Én Liệng Truông Mây - Hồi 19 - Phần 3

Lía nức nở:

- Mẹ...

- Không mẹ gì nữa cả, con chạy đi ngay hay không, con không đi mẹ cắn lưỡi ngay bây giờ. Đi!!!

Rồi bà dặn thêm:

- Dù cho có việc gì xảy ra đi nữa thì con tuyệt đối cũng không bao giờ được bén mảng trở về đây. Phải giữ mạng sống của mình, nhớ chưa? Đi mau đi!

Lía nghe mẹ cương quyết như vậy, không biết làm sao đành lạy mẹ bốn lạy:

- Con bất hiếu. Mẹ tha lỗi cho con. Mẹ ráng sống nghe mẹ.

Nguyễn thị cố nuốt nước mắt vào trong để nó an lòng. Bà mỉm cười vuốt mái tóc dài của nó nói:

- Ừ, thôi con chạy trốn đi. Bọn chúng kéo đến rồi kìa. Nhớ là đừng bao giờ trở lại đây. Con phải sống tốt nghe con.

Bà chạy đi lấy cho con mình mấy bộ áo quần cũ, rách nát mà bà đã vá lại, trong bụng muốn gói chút đồ ăn gì đó cho con nhưng nhà chẳng có thứ gì. Lía nức nở lần cuối:

- Con hứa! Con hứa với mẹ.

Từ xa đã thấy một đám quan binh rất đông cưỡi ngựa băng đồng chạy tới. Lía lạy mẹ lần nữa rồi quẹt nước mắt, ôm gói đồ chạy thẳng vào trong núi. Nó vừa hút bóng thì bọn quan binh cũng vừa ập tới nơi, chúng nhảy xuống ngựa xông vào trong, ông Phúc cũng có mặt trong đoàn người đó. Tên đội trưởng thấy Nguyễn thị liền lớn tiếng hỏi:

- Thằng Lía con bà đánh chết quan binh, nó đâu rồi?

Nguyễn thị bình tĩnh đáp:

- Nó sợ tội nên chạy trốn rồi. Giờ nó ở đâu tôi không biết.

Tên đội trưởng vung tay tát Nguyễn thị một cái, nạt nộ:

- Bà không biết thì bà phải vào tù mà ngồi đến mọt gông, chừng nào con bà tới thế mạng mới được ra!

Nguyễn thị bị cái tát, cả tấm thân yếu đuối gầy còm của bà té nhào xuống đất. Nguyễn Phi Phúc bước tới, giọng nhỏ nhẹ nói với tên đội trưởng:

- Bà ta bệnh hoạn liên miên, mấy ngài bắt bà ta về cũng chỉ tốn cơm tốn thuốc chớ ích gì. Thằng Lía trốn rồi, bắt bà già sắp chết này thế mạng có được gì đâu. Đội trưởng nghĩ lại cho.

Tên đội trưởng trừng mắt nhìn ông Phúc:

- Ông là người dung dưỡng thằng Lía, nó giết người ông cũng phải chịu tội lây. Lo cho cái thân của ông đi, đừng xía vào chuyện của ta.

Nguyễn thị ngồi bệt dưới đất, đưa tay quẹt máu mồm đang tứa ra, giọng thều thào:

- Cảm ơn ông Phúc đã có lòng với mẹ con tôi. Ơn đức này xuống suối vàng tôi còn ghi tạc. Ngài đội trưởng đây nói tôi có thể thế mạng cho con tôi phải không? Thì cái mạng già này đây, ông đem về tế cho người chết kia đi. Tôi thay mạng cho thằng Lía.

Nói xong bà cố hết chút sức tàn đưa tay đánh mạnh lên cằm của mình. Máu từ trong miệng bà lại chảy ra. Lưỡi của bà đã đứt, bà ngã xuống đất tắt thở, hai mắt mở trừng. Tên đội trưởng và đám quan binh trông thấy thế hoảng hồn. Ông Phúc rươm rướm nước mắt, bước đến vuốt mắt cho bà ta rồi ngước lên nói với tên đội trưởng:

- Ngài đã nói bà ấy thế mạng cho con, giờ bà ta đã chết. Ngài nghĩ sao?

Tên đội trưởng không biết xử lý thế nào đành nói:

- Để ta về trình lên quan trên quyết định. Dù sao thằng Lía vẫn phải vào tù.

Hắn quay sang đám lính ra lệnh:

- Các ngươi chia nhau lùng sục trong núi, phải bắt cho được thằng Lía. Bà già này, ông Phúc, ông lo chôn cất gì đó thì lo đi.

Hòn Trưng Sơn cao vút, cấy cối um tùm, bọn lính có kéo nhau lên tìm kiếm thì cũng biết đâu mà lần. Khi bọn lính bỏ đi rồi, đám thằng Sứt, thằng Bưu cùng lũ trẻ trong thôn Phú Lạc nghe tin tụ tập đủ mặt ở nhà thằng Lía. Chúng thấy mẹ thằng Lía nằm chết, xúm nhau khóc om sòm. Ông Phúc và mấy người trong xóm lo giúp việc tẩm liệm cho Nguyễn thị. Tối đó, bên ngoài thì đám quan binh canh gác rình bắt thằng Lía, bên trong bọn trẻ chăn trâu nằm sát vào nhau gần cái xác nói chuyện đã rồi ngủ say lúc nào không biết.

Hôm sau nữa, ông Phúc, cha con ông thầy thuốc nam và bà con hàng xóm tìm mua một cái hòm, làm lễ tẩm liệm sơ sài rồi đào huyệt chôn Nguyễn thị ngay sau nhà. Đến lúc này mọi người mới thắc mắc không biết quê hương, gốc gác của người chết ở đâu, bà là ai... vì từ lúc hai mẹ con Lía về ở đây, mỗi lần hỏi thăm, bà chỉ ậm ừ lảng tránh. Từ đó, đám quan binh rình bắt thằng Lía vô tình trở thành đội lính canh mộ cho bà ta.

Chỉ tội cho ông Phúc và thằng Nhạc gặp cảnh ách giữa đàng mang vào cổ. Tên quan huyện vì thương đứa con rơi bị đánh chết, lại thấy ông Phúc buôn trầu có tiền nên lấy cớ Lía là người làm của ông, bắt ông về huyện đòi bỏ tù. Lão đốc trưng cha thằng Đằng vốn ghét ông Phúc nên đốc thêm vào. Ông Phúc vì thế bị nhốt lại, đánh thị uy một trận phủ đầu để vòi của. May nhờ gia đình ông Đinh Văn Nhưng ở Bằng Châu đứng ra lo liệu mọi chuyện nên mới êm xuôi.

Họ Đinh xưa kia vốn là người ơn từng giúp đỡ Hồ Phi Long, ông nội của ông Phúc từ lúc ông Long theo chúa Nguyễn từ Nghệ An vào Tây Sơn lập nghiệp. Sau cha ông Phúc là Hồ Phi Tiễn cưới bà Nguyễn Thị Đồng ở Phú Lạc rồi đổi luôn thành họ Nguyễn để ông Phúc được hưởng gia tài giàu có bên vợ vì họ Nguyễn không có con trai. Họ Đinh bao đời buôn ngựa rất giàu có và có thế lực nên sau khi lo lót chạy chọt, ông Phúc được thả ra. Lúc ông Phúc bị bỏ tù, thằng Nhạc phải về bến Trường Trầu thay cha coi ngó việc bán buôn. Khi ông Phúc ra tù, Nhạc cũng thôi học võ, ở nhà phụ cha theo nghiệp buôn trầu. Sau lần đó, ông Phúc thấy trong người yếu dần nên dời nhà từ Phú Lạc xuống Kiên Mỹ, cách bến trầu không xa để tiện việc bán buôn. Mấy năm sau ông lâm bệnh qua đời. Chàng thiếu niên Nguyễn Nhạc, ở cái tuổi mười lăm, đã phải thay cha coi sóc việc kinh doanh để nuôi mẹ và ba đứa em nhỏ mới năm, sáu tuổi.

Cáo thị truy nã vẽ hình Lía được dán khắp nơi, có treo cả giải thưởng nữa. Trong khi đó Lía vẫn còn lẩn quẩn ở vùng núi sau nhà. Hôm người ta chôn mẹ, nó liều mạng tìm ra sát chân núi lén nhìn và khóc nức nở suýt bị bọn lính bắt được. Từ đó, nó không dám mạo hiểm nữa mà ẩn sâu vào trong núi cao. Đói thì ăn trái cây hoặc bắt đại con thú rừng xấu số nào đó, khát thì uống nước suối, buồn ngủ thì leo lên cây mà nằm. Những ngày lẩn trốn nó suy nghĩ rất nhiều về cha nó, mẹ nó và làm sao để trả được thù cho cha, làm sao thoát khỏi sự lùng bắt của quan binh. Nghĩ mãi cũng chẳng tìm ra được hướng đi nào cho thỏa đáng. Đôi lần, nó tự trách cái tính dễ nổi nóng của mình, mà hễ nổi nóng thì mất cả khôn, mất khôn thì hung tính lại nổi lên nên làm liều, làm bậy. Nhưng nó tuyệt đối không hề thấy hối hận về chuyện đánh chết thằng ôn dịch đội trưởng tàn bạo kia. Cuối cùng nó nhận thấy và rút ra được rằng tất cả tai họa của cuộc đời nó đều từ cái tính hung tàn của nó mà sinh ra. Cũng từ đó mà mẹ nó, người thân duy nhất, người nó thương yêu nhất đời đã chết tức tưởi.

Vô Danh thiền sư ngày xưa đã từng dạy cha mẹ nó rằng: “Buông dao đồ tể, kiến tánh Như Lai”. Và mẹ nó vẫn thỉnh thoảng nhắc lại lời dạy này với nó. Qua cơn hoạn nạn này, nó đã nhìn thấy một phần bản tánh của mình. Cái Như Lai tánh có sẵn trong mỗi con người. Cái “Như Lai tánh” nằm ẩn sâu bên dưới cái nghiệp tánh, tức tánh hung của nó. May mắn là từ lúc nó mới sinh ra, mẹ nó đã lâm râm tụng niệm kinh sám hối hằng đêm. Cả đến khi nó lớn, những năm sống chung với chú Y Mon ở Vĩnh Thạnh, mẹ nó vì muốn giữ sự thanh bạch giữa hai người nên bắt nó ngủ chung giường với mình. Nó nghe mẹ niệm kinh sám hối, loại kinh giải nghiệp, ròng rã suốt mười mấy năm trời. Nhờ vậy mà tiềm thức của nó cũng đã thu giữ được phần nào. Qua cơn chấn động này, một số chủng tử tốt từ đáy tiềm thức của nó đã trồi lên.

Một hôm kia đang nằm buồn bã Lía bỗng nghe tiếng cọp gầm vang rền cả núi rừng u tịch. Nó giật mình nhổm dậy băng mình về hướng đó. Nó rón rén đến gần và nhìn thấy một cảnh tượng khiến nó phải giật mình mất vía. Một con cọp đen thui to lớn đang thủ thế, miệng không ngớt gầm gừ giận dữ. Đối diện với con cọp là một ông lão đầu tóc bạc phơ, quần áo trắng tinh đứng uy nghi như một tiên ông. Điều kỳ lạ là ông lão đứng yên bất động, mắt nhìn thẳng vào mắt con cọp nhưng khí thế của ông ta đã làm cho con cọp khiếp sợ, nó thủ thế gầm gừ có vẻ tức tối lắm mà không dám xông vào. Một lúc sau, bỗng con cọp di chuyển từng bước chậm rãi quanh người ông lão, miệng nó há to, nhe cả hàm răng nanh nhọn hoắc trông thật dễ sợ. Lía toát mồ hôi hột, lo sợ rằng nếu mình không làm cái gì đó thì ông lão kia sẽ bị con vật hung tợn ấy xé xác. Nhưng trong tay nó không một tấc sắt, con cọp lại to lớn thì biết phải làm sao? Khi thấy con cọp di chuyển ngang qua chỗ mình núp, máu nghĩa hiệp và tính gan lì đã thúc nó làm liều. Nó phóng mình lên lưng cọp, hai tay ôm cổ con vật ra sức siết mạnh. Con cọp đen bất ngờ bị Lía cưỡi lên lưng rồi siết cổ nên vùng vẫy cố thoát. Bốn chân của nó nhảy lên lồng lộn, đầu cổ không ngớt rung lắc để hất địch thủ xuống đất. Lía cũng dồn hết sức bình sinh, bám chặt trên lưng siết cổ quyết triệt hạ con vật. Con cọp bị nghẹt thở càng hung tợn hơn, nó gầm gừ kháng cự quyết liệt. Lía như con đỉa bám vào lưng con vật, nó ráng sức đến độ mặt mày đỏ bầm rồi chuyển sang tím ngắt. Con cọp tinh khôn vô cùng, nó thấy vùng vẫy mãi không ăn thua nên trở thế nằm lăn ra đất, cả thân hình to nặng của nó đè lên người Lía. Vậy mà Lía vẫn gan lì, ôm cứng cổ con vật không buông, trong đầu không ngớt vang lên lời dặn của ông nội và cha: “Không được ngã quị, không được ngã quị, rồi con sẽ đứng thẳng lên được!” Con cọp lăn một vòng vẫn thấy vô hiệu nên lại đứng lên lồng lộn tiếp.

Ông lão áo trắng nhìn cảnh tượng đó không khỏi giật mình, nhưng vì thấy thằng bé ôm cứng được cổ con vật nên vội đứng lùi ra căng mắt quan sát. Hai tay của ông nắm chặt lại, nét mặt tỏ rõ sự căng thẳng chứ không còn thản nhiên như lúc đứng đối diện với con cọp nữa. Ông chuẩn bị tinh thần để kịp thời ra tay cứu thằng bé trong trường hợp nó bị con cọp hất văng xuống. Nhưng mãi mà nó vẫn dán cứng người trên lưng cọp, đã thế con cọp bị nó siết cổ lâu quá sắp đứt hơi, sức kháng cự yếu dần, hai mắt đỏ ngầu, mép đã nhểu dãi. Cuối cùng, con cọp đã ngã qụy.

Lía thấy con vật nằm cứng đơ, nghĩ đã thoát khỏi cơn hung hiểm nên buông tay. Nhưng nó vừa buông tay, chấm dứt sự cố gắng thì liền ngất đi trên lưng con vật. Tự nãy giờ nó chi trì được sức lực là nhờ ý chí cầu sinh trong đầu thúc đẩy sinh lực cơ thể, khi nó nghĩ đã thoát chết tức thì ý chí cầu sinh không còn nữa, sức lực liền tiêu tán và nó ngất đi. Sự căng thẳng trên nét mặt của ông lão cũng tan biến dần đi. Ông thở phào nhẹ nhõm, bước lại sờ vào mũi thằng nhỏ. Nó còn thở, ông lão nở nụ cười, đầu không ngớt gục gặc tỏ vẻ tán thưởng. Ông cõng Lía trên lưng, len lỏi qua rừng cây đến một căn nhà làm bằng trúc. Ông đặt nó nằm xuống chiếc chõng rồi đưa hai tay xoa bóp khắp người nó. Một lúc sau Lía mở mắt ra, nó thấy lờ mờ một ông tiên tóc râu bạc trắng. Nó tưởng mình đã chết rồi nên ú ớ hỏi:

- Ta chết rồi sao?

Ông tiên nở nụ cười hiền hòa đáp:

- Chưa, con chưa chết.

Khi đã nhìn rõ hơn mọi thứ chung quanh và nhận ra ông lão trước mặt mình là người đã đứng đối diện với con cọp, nó biết mình còn sống thật nên liền hỏi:

- Con cọp đen chết chưa ông tiên?

- Chết rồi. Con siết cổ nó mạnh như thế cơ mà. Giỏi lắm! Thôi con nằm nghỉ thêm cho lại sức đã, ta đi làm cho con một chút gì đó để ăn. Đói lắm rồi phải không?

Lía mỉm cười đáp:

- Dạ!

Rồi nó nhắm mắt lại. Nó cứ tưởng mình sẽ mệt mỏi rã rời sau cơn vật lộn với con cọp nhưng không hiểu sao nó thấy toàn thân mình lúc này vô cùng dễ chịu, chỉ có bụng là đang đói cồn cào thôi. Thì ra ông lão đã dùng phương pháp khí công vừa xoa bóp vừa truyền lực vào các huyện đạo chính trong cơ thể nó nên sức khỏe nó mới mau chóng hồi phục như vậy. Một lát sau, ông lão trở lại với một bát cơm nóng cùng miếng thịt rừng nướng to tướng. Ông bảo nó:

- Con ngồi dậy ăn cơm đi.

Lía ngồi dậy đưa hai tay đỡ lấy bát cơm và nói:

- Cảm ơn ông tiên!

Bao nhiêu ngày rồi chưa được ăn cơm, nó vừa đói vừa thèm nên không ngại ngùng gì mà ăn từ tốn nữa, nó và cơm nhai lia lịa. Ông lão ngồi nhìn nó ăn, nở nụ cười từ hòa nói:

- Từ từ mà ăn. Nuốt vội quá sẽ không tốt cho bao tử.

Lía vừa nhai cơm vừa hỏi:

- Tiên mà cũng ăn cơm với thịt hả ông?

Tới giờ, nó vẫn nghĩ mình đang gặp tiên vì người Bana mà ngày trước nó sống cùng vẫn thường nhắc tới những vị tiên hoài. Ông lão mỉm cười đáp:

- Ta không phải là tiên, ta là người như con vậy.

Lía ngưng nhai, trợn mắt hỏi:

- Thật sao?

- Ừ.

- Sao ông lại ở trên núi có một mình? Sao con cọp sợ ông không dám vồ? Con tưởng ông tiên có phép nên nó sợ chứ?

- Con ăn xong nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ ngủ một giấc đi. Mai ông sẽ nói cho con nghe.

Phía sau gian nhà trúc là con suối, Lía cởi đồ rồi trầm mình vào dòng nước lạnh của những ngày cuối đông, người cảm thấy sảng khoái vô cùng. Tắm rửa sạch sẽ xong nó vào nhà, vừa gặp ông lão đã hỏi ngay:

- Còn con cọp chết, mình phải mang nó về chứ ông tiên. Con thích bộ da đen như mun của nó lắm. Lại có thịt để ăn nữa.

- Nếu con thấy khỏe thì chúng ta sẽ trở lại đó mang nó về. Con giữ bộ da của nó làm áo khoác mùa đông cũng là việc hay.

Hai người, một già một trẻ trở lại nơi con cọp nằm chết. Lía một mình xốc con cọp nặng cả mấy trăm cân lên vai đi trước. Ông lão đi sau thấy bước chân vững vàng như không của nó liền khen:

- Lê Phụng Hiểu ngày xưa chắc cũng chỉ khỏe như con là cùng.

- Lê Phụng Hiểu là ai hở ông tiên?

- Là một người ở đất Thanh Hóa sống vào thời nhà Lý, cách nay đã bảy trăm năm. (Lê Phụng Hiểu sống khoảng năm 1000 đến 1070, thời Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông). Thời còn trẻ như con, ông ta đã có thể một mình nhổ một gốc cây đại thụ dùng làm vũ khí để đánh nhau. Sau ông ra làm quan, có công rất lớn trong việc giúp triều đình nhà Lý đánh đuổi quân Chiêm Thành.

Lía nghe nói hứng chí:

- Lê Phụng Hiểu đánh đuổi quân Chiêm Thành, còn con khi lớn lên nếu giặc Tàu giở thói xâm lăng thì con sẽ tiêu diệt chúng giúp chúa Nguyễn như cha con vậy.

- Có chí khí lắm. Mà cha con là ai?

Hai người đã về đến nhà, Lía quăng con cọp xuống đất cái bịch đáp:

- Cha con trước kia làm cai đội thủy quân đã từng tiêu diệt bọn cướp biển hung dữ người Tàu trốn ở đảo Hoàng Sa.

- Cha con là cai đội Long hay cai đội Trụ?

Lía thấy ông lão hỏi đúng tên cha mình thì ngạc nhiên lắm. Chợt nhớ lời mẹ dặn, nó giật mình vì đã lỡ miệng nói ra bí mật nên ngần ngừ không dám đáp. Ông lão cười nói:

- Con không cần phải lo sợ về ta. Ta gác bỏ việc đời, lẩn tránh vào thâm sơn cùng cốc đã lâu rồi. Việc bọn cướp Hắc Long bị cai đội Long và cai đội Trụ tiêu diệt ta nghe mọi người nhắc mãi nên biết mà thôi.

Lía nghe nói vậy mới an tâm đáp:

- Cha con là cai đội Trụ.

Xong nó hỏi ngay:

- Ông tiên vì sao lại phải ẩn vào chốn thâm sơn cùng cốc ở hòn Sưng này? Ông tiên cũng là người Phú Lạc à?

Ông lão nghĩ bụng: “Thằng bé này lanh miệng thật, nó sợ lộ thân thế của nó cho người lạ biết thì hẳn là có bí ẩn gì đây.” Ông mỉm cười nói:

- Đợi đấy ông sẽ kể cho nghe.

Ông lão bước vào trong lấy ra một ngọn trủy thủ nhỏ nhưng sắc bén vô cùng, bắt đầu xẻ thịt con cọp. Ông xẻ rất khéo, khi lọc xong hết thịt, bộ da đã có hình chiếc áo khoác. Số thịt cọp ông bảo Lía vót cây nhọn xiên vào phơi lên cho ráo máu, sau đó ướp muối hun khói cho khô, đợi ngày nắng đem ra phơi tiếp. Riêng tấm da hổ, ông bắt Lía lọc thật kỹ thịt và lớp mỡ sát trong da, sau đó rửa sạch rồi ngâm vào chậu nước với thật nhiều muối. Ông nói:

- Đợi đến khi muối thấm sâu vào trong da, con lấy bộ da ra phơi cho ráo, sau đó hun khói cho kỹ mới dùng làm áo mặc được.

Xong việc ông lão gọi nó vào nhà nói:

- Bây giờ để ông kể trước cho con nghe về ông nhé. Ông không phải là tiên, đừng gọi ông tiên nữa.

Lía cười toe:

- Dạ, vậy con gọi ông là gì?

- Gọi cụ Bạch là được vì ta họ Bạch.

- Lía xin chào cụ Bạch.

- Ra tên con là Lía. Ta là một võ trạng triều vua Lê Dụ Tông, ở Thăng Long ngoài Bắc hà. Sau chúa Trịnh Cương lộng hành truất phế ngôi vua nên ta chán việc làm quan, bỏ trốn vào núi rừng ở ẩn.

- Võ trạng là chức gì hở cụ Bạch?

- Là người đoạt giải nhất trong kỳ thi võ cả nước.

- Vậy là cụ Bạch giỏi võ lắm phải không?

- Ừ, con đừng hỏi nữa, để ta kể hết đã. Từ ngày rời bỏ quan trường, ta đã đi chu du khắp nơi trong nước, nhất là những vùng núi non hiểm trở, tìm nơi thích hợp để ở. Cuối cùng ta chọn hòn Trưng Sơn cạnh dòng sông Côn này và đã ở đây gần một năm rồi.

Lía lại hỏi:

- Chỉ để ở thôi mà phải đi tìm khắp cả nước ư? Mà sao cụ Bạch lại thích ở trên núi? Ở dưới kia vui hơn chứ? Cụ Bạch ở đây có một mình, không có gia đình à?

- Ta không có gia đình con cái gì hết. Ta thích ở trên núi vì ta đã chán việc đời dưới kia rồi. Còn ta phải đi khắp nơi để tìm chỗ ở là có mục đích riêng.

- Mục đích gì vậy cụ Bạch?

- Ta muốn tìm người tài giỏi để truyền nghệ lại. Chỉ có những nơi địa linh, tức là vùng đất tốt mới dễ tìm người tài.

- Vùng này mà là đất tốt à? Con thấy ở đây ai cũng nghèo cả, đất tốt thì người ta đâu có nghèo như vậy. Mà cụ Bạch đã tìm ra ai để truyền nghệ chưa?

Ông lão nhìn nó mỉm cười:

- Rồi!

Lía reo lên:

- Vậy là cụ Bạch vui rồi. Lía chúc mừng cụ. Mà ai vậy?

- Là con đó.

Lía tròn xoe mắt:

- Là con à? Con mà người tài gì! Tài đi ăn trộm gà, tài phá làng phá xóm thì có.

- Việc đó ta sẽ nói sau. Giờ con có thể nói cho ta biết về gia đình con được chưa? Tại sao con một mình vào tận trong núi cao này? Cha mẹ con là ai, ở đâu?

Lía nghe hỏi đến thân thế mình thì nét mặt trở nên buồn xo. Nó rầu rĩ kể lại cho ông lão nghe về cuộc đời của nó mà mẹ đã từng kể. Cuối cùng Lía rưng rưng nước mắt nói:

- Mẹ lúc nào cũng sợ con nổi hung làm bậy, dặn con ráng nhịn mọi việc, phải ráng sống trong sạch và anh hùng như cha, nhưng cuối cùng con đã làm sai lời mẹ dạy. Con thật bất hiếu, nổi hung giết người phải bỏ trốn để mẹ con chết tức tưởi một mình mà không dám về lạy trước quan tài. Con thật hối hận và hổ thẹn với linh hồn của cha mẹ mình.

- Làm lỗi mà biết nhận lỗi là điều rất đáng quí. Từ nay về sau, nếu con từ bỏ được hung tánh, biết thương yêu đùm bọc người nghèo khó tức là con đã trả hiếu được cho cha mẹ rồi. Còn lũ tham quan cũng có nhiều tên đáng chết lắm, con không cần phải ân hận quá. Có điều, tha được người thì nên tha. Giết người bao giờ cũng là việc xấu cả.

Lía quẹt nước mắt nói:

- Dạ, con biết rồi.

- Con đã từng học võ với ai chưa?

- Dạ chưa, à mà có. Thằng Nhạc dưới xóm đi học võ ở nhà họ Đinh bên thôn Bằng Châu về dạy lại cho con. Con học của nó được một số bài quyền.

- Con thử đánh hết mấy bài quyền đó cho ta xem.

Lía đứng lên bước ra sân, ông lão cũng theo nó. Nó xuống tấn, hướng về cụ Bạch ôm quyền bái tổ rồi đi hết các bài quyền đã học được. Vì học võ lại của một đứa nhỏ rồi tự tập lấy nên chiêu thức nhìn còn vụng về nhưng khí thế thì không kém ai. Cụ Bạch đứng xem, gật gù tán thưởng. Đi một lượt hết các bài quyền xong nó nở nụ cười bẽn lẽn:

- Con học lại của thằng Nhạc rồi tự tập lấy nên đánh bậy bạ không biết có đúng không. Cụ Bạch thấy chắc mắc cười lắm phải không?

Cụ Bạch nghiêm sắc mặt nói:

- Không bậy bạ chút nào cả. Đó là những bài quyền của họ Đinh truyền từ thời tướng quân thái bảo Đinh Liệt dưới trướng Lê Thái Tổ ta. Họ Đinh đã theo vua Lê Thánh Tông đánh dẹp Chiêm Thành, lấy được thành Đồ Bàn, sau đưa nhau vào đây lập nghiệp ở Bằng Châu. Những bài quyền đó thuộc loại quyền pháp thượng thừa. Tuy con chỉ học lóm nhưng đường quyền của con phát ra rất uy mãnh, để ta giúp con điều chỉnh lại thì sức công phá của những đòn này sẽ rất cao.

Lía cúi đầu thưa:

- Con xin cảm ơn cụ Bạch.

- Khỏi cảm ơn. Con có muốn ở lại đây học võ với ta không?

Lía nghe nói mừng rỡ vội quì xuống lạy cụ Bạch bốn lạy nói:

- Đệ tử Lía xin ra mắt thầy!

Cụ Bạch đỡ nó đứng lên nói:

- Được, bắt đầu ngày mai thầy sẽ truyền hết tuyệt kỹ dòng họ Bạch cho con.

- Cảm ơn thầy.

***

Hôm sau, trước khi bắt đầu buổi tập đầu tiên, cụ Bạch nói:

- Môn võ gia truyền của họ Bạch có từ lâu lắm rồi nhưng đến thời loạn mười hai sứ quân vào cuối đời nhà Ngô mới thực sự lừng danh toàn cõi Giao Châu. Thời đó, tổ Bạch Khai Thành là người có căn cơ tuyệt đỉnh, trí tuệ thâm cao nên đã phát huy quyền pháp và đao pháp họ Bạch đến mức tinh vi, huyền diệu. Bạch gia quyền gồm hai lộ cương quyền và nhu quyền, còn Bạch gia đao pháp gồm đơn đao và đại đao. Bạch gia quyền thời tổ Bạch Khai Thành vì quá sức huyền diệu nên người Giao Châu ta thời đó gọi là Quái quyền và tặng cho danh hiệu Giao Châu đệ nhất quyền pháp và đao pháp, vượt qua cả quyền pháp họ Đinh của vua Đinh Bộ Lĩnh, tức ông tổ của họ Đinh ở Bằng Châu bây giờ. Quái quyền gồm một trăm hai mươi thế cương quyền và sáu mươi thế nhu quyền. Con là người có sức mạnh, thầy sẽ dạy cương quyền trước, sau đó mới học đến nhu quyền. Cuối cùng sẽ là đao pháp và tiễn pháp.

Lía nghe thầy nói Bạch gia quyền đệ nhất thiên hạ, nó chợt nhớ tới giấc mơ trở thành đệ nhất cao thủ, đánh khắp thiên hạ vô địch thủ đã từng nói với thằng Nhạc lúc trước. Nó cúi đầu mừng rỡ:

- Con xin đội ơn thầy. Con sẽ ráng sức tập luyện để không phụ công ơn thầy dạy dỗ và quyết không làm cho Bạch gia quyền mai một danh tiếng vì con.

- Tốt lắm! Nhưng có mấy điều con cần phải ghi nhớ là Bạch gia quyền chỉ dùng để giúp đời, giúp nước. Người học Bạch gia quyền phải biết cứu khốn phò nguy, tuyệt đối không được phản dân hại nước, tác ác, cường đồ. Con có thể thực hiện được những điều đó hay không?

Lía quì xuống đưa tay lên thề:

- Con là Võ Văn Doan xin thề với trời đất, với tổ tiên Bạch gia, suốt đời giữ đúng môn qui, trái lời sẽ bị trời tru đất diệt.

Nó coi hát bội rồi bắt chước câu cú mà nói theo nhưng lời phát thệ quả đúng là xuất phát từ tấm lòng thành của mình. Cụ Bạch nhận thấy vẻ thành thật trong lời thề của nó nên rất mừng.

- Tốt! Đứng lên đi. Từ nay con sẽ là đệ tử của Bạch gia.

Từ đó, trên đỉnh của dãy Trưng Sơn, thôn Phú Lạc, Lía miệt mài ngày đêm luyện tập võ nghệ. Vùng đất địa linh đang nảy mầm sản sinh một nhân kiệt cho đời.