Én Liệng Truông Mây - Hồi 16 - Phần 1

HỒI THỨ MƯỜI SÁU

Xuân Đinh Mão Cẩn Thành Hầu tử nạn

Thiếu Lâm quyền thúc thủ tại An Nam

*

Tối hôm đó, Văn Hiến viết ngay một bức thư ngắn nói sơ lược tình hình bọn Diệp Sanh Ký muốn cấu kết với Nặc Ông Nguyên. Sau đó dùng phi cáp truyền thư gởi về cho Kim Hùng, dặn dò Đoàn Phong, Ngô Mãnh cùng Kim Hùng thu xếp vào Giản Phố vào khoảng cuối năm này để cùng nhau bàn sách lược đối phó với lực lượng Kim Cương Môn. Hôm sau, Văn Hiến và Đại Kỳ sang gặp Nguyễn Cư Cẩn để bàn bạc cách đối phó với tình hình sắp tới. Nguyễn Cư Cẩn mời hai người vào khách sảnh trò chuyện. Ông hỏi:

- Hai vị hôm nay sang thăm tôi đàm đạo hay là có chuyện gì chăng?

Đại Kỳ đáp:

- Vâng, có một việc hết sức quan trọng chúng tôi muốn báo lại cho Hầu gia biết để ngài tìm cách đối phó.

- Chuyện gì vậy?

Văn Hiến bèn đem việc mình theo dõi bọn Diệp Sanh Ký và biết được âm mưu của chúng với Nặc Ông Nguyên kể lại chi tiết cho Nguyễn Cư Cẩn nghe. Cư Cẩn giật mình nói:

- Bọn thương buôn này lộng hành thật! Dám cả gan tính đến chuyện mưu bá đồ vương ở miền Nam này. Hà, ta không cho chúng biết tay thì chúng còn coi thường quân dân Đại Việt ta lắm. Cảm ơn tin tức quí báu của hai vị, tôi sẽ báo cáo về Phú Xuân ngay rồi bàn bạc với quan lưu thủ để tính cách đối phó.

Văn Hiến ngăn:

- Ngài nên giữ mọi việc trong vòng bí mật, âm thầm chuẩn bị mọi thứ, chờ bọn chúng khởi sự thì ra tay bắt gọn. Tới chừng đó chúng ta đã có chứng cứ đàng hoàng để buộc tội bọn chúng. Giờ nếu để lộ là ta đã chuẩn bị, e bọn chúng sẽ rút êm. Khi ấy mối lo cứ còn hoài ở Giản Phố, chưa biết chừng nào sẽ nổ ra.

- Ý kiến của Trương huynh rất hay. Dù sao việc thiết lập một trại lính ở bên kia cầu là cần thiết. Một mặt tôi sẽ liên lạc với dinh Long Hồ, dặn họ tăng cường phòng thủ tuyến đường thủy ở Cửu Long. Phần đạo binh mà Cao Miên dự trù sẽ đổ bộ qua lối núi Bà Đen, Tây Ninh thì tôi thông báo với bên Phiên Trấn để họ tăng cường quân đội ở vùng đó. Có lẽ phải nhờ thêm lực lượng ở dinh Bình Khang tăng viện cho tuyến này. Tôi cũng sẽ xin Đại Thắng hầu Tống Phước Đại chuẩn bị đạo quân ở Mô Xoài sẵn sàng tiếp ứng cho Trấn Biên.

- Chúng ta thực hiện kế giăng lưới mở ngõ để cá vào rồi bắt, đừng làm động nước cá sẽ lặn mất.

- Trương huynh quả nhiên là người mưu lược và cẩn thận. Tôi sẽ y lời.

Văn Hiến nói với Đại Kỳ:

- Lý Văn Quang kỳ rồi bị thua to nên rất bẽ mặt, tôi chắc là lần này về Tàu, hắn sẽ mang thêm rất đông cao thủ Trung Nguyên sang để đối phó với chúng ta.

Đại Kỳ gật đầu tán thành:

- Đúng vậy! E rằng sẽ có một trận ác chiến giữa Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn. So về thực lực thì ta yếu thế hơn nhiều đấy.

- Trần huynh nên thu xếp cho đại tẩu và những phụ nữ, trẻ con trong nhà đi nơi khác, chỉ để lại Giản Phố những đệ tử có thể chiến đấu được. Bọn Diệp Sanh Ký một khi quyết định làm loạn chúng sẽ quét sạch Thần Quyền Môn trước. Cũng nên tính đến đường rút lui để bảo toàn lực lượng nếu thấy không thể đương đầu được với bọn chúng, tránh gây tử vong vô ích cho bọn đệ tử.

Cư Cẩn tức tối nói:

- Nếu Võ vương không có lệnh phải đối xử đặc biệt với những thương buôn người Hoa ở đây thì tôi đã gông cổ tên Lý Văn Quang rồi, đâu cần gì phải lo lắng không yên thế này. Bọn khốn kiếp đó cứ ỷ thế Thiên triều rồi mặc sức hống hách làm càn, nghĩ thật căm gan. Theo Trương huynh chừng nào chúng khởi sự?

- Còn chưa biết được. Tôi cho rằng sớm nhất cũng phải đến đầu năm tới, khi bọn Lý Văn Quang trở lại đây.

Cư Cẩn gật gù:

- Đúng thế. Tôi sẽ cho người theo dõi các nơi.

Đại Kỳ đứng lên nói:

- Mọi việc Hầu gia đã nắm rõ rồi, giờ chúng tôi xin cáo từ.

Cư Cẩn đứng lên tiễn khách.

***

Mùa đông năm đó tiết trời khá lạnh, đến tháng chạp thỉnh thoảng vẫn còn đổ vài cơn mưa nhẹ khiến từ thiên nhiên đến con người đều nhuốm sắc màu buồn bã. Từ sau cuộc tỉ võ đẫm máu mùa thu, người dân vùng Giản Phố cảm thấy có một bầu không khí nặng nề đang bao trùm khắp khu thương cảng sầm uất. Nét sinh hoạt vui tươi, thân thiện ngày xưa như không còn nữa. Ở cả hai võ đường Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn, ngày nào người ta cũng nghe thấy tiếng võ sinh luyện tập hò hét không ngừng bên trong bức tường cao. Ai nấy đều cho rằng rồi sẽ có một trận ác chiến nữa xảy ra giữa hai võ đường này. Cũng may bên Trấn Biên đã cho thiết lập một đồn lính trên bờ Sa Hà để giữ gìn trật tự nên người dân Giản Phố cũng an tâm phần nào. Đáng mừng là việc mua bán của thương cảng vẫn tốt đẹp như xưa, không có gì thay đổi cả. Hàng ngày tàu buôn các nơi vẫn tấp nập xuất nhập các bến cảng để mua bán hàng hóa. Khoảng rằm tháng chạp, bọn Đoàn Phong, Ngô Mãnh và Kim Hùng theo chuyến tàu buôn của Hữu Dụng từ Quy Nhơn vào Giản Phố. Bọn Đại Kỳ ra bến tàu đón họ. Mọi người gặp lại nhau vô cùng mừng rỡ. Đại Kỳ ôm quyền chào:

- Nghe tiểu muội nhắc đến các vị rất nhiều.

Ba người vội ôm quyền đáp lễ. Kim Hùng nói:

- Không cần phải khách sáo như vậy. Anh em cả mà, có rượu thịt bày ra uống một trận mừng gặp mặt thì hay hơn.

Đại Kỳ cười ha hả nói:

- Kim Hùng huynh thật sảng khoái! Được, được! Mời tất cả vào trong chúng ta cùng uống rượu hàn huyên.

Mọi người vào khách sảnh. Rượu thịt chẳng mấy chốc đã được bày lên. Văn Hiến nhìn Đoàn Phong hỏi:

- Phong huynh đã có chút manh mối gì về những kẻ đứng sau Đại Chí chưa?

Đoàn Phong đáp:

- Đại Chí quả là tên cáo già. Sau vụ thảm sát, hắn nằm im trong nhà cả tháng không có động tịnh gì. Nhưng mới đây người của tôi đã thấy hắn lén lút đến phủ của quan ngoại tả. Tiếc rằng nội dung các cuộc gặp gỡ giữa hắn và quan ngoại tả chúng tôi không biết được.

- Đã có ai thay thế Võ Trụ huynh cai quản mỏ vàng Kim Sơn chưa?

- Việc này còn chưa ngã ngũ. Phúc Loan muốn đưa tay chân của ông ta ở Công bộ về thay, Dục thúc phản đối đòi đưa người khác. Hai người vì việc này mà cãi nhau gay gắt trước mặt Võ vương trong một lần thiết triều. Tình hình hiện còn chờ quyết định của Võ vương.

Ngô Mãnh tức giận nói:

- Tên Trịnh Tham mà Phúc Loan đề cử là một tên nịnh thần vô sỉ. Nhìn thấy mặt hắn và cách hắn xum xoe bợ đỡ quan ngoại tả chỉ khiến tôi nôn mửa. Hạng người này mà quản lý mỏ thì vàng sẽ chảy sạch vào túi của bọn chúng.

Đoàn Phong nói:

- Cho nên Dục thúc mới cương quyết cãi lại cha vợ mình, nhất định không đồng ý việc đề cử này.

Kim Hùng gằn giọng:

- Cũng vì tranh giành miếng ăn này mà bọn chúng đã nhẫn tâm sát hại cả nhà Võ Trụ huynh. Vụ này đến nay thì hung thủ đã lộ mặt rõ ràng rồi.

Hồng Liệt cũng tức giận nói:

- Đợi xong việc ở đây tôi sẽ đeo theo tên Đại Chí đó như một âm hồn, trước sau gì cũng phanh phui được âm mưu của bọn chúng với tên Trương Phúc Loan ra ánh sáng thôi. Có đầy đủ chứng cứ Hình bộ có thể bắt giam cả lũ từ lớn đến nhỏ chứ gì!

Đoàn Phong thở dài nói:

- Theo luật pháp là như vậy. Nhưng tình hình phủ Chúa bây giờ đã khác rồi. Tôi đang lo cho sự an nguy của Dục thúc đây. Làm không khéo, người bị bắt giam không phải là bọn hung thủ mà là người của Hình bộ.

Ngô Mãnh nói:

- Đợi theo dõi tên Đại Chí để moi ra những kẻ đứng sau rồi tôi sẽ đích thân giết hắn. Giết không cần ra công đường!

Văn Hiến xen vào:

- Ngô huynh là người của Hình bộ, làm càn như thế sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của Dục thúc. Việc giết tên Đại Chí cứ để cho bọn giang hồ chúng tôi thực hiện. À, bấy nay Phong huynh có dò la xem chuyện con bạch mã chở người đàn bà và đứa bé ở nhà Võ Trụ thực hư thế nào chưa?

Đoàn Phong buồn bã đáp:

- Trong số các xác chết ở nhà Võ Trụ không thấy có xác trẻ con và chỉ có một xác của đàn bà cho nên việc con bạch mã chở họ chạy thoát có lẽ là thật. Sau khi an táng hai nhà xong, tôi có dò hỏi quê quán của vợ Võ Trụ huynh thì được biết là ở thôn Phú Lạc, huyện Tây Sơn. Tôi tìm đến nơi hỏi thăm thì dân Phú Lạc nói rằng năm ngoái vợ Võ Trụ đã đưa gia đình anh mình từ Phú Lạc về Bích Khê sống chung trong trang trại. Có lẽ xác người đàn bà kia là chị dâu của vợ Võ Trụ.

Hồng Liệt hỏi:

- Không thấy vợ Võ Trụ trở về đó phải không?

Đoàn Phong buồn bã lắc đầu. Kim Hùng nói:

- Tôi cũng đã đến đó tìm kiếm kỹ rồi. Không có tung tích gì cả.

Văn Hiến hỏi:

- Còn sư phụ của Võ Trụ?

Đoàn Phong đáp:

- Dục thúc điều tra được Vô Danh thiền sư trước khi trở về Bích Khê, Phúc Loan có mời ngài đến nhà viết cho một bức tự họa để thờ. Sau đó có thọ trai ở nhà Phúc Loan rồi xuống thuyền qua Sông Hương trở về và bặt vô âm tín từ đó.

Văn Hiến nhíu đôi mày suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Có lẽ thiền sư đã bị Phúc Loan hạ độc thủ trong bữa cơm chay đó rồi.

Đoàn Phong thở dài nói:

- Cầu cho ngài ấy thoát khỏi tai nạn này. Đó là một vị thiền sư đạo hạnh cao thâm.

Văn Hiến nói:

- Báo cho mọi người một tin mừng là Trần Nguyên Hào đã chạy thoát khỏi Liên Trì đêm đó. Nhưng ông ta đã ôm thanh bảo đao nhảy xuống một cái hồ nước. Nghe nói bọn người của Đại Chí đã lặn xuống hồ đó cố tìm nhưng bị chết rất nhiều còn tung tích của Trần huynh và thanh đao không thấy đâu cả.

Mọi người a lên một tiếng vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Kim Hùng hỏi:

- Chú nghe tin này ở đâu vậy?

Văn Hiến bèn kể lại cuộc nói chuyện của Lý Văn Quang và đám thuộc hạ đêm nọ cho mọi người nghe. Cuối cùng chàng hỏi:

- Có ai nghe nói gì về một hồ nước như thế ở vùng Quy Nhơn mình không?

Hồng Liệt nói:

- Ta có nghe người ta nhắc đến hồ này một lần, hình như nó ở vùng An Khê, Tây Sơn thượng. Khi trở về mình sẽ tìm đến đó xem sao.

- Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Tình hình ở đây cũng đã chín muồi rồi, e rằng không tránh khỏi một trận tai kiếp nữa.

Đoàn Phong hỏi:

- Tình hình thế nào?

Đại Kỳ đáp:

- Bọn Diệp Sanh Ký đã tăng cường nhân sự lên từ từ. Có lẽ giờ này bọn thuộc hạ của chúng đã có hơn hai trăm người, chỉ còn chờ bọn đầu não xuất hiện nữa thôi. Việc đối phó với Cao Miên, phủ Chúa xúc tiến thế nào?

- Nghe nói Võ vương đã lệnh cho tăng cường lực lượng quân đội ở cả hai tuyến thủy và bộ rồi. Về mặt Cao Miên chúng ta không cần lo, chỉ lo ở đây mà thôi. Tôi phải sang Trấn Biên một chuyến.

- Thế thì hay quá! Khi nào Phong huynh muốn tôi sẽ đưa đi.

Bạch Mai đề nghị:

- Hôm trước Phong huynh đã đưa muội đi uống rượu xem hát, tối mai muội xin mời lại các huynh để đáp lễ được không? Ở đây tuy không có mỹ nhân như nàng Ngọc Lan Hương nhưng cũng có lắm bông hoa để cho các huynh ngắm thỏa thích.

Đoàn Phong cười nói:

- Được chứ! Chúng tôi cũng muốn tham quan khu thương cảng sầm uất bậc nhất miền Nam này để mở rộng tầm mắt. Bạch muội làm người hướng dẫn nhé.

- Tất nhiên rồi. Hôm nay các huynh cứ nghỉ ngơi, chiều mai muội sẽ đưa các huynh đi chơi.

Như chợt nhớ ra điều gì, Đoàn Phong vội nói:

- Bạch muội nhắc đến Ngọc Lan Hương mới nhớ, nàng không còn làm ca kỹ nữa rồi. Cao Đường đã xin cưới nàng, chúng tôi dự đám cưới xong mới vào đây đấy.

Bạch Mai lộ rõ vẻ vui mừng:

- Thế mới đúng chứ! Một người tài sắc vẹn toàn như Ngọc Lan Hương phải có một cuộc sống êm ấm mới phải đạo. Tuy muội mới xem nàng hát có một lần nhưng lại rất có cảm tình với nàng.

Chiều hôm sau, Hồng Liệt phải ở nhà coi bọn đệ tử luyện tập, Đại Kỳ lo việc ở bến cảng nên không đi, Bạch Mai đưa ba anh em Phong Điền Tam Hữu và Phong, Mãnh hai người đi thăm các nơi ở thương cảng. Ngô Mãnh vốn là người ít nói nhưng cũng không khỏi buột miệng khen:

- Giản Phố quả là viên ngọc quí của miền Nam. Có đến đây mới thấy Trần Thượng Công là người tài giỏi cả về mặt quân sự lẫn thương mại.

Văn Hiến nói:

- Hôm rồi tôi có xuống thăm vùng Mỹ Tho của Dương gia, trong lòng thật thấy khâm phục khả năng canh tác nông nghiệp của họ. Vùng đồng bằng và sông nước mênh mông đó có thể cung cấp lúa gạo cho cả Đàng Trong mình. Nếu phủ Chúa chịu gia công khai thác thêm thì lượng lương thực sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có thể dư dả để bán cho nước ngoài. Dân ta suốt đời sẽ được cơm no áo ấm.

Bạch Mai hỏi:

- Hôm trước Bằng huynh và ca ca xuống gặp Dương huynh để bàn về việc đưa người hành khất ở ngoài ấy vào trong này, kế hoạch thế nào rồi?

Đại Bằng đáp:

- Dương huynh hết sức hoan hỉ tiếp nhận những người di tản vào đây. Xong việc ở đây, chúng tôi sẽ tiến hành. Số người Đàng Ngoài vào Đàng Trong ăn xin vất vưởng ngày càng nhiều, sau này còn phải nhờ vào sự giúp đỡ của Trần gia và Dương gia, nhất là phương tiện chở người.

- Việc đó làm được. Đích thân muội sẽ ra ngoài đó đón người vào. Chúng ta sẽ dùng thuyền chở lương thực từ trong này ra ngoài đó rồi dùng số thuyền ấy đưa người vào đây.

Đại Bằng mừng rỡ nói:

- Được như vậy thì còn gì bằng. Bạch muội có tấm lòng nhân ái như vậy chắc chắn Trời Phật sẽ phù hộ suốt đời gặp được nhiều duyên lành.

Bạch Mai nghe khen nên mắc cỡ đỏ mặt. Lúc này trông nàng mới thật đáng yêu làm sao.

- Để đền ơn lời nói đẹp của huynh, Bạch Mai sẽ mời mọi người một bữa thật ngon, không say không về.

Họ rời khỏi tửu quán khi vầng trăng tròn tháng chạp đã treo lơ lửng trên cao.

***

Xuân Đinh Mão 1747, đời Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ tám, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát năm thứ mười.

Cả Đàng Trong đang cảnh thái bình, nhân dân no ấm, quốc thái dân an, thanh bình thịnh trị. Cũng như mọi nơi trên đất nước, người dân Giản Phố và Trấn Biên đang tưng bừng chuẩn bị đón tết. Khắp thương cảng vàng rực màu hoa mai, nhà nhà giăng đèn chưng hoa, không khí thật vui tươi náo nhiệt. Sau ngày đưa ông Táo về trời, các dịch vụ ở bến cảng thưa dần, những đoàn tàu buôn trong và ngoài nước đều rời bến để trở về đón tết nơi quê nhà. Đến hai tám tháng chạp thì mọi việc buôn bán đã tạm ngưng cho đến hết rằm tháng giêng để bà con đón tết.

Năm nay Thần Quyền Môn đón Tết có khác hơn những năm trước vì Đại Kỳ đã bắt Bạch Mai đưa vợ mình đang mang thai sắp sanh về nhà mẹ bên Trấn Biên, kể cả những tên đệ tử trẻ và những gia đình nhân công, thợ thuyền cũng bị bắt phải dời sang Trấn Biên hoặc xuống cơ sở hai dưới làng Minh Hương, Gia Định. Theo tin tức của các bộ hạ Thần Quyền Môn và của bên Cẩn Thành hầu, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy bọn Diệp Sanh Ký sẽ nổi loạn trong dịp tết này. Tuy vậy toàn thể Thần Quyền Môn vẫn đón tết trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, bên Kim Cương Môn lại chuẩn bị đón tết rất linh đình, trọng thể. Quanh khu thương cảng Diệp Sanh Ký và trang viện Kim Cương Môn, hoa mai vàng rực, đèn hoa giăng khắp nơi, không khí tưng bừng hơn mọi năm rất nhiều.

Như thông lệ hằng năm, vào sáng mồng một tết, hai đoàn lân của người Việt và đoàn múa rồng của người Hoa sẽ cùng nhau biểu diễn khắp các khu phố cảng để chúc tết cho bà con trong vùng. Đến trưa họ tụ tập tại hai điểm là chùa Đại Giác và miếu Quan Đế để cùng đồng bào Phật tử đón mừng đại lễ năm mới và tạ ơn đức Quan Đế Thánh Quân đã phù hộ cho họ suốt năm qua cũng như cầu xin cho mọi sự may mắn trong năm tới.

Lúc Trần Thượng Công còn tại thế, hàng năm cứ đến ngày mồng hai tết, đại diện các thương hiệu sẽ mang quà lễ đầu năm cùng đoàn lân, rồng sang Trấn Biên để hiếu kính và chúc mừng năm mới vị quan trấn thủ. Thông lệ đó vẫn duy trì cho đến nay. Tuy nhiên hai ba năm trở lại đây, từ khi thế lực Diệp Sanh Ký lớn mạnh thì nét sinh hoạt chung ấy của thương cảng đã có sự phân chia. Việc chúc tết các đơn vị chính quyền bên Trấn Biên đã chia ra làm hai toán, một toán đi cùng đoàn lân của Thần Quyền Môn, một toán đi theo đoàn rồng của Kim Cương Môn. Họ chia ra chúc tết hai nơi, một là dinh của quan lưu thủ và hai là dinh của vị võ quan trông coi về binh bị ở Trấn Biên.

Năm nay đoàn lân của Thần Quyền Môn do Đại Kỳ, Đoàn Phong và Trần An Hảo cùng năm đại diện của năm hãng buôn chưa qui thuận Diệp Sanh Ký dẫn đầu, theo sau là năm sáu mươi người chủ các hiệu buôn nhỏ khác. Từ sáng sớm họ đã kéo sang thủ phủ Trấn Biên, múa lân đánh trống tưng bừng quanh các khu phố để chúc mừng xuân mới cho bà con, cảnh tượng hết sức nhộn nhịp vui vẻ. Cuối cùng họ ghé lại tư dinh của quan lưu thủ Cường Oai hầu. Tiếp theo sau đoàn lân là đoàn múa rồng của Kim Cương Môn với số người lên đến hàng trăm. Họ cũng cho múa rồng qua các khu phố rồi dừng lại ở tư dinh của Cẩn Thành hầu. Năm nay, đoàn rồng đặc biệt có sự hiện diện của Lý Văn Quang. Họ mang theo năm mươi phần quà lễ do năm mươi người ôm trên tay.

Việc các thương hiệu bên Giản Phố chúc tết hàng năm đã thành thông lệ nên tư dinh Cẩn Thành hầu đã mở cửa từ sáng sớm và chuẩn bị trà rượu để tiếp các đại diện đến chúc mừng. Nguyễn Cư Cẩn sáng nay mặc áo dài xanh có in dấu vạn thọ, đầu đội khăn đóng cũng màu xanh theo truyền thống, ông hớn hở ra tận cửa để đón đại diện đoàn rồng. Thấy Lý Văn Quang đích thân đến chúc tết, Cư Cẩn hơi ngạc nhiên nhưng rồi ông cũng niềm nở chào:

- Chào Lý vương gia! Mời mọi người vào trong.

Lý Văn Quang chắp tay chào:

- Xin chào ngài cai đội. Lý tôi xin thay mặt bà con Giản Phố chúc ngài và gia quyến một năm mới vạn sự cát tường, đường mây nhẹ bước.

Ông nói xong quay lại ra hiệu cho hai mươi người đi đầu mang quà lễ vào sảnh khách. Họ để các phần quà lên chiếc bàn cạnh giá binh khí rồi lui ra. Diệp Hồng Sanh bưng một chiếc hộp đặt cẩn thận xuống tràng kỷ. Bên ngoài, đoàn rồng bắt đầu múa trước cửa dinh. Cẩn Thành hầu mời Lý Văn Quang, Tạ Tam và Hồng Sanh ngồi, rót rượu ra chung nói:

- Xin cạn chung rượu đầu năm. Thật vinh dự cho tôi năm nay đã được đại giá của vương gia ghé thăm.

Lý Văn Quang nâng chung rượu lên nói:

- Lý tôi hôm trước tình cờ mua được đôi ngọc mã bằng bích ngọc rất quí, nghĩ rằng rất thích hợp cho một võ tướng như ngài cai đội đây nên muốn đích thân mang đến tặng ngài.

Tạ Tam đưa tay mở chiếc hộp đựng hai con ngựa bằng ngọc xanh biếc được điêu khắc tinh vi như hai con ngựa thật đang phi rồi đẩy sang trước mặt Cẩn Thành hầu. Cư Cẩn ngắm đôi ngọc mã, mặt không giấu được nét vui mừng. Ông cười ha hả nói:

- Cẩn tôi suốt đời ngồi trên lưng chiến mã nên bình sinh rất yêu thích kiếm đao và ngựa quí. Đôi ngọc mã này thật là vật hiếm có trên thế gian. Ông đã có lòng và biết được thị hiếu của tôi, tôi không khách sáo. Cảm ơn.

Lý Văn Quang cười nói:

- Hầu gia thật sảng khoái. Tôi rất thích phong độ của ngài. Chúng ta uống thêm chung rượu đầu năm nữa đi.

Bốn người vui vẻ nâng chung uống cạn. Nguyễn Cư Cẩn ngồi uống rượu mà trong bụng nghĩ thầm: “Không biết bọn này đang muốn giở trò gì đây? Dùng những thứ này để mua chuộc thì quả là đã quá xem thường ta rồi!” Nói chuyện thêm một lát nữa Lý Văn Quang mới đứng lên nói:

- Chúng tôi xin phép cáo từ để sang chúc tết cho ngài lưu thủ. Một lần nữa xin chúc Cẩn Thành hầu và gia quyến một năm mới vạn sự cát tường.

Cư Cẩn đứng lên tiễn khách. Ông sánh vai Lý Văn Quang đi trước, Tạ Tam và Diệp Hồng Sanh theo sau. Đến cửa, Lý Văn Quang quay lại ôm quyền nói:

- Xin phép! Đã quấy rầy ngài!

Cư Cẩn cũng ôm quyền đáp lễ:

- Đa tạ phần quà lễ và những lời chúc phúc của...

Nói tới đó, ông giật mình nhìn thấy trong miếng hắc ngọc Lý Văn Quang đang đeo trước ngực phản chiếu bóng của Tạ Tam đang cầm một con dao nhỏ từ sau lưng đâm tới. Vốn là người võ nghệ cao cường lại rất cảnh giác, Cư Cẩn vội nghiêng người sang bên để tránh nhưng vẫn không kịp và ông đã lãnh trọn một nhát dao vào hông. Tuy không đến độ mất mạng ngay tại chỗ nhưng thương tích khá trầm trọng, máu tuôn như suối. Cư Cẩn thét to:

- Người đâu! Phản rồi!

Vừa hét ông vừa phóng người đến giá binh khí rút nhanh thanh cương đao, cùng lúc ấy có một tên múa rồng rút vội hai thanh kiếm trong đầu rồng ra ném về phía Tạ Tam và Hồng Sanh, một tên khác rút một thanh kiếm ra cung kính đưa cho Lý Văn Quang. Tạ Tam và Diệp Hồng Sanh lao người theo Cư Cẩn vung kiếm tấn công, Cư Cẩn múa tít thanh cương đao trong tay chống trả. Ba người quần nhau trong gian đại sảnh, Cư Cẩn một phải đấu với hai, lưng lại bị thương nặng nên đường đao chỉ một lát sau đã dần yếu thế, ông bị trúng thêm hai nhát kiếm nữa, khắp người nhuộm đầy máu tươi trông thật khủng khiếp. Bên ngoài, toán lính canh nghe hỗn loạn liền xông vào cứu chủ nhưng đã bị bọn người múa rồng rút vũ khí giấu trong các gói đồ chặn đánh. Một trận hỗn chiến ác liệt diễn ra trước tư dinh, bọn võ sĩ Kim Cương Môn võ nghệ cao cường, lại đông người hơn đám lính nên chẳng mấy chốc đám lính bị đánh tan rã, tử thương gần sạch.

Bên trong Cư Cẩn vẫn kiêu dũng một mình chiến đấu với hai địch thủ. Từ phía sau khách sảnh bỗng có một người xông vào tấn công Diệp Hồng Sanh. Cư Cẩn nhìn thấy vội la lớn:

- Đại Thiện, cứ để mặc ta! Ngươi lo bảo vệ phu nhân và công tử chạy trốn đi.

Người mới vào là tùy tướng của Cư Cẩn. Hắn vội nói:

- Nhưng còn ở đây...

Cư Cẩn hét lớn:

- Đi ngay đi! Ở đây cứ để mặc ta!

Vì phân tâm, Cư Cẩn lại bị trúng thêm một kiếm nữa của Tạ Tam. Ông thét lớn trong sự đau đớn:

- Đi ngay đi!