Én Liệng Truông Mây - Hồi 14 - Phần 2

Lý Văn Quang nghe nàng nhắc đến người vợ quá cố mà ông yêu thương hết mực thì vội vàng đứng lên, bước đến dịu dàng vuốt tóc con gái:

- Con nín đi. Cha không bao giờ quên. Có điều việc của cha con không nên xen vào. Tạm thời con hãy trở về Phúc Kiến, đừng làm cha vướng bận.

Dung Dung tựa đầu vào người ông, nàng nói trong tiếng nấc:

- Con sẽ về, nhưng phải đợi sau trận so tài sắp tới đã.

Nàng thốt ra điều này mà lòng đau như cắt. Cha nàng không muốn vướng bận vì nàng mà Trương công tử của nàng cũng không muốn vì nàng mà vướng bận. Cả hai người nàng rất mực thương yêu đều muốn nàng biến đi để họ rảnh tay và an tâm mà đối đầu nhau. Sự đối đầu sinh tử, sự đối đầu oan nghiệt mà chính nàng là người gánh chịu nhiều nhất. Lý Văn Quang nhìn nàng hỏi:

- Cha nghe nói con quen với tên thư sinh trói gà không chặt thủ Hiến, con đang lo cho hắn phải không?

Dung Dung ngẩng khuôn mặt đầy nước mắt lên hỏi:

- Ai nói với cha việc này?

- Tạ Tứ.

Dung Dung nói giọng bực bội:

- Cha muốn con đừng xen vào việc của cha thì con cũng yêu cầu cha đừng bao giờ nhắc tới tên khốn kiếp đó với con.

- Cha thấy hắn là nhân tài trong lớp trẻ, tương lai sẽ rất tốt. Tại sao con lại ghét hắn đến thế?

Dung Dung bĩu môi:

- Nhân tài à? Hắn là một tên hèn hạ, nhỏ nhen. Không đáng mặt nam nhi!

- Thôi được! Đó là việc của con, cha không dây vào nữa. Con nghỉ ngơi đi. Nhớ là sau trận đấu dù có thế nào con cũng phải trở về Phúc Kiến ngay. Giờ cha có việc cần làm.

Ông định quay người ra cửa thì Dung Dung hỏi:

- Cha! Cây Ỷ Thiên kiếm của cha đâu?

Lý Văn Quang ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao con lại hỏi đến thanh kiếm đó làm gì?

- Cha trả lời con đi!

- Trong phòng cha. Còn gì nữa không?

Dung Dung nhìn thẳng vào mắt cha nhỏ nhẹ:

- Mấy tháng trước cha đã giao nó cho Lãnh Diện Truy Hồn phải không?

Lý Văn Quang giật mình hỏi:

- Sao con biết Lãnh Diện Truy Hồn?

- Cha trả lời con đi!

Lý Văn Quang trừng mắt định lớn tiếng với nàng nhưng ông vội dằn giọng xuống:

- Cha đã nói con đừng thắc mắc việc của cha mà.

Nói xong ông quay lưng bước ra cửa. Dung Dung bật khóc lớn:

- Cha sai thủ hạ giết mấy mươi mạng người vô tội ở Quy Nhơn để làm gì?

Lý Văn Quang dừng lại, quay phắt người nhìn Dung Dung, hỏi bằng giọng gay gắt:

- Làm sao con biết chuyện đó?

Dung Dung đứng lên nức nở:

- Muốn người ta không biết thì đừng bao giờ làm. Cha giấu cả thiên hạ làm sao được.

- Con im đi! Đã bảo đừng dây vào việc làm của cha mà!

Ông giận dữ quay lưng bước ra ngoài rồi đóng mạnh cửa lại đánh sầm một tiếng. Dung Dung chán nản, nặng nề thả người ngồi xuống ghế, gục đầu lên bàn khóc tấm tức. Bên ngoài, mưa vẫn nặng hạt. Văn Hiến nghe lén nãy giờ, lúc này lại nhìn thấy đôi vai nàng rung lên từng chập thì trong lòng không khỏi thương xót. Ông trời trêu ngươi nên đem một tâm hồn cao đẹp như nàng đặt vào trong một gia đình có quá nhiều tham vọng để rồi đẩy nàng vào một hoàn cảnh trớ trêu. Văn Hiến muốn nhảy vào phòng an ủi nàng đôi câu nhưng lại không dám làm kinh động sẽ lỡ việc do thám đêm nay. Chàng nhìn theo hướng đi của Lý Văn Quang, quyết định tung mình lên mái nhà, phóng đến một gian phòng khác. Chàng phát hiện ở mái bên kia, Hồng Liệt cũng đang thòng người quan sát.

Gian phòng khá rộng, có một bộ bàn dài với hơn mười chiếc ghế chung quanh. Đặt giữa phòng, đầu bàn là một chiếc ghế thái sư có chạm hình một con rồng uốn khúc quanh lưng tựa, hai thanh gác tay chạm hai đầu rồng đang ngậm trái châu. Trên hai dãy ghế đã có tám người đàn ông và một thiếu nữ khoảng hai mươi tuổi, nét mặt xinh đẹp đang ngồi ở đó. Khi thấy Lý Văn Quang bước vào, tất cả đều đứng lên cung kính nói:

- Chào đại vương!

Lý Văn Quang ngồi vào chiếc ghế thái sư, sắc mặt vẫn chưa hết tức giận. Ông đảo ánh mắt như hai luồng điện nhìn mọi người hỏi:

- Công việc sắp xếp thế nào rồi?

Hà Huy hé đôi mắt lim dim suốt ngày của hắn lên thưa:

- Trình đại vương, theo chương trình đã có trong thiếp mời, chúng thuộc hạ dự định để hai trận quyền cước cho anh em Tả Hữu đô đốc là Tạ Tam và Tạ Tứ đối phó, hai trận binh khí thì một giao cho Lãnh Diện huynh đây đảm nhiệm. Vết thương hôm trước của Lãnh Diện huynh nay đã khỏi hẳn rồi. Còn trận thứ hai sẽ do Trung Nguyên Nhất Kiếm Quách Tử Dương ra tay. Trận nữ đã có Hắc Y nữ hiệp Triệu Phi Yến thủ đài.

Lý Văn Quang hỏi:

- Lực lượng bên Thần Quyền Môn và các nhà khác thế nào?

- Bẩm, Trần Đại Kỳ tuy là đại đệ tử của Thần Quyền Vô Ảnh Công Tôn Vũ, một đệ nhất cao thủ của Hoa Sơn phái trước kia nhưng hắn chưa học được bao nhiêu nên không có gì đáng ngại. Chỉ có Trần An Hảo là tay đáng gờm nhưng hắn tuổi đã cao, thuộc hạ tin chắc Tả đô đốc Tạ Tam của chúng ta sẽ không mấy khó khăn hạ gục hắn. Còn tên thủ Hiến là kẻ bại tướng của Tạ Tứ năm ngoái và tên trộm vặt họ Đinh chỉ có tài khinh công chứ quyền kiếm không đáng sợ. Riêng tên Trần Đại Bằng vừa từ Phú Xuân vào thì chúng ta chưa biết thực lực của hắn thế nào nhưng thuộc hạ tin hắn cũng không phải là đối thủ của Trung Nguyên Nhất Kiếm Quách đại hiệp đây.

Người được gọi là Trung Nguyên Nhất Kiếm tuổi độ trung niên, khuôn mặt lầm lì không biểu lộ một chút cảm xúc nào. Nghe Hà Huy khen tặng, hắn vẫn ngồi điềm nhiên trơ trơ không lộ vẻ vui mừng hay tự phụ. Văn Hiến nhìn phong cách ấy tự dưng thấy lạnh người. Chàng thầm nhủ: “Tên này không biểu lộ chút cảm xúc nào ra bên ngoài, hắn đúng là tay kiếm đáng gờm nhất bọn!”.

Lý Văn Quang nói:

- Lần này nhất thiết không được sơ sót. Nếu cần cứ giết một vài tên để nhiếp phục tinh thần bọn chúng. Ta phải loại đám Thần Quyền Môn kia ra khỏi Giản Phố này. Còn lão già đánh bại Thiên Ưng lão nhân năm ngoái thì sao?

- Bẩm, thuộc hạ có cho người theo dõi nhưng không hề thấy hắn xuất hiện ở Giản Phố. Theo lời Thiên Ưng lão nhân nói, cánh tay trái của hắn có thể sẽ bị tàn phế suốt đời, điều này chắc là đúng rồi.

Tạ Tứ bỗng lên tiếng:

- Lần này nếu tên Thủ Hiến còn dám ra mặt, thuộc hạ sẽ giết hắn để dằn mặt bọn chúng.

Hắc Y nữ hiệp Triệu Phi Yến mỉm cười nói:

- Chứ không phải nhị ca ăn phải giấm chua rồi muốn trả thù sao?

Tạ Tứ trừng mắt nhìn nàng:

- Tứ muội không nên nói đùa trước mặt đại vương.

Lý Văn Quang hỏi:

- Phần Phi Yến thấy thế nào?

Phi Yến nói bằng một giọng rất tự tin:

- Tiểu nữ tin là sẽ thủ thắng được.

- Hay lắm! Tất cả phải cẩn thận đừng để sơ suất như vừa rồi nữa.

Lãnh Diện Truy Hồn cúi mặt xuống không dám nhìn lên. Lý Văn Quang hỏi:

- Đã có chút tin tức gì về cây Ô Long đao chưa?

Lãnh Diện Truy Hồn đáp:

- Cái vực mà tên Trần Nguyên Hào nhảy xuống đêm đó rất sâu, nước lại rất lạnh. Tuy trên mặt hồ lặng yên nhưng bên dưới dòng nước xoáy mạnh vô cùng. Đại Chí đã cho người lặn xuống mấy lần nhưng tất cả hoặc bị cuốn mất hút, hoặc phải trở lên vì không chịu nổi độ lạnh cùng cực của hồ nước. Đến nay vẫn chưa tìm ra được xác của hắn và cây đao.

Văn Hiến và Hồng Liệt bên ngoài nghe bọn chúng bàn về thanh đao thì mừng thầm: “Thì ra bọn chúng chưa lấy được bảo đao. Không biết cái vực mà chúng nói đó ở đâu nhỉ? Nhất định phải tìm ra tung tích của Trần huynh và bảo đao mới được!”.

Chợt Lý Văn Quang nói:

- Thôi được. Không có cây đao đó cũng không hại gì. Lần này phải hành động thận trọng hơn.

Hà Huy vội thưa:

- Xin đại vương an tâm, mọi việc sẽ tốt thôi.

Lý Văn Quang đứng lên, cả bọn cũng đứng lên cúi đầu tiễn ông ta. Văn Hiến và Hồng Liệt liền vội vàng tung người trở lên mái nhà rồi băng mình trong đêm mưa vượt tường trở về Thần Quyền Môn. Cả hai về đến nơi đã thấy Đại Kỳ, Đại Bằng, Trần An Hảo cùng con trai là Trần An Vinh và ái nữ Trần Mỹ Phụng ở đó. Đại Kỳ nói:

- Hai người vào trong thay y phục ướt trước đã rồi ra đây uống vài chung rượu cho ấm. Mọi việc tính sau.

Hai chàng vào trong thay quần áo xong trở ra. Đại Kỳ giới thiệu mọi người với nhau. Đoạn nói:

- Ngồi xuống uống một chung mừng gặp mặt đi. Việc thế nào? Có biết được gì không?

Mọi người uống cạn chung rượu, Hồng Liệt đáp:

- Nhân sự của chúng rất đông. Lần này chúng quyết đánh bại chúng ta và loại Thần Quyền Môn ra khỏi Giản Phố.

Đại Kỳ tỏ vẻ khẩn trương:

- Lớn chuyện vậy à? Chúng bố trí thế nào?

Hồng Liệt bèn đem cách sắp xếp người tham dự các trận đấu của Kim Cương Môn thuật lại cho mọi người nghe. Cuối cùng chàng nói:

- Bọn chúng chỉ úy kỵ có Trần thúc thúc mà thôi. Còn những người khác, kể cả anh Đại Bằng dù chúng chưa biết thực tài thế nào nhưng cũng chẳng coi ra gì.

Trần An Hảo vuốt chòm râu bạc cười lớn:

- Không ngờ một tên già như ta mà cũng còn có kẻ nể mặt. Ha ha... Như thế cũng an ủi lắm rồi. Có điều bấy lâu nay sống thanh bình, không đụng đến đao kiếm, hơn nữa tuổi tác ta đã lớn nên e rằng ta không kham nổi việc này như bọn chúng tưởng đâu. Chúng nói rằng úy kỵ ta nhưng chắc là cũng chẳng lo ngại gì cả đúng không?

Hồng Liệt ngần ngừ không biết phải trả lời thế nào. An Hảo cười nói:

- Cháu không cần ngại, cứ nói thẳng xem bọn chúng nói thế nào.

Hồng Liệt đành nói thật:

- Dạ, chúng cũng biết thúc thúc đã có tuổi nên tin rằng tên Tạ Tam có thể thủ thắng được.

- Bọn chúng có vẻ biết người biết ta đấy. Dù sao ta cũng sẽ thử xem gân sức có còn vững chắc như ngày xưa không.

An Vinh rụt rè nói:

- Thưa cha, hay để con thay cha trận này. Cha đâu cần ra mặt làm gì.

- Tạ Tam là đại đệ tử của Phùng Đạo Đức, thay mặt ông ta mở Kim Cương Môn ở đây thì thân thủ của hắn không đơn giản đâu. Con quyết không phải là đối thủ của hắn. Sính cường chỉ làm hư sự mà thôi.

- Dạ, thưa cha.

Hồng Liệt nói:

- Xin phép thúc thúc và đại sư huynh, trong việc này cho cháu được thay mặt mọi người chọn ra nhân sự thích hợp để ứng chiến với bọn chúng được không?

An Hảo vui vẻ nói:

- Được, được! Cháu nói nghe đi.

- Xin thúc thúc nhường trận đấu với Tạ Tam lại cho đại sư huynh cháu. Phần Tạ Tứ, cháu xin được săn sóc cho hắn. Lần này cháu phải ra tay trừng trị tên xấc láo ấy, trả mối thù một cú đá mà Trương huynh đã nhận lấy năm ngoái. Hai trận này coi như Thần Quyền Môn chính thức tỉ thí Kim Cương Môn. Với tên Lãnh Diện Truy Hồn thì để cho anh Đại Bằng. Anh ấy đã có dịp thấy hắn giao đấu với Trần Nguyên Hào rồi. Tên này và thanh Ỷ Thiên kiếm trong tay hắn đã vấy máu của Trần gia, đây là dịp để anh đòi lại món nợ máu đó. Riêng tên Trung Nguyên Nhất Kiếm thì giao cho Văn Hiến đây.

Đại Bằng nói:

- Thân thủ của Lãnh Diện Truy Hồn không có gì đáng ngại vì trong thời gian ở lại Trần gia, tôi cùng Trần Nguyên Hào đã nghiên cứu kỹ đường kiếm của hắn. Chỉ ngại thanh Ỷ Thiên kiếm quá sắc bén trên tay hắn mà thôi.

Hồng Liệt nói:

- Anh an tâm, tôi sẽ giao lại thanh kiếm Thắng Tà cho anh để đối phó với Ỷ Thiên kiếm.

An Hảo kinh ngạc:

- Thắng Tà bảo kiếm à? Thanh kiếm này đã thất lạc từ khi nhà Tần thâu tóm lục quốc cho đến nay không thấy xuất hiện lại. Cháu làm sao có được?

Hồng Liệt đáp:

- Là sư phụ của Trương huynh tặng cho cháu.

Đại Bằng mừng rỡ nói:

- Được như thế thì hay lắm! Kiếm của người Bách Việt nay trở về với dân Bách Việt. Đây chắc là nhờ anh linh tổ tiên giúp đỡ con cháu chúng ta.

An Hảo hỏi tiếp:

- Trung Nguyên Nhất Kiếm lai lịch thế nào?

Hồng Liệt đáp:

- Lúc sư phụ còn tại thế người thường đem chuyện võ lâm Trung Nguyên kể cho cháu nghe. Theo lời sư phụ thì thời đó Quách Tử Dương đã là tay kiếm thủ bậc nhất trong lớp trẻ, hắn chưa từng bị bại một lần nào. Kiếm của hắn nhanh như điện và hiểm ác vô cùng. Hắn giao đấu trăm trận, chỉ thắng thiên hạ bằng độc nhất một chiêu. Một chiêu vừa nhanh vừa chuẩn xác nhắm vào yết hầu của địch chưa hề sai lệch.

An Hảo nghe Hồng Liệt mô tả về tên Trung Nguyên Nhất Kiếm thì ngạc nhiên vô cùng. Ông nói:

- Việc ta nhường trận đấu cho Đại Kỳ thì hợp lý thôi, nhưng còn với một tay kiếm như Quách Tử Dương, xin lỗi, Trương hiền điệt có đảm đương nổi không?

Hồng Liệt mỉm cười đáp:

- Việc này xin thúc thúc đừng lo. Cháu dám đem cả tính mạng của mình ra để đặt cược cho hắn.

Mỹ Phụng chợt chen vào:

- Đinh huynh đừng đem tính mạng của mình ra làm trò đùa. Tiểu muội xin lỗi Trương huynh trước, năm ngoái Trương huynh sao lại bị thất bại dưới tay Tạ Tứ dễ dàng quá vậy?

Văn Hiến mỉm cười không nói gì. Hồng Liệt làm bộ bí mật nói:

- Thiên cơ bất khả lậu. Tiểu thư không tin thì đợi vài hôm nữa mà xem.

Đại Kỳ nói với An Hảo:

- Theo cháu thấy lời đề nghị của Hồng Liệt rất hợp lý. Thúc thúc không cần phải nhọc sức làm gì, cứ giao cho bọn cháu đảm trách.

An Hảo gật đầu:

- Như vậy cũng được. Tre tàn phải để cho măng mọc chứ.

Mỹ Phụng đưa cặp mắt đen láy như mắt chim bồ câu nhìn Hồng Liệt hỏi:

- Còn trận nữ, Đinh huynh giao cho tiểu muội được chăng?

Hồng Liệt cảm thấy khó xử trong việc này vì không muốn làm mất mặt cha con An Hảo nhưng chàng thật sự không biết thân thủ của Mỹ Phụng thế nào. Chàng bối rối đưa tay vuốt chót mũi của mình mấy cái liền. Mỹ Phụng nhìn thấy sự ái ngại của Hồng Liệt nên mỉm cười hỏi:

- Chắc Đinh huynh chê tiểu muội tài sơ, sợ đấu không lại người ta phải không?

Hồng Liệt ấp úng đáp:

- Không phải như thế đâu. Ái nữ của Trần lão anh hùng có ai dám chê bao giờ. Chỉ có điều, vì từ trước chúng tôi không biết tiểu thư sẽ tham gia nên đã giao trách nhiệm này lại cho Bạch Mai rồi. Hơn nữa cô ấy đã cố gắng tập luyện cả ngày lẫn đêm suốt thời gian qua để chuẩn bị cho trận đấu này. Tiểu thư không tin thì vào võ đường mà xem, Bạch muội giờ này vẫn còn đang luyện tập trong đó.

Mỹ Phụng nhoẻn miệng nở nụ cười khả ái nói:

- Tiểu muội đùa chút cho vui thôi. Bạch đại tẩu dù sao cũng sẽ là người một nhà, muội không dám tranh công đâu.

An Vinh trừng mắt nhìn em mình:

- Muội muội đừng có nói nhảm, không sợ người ta cười cho sao?

Mỹ Phụng chu môi lên nói:

- Chứ không phải phụ thân và Trần bá phụ lúc xưa đã từng định hôn ước cho ca ca và Bạch tỷ tỷ hay sao?

- Nhưng việc chưa đến, Trần bá bá lại qui tiên sớm, muội không nên ăn nói hồ đồ như vậy trước mặt Đinh huynh và Trương huynh đây.

Mỹ Phụng quay sang Đại Kỳ hỏi:

- Đại Kỳ ca ca, huynh nói đi, muội nói có đúng không?

Đại Kỳ nghe hỏi bối rối đáp:

- Ơ... ơ... việc này...

An Vinh gắt:

- Muội có im đi không!

Mỹ Phụng nắm tay An Hảo phụng phịu:

- Phụ thân thấy không, ca ca lúc nào cũng bắt nạt con hết á. Con chỉ nói sự thật thôi mà.

An Hảo cười:

- Hai đứa tụi con lúc nào cũng trái ý nhau. Coi chừng người ta cười cha không biết dạy dỗ con cái.

Đại Kỳ cười giả lả:

- Không sao, không sao. Có như vậy mới vui nhà vui cửa chứ. Anh em tụi cháu cũng như thế mà.

Hồng Liệt im lặng ngồi nghe anh em nhà Mỹ Phụng nói chuyện mà răng như muốn cắn vào môi mình. Văn Hiến nghĩ thầm: “Tên trộm kỳ này bị một gáo nước lạnh tạt vào mặt hóa băng rồi. Hà, ngươi cũng nên uống một tí giấm chua cho biết mùi vị cuộc đời chứ.” Bầu không khí trong phòng chợt trở nên ngột ngạt, cũng may vừa lúc ấy Bạch Mai và Hiền Nhi bước vào, cả hai y phục vẫn còn ướt đẫm mồ hôi vì tập luyện. Bạch Mai cúi đầu chào:

- Điệt nữ xin thỉnh an thúc thúc. Chào Trần huynh và Phụng muội.

An Hảo cười ha hả nói:

- Giỏi lắm, giỏi lắm! Mỹ Phụng, con hãy nhìn kìa. Bạch tỷ của con chịu khó luyện tập ngày đêm, không như con chỉ có tài vòi vĩnh cha là giỏi.

Mỹ Phụng nũng nịu:

- Phụ thân lúc nào cũng bênh vực cho Bạch tỷ. Bạch tỷ, muội ghen với tỷ đấy.

Mỹ Phụng không phải là cô gái có nhan sắc nghiêng thành nhưng khuôn mặt của nàng mười phần khả ái. Nàng giả bộ nũng nịu lại càng đáng yêu hơn. Bạch Mai bước đến nắm tay Mỹ Phụng mỉm cười:

- Thúc thúc chỉ khen tỷ theo phép lịch sự cho tỷ vui thôi. Phụng muội mới thật là viên ngọc báu của thúc thúc đó, đừng ghen với tỷ, không khéo lại mất đi cái nét bá mỵ thiên kiều của mình.

Văn Hiến không muốn Hồng Liệt phải ngồi đó chịu đựng thêm sự khó chịu nên đứng lên nói:

- Xin phép Trần thúc và các huynh muội, cháu có chuyện muốn nói với Hiền Nhi. Mọi người tiếp tục đi.

An Hảo gật đầu:

- Trương hiền điệt cứ tự nhiên. Công việc như thế cũng tạm ổn rồi, chúng tôi xin cáo từ. Đại Kỳ, mọi việc đều trông cậy vào cháu.

Đại Kỳ đứng lên chắp tay thưa:

- Thúc thúc an tâm. Dù bỏ mạng, cháu cũng không để cơ nghiệp của tổ tiên rơi vào tay người khác đâu.

- Ta tin tưởng nơi cháu!

An Vinh và Mỹ Phụng chào mọi người rồi theo cha ra về. Trước khi đi, nàng không quên kín đáo liếc nhìn Hồng Liệt bằng một tia mắt thật dịu dàng. An Vinh cũng không quên chào Bạch Mai bằng ánh mắt chứa chan tình cảm. Đại Kỳ cùng mọi người tiễn chân cha con họ Trần xong trở lại khách sảnh. Bạch Mai hỏi:

- Đã biết ai sẽ đấu với ai chưa?

Hồng Liệt đáp:

- Rồi. Bạch muội sẽ đấu với Hắc Y nữ hiệp Triệu Phi Yến, tứ đệ tử của Kim Cương Môn.

Sau đó chàng kể thêm những ai sẽ đấu với ai như đã bàn định lúc nãy. Bạch Mai nhìn Đại Kỳ lo lắng hỏi:

- Ca ca có được bao nhiêu phần thắng?

Câu hỏi này bản thân Hồng Liệt, Văn Hiến và Đại Bằng cũng rất muốn biết. Cả ba kín đáo theo dõi diễn biến trên nét mặt của Đại Kỳ. Chỉ thấy anh ta bình thản nở nụ cười với cô em gái:

- Tuyệt kỹ của họ Trần và Thần Quyền Vô Ảnh của sư phụ sẽ không để ai được phép xem thường đâu. Muội đừng lo.

Cả ba người giấu đi hơi thở nhẹ nhõm. Văn Hiến thầm nghĩ: “Chỉ với sự bình thản này, Đại Kỳ đã có được ba mươi phần thắng rồi!”

Bạch Mai lại hỏi:

- Nhị sư huynh thì sao?

Hồng Liệt mỉm cười đáp:

- Huynh sẽ cố gắng hết sức mình.

Hiền Nhi rụt rè hỏi:

- Còn anh hai?

Văn Hiến đáp, giọng hài hước:

- Đối với bậc cao thủ, việc thắng bại quyết định chỉ trong chớp mắt. Có khi chưa giao đấu đã phân định được rồi. Khi anh hai lên võ đài, Hiền Nhi cứ nở nụ cười thật tươi là anh hai sẽ thắng ngay.

Hiền Nhi vỗ tay reo lên:

- Nếu vậy thì Hiền Nhi sẽ cười suốt cuộc tỉ võ để mọi người đều thắng cả.

Cả bọn cười ồ lên.

***