Én Liệng Truông Mây - Hồi 10 - Phần 3

Hữu Dụng nâng chung uống cạn. Văn Hiến cũng uống cạn rồi rót tiếp chung thứ hai. Hữu Dụng đưa mắt nhìn sang gian đình kế bên, khoảng cách giữa hai gian đình chừng ba trượng, trăng còn chưa lên cao nên không thấy rõ lắm. Chỉ thấp thoáng bóng một người phụ nữ ngồi ngoài sàn lộ thiên, phía sau là hai người phụ nữ đứng hầu cận. Trên bờ có mấy người đàn ông đứng nghiêm và im lặng trong bóng tối. Hữu Dụng nói:

- Đoán chừng là nàng bạch y công chúa hôm nọ. Nếu đúng thì quả là thiên hạ nhỏ và hẹp vô cùng.

- Thật vậy!

- Hình như công tử đã gặp nàng ta ngoài Hội An rồi phải không?

- Vâng. Còn giao đấu chí chết với nhau nữa đấy.

- Vậy à? Vì sao?

Chàng bèn kể sơ qua chuyện ở quán Cao Lầu. Hữu Dụng nghe xong nói:

- Thảo nào nàng chẳng giận công tử và ra tay đánh không thương tiếc lúc công tử chữa thương trong động đá.

Trăng đã lên cao khỏi những đọt cây, chiếu ánh sáng bàng bạc khắp nơi. Nhìn xa xa, bóng người lố nhố trên chiếc cầu ván bắt qua Sa Hà. Hữu Dụng chỉ tay về phía cầu nói:

- Đặc biệt ở đây, mỗi khi đến rằm tháng tám mọi người đổ ra các bờ sông để ngắm trăng, uống rượu. Họ muốn nhìn mặt trăng lớn nhất trong năm. Cậu thấy không, đó là những người lao động nghèo. Họ không có tiền vào quán nên cùng nhau uống rượu ngắm trăng trên cầu và nơi những chiếc ghế đá.

Bỗng có tiếng người ở trên bờ hỏi nhỏ xuống:

- Có phải chú Hữu Dụng và Trương huynh ở dưới đó không?

Hữu Dụng nhận ra tiếng của Âu Dương Long nên vội vàng đứng lên quay lại nói:

- Âu Dương hiệp sĩ đó à? Mời xuống đây uống rượu với chúng tôi!

Âu Dương Long đáp:

- Vâng cháu đây! Chờ cháu một lát nhé.

Nói xong chàng ta trở về gian tiểu đình, có lẽ là để xin phép công chúa. Một lát sau Âu Dương Long qua. Chàng ta vui vẻ nói:

- Chào chú, chào Trương huynh! Cháu đã định sang kiếm chú và Trương huynh uống rượu nhưng hôm nay phải đưa công chúa đi ngắm trăng nên chưa đi được. Không ngờ lại gặp được hai người ở đây, thật hay quá!

Hữu Dụng nói:

- Ngồi xuống trước đã. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ mà. Cậu có trốn đâu rồi cũng sẽ gặp thôi.

Ông ngoắt tay, cô phục vụ trên bờ vội chạy xuống. Hữu Dụng nói:

- Thêm hai bình rượu nữa. Chung và chén đũa nhé.

- Dạ, có ngay ạ!

Cô quay đi một lúc thì đã mang mọi thứ đến. Văn Hiến rót rượu ra ba chiếc chung. Hữu Dụng nâng chung mời:

- Mời hiệp sĩ! Uống mừng cho sự quen biết của chúng ta.

- Mời!

- Mời!

Uống cạn chung rượu xong, Âu Dương Long hỏi:

- Công việc của chú thế nào rồi? Chú từ Quy Nhơn vào à?

- Vâng. Đang tiến hành bốc dỡ.

- Cơn bão vừa rồi chắc thiệt hại nặng phải không?

- Cũng khá. Nhưng không hề gì. Nghề của bọn tôi là vậy. Lúc đắc lúc thất, bù qua sớt lại rồi cũng xong.

- Trương huynh có lẽ chỉ theo thuyền vào nam vãng cảnh, phải không?

- Tôi nghe sông nước miền Nam mênh mông, đất đai trù phú nên theo chú Dụng vào thăm qua để mở rộng thêm tầm mắt.

- Còn Đinh huynh và Bạch tiểu thư?

- Bạch muội là người ở đây. Chúng tôi quen được chú Dụng là nhờ Bạch muội. Âu Dương huynh từ Phúc Kiến ghé vào Hội An à?

- Vâng. Công chúa bỗng dưng muốn đi thăm Hội An và Giản Phố. Vương gia cản cũng không được nên tôi phải theo hầu người.

Hữu Dụng hỏi:

- Vương gia là hoàng thân của Thanh triều?

- Xin lỗi chú, điều này cháu không trả lời được. Vương gia người Hán, họ Lý.

Hữu Dụng vội nói:

- Xin lỗi đã tò mò.

Văn Hiến rót rượu cho ba người, chàng nói:

- Chuyện hôm trước ở quán Cao Lầu và nơi động đá đều là sự bất đắc dĩ. Âu Dương huynh cho tôi gởi lời tạ lỗi với công chúa nhé.

- Tôi sẽ thưa lại. Cảm ơn Trương huynh lần nữa vì đã giúp chúng tôi thoát khỏi thế bí. Mà dường như công chúa cũng không trách Trương huynh thì phải. Đây là chuyện hiếm thấy trước giờ đấy. Có điều huynh phế bỏ võ công của tên Vô Tình công tử, e là sẽ không thoát khỏi sự trả thù của sư phụ hắn ta đâu.

- Đành chịu vậy! Hắn đúng là kẻ vô tình, coi mạng người như cỏ rác. Nghe nói hắn mới trở về Hội An có hai năm mà không biết bao nhiêu người đã chết dưới tay hắn.

- Thầy trò của họ đều như thế cả đấy. Cực kỳ kiêu ngạo, cực kỳ vô tình, độc ác. Tôi mới gặp mặt hắn đã thấy không vừa mắt rồi.

- Sư phụ của hắn là ai?

- Thiên Ưng lão nhân. Đúng ra là Thiên Ưng lão quỉ. Thiên Ưng trảo của ông ta có thể sánh ngang với Cầm Long thủ của Thiếu Lâm. Một dải Giang Nam, người chết dưới ưng trảo của ông ta có đến hàng trăm. Sau này Trương huynh phải cẩn thận.

- Cảm ơn sự quan tâm của Âu Dương huynh. Bình thủy tương phùng, chúng ta cạn chung nữa đi.

Ba người vui vẻ nâng chung uống cạn. Bỗng một cô gái từ trên bờ đi xuống chỗ bọn họ. Cô ta nở nụ cười tươi nói:

- Tiểu tì xin chào chú Dụng, chào Trương công tử.

Hữu Dụng và Văn Hiến đồng thanh nói:

- Chào Thu Hồng cô nương! Cô khỏe chứ?

Âu Dương Long giật mình quay lại:

- Ủa? Thu Hồng, cô sang đây làm gì vậy? Công chúa có chuyện gọi tôi phải không?

Thu Hồng nháy mắt với Âu Dương Long:

- Tôi sang không phải để gọi anh mà để mời Trương công tử.

Rồi cô nhìn Văn Hiến tươi cười nói:

- Trương công tử, công chúa sai tiểu tì qua mời công tử sang bên đó nói chuyện.

Văn Hiến nghe nói hơi giật mình:

- Mời tôi?

Rồi chàng nhìn Âu Dương Long:

- Món nợ hôm trước chắc là phải trả đủ đêm nay rồi đó.

Thu Hồng mỉm cười bí mật:

- Công tử đừng lo. Có khi người mắc nợ trở thành chủ nợ cũng không chừng.

Âu Dương Long cũng mỉm cười:

- Trương huynh đi đi. Có gì thì chúng tôi sẽ chịu phạt chung với huynh.

Văn Hiến đứng lên.

- Hai người uống rượu với nhau nhé. Tôi đi trả cho xong món nợ này đã.

Thu Hồng đi trước, Văn Hiến theo sau. Bạch y công chúa đang ngồi nhìn ra sông, quay lưng lại. Đến nơi, Thu Hồng nói khẽ:

- Thưa công chúa, Trương công tử đã đến!

Nàng không quay lại mà chỉ lên tiếng:

- Mời Trương công tử ngồi.

Giọng nàng không còn vẻ lạnh lùng băng giá như lúc trước nữa, âm thanh trong trẻo nhẹ nhàng rất êm tai. Thu Hồng lặp lại lời của công chúa và đưa tay chỉ vào chiếc ghế đặt xéo trước mặt nàng. Văn Hiến nói:

- Cảm ơn!

Chàng ngồi xuống chiếc ghế. Thu Hồng đưa tay định cầm bình rượu rót ra chung thì công chúa cản:

- Để ta!

Thu Hồng biết ý nên thụt lui rồi quay người bước lên bờ. Văn Hiến đưa tay cầm bình rượu rót ra hai chung nhỏ, đặt một chung trước mặt công chúa, chàng nói:

- Tôi mượn chung rượu này để chính thức nói lời tạ lỗi với công chúa. Việc chẳng đặng đừng nên tôi đã có chút mạo phạm.

Nói xong chàng bưng chung rượu uống cạn. Công chúa im lặng ngồi nhìn chàng uống, nàng vẫn để chung rượu trước mặt không đụng tới. Thấy vậy, Văn Hiến liền nói tiếp:

- Công chúa không uống tức là không chịu thứ lỗi cho tôi. Nếu vậy tôi chỉ còn...

- Tôi chưa từng nói công tử có lỗi bao giờ thì tại sao phải tạ lỗi?

Văn Hiến ngỡ ngàng, ấp úng:

- Công chúa tức giận đến độ tát tôi một cái như trời giáng, tôi cứ tưởng...

Khóe miệng công chúa hơi nhích lên, nửa cười nửa không:

- Cho nên tôi mới là người phải tạ lỗi với công tử.

- Tôi bị tát là đáng lắm, công chúa không có gì phải tạ lỗi cả.

Bạch y công chúa nâng chung rượu lên uống cạn rồi nói:

- Chung rượu đó là chung rượu tôi tạ lỗi với công tử.

- Như vậy chúng ta coi như huề, không ai có lỗi với ai nữa. Được chứ?

Công chúa khẽ gật đầu. Nàng rót thêm hai chung nữa, thong thả đưa bàn tay đẹp như ngọc nâng chung rượu lên uống cạn:

- Chung rượu này là để tạ ơn công tử đã cứu mạng.

Văn Hiến ngồi im lặng nhìn nàng uống. Chàng không đả động gì tới chung rượu của mình. Công chúa nói:

- Công tử không uống tức là không nhận lời cảm ơn của tôi. Tôi chỉ còn...

- Tôi chưa từng nói công chúa mang ơn tôi bao giờ thì tại sao phải tạ ơn?

Cả hai chợt nhận ra mình cùng lặp lại y lời nói ban nãy của đối phương nên phì cười. Nét băng giá cố hữu trên khuôn mặt xinh đẹp của nàng giờ đã biến mất. Nụ cười nở trên đôi môi xinh, dưới ánh trăng thanh huyền ảo càng làm cho khuôn mặt nàng đẹp đến mê hồn. Văn Hiến như thấy có một cảm giác kỳ lạ chạy dọc theo xương sống lên đến đỉnh đầu. Chàng vội đưa tay bưng chung rượu lên uống cạn rồi nói:

- Công chúa không bắt lỗi, tôi không đòi trả ơn. Chúng ta không ai nợ ai. Được chứ?

Nàng khẽ gật đầu:

- Được!

Chàng rót thêm hai chung nữa, nâng ly của mình và mỉm cười nói với công chúa:

- Tôi mượn chung này để uống cho sự tao ngộ của chúng ta. Mời công chúa!

Cả hai cùng cạn chung.

- Cảm ơn công chúa đã mời rượu, không dám quấy rầy nhã hứng ngắm trăng của công chúa nữa, tôi xin phép. Mong sẽ có ngày gặp lại.

Chàng dợm người đứng lên. Công chúa nhìn chàng bằng đôi mắt sâu thẳm. Nàng hỏi:

- Công tử định đi à?

- Công chúa còn điều gì chỉ bảo nữa không?

Giọng nàng ngập ngừng:

- Ơ... Không có... Chỉ là tôi vẫn chưa biết tên công tử.

- Xin lỗi, tôi vô ý quá. Tên tôi là Văn Hiến. Trương Văn Hiến.

- Văn Hiến chi bang. Thảo nào tôi nghe nói công tử bụng chứa kinh luân.

- Công chúa nghe lầm rồi. Tôi chỉ là một kẻ quê mùa sống nơi thảo dã thôi.

- Khổng Minh ngày xưa không phải cũng ở nơi thảo dã đó sao?

- Khổng Minh tuy sống nơi thảo dã nhưng lòng nuôi chí lớn nên bụng mới chứa sẵn kinh luân đợi thời.

- Công tử thì sao?

- Đất nước tôi đang lúc thanh bình, tôi chỉ biết ngao du ngày tháng, nuôi chí lớn để làm gì?

- Đất nước còn chia hai mà bảo là lúc thanh bình ư? Đàng Ngoài loạn lạc, dân chúng đói khổ chạy vào Đàng Trong vừa tị nạn vừa kiếm miếng ăn, sao người chỉ lo ngao du ngày tháng?

Văn Hiến nghe nàng hỏi giật mình đánh thót. Chàng đỏ mặt lúng túng:

- Công chúa ở Phúc Kiến sao lại rõ chuyện nước tôi như thế?

- Đất nước tôi lọt vào tay Mãn Thanh, tôi có ý định sẽ lưu cư ở nơi này nên phải học hỏi văn hóa ở đây.

- Xin chào mừng cư dân mới! Cảm ơn công chúa đã chọn đất nước chúng tôi làm quê hương thứ hai.

Chàng rót thêm hai chung rượu mời:

- Chào mừng!

- Cảm ơn công tử!

Văn Hiến đặt chung rượu xuống bàn, chàng dùng mấy ngón tay vân vê chiếc chung nói nhỏ:

- Có điều đáng tiếc...

Công chúa nhìn chàng hỏi:

- Đáng tiếc điều gì?

- Đáng tiếc là đất nước này có quá nhiều những đứa trẻ ăn mày. E rằng công chúa sẽ phải mướn thêm thủ hạ để quẳng chúng xuống sông mỗi khi ra ngoài.

Sắc mặt bạch y công chúa chợt hồng lên dưới ánh trăng vàng. Nàng cúi đầu, tay cũng vân vê chiếc chung nói nhỏ:

- Công tử trách tôi để bọn thủ hạ làm bậy phải không?

- Không dám. Chỉ là hoàn cảnh mỗi người khác nhau nên mới có kẻ nghèo người giàu, kẻ sang người hèn. Tuy vậy, không ai muốn làm kẻ nghèo khó, hèn mọn cả. Chỉ là số phận đẩy đưa họ mà thôi. Họ đã không muốn thì không có tội. Những ai coi rẻ họ mới là người có tội.

Công chúa rót đầy hai chung rượu. Nàng uống cạn một chung:

- Chung rượu này tôi uống để tạ tội.

Văn Hiến vẫn để nguyên chung rượu. Bạch y công chúa hỏi tới:

- Công tử không uống tức là không xóa tội cho tôi chứ gì?

Văn Hiến mỉm cười:

- Tôi đâu có quyền bắt tội công chúa, làm sao xóa?

- Nếu vậy thì tôi tự giác nhận tội vậy. Công tử không thể uống để cho tôi nhẹ lòng sao?

- Vậy thì tôi xin uống.

Chàng nâng chung uống cạn. Công chúa nhìn chàng nhắc:

- Công tử còn chưa trả lời câu hỏi của tôi lúc nãy.

Văn Hiến không biết nàng cố ý hỏi đến sở học của mình để làm gì, chàng ngần ngừ một chút rồi đáp qua loa:

- Cho nên mới nói tôi chỉ là một kẻ quê mùa vô tích sự.

Công chúa phì cười. Nụ cười tươi trên môi càng làm cho khuôn mặt nàng thêm phần rạng rỡ:

- Công tử khéo nói lắm. Thôi được! Tôi nghe thiên hạ ở Thuận – Quảng ca ngợi tài thi phú của công tử còn hơn cả Tào Thực, Vương Bột năm xưa. Đêm nay trăng đẹp quá, công tử có thể ứng khẩu một bài không? Như công tử đã làm trên sông Thu Bồn hôm trước đó.

Văn Hiến ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao công chúa biết được việc này?

- Công tử phế võ công của tên Vô Tình công tử nên bọn họ cho người đi lùng công tử khắp nơi. Chuyện công tử ứng khẩu tặng Bạch Mai cô nương bài thơ trên sông Thu Bồn đã được người lái đò hôm đó truyền tụng khắp chốn. Để tôi nhớ xem họ ngâm nga cái gì mà... “Tu hoa bế nguyệt mai khôi diện. Nhất tiếu ngư trầm thủy thượng vân”.

Văn Hiến bối rối:

- Thiên hạ hiếu sự, lúc nào cũng chỉ muốn thổi phồng cho lớn chuyện. Công chúa nghe họ làm gì.

- Không muốn nghe cũng không được. Khắp Hội An bây giờ đi đâu cũng nghe thiên hạ nhắc đến cái tên Diệu Thủ Thư Sinh.

Mặt Văn Hiến lại càng đỏ hơn. Chàng rót hai chung rượu rồi nâng chung uống cạn:

- Tôi uống ly này để tạ lỗi đã mạo phạm.

Bạch y công chúa cũng uống cạn. Nàng mỉm cười:

- Chúng ta hãy quên mọi chuyện cũ đi. Bạch Mai cô nương là tri kỷ của công tử phải không?

Văn Hiến vội xua tay:

- Ồ không! Chúng tôi chỉ mới tình cờ biết nhau độ một tháng nay. Chúng tôi là những người bạn.

Công chúa cười tươi:

- Ờ thì thôi là bạn. Bạch Mai cô nương xinh đẹp như thế nên mới xứng là bạn của công tử, còn người như tôi chắc công tử chê là xấu xí, lạnh lùng nên đâu muốn kết bạn phải không?

- Công chúa xinh đẹp như tiên. Tôi nào dám chê.

Công chúa càng tươi nét mặt, nhưng nàng vẫn hỏi vặn:

- Không chê sao công tử cứ dợm người muốn bỏ đi?

- Là vì tôi thấy mình thấp hèn không xứng để ngồi uống rượu cùng công chúa.

Nét mặt của bạch y công chúa bỗng trở nên buồn bã. Nàng nói nhỏ:

- Công tử vẫn còn trách tôi?

- Tôi đâu dám.

- Đâu dám sao công tử cứ nhắc hoài chuyện cũ?

- Ừm... Tôi xin lỗi.

- Tôi biết trong lòng công tử đang khinh ghét tôi lắm.

- Tôi đâu có.

- Đâu có mà sao ngay cả tên tôi công tử cũng chẳng màng muốn biết?

Nghe nàng bắt bẻ Văn Hiến lại đỏ mặt. Chàng ấp úng:

- Xin lỗi. Tôi chỉ sợ mình mạo phạm. Giờ thì tôi muốn biết.

Công chúa nhoẻn miệng cười:

- Dung Dung. Lý Dung Dung.

Văn Hiến nghe nàng xưng họ Lý chợt động tâm cơ và đọc mấy câu thơ:

...Gia bản Cô Tô Cán Hoa Lý

Viên Viên tiểu tự kiều la ỷ

Mộng hướng Phù Sai uyển lý du

Cung nga ủng nhập quân vương khởi

Tiền thân hợp thị thái liên nhân

Môn tiền nhất phiến Hoành Đường thủy

Hoành Đường song tương khứ như phi...

Dịch thơ:

...Nhà ở Cô Tô làng giặt vải

Tên tự Viên Viên đẹp lộng lẫy

Thường mơ tới chơi vườn Phù Sai

Cung nữ đưa vào vua đứng dậy

Tiền thân là gái hái hoa sen

Trước cửa dòng sông Hoành Đường chảy

Nước chảy mái chèo khua như bay...

Lý Dung Dung nghe chàng đọc mấy câu thơ trong bài “Viên Viên Khúc” của Ngô Vĩ Nghiệp thì nét mặt thoáng biến sắc. Nàng hỏi:

- Tại sao công tử lại đọc mấy câu thơ này?

- Tôi nghe tên Lý Dung Dung, lại nhìn thấy dung mạo của công chúa nên chợt liên tưởng đến một vị mỹ nhân là Trần Viên Viên, chợt sinh tình đọc ra thế thôi.

- Công tử biết gì về mỹ nhân Trần Viên Viên?

Nàng nhắc đến ba chữ “Trần Viên Viên” bằng giọng nói thật tha thiết. Văn Hiến đáp:

- Tôi biết nàng qua bài thơ “Viên Viên Khúc” bất hủ.

- Do đâu công tử lại có sự liên tưởng này?

- Tôi có dịp xem qua phiên bản bức họa Viên Viên Dung của danh họa Thạch Đào. Hình trong bức họa hao hao giống với công chúa tuy không đẹp bằng.

Dung Dung nghe Văn Hiến nói mình còn đẹp hơn cả Trần Viên Viên trong bức danh họa thì lòng vui lắm. Nàng cố nén xúc động hỏi dồn:

- Thạch Đào có họa chân dung Trần Viên Viên ư? Tôi chưa bao giờ nghe ai nhắc đến việc này. Làm sao công tử có được?

- Thạch Đào vốn dòng hoàng tộc nhà Minh, ông đã có dịp thấy qua Trần Viên Viên lúc nàng được tiến cử vào cung làm phi cho vua Sùng Trinh. Tuy sau này nhà Minh mất, Thạch Đào cắt tóc đi tu nhưng hình ảnh của mỹ nhân vẫn không phai mờ trong tâm khảm ông. Lúc ấy, Ngô Vĩ Nghiệp lại làm bài “Viên Viên Khúc” minh oan cho nàng làm chấn động cả giới sĩ phu Trung Quốc thời bấy giờ khiến Thạch Đào, tuy trong lòng chán ghét Trần Viên Viên nhưng cũng không khỏi động tâm mà múa bút vẽ lại dung nhan tuyệt thế của nàng.

- Tại sao ở Trung Quốc không thấy ai nhắc đến bức họa này?

- Thạch Đào lúc ấy đã xuất gia. Ông lại là người hoàng tộc nhà Minh nên họa xong bức họa, ông xếp lại cất kỹ không cho ai biết vì sợ mang tiếng với đời.

- Công tử làm thế nào mà xem được phiên bản ấy?

- Sư phụ tôi vốn là một người lãng tích phong trần. Ông có cơ duyên quen biết với một vị thiền sư Trung Quốc, người đã lưu giữ bức họa trên nên nài nỉ xin được phác họa lại.

Dung Dung hơi chồm người về phía Văn Hiến. Nàng hỏi gấp:

- Như vậy sư phụ công tử còn giữ phiên bản đó phải không? Công tử có thể cho tôi xem được không?

Văn Hiến lắc đầu buồn bã:

- Đã hơn tám năm nay, sư phụ bỏ ra đi mà tôi vẫn chưa gặp lại được người.

Sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt của Lý Dung Dung. Văn Hiến hỏi:

- Hình như công chúa có sự quan tâm đặc biệt đến bức hoạ đó?

Lý Dung Dung cố nén tiếng thở dài:

- Từ bé tôi đã rất hâm mộ Trần Viên Viên.

- Công chúa là người lá ngọc cành vàng, Trần Viên Viên xuất thân kỹ nữ, hai người có hai cuộc sống hoàn toàn khác nhau, sao công chúa lại đặc biệt hâm mộ nàng ta?

Nét mặt của Dung Dung càng u buồn hơn. Khi Văn Hiến nói đến mấy tiếng “Trần Viên Viên xuất thân kỹ nữ”, nàng thoáng cau mày. Tuy nhiên điều này đã không thoát khỏi ánh mắt tinh tế của chàng. Như không còn nén được nữa, mắt Dung Dung đã long lanh ướt dưới ánh trăng. Nàng đáp nhỏ:

- Tôi cũng không biết nữa. Hâm mộ thì cứ hâm mộ, đâu cần phải đồng bệnh mới tương lân.

Nhìn nàng bây giờ thật khác hẳn với nàng công chúa kiêu kỳ, lạnh lùng lúc trước. Văn Hiến đoán chừng trong nội tâm của nàng chắc là có điều gì đó không toại ý bị ức chế. Sự đè nén nội tâm lâu ngày có thể khiến con người ta đổi tính, chỉ khi nào gặp hoàn cảnh thích hợp, bản tính sơ nguyên mới có dịp phục hồi trở lại. Cả hai vừa nói chuyện vừa uống khá nhiều rượu nên mặt nàng giờ đây đã đỏ lựng. Dưới ánh trăng, khuôn mặt đó càng trở nên diễm lệ khiến cho Văn Hiến cố tránh không nhìn thẳng mặt nàng. Mặt trăng đã khuất dần phía trời tây, Văn Hiến đứng lên tạ từ:

- Cảm ơn công chúa đã mời rượu. Sương đêm xuống nhiều, công chúa cần nghỉ ngơi.

Lý Dung Dung nhìn chàng nói:

- Cảm ơn công tử đã không chê rượu của tôi. Công tử có thể nào bỏ đi tiếng “công chúa” được không? Tôi có tên đó.

Văn Hiến mỉm cười:

- Xin chào Lý Dung Dung... cô nương.

Dung Dung cũng mỉm cười nhìn chàng:

- Bỏ thêm hai tiếng “cô nương” nữa được không?

Văn Hiến vội nói:

- Chào Dung Dung!

- Chào Trương huynh! Mong còn gặp lại!

- Mong còn gặp lại!

Văn Hiến trở bước lên bờ. Thu Hồng, Bạch Cúc và mấy hán tử hộ vệ đứng yên cúi đầu chào. Thu Hồng mỉm cười nói nhỏ:

- Cảm ơn công tử.

Văn Hiến ngạc nhiên:

- Cảm ơn tôi chuyện gì?

- Nhờ công tử mà công chúa dường như bớt nghiêm khắc với bọn nô tì hơn.

Văn Hiến cười:

- Cô sai rồi! Không phải do tôi đâu.

Thu Hồng lại mỉm cười nói:

- Công tử không nhận nhưng bọn tiểu tì vẫn cứ mang ơn.

- Tùy ở các cô vậy! Chào!

- Chào công tử!

Chợt nghe dưới sông tiếng của Lý Dung Dung vọng lên nho nhỏ, nàng ngâm mấy câu thơ trong bài “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” của Trương Nhược Hư:

...Bạch vân nhất phiến khứ du du

Thanh phong phố thượng bất thăng sầu

Thùy gia kim dạ biên chu tử

Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?

Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi

Ưng chiếu ly nhân trang kính đài

Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ

Đảo y châm thượng phất hoàn lai...

Dịch nghĩa:

...Một vầng mây trắng trôi lững lờ

Rặng phong trên bến đượm vẻ u buồn

Thuyền nhà ai đêm nay dong mãi

Người nơi nao tương tư trên lầu trăng sáng?

Thương cho vầng trăng vằng vặc trên lầu

Phải chiếu sáng đài gương người ly biệt

Rèm ngọc cuốn lên rồi trăng vẫn không đi

Chày đập vải lau rồi trăng vẫn cứ trở lại...