Én Liệng Truông Mây - Hồi 15 - Phần 2

Hiền Nhi đứng trước mũi thuyền buồn bã vẫy tay chào mọi người. Nàng theo thuyền của Hữu Dụng trở về lại Quy Nhơn mà lòng buồn khôn xiết. Qua một chuyến đi xa, được dịp nhìn thấy đất trời bao la rộng mở, tâm hồn nàng như đã lớn hơn theo tầm mắt. Và một tình yêu chân thành đã xâm chiếm trọn trái tim bé nhỏ của nàng. Nàng vẫy tay tạm biệt mà nghe trong tim thổn thức niềm đau dịu ngọt, sự dịu ngọt của nhớ nhung, tơ tưởng. Con thuyền khuất bóng, Hồng Liệt thở dài nói với Văn Hiến:

- Con bé đã trưởng thành rồi. Tội nghiệp, chuyến đi này hẳn đã mở rộng thêm tâm hồn trong sáng và trái tim nhân hậu của nó.

- Ngươi nói đúng. Nàng đã trưởng thành rồi.

Bạch Mai mỉm cười bí hiểm:

- Đúng là trái tim của Hiền Nhi đã rộng mở ra rồi.

Khi mọi người từ bến cảng trở về thì bọn Trần An Vinh, Mỹ Phụng cùng Dương Ngạn Siêu cũng ghé thăm. Mỹ Phụng nắm tay Bạch Mai nói:

- Bạch tỷ tỷ, Dương huynh muốn mời chúng ta xuống Mỹ Tho chơi một chuyến. Tỷ tỷ cùng Trương huynh, Đinh huynh đi với bọn muội đi.

Dương Ngạn Siêu nói:

- Vâng. Hôm nay có duyên được biết hai vị nhân huynh, Siêu tôi muốn mời các vị ghé xuống Mỹ Tho một chuyến để tôi được dịp tiếp đón và đàm đạo cho thỏa lòng.

Hồng Liệt ngần ngừ đưa mắt nhìn Văn Hiến. Văn Hiến từ lâu đã có ý muốn đi thăm vùng sông nước Cửu Long nên mau mắn trả lời:

- Thế thì cung kính không bằng phụng mệnh. Chúng tôi sẽ đến tư gia quấy rầy Dương huynh một chuyến mới được.

Ngạn Siêu mừng rỡ nói:

- Thật là vinh hạnh! Nhà họ Dương lúc nào cũng mở sẵn cửa đón chào.

Mỹ Phụng lắc lắc tay Bạch Mai hỏi:

- Bạch tỷ thì sao?

Bạch Mai nhéo nhẹ vào má Mỹ Phụng, cười đáp:

- Không đi mà được với muội à?

Mỹ Phụng reo lên:

- Vậy thì vui nhất rồi! Dương huynh, chúng ta đi đi.

Họ đi bằng chiếc thuyền lớn được trang trí rất đẹp và đầy đủ tiện nghi của Dương Ngạn Siêu, đến chiều tối họ đã về tới Mỹ Tho. Kể từ ngày Dương Ngạn Địch cùng Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho vào Nam, họ Dương đã đưa nhóm người của mình theo cửa Soài Rạp xuống Mỹ Tho, hợp cùng người Việt, người Chân Lạp (Khmer) bản địa để khai hoang lập ấp. Vùng đồng bằng Mỹ Tho đất đai phì nhiêu nhưng người dân Chân Lạp không biết khai thác nên đất bỏ hoang rất nhiều. Họ Dương chuyên tâm về canh tác nông nghiệp nên chẳng bao lâu sau những cánh đồng bát ngát đã thành hình, phố xá theo đó mọc lên san sát bên bờ sông lớn, chợ búa đông đúc, cảnh sinh hoạt rất sung túc, vui tươi.

Chín năm sau, phó tướng Hoàng Tiến làm phản giết Dương Ngạn Địch. Sau Hoàng Tiến bị tướng nhà Nguyễn là Mai Vạn Long và Trần Thượng Xuyên đánh dẹp. Ngạn Siêu là cháu nội của Ngạn Địch, thay cha là Ngạn Thanh vừa qua đời cai quản những cơ ngơi đồ sộ mà cha ông đã tạo dựng. Dương gia trang rộng lớn được xây cất ngay trên bờ Cửu Long giang, gần nơi phố thị sầm uất nhất. Hôm sau Ngạn Siêu dùng thuyền đưa mọi đi thăm khắp vùng Định Tường. Đến cửa sông Rạch Gầm, Ngạn Siêu nói:

- Đây là nơi tướng Mai Vạn Long và Trần Thượng Công đã đóng quân để bắt tên phản tặc Hoàng Tiến. Vào năm 1700, sau khi bình định và phủ dụ vua Cao Miên là Nặc Ông Thu xong, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã kéo quân về đóng ở An Giang rồi ngã bệnh. Khi thuyền đưa ông về đến ngã ba Sầm Giang (tức sông Rạch Gầm) này thì ông mất. Cũng kể từ năm đó, toàn bộ dinh Long Hồ gồm trấn Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên qui thuộc vào lãnh thổ của Đại Việt ta.

Văn Hiến đưa mắt quan sát vùng sông nước, cồn cát chằng chịt này một lúc lâu rồi nói:

- Vùng sông nước và cù lao này thật là nơi lý tưởng để tổ chức những cuộc hành quân hay phục kích trong một trận đại thủy chiến.

Ngạn Siêu tiếp lời:

- Nói về việc binh bị thì đúng là vùng đồng bằng Cửu Long có sông nước chằng chịt, ruộng lúa phì nhiêu rất tiện cho việc nuôi và dưỡng quân. Từ đây kéo binh ra thì có thể đánh thiên hạ, mà lui về ẩn lánh thì địch vô phương lùng bắt. Thật là một vùng đất để anh hùng dựng nghiệp.

Khi thuyền của họ trở ra sông lớn chợt Bạch Mai chỉ tay về phía một chiếc thuyền lớn đang đi ngược dòng nói:

- Ủa? Kia không phải là thuyền của Diệp Sanh Ký sao? Hình như mấy người đứng trước mũi thuyền là Hà Huy và Tạ Tam. Có cả Lý Văn Quang nữa, bọn họ làm gì ở đây vậy?

Văn Hiến nhìn theo ngón tay của Bạch Mai thấy quả đúng là bọn người Diệp Sanh Ký. Linh cơ xuất động, chàng vội kéo mọi người vào trong khoang thuyền nói nhỏ:

- Đừng để bọn chúng trông thấy. Chúng ta thử theo dõi xem bọn đầu não của Diệp Sanh Ký đi lên đây làm gì?

Ngạn Siêu nói:

- Đây là thủy lộ chính để lên thành Bích La. Không chừng bọn chúng muốn tới kinh đô nước Cao Miên.

- Chúng ta phải theo sát bọn chúng nhưng đi đông người thế này không tiện lắm. Dương huynh có thể tìm thêm một chiếc thuyền khác ở quanh đây không?

- Ở Long Hồ có một trại thủy quân, tôi có người bạn làm cai đội ở đó, Trương huynh muốn mượn thuyền của họ để đi thành Bích La à?

- Không. Ta phải dùng chiếc thuyền dân sự này để tránh bọn họ phát hiện. Chiếc thuyền kia là để đưa mấy vị tiểu thư trở lại Mỹ Tho.

Mỹ Phụng phụng phịu nói:

- Trương huynh tính đuổi bọn muội về hả?

- Xin lỗi tiểu thư, chúng tôi phải theo dõi bọn chúng, nếu phải sang tận Bích La thành thì đông người thế này vừa bất tiện vừa nguy hiểm. Phiền tiểu thư, Bạch muội và Trần huynh trở lại Mỹ Tho chờ, chúng tôi xong việc sẽ trở về ngay.

Trần An Vinh xen vào:

- Việc hệ trọng, muội muội không nên làm khó Trương huynh.

Mỹ Phụng chu môi lên làm bộ giận:

- Lúc nào cũng cho người ta là vô tích sự cả!

Văn Hiến nói:

- Xin lỗi Trần tiểu thư vậy. Nhờ Dương huynh ghé Long Hồ mượn thuyền càng nhanh càng hay.

Ngạn Siêu liền bảo bọn tài công cho thuyền quay đầu lại, đi thật nhanh vượt qua mặt chiếc thuyền của Diệp Sanh Ký. Họ đến thủy trại của dinh Long Hồ ngay ngã ba sông Tiền Giang và sông Cổ Chiên gặp cai đội ở đó, ông ta cho lính đem thuyền chở An Vinh, Mỹ Phụng và Bạch Mai trở lại Mỹ Tho. Thuyền của Ngạn Siêu tiếp tục bám theo sau chiếc thuyền của Diệp Sanh Ký. Đến bến Tân Châu, bọn Diệp Sanh Ký dừng lại nghỉ đêm, mấy người của nhóm Dương Ngạn Siêu cũng dừng thuyền trên bến nhưng không lên bờ.

Hôm sau hai chiếc thuyền lại tiếp tục ngược dòng Cửu Long sang đất Cao Miên. Thành Bích La là kinh đô của nước Cao Miên từ sau khi kinh đô Angkor Thom ở Tây Bắc bị quân Xiêm tiêu diệt vào thế kỷ thứ 15. Thành được xây dựng ngay nơi hợp lưu của sông Tonle Sap và sông Mekong (tức sông Cửu Long). Vì kinh đô mới dời về đây nên cung điện của vua chúa nước Cao Miên hãy còn thô sơ, chưa lấy gì tráng lệ so với kinh đô cũ của thời Angkor vàng son thuở trước. Sau này, đến thời vua Norodom I thế kỷ 19, cung điện Nam Vang mới được xây dựng lại to hơn và nguy nga hơn.

Vì là nơi hợp lưu của hai con sông lớn nên dân cư ở thành Bích La rất đông đúc, phố xá buôn bán sầm uất, thu hút nhiều thuyền buôn từ Đại Việt lên và từ Vạn Tượng của Lào đổ xuống. Chỗ hợp lưu này còn có một con sông nhỏ tên Bassac chảy ngang qua rồi đổ về Châu Đốc tạo thành sông Hậu Giang, còn nhánh chính chảy sang Đại Việt ở Tân Châu gọi là Tiền Giang. Theo một truyền thuyết của người Cao Miên, có bà già tên Pênh nhặt được một khúc gỗ trôi trên sông này, khi chẻ ra thấy có một tượng Phật bốn mặt nên đem về lập chùa thờ. Từ đó, thành có tên là Phnôm Pênh (Nam Vang) hay còn gọi là thành Bốn Mặt.

Hai chiếc thuyền cập bến thành Bích La khi trời vừa sập tối. Bọn Diệp Sanh Ký đậu thuyền dưới cảng rồi lên bờ vào nghỉ trọ ở một khách sạn lớn, sang trọng gần cửa đông thành. Dương Ngạn Siêu đưa Văn Hiến và Hồng Liệt vào một khách điếm đối diện với khách sạn của bọn Diệp Sanh Ký nghỉ ngơi. Họ chọn ba căn phòng ngay mặt tiền để tiện việc theo dõi. Vào khoảng giờ Tị hôm sau, Hà Huy và Tạ Tam rời khách sạn để vào thành. Ngạn Siêu nói:

- Hai người ở lại đây theo dõi Lý Văn Quang, tôi theo hai tên này xem bọn chúng đi đâu.

Ngạn Siêu liền rời khách điếm bám theo Hà Huy. Hai tên này đến cổng thành đưa cho bọn lính canh vật gì đó, bọn lính liền cho họ vào. Ngạn Siêu cũng đã từng theo người bạn là quan chức trong thành vào hoàng cung mấy lần rồi nên cũng biết cách, chàng thông báo tên họ người bạn, móc túi cho bọn lính một số vàng. Bọn lính canh liền vui vẻ để chàng vào.

Cung điện vua Cao Miên không lớn lắm. Bên ngoài là bức tường tử cấm thành, thấp thoáng phía sau bức tường thành là những mái nhà cong có tháp vàng với đỉnh nhọn ở chính giữa cao vút, vươn lên trời theo lối kiến trúc của Ấn Độ và Xiêm La. Ngạn Siêu nép mình theo dõi từ xa. Ông thấy bọn Hà Huy, Tạ Tam đến cổng tử cấm thành, trao cho bọn lính canh một tấm thiếp. Một tên lính cầm tấm thiếp vào bên trong một lúc sau thì trở ra. Tên lính lục soát khắp người Hà Huy rồi đưa hắn vào, còn Tạ Tam bị giữ lại bên ngoài. Lát sau Hà Huy trở ra rồi cùng với Tạ Tam về khách sạn. Ngạn Siêu cũng quay về khách điếm.

Văn Hiến nghe Ngạn Siêu kể lại tình hình liền nói:

- Như vậy là Lý Văn Quang muốn câu kết với Nặc Ông Nguyên để làm loạn. Chúng ta phải dò xem họ bàn bạc những gì.

Hồng Liệt hỏi:

- Trường hợp nếu chúng gặp nhau lúc ban ngày thì việc do thám có thể thực hiện được không?

Ngạn Siêu đáp:

- Cũng có thể. Nếu chúng vào cung điện gặp Nặc Ông Nguyên ban ngày thì tôi sẽ đưa hai người vào thăm người bạn của tôi ở trong thành rồi từ đó chúng ta lén đột nhập vào cung điện. Tuy có hơi nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.

- Sự canh phòng trong cung điện thế nào?

- Theo tôi biết, bây giờ đang là thời bình nên việc canh gác ở cung điện cũng không nghiêm ngặt lắm. Có điều bọn lính thị vệ võ nghệ rất cao cường, phải cẩn thận lắm mới được.

- Lợi hại thế nào cũng đành phải thử thôi.

Cả ngày hôm sau không thấy động tịnh gì. Đến khi trời sập tối mới thấy cả bọn sáu người hộ tống Lý Văn Quang rời khách sạn đi vào thành. Ngạn Siêu nói:

- Chúng vào cung điện lúc này dễ cho bọn ta do thám. Đinh huynh lãnh nhiệm vụ do thám, hai chúng tôi tiếp ưng.

Cả ba thay đồ dạ hành, tung mình lên nóc khách điếm rồi băng mình trong đêm tối đến phía nam tường thành. Bằng khinh công, họ nhảy qua tường thành rồi phóng lên một cây cổ thụ gần đó ẩn mình quan sát động tịnh. Góc thành phía đông đang có một tốp thị vệ đi tuần vòng quanh tường thành. Đợi bọn chúng đi khỏi, Hồng Liệt liền tụt xuống đất, chạy nhanh về phía hào nước quanh tử cấm thành còn hai người kia thì ở lại chờ tiếp viện. Hào thành rộng chừng một trượng rưỡi, Hồng Liệt đề khí phóng vút lên không, uốn người đảo lộn thêm một vòng rồi tà tà lướt tới mặt tường thành. Chân vừa chạm bờ tường, chàng nhảy nhanh xuống đất rồi nép sát bờ thành quan sát khắp nơi.

Mảnh trăng thượng huyền soi lờ mờ cảnh vật. Mảng mây là là bay ngang, che khuất mặt trăng rồi tiếp tục lướt đi trả lại ánh sáng cho khu cung điện. Phía bên phải, cách chỗ Hồng Liệt núp chừng ba trượng là một chòi canh, có một tên lính đang ngồi im lặng trên đó. Bên trái cách chừng bốn năm trượng cũng có một chòi canh. Hồng Liệt mừng thầm vì đã may mắn nhảy vào ngay khoảng giữa hai chòi canh. Trước mặt chừng năm sáu mươi trượng là những dinh thự, thấp thoáng có ánh đèn xuyên qua các khe hở mái nhà và các khung cửa.

Hồng Liệt di chuyển lại gần chòi canh, chàng cố tình ra gây một tiếng động nhỏ. Tên lính trên chòi vừa thò đầu ra xem thì đã bị ngay một viên đá nhỏ bắn trúng thiên đình. Hắn gục xuống thành chòi gác. Không chậm trễ, chàng băng mình qua mảnh đất trống rồi phóng lên mái nhà, chạy nhanh đến một cái tháp nhọn, nằm rạp người xuống tiếp tục quan sát. Ở khu trung tâm các dãy nhà có một căn rất lớn, trên nóc là một tháp nhọn cao vút lên trời. Chàng chắc mẩm đó là cung điện chính. Một tốp lính tuần tiễu đi qua những con đường trong khu vực dinh thự này. Chàng định phóng mình sang mái nhà đối diện để tiếp cận cung điện chính thì một tốp lính canh khác lại đi tới. Hồng Liệt nghĩ thầm: “Bọn lính canh tuần tra như mắc cửi, coi bộ hoàng cung được canh gác nghiêm mật vô cùng.” Khi tên lính cuối cùng trong tốp quân tuần tiễu vừa qua khỏi, chàng liền nhảy sang mái nhà đối diện rồi chạy nhanh đến gần ngôi tháp vàng. Chợt một chiếc đầu thò ra nơi chân tháp, Hồng Liệt búng ngón tay một cái, tên lính chưa kịp kêu lên tiếng nào đã ngã nhào. Nhanh như chớp, chàng tung người tới đỡ tên lính; cây đao trên tay hắn rơi xuống, Hồng Liệt đưa vội bàn chân ra đỡ rồi cầm nơi tay. Hú hồn! Nếu để thanh đao rơi xuống mái điện thì hỏng bét. Đặt nhẹ tên lính xuống chân ngọn tháp xong, chàng chui vào trong, theo lối cầu thang đi lần xuống bên dưới. Đã thấy ánh sáng từ dưới tỏa lên, có tiếng người đang nói chuyện. Hồng Liệt cẩn thận nép mình vào vách, đưa mắt qua một khe hở quan sát.

Căn phòng bên dưới rất rộng, đèn đuốc sáng trưng, vật dụng bài trí xung quanh thật lộng lẫy. Tất cả đều dát vàng sơn son. Trên long ỷ có một người đàn ông trung niên, da ngăm ngăm, mặt phương phi với chòm râu đen cứng, mình mặc vương phục ngồi oai vệ. Đó hẳn là Nặc Ông Nguyên, vua xứ Cao Miên. Hai bên có bốn người ăn mặc kiểu văn võ đại thần đang ngồi trên bốn chiếc ghế. Trước mặt là chiếc tràng kỷ thấp, trên tràng kỷ có ba hộp châu báu lấp lánh ánh vàng rực rỡ. Đối diện chiếc tràng kỷ có ba người cũng đang ngồi. Hồng Liệt nhận ra là Lý Văn Quang, Hà Huy và Tư Đồ Nhất. Chợt nghe Hà Huy nói:

- Tâu bệ hạ, việc liên kết với chúng tôi sẽ đem lại cho bệ hạ rất nhiều điều lợi lớn. Xin bệ hạ suy xét thêm.

Một người ngồi bên phía Nặc Ông Nguyên hỏi:

- Ông thử nói ra những điều lợi lớn đó cho bệ hạ chúng tôi nghe xem nào?

Hà Huy lim dim đôi mắt nói:

- Thứ nhất, nếu việc thành công, phần đất Trấn Biên và Phiên Trấn hiện đã rơi vào tay Chúa Nguyễn sẽ trở thành lãnh thổ của vương triều Cao Miên. Từ đó, chúng tôi sẽ giúp cho Cao Miên thu hồi lại toàn bộ vùng Thủy Chân Lạp cũ, vùng đất vốn là của bệ hạ đã bị nhà Nguyễn lần lượt cướp đi. Thứ hai, chúng tôi là những người giỏi kinh doanh. Chúng tôi sẽ mở rộng thương mại với Cao Miên, đem hàng hóa từ Trung Quốc nhập sang và trao đổi sản phẩm với Cao Miên, giúp cho đất nước của bệ hạ giàu mạnh thêm. Cao Miên có thể dùng thương cảng Giản Phố làm cửa ngõ giao thương với các nước khác. Thứ ba, quân Đại Việt ở miền Nam chưa có bao nhiêu, bệ hạ chỉ cần mang hai đạo quân, một đạo thủy quân đổ theo sông Tiền xuống đánh úp Long Hồ rồi Bến Nghé chiếm lấy Phiên Trấn. Đạo thứ hai theo đường bộ qua núi Bà Đen đánh sang Bình Dương rồi kéo xuống Trấn Biên. Khi ấy chúng tôi sẽ chiếm lấy Trấn Biên, chúng ta họp quân lại tiêu diệt luôn đạo quân Mô Xoài của Tống Phước Đại nữa thì cả miền Nam trở về tay của bệ hạ rồi.

Hồng Liệt nghe Hà Huy bày kế hoạch thì giật mình nghĩ thầm: “Tên mớ ngủ này thật là thâm độc! Hắn dụ bọn Cao Miên đem quân giúp, xong việc thế nào chúng cũng tìm cách trở mặt để hưởng trọn miền Nam. Ta phải phá cho bọn ngươi không còn manh giáp mới được.”

Nặc Ông Nguyên gật gù có vẻ tán thành kế sách đó. Ông ta nói:

- Kế sách nghe được lắm. Chừng nào các ông tiến hành?

Hà Huy đáp:

- Tâu bệ hạ, chúng tôi dự tính năm tới. Thời gian lúc nào thì chưa thể quyết định được vì còn chờ vương gia trở về Trung Quốc chuẩn bị thêm nhân tài và vật lực. Lần này, chúng tôi sẽ đem toàn bộ lực lượng của mình để giúp cho bệ hạ thu hồi lãnh thổ cũ.

- Về phía các ông, các ông đã chuẩn bị gì cho cuộc nổi dậy lần này?

- Vương gia của chúng tôi sẽ trở về Phúc Kiến ngay sau khi rời khỏi quí quốc để mang toàn bộ lực lượng dự bị bấy lâu sang Giản Phố. Về việc đánh chiếm Trấn Biên chúng tôi bảo đảm sẽ thực hiện gọn gàng, xin bệ hạ đừng lo.

- Được! Ta hứa sẽ giúp bọn ông. Quân đội của ta đã sẵn sàng, các ông muốn khởi sự lúc nào cũng được.

Bọn Lý Văn Quang nghe vua Cao Miên đồng ý thì mừng rỡ đứng lên. Hà Huy nói:

- Đội ơn bệ hạ chấp thuận sự liên minh. Chút lễ vật ở đây là để bày tỏ sự thành tâm của chúng tôi trong việc liên thủ của chúng ta. Chúng tôi xin cáo từ. Chúc bệ hạ thánh thể an khang, vạn phúc.

Nặc Ông Nguyên nói:

- Các ông cứ về chuẩn bị khởi sự. Ta sẽ liên kết yểm trợ.

Bọn quan đại thần đứng lên tiễn ba người Lý Văn Quang ra về. Nặc Ông Nguyên là vị vua rất cương mãnh, từ lâu đã có ý bất phục với triều đình Chúa Nguyễn nhưng chưa dám làm càn. Tuy vậy, hắn vẫn âm thầm chuẩn bị quân đội và nhiều lần muốn thanh toán người Côn Man[1] ở biên giới vùng Thuận Thành. Nay nhân có sự mời gọi liên minh này nên hắn quyết lòng nổi loạn. Nếu việc thành thì từ nay không còn phải hàng năm cống nạp nhà Nguyễn nữa. Ông Nguyên hỏi các quan đại thần:

[1] Côn Man là chỗ của những người Chiêm Thành, vì nhiều nguyên nhân phải sang tụ họp tại xứ Chân Lạp (Cao Miên). Từ đó, các bộ sử của triều Nguyễn gọi người Chăm ở Cao Miên là người Côn Man. Và người Chăm ở vùng An Giang, Hồng Ngự, Bà Đen (Tây Ninh) hiện nay chính là hậu duệ của những người Côn Man này. Đợt chuyển cư người Côn Man đầu tiên diễn ra vào năm 1755 do Nguyễn Cư Trinh đưa về. Rồi theo kế sách “dĩ man công man”, ông cho xây đồn đắp lũy ở Tây Ninh và Hồng Ngự để người Côn Man đến đồn trú nhằm chống ngăn Chân Lạp.

- Các khanh có ý kiến gì không?

Một người mặc võ phục ngồi bên phải lên tiếng:

- Tâu bệ hạ, việc này nên làm lắm. Nhân cơ hội này chúng ta thu hồi đất đai của tổ tiên, bỏ luôn cái lệ triều cống cho bọn nhà Nguyễn. Hạ thần nguyện đứng ra gánh vác trọng trách này.

- Hữu đô đốc có lòng với quốc gia như thế thật tốt. Được, ta sẽ giao trách nhiệm điều quân lần này cho khanh thống lãnh. Ý của các khanh thì thế nào?

Ông Nguyên đưa mắt sang hai người ngồi bên trái. Một người có khuôn mặt thanh nhã của một quan văn vội đứng lên tâu:

- Tâu bệ hạ, đối đầu với bọn Nam triều nhà Nguyễn không phải là chuyện dễ dàng vì bọn chúng đang hồi cực thịnh, binh lực hùng cường. Hơn nữa, bọn Giản Phố đại vương chỉ là bọn thương buôn có tiền của nhưng thực lực quân sự của chúng chẳng là bao. Bệ hạ phải suy xét cho kỹ mới được.

Người thứ hai ngồi bên trái cũng vội đứng lên nói:

- Tâu bệ hạ, Tả thừa tướng cân nhắc như thế là đúng, nhưng theo ý hạ thần chúng ta không nên bỏ qua cơ hội này.

Ông Nguyên hỏi:

- Ý Hữu thừa tướng thế nào?

- Trong khi lực lượng của nhà Nguyễn ở miền Nam còn non yếu, chúng ta phải đánh mạnh để tiêu diệt bọn chúng. Thêm vào đó, bệ hạ nên cho người ra Bắc Hà xúi giục Chúa Trịnh Doanh đem quân đánh Đàng Trong. Trịnh Doanh là tay kiêu dũng từng đánh dẹp bao nhiêu cuộc nổi loạn ở Đàng Ngoài do sự thối nát của anh mình là Trịnh Giang để lại. Nếu chúng ta biết cách khích lệ người này, thế nào hắn cũng tiến đánh Đàng Trong. Nhà Nguyễn lưỡng đầu thọ địch ắt không tránh khỏi thất bại. Mặt khác, chúng ta cho người xuống Giản Phố để theo sát tình hình của bọn Diệp Sanh Ký xem chúng có đủ khả năng thật sự không.

- Ý của Hữu hừa tướng rất hay! Ai dám đi Bắc Hà gặp chúa Trịnh?

Quan Hữu thừa tướng liền tâu:

- Tâu bệ hạ, việc này hạ thần xin đảm nhiệm.

Ông Nguyên cười ha hả nói:

- Được! Ta giao việc đánh nhà Nguyễn lần này cho ông và Hữu đô đốc Chiêu Chùy Éch toàn quyền hành động. Nhất định phải làm cho tốt.

Đô đốc Chiêu Chùy Éch và Hữu thừa tướng đồng đứng lên nói:

- Đội ơn bệ hạ tin dùng! Chúng thần xin hết lòng vì bệ hạ và đất nước Cao Miên.

Hồng Liệt biết đã thu thập đủ tin tức cần thiết nên chàng nhẹ nhàng trở lên nóc tháp rồi băng mình như một bóng ma trong đêm ra khỏi tử cấm thành. Đến chỗ cũ, chàng ra hiệu cho bọn Văn Hiến rồi cả ba cùng vượt tường thành trở về khách điếm. Chàng kể lại cuộc đàm phán giữa bọn Diệp Sanh Ký và Nặc Ông Nguyên cùng mưu kế của bọn triều đình Cao Miên cho hai người nghe. Văn Hiến nói:

- Qủa nhiên bọn chúng định làm lớn chuyện. Việc này phải báo cho Trấn Biên và dinh Long Hồ biết để họ chuẩn bị. Hà! Phải cho bọn Lý Văn Quang và Nặc Ông Nguyên một trận tan tành mới được. Sáng mai chúng ta rời bến trở về sớm. Dương huynh lo hộ việc thông báo với dinh Long Hồ nhé.

Ngạn Siêu nói:

- Được! Việc ấy để tôi lo.

Sáng hôm sau, họ trở về Mỹ Tho thật sớm để tránh chạm mặt với bọn Diệp Sanh Ký. Mùa này, nước sông Tiền chảy xiết nên thuyền về xuôi rất nhanh, đến trưa là họ đã có mặt ở nhà Dương Ngạn Siêu. Hai cô gái thấy mọi người trở về bình an đều tỏ vẻ mừng rỡ. Mỹ Phụng hỏi:

- Các anh có biết được bọn chúng làm gì không?

Hồng Liệt đáp nhanh:

- Ờ, bọn chúng thương thảo việc làm ăn với Cao Miên. Cũng không có gì quan trọng.

Mỹ Phụng bĩu môi ghẹo:

- Vậy mà các anh cứ suy diễn cho lớn chuyện, làm như là chiến tranh sắp xảy ra tới nơi không bằng.

Chuyến đi chơi bất đắc dĩ này đã đặt Hồng Liệt trong một thế khó xử. Chàng cố tránh thân thiện với Bạch Mai trước mặt An Vinh vì vấn đề hôn sự của họ chưa biết cụ thể thế nào, lại càng không muốn tỏ ra thân mật với Mỹ Phụng. Sự quyến luyến mà Mỹ Phụng dành cho chàng đã tạo thêm sự ngượng ngùng khi giao tiếp. Thật sự trong lòng chàng rất mặc cảm với cả hai gia đình giàu có và thế lực của hai cô gái này. Nghe Mỹ Phụng nói đùa, chàng chỉ mỉm cười cho qua chuyện. Ngạn Siêu đỡ lời:

- Ừ, tiểu thư nhà cô thì lúc nào cũng thích trêu ghẹo người ta.

Văn Hiến nói:

- Chúng ta còn nhiều việc phải làm, xin phép Dương huynh, dịp khác chúng tôi lại xuống quấy rầy vậy.

Ngạn Siêu vui vẻ nói:

- Trương huynh nói thì nhớ giữ lời nhé.