Én Liệng Truông Mây - Hồi 09 - Phần 1

HỒI THỨ CHÍN

Gặp bão tố rơi vào tay thảo khấu

Trại Ức Trai lập kế cứu mỹ nhân.

*

Sáng hôm sau quan huyện Phù Ly Bùi Thế Phát và Võ Trụ có mặt tại phủ Quy Nhơn để chuẩn bị tiễn quan khâm sai ra bến My Lăng, rồi đi thuyền xuống cửa Nước Mặn, theo đường biển trở về Phú Xuân. Võ Trụ cưỡi con Huyết Câu đi giữa. Đoàn Phong, Ngô Mãnh, Văn Hiến, Hồng Liệt và Bạch Mai cưỡi ngựa đi hai bên. Cả sáu người đi sau cùng đoàn người ngựa. Võ Trụ lên tiếng:

- Mọi người có dịp vào lại Quy Nhơn đừng quên ghé thăm chúng tôi nhé.

Đoàn Phong nói:

- Tất nhiên rồi! Công việc ở mỏ vàng có làm anh thích thú không?

Võ Trụ thở dài:

- Tôi đã là phế binh, dự tính sẽ sống trọn cuộc đời còn lại như một người dân thường để nuôi con. Nay lệnh chúa buộc phải dính vào chốn cửa quyền, thú thật với các anh tôi chẳng hứng thú chút nào. Hơn nữa vàng là thứ kim loại có sức mạnh kỳ lạ vô cùng, nó có thể khiến con người ta dễ sanh tâm tham ố và biến thành kẻ xấu. Hà! Ngài khâm sai về rồi, tôi còn chưa biết rồi sẽ xảy ra chuyện gì với cái mỏ có trữ lượng khá lớn này đây.

Đoàn Phong cũng thở ra:

- Nội chính của phủ Chúa hiện nay đã có nhiều dấu hiệu suy đồi. Tôi đã trải qua một thời gian với tên bạo chúa Trịnh Giang nên mùi vị của bạo quyền tôi ngửi thính lắm. Anh nên cẩn thận. Đối với những món ăn ngon như vàng, sẽ có bao nhiêu con mắt tham lam ngó vào rồi dùng đủ mọi thủ đoạn bỉ ổi để giành giật. Tôi về Phú Xuân sẽ cố lưu tâm nhắc nhở Dục thúc về việc này. Chỉ hi vọng người và quan nội hữu Trương Văn Hạnh có đủ lực để kiềm tỏa quan ngoại tả Trương Phúc Loan.

- Tôi chỉ e mọi việc sẽ không tốt đẹp như anh muốn. Hãy nhìn thử xem trong cái phủ Quy Nhơn này, từ tuần phủ, khám lý tới huyện quan, tất cả đều là tay chân của quan ngoại tả. Ngay cả tên Trịnh Hiệp Thành trẻ măng mới được bổ về làm tri huyện Bồng Sơn cũng là do ông ta chỉ định. Theo sự suy diễn của tôi, e rằng quan chức khắp Đàng Trong này đều là người của quan ngoại tả cả rồi. Những ai chưa quy thuận ông ta, chẳng sớm thì muộn cũng phải theo về hoặc bị sa thải. Tình hình bên ngoài đã hiện rõ, còn bên trong nội triều ra sao thì tôi chưa biết.

- Anh nhận xét thật đúng. Trong triều bây giờ hầu hết các chức vụ trọng yếu đều đã thuộc vào tay con cháu và bộ hạ của Phúc Loan. Hắn thuyết phục Chúa Võ gả hai công chúa thứ hai và thứ bảy cho hai người con trai của hắn là Phúc Thăng và Phúc Nhạc, rồi giao cho giữ chức Chưởng dinh và Cai cơ nắm trọn binh quyền trong thành nội. Cả tên thuộc hạ thân tín của hắn là Thúc Sinh cũng được giao cho giữ chức Thượng thư bộ hộ. Trong triều giờ đây chỉ còn lại rất ít người đứng ở phe đối lập với Phúc Loan mà thôi.

- Thời thế như bây giờ, những kẻ có lòng với quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của đồng bào thật khổ sở. Tham chính thì thế cô lực bạc, lại phải chứng kiến bao nhiêu trò bỉ ổi diễn ra hàng ngày và chịu đựng cảnh bè phái tranh giành hãm hại nhau, trong khi vua chúa thì hôn mê vô lực. Rút lui bỏ mặc cho non sông đắm chìm, nhân dân đói khổ thì lại tự thẹn với lương tâm. Hà! Thời thịnh trị “vi nhân” đã “nan”, thời buổi này “vi nhân” phải đến “vạn nan”.

Ngô Mãnh bỗng lên tiếng:

- Cảm thấy đáng thì ta phục vụ, không đáng thì phủi tay bỏ đi. Anh cần gì lao tâm khổ tứ như thế?

- Làm được như Ngô huynh thì còn gì thoải mái cho bằng? Nhưng cái nợ của nam nhi thường bị trói buộc bởi “nhân tình” và “đạo lý”. Hai thứ này quấn quít vào nhau tạo thành một sợi dây vô hình trói buộc con người, khó mà tháo gỡ cho sạch. Chỉ còn cách thoát khỏi vòng tục lụy như thầy tôi thì mới mong dứt bỏ được nó mà thôi.

- Mãnh tôi không biết nhiều về đạo lý mà chỉ biết đến nhân tình. Còn có thể có tình với nhau thì lưu luyến, đã không thể thì dứt áo ra đi. Đạo lý đôi khi bó buộc khiến con người ta khổ sở.

Đoàn Phong thở dài:

- Tôi đã một lần dứt áo ra đi, lương tâm đến giờ vẫn còn ray rứt. Nay nếu phủi tay lần nữa thì tráng chí nam nhi đành chôn vùi nơi thảo dã mà thôi.

Võ Trụ nói:

- Hai anh còn có cơ hội để thực hiện cái tráng chí của mình, đừng vội chán nản. Nếu tất cả anh tài trong nước đều sớm phủi tay bỏ đi thì đất nước này sẽ chìm ngay vào vũng sình nô lệ đấy. Riêng tôi dù chỉ giữ trong tay một phần nhỏ xíu của xã hội nhưng cũng sẽ quyết giữ cho nó sạch sẽ, trong lành.

Đoàn Phong gật gù:

- Nói hay lắm! Trương huynh này, anh là người thân của quan nội hữu sao không vào triều giúp cho ông ta một tay? Tài trí như anh sẽ góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn cường quyền của quan ngoại tả. Dục thúc cũng nhắc đến anh luôn.

Văn Hiến đáp:

- Quan nội hữu cũng có đề cập vấn đề này nhưng tôi vẫn còn do dự. Có lẽ đã quen với cuộc sống an nhiên tự tại rồi nên khi nghĩ đến cảnh phải chịu bó buộc trong kỷ cương triều chính, tôi thấy ngại làm sao ấy.

Đoàn Phong thuyết phục:

- Đôi khi chúng ta cần phải hi sinh những khổ sở cá nhân để lo cho đại cuộc. Mong rằng xong việc ở Cù lao Phố anh sẽ vào giúp cho triều đình một tay.

- Vâng, tôi sẽ suy nghĩ về việc này.

Võ Trụ thêm vào:

- Ý kiến của Phong huynh rất đúng, Trương huynh đừng bỏ phí tài trí của mình như vậy. Thôi, đến lúc chúng ta chia tay rồi, chúc mọi người lên đường bình an.

Họ xuống ngựa nói lời tạm biệt với mọi người rồi phái đoàn của quan khâm sai xuống thuyền xuôi dòng Côn giang. Chỉ một lúc sau con thuyền đã khuất dạng sau những lũy tre hai bên bờ. Chờ đoàn người của phủ Quy Nhơn đi rồi Văn Hiến nói với Võ Trụ:

- Chúng ta chia tay ở đây. Bọn tôi xuống đầm Hải Hạc rồi vào Giản Phố Châu, có tin gì tôi sẽ thông báo cho anh hay.

Võ Trụ vui vẻ:

- Chúc ba người thượng lộ bình an!

Hồng Liệt cười:

- Thượng thủy chứ?

Võ Trụ cũng cười:

- Ừ, thì thượng thủy!

Bạch Mai nói:

- Cảm ơn Võ huynh về con bạch mã này. Muội quí nó lắm, muội sẽ đem nó theo. Không biết nó có chịu được sóng biển hay không?

- Bạch tiểu thư khách sáo rồi. Về chuyện đi biển, tôi tin chắc là nó không có việc gì đâu.

- Tạm biệt, không biết muội có dịp nào trở lại Quy Nhơn nữa không. Chuyến đi này muội sẽ nhớ suốt đời.

- Chúc tiểu thư thượng thủy bình an.

***

Cao gia trang tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn nhìn ra biển Quy Nhơn, cách đầm Hải Hạc chừng hai dặm và bến Thạch Kiều ở hải tấn Quy Nhơn khoảng bốn dặm. Nhà họ Cao sinh sống ở Quy Nhơn đã lâu đời, cha truyền con nối làm nghề buôn bán bằng đường hàng hải nên rất giàu có. Đội thương thuyền của họ có cả chục chiếc, đi khắp các miền đất của Đàng Trong, từ Phú Xuân vào đến Giản Phố Châu. Cao Đường là con trai một của họ Cao, vừa tiếp nhận quyền thừa kế từ cha khoảng ba năm nay khi thân phụ ông lâm bệnh qua đời. Người vợ quá cố của Cao Đường là con gái một của một thương gia người Hoa rất giàu có đã sống nhiều đời ở cảng Nước Mặn, còn mẹ là người Việt. Với dòng máu lai, Cao phu nhân là một phụ nữ xinh đẹp tuy tính tình có hơi cứng rắn, đôi khi đến cay nghiệt. Sau gần một năm cưới vợ cho con, Cao ông lâm bệnh qua đời trao quyền thừa kế lại cho Cao Đường. Hai năm sau, Cao phu nhân hạ sinh cho họ Cao một cô con gái kháu khỉnh nhưng nửa tháng sau đó bà cũng đã qua đời vì chứng sản hậu.

Hai cái tang lớn đến liên tục trong vòng hai năm ngắn ngủi khiến Cao Đường khốn đốn một thời gian cả về mặt tâm lý lẫn tài chính. Cũng may vì công việc buôn bán đã có nề nếp từ lâu nên rồi đâu cũng vào đấy. Chính trong những lúc buồn bã đó, Cao Đường đã ghé đến chợ rượu Phú Đa để giải sầu và gặp nàng ca kỹ Ngọc Lan Hương. Ông say mê nàng ta đến độ từ dạo đó, không một đêm diễn nào của Ngọc Lan mà ông vắng mặt ở chiếc bàn đầu kê sát ngay sân khấu. Tháng trước đây, ông nghĩ rằng vợ mình khuất đã tròn năm, phần thương đứa con gái không người chăm nom, dạy dỗ sau này nên ông quyết định nhờ ông chủ Tửu Quán Bên Đường ngỏ lời cầu hôn giúp nhưng nàng vẫn còn chưa chấp thuận.

Sau buổi tiệc lớn mừng thôi nôi của Đại Hồng, đoàn thuyền buôn ba chiếc lớn của Cao gia rời bến cảng vào sáng sớm để chở hàng đi Giản Phố. Bọn ba người Bạch Mai cũng có mặt trên chiếc thuyền lớn nhất của đoàn, do Đặng Hữu Dụng, người đã làm việc cho Cao gia gần hai mươi năm làm thuyền trưởng mà cũng là trưởng đoàn. Bạch Mai đem theo lên thuyền con Bạch mã của mình.

Chiều hôm đoàn thuyền ngang qua ngoài khơi của đầu địa phận Diên Khánh, Đặng Hữu Dụng cùng bọn Văn Hiến ngồi trên sàn phía trước mũi thuyền uống rượu, ông đưa tay chỉ vào bờ nói:

- Đó là núi Đá Bia, năm 1471 vua Lê Thánh Tông đánh đuổi quân Chiêm Thành đến đây đã khắc bia trên hòn đá đó để làm cột mốc cực Nam biên giới cho Đại Việt. Nay thì toàn bộ miền Nam này đã thuộc về nước ta rồi. Phải nói các đời Chúa Nguyễn thật có công rất lớn đối với dân tộc Việt của mình.

Bạch Mai nói, lúc này nàng vẫn giữ nguyên lốt nam trang:

- Hòn đá đó nhìn xéo một chút trông giống tượng đá vọng phu quá.

Hữu Dụng mỉm cười:

- Nhiều người cũng cho là như vậy, nhưng không phải.

Văn Hiến hỏi:

- Chúng ta sẽ mất bao lâu để vào đến Cù lao Phố?

- Còn tùy vào thời tiết và hướng gió thuận nghịch. Trung bình cũng phải mất nửa tháng, hai mươi ngày mới đến nơi. Đã gần trung thu, những đợt gió mùa Đông Nam và Tây Nam đôi khi chuyển thành gió Nam thổi ngược làm cho thuyền đi chậm. Nay đang vào mùa mưa lớn và bão, nếu chúng ta qua khỏi được vùng Bình Thuận sớm thì sẽ an toàn hơn.

Hồng Liệt hỏi:

- Đã biết vào thời điểm nguy hiểm sao chú lại cho thuyền khởi hành trong lúc này?

- Thời tiết thay đổi là chuyện của trời đất, chúng ta không thể biết được, cùng lắm là một số kinh nghiệm dựa theo các hiện tượng xảy ra để dự đoán mà thôi. Có năm rất yên ổn, có năm lại rất dữ dội. Nghề này là vậy đó, sống chết, rủi may đều do ở trời cả. Có lênh đênh trên biển cả mới thấy con người thật nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Nhưng nếu cứ lo sợ nguy hiểm, chẳng lẽ chúng ta phải bó gối ở nhà suốt cả nửa năm ư? Tuy vậy, vào mùa này chúng tôi cũng đã giảm số thuyền bè đi lại trên biển.

Lúc này trời đã tối hẳn, biển cả mênh mông chỉ toàn một màu đen như mực khiến cho những vì sao trên bầu trời dường như lấp lánh hơn. Nhìn lên bầu trời với muôn vạn vì sao, Văn Hiến nói với Hữu Dụng:

- Chú ở trong nghề đã hai mươi năm, chắc về thiên văn, thiên tượng phải thông suốt lắm?

- Chỉ là một số kiến thức cơ bản để có thể nhận biết vị trí các vì sao mà định phương hướng thôi chứ nói thông suốt thì hơi quá.

Bạch Mai chen vào:

- Cháu thường nghe nói đến “Nhị thập bát tú”, chú thử chỉ cho cháu xem chúng là những ngôi sao nào.

Hữu Dụng đáp:

- “Nhị thập bát tú” là hai mươi tám vì sao lớn được chia ra làm bốn chòm ở bốn phương. Chòm sao Thanh Long ở phương Đông gồm có các sao: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ. Chòm sao Bạch Hổ ở phương Tây gồm các sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm. Chòm Chu Tước ở phía Nam gồm: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Trương, Tinh, Dực, Chẩn. Và chòm sao Huyền Vũ ở phía Bắc là: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.

Trong khi liệt kê tên bốn chòm sao, ông đưa tay chỉ vào vùng phân chia của chúng trên bầu trời cho Bạch Mai xem. Rồi ông nói tiếp:

- Liệt kê ra thì nhiều như thế nhưng những kẻ lênh đênh trên biển cả như chúng tôi thật ra chỉ cần biết bốn vì sao chính của bốn chòm sao để định phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc mà thôi. Đó là bốn vì sao Giác, Khuê, Tỉnh, Đẩu.

Bạch Mai lại hỏi tiếp:

- Những ngôi sao đó ảnh hưởng thế nào đến chúng ta hở chú?

- Cái này tôi không rõ lắm, xin Bạch công tử đừng cười. Nghe nói Trương công tử là người tinh thông kim cổ, công tử có thể nói rõ cho mọi người nghe được không?

Văn Hiến mỉm cười:

- Ai nói cháu là người tinh thông kim cổ vậy? Họ quá lời rồi.

Hồng Liệt xen vào:

- Đồ gàn, ngươi thường nói với ta làm người là phải cố học sao cho trên thông thiên văn, dưới rõ địa lý, giữa hiểu nhân tâm mà? Khiêm tốn làm gì, ở đây đều là người thân cả.

Văn Hiến biết là không thể từ chối được nên nói:

- Vì người xưa tin rằng trời dùng những hiện tượng để chỉ dạy các bậc vua chúa, thánh nhân biết mà trị dân. Cho nên Kinh Dịch viết: “Thiên thùy tượng, thánh nhân tắc chi” nghĩa là “trời cho thấy các hiện tượng, thánh nhân theo đó mà bắt chước”. Do đó, thiên văn học ra đời. Đối với thiên văn thì tượng là: nhật, nguyệt, tinh tú, gió, sấm, mây, bão. Vì thế mà người xưa hết sức lưu ý đến những sự thay đổi của nhật, nguyệt, gió, mây; hết sức chú trọng đến các tường vân, thụy khí, yêu khí để đoán biết ý trời, đoán biết cát hung, cũng như sự hưng suy của các triều đại. Nhờ vào các thiên tượng, từ đó phân chia ra từng vùng, tương ứng với từng vì tinh tú để biết sự thịnh suy của những chư hầu đó. Sự phân chia như thế gọi là phân dã.

Bạch Mai hỏi:

- Chúng ta hiện ở trong khu vực sao nào?

- Nước Việt ta thuộc phân dã của sao Dực và sao Chẩn, tức là cái đuôi con Chu Tước ở khoảng trời Nam. Nhưng vào đến vùng Gia Định thì lại gần khu vực của sao Tỉnh, tức cái mỏ của con Chu Tước.

- Nghe nói nhìn sao cũng có thể đoán biết được mưa bão phải không Trương huynh?

- Để đoán mưa bão thì hiện tượng rõ ràng nhất là nhiệt độ cùng với sự tích tụ, hình dáng và màu sắc của mây. Đó sự quan sát bình thường qua kinh nghiệm, còn những nhà thiên văn, quân sự đại tài thì họ có thể quan sát sự vận hành và đặc tính của các vì sao mà đoán biết mưa bão. Ví dụ như sao Cơ thì chủ gây ra gió, còn sao Tất thì chủ gây ra mưa. Nếu thấy sao Tất đi phạm vào vùng sao Thái Âm, có thể đoán trời sẽ mưa dầm.

Đi biển mà nói chuyện mưa bão, đôi khi chỉ là chuyện tò mò tình cờ nhưng lại là điềm báo trước của sự việc. Sáng hôm đó, khi thuyền sắp qua khỏi Diên Khánh, Bình Khang để vào địa phận Bình Thuận (vùng Phan Rang, Phan Thiết bây giờ), Hữu Dụng đứng trước mũi thuyền nhìn lên bầu hướng Đông nói với Văn Hiến:

- Cậu hãy nhìn kìa! Đó là loại mây có hình dạng như vảy tê tê, chúng đang di chuyển từ từ về phía Tây. Theo kinh nghiệm thì nay mai sẽ có bão từ ngoài khơi biển Đông đổ về hướng chúng ta. Bão lớn nhỏ còn tùy vào hình dạng mây cấu thành trước khi bão đến gần. Chúng ta nên chuẩn bị đón bão là vừa.

Văn Hiến hỏi:

- Chuẩn bị thế nào?

- Cách tốt nhất là cho thuyền đi sát vào bờ. Nếu bão lớn thì ghé vào nơi nào đó an toàn để tránh bão. Chúng ta có lẽ sẽ phải ghé vào trú ở vùng tấn Phan Rang rồi.

- Ở đó không an toàn lắm hay sao mà chú có vẻ miễn cưỡng vậy?

- An toàn về bão nhưng lại không an toàn về người bản địa. Vùng Phan Rang gần đây có một bọn cướp biển người Chiêm Thành, tên đầu đảng là hậu duệ hai đời của vua Bà Tranh, người phản lại phủ Chúa rồi bị đánh dẹp năm 1693. Chúng hung dữ lại rất thù người Việt mình. Thuyền ghé vào trú bão ở vùng này e sẽ gặp nguy hiểm.

- Phủ Chúa không có biện pháp gì đối với bọn chúng à?

- Có chứ! Đầu năm nay phủ Chúa đã ra lệnh cho quan binh từ Diên Khánh vào đánh dẹp, tuy chúng đã tan rã nhưng tên cầm đầu vẫn chưa bị bắt. Nghe nói chúng lại tụ tập tàn dư và tiếp tục cướp phá thuyền buôn qua lại vùng này. Điều lo ngại là sào huyệt mới của chúng ở đâu hiện chưa ai biết được.

- Còn nơi nào an toàn nữa không chú? – Bạch Mai hỏi, giọng lo lắng.

- Nếu bão vào trễ, chúng ta vào được tấn Cà Ná hoặc Mũi Né thì an toàn. Bạch công tử nên giữ lốt nam trang như thế sẽ tốt hơn.

Lời dự đoán của Hữu Dụng đã thành sự thật. Trưa hôm sau đã có gió lớn từ biển Đông thổi mạnh vào. Đến chiều thì mây đen vần vũ khắp bầu trời, mưa lớn đổ xuống như trút nước, sóng to nổi lên từng đợt đập vào mạn thuyền, tràn lên cả boong. Ba chiếc thuyền của đoàn đã hạ tất cả buồm xuống và ghé sát vào bờ nhưng suốt một dải dài chỉ thấy toàn vách núi, đá dựng lởm chởm nên không thể tấp thuyền vào trốn gió được. Những thủy thủ cố sức chèo cho thuyền kịp ghé vào tấn Phan Rang nhưng bão lớn đã đến quá nhanh nên cuối cùng Hữu Dụng đành ra lệnh cho thủy thủ đưa thuyền vào một cái vịnh nhỏ, thuận theo những đợt sóng lớn mà húc mũi lên một bờ cát trắng phau. Tuy đã sớm chuẩn bị nhưng một trong ba chiếc thuyền cũng đã bị vỡ và chìm trước khi lên cạn. Toán thủy thủ đành bỏ thuyền bơi vào bờ.

Vịnh này chỉ có một cửa nhỏ mở ra biển, còn ba mặt là núi non bạt ngàn. Qua làn mưa bão mịt mờ, trông những vách đá dựng đứng như bị cắt thẳng từ trên đỉnh xuống. Tuy được ba vách núi che chắn nhưng gió lớn vẫn đưa những con sóng to vỗ vào bờ tạo ra âm thanh vang dội khắp một vùng thung lũng hoang sơ. Cả đoàn người trên thuyền ai nấy đều bơ phờ vì phải chống chọi với cơn bão trong một thời gian khá dài, tuy vậy mọi người đều rất vui mừng vì đã thoát khỏi nguy hiểm. Bạch Mai vốn không quen với sóng nước nên nàng đã kiệt sức vì ói mửa và đã ngất đi. Hồng Liệt ra sức chăm sóc cho nàng, chàng lo lắng hỏi Hữu Dụng:

- Tình trạng thế này có nguy hiểm lắm không chú?

- Không sao đâu. Chỉ vì công tử không quen với sóng gió nên bị nôn mửa nhiều đâm ra mất sức. Nghỉ ngơi ít lâu sẽ hồi phục lại thôi. Nhưng trước tiên là phải sưởi cho ấm đã, sau đó xoa bóp các huyệt đạo để kích thích thân nhiệt lên cao.

Họ đã tìm được một hang đá kín đáo để trốn. Gió bên ngoài vẫn rít từng cơn rùng rợn và thổi từng đợt mưa rát lạnh quanh cửa hang. Hữu Dụng bảo bọn thủy thủ:

- Tìm cho được một ít củi khô vào đây để sưởi cho Bạch công tử.

Bọn thủy thủ liền tỏa nhau đi kiếm củi khô. Động khá lớn nhưng chẳng thấy cây củi nào, họ đành phải chạy ra bên ngoài để tìm mấy cành cây khô tuy đã bị ướt bởi nước mưa. Họ dùng dao nạo sơ lớp vỏ ngoài và sau một lúc hì hục thì họ cũng đã đốt lên được một đống lửa lớn. Hồng Liệt mang Bạch Mai đến bên đống lửa để sưởi ấm, xoa bóp các huyệt đạo trên người nàng. Được một lúc thì Bạch Mai từ từ tỉnh lại. Giọng nàng run run vì lạnh hỏi Hồng Liệt:

- Muội bị ngất lâu chưa? Mấy cái cái hòm cốt huynh có giữ không? Con Bạch mã thế nào rồi?

- Tôi vẫn đeo nó trên vai đây. Cứ an tâm nghỉ ngơi cho mau lại sức. Con Bạch mã không chịu nổi sóng lớn nên đã rơi xuống biển rồi. Ta tìm lại con khác vậy.

Bỗng nghe một thủy thủ la lớn:

- Nhìn kìa! Có một chiếc thuyền lớn vừa mới tấp vào bờ. Coi bộ thuyền đó bị thiệt hại nặng lắm nên đã khẳm sâu. Không biết mọi người trên thuyền có bị gì không?

Hữu Dụng la lớn:

- Anh em nào còn khỏe mau ra giúp đưa bọn họ vào đây trú bão trước đã!

Văn Hiến nói:

- Đúng vậy, chúng ta ra giúp họ một tay đi.

Văn Hiến và Hồng Liệt từ bé đã lặn lội trên sông nên đối với việc sông nước cơ thể của họ đã quá quen thuộc. Do đó dù vừa trải sóng to gió lớn nhưng cả hai vẫn còn thừa sức chịu đựng không khác gì những người thủy thủ chuyên nghiệp. Cả hai vội chạy ra ngoài bãi cát, năm sáu thủy thủ trong đoàn cũng chạy theo đến chỗ chiếc thuyền vừa dạt vào. Lúc ấy, trên chiếc thuyền bị nạn đã có mấy người thủy thủ mặc quần áo đen nhảy xuống nước, sau đó bọn trên thuyền khiêng một chiếc cáng trên có một thiếu nữ mặc đồ trắng nằm im thiêm thiếp. Hai thủy thủ khác bồng trên tay mỗi người một cô gái, cả hai đều trong tình trạng ngất xỉu. Gió lớn thổi những hạt mưa quất mạnh vào mặt rát buốt, sóng vẫn vỗ ầm ầm không ngớt. Văn Hiến đội mưa, vượt sóng chạy đến nơi gọi lớn:

- Mau đem họ vào nơi động đá kia, ở đó kín gió và an toàn lắm!