Én Liệng Truông Mây - Hồi 19 - Phần 2

Nguyễn thị biết con mình là đứa ham mê võ nghệ hơn học chữ nhưng lại sợ sau này nó sẽ trở thành kẻ hung đồ giết người vô tội nên rất lo lắng. Bà khuyên răn:

- Võ giỏi mà chỉ dùng nó để hại người thì thà đừng biết võ con ạ. Phải biết dùng nó để giúp người, giúp đời, đó mới là điều mà mẹ mong muốn. Con có làm được như vậy không?

Lía nghe giọng nói hết sức tha thiết của mẹ thì rưng rưng nước mắt nói:

- Con biết mẹ lúc nào cũng lo con trở thành đứa ngỗ nghịch, hung tàn. Con hứa với mẹ sẽ làm đúng những gì mẹ đã dạy. Mẹ đừng buồn nữa. Con sẽ noi gương của cha làm người tốt mà.

Nguyễn thị đưa bàn tay gầy gò xoa đầu con mà xót thương cho số phận hẩm hiu của nó. Bà âu yếm nói:

- Mẹ tin là con sẽ làm được.

Hôm sau, Lía tìm đến những nhà giàu có trong vùng để xin làm việc. Nó tự nhủ trong lòng là làm việc gì cũng được, miễn có cái ăn cho cả hai mẹ con, nhưng đi khắp nơi vẫn không nhà nào chịu nhận. Họ viện đủ lí do để từ chối, nào là đang thời buổi khó khăn, hạn hán mất mùa... Nó biết những lí do đó chỉ là phần nào thôi, cái chính là trong thời gian qua nó đã gây nên biết bao điều tiếng, nào đánh lộn, ăn cắp... nên không ai dám chứa nó. Thế là nó đành thất thểu trở về, vừa đi vừa buồn, vừa tủi, vừa giận. Nó rất muốn làm người tốt như đã hứa với mẹ để bà vui lòng nhưng không ai cho nó cơ hội. Nó chán nản kể lại cho mẹ nghe, Nguyễn thị an ủi:

- Con đừng vội nản chí. Ngoài kia còn bao nhiêu việc khó nhọc hơn đang chờ đợi con. Làm người phải biết kiên trì, có công mài sắt có ngày nên kim. Cha con ngày xưa chỉ dựa vào một lời dạy của nội con mà đã vượt được mọi khó khăn để đứng vững thành người hữu dụng.

Lía hỏi ngay:

- Nội dạy cha điều gì vậy mẹ?

- Đó là: “Dù gặp hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng đừng để ngã quị, rồi có lúc con sẽ đứng thẳng lên được”.

Lía lẩm nhẩm lại câu nói của mẹ hai ba lần rồi nói bằng giọng rất cương quyết:

- Con sẽ đứng vững như nội và cha. Con hứa.

- Mẹ biết con sẽ đứng vững được.

- Cảm ơn mẹ đã tin con.

Hôm sau Lía lại đi xin việc. Nó lặn lội đến các thôn xa hơn bên vùng hữu ngạn sông Côn nhưng cũng không ai nhận nên đành rầu rĩ trở về. Bụng đói cồn cào, nhìn thấy cây đu đủ trĩu quả trong vườn nhà kia, nó thèm nhỏ dãi nhưng nhớ lời hứa với mẹ nên nó nhất định quay mặt bước đi. Cũng may ở nhà mẹ nó còn để lại hai trái chuối, ít cơm và mấy con khô của mẹ thằng Nhạc cho bữa trước. Nó đói lắm cũng chỉ dám ăn một ít lót lòng rồi uống nước vào cho no. Nó vỗ bụng, lầm bầm trong miệng “uống nhiều nước vào, cứt nổi lên sẽ có cảm giác no chớ gì”.

Nguyễn thị lại an ủi con. Tuy bà khuyên con mình đừng nản chí nhưng trong thâm tâm bà đã vô cùng tuyệt vọng. Bà biết bà không còn đủ sức để vượt qua căn bệnh này, con bà thì bất tài vô tướng, lại nổi tiếng phá phách nên bà con trong vùng không ai dám chứa. Nhìn đứa con duy nhất lủi thủi ra vườn tập nhảy mà lòng đau như cắt, lệ nhỏ ròng ròng. Lía biết mẹ không nói gì nhưng trong lòng rất buồn, nó chán nản muốn tập luyện cú nhảy cá lóc của nó nhưng không nhảy nổi lên khỏi hố. Nó ngồi bên mép hố ngơ ngẩn xuất thần. Bỗng có tiếng thằng Bưu gọi:

- Lía! Mày làm gì đó? Đi coi hát bộ đi. Tối nay ở bến Trường Trầu có gánh hát Tứ Linh về hát đó.

Lía giật mình quay lại. Thằng Bưu và thằng Sứt đang hối hả đi tới. Nó thích nhất coi hát bội, nghe thằng Bưu nói, mọi buồn phiền liền biến mất. Nó vồ vập:

- Thật hả? Để tao vào xin mẹ tao đã.

Nó chạy vào trong thưa với mẹ:

- Con đi xuống bến Trường Trầu coi hát bộ nha mẹ. Tan hát con về liền. Mẹ ở nhà ngủ đi nghen.

- Ừ con đi đi. Nhớ về sớm nghen con. Không được đánh lộn. Gánh nào hát vậy?

- Dạ, thằng Bưu nói gánh của Tứ Linh.

Ba thằng liền chạy một mạch xuống bến Trường Trầu. Bến này nằm bên bờ phải sông Côn ở thôn Kiên Mỹ, cách Phú Lạc chừng bốn năm dặm gì đó. Khi ba đứa đến nơi mặt trời cũng vừa lặn sau dãy núi Hòn Sưng. Gánh hát đã trang hoàng sân khấu xong xuôi, tiếng kèn trống dạo thử vang xa cả dặm. Ở những nơi xa xôi thế này, mỗi lần gánh hát bội về là y như một ngày hội lớn. Bà con cả mấy thôn bên kia sông như Phú Phong, Trinh Tường cũng rủ nhau sang coi hát đông như kiến. Nhiều người ở tận dưới vùng An Thái cũng chịu khó lên coi. Sân khấu được dựng trên một khu đất trống, chung quanh có làm hàng rào che kín, chỉ chừa một cửa nhỏ để bán vé. Người lớn đi coi hát còn mua vé chứ đám con nít mười đứa hết chín đều chui rào coi ké, chỉ có những đứa con nhà giàu mới đi theo cha mẹ vào cửa đàng hoàng. Chờ đến khi tuồng bắt đầu diễn thì đám con nít mới chui vào. Lúc đó những người canh gác đã lơ là việc kiểm soát vì họ đã bán vé xong rồi, với lại lúc tuồng đang diễn, họ không muốn xua đuổi lũ nhỏ gây ồn ào. Vì vậy lúc còn sớm, bọn con nít thường tụ lại từng đám chơi đùa với nhau, có khi gây lộn đánh nhau túi bụi là chuyện thường. Mà chuyện ẩu đả nhau hầu hết là do sự khích bác giữa xóm này với xóm kia, thôn này với thôn nọ.

Lúc bọn nhỏ thôn Phú Lạc của Lía đang tụ lại với nhau thì thằng Đằng ở đâu dẫn theo mấy đứa nhỏ khác ở thôn An Thái bên kia sông Côn tới. Đằng hỏi:

- Thằng Nhạc đâu, ra đây! Mày dám đánh với tao trận nữa không?

Thằng Nhạc tách nhóm bước ra nói:

- Hôm trước cha tao biết tao đánh lộn với mày đã la tao một trận. Tao không đánh với mày nữa.

- Sao? Cha mày cũng biết sợ cha tao rồi phải không?

- Cha tao không sợ. Cha tao chỉ nói đừng đụng vào nhà mày vậy thôi.

- Biết vậy là tốt đó con. Còn mày? Mày có võ ngon lắm mà, tao thách đấu lại với mày đó.

- Tao học võ để cho khỏe chứ không phải để đánh lộn. Tao không đánh.

Thằng Đằng sấn tới:

- Mày không đánh tao cũng đánh mày. Mày tưởng chuyện ở bờ sông như vậy là xong hả?

Nói xong, nó xô thằng Nhạc một cái bật lùi mấy bước. Thằng Sứt vội lên tiếng:

- Thằng Nhạc không muốn đánh thì thôi sao mày lại ép nó phải đánh? Mày lớn hơn nó nhiều mà Đằng.

Thằng Đằng đưa tay xô thằng Sứt qua một bên gắt:

- Mắc mớ gì tới mày! Muốn ăn đấm nữa hả con? Tao phải trả thù hai cú đấm hôm trước, mày nói nữa tao đấm mày luôn đó.

Thằng Sứt xoay sang Lía năn nỉ:

- Lía, mày nói thằng Đằng một tiếng đi. Thằng Nhạc đâu có muốn gây chuyện với nó.

Lía nghĩ đến việc mẹ thằng Nhạc đã giúp đỡ mẹ mình trong cơn đói khát nên liền bước ra bênh vực:

- Đằng! Thằng Nhạc nhỏ hơn mày, nó sợ không dám đánh với mày thì thôi, mày ép nó làm gì?

Thằng Đằng thấy Lía nói vào, nó quay lại nhìn ba thằng bạn An Thái của nó xong quay lại nói:

- Tao không đụng tới mày, đừng xí vào chuyện của tao!

- Mẹ thằng Nhạc giúp mẹ tao khỏi chết đói, tao phải giúp nó. Mày muốn đánh nó thì cứ đánh tao đây nè.

Thằng lớn nhất trong ba đứa bạn An Thái của thằng Đằng bước tới nói:

- Mày ngon quá há? Tao sẽ đánh với mày.

- Tao đã hứa với mẹ tao là không đánh lộn nữa. Tao không đánh với mày. Thằng Đằng muốn đánh thằng Nhạc trả thù hai cú đấm thì cứ đánh tao là được. Tao không đánh lại, cũng không né tránh.

Nói xong Lía đứng buông tay trước mặt thằng Đằng tỏ vẻ không kháng cự. Thằng Đằng thấy vậy hơi ngán nên tự động lùi lại một bước. Thằng bạn An Thái lúc nãy nói:

- Mày tính làm anh hùng hả con? Được! Để tao đánh thay thằng Đằng.

Lía lên tiếng:

- Đứa nào cũng được, nhưng đánh tao xong là coi như chuyện thằng Nhạc đã giải quyết, từ nay không được đánh nó nữa. Đằng, mày chịu không?

Thằng Nhạc níu tay Lía:

- Mày không đánh lại cũng được nhưng phải né chứ? Thằng kia to như vậy nó đánh mày chết đó.

Lía nói:

- Không sao, tao chịu đựng được. Cho xong chuyện này đi cho rồi.

Thằng Đằng nhìn thằng bạn An Thái của nó hỏi ý. Thằng An Thái gật đầu. Đằng nói với Lía:

- Được!

Thằng An Thái bước tới không nói một tiếng nào, đấm một cú thật mạnh vào mặt Lía. Thằng này chắc có võ, cú đấm rất đúng kỹ thuật. Lía không đỡ mà cũng không né tránh như đã hứa, nó lãnh trọn cú đấm vào ngay giữa mặt nên máu mũi phụt ra. Nó nghiến răng chịu đựng nói:

- Một cú nữa.

Thằng An Thái thấy sự gan lì của Lía cũng hơi ngán nhưng vẫn không chùng tay, nó gồng lên hết sức mình và đấm vào màng tang của Lía một cú nữa. Lía có cảm giác mắt mình như nổ đom đóm, tai kêu o o không ngớt. Nhưng nó vẫn cố gắng chịu đựng, đứng yên không nhúc nhích và nói lớn:

- Đấm đủ rồi. Tụi bay đi đi.

Thằng Đằng nghe giọng nói biết thằng Lía đang giận lắm, tuy nó có ba thằng bạn An Thái nhưng thấy tướng thằng Lía đứng lẫm liệt, nước da ngăm đen của Lía dưới ánh trăng trông như pho tượng hộ pháp trong chùa thì trong lòng phát khiếp. Hơn nữa đã hứa với nhau rồi nên nó nhìn thằng Nhạc nói:

- Tha cho mày lần này đó con.

Rồi ra dấu cho ba đứa bạn bỏ đi. Thằng Nhạc hỏi Lía:

- Mày có sao không Lía? Tao biết hai cú đấm đó mạnh lắm. Thằng đó là Sáu Lù, con võ sư Quách Tử Lương ở lò võ An Thái. Máu mũi của mày chảy ra nhiều quá kìa.

Lía đưa vội bàn tay lên bịt tai để ngăn những tiếng o o lại rồi nói:

- Tao không sao. Thằng khốn đó đấm mạnh thiệt. Phải nó gặp tao trước khi tao hứa với mẹ thì hay biết mấy.

Sứt tìm đâu được miếng vải đưa cho Lía:

- Mày chùi máu đi. Thôi tụi mình vào coi hát, tuồng diễn nãy giờ rồi đó.

Thằng Nhạc nói:

- Cảm ơn mày nghen Lía. Đêm nay thằng Đằng dẫn bọn An Thái tới là tính ăn thua đủ với tao. Không có mày đỡ, chắc tao bị no đòn rồi. Thằng khốn đó cũng dân Phú Lạc mà lại đi chơi với bọn An Thái để đánh anh em thôn nhà. Hèn thật!

Lía nói:

- Khỏi cảm ơn. Mẹ mày giúp tao, tao phải giúp mày. Thôi, tìm chỗ vào coi hát đi.

Đêm đó tuồng diễn vở “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”. Coi tới màn Hạng Võ cắt đầu giao cho ông đình trưởng ở bến Ô Giang, mắt Lía bỗng đỏ hoe lên, nước mắt lưng tròng. Hình ảnh Sở Bá Vương xõa mái tóc dài lẫm liệt đưa tay nắm tóc tự cắt đầu mình làm nó xúc động mạnh. Thằng Nhạc thấy Lía khóc thì lấy làm lạ lắm. Một thằng gan lì như Lía mà lại khóc khi coi hát quả đúng là chuyện khó ngờ. Lúc tan hát cùng nhau trở về, Nhạc bỗng nói:

- Lía, tao thấy lúc mày đứng chịu hai cú đấm của thằng Sáu Lù ở bến Trường Trầu trông cũng hiên ngang, lẫm liệt như Sở Bá Vương đứng cắt đầu ở bến Ô Giang vậy đó. Ông ta là Sở Bá vương của nước Sở, mày là Phú Lạc vương của thôn Phú Lạc mình.

Thằng Nhạc được cha cho học chữ và học võ nên ăn nói rất đúng cách. Bọn nhỏ nghe vậy liền nhao nhao tán đồng:

- Đúng đó! Thằng Lía cũng gan lì y như Sở Bá vương. Nó là Phú Lạc vương Lía.

Chuyện thằng Lía vì hứa với mẹ mà phải đứng yên chịu đòn thay cho thằng Nhạc để trả ơn không biết đứa nào nói mà lại đến tai mẹ thằng Nhạc. Tối đó, cha thằng Nhạc ở dưới Trường Trầu về, bà kể lại cho ông nghe, ông liền nói với vợ và con mình:

- Thằng Lía là đứa trẻ tốt đó. Làm con trai phải như vậy mới được. Hứa phải giữ lời, có ơn phải trả. Mai con kêu nó lại cho cha nói chuyện. Nó muốn làm việc kiếm tiền nuôi mẹ thì theo cha xuống Trường Trầu mà làm. Cha sẽ trả công cho nó đủ để hai mẹ con sống.

Nhạc mừng rỡ nói:

- Cha giúp nó là hay quá rồi! Tội nghiệp nó đi xin việc suốt hai ba ngày nay mà không ai chịu nhận hết. Nó và mẹ nó đói lắm, bà ấy lại đang bệnh nữa.

Ông Phúc nói:

- Vậy mai con gọi nó đến sớm gặp cha.

- Nó không chơi với con. Nó nói con nhà giàu nên không chịu làm bạn.

- Nó bị mặc cảm thôi. Chúng ta cứ đối xử tốt với nó là được.

- Thôi, để mai con với thằng Sứt đi gọi nó. Nó thương thằng Sứt lắm.

Thế là từ đó Lía đến làm việc ở bến Trường Trầu giúp ông Phúc, cha thằng Nhạc. Nó khỏe như voi nên làm rất được việc. Những thúng trầu nguồn, những bao muối lớn được bốc lên dỡ xuống thuyền nhẹ nhàng như nó bưng chén cơm vậy. Nó làm việc rất siêng năng, hết việc của ông Phúc giao, nó lại sẵn sàng phụ giúp những người khác một cách nhiệt tình và vui vẻ nên mọi người ở bến ai cũng thương. Từ một đứa trẻ ngỗ nghịch phá phách, nay trở thành một đứa trẻ ngoan khiến nó cảm thấy rất vui nên tối nào cũng về khoe với mẹ chuyện ở bến hết. Nó bỗng nghiệm ra rằng, làm đứa trẻ phá phách có niềm vui của lúc phá phách, nhưng làm đứa trẻ tốt, giúp được mình, được người thì niềm vui càng lớn hơn. Nguyễn thị từ khi thấy con thay tính đổi nết, bà mừng còn hơn lúc xưa chồng bà bắt được vàng. Đêm đêm bà thường cầu khấn Trời Phật cho đứa con của mình trở thành người tốt và tốt hơn hiện giờ nữa. Lía làm có tiền, nó mời ông thầy thuốc nam về bắt mạch hốt thuốc cho mẹ. Nguyễn thị vừa vui trong lòng vừa được ăn uống, thuốc men đầy đủ nên sức khỏe khá dần lên. Ông thầy thuốc lại tốt bụng nên đôi khi lại khám bệnh phát thuốc miễn phí cho mẹ Lía.

Làm việc ở nơi phố chợ, va chạm với nhiều người Lía mới thấy rằng trong đời kẻ xấu tuy nhiều nhưng người tốt cũng không ít. Sự căm ghét người đời lúc xưa cũng phai nhạt phần nào trong lòng Lía. Nhưng theo quan sát, hiểu biết của Lía thì với mười người giàu thì đã có hết bảy tám kẻ là xấu xa, trong khi đó với người nghèo, con số kia ngược lại. Nói đến bọn quan lại chức quyền thì còn tởm hơn nữa. Mỗi lần Lía thấy tên biện lại Đặng Thu xuống bến thu thuế là y như rằng máu nó sôi lên vì tức giận. Đặng Thu nhỏ con, mặt choắt như chồn, thái độ thì hung hăng và hách dịch không sao tả nổi. Nó nghe các chủ hiệu ở khu chợ than phiền rằng mấy năm gần đây, ngoài chuyện hạn hán mất mùa còn có thêm cái vụ triều đình tăng thuế liên tục khiến cho bà con khắp nơi đói khổ kêu trời không thấu. Đã vậy, mấy ông quan thu thuế lại được nước làm càn, bóp chẹt mấy hiệu thương buôn không chút nương tay. Ở bến Trường Trầu mấy tháng gần đây đã xuất hiện rất nhiều người đói rách ăn xin. Nghĩ đến thân mình lúc xưa cũng từng có những tháng ngày đói cơm như thế, Lía thấy thương họ lắm, có điều kiện là ra tay giúp họ ngay.

Từ khi về làm ở Trường Trầu, Lía ít gặp thằng Nhạc. Nghe nói nó xuống dưới thôn Bằng Châu ở lại nhà họ Đinh nào đó học võ, mãi đến hôm nay, nhân ngày thôi nôi của thằng Huệ em nó thì Lía mới gặp lại. Nhà ông Phúc kỳ này mở tiệc mừng thôi nôi lớn lắm, số khách mời đông hơn năm ngoái khi làm thôi nôi cho thằng Lữ rất nhiều. Sở dĩ ông Phúc quí thằng Huệ như thế là vì lúc vợ ông ta sinh thằng Huệ, vườn hoa huệ sau và trước nhà bỗng nở rộ, mùi hương thơm ngát cả một vùng. Bà Mai Thị Hạnh, mẹ thằng Nhạc vốn rất thích hoa huệ nên đã trồng kín loài hoa này quanh nhà. Ông Phúc lấy tên Huệ đặt cho con mình cũng là vì sự kì lạ ấy. Có lần nghe thằng Sứt kể rằng cha mẹ thằng Nhạc nói tên Huệ còn giúp họ nhớ tới ba đứa con gái em thằng Nhạc sinh ra bị mất dấu của họ, chỉ còn lại đứa em gái thứ tư, tức chị Tư Hoa. Còn một điều nữa khiến vợ chồng ông Phúc vui mừng là cả Nhạc và Huệ đều sinh năm quí. Nhạc thì Quí Hợi, Huệ thì Quí Dậu, riêng Lữ cũng được chữ nhâm, tức Nhâm Thân. Họ tin là nằm ở những thiên can tốt này, mấy đứa con họ về sau tất được quí hiển.

Nhạc nhớ ơn Lía đã cứu mình năm ngoái, lại thấy Lía đang giúp việc cho cha nên tranh thủ mấy ngày về ở nhà, nó hỏi nếu Lía muốn thì sẽ chỉ lại cho mấy bài quyền nó học được của nhà họ Đinh. Nó khoe đó toàn là những bài quyền độc thủ. Lía rất muốn học võ nên nhận lời ngay. Thế là mấy đêm liền sau đó, ông thầy võ tí hon Nguyễn Nhạc và tên đồ đệ Lía mải mê kẻ dạy người học. Lía học chữ thì dốt nhưng học võ lại rất nhanh. Chỉ mấy đêm mà bao nhiêu khẩu quyết của các bài thảo Ngũ môn, Ô du, Trương phụng hoàng, Thiền sư, Xung thiên... cùng những thế võ thằng Nhạc học được nó đã thuộc nằm lòng. Đã thế lúc múa quyền, đòn của Lía lại rít gió vù vù nghe rất tợn. Thằng Nhạc thấy nó đi quyền thì gật gù:

- Mày có khiếu học võ đó Lía. Nếu mày được bác Nhưng dạy cho tất sẽ trở thành cao thủ vô địch thiên hạ. Gọi mày là Phú Lạc vương thật đúng.

Lía cười:

- Tao phải lo làm việc nuôi mẹ, đâu có tiền, cũng đâu có thời giờ xuống đó học võ. Tao học lại của mày rồi ráng tập cũng được. Bây giờ mày là thầy tao rồi đó. Tao mà là Phú Lạc vương thì mày là Tây Sơn vương.

- Thầy con khỉ khô! Mày mà đấm một cú, tao chỉ có nước đi đời nhà ma, ở đó mà làm thầy với Tây Sơn vương. À, Lía nè, nếu mày trở thành cao thủ võ lâm, đánh khắp thiên hạ vô địch thủ thì mày sẽ làm gì?

Lía ngạc nhiên nhìn thằng Nhạc:

- Sao tự dưng mày hỏi chuyện không thể nào có đối với tao vậy?

- Thì mình ví dụ vậy mà. Cứ coi như là ước mơ của mày vậy đó. Mày trả lời đi.

Lía bỗng lây cái giấc mơ làm người hùng của Nhạc, nó nói:

- Nếu tao có thể đánh khắp thiên hạ vô địch thủ, tao sẽ tiêu diệt hết lũ tham quan, đánh đổ sạch đám cường hào, cướp hết con mẹ nó của cải của những nhà trọc phú để giúp cho đám người nghèo khó trong thiên hạ này. Còn mày, mày sẽ làm gì?

- Lúc nãy mày gọi tao là Tây Sơn vương, tự nhiên nghe thích thích làm sao. Tao mơ được làm Tây Sơn vương. Cha chả! Đại tướng Phú Lạc vương Lía đâu, mau đem binh đánh dẹp lũ giặc cướp An Thái cho ta, bắt thằng Đằng phản bội và thằng Sáu Lù về đây cho ta trị tội!

Lía thích nhất hát bội, nó thấy thằng Nhạc diễn tuồng liền phụ họa theo:

- Dạ muôn tâu Tây Sơn vương, hạ thần Lía y lịnh. Thùng... thùng... thùng...

Hai thằng phá ra cười.

Sau đó Nhạc trở xuống Bằng Châu học võ, Lía tiếp tục công việc phụ giúp ở bến Trường Trầu. Tuy hai đứa có thân nhau hơn nhưng hai cuộc đời trái ngược nhau khiến cho Lía thấy mình không thể nào gần gũi với thằng Nhạc được. Mặc cảm sang hèn, chủ tớ, khiến nó tự đặt mình ở một thế giới khác với thế giới của thằng Nhạc. Thế giới của nó là thế giới của những người lao động, những kẻ ăn mày lang bạt. Nó thấy mình thân thiện với thằng Sứt, thằng Bưu và những đứa trẻ ăn mày ở bến trầu hơn. Càng sống gần mấy đứa trẻ nghèo đói, sự căm ghét bọn nhà giàu và đám quan quyền hống hách trong lòng nó càng sâu hơn.

Hôm đó, gần cuối năm Ất Hợi 1755, Lía đã được mười lăm tuổi. Từ nhỏ nước da của nó vốn đã ngăm đen, hai năm nay làm việc dưới bến, nắng mưa dầu dãi nên lại càng đen hơn nữa. Nhưng nhờ thế mà trông nó rất ra dáng một thiếu niên dũng mãnh. Nó để tóc dài không cắt vì quá hâm mộ nhân vật Hạng Võ trong vở hát bội được xem cho nên bây giờ nhìn nó thật giống y mấy pho tượng hộ pháp ở chùa. Cuối năm là mùa thu thuế gộp, những người buôn bán nếu có nợ thuế trong năm phải tìm cách nộp đủ lại cho chính quyền sở tại để từ đó nộp về Phú Xuân, kết thúc hồ sơ mỗi năm. Những dịp cuối năm thế này, nhất là những năm mất mùa, đời sống khó khăn, nếu bắt các hộ buôn bị thiếu thuế phải nộp đủ là chuyện rất khó. Chưa kể những hộ nông dân làm ruộng, vì mất mùa nên sổ nợ thuế của họ luôn dày cộm. Vì vậy, nếu không có biện pháp mạnh sẽ không thể thu đủ thuế được. Năm nay, rút kinh nghiệm những năm trước, chính quyền huyện Tuy Viễn gởi một toán lính đi kèm theo mỗi viên biện lại để thu thuế cho có hiệu quả hơn.

Viên đội trưởng đi theo tên biện lại Đặng Thu để thu thuế vùng Trường Trầu - Kiên Mỹ kỳ này nghe đâu là cháu của quan huyện Tuy Viễn. Mà cũng có tin đồn hắn chính là con riêng của ngài quan huyện. Hắn là tay hung dữ vô cùng. Mấy hộ buôn thiếu thuế không có tiền nộp, hắn cho bọn lính thẳng tay đánh đập, còn tịch thu tài sản để khấu trừ. Chính Lía đã chứng kiến cảnh bọn chúng vào cửa hàng của ông Phúc tác oai tác quái nhưng ông Phúc vốn mềm mỏng khéo léo nên mọi chuyện mới êm. Rồi tên đội trưởng ấy lại liên tục ra tay hành hung những chủ buôn khất nợ quanh bến. Lía thấy vậy, lòng giận run nhưng vẫn cố kìm nén. Cho đến khi tên đội trưởng cho lính đánh ông chủ tiệm thuốc nam cùng đứa con gái lớn của ông ta thì Lía hết nhịn nổi. Mấy năm nay, ông thầy thuốc này đã cứu mẹ nó, tuy nó không nói ra nhưng vẫn luôn coi ông ta là ân nhân của mình. Ông ta lại là người nổi tiếng nhân đức, cứu giúp rất nhiều bà con ở đây, nay chứng kiến cảnh cha con ông bị tên đội trưởng và đám lính hành hung thì uất khí trong Lía bùng nổ. Nó hét lớn một tiếng như cọp gầm, khiến mọi người giật mình hoảng sợ:

- Dừng tay!

Rồi như con hổ dữ, nó lao vào thẳng tay đấm tên đội trưởng mấy cú bằng tất cả sự căm hờn. Mấy cú đánh đó là những đòn độc của nhà họ Đinh mà thằng Nhạc đã dạy cho nó năm ngoái. Vả lại, suốt năm trời nay, đêm nào nó cũng luyện tập không ngừng nghỉ cho nên cú đấm tung ra vừa mạnh vừa thuần thục. Tên đội trưởng bị trúng mấy cú đấm của Lía, cả người hắn bay ra thật xa, ngã nhào xuống đất giãy đành đạch mấy cái, hai tròng mắt trợn trừng trắng dã, máu mồm máu mũi trào khắp mặt. Hắn chết ngay tại chỗ, không kịp trối một tiếng nào. Bọn lính đi theo thất kinh vội rút đao kiếm ra bao vây tấn công Lía. Lía biết mình đã gây họa lớn nên chẳng ngần ngừ vội xông vào một tên lính tung quyền. Tên lính né tránh tạo một chỗ trống vừa đủ cho Lía phóng người chạy trốn. Mấy tên lính đuổi theo nhưng chúng nghĩ tới cú đấm ghê hồn của Lía nên chạy được một đoạn thì giả vờ đuổi không kịp rồi quay trở lại hiện trường.

Lía chạy một mạch về nhà. Nguyễn thị thấy nó chạy thục mạng như thế thì trong bụng đã biết có chuyện không hay. Lía vừa đến nơi, bà đã hỏi chặn đầu:

- Có chuyện gì sao con?

Lía quì xuống trước mặt mẹ nói nhanh:

- Mẹ tha lỗi cho con. Con không dằn được cơn giận nên đánh chết thằng đội trưởng dẫn lính đi thu thuế rồi. Mẹ con mình phải trốn đi gấp trước khi bọn chúng kéo tới đây.

Nguyễn thị bấy lâu nay vẫn luôn nơm nớp lo sợ cho hung tính tiềm ẩn trong người của thằng con mình, tuy thời gian qua nó đã thay đổi làm một đứa trẻ tốt nhưng bà biết vẫn không thể tránh khỏi chuyện không may. Giờ nghe Lía nói, bà giật mình hoảng hốt nhưng mau chóng bình tĩnh lại ngay. Bà nói:

- Chuyện đã đến nước này thì con chạy trốn ngay đi, càng xa càng tốt. Mẹ già rồi, chúng sẽ không làm gì đâu. Con cứ để mặc mẹ.

- Mẹ tha lỗi cho con. Con làm sao bỏ mẹ lại được. Con sẽ cõng mẹ chạy trốn.

Nguyễn thị vuốt đầu nó, giọng tha thiết:

- Con khờ quá. Mẹ bệnh, chưa biết sống chết giờ nào, bọn chúng bắt về chỉ tốn cơm nuôi mà thôi, đỡ phải lo. Còn chúng không bắt mẹ thì nay mai mẹ cũng sẽ chết. Nhưng còn con, con nhất định phải sống. Con còn mối thù của cha chưa trả. Con nhớ kỹ, phải trả thù cho cha con, biết không? Nay con cõng mẹ theo, trước sau gì mẹ cũng chết trên lưng con ở dọc đường, mà con e rằng cũng bị chúng bắt được. Như vậy là cả nhà mình tuyệt tử, tuyệt tôn. Con biết không?

Lía khóc òa lên:

- Nhưng con đành lòng nào bỏ mẹ ở lại? Rồi đây ai lo cho mẹ?

Nguyễn thị cương quyết:

- Mẹ chết nay sống mai. Con chạy ngay đi, con cãi lời mẹ, mẹ cắn lưỡi chết ngay bây giờ để con được an lòng. Con cần phải sống. Con nghe chưa?