và Đinh huynh dự định đi nhờ thuyền của Cao gia chuyến này để trở vào trong ấy, không biết như thế có tiện không?

Cao Đường mừng rỡ đáp:

- Như thế thì còn gì vui bằng! Nhân thể cho phép tôi được mời bốn vị, ngày mai ghé lại tệ trang để dự lễ mừng thôi nôi cháu gái nhà tôi được chăng?

Bạnh Mai đưa mắt nhìn Đoàn Phong và Ngô Mãnh. Đoàn Phong nói:

- Cảm ơn lời mời của Cao gia, đáng tiếc là ngày mai hai chúng tôi phải đi cùng ngài khâm sai trở lại Phú Xuân. Lịch trình đã định sẵn rồi, Cao gia cho chúng tôi hẹn lại một dịp khác vậy.

Cao Đường tỏ vẻ tiếc rẻ:

- Quả thật đáng tiếc! Đã thế thì khi nào có dịp, mời nhị vị ghé chơi. Cửa nhà tôi luôn rộng mở để đón chào nhị vị.

Đoàn Phong vui vẻ:

- Chúng tôi nhất định sẽ ghé thăm Cao gia. À này, ba tên lúc nãy coi bộ giống ba tên đầu đảng của bọn cướp trong Núi Bà, xem chừng võ nghệ của chúng rất khá, những người bạn của Cao gia...

Cao Đường nói:

- Ba người của tôi cũng khá lắm, chắc chẳng đến nỗi nào.

Ngô Mãnh từ đầu vẫn im lặng bỗng lên tiếng:

- Chúng ta ra ngoài đi. Tôi muốn xác định xem ba tên này có phải là đầu đảng của bọn cướp đó không.

Cao Đường vội nói:

- Đã thế thì chúng ta xuống dưới thử xem.

Ông gọi cô gái phục vụ và dặn:

- Tất cả đều là phần của tôi nhé.

Cô gái lễ phép nói:

- Dạ, em biết rồi Cao gia.

Xong cô gái liền đưa mắt liếc nhìn Bạch Mai như có ý mời chàng trở lại quán. Bạch Mai cũng liếc mắt tình tứ và nở nụ cười thật đẹp:

- Tạm biệt đóa hoa lài của tôi. Một ngày kia tôi sẽ trở lại thăm cô em nhé.

Mọi người xuống đến sân đã thấy một vòng người đứng bao quanh chật kín đấu trường. Bên trong vòng tròn, thủ hạ của Cao Đường và tên đầu vấn khăn đỏ đang đánh nhau đến hồi quyết liệt. Tên vấn khăn đỏ tuy cao hơn, động tác tay chân nhanh lẹ có ưu thế hơn nhưng người thủ hạ của Cao Đường lại có bộ pháp trầm ổn, đường quyền kín đáo, khi thủ thì vững vàng, khi công lại nhanh như chớp. Tên vấn khăn đỏ đã bị trúng mấy đòn rất nặng. Hắn vừa đánh vừa la hét liên mồm có vẻ tức tối lắm. Tên mặt chuột đứng bên ngoài thấy đồng bọn của mình yếu thế hơn bèn đưa một thanh kiếm ra và nói lớn:

- Lão Tam, kiếm đây!

Tên vấn khăn đỏ vội đấm một quyền rồi nhảy lui lại rút kiếm. Một người thủ hạ khác của Cao Đường đứng bên ngoài thấy vậy cũng vội ném đoản côn cho bạn mình, miệng la lớn:

- Hồ Nghị, côn của ngươi đây!

Hồ Nghị vừa đưa tay đón khúc côn thì lưỡi kiếm của Lão Tam đã đâm tới nơi. Anh ta vội nhảy lui một bước né rồi vung côn tấn công trở lại. Hai người một côn, một kiếm lao vào nhau. Dưới ánh sáng lờ mờ của vầng trăng già cuối tháng và ánh lửa chập chờn của những bó đuốc đã được một số người đứng xem đốt lên, hai người thi triển những đòn công thủ đẹp mắt. Một lúc sau bỗng nghe Hồ Nghị thét lớn:

- Trúng!

Tức thì một tiếng “keng” chát chúa do sự va chạm của hai món vũ khí vang lên. Ngay sau đó là tiếng la đau đớn của Lão Tam. Hắn bị Hồ Nghị sử dụng thế “Hồi Tiểu Kim Kê Đả Trung Lang” đâm đầu côn vào trúng bụng, người bắn ra sau té xuống đất nằm sóng soài không đứng dậy nổi. Hồ Nghị đứng thẳng người lên chống côn nhìn hắn nói:

- Cho ngươi một bài học, từ nay về sau đừng ăn nói bừa bãi nữa. Nhất là đối với phụ nữ.

Tên đại ca mặt sẹo bảo tên mặt chuột:

- Ngươi chăm sóc cho hắn. Để ta ra lãnh giáo hắn một phen.

Nói xong hắn từ từ bước ra đứng đối diện với Hồ Nghị rồi hất hàm nói:

- Côn pháp khá lắm, ta cũng muốn ngươi dạy cho ta một bài học. Được chứ?

Hồ Nghị định trả lời thì một trong ba thủ hạ của Cao Đường đã vào giữa vòng lên tiếng đáp thay:

- Ta thấy anh bạn tay cầm đao mà học côn làm gì? Ta cũng biết múa vài đường đao thô thiển, anh bạn có muốn học không?

Tên mặt sẹo trầm mặt xuống lạnh lùng đáp:

- Càng hay! Xuất chiêu đi!

Hắn nói xong thì hoành đao thủ bộ có ý nhường cho địch thủ ra tay trước. Người bên phe Cao Đường nói:

- Khí phách lắm! Trước khi Đỗ Trọng ta xuất chiêu, xin anh bạn cho biết danh tánh để tiện xưng hô có được chăng?

Tên mặt sẹo vẫn giữ giọng lạnh lùng:

- Không cần thiết! Ra tay đi!

Đỗ Trọng nghe vậy liền hoành đao nói:

- Đã thế thì ta ra chiêu đây, chú ý mà học nhé.

Nói xong Đỗ Trọng liền múa đao tấn công luôn. Đường đao xé gió đi như chớp chém xéo vào vai đối phương. Tên mặt sẹo nhảy lùi nửa bước né tránh, miệng khen:

- Đao nhanh! Đến lượt ta!

Dứt câu, ánh đao trong tay hắn chớp lên. Hắn tấn công liền mấy chiêu, chiêu nào cũng nhanh và hiểm độc vô cùng. Đỗ Trọng chân đảo bộ né tránh đồng thời tay ra chiêu phản công trở lại. Hai người tầm vóc như nhau, sức lực có vẻ tương đồng nên thanh đao trong tay cả hai khi tung ra tạo tiếng gió rít vù vù, hàn quang lạnh buốt, tiếng thép chạm nhau phát ra những âm thanh rợn người. Đám đông đứng chung quanh thấy vậy liền tự động dãn ra xa hơn. Đoàn Phong quan sát cuộc đấu nói nhỏ:

- Nhìn bộ pháp nhanh nhẹn, cách phòng thủ nghiêm mật nhưng khi xuất chiêu lại thần tốc và hiểm ác, cùng với giọng nói hơi nặng, tôi đoán chắc tên mặt sẹo này thuộc phái võ Hét ở miền Thanh Hóa. Hành sự và tôn chỉ của võ phái Hét rất nghiêm cẩn nhưng sao hắn ta lại giống như phường thảo khấu thế này?

Văn Hiến nói:

- Phái võ Hét ở miền Thanh – Nghệ đã có từ rất lâu trong làng võ Việt, thuở còn là Châu Hoan – Châu Ái. Đây là phái võ thuần Việt của chúng ta. Vì tính sát thương cao mà phòng thủ lại vững vàng nên thời nhà Hồ, triều đình đã tuyển rất nhiều cao thủ trong phái võ này vào để bảo vệ vua chúa và công hầu. Trăm ngàn môn sinh tất phải có kẻ thiện người ác. Tên này bỏ xứ vào đây hẳn thuộc loại cuồng đồ của môn phái Hét cũng nên.

Trong khi hai người nói chuyện với nhau thì trận đấu đang đến hồi quyết liệt nhất. Dưới ánh sáng lờ mờ, hai đấu thủ lại bị bao phủ trong màn đao ảnh khiến cho người xem khó lòng phân biệt được ai là ai. Bỗng một tiếng “chát” vang lên cùng lúc với hai tiếng “a” khác nhau rồi hai bóng người nhảy dạt tách nhau ra, cả hai tay đao cùng buông thõng xuống. Đỗ Trọng ôm bụng, tên mặt sẹo ôm ngực, máu từ vết thương của cả hai chảy ra ướt vạt áo trước, từ từ nhỏ giọt xuống đất. Xem chừng cả hai đều bị thương như nhau nhưng có lẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Đỗ Trọng nói qua hơi thở mệt nhọc:

- Đao pháp của ngươi khá lắm. Ngươi thuộc môn phái Hét ở Thanh Hóa à?

Tên mặt sẹo ậm ừ:

- Nhãn quan khá lắm. Ta sẽ còn tìm ngươi để phân cao thấp. Giờ cáo từ.

Hắn nói xong ra hiệu cho hai tên đồng bọn rồi nặng nhọc bỏ đi đến nơi giữ ngựa. Tên được gọi là Lão Tam đã qua khỏi cơn đau, hắn trừng mắt nhìn Hồ Nghị nói:

- Món nợ này ta sẽ thanh toán sau! Đợi đấy!

Ngô Mãnh nhìn Đoàn Phong như hỏi ý kiến. Đoàn Phong nói:

- Nói cho Khắc Tuyên biết để cho ông ta tự lo liệu. Chúng ta không nên ra mặt lúc này làm gì.

Trận đấu đã kết thúc, đám đông cũng bắt đầu giải tán. Cao Đường bước đến hỏi Đoàn Phong:

- Đêm nay các vị nghỉ ở đâu?

Đoàn Phong đáp:

- Chúng tôi nghỉ trong phủ. Giờ xin cáo từ Cao gia, hi vọng còn có cơ duyên gặp lại.

Cao Đường chắp tay đáp:

- Hi vọng được gặp lại! Chúc hai vị lên đường bình an!

Ông quay sang Bạch Mai:

- Bạch công tử và hai vị huynh đệ đây cùng về đầm Hải Hạc với chúng tôi bây giờ hay sao?

Bạch Mai đáp:

- Dạ chưa. Ngày mai tiễn hai vị huynh trưởng này cùng Dục thúc đi xong, chúng tôi sẽ đến Cao gia làm khách.

Cao Đường chào mọi người lần nữa rồi quay vào trong quán. Hai người thủ hạ dìu Đỗ Trọng đi vào theo. Bọn Đoàn Phong cũng lấy ngựa trở về phủ Quy Nhơn. Trời lúc ấy đã quá nửa khuya.