Én Liệng Truông Mây - Hồi 15 - Phần 1

HỒI THỨ MƯỜi LĂM

Chân hiệp sĩ luận bàn Việt võ đạo

Lý Văn Quang cấu kết Nặc Ông Nguyên

*

Họ về đến Thần Quyền Môn, Bạch Mai và Đại Bằng vì bị thương nên phải vào trong băng bó nghỉ ngơi. Đại Kỳ sai người chuẩn bị một bữa tiệc để ăn mừng chiến thắng. Khi tiệc đang được bày lên thì Cẩn Thành hầu đến. Mọi người phân ngôi chủ khách ngồi vào bàn. Cẩn Thành hầu lên tiếng:

- Trận đấu hôm nay đã đáp ứng được sự mong mỏi của tôi. Từ lâu tôi vốn không ưa cái lối bán buôn chèn ép và cách cư xử hống hách của bọn Diệp Sanh Ký cùng Kim Cương Môn, nó làm mất đi vẻ an bình của Giản Phố mà Thượng Công đã bao năm gây dựng. Chỉ vì họ chưa làm gì phi pháp nên tôi chưa thể lên tiếng được. Cho tôi mượn ly rượu này thay mặt chính quyền Trấn Biên cảm ơn và chúc mừng quí vị hiệp sĩ.

Đại Kỳ vui vẻ nói:

- Cảm ơn Cẩn Thành hầu. Xin mời tất cả!

Mọi người vui vẻ nâng ly chúc mừng. Hương vị của ly rượu chiến thắng thật đậm đà và thú vị. Tiệc giữa chừng Cẩn Thành hầu hỏi:

- Ở Thuận – Quảng đưa tin hai vụ thảm sát tại Liên Trì và Bích Khê vào, chuyện này chắc quí vị đã nghe qua phải không?

An Hảo đáp:

- Tôi có nghe mấy người khách buôn từ Hội An vào kể lại. Sự tình như thế nào có ai rõ chi tiết không?

Văn Hiến thấy có mặt năm chủ nhân của năm thương hiệu khác, chàng không muốn tiết lộ nhiều về vụ án nên lên tiếng đáp trước:

- Chúng tôi cũng chỉ nghe tin qua những lời kể lại, còn những bí ẩn bên trong thật chưa nắm được điều gì.

Cẩn Thành hầu mấy hôm trước đã nhận được công văn về vụ án của Hình bộ đưa vào, nhờ ông lưu tâm tra xét. Công văn có nói nên nhận sự giúp đỡ của Thần Quyền Môn, ông định đưa ra bàn thảo nhưng nghe Văn Hiến trả lời như thế thì ông biết chàng không muốn đề cập đến việc này trước mặt đông người. Ông nói:

- Đây là hai vụ án lớn làm chấn động lòng người cả Đàng Trong. Phủ Chúa đặc biệt quan tâm đến việc tìm ra hung thủ, ai có chi tiết gì xin cho bổn quan biết để góp thêm chứng cứ hầu nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Bọn sát nhân khát máu này không thể tha thứ được.

Đại Kỳ nói:

- Vâng, có chi tiết gì chúng tôi sẽ báo ngay với Cẩn Thành hầu.

Cư Cẩn cười nói:

- Hôm nay nhìn thấy thân thủ của các vị hiệp sĩ tôi thật cao hứng trong lòng. Ngày mai xin mời ghé lại tư dinh để cùng nhau đàm luận về võ học trong thiên hạ được chăng?

Đại Kỳ vui vẻ đáp:

- Được uống rượu đàm luận võ học cùng Cẩn Thành hầu thì có ai mà không thích. Chiều mai anh em chúng tôi nhất định sẽ quấy rầy tư dinh ngài một phen.

- Vị hiệp sĩ đấu với Lãnh Diện Truy Hồn bị thương có nguy hiểm lắm không? Tôi có một loại kim san gia truyền tên là Bách thảo tục mệnh cao rất linh nghiệm. Tôi có mang theo bên mình đây, hãy dùng nó mà chữa vết thương cho ông ta.

Nói xong, Cư Cẩn lấy trong người ra một chiếc hộp nhỏ trao cho Đại Kỳ. Đại Kỳ nhận lấy.

- Đa tạ Cẩn Thành hầu!

Văn Hiến nói:

- Trần huynh giao cho tôi. Tôi cũng có học sơ qua chút y thuật. Xin lỗi tất cả quí vị nhé. Tôi trở lại ngay.

Chàng nhận hộp cao từ tay Đại Kỳ rồi vào trong thay thuốc cho Đại Bằng. Cẩn Thành hầu đứng lên nói:

- Tôi có chút việc, xin cáo từ!

Mọi người vội đứng lên để tiễn ông ta ra về. An Hảo, Dương Ngạn Siêu và năm người chủ buôn cũng nói lời từ biệt. Mọi người về hết thì Văn Hiến cũng băng bó cho Đại Bằng xong nên từ trong bước ra. Đại Kỳ nói:

- Chiều mai chúng ta ghé sang tư dinh của Cẩn Thành hầu một chuyến. Bọn Kim Cương Môn bị thảm bại lần này chắc chắn không chịu bỏ qua đâu. Cuộc chạm trán lần sau sẽ hung hiểm hơn nhiều. Để tránh bớt phiền phức, chúng ta nên nhờ vào lực lượng quân đội Trấn Biên của ông ta.

Hồng Liệt nói:

- Chưa biết bọn chúng còn giở trò gì nữa đây. Nghe chúng gọi nhau nào là quân sư, tả hữu đô đốc y như tước phong trong quân đội của một triều đình vậy.

Văn Hiến tiếp lời:

- Tên Lý Văn Quang có ý định chiếm vùng Giản Phố và Trấn Biên này để lập ra vương quốc riêng cho mình. E rằng hắn sẽ mang người từ Trung Quốc sang để thực hiện mưu đồ đó.

Đại Kỳ nói:

- Việc này chiều mai chúng ta sẽ bàn thảo kỹ với Nguyễn Cư Cẩn. Việc lớn như thế thuộc trách nhiệm của ông ta, chúng ta chỉ đóng vai trò trợ giúp mà thôi.

***

Chiều hôm sau, bọn Đại Kỳ ba người dùng ngựa sang Trấn Biên ghé thăm tư dinh của Cẩn Thành hầu. Cư Cẩn niềm nở đón họ vào khách sảnh. Gian khách sảnh rất rộng, sát vách có bày giá binh khí đủ loại của thập bát ban võ nghệ, khách bước vào sẽ nhận ra ngay đây là tư dinh của bậc võ tướng. Cư Cẩn truyền người bày rượu thịt lên. Ông nâng chung nói:

- Tôi từ nhỏ đã đam mê võ nghệ. Gia phụ lại là dòng võ tướng nên nuôi chí nối nghiệp cha. Trong đời thích nhất được uống rượu luận đàm võ học với bậc đại cao thủ. Hôm nay gặp các vị quả thật cao hứng vô cùng.

Hồng Liệt cười nói:

- Tôi từng nghe ba mươi sáu đường Thiên Cương đao pháp của họ Nguyễn lẫy lừng một cõi trời Nam, bọn giặc Cao Miên xưa nay rất nể sợ. Làm người được như vậy há chẳng đáng lắm sao?

- Luận về đao pháp trong thiên hạ Đại Việt ta, trước hết phải kể đến Hàng Long đao pháp của Trần gia phái Đông A. Ngày xưa, các danh tướng nhà Trần đã nhờ nó mà ba lần phá tan quân xâm lược của đế quốc Mông Cổ hùng mạnh. Sau đó là Bạch gia đao pháp của đại tướng Bạch Khai Thành thời thập nhị sứ quân cuối nhà Ngô. Thiên Cương đao của Nguyễn gia chúng tôi chưa đáng kể vào đâu cả.

Văn Hiến hỏi:

- Về kiếm thì sao?

Cư Cẩn đáp:

- Về kiếm, Đại Việt xưa nay có rất nhiều bài được coi là tuyệt kỹ của kiếm thuật. Tiếc rằng đất nước ta luôn bị nạn ngoại xâm nên kiếm phổ dần dần thất truyền. Nhưng nếu phải kể ra thì lâu đời nhất là bài Việt nữ kiếm thời Xuân Thu, đến nay kiếm pháp này hầu như thất truyền, quả thật vô cùng đáng tiếc. Đến thời thập nhị sứ quân thì có bài Hoa Lư kiếm pháp của danh tướng Trịnh Tú, sau truyền lại cho họ Đoàn. Bài kiếm này với tuyệt kỹ phi kiếm đáng được xưng là đệ nhất sát chiêu trong hoàn vũ. Họ Đoàn cho đến nay vẫn còn lưu truyền kiếm pháp này. Thời kỳ Lam Sơn khởi nghĩa, tướng quân Lê Sát cũng lưu truyền bài kiếm Lôi phong kinh điện, còn gọi là Đằng Vân sát kiếm, cùng với Hàng Long đao pháp của Trần Nguyên Hãn được coi là Thiên kiếm, Tuyệt đao thời bấy giờ. Trước đó, Thượng tướng Trần Quang Khải đã đổi tên bài Hàng Long đao thành Lôi Long đao, về sau Trần Nguyên Hãn có biến chế sáng tạo thêm đôi chút và đổi tên lại thành Ô Long đao pháp để sử dụng với thanh Ô Long đao. Nhưng chiêu kiếm mà Trương huynh đả bại Trung Nguyên Nhất Kiếm hôm qua mới thật là cổ kim hiếm thấy. Có thể nói cho nghe về bí quyết phá kiếm và sát chiêu lúc đó không?

Văn Hiến ôn tồn nói:

- Ngài cai đội đã quá khen rồi.

Chàng đem cách phá chiêu đã nói với mọi người hôm qua trình bày lại cho Cẩn Thành hầu nghe. Cư Cẩn nghe xong vỗ tay đánh bốp một tiếng, khen:

- Thật là trầm tĩnh và bén nhạy. Kiếm khách có thể đạt đến chữ “định” và đạo lý “vô trung sinh hữu” là đã đạt tới cảnh giới “đạo” của kiếm rồi. Còn chiêu kiếm mà vị hiệp sĩ Trần Đại Bằng sử dụng hôm qua cũng xứng đáng liệt vào tuyệt chiêu trong thiên hạ. Rất tiếc tôi chưa được hân hạnh đàm đạo cùng Bằng huynh.

- Đó là chiêu Cao sơn quán nhật trong Phong Điền tam tuyệt chiêu của họ Trần Đại miền Phong Điền. Thật ra ba chiêu kiếm đó được họ Trần ở Phong Điền rút tỉa ra từ tinh hoa của bài Tru Hồn kiếm thời nhà Lý. Riêng bài Việt nữ kiếm chúng tôi vừa may mắn tìm lại được, tuy không hẳn là bài kiếm nguyên thủy của người Việt nữ xa xưa nhưng nếu là do truyền nhân cuối cùng của vua Vô Chư nước Mân Việt ở núi Vũ Di đã lưu giữ thì chắc có lẽ cũng không mấy biến đổi.

Cư Cẩn mừng rỡ như người bắt được của báu:

- Thật ư? Các vị đã tìm được bài Việt nữ kiếm đó thật à? Tạ ơn tổ tiên phù hộ, nhân dân Đại Việt ta lại có thêm sức mạnh để chống giặc ngoại xâm. Dám phiền Trương huynh cho xem qua những đường kiếm cổ xưa có được không?

- Được chứ! Nếu Cẩn Thành Hầu không câu chấp, tôi xin truyền lại cho ngài bài kiếm này để nó được phổ biến rộng rãi trong dân gian, nhất là trong quân đội.

- Đa tạ! Tôi tuy quen dùng đao pháp gia truyền nhưng cũng rất ham mê kiếm pháp. Nếu được Trương huynh dạy cho bài Việt nữ kiếm thì còn gì bằng. Tôi sẽ truyền thụ lại cho bộ hạ và binh lính của tôi ở đây.

Văn Hiến đứng lên bước lại giá binh khí và chọn một thanh kiếm. Chàng biểu diễn bài kiếm qua một lượt để Cư Cẩn theo dõi, sau đó chàng múa kiếm nhanh hơn. Việt nữ kiếm, cái tên nghe nhẹ nhàng nhưng sát khí lại tỏa ra mờ mịt buốt xương. Các chiêu thức đều ngầm chứa sát cơ, nhất là lúc lâm trận gặp thế địch đông ta ít. Nguyễn Cư Cẩn vốn là võ tướng từng xông pha trận mạc nên khi múa kiếm theo Văn Hiến một lượt, ông mừng rỡ reo lên:

- Thật tuyệt vời! Một đội tinh binh nếu được rèn luyện thêm bài kiếm này thì có thể một đánh mười, mười đánh trăm, trăm đánh ngàn quân địch như trở bàn tay.

Văn Hiến hỏi:

- Ngài đã lĩnh hội được hết chưa?

- Tôi đã nhớ chiêu thức nhưng các biến thế còn chưa thấu triệt, nhờ Trương huynh diễn lại vài lần nữa cho xem.

Văn Hiến liền múa lại bài kiếm hai lần nữa. Cư Cẩn nói:

- Bây giờ tôi thử lại nhé.

Nói xong, ông đi từng đường kiếm thật chuẩn xác và linh hoạt. Ba người bọn Văn Hiến đứng nhìn không khỏi khen thầm. Ông đúng là người thông tuệ và có thiên khiếu về võ học. Dứt bài kiếm, ông cúi chào hỏi:

- Ba vị thấy thế nào?

Hồng Liệt đáp:

- Tôi mất mấy ngày tập luyện mới có thể đi bài kiếm này linh hoạt như thế. Ngài cai đội quả là nhân tài võ học. Với nội lực như ngài, chắc hẳn bài Thiên Cương đao sẽ có uy lực ghê gớm lắm.

Cư Cẩn cười ha hả nói:

- Đa tạ lời khen! Để tôi thi triển bài đao gia truyền cho mọi người xem, coi như đáp lễ Trương huynh vậy.

Ông bước đến giá binh khí, đổi kiếm lấy đao bắt đầu biểu diễn. Đao loan như vũ bão, gió rít vù vù trông thật dũng mãnh, uy lực kinh người. Kết thúc bài đao, ba người đứng xem không ngớt lời khen ngợi. Nguyễn Cư Cẩn cất đao xong nói:

- Thiên Cương đao thích hợp dùng khi ở trên mình ngựa, lúc lâm trận giữa ba quân. Còn nói về uy lực thì theo lời truyền tụng, Hàng Long đao pháp mới đáng được gọi là kinh người. Tuy nhiên, cũng còn tùy vào người sử dụng nó có đủ sức để tạo nên uy lực đó hay không.

Hồng Liệt nói:

- Tôi đã thấy qua uy lực của Hàng Long đao pháp. Nay lại được nhìn Thiên Cương đao pháp, vậy chỉ còn Bạch gia đao pháp là chưa biết đến thôi.

- Đinh huynh thấy ở đâu?

- Trần gia bị thảm sát ở Liên Trì chính là con cháu của Đại tướng Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hào đã từng dùng Hàng Long đao pháp để khắc phục Mai Hoa kiếm của Lãnh Diện Truy Hồn, tên bị Đại Bằng chặt đứt cánh tay hôm qua.

- Ra là thế! Nghe nói vụ huyết án xảy ra cũng chỉ vì bọn giặc muốn cướp đoạt thanh Ô Long bảo đao của họ Trần. Phong - Mãnh hai vị hộ vệ có gởi công văn Hình bộ nói rõ nội tình hai vụ án vào cho tôi. Trong công văn còn dặn phải liên lạc với các vị để cùng nhau tìm ra hung thủ đứng đằng sau. Vậy các vị đã có chút manh mối nào chưa?

Văn Hiến đáp:

- Vụ Trần gia do tên Lãnh Diện Truy Hồn trực tiếp chỉ huy, hắn đã thừa nhận với Đại Bằng. Còn vụ Võ gia thì tên Trung Nguyên Nhất Kiếm cũng chính miệng thừa nhận với tôi. Cả hai tên này đều là thuộc hạ của tên Lý Văn Quang, chủ nhân Diệp Sanh Ký. Vấn đề còn lại là làm sao tìm ra bằng chứng xác thực mới có thể bắt tên Lý Văn Quang một cách đàng hoàng được.

- Bọn chúng đều là người của Thanh triều sang Đại Việt buôn bán, mọi việc không thể sơ suất được vì sẽ động chạm đến tình bang giao hai nước. Võ vương lại đang cầu cạnh Càn Long chấp nhận việc phong vương của mình nên không muốn có sự xích mích nào dù là nhỏ nhất. Chúng ta hành sự phải thật cẩn trọng.

- Tôi tình cờ nghe được chính miệng tên Lý Văn Quang nói hắn muốn chiếm cứ vùng đất Trấn Biên này để làm lãnh thổ riêng của hắn. Tình hình như vậy ngài nghĩ sao?

Cư Cẩn vỗ bàn cười lớn:

- Thật là một ý định ngông cuồng! Ngày nào còn tôi ngồi ở đây thì hắn đừng hòng giở được trò gì.

Đại Kỳ nói:

- Nhưng ngài cũng phải lưu tâm đề phòng và có biện pháp ngăn chặn trước. Nếu đợi sự việc xảy ra mới giải quyết, thiệt hại cả hai bên sẽ rất lớn. Dân chúng bị vạ lây.

- Việc này tôi có nghĩ đến nhưng quan lưu thủ là người cầu an nên không có quyết định gì cả.

- Như thế không được! Ngài có thấy cả Giản Phố bây giờ hầu như đều thuộc quyền sở hữu của Diệp Sanh Ký không? Tôi e rằng một hai năm nữa Giản Phố chỉ còn lại một mình tôi đối chọi với cả tập đoàn Diệp Sanh Ký thôi.

- Thế này vậy, tôi sẽ đưa một số quân thiện chiến sang đóng ngay bên kia cầu để thị uy với chúng và trấn an những thương hiệu còn lại. Nếu có sự đối đầu, các ông cứ mạnh dạn ra tay, tôi sẽ tiếp ứng. Phải chờ chúng phạm tội trước tôi mới có cớ ra tay can thiệp được.

Đại Kỳ mừng rỡ nói:

- Đa tạ! Như thế bọn chúng sẽ e dè không dám làm càn. Bộ mặt sinh hoạt của Giản Phố đã không còn cái thời thanh bình xưa kia thì cách quản lý của chính quyền cũng nên thay đổi. Phải có mặt quân đội ở đó để kịp thời ngăn chặn mọi sự bạo động. Từ nay mọi động tịnh của chúng, tôi sẽ báo cáo lên Cẩn Thành hầu để ngài liệu việc.

Ba người từ giã ra về lúc đêm đã khuya.

***

Hiền Nhi vẫn còn thức ngồi chờ nơi khách sảnh. Hồng Liệt ngạc nhiên hỏi:

- Hiền Nhi, sao em chưa đi nghỉ, có việc gì sao?

Hiền Nhi đáp:

- Em có việc muốn nói với anh hai.

- Việc gì mà gấp vậy? Không đợi đến sáng mai được sao?

- Không được. Sáng mai sớm công chúa đã đi rồi. Hiền Nhi phải chờ anh hai để nói lại tin này.

Văn Hiến nghe tin hơi khựng lại, nhưng chàng mau chóng lấy lại sự bình tĩnh, bình thản hỏi:

- Sao em biết?

- Lúc chiều, Thu Hồng tỷ có sang đây tìm anh hai báo tin nhưng không gặp. Em đã theo chị ấy sang gặp công chúa. Công chúa gởi lời chào từ biệt anh hai.

- Mai thuyền khởi hành lúc nào?

- Sớm lắm. Công chúa bảo phụ thân nàng buộc nàng phải trở về Phúc Kiến ngay.

- Thôi, như vậy cũng hay. Không cần phải tiễn đưa nữa.

- Không được! Sáng mai anh hai phải gặp công chúa lần cuối. Anh hai không biết công chúa buồn đến mức nào đâu.

- Rồi mọi việc sẽ chìm vào quên lãng mà thôi. Em đi nghỉ đi.

Hiền Nhi trách:

- Anh hai không nên vô tình như vậy.

Văn Hiến cười khổ:

- Em đi nghỉ đi. Anh hai biết phải làm gì mà.

Hiền Nhi buồn bã quay vào trong. Hồng Liệt mang bình rượu ra mái đình nhỏ ngoài sân, Văn Hiến cũng theo ra. Hồng Liệt rót rượu vào chung, hỏi:

- Ngươi không tiễn nàng đi à?

- Tiễn đưa chỉ thêm vướng bận. Đã biết không thành thì gây thêm đau khổ cho nhau làm gì.

- Ừ, dứt khoát như vậy cũng hay. Càng hay hơn nữa là ngươi không lụy vì mỹ sắc.

Văn Hiến uống cạn chung rượu nói:

- Có gì mà hay. Không dám lụy vì mỹ sắc chứng tỏ ta không phải là kẻ anh hùng. Ta là một tên an phận, nhát gan.

- Nói như ngươi không đúng lắm. Cân phân nặng nhẹ, biết đường tiến thoái, vượt qua mỹ sắc là những điều mà chỉ người vừa có trí vừa có dũng thật sự mới làm được. Đó gọi là “tự thắng giả cường”. Ngươi tự trách mình làm gì.

Văn Hiến thở dài:

- Trí quá, cuộc đời đôi khi mất đi niềm thi vị. Gặp nàng ta cũng muốn lao đầu vào cuộc, say đắm mỹ nhân, nhưng sự tính toán tỉnh táo của lý trí đã bắt ta phải nhảy lùi lại trốn tránh. Hà! Mỹ nhân không gặp được anh hùng nên cung đàn nghe thật lạc điệu. Cầu cho nàng gặp người xứng tay để cho cung đàn đúng điệu, hòa âm.

- Sự tao ngộ giữa mỹ nhân và anh hùng được sắp đặt bởi bàn tay Thượng Đế, ngươi có cầu khẩn cho nàng cũng vô ích.

- Mong cho việc ở đây xong sớm. Ta thật muốn trở về cuộc sống an nhàn lúc xưa. Cũng đã đến lúc thực hiện chữ hiếu rồi.

- Ngươi định chạy trốn tình yêu bằng cách lấy vợ hả?

- Đây không hẳn là tình yêu. Một kỷ niệm đẹp trong đời thì đúng hơn.

- Không hẳn đúng. Do ngươi bị mặc cảm phủ đầy tâm lý nên mới có cảm tưởng vậy thôi.

- Mặc cảm tất nhiên là có rồi. Nhưng ngươi có công nhận là mặc cảm nó làm nguội trái tim đi mất một nửa không? Còn nửa kia lý trí làm chai cứng lại. Một trái tim nguội và chai cứng thì không thể có tình yêu được.

Hồng Liệt uống cạn chung rượu rồi gật gù:

- Đúng! Mặc cảm làm nguội đi trái tim.

- Ngươi đem chuyện của ta để nói chuyện mình phải không?

- Ta không nói mà cấm luôn ngươi không bao giờ được nói.

Văn Hiến uống cạn chung rượu của mình, chàng ậm ừ:

- Được, ta sẽ không bao giờ nói.

- Ngươi định cưới vợ thật à?

- Ừ!

- Ai vậy?

- Hiền Nhi.

Hồng Liệt nhảy dựng lên khỏi ghế làm đổ cả chung rượu ra bàn:

- Thật chứ?

Văn Hiến đưa tay lau chỗ rượu bị đổ trên bàn rồi rót hai chung rượu khác:

- Chuyện như vậy, ngươi nghĩ ta có thể nói đùa được sao?

- Nói cho ta nghe vì sao ngươi lại chọn Hiền Nhi và chọn từ lúc nào?

- Từ lâu rồi. Có rất nhiều thứ. Công dung ngôn hạnh Hiền Nhi đều đủ cả. Thêm một điều mà chỉ có người dân xứ Nghệ như ta mới hiểu. Đó là đàn bà xứ Nghệ rất chịu thương, chịu khó, tốt bụng và chung tình. Đặc biệt nhất là chiều chồng, thương con.

- Ngươi dự định thế nào?

- Sau khi mọi việc ở đây yên ổn, trở về cửa Hàn ta sẽ ngỏ lời cầu hôn với Hiền Nhi và xin phép ngươi để cưới nàng.

Hồng Liệt cười xòa:

- Cứ lo cho được sự ưng thuận của người ta đi. Ta với ngươi mà xin với xỏ nỗi gì. Đối với bọn trẻ, ta lo cơm, ngươi lo cho chúng học, công sức đâu phải chỉ mình ta. Được như thế thì ta là người vui nhất. Có điều ngươi nên nhớ là, chỉ có tình yêu mới mang lại hạnh phúc vợ chồng thật sự chứ không phải tình cảm anh em hay sự tội nghiệp đâu. Càng không phải là sự trốn lánh hay bù lấp.

- Ta biết những điều ấy từ lâu rồi.

- Vậy thì tốt!

Sáng hôm sau, Hiền Nhi đánh thức Văn Hiến dậy thật sớm để đi tiễn Dung Dung nhưng Văn Hiến không bằng lòng. Cả hai chỉ đứng ở một nơi kín đáo trên bờ sông để nhìn những chiếc thuyền rời bến, xuôi dòng Đồng Nai ra biển Đông. Trên một chiếc thuyền lớn, Lý Dung Dung mặc bộ y phục trắng đứng trước mũi thuyền, tóc bay theo gió, nhìn vào bờ như tìm kiếm một người, hình ảnh đó thật khiến người ta nao lòng. Hiền Nhi níu tay Văn Hiến nói:

- Anh hai thấy không, Dung tỷ rất muốn gặp anh. Trông chị ấy thật đáng thương.

- Rồi em sẽ thấy rằng anh hai làm như thế này là đúng. Không nên làm cho sự đau khổ của Dung Dung lớn hơn.

- Nhưng em thấy thương chị ấy quá.

- Hôm qua hai chị em nói những gì?

- Cũng không có gì. Em chỉ kể lại cuộc sống của bọn em ở trại. Dặn Dung tỷ khi nào đến Hội An thì ghé thăm bọn em. Chị ấy bằng lòng, hứa nhất định sẽ ghé thăm. Dung tỷ còn hỏi em có muốn về Hội An cùng với chị ấy không nhưng em bảo chưa muốn về.

- Mai chú Dụng trở về, em cũng nên theo về ngoài ấy đi. Bỏ mấy đứa em ở nhà như thế không được. Xong việc ở đây bọn anh về ngay.

Hiền Nhi ngước nhìn Văn Hiến hỏi:

- Chừng nào mới xong việc?

- Chưa biết!

- Em không thể ở lại đây giúp các anh được sao?

- Không được! Em phải về, đừng cãi anh. Em ở lại đây chỉ khiến anh và anh cả lo lắng mà thôi.

- Ở đây đánh nhau nguy hiểm quá. Em còn chưa hết sợ về trận chiến của hai anh vừa rồi. Bắt em về ngoài đó chắc em lo đến chết mất.

Văn Hiến nhỏ nhẹ:

- Bọn anh không sao đâu. Em an tâm về với bọn nhỏ. Phải vui vẻ đừng để bọn nhỏ lây nỗi lo với em.

- Dạ...

***

Ở bến cảng trên địa phận Diệp Sanh Ký, Lý Văn Quang và đám thuộc hạ đứng nhìn theo cho đến khi khuất bóng hai chiếc thuyền đưa Dung Dung về Phúc Kiến ông mới buông một tiếng thở phào nhẹ nhõm rồi quay vào. Bọn thủ hạ lục tục theo sau. Vào đến khách sảnh, Lý Văn Quang ngồi xuống long ỷ, bọn thuộc hạ chia nhau ngồi ở những chiếc ghế xung quanh chiếc bàn lớn. Văn Quang hỏi:

- Thương thế của Lãnh Diện thế nào rồi?

Tạ Tam đáp:

- Bẩm vương gia, ông ta đỡ rồi. Đáng tiếc cho một cánh tay sát thủ.

Tạ Tứ bị thua trận, mối nhục chưa tan nên hắn hằn học:

- Bọn khốn kiếp Thần Quyền Môn, phải giết sạch chúng một trận mới hả giận được.

Văn Quang gạt phăng:

- Đừng nói càn! Ngươi nhìn lại xem chúng ta có đủ lực không? Việc sắp tới dự trù thế nào Hà quân sư?

Hà Huy lim dim đôi mắt nói:

- Thưa vương gia, trận vừa rồi chúng ta quá khinh địch nên chuốc thảm bại. Lỗi lầm này đều do hạ chức, xin vương gia trách phạt. Lần tới nhất định phải dò xét tình hình bên địch kỹ lưỡng hơn. Có lẽ vương gia phải trở về Phúc Kiến đem toàn bộ lực lượng sang đây, kể cả lực lượng ở Hội An nữa. Chúng ta đợi đến đầu mùa xuân khởi sự là vừa.

- Kể cả ba nơi chúng ta có khoảng ba đến bốn trăm người, quân sư thấy đã đủ để khởi sự chưa?

- Ba bốn trăm người của chúng ta đều có võ nghệ vững vàng. Nếu xuất kỳ bất ý thì có thể khống chế phủ Trấn Biên như trở bàn tay.

Tạ Tam chen vào:

- Quân sư tự tin đến mức đó sao?

- Muốn lấy Trấn Biên không có gì khó, chỉ cần diệt được tên Nguyễn Cư Cẩn thì mọi chuyện coi như xong.

Văn Quang nói:

- Đúng vậy! Tên này dòng dõi võ tướng, võ công cao cường, binh lính tinh nhuệ lại rất cương trực, liêm chính, không thể mua chuộc được. Việc đầu tiên là phải tính kế trừ hắn trước.

- Việc trừ hắn xin vương gia an tâm, hạ chức đã có kế hoạch rồi.

- Còn đám Thần Quyền Môn và mấy tên trợ thủ của hắn?

- Bọn này là người võ lâm nên chúng ta cứ xử theo lối giang hồ.

- Lần này, ta sẽ mời chưởng môn nhân Kim Cương Môn và mang toàn bộ thuộc hạ của ta ở Phúc Kiến sang để trừ bọn võ lâm Đại Việt này.

Tạ Tứ mừng rỡ nói:

- Đúng rồi! Phải để sư phụ ra tay trừng trị bọn này cho chúng biết thế nào là võ lâm Trung Nguyên.

Tia mắt Lý Văn Quang ngời lên sát khí:

- Ta sẽ rửa sạch mối nhục vừa rồi! Nuôi quân ba năm đây là lúc phải nhờ đến rồi.

Hà Huy chợt mở đôi mắt hí của hắn lớn hơn hỏi:

- Trường hợp lấy được Trấn Biên rồi, đạo binh Mô Xoài của Tống Phước Đại kéo tới đánh thì vương gia cần phải có lực lượng của Nặc Ông Nguyên trợ giúp. Hắn trả lời dứt khoát chưa, thưa vương gia?

- Hắn còn trù trừ chưa quyết, bởi vậy ta phải đích thân sang gặp hắn lần nữa. Chuẩn bị ngựa và lễ vật, mai ngươi và Tạ Tam cùng anh em Tư Đồ Nhất đi với ta sang Cao Miên một chuyến.

- Dạ. Nhưng chúng ta cứ dùng thuyền đi sẽ vừa tiện vừa kín đáo hơn, thưa vương gia.

- Đường thủy theo lối nào mới tiện?

- Từ đây chúng ta theo sông Đồng Nai đến Phúc Lộc Thượng, Xá Hương, qua sông Tra Giang đến Kỳ Hôn rồi ra sông lớn Cửu Long tại Mỹ Tho, từ đó ngược lên thành Bích La là tiện nhất. Khi về nếu không muốn trở lại đây, vương gia có thể theo Cửu Long giang ra cửa Tiểu mà vào biển Đông rồi về thẳng Phúc Kiến.

- Như vậy thì chuẩn bị mọi thứ đầy đủ. Xong việc ở Cao Miên ta sẽ đi thẳng về Phúc Kiến luôn.