Én Liệng Truông Mây - Hồi 18 - Phần 3

Hồng Liệt xoay người, tay trái vỗ mạnh vào huyệt đản trung trước ngực hắn. Tên đại đệ tử trúng đòn “hự” lên một tiếng rồi ngã xuống. Những tên còn lại thấy vậy liền hùa nhau xông lên vung kiếm tấn công Hồng Liệt, trong khi đó Văn Hiến đã nhảy sang ôm Bảo Long trở về lại bên này. Hồng Liệt la lớn:

- Bọn ngu xuẩn các ngươi nếu muốn chết thì ở lại đây mà chết chung với sư phụ các ngươi. Còn tên nào muốn sống thì ném vũ khí đi rồi nhảy sang bên này.

Dứt lời, chàng tung người nhảy về thuyền của mình. Chiếc du thuyền của Đại Chí chìm dần. Một tên trong bọn vội ném thanh kiếm trên tay và nhảy theo Hồng Liệt. Tên đại đệ tử la lớn:

- Số Bốn ngươi...

Bọn đệ tử còn lại thật gan lì, cả chín tên cùng ngồi bên xác sư phụ mình chịu chết, nhất định không nhảy sang thuyền bên này. Văn Hiến than:

- Bọn chúng rất có tình có nghĩa. Những người như thế để chết đi thật là tội lỗi.

Nói xong, chàng tung người sang, hai tay nhanh chóng điểm lia lịa vào huyệt đạo của bọn chúng rồi vác từng tên ném sang thuyền bên này. Hồng Liệt cũng nhảy theo giúp Văn Hiến một tay. Bọn lính của Bảo Long đứng bên này đón những thân người nặng trịch được ném sang đặt xuống sàn. Khi hai người bế hai tên cuối cùng nhảy sang chiếc khinh thuyền thì chiếc du thuyền lớn đã chìm hẳn vào lòng biển cả, mang theo xác của Đại Chí. Bọn lính thủy cho thuyền quay đầu trở về cửa Đại Chiêm. Thuyền đi được một lúc, Văn Hiến thấy có con đường nhỏ thông lên vùng đồng bằng ở bờ cát liền bảo bọn lính thủy cho ghé vào. Chàng nói với đám đệ tử của Đại Chí:

- Các ngươi đi đi. Từ nay phải biết phân biệt thị phi, tốt xấu. Các ngươi còn tiếp tục làm bậy thì kết cuộc cũng sẽ y như sư phụ các ngươi mà thôi.

Xong chàng giải huyệt cho cả bọn. Chúng nhảy xuống nước và chạy lên bãi cát. Tên đại đệ tử chợt quay lại nói:

- Đa tạ!

Rồi cả bọn kéo nhau chạy thẳng một mạch, không thèm ngó ngàng gì tới tên Số Bốn. Tên Số Bốn cúi đầu bước từng bước nặng nhọc theo sau đồng bọn rồi cũng mất hút bên kia hàng cây. Hồng Liệt nói:

- Ngươi thả bọn chúng đi là đúng, có điều e rằng Dương huynh mai này tất sẽ gặp rắc rối.

Bảo Long lúc này đã được bọn lính băng bó các vết thương. Ông ngồi quan sát Văn Hiến thả bọn hung đảng đi và khi nghe những lời lo lắng của Hồng Liệt dành cho mình liền lên tiếng:

- Không hề gì. Gặp việc nên làm thì phải làm, đó mới là tính cách của những hiệp sĩ chân chính. Bảo Long tôi dù có gặp rắc rối gì cũng sẽ vui vẻ đón nhận. Mà tai họa dù lớn thế nào cũng không bằng được quen biết với những người bạn như Trương huynh và Đinh huynh đây.

Văn Hiến nói:

- Anh đúng là người bạn tốt. Võ Trụ huynh hẳn ngậm cười nơi chín suối.

***

Tên Số Bốn lặn lội quay trở lại phủ đệ của Phúc Loan để báo tin. Khi hắn được lính canh dẫn vào, vừa thấy hắn, Phúc Loan liền hỏi:

- Ngươi trở lại đây làm gì? Đại Chí đâu?

Tên Số Bốn run rẩy trả lời:

- Bẩm ngài ngoại tả, hôm qua trên đường trở về Bồng Sơn sư phụ đã bị nạn.

- Hắn gặp nạn à? Kể lại ta nghe.

Số Bốn thuật lại toàn bộ sự việc xảy ra xong hắn nói:

- Tên giết sư phụ của hạ dân chính là cai đội Long ở cửa Đại Chiêm. Còn hai tên kia hạ dân không biết là ai.

- Cai đội Long ở cửa Đại à? Thôi được, việc đó để ta lo.

Nói rồi ông quay sang đưa mắt ra hiệu cho tên vệ sĩ đang đứng sau lưng:

- Ngươi đưa hắn ra sau nghỉ ngơi đi. Lo cho hắn thật chu đáo nhé.

Tên vệ sĩ hiểu ý liền bước lại gần Số Bốn buông giọng cộc lốc:

- Theo ta!

Số Bốn cúi đầu chào Phúc Loan xong lẽo đẽo theo sau tên vệ sĩ. Ra đến bên ngoài, tên vệ sĩ đi chậm lại ngang hàng với Số Bốn. Chợt hắn hỏi bằng một giọng lạnh băng:

- Sư phụ ngươi chết trên biển à?

Số Bốn nghe lạnh sống lưng nên đáp nhỏ:

- Đúng vậy.

Bất ngờ tay phải tên vệ sĩ hóa cương đao chém một phát vừa nhanh vừa mạnh vào huyệt ngọc chẩm sau gáy của Số Bốn. Tên Số Bốn chưa kịp la lên tiếng nào, ngã nhào xuống chết ngay tại chỗ. Tên vệ sĩ nhìn xác Số Bốn nói:

- Đại Chí có vẻ tin dùng ngươi lắm, ngươi nên theo hắn xuống long phủ cho trọn tình thầy trò.

Rồi hắn chu miệng huýt sáo, ngay tức thì có hai tên từ trong bóng tối chạy lại, hắn nói:

- Thả xuống sông!

Hai tên kia “dạ” một tiếng rồi kéo xác Số Bốn đi.

Tên vệ sĩ trở vào nội phủ nói với Phúc Loan:

- Xong rồi.

Phúc Loan gật đầu, vẻ mặt thản nhiên như không có gì xảy ra. Đối với ông ta, việc vắt chanh bỏ vỏ là chuyện rất bình thường. Ông ngã người ra chiếc ghế lớn, lim dim đôi mắt cáo, lẩm bẩm một mình:

- Bọn chúng biết khá nhiều việc, sống đến bây giờ cũng đủ lắm rồi. Ta phải cảm ơn cái tên cai đội Long đó, nhưng hắn cũng đã đến lúc phải về vườn để nhường cái cửa Đại béo bở lại cho người của ta kiểm soát rồi. Các nguồn thuế của các cửa biển phải chảy vào túi của ta tất.

Nụ cười thỏa mãn nở trên môi, ông ta tiếp tục lẩm bẩm:

- Còn vụ Lý Văn Quang mới đúng là miếng mồi ngon trước giờ hiếm có. Ngặt nỗi tên khốn Tôn Thất Dục cứ nhất định làm kỳ đà cản mũi. Phải làm sao nắm chắc Vương thượng trong tay thì thằng con rể vô thiên này có tài trời mới dám chống đối. Hà! Vương thượng là người ham vui, háo sắc, nếu ta cho ngài gặp mặt Ngọc Cầu chắc hẳn là ngài sẽ mê mẩn quên mất trời trăng bởi nhan sắc chim sa cá lặn của nó. Nếu việc này thành sự, chừng đó ta nói gì ngài lại không nghe? Ta muốn gì lại không được chứ? Chúa đã loạn luân rồi thì còn mặt mũi nào mà kháng cự? Ha ha...

Công nữ Ngọc Cầu là con gái của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền, em ruột của Chúa Nguyễn Phúc Chú. Theo mối quan hệ gia đình thì Võ vương là anh con bác và Ngọc Cầu là em con chú. Ngọc Cầu từ bé đã rất xinh đẹp, Phúc Loan thương lắm nên nhận làm con nuôi, lớn lên nhan sắc của nàng càng lộng lẫy mê hồn, đúng với bốn chữ “thiên kiều bá mỵ” vì trong nét đẹp mê hồn kia có phảng phất một chút lẳng lơ và khêu gợi. Phúc Loan là con cáo già chính trị, trong ba mươi sáu kế thì “mỹ nhân kế” đối với ông vẫn là hữu dụng nhất. Trước nay với Võ vương, ông đã sử dụng loại vũ khí này hết sức thành công.

Hôm đó, Phúc Loan mượn cớ chúc thọ lần thứ hai mươi tám của Võ vương đưa Ngọc Cầu vào cung. Đúng như ý đồ của Phúc Loan, Võ vương đã sững sờ kinh ngạc trước nét đẹp của cô em họ mình. Ngọc Cầu ngoài nhan sắc, nàng còn có một giọng nói êm ái pha chút lẳng lơ. Võ vương nói chuyện với nàng mà thần trí cứ như bay bổng trên mây. Vương âm thầm đem tất cả các bà phi, cung nữ trong cung ra so sánh nhưng quả không một ai có thể sánh bằng cô em gái của mình. Trong lòng Vương bỗng dấy lên một cảm giác rạo rực khó tả. Riêng Ngọc Cầu, khi thấy cảnh cung điện lộng lẫy, còn vua và hoàng hậu thì quyền uy tột đỉnh, lòng nàng chợt nảy sinh sự khát khao quyền lực.

Vài ngày sau đó, Phúc Loan lại viện lý do khác để đưa Ngọc Cầu vào cung thăm Võ vương. Ngọc Cầu bắt đầu có những động tác khêu gợi hết sức kín đáo để thu hút sự chú ý của anh họ mình. Nguyễn Phúc Khoát vốn háo sắc nên đã rơi ngay vào bẫy của Ngọc Cầu và Phúc Loan. Rồi việc vào cung của Ngọc Cầu trở nên thường xuyên hơn. Phúc Loan thường tạo cơ hội để cho hai người tâm tình riêng với nhau. Lửa gần rơm lâu ngày cũng phải cháy, trai phong tình gặp gái lẳng lơ thì càng bùng cháy mạnh mẽ hơn. Dưới sự sắp đặt của Phúc Loan, cung Trường Lạc dần dà trở thành nơi hẹn hò vụng trộm của đôi tình nhân anh em chú bác này. Mối tình loạn luân ấy đã khiến cho rất nhiều vị quan trong triều phản đối nhưng chẳng ai can gián được. Họ đem mọi tội lỗi trút lên đầu Trương Phúc Loan nhưng quyền hành của ông ta ngày một lớn, mọi người cũng đành phải cố ý lờ đi cho im chuyện.

Cũng từ đó, nàng Ngọc Cầu vừa kiều diễm, vừa biết cách chiều chuộng đã được Võ vương phong làm Vương phi và sủng ái hết mực. Võ vương càng lúc càng tin dùng Phúc Loan hơn, giao hết vương quyền cho ông ta nắm giữ để được rảnh rang mà suốt ngày ôm ấp, đắm chìm trong trụy lạc cùng em gái mình nơi cung Trường Lạc.

***

Khoảng một tháng sau ngày Dung Dung ghé thăm, thuyền của Bạch Mai từ Giản Phố ra cửa Hàn chuẩn bị đón bọn trẻ. Mọi người ai nấy đều vui mừng khi gặp lại Bạch Mai nhưng khi nghĩ đến chuyện sắp phải chia xa, bọn trẻ trở nên ỉu xìu buồn bã. Tối đó, Hồng Liệt đem chuyện Văn Hiến muốn ngỏ lời cầu hôn Hiền Nhi nói cho Bạch Mai biết. Nàng mừng rỡ reo lên:

- Việc này đúng là đại hỉ cho cả nhà đấy. Ý Hiền Nhi thế nào? Muội biết nó cũng thương anh hai lắm.

Hồng Liệt nói:

- Huynh cũng biết vậy, nhưng nó nói anh hai chỉ thương Dung Dung thôi. Nó nhất định không chịu. Bây giờ Dung Dung đã dứt khoát đi tu thì việc ắt sẽ thành thôi. Có điều cũng phải nhờ Bạch muội nói giúp vài lời động viên cho nó khỏi thẹn.

- Được, cứ để muội lo cho. Sẽ tốt đẹp cả thôi.

Sáng hôm sau, bỗng dưng Văn Hiến cưỡi con Ô Truy đến trại. Hơn một năm mới gặp lại, bọn trẻ nhảy cẫng lên vì vui mừng, chỉ có Hiền Nhi là miễn cưỡng chào anh hai rồi đỏ mặt tìm cách lẩn tránh ra sau vườn. Đêm qua sau khi nói chuyện với Hồng Liệt xong, Bạch Mai tìm Hiền Nhi tâm sự đến khuya. Mà chuyện lại toàn đá động đến anh hai nên Hiền Nhi đã có linh cảm gì đó rồi. Giờ anh hai đột ngột xuất hiện sau một thời gian dài vắng mặt, nàng thật không biết phải diễn tả sao cho rõ cảm xúc của mình nữa, chỉ thấy đầu óc lùng bùng trống rỗng, mọi cử chỉ, hành động trở nên vụng về thừa thãi. Nàng đang ngồi một mình bất động thì có tiếng Văn Hiến gọi từ sau lưng:

- Hiền Nhi!

Nàng co rúm người lại lí nhí:

- Dạ, anh hai...

Văn Hiến bước đến ngồi bên cạnh nàng. Lúc này, Hiền Nhi chỉ ước sao mình có thể tan biến đi để khỏi phải nghe những gì anh hai sắp nói. Nhưng Văn Hiến đã lên tiếng:

- Anh có chuyện muốn nói với em.

- Anh hai nói đi.

- Em quay lại đây.

- Anh hai nói đi, em đang nghe mà.

- Không, em quay lại anh mới nói được.

Hiền Nhi không biết phải làm sao đành quay lại. Nàng cúi đầu xuống không dám nhìn thẳng vào Văn Hiến.

- Em ngẩng lên đi!

Nghe yêu cầu của Văn Hiến, nàng vừa dạ vừa ngẩng đầu lên như một cái máy.

Văn Hiến cầm tay Hiền Nhi. Bàn tay nàng chợt trở nên lạnh ngắt và không ngớt run rẩy trong tay chàng. Văn Hiến nhìn sâu vào mắt nàng, giọng hết sức thành khẩn:

- Anh muốn ngỏ lời cầu hôn với em. Mong em chấp thuận.

Tự dưng Hiền Nhi bật lên khóc nức nở, hai dòng lệ chảy dài trên má. Văn Hiến lấy khăn vừa lau nước mắt cho nàng vừa hỏi:

- Em đồng ý chứ Hiền Nhi?

Nàng cúi đầu xuống tiếp tục khóc. Văn Hiến ngồi yên nhìn nàng. Phải mất một khoảng thời gian rất lâu sau chàng mới nhẹ nhàng nhắc nhỏ:

- Em trả lời đi.

Hiền Nhi lí nhí:

- Dạ.

Rồi nàng đứng lên, giật tay ra khỏi bàn tay đang nắm của Văn Hiến, chạy thật nhanh vào phòng đóng cửa lại. Chàng nhìn theo mỉm cười. Hồng Liệt và Bạch Mai từ trong nhà bước ra vỗ tay nói:

- Chúc mừng, chúc mừng! Ngươi định chừng nào làm đám cưới?

Văn Hiến đáp:

- Bảy ngày nữa được không? Ngày tốt của tháng này đó. Ta muốn bọn nhỏ dự đám cưới xong rồi mới vào Giản Phố theo Bạch muội.

Hồng Liệt cười:

- Được chứ!

- Mai bảo Việt Nhi mang thư mời mấy người bạn thân của chúng ta là được rồi.

Bạch Mai nói:

- Ngày mai muội sẽ đưa Hiền Nhi đi Hội An sắm đồ cưới. Sư huynh chuẩn bị những thứ khác nhé?

Hồng Liệt gật đầu:

- Được. Huynh đã chuẩn bị hết rồi. Cả việc dựng một gian nhà mới cho đôi uyên ương nữa.

- Vậy ra các huynh đã tính trước mọi chuyện rồi phải không?

- Cũng nhờ có sư muội nói giúp vài tiếng mới thành được đấy.

Văn Hiến mỉm cười:

- Cảm ơn bà mai nhé. Sẽ dành cho bà mai một cái đầu heo lớn.

Bạch Mai xua tay:

- Thôi thôi! Cái đầu heo đó để cho các huynh làm món nhắm uống rượu mừng đi. Muội không ham đâu.

***

Đám cưới tổ chức tuy đơn giản nhưng đầy đủ lễ nghi nên rất long trọng. Quan nội hữu Trương Văn Hạnh và Tôn Thất Dục là hai đại diện của hai họ đàng trai, đàng gái; tất cả bạn bè thân hữu của Văn Hiến và Hồng Liệt, cả Hữu Dụng, Đỗ Trọng ở Quy Nhơn đều về tham dự. Sau những nghi thức cổ truyền, những ly rượu mừng tân hôn được rót không ngừng. Mọi người bên ngoài vui vẻ gần trọn đêm, trong phòng hoa chúc hương tình nồng thắm không kể xiết. Uống xong ly rượu giao bôi, Hiền Nhi lấy hộp quà hôm trước Dung Dung tặng cho nàng đưa cho Văn Hiến xem rồi nói:

- Món quà này Dung tỷ tặng hôm nọ, dặn em đêm tân hôn mới được mở ra. Giờ em mở ra nhé?

Văn Hiến mỉm cười:

- Ừ, em mở đi.

Hiền Nhi cẩn thận mở chiếc hộp. Bên trong có hai chiếc nhẫn, một chiếc có khắc chữ “bách” còn chiếc kia khắc chữ “niên” cùng một xâu chuỗi ngọc bích, hai chiếc hoa tai khảm ngọc và một chiếc trâm vàng. Bên dưới có thêm mảnh giấy nhỏ với dòng chữ:“Chúc vợ chồng Hiền Nhi bách niên giai lão”. Hiền Nhi cầm mảnh giấy nhìn Văn Hiến nói:

- Dung tỷ thật tốt. Chúng ta đeo hai chiếc nhẫn này để trăm năm nhớ tới chị ấy nhé?

- Em không sợ những vật này gợi lại hình ảnh của Dung Dung trong lòng anh sao?

Hiền Nhi lắc đầu:

- Tại sao em phải sợ chứ? Em còn muốn chúng ta phải luôn nhớ đến chị ấy. Còn nhớ cách nào thì tùy ở lòng anh hai. Em không ghen đâu.

Văn Hiến cầm tay nàng nói nhỏ:

- Em thật là người phụ nữ tốt bụng. Tâm hồn của em đẹp hơn hết mọi vẻ đẹp trên đời này. Anh yêu nét đẹp đó.

Hiền Nhi e thẹn cúi đầu lí nhí:

- Em tin lời anh.

Rồi nàng ngẩng lên nói:

- Dung tỷ tặng đôi nhẫn cưới này để chúng ta cùng đeo. Anh đeo vào cho em đi, em sẽ đeo cho anh.

Văn Hiến đeo chiếc nhẫn có chữ niên vào tay nàng, sau đó lại đeo xâu chuỗi ngọc, đôi hoa tai và cài chiếc trâm vàng lên tóc. Chàng lui lại ngắm nàng một lúc rồi tặc lưỡi:

- Vợ của anh đẹp ngoài sức tưởng tượng của anh rồi.

Hiền Nhi làm bộ ngúng ngẩy:

- Vậy là em chỉ đẹp nhờ vào mấy món đồ trang sức này của Dung tỷ phải không?

Văn Hiến hoảng hốt xua tay:

- Đâu có, đâu có! Em đừng hiểu lầm.

Hiền Nhi mỉm cười:

- Em đùa thôi. Em ghét giấm chua lắm, chả bao giờ ăn nó đâu. Anh hai đưa tay đây em đeo nhẫn cho.

- Vậy mà làm anh sợ hết hồn.

Chàng đưa tay cho nàng đeo chiếc nhẫn chữ bách vào. Họ là anh em từ lúc Hiền Nhi còn bé. Sự thân mật đã có từ lâu, nay thành vợ chồng, sau giây phút e thẹn ban đầu, sự thân thiết xưa trở lại càng làm cho hương vị ái ân của đêm tân hôn thêm nồng thắm.

***

Buổi trà sáng hôm sau mọi người hãy còn ngây ngấy vì men rượu, riêng chú rể Trương Văn Hiến, trên nét mặt phảng phất cả chút men tình. Sau khi Hữu Dụng và Đỗ Trọng từ biệt ra về, Trương Văn Hạnh nói với Văn Hiến:

- Người xưa vẫn mong đạt đại đăng khoa (đỗ khoa bảng) trước rồi mới nghĩ đến chuyện tiểu đăng khoa (lập gia thất) sau. Chú vì không thích công danh ràng buộc nên chẳng màng đến khoa bảng, bỏ chuyện đại đăng khoa để thành toàn việc tiểu đăng khoa. Mỗi người mỗi chí hướng khác nhau nên anh cũng xin chúc mừng chú. Duy có điều lúc này xã tắc sắp lâm nguy, mong chú đem tài năng của mình ra giúp nước, vừa khỏi uổng phí tài trai lại vừa tạo phúc cho đồng bào. Chú nghĩ sao?

Văn Hiến nói:

- Em cũng đã nghĩ đến việc ấy, có điều anh cho em thêm một thời gian nữa. Nhưng nói trước, em chỉ giúp anh với tư cách một người thân. Em không muốn bị ràng buộc bởi chức tước.

- Chú thật giống thúc phụ lúc xưa, coi quan tước như sợi dây trói mình vậy. Không sao, anh lúc nào cũng mong có chú bên cạnh giúp sức, càng sớm càng tốt. Nói ra e đụng chạm đến Dục huynh đây nhưng tình thế hôm nay phủ Chúa thật đã lâm nguy vì nạn cường thần rồi.

Tôn Thất Dục nói:

- Nội hữu không cần phải e ngại. Bản thân tôi cũng là người kịch liệt chống đối với quan ngoại tả mà.

- Tôi biết và rất kính phục Dục huynh đã vì an nguy của phủ Chúa mà bất chấp cả tình thân.

Tôn Thất Dục cười chua chát:

- Ngày xưa vì muốn lôi kéo tôi nên ngoại tả mới cậy vương thượng tứ hôn. Tôi vì bị ép buộc nên mới gọi ông ta là nhạc phụ. Gần đây, tôi đã trả con gái ông ta về nhà rồi. Tình nghĩa giữa chúng tôi coi như chấm dứt.

Mọi người nghe nói đều tỏ vẻ ngạc nhiên. Văn Hạnh hỏi:

- Căng thẳng đến mức đó sao?

Tôn Thất Dục đáp:

- Vụ đề cử người quản lý mỏ vàng Kim Sơn vì vương thượng nghe lời ngoại tả nên tôi đành bó tay. Nhưng giữa hai chúng tôi từ đó cũng đã trở thành thế nước với lửa. Tên Trịnh Tham mới về thay Võ Trụ ấy trước sau gì tôi cũng tống vào ngục.

Văn Hạnh thở dài than:

- Bây giờ thế lực trong triều tám phần mười đã rơi vào tay ngoại tả, chỉ còn lại vài người như Dục huynh và tôi đứng lẻ loi bên phe đối lập. Tiếc rằng vương thượng ngày một tin dùng ngoại tả đến độ không ai khuyên ngăn nổi. E chúng ta sẽ gặp nguy hiểm không chừng.

Tôn Thất Dục tỏ vẻ cương quyết:

- Tôi dù chết cũng sẽ chống đối ông ta đến cùng. Chúng ta phải đoàn kết lại nếu không cơ nghiệp gần hai trăm năm của phủ Chúa sẽ sụp đổ vì tên gian thần này. Nội hữu chắc cũng thấy như vậy phải không?

- Vâng. Duy có điều các quan trong triều đa phần chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình, ít người chịu lo cho đại cuộc. Ngoại tả lại dung túng cho những kẻ đứng về phía ông ta mặc sức vơ vét của công và của dân, do vậy mà mười người hết tám chín sẵn sàng lòn cúi dưới trướng ông ta để có cơ hội làm giàu cho riêng mình.

- Bọn thủ hạ tay chân chúng ta còn có thể loại trừ, cái khó lớn nhất là vương thượng. Người đã bị Phúc Loan dụ dỗ mê hoặc đắm chìm vào mỹ sắc, không nghe lời can gián của bất kỳ ai. Nội hữu có thấy quan hệ của người với công nữ Ngọc Cầu không?

- Có. Đó là đòn thâm độc nhất của Phúc Loan. Vương thượng sa vào bẫy này kể như đã nằm gọn trong lòng bàn tay của ông ta rồi. Khi sự việc mới bắt đầu, có lần tôi đã khuyên ngăn vương thượng nhưng thất bại, suýt nữa còn bị trách phạt. Nhan sắc của Ngọc Cầu đã khiến cho vương thượng quên cả luân thường, suốt ngày đắm chìm trong cung Trường Lạc. Chuyện loạn luân này nếu truyền ra bên ngoài, thiên hạ sẽ đại loạn. Đáng buồn thay!

Đoàn Phong nghe đến đây bèn lên tiếng:

- Tình cảnh phủ Chúa lúc này đã giống hệt thời Trịnh Cương, Trịnh Giang ở Đàng Ngoài. Nếu không ngăn chặn kịp thời e rằng dân chúng Đàng Trong cũng sẽ điêu linh, đói khổ như ngoài đó.

Tôn Thất Dục nhìn Đoàn Phong hỏi:

- Anh định theo gương Lê Duy Mật làm một vụ đốt Phủ Liêu thứ hai chăng?

- Nếu như Dục thúc thấy đó là thượng sách, cháu luôn sẵn lòng.

Ngô Mãnh cũng lên tiếng:

- Cả hạ chức nữa!

Đại Bằng tiếp lời:

- Ba anh em chúng tôi nguyện giúp một tay.

Tôn Thất Dục mừng rỡ:

- Tốt lắm! Trương huynh nghĩ sao?

Trương Văn Hạnh nói:

- Nên lắm, nhưng phải hết sức thận trọng. Trong triều bây giờ tai mắt của Phúc Loan khắp nơi, tại tư dinh cao thủ cũng rất nhiều. Binh quyền Phú Xuân đều nằm trong tay đám thủ hạ tin cẩn của ông ta. Các vệ thân binh trong tử cấm thành thì do hai người con trai của ông ta là phò mã Phúc Thăng và phò mã Phúc Nhạc nắm giữ, còn các doanh cấm binh của kinh thành thì nằm trong tay của phò mã Nguyễn Cửu Thống, thủ hạ tin cẩn nhất của ông ta. Với thế lực ấy, nếu chưa nắm chắc thời cơ, chưa đủ lực thì không nên vọng động. Sự thất bại của hoàng thúc Lê Duy Mật đã để lại cho chúng ta một bài học quí giá vô cùng.

Mọi người ngồi im lặng như cố đè nén sự căm tức trong lòng mình. Hồng Liệt chợt hỏi:

- Vụ Lý Văn Quang xử thế nào, thưa Dục thúc?

Thất Dục đáp:

- Vương thượng vẫn chưa có quyết định rõ ràng. Tạm thời chúng ta cứ giam chúng lại. Nhưng tôi lo rằng vương thượng sẽ trả chúng về cho Thanh triều xét xử. Từ lâu, Đại Việt ta vẫn làm như thế đối với người Trung Hoa.

Hồng Liệt tỏ vẻ bất bình:

- Chúng làm loạn, giết cả đại quan của chúng ta, làm chết bao nhiêu người dân vô tội mà không xử chết thì thật là bất công!

- Đành vậy! Đó số phận của những nước nhỏ như chúng ta. Hồng Liệt nói:

- Hôm trước cháu và Văn Hiến đã phát hiện bọn thuộc hạ của tổng đốc Phúc Kiến và Quảng Đông sang lo lót cho Phúc Loan để xin giải giao vụ án này về cho Thanh triều xét xử. Món quà sơ giao thôi mà đã là mười viên minh châu sáng chói. Chúng hứa thành việc sẽ đền ơn gấp mười lần như thế. Bấy nay, Dục thúc thấy Phúc Loan có động tịnh gì không?

Tôn Thất Dục gật gù:

- Thì ra là thế! Thảo nào có lần vương thượng bảo ta nên suy tính xem có nên giao vụ án này về cho Thanh triều xử không. Thì ra là do tác động từ ông ta. Tên gian thần này túi tham quả không có đáy.

Văn Hạnh hỏi:

- Dục huynh trả lời vương thượng thế nào?

- Tôi xin vương thượng cho tôi thêm thời gian để suy xét, viện lý do là nếu dễ dãi quá bọn ngoại quốc sẽ được thể làm càn.

- Phải lắm! Tôi sẽ đứng về phía Dục huynh phản đối việc này. Vụ tạo phản này nếu không xử tử thì cũng phải tù chung thân mới hợp lẽ.