Én Liệng Truông Mây - Hồi 20 - Phần 2

Tuyết Hoa âu yếm nhìn chồng an ủi:

- Chàng đừng tự trách mình. Tại thiếp vắn số mà thôi. Dù sao chúng ta cũng đã có Phi nhi và Quỳnh Như để nối dõi. Chúng ta hãy mãn nguyện với điều đó.

Đoàn Phong nhìn vợ cố nhoẻn miệng cười. Chàng biết Tuyết Hoa là người cứng rắn và sáng suốt nên những câu an ủi có tính lấy lệ sẽ không làm cho nàng vui. Chàng chỉ im lặng gật đầu. Tuyết Hoa nói:

- Chúa Nguyễn đã theo vết xe đổ của Chúa Trịnh nên cũng sắp sụp đổ đến nơi, chàng không cần quan tâm đến họ nữa, hãy ráng đào tạo cho hai con. Phi nhi là đứa thông tuệ, đợi nó lớn lên chàng giao cuốn “Tiểu Bát quái trận đồ” mà em đã chú giải cho nó. Nó sẽ giúp được cho đời sau này.

- Nàng an tâm. Ta coi như đời mình đã bỏ đi. Ta sẽ lo cho hai con nên người hữu dụng sau này.

Tuyết Hoa nhờ chồng mang hai đứa con lại nằm cạnh mình, nàng ôm hai con trong lòng, nói lời cảm ơn với bà cụ chủ nhà, nhìn chồng âm yếm nở nụ cười lần cuối rồi nhắm mắt lại. Không bao lâu sau đó, nàng trút hơi thở cuối cùng. Đoàn Phong bây giờ mới dám để cho những giọt nước mắt mặc sức tuôn trào. Chỉ sau một đêm ngồi nhìn xác vợ mà trông chàng đã già đi cả mười năm. Chàng chôn vợ ở khu gò mả chung của thôn.

Nửa tháng sau chàng trở lại Phú Xuân thì hay tin Tôn Thất Dục đã được thả ra nhưng bị bãi chức. Chàng đến nhà tìm, người lão bộc cho hay Dục công đã vân du tứ hải không thấy về. Chàng nhờ người bán ngôi nhà cũ ở bến Vĩ Dạ, từ đó tuyệt giao với đời, sống ẩn dật nuôi hai đứa con cùng bà cụ chủ nhà. Ít lâu sau chàng sắm một chiếc thuyền chài nhỏ, ngày ngày ra biển đánh cá kiếm kế sinh nhai. Bà cụ sau đó cũng từ trần, vì không con cháu nên giao ngôi nhà lại cho Đoàn Phong.

Phần vì nhớ vợ, phần vì uất hận cho hoàn cảnh trớ trêu của mình nên Đoàn Phong cố gắng đem trí tuệ cả đời truyền dạy lại cho đứa con trai duy nhất. Chàng cũng bắt đầu uống nhiều rượu hơn. Nhiều đêm dưới ánh trăng nơi thôn dã, sau khi dạy kiếm cho Đoàn Phi xong, chàng một mình uống rượu múa gươm mà tiếc thời oanh liệt xưa. Hận chứa đầy gan, chàng ngửa mặt vung kiếm ngâm mấy câu thơ:

Quốc phá gia vong kỷ độ hà

Dục tương khinh kỵ vãn can qua

Thiên bế, nhân u, vô hạn hận

Điếu đồ tuyệt lộ tửu cuồng ca[3]

Dịch:

Nước mất nhà tan đã mấy độ bởi vì đâu

Muốn dùng đoàn chiến mã để cứu vãn cảnh binh lửa

Mệnh trời bế tắc, lòng người (vua) hôn ám đành ôm hận

Tên ngư phủ cùng đường cuồng say ca hát.

[3] Trích Trường thi Hòn Vọng Phu, Vũ Thanh, Nxb Trẻ 2012.

Năm Đoàn Phi được mười tuổi, về cơ bản nó đã nắm vững đường kiếm gia truyền của dòng họ Đoàn. Ngoài học võ, Đoàn Phong còn bắt nó cùng Quỳnh Như phải học chữ. Việc dạy dỗ con của chàng rất nghiêm túc, đến độ cứng rắn.

Một hôm, Đoàn Phong dong buồm ra khơi đánh cá vắng nhà. Buổi chiều, sau giờ học, Đoàn Phi rủ em ra vườn chặt mía ăn, không may lưỡi dao sút cán, văng trúng ngay đầu Quỳnh Như, máu ra lai láng khiến con bé ngã xuống bất tỉnh. Đoàn Phi lay gọi em thật lâu mà Quỳnh Như vẫn nằm yên bất động. Nó tưởng em mình đã chết, lại nghĩ đến cơn thịnh nộ của cha lúc trở về nên sợ quá băng mình chạy trốn. Nó nhắm mắt chạy ra đến cửa Hội An thì trời đã tối mịt, thấy bên bờ sông có đoàn thuyền đang đậu, nó leo đại lên rồi núp vào trong đống vật dụng trên boong thuyền. Cảm thấy chưa an toàn, nó kéo mấy tấm vải dùng để đậy hàng phủ lên người mình. Sợ hãi, mệt mỏi, nó ngủ quên lúc nào không hay.

Nó bị đánh thức bởi sức nóng kinh hoàng bên trong tấm vải phủ. Ngộp quá, nó đưa tay kéo tấm vải phủ trên người ra. Ánh nắng chói chang, gay gắt của mặt trời mùa hạ buộc nó phải nhắm mắt lại một lúc rồi mới mở ra lại. Trên nền trời trong xanh, từng đám mây trắng bay đi rất nhanh, xéo bên kia là mấy cây cột cao giương những cánh buồm đang phần phật bay trong gió. Nó còn chưa hình dung được mình đang ở đâu vì đầu óc nóng ran và nhức như búa bổ. Sực nhớ đêm qua mình đã leo lên một chiếc thuyền để trốn đi, nó hoảng hồn ráng sức ngồi dậy, chui ra khỏi đống đồ rồi bò ra mé thuyền. Quanh nó là biển xanh ngút một màu, phía xa xa những rặng núi thấp thoáng ẩn hiện. Nó chợt hiểu ra con thuyền mà nó chui lên trốn đã ra khơi và đang lênh đênh giữa biển cả. Trên boong thuyền, trời nắng như thiêu đốt nên không có người nào cả. Nó hoảng sợ vô cùng nhưng cơn mệt mỏi chợt ập tới khiến nó không sao gắng gượng được, nó nằm vật xuống rồi thiếp đi.

Lúc mở mắt ra, dưới ánh sáng lờ mờ của cây bấc, Đoàn Phi trông thấy một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành đang ngồi nhìn mình. Thấy nó tỉnh lại, người ấy mỉm cười hỏi:

- Cháu đã tỉnh lại rồi, cảm thấy trong người thế nào?

Nó cảm thấy miệng đắng nghét, đầu còn nóng ran nhưng vẫn đáp:

- Dạ cháu không sao.

Người đàn ông đưa tay sờ trán nó nói:

- Cháu còn sốt cao lắm, chú đã nấu cháo và sắc sẵn thuốc, ăn cháo xong uống thuốc rồi tiếp tục nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏi thôi.

Ăn cháo và uống thuốc xong nó hỏi:

- Cảm ơn chú. Cháu đang ở đâu vậy chú?

- Cháu đang ở trên thuyền. Thuyền đi buôn của chú. Cháu nghỉ ngơi đi, đừng hỏi han gì vội. Khỏi bệnh rồi nói chuyện sau.

Người đàn ông ra khỏi phòng, bên ngoài trời tối đen như mực, có tiếng người nói chuyện lao xao. Nó nằm suy nghĩ lung tung một lúc rồi lại ngủ thiếp đi. Hôm sau, người đàn ông và mấy người nữa lại mang cháo và thuốc vào cho nó. Đến tối hôm sau thì nó đã khỏe lại rất nhiều. Sáng ngày thứ ba, nó đã khỏe hẳn. Người đàn ông đưa nó ra boong thuyền hóng ánh nắng ban mai. Đại dương xanh ngắt, gió biển lồng lộng tạo cho nó cảm giác sảng khoái vô cùng. Mấy người thủy thủ vây quanh nó chào hỏi, trong số đó có một đứa trẻ lớn hơn nó chừng ba bốn tuổi, thái độ rất thân thiện. Người đàn ông sợ nó nhiễm gió trở lại nên cùng nó trở vô phòng. Ông ta bảo nó ngồi xuống giường rồi hỏi:

- Bây giờ cháu có thể cho ta biết cháu là ai, tên gì và vì sao trốn lên thuyền này không?

Mấy hôm nay nằm bệnh, nó suy nghĩ nhiều lắm. Vừa sợ cha tìm được, lại vừa sợ người ta cho là kẻ cắp nên nó quyết định bịa chuyện nói dối.

- Dạ cháu tên Trần Lâm, là một đứa trẻ mồ côi không nhà lang thang đây đó. Đêm kia chỉ vì mệt mỏi quá nên cháu leo lên thuyền định ngủ một giấc rồi bỏ đi, không ngờ ngủ quên và thuyền của chú lại ra biển. Cháu hãi quá tới sinh bệnh. Cháu lên thuyền chỉ là sự vô tình, không có gian ý gì cả.

- Ồ, chú không nghĩ cháu là kẻ gian. Bây giờ cháu tính sao, thuyền của chú phải vào tận đầm Hải Hạc ở Quy Nhơn mới dừng lại được. Cháu muốn trở lại Hội An phải theo thuyền của chú một thời gian, khi có chuyến hàng thì mới trở ra được. Có khi chú không trở ra Hội An mà lại vào tận miền Nam, trong Cù Lao Phố lận.

Đoàn Phi ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Thì cháu cứ theo chú vậy. Cháu muốn biết tên của chú để tiện xưng hô?

- Chú là Lê Trung. Là thuyền trưởng của đoàn thuyền này.

- Cháu chào chú Lê Trung. Chú làm thuyền trưởng được lênh đênh trên biển, đi đây đó khắp nơi chắc vui lắm nhỉ?

Lê Trung cười:

- Chỉ vì công việc mà thôi. Cháu thích đi biển lắm à?

- Dạ, từ nhỏ cháu đã thích sự mênh mông to lớn của biển cả. Cháu thường mơ mình được sống trên biển.

- Vậy cháu có muốn theo thuyền của chú lênh đênh trên biển luôn không?

- Nếu chú cho phép cháu sẽ theo chú giúp việc. Cháu làm gì cũng được, miễn là được theo đoàn thuyền đi khắp đó đây, còn hơn lang thang đầu đường xó chợ không biết phải làm gì.

- Nếu cháu thích thì cứ ở lại với chú. Trên thuyền cũng có Lưu Phương, nó hơn cháu vài tuổi, hai đứa làm việc với nhau cho có bạn.

- Ra anh ấy tên Lưu Phương, lúc nãy cháu đã gặp qua. Vậy từ nay cháu là thủy thủ trên thuyền của chú rồi phải không?

Lê Trung nghe nó nói bật cười:

- Ừ. Là thủy thủ tí hon!

***

Vậy là từ đó Đoàn Phi đổi tên thành Trần Lâm, theo đoàn thuyền buôn sống lênh đênh trên biển cả, đi đây đó khắp nơi như ước mơ mà nó đã ấp ủ từ bé. Hôm đoàn thuyền về đậu bến nhà ở đầm Hải Hạc, nó mới biết đoàn thuyền là của gia đình họ Cao, chú Lê Trung là anh vợ của ông chủ tên Cao Đường. Nó vốn là đứa trẻ thông tuệ, có giáo dục đàng hoàng nên rất lễ phép, bởi vậy thủy thủ đoàn ai nấy cũng đều thương. Cả Lưu Phương, vốn tính tình hiền hậu, tốt bụng nên hai đứa thân nhau như anh em, chia nhau các công việc lặt vặt trên tàu. Những khi rảnh rỗi hai đứa thường nói chuyện, tranh luận với nhau về đủ thứ trên đời. Lưu Phương vốn ghét võ nghệ, chỉ thích đọc sách, nó cho rằng võ nghệ chỉ làm con người tăng thêm hung tính. Sách vở, chữ nghĩa thánh hiền mới làm con người và xã hội tốt hơn.

Suốt những ngày tháng phong sương đó, lòng Trần Lâm không bao giờ quên được hình ảnh của đứa em gái tội nghiệp và những lời dạy dỗ của cha mẹ mình. Nó tự thề với lòng là sẽ tạo nên một sự nghiệp vẻ vang để thực hiện lời dặn dò của mẹ cha cũng như tạ lỗi với linh hồn người em gái. Mặc cảm tội lỗi khiến nó trở thành đứa trẻ trầm mặc, ít nói. Đêm đêm, sau những giờ làm việc, nó lên boong thuyền một mình luyện tập võ nghệ, nhất là bài kiếm gia truyền mà nó đã thuộc nằm lòng.

Theo đoàn thuyền được một thời gian, một hôm đoàn thuyền cập bến nghỉ ngơi, Lê Trung từ nhà Cao Đường trở lại có dẫn theo một đứa bé gái xuống thuyền. Cô bé chừng chín mười tuổi, tóc chấm ngang vai, đôi mắt đen lay láy, khuôn mặt rất hiền hậu, dễ thương. Gặp Trần Lâm, Lê Trung nói:

- Lâm nhi, đây là Tiểu Hồng, cháu gái của chú. Hai đứa làm quen với nhau đi.

Trần Lâm vui vẻ nói:

- Chào Tiểu Hồng! Tôi là Trần Lâm, rất vui được làm quen với bạn.

Tiểu Hồng cũng cười tươi đáp lại:

- Anh mới theo đoàn thuyền của cậu Trung hả? Lúc trước Tiểu Hồng đâu có gặp anh, chỉ thấy anh Phương thôi.

- Vâng, tôi mới theo chú Trung chừng một năm nay. Tiểu Hồng biết anh Phương à, chúng ta đi tìm anh ấy đi.

Cả hai đứa xấp xỉ tuổi nhau nên bắt chuyện làm thân rất nhanh. Trần Lâm nhìn Tiểu Hồng chạnh nhớ tới đứa em gái xinh xắn, ngoan hiền của mình nên tự dưng rất có thiện cảm với cô bé. Chúng kéo nhau đi tìm Lưu Phương. Trần Lâm hỏi:

- Tiểu Hồng là tiểu thư con ông chủ hả?

- Sao anh Lâm biết?

- Tôi nghe chú Trung nói em gái của chú là vợ ông chủ. Lúc nãy chú giới thiệu Tiểu Hồng là cháu của chú nên tôi đoán vậy.

Tiểu Hồng nhoẻn miệng cười:

- Anh Lâm nhanh trí quá há. Tài đoán của anh thật giỏi. Nhưng...

Rồi mặt nó bỗng trở nên buồn xo. Trần Lâm hỏi:

- Sao bỗng dưng Tiểu Hồng buồn bã vậy? Nhưng cái gì?

- Mẹ Tiểu Hồng không còn nữa. Mẹ mất rồi. Mất từ lúc Tiểu Hồng mới năm tuổi.

- Vậy sao? Tôi xin lỗi nhé.

- Sao lại xin lỗi?

- Vì đã nhắc chuyện của mẹ Tiểu Hồng.

- Ơ, không sao đâu. Còn mẹ anh Lâm?

- Cũng mất rồi. Tôi chỉ có một mình. Tiểu Hồng có anh em không?

- Có! Chị Đại Hồng.

- Vậy là vui rồi.

- Không vui chút nào đâu. Chị Đại Hồng khó tính lắm, cái gì cũng ăn hiếp Tiểu Hồng cả. Tiểu Hồng không muốn chơi với chị ấy. Cả anh Vân Long nữa, hai người họ chơi riêng với nhau.

- Anh Vân Long là anh của Tiểu Hồng à?

- Dạ, nhưng là cháu của mẹ chị Đại Hồng. Cha nuôi anh ấy từ nhỏ.

- Thế mẹ Đại Hồng không phải là mẹ Tiểu Hồng sao?

- Không. Mẹ chị ấy mất sớm. Cha cưới mẹ em, rồi mẹ em cũng mất luôn. Tụi em không hợp tính nhau.

- Thế từ nay tôi sẽ làm bạn với Tiểu Hồng. Chúng ta là bạn của nhau nhé?

- Ừ, nhưng anh Lâm theo thuyền đi hoài, Tiểu Hồng đâu có được chơi với anh Lâm mỗi ngày đâu.

- Ừ nhỉ? Thì khi nào thuyền về bến, Tiểu Hồng lại ra đây chơi với tôi. A, anh Lưu Phương kìa!

Lưu Phương biết Tiểu Hồng từ trước nên cả ba đứa chơi với nhau coi bộ rất hợp tính. Từ đó mỗi bận thuyền về, Tiểu Hồng đều bắt cậu Trung dẫn ra bến để chơi với Trần Lâm và Lưu Phương. Một lần, Đại Hồng biết được nên đòi đi theo, cả Lý Vân Long nữa. Đại Hồng lớn hơn Tiểu Hồng ba tuổi, nét mặt rất xinh nhưng ánh mắt thì sắc bén quá, tính tình lại khắc nghiệt nữa. Thấy Tiểu Hồng chơi với Trần Lâm và Lưu Phương coi bộ rất vui vẻ nên nó tức, cứ tìm cách chọc phá hoài. Biết Trần Lâm và Lưu Phương là hai đứa trẻ mồ côi nên Đại Hồng và Vân Long thường tỏ ý khinh miệt, phân biệt chủ tớ. Trần Lâm tuy giận lắm nhưng vẫn cố nén trong lòng. Tiểu Hồng cũng vì thế mà gây gổ với chị luôn. Năm đứa trẻ chia ra hai phe, chống đối và cãi nhau vì đủ thứ lý do khiến cho cả năm đều mất vui. Nhưng cứ mỗi lần thuyền về bến thì chúng lại tìm cách gặp nhau rồi lặp lại bổn cũ.

Có lần Trần Lâm hỏi Tiểu Hồng vì sao tính tình Đại Hồng lại hay cáu gắt, phá bỉnh người khác như thế thì Tiểu Hồng lắc đầu không biết, chỉ nói rằng từ nhỏ Đại Hồng đã vậy. Đôi khi, Đại Hồng còn gàn dở đến mức bắt những chú gà con của nhà người nô bộc nựng nịu chán rồi bẻ cổ chơi. Mỗi lần như vậy, Tiểu Hồng khóc hết nước mắt, gây nhau một trận với chị rồi đem những chú gà con đi chôn.

Lê Trung vốn là người tài cao, học rộng, võ nghệ cao cường, lại rất giỏi về âm nhạc, nhất là thổi sáo. Ông thấy Trần Lâm bản tính thông tuệ lại đam mê võ nghệ, ham học hỏi, làm việc thì chăm chỉ không câu nệ nên ông thương nó lắm. Từ bé nó đã nghe cha dạy rằng làm người muốn vượt trên thiên hạ, tạo dựng sự nghiệp lớn ở đời thì trên phải thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa rõ nhân tình, bởi vậy khi được Lê Trung tận tình rèn dạy, nó không ngừng học hỏi, đưa ra những thắc mắc khiến ông đôi khi phải gãi tai lắc đầu. Một hôm, hai chú cháu đang ngồi trước mũi thuyền lênh đênh giữa biển, Trần Lâm chợt hỏi:

- Chú Trung nè, cháu thấy chú suốt ngày theo thuyền buôn bán mà sao cháu hỏi bất cứ vấn đề gì chú cũng trả lời được cả vậy? Trước kia hẳn chú phải là người học rộng, tài cao lắm phải không?

Lê Trung cười đáp:

- Chữ nghĩa của chú hầu hết là do mẹ chú dạy. Sau khi mẹ mất, chú tự mình học hỏi thêm.

Trần Lâm chợt nhớ đến mẹ mình ngày xưa cũng ngày ngày dạy mình học nên hai mắt bỗng đỏ hoe. Lê Trung nhìn thấy hỏi:

- Cháu nhớ mẹ phải không?

- Dạ.

Rồi nó đánh trống lảng để tránh nhắc về mẹ mình:

- Mẹ chú chắc vừa đẹp vừa tài giỏi lắm phải không?

- Sao cháu biết?

- Thì nhìn chú đẹp trung niên, Tiểu Hồng cũng xinh đẹp nên cháu đoán thế.

Lê Trung thấy nó dùng chữ ngộ nghĩnh liền bật cười:

- Cháu đoán khá lắm. Mẹ chú đúng là một trang tuyệt sắc giai nhân. Duy có điều, người đẹp thường gặp cảnh trái ngang, cuộc đời nhiều sóng gió. Như mẹ Tiểu Hồng vậy, cũng rất đẹp nhưng lại vắn số.

- Xin lỗi chú.

- Không sao. Từ ngày mẹ mất, chú và Ngọc Lan, mẹ Tiểu Hồng, dùng nghề ca hát để sinh sống qua ngày. Sau đó cha Tiểu Hồng là Cao Đường xin cưới Ngọc Lan. Nhân chú Hữu Dụng đã lớn tuổi nên nhờ chú tiếp tục coi sóc đoàn thuyền. Lênh đênh trên biển cả mênh mông, sống chết trong chớp mắt, chú đã nghiệm ra rằng con người sướng khổ, sống chết đều có số mạng, mọi việc đều có bàn tay định mệnh sắp xếp sẵn. Cho nên với chú, đau khổ không quá buồn, hạnh phúc không quá vui. An nhiên mà đón nhận mọi thứ.

Trần Lâm lại tò mò hỏi thêm:

- Võ công của chú cao cường như thế chắc cha của chú phải là cao thủ đệ nhất giang hồ phải không?

- Mẹ giận cha, mang chú và em gái ra đi lúc chú mới có ba tuổi. Đến giờ chú cũng không hình dung ra mặt của cha mình thế nào nữa.

- Buồn nhỉ. Vậy võ công của chú là mẹ chú dạy cho à?

- Lúc ra đi, mẹ chú có mang theo cuốn kiếm phổ của cha. Khi chú lên năm, mẹ bắt chú theo đó mà luyện tập.

- Vì sao mẹ chú lại bỏ đi?

- Chỉ vì một sự hiểu lầm. Mẹ chú có một người em gái song sinh, hai chị em giống nhau như hai giọt nước, vì mồ côi nên hai chị em cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Khi mẹ chú lấy cha chú, hai chị em vẫn còn ở chung. Nghe mẹ kể, cha chú lúc ấy có biệt hiệu là Ngũ Tuyệt thư sinh. Chỉ vì hiểu lầm cha và dì ba nên mẹ chú ẵm con ra đi. Về sau biết tin dì đã treo cổ tự vận, cha bỏ đi kiếm mẹ con chú khắp nơi, mẹ chú hối hận lắm nhưng lại thẹn với cha và dì ba nên không ra mặt, cam tâm sống cuộc sống nghèo khó ở một làng nhỏ gần thành Đồ Bàn cũ.

Trần Lâm nghe kể, hai mắt nó đỏ hoe. Hình ảnh đứa em gái nằm chết thảm thương lại hiện về trong trí nhớ. Nó thở dài:

- Gia đình chú gặp nhiều đau khổ quá nhỉ? Mà Ngũ Tuyệt thư sinh là gì vậy chú?

- Là cầm kỳ thi họa và kiếm thuật đều tuyệt diệu cả.

- Ui chà! Hèn chi kiếm và tiếng sáo của chú quá là tuyệt luôn.

- Nói về kiếm thì bài kiếm của cháu mới là tuyệt. Nếu cháu cố gắng luyện nó cho thật giỏi thì cũng đủ để xưng hùng trong thiên hạ rồi. Cháu có muốn học thổi sáo không?

- Dạ muốn chứ! Chú dạy cho cháu nhé?

- Ừ.

Một hôm, đoàn thuyền ba chiếc do Lê Trung chỉ huy rời bến để ra cửa Đại Chiêm đổ hàng, khi qua khỏi vùng núi ở đầm Đạm Thủy thì bị mấy chiếc tàu của bọn cướp bao vây tấn công. Bọn cướp này mới bắt đầu hoạt động nửa năm nay. Chúng lợi dụng địa thế núi non hiểm trở phía nam bờ biển vùng đầm Đạm Thủy để làm sào huyệt. Chúng còn một trại khác đặt tại Hòn Trâu, là một đảo nhỏ bên ngoài bờ biển vùng Đạm Thủy, vì thế cho nên tên chúa đảng tự xưng là Ngưu Ma vương, dùng lá cờ có hình một đầu lâu của con trâu có hai sừng làm cờ hiệu. Đảng cướp này từng hoạt động ở vùng biển Quảng Đông - Phúc Kiến, sau chúng bị triều đình nhà Thanh đánh đuổi mới chạy sang Đại Việt. Bọn chúng rất tàn ác, nhất là tên đảng trưởng Lỗ Đại. Chúng chặn tàu cướp của còn giết người không gớm tay, chuyên moi tim người ngâm rượu để uống. Nửa năm nay, không ít những tàu buôn đi ngang vùng biển từ Quy Nhơn ra Quảng Ngãi đã bị bọn chúng đánh cướp.

Thuyền buôn họ Cao đi lại biển Đông đã năm mươi năm rồi nên đa phần thủy thủ đoàn đều là những người có võ nghệ cao cường. Lê Trung lại là tay cao thủ cho nên đã đánh trả dữ dội. Bọn cướp rất đông, chúng nhảy lên ba chiếc thuyền tấn công các thủy thủ. Cuộc giao chiến diễn ra giữa biển cả mênh mông. Lê Trung với đường kiếm linh hoạt như rồng bay đã đâm tên đảng trưởng Lỗ Đại một kiếm suýt mất mạng, may mà có mấy tên lâu la liều chết bảo vệ mới thoát về được thuyền nhà. Hắn thất kinh ra lệnh cho bọn đàn em rút lui. Bọn cướp tháo chạy nhưng đã bắt theo được mấy người thủy thủ, trong đó có Trần Lâm và Lưu Phương. Lê Trung tuy rất muốn đuổi theo cứu những người bị bắt nhưng cả ba chiếc thuyền sau cuộc giao tranh đã hư hại nặng, bọn cướp lại quá đông nên đành phải quay trở về bến nhà ở Quy Nhơn.