Én Liệng Truông Mây - Hồi 17 - Phần 4

Mọi người đã cùng nhau dọn dẹp và xây dựng lại cơ sở Thần Quyền Môn. Cũng trong thời gian này vợ Đại Kỳ đang ở bên nhà mẹ đã hạ sinh một cháu gái. Nỗi buồn mất mát về vật chất đã tan biến nhanh chóng vì sự ra đời của cô tiểu thư nhỏ này. Đứa bé chào đời nhằm đúng ngày rằm tháng giêng nên Đại Kỳ bèn chọn cái tên Hồng Liên đặt cho con gái mình. Một lần nữa hạnh phúc lại nảy mầm giữa những thương đau. Một tháng sau Trấn Biên mới nhận được quyết định của Phú Xuân gởi vào. Võ vương vì không muốn mất lòng với Thanh triều nên đã hạ lệnh cho Hình bộ mang tất cả bọn loạn đảng về giam tại nhà lao lớn ở dinh Quảng Nam. Trách nhiệm áp giải tù binh được giao cho thủy quân Phiên Trấn có Đoàn Phong và Ngô Mãnh của Hình bộ tháp tùng. Tiểu tướng Hoàng Kim Phụng được lệnh đem theo năm chiến thuyền lớn và một trăm lính hộ tống đoàn tù. Bọn Phong Điền tam hữu và Hồng Liệt cũng theo thuyền trở lại cửa Hàn.

Buổi sáng hôm đoàn thuyền chở tù binh và những chàng hiệp sĩ rời bến Sa Hà đi Quảng Nam, trên dưới Thần Quyền Môn cùng những gia đình thương buôn ở Giản Phố đều quyến luyến đưa tiễn. Thuyền tách bến, Bạch Mai hai hàng nước mắt rưng rưng, không biết nàng khóc vì điều gì, do ai và cho ai nhưng đó rõ ràng là những giọt nước mắt của sự đau khổ âm thầm. Nàng nói với theo:

- Muội sẽ ra thăm bọn trẻ một ngày gần đây.

Hồng Liệt vẫy tay:

- Huynh và bọn nhỏ lúc nào cũng chờ muội.

Hồng Liệt nhìn những giọt lệ trên má nàng mà lòng thấy xót xa. Chàng cắn nhẹ môi thầm nghĩ: “Xin lỗi, mong Bạch muội có một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc.”

Nửa tháng sau đoàn thuyền ra tới dinh Quảng Nam bình an vô sự. Đoàn Phong làm thủ tục chuyển giao phạm nhân, sau đó cả bọn trở về cửa Hàn với bọn trẻ. Hơn một năm đi vắng, thấy Hồng Liệt và Văn Hiến trở về, bọn trẻ vui mừng rơi nước mắt. Chúng nhảy nhót reo hò, chúng xúm lại ôm hôn, chúng hỏi han đủ điều... Hồng Liệt cũng xoa đầu, ôm hôn lại chúng. Xong, chàng bế bé Út lên, hôn má nó mấy cái liền rồi hỏi:

- Út ở nhà một năm nay học được bao nhiêu chữ rồi? Chị hai có dạy Út học đều không?

Út Nhi vừa khóc vừa nói:

- Có. Chị hai bắt bọn em học nhiều hơn lúc anh cả còn ở nhà nữa đó. Mà sao anh cả và anh hai đi lâu quá vậy? Bọn em ở nhà nhớ hai anh quá chừng chừng.

Hiền Nhi chạy lại nắm tay Văn Hiến, nước mắt vẫn còn lưng tròng, rồi nàng đi chung quanh chàng nhìn thật kỹ từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Văn Hiến mỉm cười hỏi:

- Em làm gì mà xem xét anh kỹ dữ vậy Hiền Nhi?

Hiền Nhi lau nước mắt, nở nụ cười bẽn lẽn đáp:

- Coi thử anh hai có bị thương ở đâu không. Em cũng vừa kiểm tra anh cả xong. Cả hai anh đều lành lặn hết phải không?

- Tất nhiên rồi. Có lẽ nhờ em ở ngoài này vẫn cười luôn phải không?

Hiền Nhi mắc cỡ nói:

- Anh hai chọc quê em hoài.

Nói rồi, nàng quay qua chào bọn Đoàn Phong:

- Các anh mà phối hợp lại thì có lẽ trên đời này không còn một lực lượng nào có thể thắng nổi nữa. Tất cả đều vô sự phải không Phong huynh?

Đoàn Phong cười đáp:

- Vâng, cảm ơn cô gái. Cô làm cái gì khao quân đi chứ?

Hiền Nhi vui vẻ nói:

- Tất nhiên rồi. Các anh cho em một tí thời gian nhé.

Bỗng nàng thấy Đại Bằng bế một đứa trẻ trên tay thì vội reo lên:

- Ủa, Bằng huynh bế con của ai vậy? Trời ơi, cho em xem nào!

Đại Bằng đưa Tiểu Phi cho Hiền Nhi:

- Nó bị bỏ rơi trong ngày loạn lạc, đám đệ tử nhặt được nên anh mang nó về nuôi.

- Tội nghiệp thật! Nhưng nó được anh nhận về nuôi thì cũng phúc đức lắm rồi.

Nàng nựng đứa bé một lúc rồi trao lại cho Hồng Nhi bế để Đại Bằng nghỉ ngơi. Nàng sai Việt Nhi và Thảo Nhi lấy ngựa chạy nhanh ra chợ Cửa Hàn mua thực phẩm và rượu. Bọn trẻ ở trại thì đi hái những rau quả trồng sau vườn, bao nhiêu cá chúng bắt được còn rộng trong các chum cũng đem ra làm thịt tất. Một canh giờ sau, một bữa ăn thịnh soạn được bày ra nơi phòng luyện võ. Mọi người cùng đám trẻ ngồi thành vòng tròn lớn ăn uống vui vẻ mừng ngày đoàn tụ.

Hôm nay đúng ngày mười sáu, sau bữa cơm đoàn tụ của đại gia đình, Hiền Nhi lại bày một cuộc rượu ở sau vườn để các anh uống rượu ngắm trăng. Mọi người sau những ngày gian lao vào sinh ra tử, nay bình an trở lại quê nhà ngồi thong thả uống rượu ngắm trăng thế này, trong lòng không khỏi lâng lâng vui sướng. Đoàn Phong nâng ly rượu lên nói:

- Chúng ta cùng uống mừng mã đáo thành công.

Mọi người cạn ly. Đại Bằng nói:

- Lời thề trước mộ gia đình Võ gia và Trần gia hôm nọ coi như chúng ta đã hoàn thành hơn phân nửa, cũng tạm để an ủi vong linh hai nhà.

Hồng Liệt tiếp lời:

- Còn tên Trần Đại Chí nữa. Tôi sẽ theo sát hắn để dò xem tên chủ mưu đứng đằng sau vụ thảm sát nhà họ Võ rồi bắt cả bọn cùng đền tội.

Ngô Mãnh nói giọng chắc nịch:

- Ngoại trừ Trương Phúc Loan ra thì còn ai vào đây nữa? Việc cần làm là tìm cho được chứng cứ mà thôi.

Văn Hiến lên tiếng:

- Hôm nọ nghe bọn Diệp Sanh Ký nói Trần Nguyên Hào đã ôm thanh Ô Long đao nhảy xuống một cái hồ nào đó mà nước rất lạnh và xoáy mạnh đến độ không thể lặn sâu xuống được. Chúng ta phải tìm xem hồ đó ở đâu. Biết đâu chừng sẽ có tung tích của Trần huynh. Còn con bạch mã chở hai mẹ con nhà Võ Trụ nữa, chúng ta phải tìm cho ra họ trước. Nếu để bọn chúng nhổ cỏ tận gốc thì tội nghiệt của chúng ta không nhỏ đâu.

Hồng Liệt nói:

- Đằng nào chúng ta cũng phải vào chỗ chú Hữu Dụng để lấy lại mấy con ngựa, chúng giờ là di vật của Võ Trụ huynh rồi.

Đoàn Phong nhắc:

- Hoàng Kim Phụng sẽ ghé thuyền vào đầm Hải Hạc để thăm nhà, chúng ta có thể đi với hắn. Việc tìm kiếm sau này trông cậy vào các bạn. Tôi và Ngô Mãnh sẽ lo vụ Trương Phúc Loan.

Hiền Nhi từ trong nhà mang ra thêm một bình rượu đã hâm nóng. Nàng rót ra chung cho mọi người. Hồng Liệt bảo:

- Hiền Nhi ngồi xuống uống với bọn anh một chút cho vui. Đồ gàn ngươi làm một bài thơ cho cuộc rượu khải hoàn hôm nay để mừng chiến thắng và cảm ơn Hiền Nhi đã có công chiêu đãi chúng ta đi.

Hiền Nhi “dạ” một tiếng nhỏ rồi ngồi xuống. Văn Hiến nâng ly rượu lên, cao giọng ngâm:

Khủng văn huyết mãn Bích Khê trang

Bạt kiếm lục bằng thệ diệt gian

Nhất nộ Biên thành tru tặc đảng

Hàn môn hỉ tửu khải hoàn lang.

Dịch:

Lòng kinh khiếp khi nghe tin máu nhuộm Bích Khê trang

Tuốt kiếm ra, sáu người bạn cùng thề sẽ giết quân gian

Thành Trấn Biên chỉ một cơn nổi giận đã tiêu diệt đảng cướp

Nơi cửa Hàn có người bày cuộc rượu đón mừng những chàng trai thắng trận trở về.

Hiền Nhi vỗ tay, mọi người cũng vỗ tay theo. Đoàn Phong nói:

- Hay quá! Trương huynh làm thơ như uống rượu vậy, thật nhanh mà thật ý tứ. Bài thơ hôm nọ của Bằng huynh là sự mở đầu, còn bài này là sự kết thúc.

Hiền Nhi cười nói:

- Phong huynh là người văn võ song toàn, huynh cũng làm tặng mọi người một bài thơ đi.

Đoàn Phong cười ha hả nói:

- Cô đừng có làm khổ tôi. Ai bảo với cô là tôi văn võ song toàn vậy?

- Hiền Nhi nhận thấy như vậy và tin chắc là vậy. Không ai bảo cả.

- Cô gái này thật là... Dù sao tôi cũng cảm ơn nhận xét tốt đẹp của cô, nếu từ chối thì sẽ phụ hảo tâm, hảo ý đó nhưng có điều tôi không thích thơ Đường luật. Tuyết Hoa vợ tôi dạy mãi mà tôi cũng không nhớ được, làm ra chỉ sợ mọi người cười chết ngất thôi.

Ngô Mãnh đã từng nghe Đoàn Phong ngâm thơ trong những khi tửu hứng nên nói chêm vào:

- Không ai cười đâu. Cứ coi như anh đang ngâm thơ cho tôi nghe như mọi lần là được.

- Anh với tôi là bọn thảo mãng thì xá gì, nhưng đây còn có Bằng huynh, Hùng huynh, Văn Hiến và cô học trò nhỏ này nữa đó.

Hiền Nhi nói:

- Phong huynh an tâm đi, nếu có ai cười Hiền Nhi sẽ cắt phần rượu của người đó.

Mọi người bật cười vì câu nói của Hiền Nhi. Đoàn Phong đành trổ tài.

- Vậy được, cảm xúc từ khung cảnh và bài thơ của Bằng huynh đêm hôm trước tôi vẫn giữ mãi, xin mượn từ và ý trong đó để làm của riêng nhé.

Rồi chàng cao giọng ngâm:

Vân vụ sơn đầu nguyệt mãn thiên

Thanh phong dã thượng tải phương liên

Liên Trì dục nguyệt văn tiên tiếu

Dạ đáo vô chung diệc niệm thiền

Phong vũ hốt cuồng hoa lạc tận

Huyết mãn Liên Trì biên cốt khô

Ma ảnh phiêu phiêu Long Cốt hận

Tiếu khốc thê thê lãnh nguyệt hồ.

Dịch:

Mây mù trên đỉnh núi, trăng sáng khắp bầu trời

Làn gió mát thổi qua cánh đồng mang theo hương sen

Trăng tắm dưới ao sen vẳng nghe tiếng cười của tiên nữ

Đêm đến không tiếng chuông vẫn thấy lòng thanh tịnh.

Chợt bão tố cuồng phong nổi lên hoa sen rụng hết

Máu nhuộm Liên Trì xương khô chất đầy bên bờ

Bóng ma vất vưởng ở núi Long Cốt còn ôm mối hận

Tiếng khóc cười thê lương những đêm trăng lạnh trên hồ.

Đoàn Phong vừa ngâm dứt bài thơ, không khí vui nhộn của cuộc rượu bỗng chùng xuống. Hình ảnh thương đau của hai vụ thảm sát lại hiện lên trong tâm trí mọi người. Hiền Nhi rươm rướm nước mắt nói:

- Bài thơ nghe thật cảm xúc. Âm hưởng hết sức dạt dào, Hiền Nhi nghe mà không ngăn được nước mắt. Tuy không đúng luật nhưng với Hiền Nhi thì đây đúng là một tuyệt tác.

Đoàn Phong nói:

- Cảm ơn cô gái. Do cô là người nhạy cảm lại tốt bụng nên mới thấy vậy mà thôi.

Kim Hùng tán thành ý kiến của Hiền Nhi:

- Đúng vậy. Bỏ qua chuyện luật lệ Đường thi gì gì đó đi, bài thơ của Phong huynh quả thật là đầy cảm xúc. Tôi rất thích.

Đoàn Phong cười nói:

- Quả tình khi làm thơ tôi không thích bị bó buộc trong vấn đề tuân thủ niêm luật, nó khiến cho kẻ làm thơ mất đi sự phóng túng, thoải mái.

Đại Bằng phản đối:

- Ba người nói thế tôi không đồng ý. Phong huynh đừng giận nhé.

Đoàn Phong mỉm cười:

- Xin anh cứ tự nhiên, nhân cuộc vui chúng ta cứ thẳng thắn trao đổi để hiểu nhau hơn.

- Theo tôi, cuộc chơi nào cũng có lề luật của nó. Đã là Đường thi thì phải tôn trọng qui luật của Đường thi. Còn không thì nên chọn thể thơ khác. Cũng như một quốc gia vậy, trên có vua dưới tất có thần tử. Tôn ti này vốn được ràng buộc bởi những lề luật gọi là “tam cương” và “ngũ thường”. Nếu thoát ra ngoài lề luật đó tất rơi vào phản loạn, đại nghịch. Người quân tử không làm điều này.

Kim Hùng lên tiếng cãi:

- Anh thì lúc nào cũng tam cương với ngũ thường. Tôi ủng hộ lối suy nghĩ phóng khoáng của Phong huynh. Đồng ý là mọi cuộc chơi cũng như mọi tổ chức, quốc gia đều phải có lề luật riêng, nhưng nếu lề luật đó bó buộc con người vào một khuôn khổ không thể chấp nhận được thì chúng ta hoặc phải loại bỏ hoặc phải sửa đổi nó đi. Không thể cứ bo bo giữ hoài một luật lệ cũ rích đã có từ ngàn xưa do người thượng cổ đặt ra được.

Ngô Mãnh vỗ tay nói:

- Hay lắm! Mãnh tôi là tên võ biền, không dám lạm bàn về thơ văn nhưng nghe Hùng huynh nói tôi quả thấy khoái chí vô cùng. Đời người ngắn ngủi, sao không sống cho thoải mái mà lại cứ bó mình vào những luật lệ khô cứng không cần thiết? Ví như uống rượu, sao không nâng bát lớn hoặc ôm cả vò mà nốc cho sảng khoái, việc gì cứ phải lỉnh kỉnh chén ngọc mâm vàng thì mới là rượu ngon?

Đại Bằng nhìn Kim Hùng nghiêm sắc mặt nói:

- Nói thế không đúng. Nghề chơi cũng lắm công phu. Không công phu thì cuộc chơi sẽ không thú vị, không công phu thì người chơi sẽ không bao giờ được biết thế nào là sự tuyệt đỉnh của nghệ thuật. Có xả thân, có dâng hiến mới tìm được giá trị đích thực cần đạt đến. Còn về mặt xã hội, nói như chú thì đạo của người quân tử đành xếp xó ư?

Kim Hùng lại phản đối:

- Anh thì lúc nào cũng khư khư giữ cho đúng cái đạo quân tử của ngài Khổng phu tử. Mà không biết cái đạo ấy có phải thực là của ngài không, hay lại là của bọn vua quan nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống... sau này biên chế ra để phục vụ cho mục đích của chúng? Em thì chuộng phong cách của những chàng hiệp sĩ chúng ta hơn.

- Phong cách hiệp sĩ của chúng ta là thế nào chú nói anh nghe thử?

- Em không biết diễn tả thế nào cho đúng nhưng rõ ràng là người hiệp sĩ của chúng ta cũng cứu khốn phò nguy, kiến nghĩa dũng vi. Tuy nhiên cuộc sống của họ thật hào sảng, khoái hoạt, không gò bó, cúi đầu.

Đoàn Phong nói:

- Nghe anh Đại Bằng hỏi về tính cách của người hiệp sĩ làm tôi nhớ lại lần đầu tiên gặp Võ Trụ huynh ở chùa Thiên Mụ năm trước. Khi ấy Võ Trụ huynh đang giải thích cho tên đồ đệ về sự hòa đồng tam giáo Nho, Thích, Lão và có đúc kết lại tính cách của người hiệp sĩ trong xã hội đương thời của chúng ta. Thật đơn giản nhưng chí lý và thâm sâu.

Đại Bằng giục:

- Phong huynh nói lại nghe đi.

Đoàn Phong uống cạn chung rượu như để tưởng nhớ đến người bạn quá cố rồi nói:

- Lúc đó, anh ấy nói: “Người hiệp sĩ mà xã hội hiện thời của chúng ta đang ca tụng mang sự hòa hợp chung của ba đạo Nho, Thích, Lão. Người hiệp sĩ có cái khí tiết quân tử, đức độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tự tại của Lão giáo, có cái tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho nguyên thủy”.

Kim Hùng và Ngô Mãnh đồng vỗ tay:

- Chí lý! Chí lý!

Đại Bằng cũng gật gù tán thành:

- Đúng là lời cao luận.

Đoàn Phong cười nói:

- Cũng nhờ lời cao luận đó mà chúng tôi quen nhau. Hà! Nay thì anh ấy đã ra người thiên cổ. Thật đáng hận.

Hiền Nhi từ bé đã được Văn Hiến dạy cho chữ nghĩa văn chương nên với nàng, ý kiến của Văn Hiến luôn là khuôn vàng thước ngọc. Nàng bèn hỏi:

- Về luật thơ thì ý anh hai thế nào?

Văn Hiến đáp:

- Thơ Đường luật do người sống ở đời Đường bên Tàu đặt ra để qui định cách sáng tác riêng trong cuộc chơi thơ của họ. Ai thích thì cứ theo đúng luật mà chơi, ai không thích thì tìm thể thơ khác. Anh Đại Bằng lúc nãy nói rất đúng, ngày xưa anh hai cũng luôn giữ mô thức sống như vậy nhưng hơn một năm nay, trải qua nhiều biến cố cũng như sau mấy tháng gặp lại sư phụ và sư Phật Chiếu với bao nhiêu lời giáo huấn, cái nhìn của anh hai về cuộc sống và xã hội đã khác đi nhiều rồi. Bài thơ của Phong huynh đã phản ảnh đúng tâm hồn và cảm xúc của anh ấy, do đó nó dễ thâm nhập vào lòng người hơn. Và đó mới là điều quan trọng, còn những chi tiết khác như luật lệ chỉ là thứ yếu thôi. Xã hội mỗi thời mỗi khác, con người cũng vậy, tri thức và tâm thức cũng biến đổi theo thời gian, không gian cho nên mọi luật lệ cũng cần phải thay đổi để phù hợp. Đó là sự biến dịch. Dịch biến để thông, không biến sẽ bị cùng, bị tắt. Nếu mãi bó mình theo luật lệ do người khác đặt ra thì chắc chắn sẽ không làm được bài thơ hay như thế. Huống chi luật Đường thi là của Tàu, vậy hà cớ gì chúng ta là người Việt mà lại cứ chăm chăm giữ đúng luật? Hơn nữa, cứ bắt buộc đúng theo niêm luật sẽ làm khó cho những ai không rành về nó.

Hồng Liệt nhảy dựng lên vỗ tay nói:

- Hay lắm! Từ nay ta không thể gọi ngươi là đồ gàn được nữa rồi.

Đại Bằng tỏ vẻ bực bội:

- Chú nói thế sao được? Bài thơ của Phong huynh rõ ràng là thất ngôn bát cú mà. Đó là thể thơ Đường luật. Đã là thơ Đường luật thì phải tuân thủ đúng niêm luật của nó. Tuân thủ luật mà thơ vẫn hay, đó mới là cách chơi của bậc cao sĩ.

Văn Hiến nói:

- Em không bác bỏ việc tuân thủ luật thơ, nhưng thơ bảy chữ tám câu đâu nhất thiết phải là thơ Đường luật. Giờ đã là thời Vua Lê, Chúa Nguyễn chứ đâu còn là thời của Đường Minh Hoàng trị vì. Thời nay là thời của những hiệp sĩ tiêu diêu tự tại như Võ Trụ huynh đã nhận xét, không còn là thời của quân tử hay hảo hán bó gối khép mình nữa rồi.

- Nói như thế chẳng khác nào chú đang chối bỏ hết mọi giá trị luân lý, kỷ cương mà xưa nay chúng ta vẫn tôn vinh.

- Có lẽ chúng ta nên làm vậy, làm một cách từ từ để lột bỏ cái vỏ quân tử Hán đi và khoác chiếc áo hiệp sĩ Việt vào. Như thế dân Việt ta mới có cơ hội lớn mạnh, tự cường được.

- Vậy thì theo chú bài thơ của Phong huynh thuộc thể thơ gì?

- Thoát khỏi luật lệ gò bó đó là sự tự do. Là thể thơ tự do vậy.

Ngô Mãnh vỗ tay đánh “bốp” một tiếng:

- Hay lắm! Tự do! Người sống tự do để uống rượu và làm thơ tự do.

Đoàn Phong cũng tán thành:

- Cao luận! Đoàn Phong tôi xin kính cẩn lắng nghe và ghi nhớ để làm người.

Kim Hùng vỗ vai Văn Hiến cười ha hả nói:

- Được, tốt lắm! Anh mừng cho chú đã có sự thay đổi lớn.

Đại Bằng định lên tiếng phản đối tiếp nhưng thấy mọi người đều ủng hộ ý kiến của Văn Hiến nên lại thôi. Hiền Nhi có chút cảm thông với Đại Bằng nên rót rượu ra các chung nói:

- Thôi, các anh đừng tranh luận nữa. Uống ly rượu khải hoàn này đi, chính tay Hiền Nhi rót mừng đấy.

Đoàn Phong nheo mắt nhìn Hiền Nhi:

- Đây là ý tứ trong câu kết của bài tứ tuyệt mà Trương huynh vừa ngâm phải không? Năm người chúng tôi xin được uống ké vậy.

Hiền Nhi tròn xoe mắt ngạc nhiên hỏi:

- Sao Phong huynh lại nói năm người uống ké?

Đoàn Phong mỉm cười ý nhị:

- Thì câu kết rằng “Hàn môn hỉ tửu khải hoàn lang”, không phải là cuộc rượu của người hiền nữ mừng đón tình lang của mình về sao? Năm chúng tôi không phải là những người được uống ké thì là gì?

Hiền Nhi đỏ mặt:

- Không phải! Chữ “lang” của anh hai là chỉ các chàng trai nói chung chứ đâu phải là tình lang. Phong huynh...

Đoàn Phong cướp lời:

- Cho nên tôi mới nói Trương huynh còn tài hơn cả Tào Thực. Trong chớp mắt đã làm được bài thơ theo yêu cầu của Đinh huynh, lại còn khéo léo chơi chữ để dành tặng riêng cho Hiền Nhi nữa.

Nói xong chàng cười ha hả. Hiền Nhi nghe Đoàn Phong nói thế thì đỏ mặt thẹn thùng. Nàng bối rối cãi:

- Là Phong huynh nghĩ ác cho Hiền Nhi đó thôi. Anh hai làm gì có ý đó.

Xong nàng vụt đứng lên bỏ chạy vào nhà. Năm chàng trai nhìn theo cười lớn. Văn Hiến nhìn Hồng Liệt bằng một thái độ hết sức nghiêm túc.

- Nhờ ngươi giúp ta một chuyện.

Hồng Liệt hỏi:

- Chuyện gì?

- Chuẩn bị tinh thần giùm cho Hiền Nhi. Ta muốn chính thức cầu hôn nàng.

Hồng Liệt vì đã nghe Văn Hiến nói về việc này rồi nên không tỏ vẻ ngạc nhiên lắm. Riêng bốn chàng trai còn lại thì có chút bất ngờ. Sau đó, không hẹn mà cả năm người cùng bưng chung rượu Hiền Nhi vừa rót lúc nãy lên cười vui vẻ. Đoàn Phong nói:

- Chúc mừng, chúc mừng! Hỉ sự này càng sớm càng tốt nhé. Hôm nay uống trước ly này đi đã.

Đại Bằng nói:

- Như vậy ly rượu khải hoàn trở thành ly rượu cầu hôn rồi. Hay lắm! Xin chúc mừng chú.

Trong đêm trăng thanh vắng ở cửa Hàn, sáu chàng trai cụng chén nghe “coong” một tiếng thật giòn.