Én Liệng Truông Mây - Hồi 18 - Phần 2

Rồi anh nói tiếp cho qua chuyện:

- Dung Dung quyết định như thế sẽ tốt hơn cho nàng. Những phụ nữ trong dòng tộc của nàng ấy chỉ vì quá đẹp nên ai cũng gặp phải cảnh ngộ đau thương.

Việt Nhi mang gói quà ra đưa cho Hồng Liệt. Chàng bảo nó mở ra. Bọn nhỏ xúm xít lại coi trong gói quà có gì. Việt Nhi mở ra thì thấy có một chiếc hộp rất đẹp, chiếc chìa khóa cột toòng teng bên ngoài. Nó cẩn thận tra khóa vào và bật nắp, cả nhà la lên vì kinh ngạc:

- Vàng! Trời ơi nhiều quá!

Đúng là vàng. Vàng thỏi sáng chói. Thấy bên trên có mảnh giấy, Hồng Liệt mở ra xem. Mảnh giấy viết: “Xin Đinh huynh và Hiền Nhi nhận món quà này để lo cho các em, giúp gia đình chúng tôi thực hiện chút công ích từ thiện nhằm giảm bớt phần nào ác nghiệp. Bằng tất cả lòng thành của một người bạn. Dung Dung.”

Hồng Liệt nói với bọn trẻ:

- Chị ấy tặng các em là để giảm bớt ác nghiệp cho gia đình. Chúng ta không thể nhận hết số vàng đến vài trăm lạng này, anh sẽ đem tặng bớt cho trại hành khất vừa mới được thành lập ở Triệu Phong của anh Đại Bằng. Làm vậy coi như mình thay mặt chị ấy trong việc từ thiện này. Các em thấy có được không?

Việt Nhi nói:

- Anh cả quyết định như thế đúng lắm. Chúng em ở đây cũng không thiếu thốn gì, nên chia bớt cho họ thì hay hơn.

Hồng Liệt hỏi mấy đứa nhỏ còn lại:

- Còn các em thì sao?

Bọn trẻ đồng thanh đáp:

- Dạ, bọn em đồng ý với anh cả!

Hồng Liệt vui vẻ nói:

- Giỏi lắm! Chúng ta phải biết san sẻ niềm vui cho những người nghèo khó hơn chúng ta. À, còn việc này anh muốn hỏi các em.

Việt Nhi nói:

- Anh cả nói đi.

Hồng Liệt nhìn hết bọn nhỏ một lượt rồi nói:

- Đại sư huynh và Bạch sư tỷ vừa gửi thư cho anh nói sư tỷ sẽ ra đây đón các em vào Giản Phố để lập nghiệp. Các em thấy thế nào?

Trên nét mặt của bọn trẻ đều lộ rõ nét không vui. Hồng Nhi hỏi:

- Tất cả chúng ta cùng đi hết hả anh cả?

- Chị hai sẽ ở lại đây. Còn anh sẽ đi với các em vào trong đó cho đến khi nào mọi việc ổn định.

Hiền Nhi ngạc nhiên hỏi:

- Em không đi với tụi nó à?

- Ừ!

Bọn nhỏ nhao nhao phản đối:

- Chị hai không đi bọn em cũng không đi! Tụi em ở lại với anh cả và chị hai.

Hồng Liệt nghiêm giọng:

- Các em không nên như vậy. Vào trong đó các em sẽ có tương lai hơn. Khi các em đi rồi, anh cả và chị hai sẽ dùng nơi này để thu nhận thêm những đứa trẻ mồ côi khác về nuôi như đã từng làm với các em vậy.

Việt Nhi nói:

- Anh cả không để vài đứa trong bọn em ở lại giúp anh cả một tay sao?

- Cũng được, phần em và Thảo Nhi thì phải đi đợt này để lo cho các em. Ba đứa ở lại là...

Cả bọn liền nhao nhao xin được ở lại. Hồng Liệt cười nói:

- Các em tốt lắm! Nhưng việc này để anh quyết định. Hùng Nhi, Hồng Nhi và Út ở lại với chị hai.

Ba đứa được ở lại nhảy lên reo mừng. Những đứa khác mặt mày tiu nghỉu buồn xo. Đối với chúng, trang trại này từ lâu đã là mái ấm gia đình. Chuyện ra đi, dù là sẽ đến một nơi có nhiều hứa hẹn tốt đẹp hơn nhưng cũng không bằng ở lại. Hiền Nhi an ủi chúng:

- Các em vui vẻ lên mà đi. Bọn chị sẽ cố gắng vào thăm các em thường xuyên mà. Vả lại ở trong đó có Bạch sư tỷ, chị ấy thương bọn em lắm. Tất cả rồi sẽ ổn thôi.

Bọn trẻ cuối cùng đành phải chịu sự sắp đặt của anh cả. Sáng hôm sau, Hồng Liệt ra đi thật sớm. Chàng phóng ngựa một mạch đến Phú Xuân, qua đò sông Hương tìm tới nhà Văn Hiến. Vừa thấy Hồng Liệt, Văn Hiến hỏi liền:

- Có tin gì hay phải không?

Hồng Liệt đáp:

- Bọn Đại Chí sáng qua đã xuống thuyền ra Phú Xuân để tìm Phúc Loan. Tối nay, chúng ta phải vào dinh của hắn thám thính một phen. Ta phát hiện trong cuộc tiếp xúc ở nhà Đại Chí vừa rồi có cả tên Diệp Hồng Sanh nữa.

Văn Hiến ngạc nhiên:

- Hắn còn sống à?

- Ừ! Lúc trước trong bọn bị bắt không có hắn nên ta nghĩ chắc chắn hắn đã thoát thân. Đúng y như rằng hắn đã trốn được và chạy về Phúc Kiến. Hắn đang nhờ Đại Chí giúp lo chuyện hối lộ cho Phúc Loan để giảm nhẹ bản án cho Lý Văn Quang.

- Chắc Dung Dung cũng có mặt ở đây để thăm cha nàng phải không?

- Ngươi đoán đúng. Nhưng nàng đã trở về Phúc Kiến sáng nay rồi. Hôm qua, nàng có ghé thăm Hiền Nhi, ăn cơm trưa với bọn nhỏ và tặng cho trại chúng ta hai trăm lượng vàng, nói là muốn làm chút việc thiện để giảm bớt ác nghiệp cho cha.

- Ngươi có gặp nàng không?

- Không. Nghe Hiền Nhi nói sau chuyến đi này nàng và Thu Hồng sẽ thí phát qui y, Âu Dương Long cũng nguyện suốt đời làm người giữ vườn trong chùa để bảo vệ nàng.

Văn Hiến buông tiếng thở dài. Chàng trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Như thế sẽ tốt hơn cho nàng. Cầu cho nàng được an vui.

- Ta cũng mong vậy. Ta mang hai phần ba số vàng ấy ra đây, ngươi trao lại cho anh Đại Bằng để lo cho bang Hành Khất, nói là của Dung Dung tặng.

- Ừ!

Đêm đó, hai người mặc đồ dạ hành đột nhập vào tư dinh của Trương Phúc Loan bên bờ Bắc sông Hương. Tòa phủ đệ to lớn được canh phòng cẩn mật bên ngoài bởi một đội vệ binh năm mươi người. Họ toàn là những lính tinh nhuệ được Phúc Loan tuyển lựa trong đội quân túc vệ canh giữ tử cấm thành cho phủ Chúa Nguyễn. Bên trong, Phúc Loan còn mời những cao thủ thượng thặng túc trực theo bảo vệ mình ngày đêm. Cuối giờ Tuất, một chiếc du thuyền sang trọng nương theo bóng tối cập vào bến, sau vườn tòa phủ đệ. Bọn vệ binh quát hỏi mật hiệu. Có tiếng đáp trả rồi bốn người đàn ông từ dưới thuyền bước lên, họ trao đổi với bọn lính canh mấy câu và được bọn túc vệ dẫn vào chờ nơi một gian nhà nhỏ trong vườn. Lát sau, một người mặc võ phục đến đưa họ vào nội phủ. Trương Phúc Loan ngồi trên ghế thái sư trước bộ tràng kỷ, phía sau lưng ông ta có bốn người cận vệ đứng hầu. Bốn tên này thoáng nhìn qua đã biết chúng đều là những cao thủ thượng thặn. Bốn người đàn ông mới vào chính là Trần Đại Chí và ba người Hoa lạ mặt. Đại Chí vừa thấy Phúc Loan đã khom lưng nói:

- Hạ dân xin ra mắt quan Ngoại tả. Thứ cho hạ dân đã làm phiền quan Ngoại tả lúc đêm khuya. Giới thiệu với quan Ngoại tả đây là ba người quen của hạ dân vừa từ Phúc Kiến sang. Họ đều là thuộc tướng của quan tổng đốc Phúc Kiến và tổng đốc Quảng Đông.

Ba người Hoa đi cùng Đại Chí cúi đầu chào. Phúc Loan nghe nói họ là thuộc tướng của Thiên triều thì vội đứng lên nói:

- Hân hạnh! Mời ngồi! Ba vị đây là...

Đại Chí mời ba người Hoa ngồi rồi đáp thay:

- Giới thiệu với quan ngoại tả, vị này là thiên tổng Lê Huy Đức và bá tổng Thẩm Thần Lang, thuộc tướng của tổng đốc Phúc Kiến. Vị này là tham tướng Hồ Đình Phượng dưới trướng của tổng đốc Quảng Đông.

Phúc Loan ngồi xuống ghế tươi cười nói:

- Thì ra là ngài thiên tổng, bá tổng và ngài tham tướng. Ba vị ghé thăm bổn chức giữa đêm khuya hẳn là có điều quan trọng?

Lê Huy Đức nhìn thấy thái độ vừa giả bộ niềm nở vừa kẻ cả của Phúc Loan thì trong lòng có hơi bực bội, tuy nhiên vì đang lúc mình phải cầu cạnh người nên đành nhã nhặn đáp:

- Vâng. Chúng tôi đúng là có việc cậy đến sự giúp đỡ của ngài ngoại tả nên mới quấy rầy lúc đêm hôm.

Phúc Loan đã đoán ra sự việc nhưng giả vờ ngạc nhiên hỏi:

- Việc nhờ cậy à? Xin cho biết. Nếu có thể bổn chức sẵn sàng.

- Không giấu gì ngài ngoại tả, Lý vương gia đang bị giam ở ngục Quảng Nam vốn là nghĩa phụ của quan tổng đốc. Tổng đốc sai chúng tôi đến đây gặp ngài không ngoài mục đích nhờ ngài can thiệp hộ để vương gia sớm được tự do.

- Quí vị muốn cho Lý vương gia của quí vị sớm được tự do à? Việc này e rằng vượt quá tầm tay của bổn chức rồi.

- Quan tổng đốc trước khi sai chúng tôi đến đây đã tìm hiểu rõ mọi việc rồi. Ở Đàng Trong này, quan ngoại tả quyền uy trấn át triều đình, việc này đối với ngài đâu có gì khó khăn. Mong ngài ngoại tả nể tình hòa hiếu giữa phủ Chúa Nguyễn và Thiên triều cùng quan tổng đốc mà tận tình giúp cho.

Phúc Loan nghe Huy Đức nhắc đến tình bang giao giữa hai nước trong lòng cũng dao động, nhưng ông ta biết Lý Văn Quang là tay phú gia địch quốc ở Phúc Kiến nên làm bộ cứng để đớp con mồi béo bở này một cú thật sâu.

- Cảm ơn sự lưu tâm của ngài tổng đốc nhưng e rằng quí vị đã có chút nhầm lẫn. Việc của Lý vương gia thuộc quyền hạn của vương thượng và Hình bộ. Bổn chức thật chẳng liên quan gì.

Trần Đại Chí biết rõ Phúc Loan đang ra giá nên lên tiếng:

- Xin ngài ngoại tả rộng lòng từ bi giúp đỡ. Ba vị đây hứa sẽ đền ơn thật xứng đáng cho ngài.

Phúc Loan lườm Đại Chí:

- Ngươi là con dân Đại Việt nên chắc đã biết tội phản loạn làm thiệt hại binh tướng của triều đình là tội chết chứ? Ta không nghĩ đến tình hòa hiếu giữa hai nước nói vào một tiếng thì bản án tử hình đã kết thúc từ lâu rồi đó.

Đại Chí sợ hãi ngồi im. Lê Huy Đức lên tiếng:

- Đa tạ ngài ngoại tả đã giúp đỡ. Nhưng đã giúp thì mong ngài giúp cho trót. Chúng tôi xin tạ ơn ngài xứng đáng.

Nói xong, hắn đưa mắt sang Thẩm Thần Lang. Thần Lang hiểu ý liền đặt gói đồ vẫn ôm trong tay nãy giờ xuống tràng kỷ rồi mở ra. Trong gói là một chiếc hộp, hắn cẩn thận mở nắp hộp. Gian phòng bỗng sáng rực lên vì ánh sáng của những viên minh châu trong hộp tỏa ra. Đôi mắt Phúc Loan bỗng rực lên như mắt loài cáo khi thấy miếng mồi ngon nhưng rất nhanh ông ta đã lấy lại được sự bình thản. Dù chỉ một thoáng, ánh mắt tham lam đó của Phúc Loan cũng không lọt khỏi cặp mắt tinh tường của Huy Đức. Hắn đưa tay đẩy chiếc hộp về phía Phúc Loan nói:

- Tổng đốc sai chúng tôi mang món quà nhỏ mọn này sang tặng cho ngài ngoại tả để tỏ chút tình sơ giao. Mong ngoại tả nhận cho.

Phúc Loan nghe Huy Đức nói mười viên minh châu giá trị liên thành này chỉ là món quà sơ giao thì chắc mẩm trong bụng rằng nếu mình đồng ý giúp họ, món quà đền ơn sẽ còn lớn gấp nhiều lần. Giấu sự vui mừng, ông ta nói:

- Đa tạ sự rộng rãi của ngài tổng đốc. Có điều việc này vượt quá tầm tay của bổn chức, e rằng không giúp được gì. Món quà này làm sao bổn chức dám nhận.

Huy Đức vừa rủa thầm trong bụng vừa từ tốn đáp:

- Chỉ cần ngài ngoại tả có lòng giúp, việc thành hay không tổng đốc chúng tôi vẫn hết sức cảm tạ. Xin ngoại tả chớ ngại.

Đại Chí hùa thêm vào:

- Đó là thành ý của tổng đốc, xin ngài ngoại tả nhận cho.

Phúc Loan đổi nét mặt nói:

- Đã thế cho tôi gởi lời cảm tạ tổng đốc. Ý tổng đốc muốn tôi giúp đỡ thế nào?

Huy Đức nói:

- Trước hết xóa bản án tử hình, sau đó chuyển giao toàn bộ sự vụ cho Thiên triều xử lý.

- Việc này tôi phải hỏi lại ý của chúa thượng. Tôi chưa thể trả lời các ông ngay được.

- Chúng tôi sẽ đợi. Nếu việc thành, tổng đốc hứa sẽ đền đáp gấp mười lần thế này.

- Tôi sẽ cố gắng. Các ông về ráng đợi ít lâu, Đại Chí sẽ báo cho các ông biết kết quả.

Huy Đức cùng đồng bọn đứng lên cáo từ:

- Đa tạ ngài ngoại tả đã có lòng giúp đỡ. Chúng tôi chờ tin.

Đại Chí cũng đứng lên cúi đầu thật thấp:

- Vụ Kim Sơn rất thuận buồm xuôi gió. Hạ nhân sẽ liên lạc với ngài ngoại tả.

Phúc Loan gật đầu tỏ vẻ tán thưởng rồi đứng lên tiễn khách:

- Các vị lên đường bình an. Cho tôi gởi lời vấn an hai vị tổng đốc.

Hai vệ sĩ đi trước dẫn đường đưa bọn Đại Chí ra khỏi đại sảnh. Đến bên ngoài lại có mấy tên vệ sĩ khác thay phiên đưa khách xuống bến sông. Trên nóc nhà, Hồng Liệt và Văn Hiến cũng nhẹ nhàng rút êm khỏi khu phủ đệ. Ra đến bờ sông Hương, Hồng Liệt hỏi:

- Ngươi tính sao? Ta có nên thịt tên Đại Chí và ba tên người Hoa hôm nay không?

Văn Hiến đáp:

- Không nên. Dưới thuyền chúng còn nhiều hộ vệ. Xem chừng bọn Huy Đức và Thần Lang cũng là những tay đáng gờm, hơn nữa chúng lại là đại quan của Thanh triều, nếu không diệt trọn ổ được thì phiền hà lắm.

- Không lẽ bỏ qua vụ này?

- Ngươi nên biết rằng từ trước đến nay người Hoa sang nước ta phạm pháp, thường thì triều đình phải giao nạp lại cho Thanh triều xử lý. Tuy vụ này là trọng tội đáng xử tử nhưng đã có tổng đốc Phúc Kiến và Quảng Đông đứng ra xin xỏ thì trước sau gì bọn Lý Văn Quang cũng sẽ được thả ra. Cứ đợi cho bọn Huy Đức về lại Trung Quốc xong ta và ngươi thanh toán tên Đại Chí. Tội hắn đã rõ ràng, cũng đến lúc phải đền tội rồi.

- Thôi được. Mai chúng ta vào Bồng Sơn. Phen này ta phải hỏa thiêu Hoàng Kim Môn để trả thù cho hai họ Trần - Võ.

- Không nên tạo thêm sát nghiệp. Ngươi quên lời dặn của sư Phật Chiếu rồi à? Một người làm, một người chịu là đủ rồi. Việc chẳng đặng đừng mới phải động tới kẻ vô can.

Hồng Liệt cười:

- Mô Phật. Thiện tai! Thiện tai! Bần tăng xin nghe lời dạy của thí chủ.

Cả hai nhìn nhau cười rồi biến mình vào bóng đêm.

Văn Hiến đã đoán đúng. Bọn Huy Đức ghé thuyền vào Hội An, sau đó trở về nước. Đại Chí chiều hôm đó cũng xuống thuyền trở lại Bồng Sơn. Hồng Liệt và Văn Hiến vội phóng ngựa thật nhanh xuống cửa Đại Chiêm, vào gặp Dương Bảo Long nói rõ nội tình rồi hỏi mượn một chiếc thuyền tuần tra để đón thuyền tên Đại Chí. Từ khi nghe tin cả nhà Võ Trụ bị thảm sát, Bảo Long đã dong thuyền vào Phù Ly để tế mộ bạn rồi lên huyện đường hỏi thăm tin tức vụ án. Vì không có một chút manh mối gì về hung thủ nên ông ta đành thất vọng trở về. Sau đó, ông hay tin nhóm bạn hữu của Võ Trụ đã tiêu diệt được bọn phản nghịch Lý Văn Quang, lòng cũng thấy hả dạ phần nào. Nhiều lần ông muốn tìm họ để hỏi thăm thêm về nội tình nhưng chưa có cơ hội. Nay nghe Hồng Liệt hỏi mượn thuyền để đuổi giết kẻ thù của Võ Trụ thì ông hết sức vui mừng.

- Tôi sẽ đi cùng hai bạn. Mối thù của Võ Trụ tôi vẫn canh cánh bên lòng. Nay trời run rủi cho tôi được góp phần trong vụ này là có ý giúp tôi vơi bớt nỗi thẹn thùng với người quá cố.

Hồng Liệt nói:

- Nhưng cai đội là người của triều đình, nhúng tay vào việc trả thù vô chứng cứ này e rằng không tiện.

Bảo Long cương quyết:

- Tôi không quan tâm chuyện quan tước. Nếu không góp phần nào trong vụ trả mối huyết thù này, mai kia xuống suối vàng tôi làm sao dám nhìn mặt cố nhân?

Văn Hiến nói:

- Thôi được. Bọn tôi sẽ nhường Đại Chí lại cho Dương huynh xử tội. Có điều bọn thủ hạ của hắn tuy là loại hung đồ nhưng dù sao cũng chưa đáng tội chết. Cách hay nhất là chúng ta đánh đắm thuyền trước để bọn thuộc hạ tự tìm đường trốn rồi chỉ bắt một mình tên Đại Chí mà thôi. Làm như vậy không ai biết cai đội Long đã nhúng tay vào vụ trả thù này. Việc này Dương huynh làm được chứ?

- Trương huynh có dạ từ bi như thế là tốt, nhưng bọn này toàn một lũ đầu trộm đuôi cướp cấu kết ngoại bang giết hại dân mình. Chúng chết là đáng tội. Không thể dung tha cho chúng được, Trương huynh cứ để mặc tôi.

Hồng Liệt tán thành:

- Dương huynh nói đúng. Bọn này để sống sót chỉ là mầm họa cho dân cho nước mà thôi, ngươi không nên áy náy. Chúng ta cứ làm cho gọn gàng để khỏi lôi thôi về sau.

Văn Hiến thở dài:

- Tùy hai người vậy!

Bảo Long liền trang bị một chiếc khinh thuyền, mang theo mười tên lính giỏi nghề lặn rồi cho thuyền ra cửa biển đợi sẵn. Không lâu sau đã thấy chiếc du thuyền của Đại Chí dong buồm về hướng Bồng Sơn. Bảo Long cho thuyền của mình đuổi theo. Đến vùng bờ biển vắng vẻ, ông cho thuyền chạy nhanh hơn bắt kịp thuyền của Đại Chí rồi cặp sát vào. Ba tên lính nhanh chóng lặn xuống nước làm nhiệm vụ đục thuyền. Bọn thủy thủ trên thuyền Đại Chí thấy có thuyền của thủy quân bám theo sau lấy làm lạ liền báo cho hắn biết. Lúc chiếc thuyền thủy quân cặp sát mạn thuyền mình, Đại Chí lớn tiếng hỏi:

- Các vị quan nha làm gì vậy? Chúng tôi có làm gì sai phạm đâu, sao lại vô cớ chặn bắt chúng tôi?

Bảo Long tay cầm đao nhảy sang chỉ thẳng mặt Đại Chí quát:

- Trần Đại Chí! Ngươi dẫn bọn giặc Tàu vào làm loạn nước, lại nhẫn tâm giết hại gần bốn mươi nhân mạng hai nhà họ Võ và Trần vậy mà còn dám nói mình vô tội ư?

Đại Chí giật mình hỏi:

- Ngài là ai sao lại vô cớ vu khống chúng tôi như thế?

- Để ngươi chết được nhắm mắt ta sẽ nói cho ngươi biết, ta là cai đội Long ở Đại Chiêm, bạn của cai đội Võ Trụ. Ngươi cấu kết với tên Lý Văn Quang và Trương Phúc Loan giết hại cả hai nhà họ Võ và họ Trần đúng không?

Đại Chí nghe nói mặt biến sắc, nhưng hắn vẫn cố hỏi vặn lại:

- Ngài cai đội căn cứ vào đâu mà vu oan cho tôi như thế?

Lúc ấy, bọn thủy thủ trên thuyền nhốn nháo la lớn:

- Thuyền bị thủng rồi! Sư phụ, có kẻ lén đục đáy thuyền chúng ta.

Đại Chí thấy tình cảnh thì biết hôm nay lành ít dữ nhiều. Hắn rút kiếm ra, hét lớn:

- Ngươi vô cớ ỷ thế quan binh giết người vô tội, ta không nể nang nữa đâu!

Lúc đó Hồng Liệt và Văn Hiến từ trong khoang chiếc khinh thuyền bước ra. Hồng Liệt nói lớn:

- Đại Chí, còn nhớ ta không? Ta chính là người đã đấu với ngươi đêm hôm đó ở Trần gia. Ngươi đừng tưởng đeo mặt nạ giấu mặt là không ai nhận ra. Ngươi cấu kết với tên Trương Phúc Loan giết cả nhà Võ Trụ để chia chác mỏ vàng Kim Sơn. Tối qua, ngươi lại dẫn bọn giặc Tàu là Lê Huy Đức đến gặp Phúc Loan để chạy tội cho Lý Văn Quang. Bao nhiêu đó tội mà ngươi còn dám mở miệng nói là mình trong sạch sao?

Đại Chí nghe Hồng Liệt nói toạc những tội ác mình đã gây ra không sai một mảy may, trong lòng vô cùng hoảng sợ. Bất thần hắn vung kiếm tấn công Bảo Long hòng tìm đường thoát thân. Ánh kiếm lóe lên những ngôi sao bao trùm cả người đối phương. Bảo Long giật mình phóng người ra sau, múa đao bảo vệ khắp châu thân. Hồng Liệt nhìn thấy chiêu kiếm liền la lớn:

- Thất Tinh kiếm pháp! Dương huynh hãy cẩn thận! Đại Chí, thì ra ngươi làm chó săn cho giặc để học bài kiếm trấn sơn của Võ Đang này từ tên họ Lý ấy.

Xuất chiêu đầu đầy lợi thế, Đại Chí liền sấn người tới ra tiếp chiêu thứ hai, Thất tinh đoạn ngục. Bảy đốm tinh quang lại chớp ngời. Bảo Long hét lớn một tiếng, tung người lên cao thoát khỏi vùng kiếm ảnh rồi từ trên không, thanh đao trong tay ông chém nhanh xuống đầu Đại Chí. Thân pháp và đao pháp thật thần kỳ. Văn Hiến buột miệng khen:

- Tuyệt diệu! Đây là chiêu Thiểm điện bạt sơn trong Hoành Sơn đao pháp xứ Nghệ An. Chiêu đao này vừa đẹp mắt vừa có uy lực kinh người.

Ngay lập tức, Đại Chí dồn hết sức lực xuất chiêu Thất điểm hàn tinh công thẳng vào vùng đao ảnh của Bảo Long. Kiếm chiêu tuy lợi hại nhưng vì hắn mới học chưa được bao lâu nên uy lực còn kém xa Lý Văn Quang lúc giao đấu với Đoàn Phong dạo nọ. Tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát. Bảo Long dạt người ra đứng sát mũi thuyền, bộ quân phục trên người ông đã bị thủng nhiều lỗ lớn. Phần Đại Chí, một bên vai của hắn đã bị lưỡi đao chém trúng, máu tuôn ướt đẫm. Trong khi đó, chiếc thuyền đang chìm dần xuống biển. Bọn đệ tử trên thuyền lúc đầu còn lo cứu chữa, tát nước, sau thấy nước tràn vào nhanh quá nên đành bó tay. Chúng đứng trên boong thuyền theo dõi trận đấu.

Đại Chí lại hét lớn một tiếng, xuất tuyệt chiêu cuối quyết chết cùng địch thủ. Chiêu Mãn thiên tinh đẩu tỏa ra trăm ngàn điểm sáng bao trùm khắp người Bảo Long. Bảo Long cũng thét lớn một tiếng, thanh đao trong tay ông xoáy tròn như cơn lốc, đao ảnh mờ trời cuốn thẳng vào vùng kiếm quang của Đại Chí. Đó là tuyệt chiêu Cuồng phong tảo địa tối hậu trong Hoành Sơn đao pháp. Sau một tiếng la thất thanh, thân hình Đại Chí ngã xuống sàn thuyền, bụng hắn bị một đường đao chém thật sâu, máu phun trào hòa với nước biển đỏ lừ khắp một vùng. Hắn đã đền tội. Trên người Bảo Long lại bị thủng thêm mấy chỗ khá sâu nữa, máu theo đó tuôn ra không ngớt. Bọn đệ tử của Đại Chí thấy sư phụ bị thảm tử liền đồng loạt tấn công Bảo Long. Hồng Liệt từ bên chiếc khinh thuyền nhảy qua chặn bọn chúng lại và hét lớn:

- Đứng yên! Đại Chí một đời tạo ác, hắn chết là đáng đời. Nếu các ngươi chịu bỏ khí giới đầu hàng thì sẽ được tha mạng.

Tên đại đệ tử gào lên căm hờn:

- Các ngươi giết sư phụ ta, ta liều chết để trả thù cho người!

Nói xong, hắn tung kiếm tấn công Hồng Liệt. Hồng Liệt vận nội công, dùng lực đánh văng thanh kiếm trên tay hắn rơi xuống biển. Hắn sững người kinh ngạc rồi lại hung hãn rút thanh đoản kiếm giắt bên hông lao vào tấn công tiếp, miệng la lớn:

- Anh em hãy liều chết với bọn khốn kiếp này để trả thù cho sư phụ!