Én Liệng Truông Mây - Hồi 20 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI

Vận nước suy, Độc Huyền cầm xuất thế

Lỡ giết em, Đoàn Phi dạt hải hồ

*

Nhân kiệt bắt đầu sản sinh cũng chính là lúc nước nhà bước vào thời ly loạn. Sự nghịch lý mà vị nho hiệp đã nói với sư Phật Chiếu lúc xưa ở núi Bửu Long đã được chứng minh. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thừa hưởng sự nghiệp của tổ tiên với đất dài ngàn dặm, tướng mạnh binh cường, uy phục Cao Miên, nghênh ngang một cõi. Chúa Võ vừa đắc ý, bản tính lại xa hoa nên không ngừng sửa sang cung điện, xây cất đền đài, dựng cung Trường Lạc, tự ý xưng vương. Nắm được nhược điểm của Võ vương, Trương Phúc Loan với dã tâm thao túng triều đình đã khôn khéo đẩy vị quốc chúa lún sâu vào con đường trụy lạc. Võ vương bây giờ đã mê mệt say đắm nhan sắc khuynh thành của người em họ là công nữ Ngọc Cầu. Kết quả là nàng Ngọc Cầu đã hạ sanh được một hoàng nam, đặt tên Nguyễn Phúc Thuần, vị hoàng tử thứ mười sáu của Võ vương.

Công nữ Ngọc Cầu một bước trở thành vương phi được sủng ái nhất trong cung. Và với sự sắp đặt của Phúc Loan, hai người anh trai của nàng cũng nắm quyền hành tối thượng trong tay. Nguyễn Phúc Viên được phong làm chưởng thủy cơ, Nguyễn Phúc Nghiễm thì giữ chức nội tả, chưởng dinh, quản Bộ lại, Bộ binh, lãnh tả phủ chưởng phủ sự dinh Quảng Nam. Nhưng quả thật hai anh em Viên – Nghiễm vốn là hạng tầm thường. Viêm lười biếng, chỉ biết rượu chè; Nghiễm xa hoa, hiếu sắc, hậu phòng có tới trăm người, quanh năm vùi mặt vào rượu và gái đẹp. Chưa thỏa mãn với những gì đã có, Ngọc Cầu bày mưu với Phúc Loan nuôi mộng cho con mình được lập làm thái tử để nối ngôi vương sau này. Nhưng có lẽ bị mặc cảm loạn luân nên Võ vương đã lập Nguyễn Phúc Luân lên làm thái tử thay cho thái tử Nguyễn Phúc Hạo đã chết sớm. Võ vương giao Phúc Luân cho nội hữu Trương Văn Hạnh và thị giảng Lê Cao Kỷ dạy dỗ để chuẩn bị cho việc đăng vương sau này.

Ngọc Cầu lo sợ con mình không được lên ngôi, Phúc Loan lại lo Phúc Luân là người thông minh, quả quyết, nếu cai trị đất nước sẽ cản trở việc thao túng triều đình của mình nên cả hai đã cấu kết từng bước chuẩn bị cho mưu đồ soán ngôi chúa. Từ những nguyên nhân đó, triều đình phủ Chúa đã chia thành hai phe đối đầu rõ rệt.

Nhưng kẻ đối đầu mà Phúc Loan cần phải loại trừ trước tiên là quan Hình bộ Tôn Thất Dục. Một hôm, Phúc Loan gọi chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống, Hộ bộ Thái Sinh và tên thái giám được sủng ái của Võ vương là Chử Đức đến bàn kế loại trừ Tôn Thất Dục. Phúc Loan nói, giọng tức tối:

- Thằng Dục nó coi thường ta, làm việc gì nó cũng cứ nhè ta mà đánh. Ai đời con rể bố vợ mà hục hặc với nhau như thế? Chuyện mỏ vàng Kim Sơn lúc trước nó đã cực lực chống đối, nay đến việc chuyển giao bọn tù Lý Văn Quang về cho Thanh triều xử lý nó cũng cố ý cản ngăn. Các ngươi tính thử coi ta phải làm gì đây?

Thái Sinh nói:

- Tôn Thất Dục đã tuyệt tình trả vợ về thì quan hệ giữa ngài ngoại tả với ông ta đâu còn gì nữa. Nếu ông ta vẫn chống đối thì cứ thẳng tay loại trừ phứt đi cho xong chuyện.

- Nhưng dù sao nó cũng vai chú của vương thượng, lại nắm giữ Hình bộ. Nó không có tội gì làm sao mà trừ khử được?

Thái giám Chử Đức là tên mưu mô, hắn đề nghị:

- Ông ta không có tội thì tạo ra tội rồi bắt nhốt chứ có khó gì.

- Tạo ra thế nào?

- Tôi quen với tên quản gia trong nhà Tôn Thất Dục, ngoại tả bỏ tiền mua chuộc hắn, giao cho hắn một số súng hỏa mai và gươm giáo bảo đem giấu trong kho. Sau đó, quan ngoại tả vào tâu lên Võ vương nói Tôn Thất Dục mưu phản, muốn giết vương thượng tiếm ngôi, có tôi cùng vương phi nói thêm vào, vương thượng tất sẽ hạ lệnh bắt hắn. Ngài chưởng cơ đây cứ đem binh tới nhà lục soát, chứng cớ rành rành thì còn chối sao được. Tội đó không bị chặt đầu cũng tù mọt gông. Trong khi đó, chúng ta cứ cho bắt sạch hết bọn vây cánh của hắn. Trường hợp vương thượng không xử chết thì chúng ta cùng buộc ngài bãi chức hắn, như vậy hậu hoạn cũng chẳng còn.

Phúc Loan nghe kế mắt sáng rỡ cười ha hả nói:

- Kế hay lắm! Ngươi cho người mang trăm lạng vàng đến cho tên quản gia rồi cứ y kế mà làm. Khi cất giấu xong vũ khí thì báo ta hay. Ta sẽ giả chiếu lục soát nhà hắn, bắt hắn trước rồi tâu với vương thượng sau cũng được. Ông Thống chuẩn bị người đi. Bắt luôn đám tay chân của hắn một thể.

Cuộc mưu tính đã xong, Chử Đức liền y theo kế hoạch mà làm. Ba ngày sau đó, Tôn Thất Dục vừa từ Hình bộ trở về nhà thì chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống đã dẫn hai trăm quân túc vệ đến bao vây phủ đệ. Cửu Thống đưa tờ chiếu giả của Phúc Loan tạo ra đọc lớn cho Tôn Thất Dục nghe. Xong, không cần quan tâm đến sự phản kháng của Tôn Thất Dục, hắn sai lính đi lục soát. Lát sau bọn lính mang từ trong kho ra một số vũ khí khá lớn đủ cả súng đạn, gươm giáo. Tôn Thất Dục thấy tang vật, biết mình đã bị đám gian thần giá họa nhưng vì lệnh của chúa đã hạ xuống nên đành để Cửu Thống bắt dẫn đi. Cửu Thống trói Tôn Thất Dục lại rồi đem giam thẳng vào nhà ngục. Tôn Thất Dục tức giận mắng:

- Bọn giặc các ngươi giả truyền thánh chỉ bắt người vô cớ. Ta phải tâu lên vương thượng minh xét việc này, các ngươi rồi sẽ bị trừng trị tất cả.

Cửu Thống cười khanh khách nói:

- Ông tạm thời cứ ngồi ở đây mà chờ vương thượng minh xét. Ha ha...

Nói xong hắn dẫn lính đi tìm bắt những người trước nay là thủ túc của Tôn Thất Dục. Hai người đầu tiên hắn tìm đến là Đoàn Phong và Ngô Mãnh, tả hữu hộ vệ Hình bộ.

Nói về Đoàn Phong, vì Tuyết Hoa sau khi sanh đứa con gái, lại phí quá nhiều tâm lực để hoàn thành bản chú giải cuốn sách “Tiểu Bát quái trận đồ” của Nguyễn Bỉnh Khiêm biên soạn mà khi xưa cha nàng trao lại nên trong người suy nhược. Đoàn Phong đành phải ở nhà mấy hôm nay để chăm sóc cho nàng và đứa con gái nhỏ. Đêm đó, chàng đang bế đứa con gái vừa tròn một tuổi trên tay thì một tên gia nhân bên nhà Tôn Thất Dục hớt hải chạy đến báo tin dữ. Đoàn Phong vội hỏi:

- Sự tình thế nào? Dục thúc giờ ra sao rồi?

Tên gia nhân hổn hển nói:

- Bọn chúng lục soát trong nhà thấy có nhiều súng đạn và gươm giáo nên truyền đọc thánh chỉ rồi bắt Tôn ông trói lại. Hạ nhân biết nguy vội lẻn ra ngoài, chạy nhanh đến đây báo với tả hộ vệ để ngài tìm cách cứu Tôn ông.

Nghe sự tình, Đoàn Phong biết ngay đây là đòn giá họa phủ đầu của Phúc Loan nhằm loại trừ quan Hình bộ, một đối thủ gay gắt nhất của hắn ta. Một khi hắn đã ra tay ắt sẽ tiêu diệt trọn ổ, khử luôn vây cánh của Tôn Thất Dục. Đoàn Phong đoán trước rằng người tiếp theo sa bẫy chính là chàng và Ngô Mãnh. Suy tính xong, chàng bảo tên gia nhân:

- Ngươi chạy gấp sang báo cho hữu hộ vệ biết, nói với ông ta hãy lánh mình trước đừng để bị chúng bắt, sau đó mới tìm kế cứu Tôn ông. Đi nhanh đi kẻo không kịp.

Tên gia nhân “dạ” một tiếng rồi chạy đi. Tuyết Hoa nằm trên giường nói:

- Chúng ta phải mau mau chạy trốn trước khi chúng đến đây. Một mình chàng không chống lại nổi bọn chúng đâu, vướng víu vợ con nữa thì chàng sẽ bị chúng bắt. Chịu khuất tất một chút để sau này còn có người giải cứu cho Dục thúc.

- Vậy hiền thê ráng gượng dậy bế con, ta thu xếp một ít vật dụng rồi mình đi.

Chàng vội đỡ Tuyết Hoa ngồi lên, trao bé Quỳnh Như cho nàng rồi chạy đi thu dọn một số áo quần, của cải, tống vào hết trong một chiếc bao, giắt kiếm trên vai, tay bế Đoàn Phi, tay dìu Tuyết Hoa ra sau vườn. Chàng treo chiếc bao bên hông con Hồng Câu, cẩn thận bế hai mẹ con Tuyết Hoa lên, sau đó ẵm Đoàn Phi phóng lên lưng ngựa. Vừa lúc đó đã nghe có tiếng ngựa phi rầm rập tới trước cửa nhà. Đoàn Phong thúc ngựa chạy đi.

Sáng hôm sau thiết triều, Phúc Loan sai Cửu Thống mang toàn bộ tang vật ở nhà Tôn Thất Dục cùng tờ đơn đem trình lên Võ vương tố cáo tội mưu phản. Võ vương trước nay vẫn biết Thất Dục là người học rộng có tài, được mọi người nể trọng, lại là vai chú mình nên trong lòng bán tín bán nghi hỏi:

- Việc này trọng đại, phải tìm chứng cứ rõ ràng mới định tội được. Các quan có ý kiến gì không?

Nội hữu Trương Văn Hạnh tâu:

- Tâu vương thượng, lời nói của vương thượng thật hết sức anh minh. Thần e rằng có người vì ghen ghét ngài Hình bộ mà lập mưu vu cáo. Xin vương thượng tra xét kỹ càng nếu không sẽ giết oan một vị trọng thần, công minh chính trực.

Phúc Loan nạt lớn:

- Nội hữu đừng vì tư tình cá nhân mà bênh vực cho tên nghịch tặc. Việc mưu phản chứng cứ đã rành rành, còn tra xét thêm gì nữa? Ông đợi đến lúc hắn tiếm đoạt ngôi vương rồi mới ra tay hay sao? Hay là ông cũng cùng một phe với hắn?

Văn Hạnh cũng nạt lại:

- Ông đừng ngậm máu phun người...

Hộ bộ Thái Sinh vội đứng lên tâu:

- Muôn tâu vương thượng, Tôn Thất Dục lâu nay nắm giữ Hình bộ, tự ý xét xử không theo luật lệ triều đình, mua chuộc lòng người, kết nạp phe đảng. Việc mưu phản của hắn ta đã rành rành, xin vương thượng hạ lệnh xử trảm để diệt trừ hậu hoạn, răn đe những kẻ loạn thần khác.

Ngoại hữu Nguyễn Phúc Văn vội đứng lên tâu:

- Tâu vương thượng, việc trọng đại xin vương thượng anh minh xét kỹ, không thể vin vào một số tang vật này mà bắt tội trung thần.

Các quan đại đa số là vây cánh của Phúc Loan nên đều hùa nhau xin Võ vương hạ lệnh xử tử Tôn Thất Dục. Phe bênh vực dám lên tiếng chỉ có nội hữu Trương Văn Hạnh, ngoại hữu Nguyễn Phúc Văn, thị giảng Lê Cao Kỷ, đại thần Nguyễn Hoãn, Thạc Đức hầu Nguyễn Quang Tiền. Còn một số nhỏ các quan khác thì im lặng không dám có ý kiến gì. Võ vương thấy sự việc khó xử nên ra lệnh bãi triều. Sự tranh cãi kéo dài cả tháng trời mà Võ vương vẫn chưa thể đưa ra quyết định. Đêm đó, vương phi Ngọc Cầu thấy Võ vương tư lự suy nghĩ, nàng thỏ thẻ hỏi:

- Vương thượng hình như có việc gì khó xử phải không?

Võ vương thở dài nói:

- Ngoại tả và các quan bắt quả tang trong nhà Tôn Thất Dục có nhiều vũ khí nên lập bản cáo trạng nói hoàng thúc mưu đồ tạo phản, khuyên ta hạ lệnh chém đầu thị chúng. Ta biết hoàng thúc vốn là người tài trí, lại chính trực nên trong lòng không tin, nhưng các quan ai cũng lên tiếng buộc tội. Vì vậy, ta còn trù trừ chưa quyết định được.

Ngọc Cầu ngồi bên Võ vương, đưa tay vuốt ve nói:

- Thiếp cũng nghe nói hoàng thúc là người tài cao, chính trực. Vương thượng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định, nếu không giết lầm kẻ trung lương thì vương thượng sẽ để tiếng xấu cho đời đó.

Võ vương cầm tay Ngọc Cầu nói:

- Ái phi thật là người hiểu lòng ta. Nhưng các quan đều lên tiếng buộc tội khiến ta thật khó xử vô cùng.

Ngọc Cầu nũng nịu:

- Đội ơn vương thượng khen ngợi. Người xưa thường nói thà giết lầm chứ không tha lầm, nhưng đó là hành động của những bạo chúa hay những kẻ phi quân tử. Vương thượng là vì vương anh minh, không thể làm việc đó được, chi bằng...

Nàng nói đến đó rồi im lặng. Võ vương hỏi:

- Chi bằng thế nào? Ái phi nói ta nghe thử.

Ngọc Cầu vờ vĩnh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Không buộc tội thì các quan bất mãn, buộc tội thì e giết lầm kẻ trung lương. Nếu thế vương thượng cứ xử ở mức trung dung, sẽ vẹn cả đôi bề.

- Xử ở mức trung dung là thế nào?

Ngọc Cầu nở nụ cười mê hồn nói:

- Là thần thiếp nói theo ý mình thôi, vương thượng anh minh tất đã có chủ ý rồi, không cần nghe lời của thần thiếp đâu.

Võ vương càng tò mò muốn biết nên giục:

- Thì nàng cứ nói thử ý nàng cho ta nghe đi.

- Theo ý thần thiếp, vương thượng bãi chức Hình bộ của hoàng thúc rồi tha bổng cho người. Một người không có chức quyền trong tay thì còn lo gì chuyện mưu phản, mà tha bổng thì lo gì chuyện giết lầm kẻ trung thần?

Võ vương gật gù, cho rằng cách giải quyết như thế cũng hợp lý.

- Ái phi thật là người thông mình tài trí. Ta theo ý đó thì sẽ vẹn cả mọi đường.

Ngọc Cầu nũng nịu ngã vào lòng Võ vương thỏ thẻ:

- Đa tạ lòng ưu ái của vương thượng.

Ngọc Cầu ngoài nhan sắc khuynh thành, nàng còn có một thân thể và làn da cực kỳ khêu gợi. Đã vậy, nàng còn biết cách gia tăng sự kích thích của đối phương bằng những động tác xoa bóp nhẹ vào những huyệt đạo trên cơ thể. Những động tác chiêu hồn của nàng đã khiến cho Võ vương không sao kiềm chế được, ông lao vào cuộc mây mưa đến quên cả mọi việc trên đời.

Hôm sau, Võ vương hạ lệnh cách chức rồi tha bổng cho Tôn Thất Dục vì chứng cứ mưu phản không rõ ràng. Lại phong cho Thạc Đức hầu Nguyễn Quang Tiền đang giữ chức Hàn Lâm viện đại học sĩ tạm kiêm giữ chức Hình bộ. Riêng Tôn Thất Dục, khi ông bước ra khỏi nhà ngục thì ngửa cổ than rằng:

- Kẻ giặc ấy lập bè phái bãi chức ta, tôn thất há chẳng còn ai dám lên tiếng răn đe hắn hay sao?

Từ đó, ông chán nản việc triều chính, buông hết sự đời trở về nhà vui cùng tuế nguyệt, làm bạn với thi ca. Ông biết trong đám gia nhân có kẻ phản trắc nên đã cho nghỉ việc hết, chỉ giữ lại người nô bộc già đã theo ông từ lúc ông còn rất trẻ. Nhớ lời dạy trước kia của Vô Danh thiền sư, ông giao nhà cửa lại cho người lão bộc rồi chu du đây đó để tìm cái nguyên lý “một sinh ra vạn vật”, cái tiếng lòng của dân tộc Việt. Sau một thời gian khá dài, ông đã sáng chế ra được cây đàn Nam cầm một dây (còn gọi là Độc Huyền cầm) dựa trên cái nguyên lý “một” ấy. Cây đàn độc nhất vô nhị của ông với những âm thanh vi diệu phát ra từ một sợi dây duy nhất đã trở thành biểu tượng của dân tộc Đại Việt.

Phúc Loan tuy không giết được địch thủ của mình nhưng nhổ được cái gai nhọn ấy khỏi quan trường cũng hả hê trong dạ lắm, hắn nói với Cửu Thống:

- Thằng Dục đã bị bãi chức, Nguyễn Quang Tiền tuy không chống ta ra mặt nhưng hắn ta vốn trọng lễ nghĩa nên ắt sẽ gây khó khăn không ít cho ta sau này. Ta sẽ tâu vương thượng đưa người khác thay hắn giữ Hình bộ. Ngươi cho người liên lạc với bọn Diệp Sanh Ký, bảo bọn chúng chuẩn bị sang đón bọn tù Lý Văn Quang. Nhắc chúng nhớ những gì chúng đã hứa với ta hôm trước.[2]

[2] Quan Thái bảo Đại Học Sĩ - Trịnh Hoài Đức trong cuốn “Gia Định Thành Thông Chí” có viết về sự việc này như sau: “Mùa đông năm Ất Hợi 1755, nhân có bộ hạ của Tổng đốc Mân Chiết (Trung Quốc) là Thiên tổng Lê Huy Đức, Bá tổngThẫm Thần Lang, HồĐình Phượng đi tuần thú Đài Loan, thuyền bị gió bão bạt đến nước ta, nhân đó phối hợp cùng tàu buôn để đưa họ về nước, tiện thể tháng 7 mùa thu năm Bính Tý 1756 (Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17, Đại Thanh Càn Long thứ 21) soạn công văn và bản án kể rõ tội trạng của tặc đảng. Bọn tù phạm trừ những kẻ đã thọ thương bị bệnh chết, hiện còn đám Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tứ tổng cộng 16 người, giao cả cho đoàn Lê Huy Đức lãnh giải về tỉnh Mân, trình lên quan Tổng đốc xét xử trị tội.”

Cửu Thống cười nịnh:

- Từ nay ngoại tả cứ ung dung mà mở cửa cho tiền vào nhà, không còn ai dám ngăn cản nữa rồi. Hạ quan xin chúc mừng ngài.

Phúc Loan híp mắt cười đắc ý:

- Ha ha... Các ông cứ làm tốt những việc ta giao cho thì phú quí vinh hoa cũng sẽ chẳng lo gì.

Mùa thu năm Ất Hợi 1755, ba tên Lê Huy Đức, Thẩm Thần Lang và Hồ Đình Phượng đáp tàu từ Đài Loan sang để thực hiện việc nhận tù nhân. Võ vương sai Nguyễn Quang Tiền thảo tờ văn thư và bản án kể tội bọn Lý Văn Quang để gởi cho Thanh triều. Trong văn thư, Võ vương lệnh Quang Tiền phải xưng là An Nam quốc vương nhưng Quang Tiền nhất định không nghe. Ông nói:

- Đã có hoàng đế ở kinh đô do Thiên triều sắc phong vương tước, xứ này vốn là phiên thần và vẫn theo chính sóc, nay xưng quốc vương nếu như Trung Quốc vặn hỏi thì sẽ trả lời ra sao?

Bèn không chịu, vì thế Võ vương ghét y lắm. Phúc Loan thừa thế nói thêm vào nên vương liền cho bãi chức Nguyễn Quang Tiền. Sau đó, Vương sai người khác thảo, nhưng công văn cũng chỉ dám xưng “Trấn thủ”. Đến cuối năm Bính Tý, việc chuyển giao bọn Lý Văn Quang đã thực hiện xong, trong số năm mươi bảy tên bị bắt, một số đã chết dần trong tù, chỉ còn lại Lý Văn Quang cùng mười lăm tên thuộc hạ được trả về Trung Quốc.

Trương Phúc Loan loại thêm được Nguyễn Quang Tiền thì vô cùng đắc ý. Ông nói với Nguyễn Cửu Thống:

- Vậy là chặt bớt được một cái gai nữa. Ông cho người gọi tên Phạm Hiệp vào đây cho ta.

Cửu Thống “dạ” rồi lui ra ngoài bảo thuộc hạ đi gọi Phạm Hiệp. Một lúc sau Phạm Hiệp vào, hắn cúi đầu khúm núm:

- Hạ chức xin chào ngài ngoại tả. Ngài ngoại tả có việc gì sai bảo đến hạ chức xin cứ dạy ạ.

Phúc Loan nói:

- Ông nay đã nắm giữ Công bộ, trong quốc khố đang thiếu tiền, ông làm tờ trình lên vương thượng xin đúc thêm tiền kẽm để chi dụng. Ông hiểu ý ta chứ?

- Dạ, hạ chức hiểu. Hạ chức sẽ thực hiện ngay ạ.

Phúc Loan gật đầu nói tiếp:

- Số vàng thu được ở Kim Sơn ông thu xếp nộp vào kho một nửa thôi, còn lại giao cho ta, ta sẽ dùng nó để thưởng công cho các ông.

Phạm Hiệp nghe nói mừng rỡ:

- Dạ, dạ! Hạ chức sẽ làm đúng lời ngài ngoại tả dạy ạ.

Võ vương đắm say sắc dục, suốt ngày ở trong cung Trường Lạc với Ngọc Cầu, không màng gì đến việc nước nên quyền hành phủ Chúa coi như nằm gọn trong tay Trương Phúc Loan. Chúng thông đồng nhau bòn rút của công để bỏ vào túi riêng. Chưa thỏa mãn, Phúc Loan còn bắt Công bộ và Hộ bộ tìm cách tăng thuế ngoài dân chúng để bù vào những khoảng trống mà chúng đã bòn rút từ công quĩ. Một cõi sơn hà đang trên đà phát triển bỗng rơi vào cảnh loạn lạc, đói kém tơi bời.

***

Nói về Đoàn Phong đêm đó phóng ngựa theo bờ sông Hương xuống đến cửa Thuận An tìm vào một làng chài ven biển xin tá túc đỡ qua đêm vì Tuyết Hoa đang bệnh, Quỳnh Như thì còn quá bé. Duyên may đưa đẩy, người chủ nhà là một bà cụ đã ngoài sáu mươi, sống cô độc một mình. Bà cụ thấy vợ chồng Đoàn Phong phong thái cao sang, đoan chính, hai đứa bé Đoàn Phi và Quỳnh Như lại kháu khỉnh dễ thương nên bà hết sức vui vẻ đón tiếp. Tuyết Hoa trong người đã suy nhược, nay lâm cảnh trốn chạy nên bệnh tình càng trở nên trầm trọng hơn. Bà cụ chỉ Đoàn Phong đi mời thầy thuốc nhưng lại gặp phải lão lang băm nên tình trạng Tuyết Hoa ngày càng tồi tệ hơn. Đoàn Phong nóng lòng về tin tức của Tôn Thất Dục nhưng ngặt nỗi Tuyết Hoa quá suy nhược nên chàng đành bấm bụng ở lại chăm sóc cho vợ.

Có lần Đoàn Phong liều mạng phóng ngựa lén về Phú Xuân để dò la tin tức thì biết Tôn Thất Dục đang bị nhốt trong ngục, Ngô Mãnh biệt tăm, những người thân tín trong Hình bộ lúc xưa, kẻ bỏ đi người bị bắt. Bọn Phúc Loan vẫn đang ráo riết truy tìm tung tích của chàng và Ngô Mãnh, những tờ lệnh truy nã vẽ hình hai người được dán khắp nơi trong và ngoài thành Phú Xuân. Chàng vừa lo vừa chán ngán cảnh triều đình nên muốn buông xuôi tất cả. Tình trạng đó kéo dài gần ba tháng thì một hôm Tuyết Hoa thấy trong người kiệt sức. Biết mình không thể qua khỏi nên nói với chồng:

- Thiếp không xong rồi. Chàng ráng bảo trọng thân mình để lo cho hai con, chúng là hậu duệ duy nhất của hai họ Đoàn - Lê nhà chúng ta.

Đoàn Phong nắm tay vợ buồn rầu nói:

- Ta có lỗi với hiền thê. Hoàn cảnh hiện nay đã làm ta thúc thủ đành ngồi nhìn nàng mỗi ngày một suy nhược dần mà không thể làm được gì. Thật vô dụng.