Én Liệng Truông Mây - Hồi 14 - Phần 4

Nói xong ông quay người chậm rãi bước xuống chỗ ngồi. Lãnh Diện như một xác chết biết đi, hắn cúi xuống dùng tay trái nhặt thanh kiếm lên, cứa một phát chặt đứt cánh tay phải rồi để nó rơi tự do xuống sàn. Sau đó hắn quay người đi xuống bên dưới, bỏ lại cánh tay của mình, cánh tay mà hắn đã dùng nó để giết không biết bao nhiêu mạng người. Cả đấu trường lặng thinh trong nỗi bàng hoàng. Có lẽ với tất cả những người có mặt nơi đây, trận đấu này thực là một trận đấu hi hữu nhất đời mà họ được chứng kiến. Mãi một lúc sau mới có vài ba tiếng xì xào rồi tiếng bàn tán rộ lên khắp nơi. Trên khán đài, quan Lưu thủ và Cẩn Thành hầu trao đổi gì đó với nhau nghe không rõ. Khuôn mặt của Lý Văn Quang đã đỏ lên vì giận. Đôi mắt ông sáng quắc khiến cho đám thuộc hạ Kim Cương Môn ai nấy đều nơm nớp lo sợ. Người phát ngôn đã trở lại sàn đấu. Có lẽ vẫn còn bị kinh khiếp vì trận đấu vừa rồi nên giọng ông ta hơi run:

- Trận so tài vừa qua, bên Thần Quyền Môn lại thắng. Còn hai trận so tài nữa để quyết định cuộc thi tài hôm nay. Mời Trung Nguyên Nhất Kiếm của Kim Cương Môn thượng đài.

Quách Tử Dương đứng dậy, tay cầm kiếm, chân bước chậm rãi từng bước đều nhau theo lối bậc thang lên võ đài. Hắn đứng yên lặng giữa sàn đấu, vững vàng như một tảng đá lớn, khí thế trầm ổn như dãy Trường Sơn. Hắn đưa mắt nhìn xuống phía Thần Quyền Môn rất nhanh rồi thu ánh mắt về, khoanh tay chờ đợi. Mọi người hồi hộp theo dõi không biết Thần Quyền Môn sẽ cử ai lên giao đấu với vị đại kiếm thủ được mệnh danh là Trung Nguyên Nhất Kiếm này. Khi thấy Văn Hiến đứng dậy, tay cầm kiếm theo bậc tam cấp bước lên sàn đấu thì tất cả mọi người đều “ồ” lên thất vọng. Họ nhớ lại năm ngoái, anh chàng thư sinh trói gà không chặt này đã lãnh trọn một cú đá của Tạ Tứ văng xuống đài thì bây giờ làm sao có thể giao đấu với tay kiếm thủ đệ nhất Trung Nguyên. Có người nói nhỏ nhưng cũng đủ để những người khác nghe thấy:

- Thần Quyền Môn đã hết người rồi. Chàng thư sinh này ắt phải bỏ mạng dưới lưỡi kiếm của gã Trung Nguyên Nhất Kiếm kia thôi.

Văn Hiến thong thả cúi chào quan khách trên khán đài. Bắt gặp ánh mắt vừa vui mừng vừa lo sợ của Dung Dung, chàng nở nhanh một nụ cười. Chào xong quan khách và khán giả, Văn Hiến xoay người ôm quyền chào Quách Tử Dương. Hắn hơi cúi đầu đáp lễ. Văn Hiến hỏi:

- Trước khi giao đấu, tôi có một câu hỏi mong các hạ trả lời thật tình cho.

Quách Tử Dương nhếch môi:

- Hỏi đi!

- Các hạ sang Đại Việt từ bao giờ?

- Hơn hai tháng trước.

- Các hạ là người chủ chốt trong vụ huyết án ở núi Bích Khê, Quy Nhơn phải không?

Quách Tử Dương hơi nhíu mày:

- Vì sao ngươi cần biết điều này?

- Vì nó sẽ quyết định số phận của chúng ta trong trận đấu này.

- Ngươi định trả thù?

- Đúng vậy!

- Vậy ngươi tìm đúng người rồi.

- Cảm ơn.

Họ cùng lui ra nửa bước, khoảng cách vừa tầm ba thân kiếm. Rồi cả hai rút kiếm ra. Hai tiếng ngân thánh thót vang lên. Thanh kiếm trên tay Quách Tử Dương phát ra ánh sáng màu hồng nhạt. Thanh Long kiếm trên tay Văn Hiến tỏa ra ánh sáng màu xanh lạnh buốt. Hồng Liệt ngồi bên dưới la nhỏ:

- Thanh Hồng kiếm!

Có tiếng của Tạ Tam vang lên bên kia:

- Báu kiếm! Thanh kiếm màu xanh này ta chưa hề nghe nói tới nhưng quả là thanh kiếm báu trong thiên hạ.

Quách Tử Dương tay phải nắm đốc kiếm để cao ngang bụng, mũi kiếm chênh chếch hướng về yết hầu đối phương. Tay trái của hắn trong tư thế lật ngược, nắm bao kiếm chĩa thẳng xuống đất. Bao kiếm của hắn nhìn rất đặc biệt, ở phần chóp được bịt bằng một lớp thép nhọn và bén chẳng khác nào mũi kiếm hắn đang cầm trên tay. Hắn đứng yên bất động, trông hắn lúc này người ta có cảm tưởng rằng hắn, thanh kiếm và bao kiếm là một. Quả là người và kiếm đã hợp nhất thành một khối. Với khí thế như vậy thật khó để địch thủ tìm ra được điểm tấn công, vì ở vị trí nào cũng đều có cảm giác thanh kiếm của hắn đang có mặt.

Văn Hiến thoáng nhìn qua cách rút kiếm, tư thế cầm kiếm cùng với sự cấu tạo đặc biệt của bao kiếm chàng đã nhận ra ngay sát chiêu của địch thủ nằm ở đâu. Trong bất kỳ cuộc đấu nào, sự quan sát mang tính chuẩn xác bao giờ cũng là yếu tố quan trọng để quyết định thắng lợi. Từ lâu, Văn Hiến đã đặt nền tảng võ học của mình trên căn bản chữ “định”. Bằng sự định tĩnh của tâm, trí và huệ sẽ minh mẫn, cho nên mọi hành vi của bản thân đều sẽ rất chuẩn xác. Mọi chi tiết của địch thủ, dù nhỏ nhất, đều không thể thoát khỏi đôi mắt nhạy bén của chàng. Tay phải chàng nắm đốc kiếm, mũi kiếm chỉ xiên xiên xuống đất; tay trái nắm bao kiếm hướng về phía sau lưng ở tư thế song song với mặt đất.

Cả ngàn khán giả từ từ chồm người tới trước, những bàn tay đã nắm chặt lại, móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay, mũi nín thở, mắt mở căng chăm chú theo dõi từng cử động nhỏ của hai đấu thủ trên sàn. Nhưng nãy giờ cả hai vẫn bất động. Bốn con mắt họ đang chiếu tia nhìn thẳng vào nhau cũng bất động, không thấy chớp một lần nào. Một bên sừng sững như núi, kiếm và người hòa làm một, tỏa ra một luồng sát khí buốt lạnh. Một bên thong thả như đang dạo chơi, không có chút chuẩn bị nào trong cuộc đấu mà cái chết đến nhanh hơn cái chớp mắt. Người không am hiểu võ thuật cho rằng đó là điều quái dị. Còn những cao thủ võ lâm thì lại giật mình trước lối phòng thủ bỏ không như thế. Vì chỉ có người đạt được cảnh giới tối cao của kiếm đạo mới ung dung dường ấy. Không phòng thủ tức là phòng thủ khắp mọi nơi. Mọi vị trí trên người đều kín đáo cho nên địch thủ không tìm ra được điểm nào để làm mục tiêu tấn công. Không có mục tiêu tức là không có sơ hở. Một người khi đã thủ thế thì dù có kín đáo bao nhiêu tất cũng sẽ còn chỗ sơ hở. Và chỗ sơ hở đó chính là mục tiêu để đối phương tung sát chiêu.

Với quyền thì chỉ có “pháp” và “thuật” nhưng với kiếm thì đã vượt qua hai cảnh giới đó để đạt tới “đạo”. Cách thủ thế của Văn Hiến chứa đựng đạo lý “vô trung sinh hữu”. Chàng chỉ đứng yên bỏ ngỏ mà đã khiến trên trán của tay kiếm thủ bậc nhất Trung Nguyên lấm tấm mồ hôi. Có mồ hôi tức lòng có động. Lòng có động thì ý bị xao, mà ý bị xao thì kiếm xuất sẽ không còn hoàn toàn theo ý muốn nữa.

Quách Tử Dương hiểu rõ điều đó nên hắn vội hét lớn một tiếng và xuất chiêu. Hắn xuất cả hai tay. Cả hai tay hắn đều linh hoạt và nhanh như chớp, thân ảnh của hắn cũng di động nhanh không kém gì loài báo, kiếm và bao kiếm đồng thời nhoáng lên, lao thẳng vào yết hầu của đối phương. Nhưng hai tay Văn Hiến còn nhanh hơn một bậc vì lòng của Quách Tử Dương động mà tâm của Văn Hiến thì tĩnh. Tĩnh bao giờ cũng đúng lúc và chuẩn xác hơn. Ánh kiếm sáng lòa dưới ánh nắng mặt trời. Mọi người chỉ nghe một tiếng keng thật ngọt như có thứ gì đó bị một vật thật bén chém đứt. Liền ngay sau đó là một âm thanh tựa như mũi kiếm bị tra nhanh vào vỏ kiếm. Tất cả chỉ diễn ra trong chớp mắt rồi trở lại bất động.

Sau cơn hoa mắt, mọi người định thần nhìn kỹ lại đã thấy thanh kiếm của Quách Tử Dương cắm sâu vào bao kiếm đang cầm trên tay trái của Văn Hiến, còn bao kiếm trên tay phải của hắn đã bị chém đứt ngọt phần chóp. Riêng mũi kiếm của Văn Hiến, nó đã cắm một lỗ sâu chừng một phân nơi huyệt mi tâm trên trán của địch thủ, máu từ đó đang rỉ ra. Quách Tử Dương chết đứng mà đôi mắt mở trừng trừng, có lẽ vì hắn quá đỗi kinh ngạc. Hắn chết mà vẫn không hiểu tại sao địch thủ lại có thể phá được chiêu kiếm tối độc, tối bí mật của mình. Với chiêu kiếm ấy, hắn đánh khắp Trung Nguyên, tên tuổi lẫy lừng vì chưa một ai đỡ được, vậy mà hôm nay, tại cái xứ An Nam nhỏ bé này lại bị một tên thư sinh hoá giải trong chớp mắt.

Văn Hiến rút kiếm về và rút luôn bao kiếm của mình ra khỏi lưỡi kiếm Thanh Hồng. Thân hình Quách Tử Dương từ từ đổ xuống sàn đấu. Văn Hiến ngước mặt lên trời khấn nhỏ: “Tôi đã thay huynh rửa được mối thù, mong Võ Trụ huynh và gia quyến hãy an nghỉ!” Khấn xong chàng quay người thong thả đi xuống khán đài.

Khán giả vẫn còn kinh hoàng nên quên cả vỗ tay hay bàn tán. Trận đấu tuy chớp nhoáng nhưng đã gây một ấn tượng mạnh khiến đầu óc họ lùng bùng trong mớ hình ảnh và âm thanh mơ hồ. Trên khán đài, Lý Văn Quang ngồi chết sững, mặt tái xanh. Quan Lưu thủ dán chặt thân hình phì nộn của mình vào ghế, hai tay bấu cứng vào thành ghế. Cẩn Thành hầu đã rời khỏi ghế lúc nào chẳng ai hay. Trên đôi má xanh xao vì lo sợ của Dung Dung, hai hàng nước mắt chảy dài. Nhưng người rơi nước mắt nhiều nhất phải kể đến Hiền Nhi. Từ nãy giờ nàng cố gắng nở nụ cười như đã hứa với anh hai nhưng cơ hàm lại bị căng cứng vì hồi hộp và lo sợ nên chẳng thể nào cười được. Cho đến khi cuộc giao đấu kết thúc, thay vì cười thì nàng đã òa khóc. Những giọt nước mắt vui mừng tuôn ra như suối không ngăn được. Văn Hiến trở lại chỗ ngồi thấy nàng đang khóc liền mỉm cười hỏi:

- Em nói sẽ cười cho anh hai thắng mà sao lại khóc thế này?

Hiền Nhi đưa tay quệt nhanh nước mắt, thút thít đáp:

- Em muốn cười nhưng không biết sao nước mắt lại cứ tuôn ra.

Bên kia, Tạ Tam dẫn theo hai tên đệ tử nhảy lên võ đài khiêng xác Quách Tử Dương và mang thanh kiếm Thanh Hồng xuống. Tạ Tam trợn mắt nhìn xuống phía Thần Quyền Môn nói như thét:

- Còn một trận nữa, xin mời môn chủ Thần Quyền Môn thượng đài!

Tiếng nói của hắn chứa đầy sự căm hờn tức giận. Cẩn Thành hầu vội lớn tiếng nói:

- Đủ rồi! Cuộc so tài đến đây là chấm dứt. Đừng để đôi bên trở thành kẻ tử thù với nhau.

Nói xong, ông tung người nhảy lên sàn đấu. Ông sợ hai bên sẽ gây nên cuộc ẩu đả mà làm rối loạn trị an. Ông lớn tiếng:

- Bà con hãy giải tán đi! Cuộc so tài đã kết thúc!

Người dân ở Trấn Biên và Giản Phố đặc biệt nể sợ vị Cẩn Thành hầu này, kể cả nhóm người của Diệp Sanh Ký. Lời ông nói không khác gì mệnh lệnh nên mọi người bắt đầu giải tán. Tạ Tam trừng đôi mắt đỏ như máu lên nhìn thẳng vào mặt Cẩn Thành hầu như muốn nổi hung, nhưng rồi hắn cũng đành nuốt giận quay người bước xuống khán đài, dẫn đám đệ tử theo bước chân hậm hực của Lý Văn Quang trở về. Đám khán giả đến lúc này mới hoàn hồn, trên đường về họ bắt đầu bàn tán sôi nổi về trận đấu ác liệt cuối cùng. Họ thắc mắc không biết làm cách gì mà anh chàng thư sinh đó có thể dùng bao kiếm của mình hứng trọn lưỡi kiếm nhanh như điện của tên Trung Nguyên Nhất Kiếm. Việc đó thật vô cùng nguy hiểm vì chỉ lệch đi một li thôi, mũi kiếm kia sẽ đâm thẳng vào yết hầu của chàng ta ngay tức khắc. Thắc mắc thì thắc mắc vậy nhưng họ cũng chẳng màng quan tâm câu trả lời làm gì bởi đa số họ đều thấy hả hê vì kết quả cuối cùng. Họ kháo nhau:

- Tưởng gì, không ngờ Trung Nguyên Nhất Kiếm cũng chẳng đỡ nổi một kiếm của chàng thư sinh Đại Việt ta. Đã thật, đã thật! Hà hà...

Mấy trận thắng liên tiếp của Thần Quyền Môn trước các cao thủ Trung Nguyên không chỉ làm dân chúng thích chí mà ngay cả vị Cẩn Thành hầu cũng không khỏi hả hê trong dạ. Từ lâu ông đã có ác cảm với lối buôn bán phá giá, bóp chẹt đồng nghiệp ở Giản Phố của Diệp Sanh Ký. Việc này giết chết từ từ truyền thống sinh hoạt tốt đẹp của Giản Phố bấy lâu nay. Nhưng vì Diệp Sanh Ký chưa làm điều gì phạm pháp nghiêm trọng nên chính quyền địa phương không có cớ để lên tiếng ngăn cản. Điều này gây khó chịu trong lòng vị cai đội vốn trực tính và nóng nảy này. Hôm nay chứng kiến cảnh cao thủ Thần Quyền Môn, những con cháu của Trần Thượng Công và các võ sĩ Đại Việt đả bại cao thủ Trung Nguyên, vị cai đội cảm thấy vô cùng hài lòng. Ông cao hứng rời võ đài xuống hàng ghế của nhóm Thần Quyền Môn định nói vài lời khen ngợi. Trên khán đài, nhóm Trần An Hảo và đại diện những hãng buôn cũng vội đến để chúc mừng. Trần Đại Kỳ đứng lên chào:

- Chào Cẩn Thành hầu. Cuộc đấu hôm nay đã vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi. Mong Cẩn Thành hầu và quan Lưu thủ bỏ qua cho.

Nguyễn Cư Cẩn nở nụ cười thỏa mãn nói:

- Không sao. Đều do Kim Cương Môn khiêu khích mà ra. Thần Quyền Môn các ông không có lỗi gì. Tôi xin có lời chúc mừng.

- Đa tạ thiện ý của Cẩn Thành hầu. Hôm nay, ngài có thể dành chút thời gian quá bộ đến chỗ chúng tôi trao đổi một số công việc được chăng?

- Được! Tôi cũng có chút việc muốn hỏi thăm các ông.

- Vậy mời ngài đi cùng chúng tôi.

- Các ông đi trước, tôi sẽ dùng ngựa đến sau.

Trần An Hảo vỗ vai Đại Kỳ cười ha hả nói:

- Giỏi lắm, giỏi lắm! Không hổ là con cháu của Thượng Công.

- Đều nhờ sư đệ và các bằng hữu giúp sức cả. Cháu vẫn chưa làm nên việc gì.

Mỹ Phụng nắm tay Bạch Mai nở nụ cười rạng rỡ:

- Bạch tỷ thật là tài ba lẫm liệt. Muội hết sức hâm mộ lẫn bái phục.

Bạch Mai mỉm cười:

- Cảm ơn Phụng muội. Bị một cú đấm suýt nữa bể cả phổi đây này, muội không thấy sao mà còn nói lẫm liệt với hâm mộ?

Mỹ Phụng bĩu môi:

- Cái cô Hắc Y nữ hiệp gì đó thật hèn hạ! Tỷ đã thương tình tha cho, cô ta còn giở thói đánh lén bỉ ổi. Thật chẳng có tinh thần thượng võ tí nào! Nữ hiệp cái gì, nữ quái thì có.

Nói rồi, nàng quay sang chúc mừng ba vị cao thủ thắng trận nhưng ánh mắt dành riêng cho Hồng Liệt lại đặc biệt nồng nàn.

- Muội xin chúc mừng ba vị huynh trưởng. Hôm nay, ba vị đã làm cho mọi người ở Giản Phố hết sức hả hê và hãnh diện.

Hồng Liệt thấy nàng hướng ánh mắt nhìn mình nên lên tiếng đáp lại:

- Cảm ơn Trần tiểu thư. Cũng chỉ là may mắn mà thôi.

Trần Đại Kỳ quay sang chào Dương Ngạn Siêu:

- Dương huynh lên đây lúc nào sao không ghé nhà đệ chơi?

Dương Ngạn Siêu đáp:

- Đệ hay tin đã lâu nhưng có chút việc nên mới vừa lên sáng sớm hôm nay. Được chứng kiến trận so tài này, đệ thực sự mở rộng tầm mắt. Xin chúc mừng huynh và các vị bằng hữu.

- Cảm ơn Dương huynh. Đại công tử Dương Quán Nhật lúc này ra sao rồi? Nhanh thật, mới đây mà đã ba năm trôi qua rồi.

- Cháu rất tốt. Nghe nói Trần huynh cũng sắp có người nối dõi rồi phải không? Xin chúc mừng!

- Vâng, cũng sắp. Chỉ mong có được một thằng phương phi, đỉnh ngộ như cháu Quán Nhật thì đệ mãn nguyện rồi.

Nói xong, Đại Kỳ quay sang giới thiệu Ngạn Siêu với mọi người, sau đó cả bọn cùng ra về, trên nét mặt họ không giấu được niềm vui và sự kiêu hãnh. Văn Hiến hỏi Đại Bằng:

- Vết thương của anh thế nào?

Đại Bằng mỉm cười:

- Vết kiếm khá sâu nhưng không sao. Đã rịt thuốc kim thương và băng lại rồi. Sẽ ổn thôi.

Hồng Liệt nói:

- Chiêu Bách hoa phong vũ của tên khốn đó uy lực ghê gớm thật. Có điều từ nay hắn không còn cơ hội thi triển nữa rồi.

- Cũng nhờ tôi và Nguyên Hào nghiên cứu ra đấu pháp, nếu không hôm nay chưa biết ai sẽ thiệt hại hơn ai.

Đại Kỳ bỗng quay sang hỏi Văn Hiến:

- Bí mật chiêu kiếm của tên Nhất Kiếm kia nằm ở chỗ nào?

Văn Hiến đáp:

- Nằm ở bao kiếm. Hắn luôn hướng thẳng thanh bảo kiếm vào yết hầu của địch thủ chỉ nhằm để đánh lạc hướng sự chú ý của đối phương thôi. Sát chiêu của hắn nằm ở bao kiếm có mũi nhọn như mũi kiếm kia. Hắn có biệt tài sử dụng cả hai tay thuần thục và nhanh như nhau cho nên nếu đối thủ không nhận ra sát chiêu nằm ở tay trái thì sẽ chết chắc bởi mũi nhọn trên bao kiếm.

- Hà! Võ học đúng là quá mênh mông, mỗi cao thủ đều có tuyệt nghệ riêng của họ. Thật đáng sợ!

Hiền Nhi hỏi xen vào:

- Làm sao anh hai phát hiện được sát chiêu của hắn nằm ở tay trái?

- Cách trở ngược bàn tay trái cầm bao kiếm của hắn, cộng thêm sự cấu tạo đặc biệt khác thường của bao kiếm.

- Bởi vậy anh hai mới dùng thanh kiếm của mình chặt đứt bao kiếm của hắn và dùng bao kiếm của mình bọc lấy mũi kiếm của hắn phải không?

- Đúng vậy! Tuy nói hai tay của hắn xuất thủ nhanh như nhau nhưng vì sát chiêu nằm ở tay trái nên nội lực đã bị dồn vào đó. Mũi kiếm trên tay phải chỉ là phần nghi binh cho nên sẽ yếu hơn, nhờ vậy anh hai mới có thể dùng bao kiếm của mình đón một cách chính xác được. Còn bao kiếm của hắn thì làm sao chống nổi với thanh bảo kiếm Thanh Long. Do đó đã bị anh tiện đứt rồi sẵn đà thích thẳng vào mi tâm của hắn.

- Nhỡ khi hắn thay đổi đấu pháp, dùng tay trái làm hư chiêu còn tay phải là sát chiêu thì sao?

- Người ta phong cho hắn danh hiệu Trung Nguyên Nhất Kiếm không sai đâu. Sự thay đổi giữa hư chiêu và sát chiêu trong hai tay của hắn thật sự vô cùng nguy hiểm và độc đáo. Lần này hắn giữ sát chiêu ở tay trái có lẽ do hắn đánh giá anh hai quá thấp. Hắn nghĩ rằng anh hai sẽ bị uy hiếp bởi mũi kiếm chĩa thẳng vào yết hầu của mình. Hơn nữa, hắn đã bị ánh mắt chăm chú nhìn thẳng vào mũi kiếm của anh đánh lừa.

Trần An Hảo vỗ tay nói:

- Thật là trầm tĩnh, minh mẫn và chính xác! Đó là những đức tính phải có của cao thủ khi đấu với cao thủ.

Văn Hiến từ tốn nói:

- Cảm ơn Trần lão anh hùng đã quá khen.