Én Liệng Truông Mây - Hồi 09 - Phần 2

Bọn thủy thủ nghe nói vội đem ba thiếu nữ chạy vào động đá. Sau đó, cả bọn thủy thủ gần hai mươi người nữa cũng chạy theo vào động. Trong bọn họ có đến năm người đã bị kiệt sức phải nhờ người dìu đi.

Người thiếu nữ áo trắng nằm trên cáng cùng hai cô gái cũng ở vào tình trạng giống như Bạch Mai nhưng có phần trầm trọng hơn, có lẽ vì ở lâu hơn ngoài biển động. Họ mang ba cô gái đặt cạnh đống lửa, cả ba đều kiệt sức đến ngất đi vì nôn mửa quá nhiều, cơ thể lạnh băng như ướp đá. Bọn thủy thủ người nào người nấy đều tỏ vẻ vô cùng lo lắng đối với sức khỏe của thiếu nữ nằm trên cáng. Văn Hiến bước đến định xem tình trạng của nàng ta thì suýt tí nữa đã phải la lên vì kinh ngạc. Thì ra thiếu nữ áo trắng đó chính là nàng Bạch y công chúa mà chàng đã gặp và giao đấu tại quán Cao Lầu ở Hội An. Một tên thủy thủ trong bọn, chính là tên hộ vệ đứng sau lưng nàng hôm trước cũng nhận ra chàng. Hắn nói:

- Không ngờ chúng ta lại gặp nhau ở đây trong hoàn cảnh này.

Văn Hiến nói:

- Thật không ngờ! Nhưng chuyện gì thì cũng phải gác sang một bên chờ qua khỏi cơn hoạn nạn này đã. Tình trạng công chúa của anh bạn và hai vị tiểu thư kia thế nào rồi?

- Không quen sóng gió lớn, lại phải trải qua một thời gian khá lâu trên biển động nên ngất đi vì kiệt sức, lại còn bị nhiễm lạnh nữa. Ta đang lo quá mà chẳng ai dám động vào người của công chúa cả. Thật là nan giải vô cùng!

- Ngộ biến phải tùng quyền. Ta không tin công chúa lại quở trách anh bạn trong trường hợp này.

- Anh bạn không biết tính công chúa của ta đâu. Trường hợp nào rồi sau đó bọn ta cũng bị hình phạt nặng, có khi mất mạng không chừng.

Văn Hiến cau mày:

- Sao lại vô lý đến thế? Giờ anh bạn định bỏ mặc cho nàng ta nằm như thế này à?

Tên vệ sĩ gãi đầu bối rối:

- Ta thật không biết nên làm thế nào nữa đây?

- Anh bạn sợ như vậy thì ta xin phép được giúp một tay, sau này cứ để ta tạ tội. Nếu cứ để tình trạng hôn mê kéo dài sẽ làm thương tổn tới hệ thần kinh tiền não bộ, có khi phải mất mạng vì hàn khí xâm nhập vào tim và phổi.

Tên vệ sĩ nhăn nhó:

- Đành phải phiền đến anh bạn vậy. Ta thật cảm ơn.

- Anh bạn hãy chăm sóc cho hai vị tiểu thư kia đi. Trước hết bấm vào huyệt nội quan nơi cổ tay để kích thích và điều chỉnh lại hệ thần kinh đã nhiễu loạn vì say sóng, đồng thời tay kia áp vào huyệt đản trung trước ngực, truyền nội lực vào để điều hòa lại nhịp thở và sự hô hấp, cũng như kích thích năng lượng trong cơ thể của họ, tránh tình trạng hàn khí xâm nhập sâu vào nội tạng. Sau đó lại phải xoa bóp một số huyệt đạo chính trên người họ để dẫn nhiệt đi khắp châu thân.

Vừa nói chàng vừa thực hiện các động tác trị liệu. Tên hộ vệ cùng một tên khác làm theo chàng để cứu chữa cho hai cô gái trẻ. Một lúc sau, cơ thể của ba cô gái đã ấm lên dần, hơi thở trở nên điều hòa hơn. Văn Hiến và hai tên hộ vệ đỡ họ ngồi dậy, tiếp tục xoa bóp các huyệt đạo sau lưng. Chừng nửa khắc sau đã thấy nàng Bạch y công chúa từ từ mở mắt, phản ứng đầu tiên của nàng là quay phắt lại để xem ai đang xoa bóp sau lưng mình. Vừa nhận ra kẻ đó chính là tên thư sinh đã làm nhục mình hôm trước, nàng vội giáng cho Văn Hiến một cái tát thật mạnh. Cũng may nàng vừa hồi phục, sức khỏe còn yếu, nếu không với cú tát đó Văn Hiến ít nhất cũng phải rụng vài ba cái răng. Bạch y công chúa nói như hét:

- Hỗn láo! Ngươi dám...

Văn Hiến rút tay về xoa lên má, giọng điềm đạm:

- Tôi vì ngộ biến phải tùng quyền. Nếu không làm như thế e công chúa sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, hay ít nhất thần kinh sẽ bị thương tổn. Thật xin lỗi, công chúa còn cần phải nghỉ ngơi thêm, không nên cử động vội, sẽ gây hại cho cơ thể.

Nét mặt Bạch y công chúa từ trắng bệch đã đỏ dần lên bởi tức giận và hổ thẹn. Đây là lần đầu tiên trong đời có một nam nhân dám đụng đến thân thể nàng, mà lại ngay trước mặt nhiều người như thế. Nàng gắt giọng:

- Việc gì đến ngươi? Ta không biết tự lo cho ta hay sao?

Nói xong nàng định tát cho Văn Hiến cái nữa nhưng vừa đưa tay lên thì nàng đã phát ho sù sụ, đành ôm bụng nôn thốc tháo. Xong nàng thở hổn hển ra chiều mệt mỏi. Văn Hiến nói nhanh:

- Công chúa không nên tức giận. Như vậy sẽ làm đảo nghịch khí huyết trong người. Mọi việc cứ chờ khỏe lại đã, tôi sẽ tạ lỗi cùng nàng sau.

Nàng nghiến răng nói qua hơi thở:

- Cấm ngươi không được...

Và nàng gục xuống ngất đi lần nữa. Văn Hiến vội vàng đỡ lấy người nàng, đặt nằm ngay ngắn xuống đất rồi ra tay điểm nhanh một số huyệt đạo, truyền lực vào người nàng, miệng lẩm bẩm:

- Con người này thật vô lý và bướng bỉnh.

Tên vệ sĩ cười khổ:

- Anh bạn sẽ bị khổ to vì chuyện cứu người lần này đây. Thật phiền cho anh bạn!

Văn Hiến mỉm cười:

- Không sao. Cứu được nàng ta trước đã, còn khổ thế nào tính sau.

Bạch Mai chen vào:

- Ráng tí nữa khá hơn, tôi sẽ thay cho huynh.

Lúc này hai cô gái trẻ cũng đã tỉnh lại. Một cô lo lắng hỏi:

- Âu Dương Long huynh, công chúa thế nào rồi?

Tên vệ sĩ tên Âu Dương Long đáp:

- Công chúa tỉnh lại rồi nhưng vì nổi giận nên đã ngất tiếp. Vị bằng hữu kia đang cố gắng giúp công chúa hồi tỉnh trở lại.

Cô gái thứ hai nói:

- Lần này thế nào chúng ta cũng sẽ bị công chúa quở phạt nặng cho coi.

Tên vệ sĩ thở dài:

- Đành chịu vậy! Hai cô dưỡng sức cho chóng bình phục để hầu hạ công chúa. Đừng nói nhiều nữa.

Hai cô gái nghe nói liền ngồi yên nhắm mắt điều tức dưỡng thần. Văn Hiến vẫn đang tiếp tục truyền lực vào người Bạch y công chúa, một lúc sau thấy người nàng đã ấm lên, nhịp tim và hơi thở trở lại bình thường, chàng rụt tay về rồi dịch người ra xa, ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Ngoài kia gió vẫn lộng từng cơn thốc vào cửa động tạo nên những tiếng rú ghê rợn. Mưa nhẹ hạt dần rồi lại đột ngột đổ ào xuống, gió mạnh quất những hạt mưa vào vách động bắn tung tóe vào cả bên trong. Hữu Dụng bỗng lên tiếng:

- Tâm bão hình như đã qua rồi, chừng rạng sáng ngày mai là êm thôi. Cơn bão đến càng nhanh và dữ dội bao nhiêu thì cũng sẽ qua nhanh như khi nó đến. Anh em lên thuyền coi thử còn gì để ăn đỡ đói không? Tìm thêm ít cây khô nữa cho đủ đốt qua đêm. Mang nước vào đây cho mọi người uống. Sau cơn say sóng cơ thể rất cần nước để hồi phục.

Bọn thủy thủ dạ ran rồi chạy ra ngoài động chia nhau làm việc. Hữu Dụng quay sang hỏi Âu Dương Long:

- Anh là trưởng thuyền à?

Âu Dương Long gật đầu:

- Có thể nói như thế.

- Tình trạng chiếc thuyền thế nào?

- Hư hại khá nặng, bị gãy bánh lái và thủng một chỗ.

- Các anh vào Gia Định à?

- Giản Phố.

- Thế à? Chúng tôi cũng vào Cù lao Phố. Trường hợp thuyền không sửa chữa được, các anh có thể đi cùng chúng tôi.

- Cù lao Phố ở đâu?

- Là Giản Phố. Người Hoa của các anh gọi Giản Phố, người dân Việt ở địa phương gọi là Cù lao Phố vì hình dáng hòn đảo nổi lên giữa sông giống một con cù.

- Ra là thế! Cảm ơn. Quí danh của ông là...

- Hữu Dụng. Đặng Hữu Dụng.

- Cảm ơn sự tương trợ. Cứ để ngày mai xem lại tình trạng thuyền thế nào đã. Mọi việc do công chúa quyết định.

Bạch y công chúa lúc ấy cũng vừa hồi tỉnh trở lại. Nàng gượng ngồi ngay dậy nhìn quanh. Âu Dương Long vội vàng bước đến trước mặt nàng cung kính nói:

- Xin công chúa tiếp tục nghỉ ngơi dưỡng sức, đừng để hao tổn mình vàng. Mọi việc khác cứ để bọn nô tài lo liệu.

Bạch y công chúa giọng mệt mỏi hỏi:

- Hai chiếc thuyền thế nào?

- Thưa, một chiếc đã chìm trước khi vào đây. Chiếc còn lại bị hư khá nặng.

- Ngươi tính thế nào?

- Thưa, sáng mai xem lại tình trạng thuyền mới biết. Xin công chúa an tâm nghỉ ngơi, mọi việc cứ để cho nô tài lo liệu.

Bạch y công chúa khẽ liếc ánh mắt lạnh lùng sang Văn Hiến, chàng vẫn đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Nàng máy môi định nói gì đó nhưng rồi im lặng nhắm mắt lại điều tức. Bên ngoài cửa động trời tối đen như mực, gió rít lên từng cơn. Bọn thủy thủ trở về mang theo nước và lương khô cùng một số cây khô bị gãy đổ vì bão. Hai cô gái trẻ lúc này đã khỏe lại vội bước đến bên cạnh công chúa chờ đợi phục thị khi nàng cần. Hữu Dụng nói:

- Tứ hải giai huynh đệ, huống chi lúc này đang trong cơn hoạn nạn. Xin mời các bạn của Âu Dương hiệp sĩ dùng đỡ ít lương khô đỡ đói. Hai vị tiểu thư mới hồi phục lại nên uống nước nhiều vào để bảo đảm sức khỏe cho cơ thể.

Âu Dương Long chắp tay nói:

- Cảm ơn. Ngày sau nguyện báo đáp. Anh em đừng khách sáo. Thu Hồng và Bạch Cúc, hai cô chuẩn bị phần ăn và nước uống cho công chúa rồi cũng nên ăn một chút cho khỏe.

Cô gái áo hồng tên Thu Hồng liền lấy một phần thức ăn và một bát nước đem để trước mặt công chúa. Xong hai cô ngồi xuống bên cạnh nàng cùng mọi người quây quần quanh đống lửa để ăn uống. Thu Hồng lo lắng quay sang Âu Dương Long hỏi nhỏ:

- Thuyền hư như vậy biết bao giờ mới đưa công chúa đến nơi?

- Đừng lo quá sẽ làm cho công chúa bất an. Mọi việc cứ để ngày mai xem sao đã.

Đêm đã khuya, mọi người sau một ngày vật lộn với cơn bão đều cảm thấy mệt mỏi nên nằm quanh đống lửa ngủ say. Chỉ có Thu Hồng, Bạch Cúc và Âu Dương Long tuy mệt mỏi nhưng vẫn phải thức canh công chúa của họ vì nàng vẫn đang ngồi im nhắm mắt dưỡng thần. Ngoài kia, gió rít u u hòa vào tiếng sóng vỗ ầm ầm. Bên trong thỉnh thoảng vang lên vài tiếng lửa nổ lách tách. Hai cô gái mắt đã trĩu nặng nhưng vẫn cố không dám ngủ gục, ngồi chờ công chúa thức dậy để chăm sóc cho nàng ăn uống. Bỗng bạch y công chúa bỗng mở mắt nói:

- Các ngươi ngủ đi!

Thu Hồng nghe tiếng công chúa, nàng mừng rỡ vội nói:

- Công chúa tỉnh lại rồi! Công chúa nên ăn một chút và uống nước nhiều vào để cơ thể chóng phục hồi. Tiểu tì có để phần thức ăn và nước uống cho công chúa đây.

Nói xong, nàng hai tay bưng bát nước đưa lên cho công chúa. Công chúa lắc đầu đưa tay gạt bát nước ra:

- Ta làm sao nuốt trôi những thứ này?

- Công chúa phải ráng. Đây là lúc hoạn nạn, tiểu tì không làm sao có hơn được. Sau cơn say sóng, người cần phải uống thật nhiều nước.

Nàng đưa bát nước đến môi công chúa. Bạch y công chúa nhắm mắt hé môi nhấp một ngụm. Nàng định chỉ nhấp một miếng cho đỡ khô cổ nhưng vì khát quá nên cuối cùng đã uống cạn bát nước. Thu Hồng mừng rỡ nói:

- Bây giờ công chúa phải ráng ăn một chút. Có khó nuốt cũng phải cố, nếu không sẽ không đủ sức vượt qua tai nạn này đâu. Chúng ta còn phải chờ sửa thuyền lại, ít nhất cũng mất vài ngày. Vả lại, đường vào Giản Phố còn xa lắm.

Bạch y công chúa tuy cảm thấy đói lắm nhưng vì vừa mới nôn quá nhiều, bụng còn nôn nao khó chịu nên nàng dù cố nuốt vẫn chỉ được vài ba miếng rồi thôi. Thu Hồng biết ý nên nói:

- Công chúa nằm xuống nghỉ đi. Mai tiểu tì sẽ tìm món gì đó dễ nuốt hơn cho công chúa.

Thu Hồng đỡ công chúa nằm xuống rồi cùng Bạch Cúc ngồi bên xoa bóp cho nàng. Công chúa bảo:

- Ba ngươi ngủ đi.

Nàng nhắm mắt lại. Cả ba người bây giờ mới dám nằm xuống, chỉ chốc lát họ đã ngủ thiếp đi. Tảng sáng hôm sau mọi người đều thức dậy và kéo nhau ra ngoài động để xem tình trạng mấy chiếc tàu. Trong hang chỉ còn lại Bạch Mai, Bạch y công chúa và hai tiểu tì nằm nghỉ. Trời vẫn còn mây đen u ám nhưng sức gió đã giảm nhẹ rất nhiều, mang theo một vài đợt mưa nhẹ. Vịnh này chỉ có một cửa hẹp thông ra biển nên lúc này sóng biển đã êm lại, mực nước biển lùi ra xa khiến hai chiếc thuyền của Hữu Dụng nằm trơ trên bãi cát nơi mép nước. Chiếc thuyền của Âu Dương Long bị mắc cạn xa hơn, một nửa thân thuyền chìm trong nước. Các thủy thủ hai đoàn nhanh chóng bắt tay vào làm việc, kẻ tát nước trong thuyền ra ngoài, người lo thu xếp các vật dụng đã bị đổ ra bừa bãi khắp nơi trong thuyền. Văn Hiến và Hồng Liệt cũng xắn tay vào phụ giúp các thủy thủ. Đến khoảng giờ tị thì mây thưa dần, ánh mặt trời bắt đầu chiếu xuống những tia yếu ớt. Vùng vịnh sáng dần lên, trông như cảnh thần tiên với nét hoang sơ, hùng vĩ và hữu tình. Đứng trên sàn thuyền ngắm nhìn quang cảnh của vịnh, Văn Hiến hỏi Hữu Dụng:

- Chú Dụng, vịnh này có tên là gì vậy chú? Phong cảnh thật là hùng vĩ nên thơ.

- Tôi không chắc lắm. Vài lần ghé Phan Rang tôi có nghe người địa phương đề cập đến một cái vịnh nhỏ tên Vĩnh Hy, không biết có phải họ nói đến cái vịnh này không.

- Buông bỏ được việc đời để về đây sống với cảnh thiên nhiên, giữa biển trời non nước thế này mới đúng là chân lạc thú. Chú thấy cháu nói có đúng không?

- Đó là điều ai cũng muốn cả nhưng rất ít người làm được. Đã sinh ra làm người trong đời, việc khó nhất là buông bỏ nó. Ngoại trừ thánh nhân hay các bậc hiền nhân ẩn sĩ. Tất cả cũng chỉ vì những thứ này nó ràng buộc chúng ta.

Ông nói xong rung rung xâu tiền đồng khá lớn đang nắm trong tay rồi đưa nó sang cho Văn Hiến cầm và hỏi:

- Cậu có cảm giác thế nào khi chỉ có hai bàn tay không và khi có một xâu tiền vàng trong tay? Cứ coi như nó là sở hữu của cậu đi.

- Trong hoàn cảnh hiện giờ xâu tiền này trở thành vô dụng chú ạ.

- Nếu cậu đang ở giữa chốn phồn hoa đô hội thì sao?

- Tất nhiên cảm giác khi có xâu tiền trong tay sẽ sung sướng và thú vị hơn.

- Vậy đó. Trong một trăm người thì hết chín mươi chín người có cùng cảm giác như cậu vừa nói. Cho nên tôi mới nói buông bỏ việc đời là việc rất khó. Đồng tiền tự nó là một vật vô tri nhưng từ khi con người gán cho nó một giá trị trao đổi thì con người bỗng trở thành nô lệ của nó, suốt đời cứ phải bỏ công sức giành giật kiếm tìm rồi nâng niu, trân quí nó còn hơn cả tính mạng của mình.

Hai người đang nói chuyện thì chợt nghe một tiếng “bắn” từ trên núi gần hang động vang tới. Tức thì, hàng loạt mũi tên từ trên cao bắn xuống như mưa rào, nhắm vào đám thủy thủ đang loay hoay sửa thuyền, hết loạt tên này lại liên tiếp đến loạt tên khác. Vì bất ngờ nên hơn nửa số thủy thủ đang làm việc trên hai chiếc thuyền của Hữu Dụng bị trúng tên kêu la inh ỏi. Số còn lại nhanh chân nhảy xuống lòng tàu hay bãi cát để núp vào phía bên kia con tàu, trong đó có Hồng Liệt. Chiếc thuyền của bọn Âu Dương Long ở xa hơn nên số người bị trúng tên ít hơn. Phần Văn Hiến khi nghe tiếng hô, chàng lập tức xô Hữu Dụng, cả hai nằm xuống núp sát vào be thuyền. Họ hết sức ngạc nhiên vì biến cố đột ngột này. Hữu Dụng đoán ra sự tình, nói lớn:

- Anh em cẩn thận! Chúng ta lọt vào ổ phục kích của bọn cướp Chiêm Thành rồi! Anh em nào ở dưới hầm tàu, tìm cách đưa số vũ khí ở dưới đó lên trên nhanh lên.

Mấy thủy thủ bên dưới gom vội những chiếc mộc che tên và một số vũ khí gồm đao kiếm đủ loại ném lên trên. Đối với những người đi biển, nguy hiểm nhất là bão tố, thứ đến là cướp biển cho nên trên thuyền lúc nào cũng có đầy đủ gươm đao, cung tên và mộc chắn tên dự phòng khi bị cướp tấn công. Tên từ trên núi, tên vẫn tiếp tục bắn xuống hàng loạt. Văn Hiến vội mở xâu tiền đồng bỏ đầy vào hai túi. Chàng gọi lớn:

- Tên trộm, ngươi có sao không? Đang ở đâu vậy?

Có tiếng Hồng Liệt dưới nước vang lên:

- Ta không sao. Đang ở phía bên này con tàu. Ngươi có bị trúng tên không?

- Không! Giữ cái này làm ám khí, đây!

Nói xong chàng tung xâu tiền còn lại về phía có tiếng nói của Hồng Liệt. Hồng Liệt ở bên dưới đưa tay bắt gọn. Anh cũng trút số tiền đồng vào hai túi rồi lên tiếng:

- Đồ gàn, bọn cướp đứng trên núi rất đông! Chúng đứng ngay trên nóc hang đá. Làm sao để cứu bốn cô gái còn nằm trong đó bây giờ?

- Chúng bắn tên rát quá, đợi ta tìm được mộc che tên đã rồi sẽ tính.

Chàng trườn người đến cầm lấy hai cái mộc che tên đưa cho Hữu Dụng nói:

- Chú che cho cháu nhé.

Số mộc còn lại chàng tung xuống biển nơi bọn Hồng Liệt đang núp. Sau đó, chàng lại ném vũ khí cùng cung tên cho họ. Bọn cướp trên núi thấy có người trên thuyền nhúc nhích liền bắn xuống một cơn mưa tên. Những mũi tên cắm vào hai cái mộc trên tay của Hữu Dụng và trên mặt thuyền tua tủa như lông nhím. Thực hiện xong việc phân phát vũ khí, Văn Hiến nép mình vào be thuyền quan sát. Bọn cướp lớp đứng trên núi, lớp khác đã nhảy xuống bãi cát và bao quanh sơn động. Đã có mấy tên xông vào bên trong rồi có tiếng la hét của mấy cô gái. Văn Hiến la lớn:

- Các cô gái đang gặp nguy hiểm! Anh em một người che mộc một người bắn tên, chúng ta phải triệt hạ bớt những tên cung thủ trên núi, sau đó bắn bảo hộ cho tôi và Hồng Liệt vào cứu người. Anh em chuẩn bị chưa? Chúng ta chia nhau bắn nhé, nhóm ở thuyền này từ phải qua trái, nhóm ở thuyền bên đó từ trái qua phải, chúng ta phải triệt hạ bọn cung thủ trước. Anh em nghe rõ không?

Có tiếng trả lời “rõ” từ chiếc thuyền bên. Văn Hiến lại hô lớn:

- Một, hai, ba! Bắn!

Tức thì một loạt tên từ dưới hai chiếc thuyền lao vút lên núi. Bọn cướp ít nhất cũng có gần mười tên bị trúng tên ngã xuống. Có nhiều tên rơi từ trên cao xuống bãi cát cùng với tiếng rú thất thanh. Loạt tên đầu đắc thủ, anh em thủy thủ lại bắn tiếp loạt tên thứ hai. Lúc này bọn cướp còn lại trên núi đã nằm rạp xuống núp, có tên nhổm người giương cung bắn trả lại. Rồi có tiếng la cảnh cáo đồng bọn:

- Anh em cẩn thận! Chúng bắn đấy!

Trên thuyền, Văn Hiến cố gắng hét lớn hơn để cho bọn thủy thủ bên tàu của Âu Dương Long nghe:

- Anh em tiếp tục bắn, đừng cho bọn cung thủ có điều kiện ra tay nhé. Âu Dương huynh bên đó thế nào rồi? Chúng ta phải hành động cùng một lúc thì bọn cướp mới không kịp trở tay. Chúng tôi xông lên bờ đây.

Âu Dương Long lớn tiếng đáp:

- Chúng tôi cũng đã sẵn sàng! Nào lên!

Âu Dương Long hô xong liền ném hai mảnh gỗ xuống mặt nước biển, sau đó tung người từ trên thuyền đạp nhẹ lên một miếng gỗ thứ nhất, mượn đà nhảy tiếp sang miếng gỗ thứ hai rồi đáp xuống bờ cát. Bên này, Văn Hiến cũng tung người xuống bãi cát rồi cùng Hồng Liệt lao nhanh đến bọn cướp đang đứng trước cửa hang núi. Để dọn đường, những đồng tiền của họ liên tiếp bay ra, nhắm vào các huyệt đạo của bọn cướp mà lao vút đến. Đã có năm, sáu tên cướp trúng ám khí té nhào chưa kịp la lên một tiếng. Bọn cung thủ trên núi thấy có ba người từ dưới nước lao lên bãi cát liền nhô người nhả tên. Bọn Văn Hiến vội múa đao kiếm gạt tên và tiếp tục lao tới. Trong khi đó, các cung thủ dưới thuyền cũng lập tức buông tên. Mấy tên cung thủ nữa ở trên núi trúng tên nhào xuống đất.

Ba người bọn Văn Hiến vừa đến cửa hang liền ra tay tấn công bọn cướp. Chúng vung vũ khí đánh trả và bao vây họ, cuộc chiến diễn ra ác liệt. Đám lâu la tuy đông nhưng không phải là đối thủ của ba tay kiếm thượng thặng như Văn Hiến, Hồng Liệt và Âu Dương Long. Chỉ sau một hồi giao đấu đã có thêm rất nhiều tiếng rú thất thanh của bọn cướp vang lên. Văn Hiến tay vung kiếm chém bọn cướp, giọng lo lắng nói lớn:

- Mấy cô gái trong hang chắc đã bị bắt cả rồi hay sao mà không nghe động tịnh gì cả?

Âu Dương Long càng nóng ruột hơn vì lo cho sự an nguy của công chúa. Chàng ta lên tiếng đáp:

- Chắc là như vậy rồi! Hai bạn thanh toán bọn này nhé, để tôi xông vào trong cứu họ.