Én Liệng Truông Mây - Hồi 20 - Phần 3

Tên Lỗ Đại được bọn lâu la đem về hang núi, hắn điên tiết bảo đàn em mang mấy tên thủy thủ bị bắt đến rồi cho đánh đập tàn nhẫn. Sau, chúng moi tim hai người thủy thủ lớn nhất bọn bỏ vào hũ rượu, múc ra một bát lớn cho tên Lỗ Đại uống. Hắn uống cạn bát rượu xong tỏ ra vô cùng sảng khoái, máu còn dính hai bên mép đỏ lòm như ác quỉ. Lưu Phương và Trần Lâm nhìn thấy cảnh tượng man rợ đó thì hồn vía lên mây, mặt mày cắt không còn một chút máu. Lưu Phương hoảng đến độ ngất xỉu tại chỗ. Trần Lâm vốn là đứa bé gan dạ nên sau một lúc sợ hãi, nó nổi giận la lớn:

- Bọn uống máu người các ngươi trước sau gì cũng sẽ chết không được toàn thây! Bọn thú vật!

Một tên lâu la bước tới, tát vào mặt nó một cái như trời giáng, hăm:

- Tới phiên mày bây giờ đó oắt con! Trái tim non của mày chắc là bổ lắm đó. Ha ha...

Trần Lâm bây giờ không cần biết sống chết là gì nữa, nó hét lớn:

- Mày có giết chết, tao cũng không sợ. Bọn thú vật đội lốt người các ngươi sẽ bị trời tru đất diệt.

Tên lâu la giơ tay định tát thằng nhỏ hỗn láo này một tát nữa thì tên Lỗ Đại bỗng la lớn:

- Ngừng tay! Thằng nhỏ này hay đấy. Tao thích mấy đứa nhỏ gan lì như vậy. Tao sẽ nhận nó làm đệ tử. Cởi trói cho nó.

Tên lâu la mở trói cho Trần Lâm. Lỗ Đại hỏi:

- Thằng nhỏ, mày tên gì?

- Trần Lâm.

Nó đáp cộc lốc. Lỗ Đại hỏi tiếp:

- Mày muốn theo tao học võ không? Tao sẽ dạy cho mày, mày sẽ trở thành vô địch thiên hạ.

Trần Lâm bật lên cười:

- Vô địch thiên hạ... Ha ha... Buồn cười quá! Ngươi đánh không lại chú Trung, chút nữa là bỏ mạng ngoài biển rồi, võ nghệ như vậy mà đòi dạy cho ta trở thành vô địch thiên hạ? Ha ha...

Bọn lâu la nghe thằng nhỏ nói vậy thì xanh mặt cả đám. Xưa nay nếu có kẻ nào dám lên tiếng xúc phạm chúa đảng như vậy thì ông ta sẽ giết chết ngay lập tức. Vậy mà lần này, bọn chúng hết sức ngạc nhiên khi nghe Lỗ Đại cười lớn nói:

- Ha ha... Gan dạ lắm, lại khéo nói nữa. Ta chịu ngươi lắm, thằng bé con lớn mật kia. Đợi vết thương đỡ lại ta sẽ cho ngươi thấy tài nghệ của ta thế nào. Chừng đó, ngươi sẽ lạy lục ta xin học nghệ cho mà coi.

Trần Lâm bĩu môi:

- Không đời nào! Ta thà chết chứ không bao giờ học mấy thế võ mèo quào của tên uống máu người như ngươi. Đừng nằm mơ!

Lỗ Đại nói:

- Đem hai đứa nhốt lại. Cho chúng ăn uống tử tế.

Bọn lâu la dẫn hai đứa ra sau nhốt vào một hang núi có hàng rào gỗ lớn đóng rất kỹ lưỡng. Hai đứa ở đó gần nửa tháng, mỗi lần nhớ lại cảnh tượng bọn cướp moi tim hai người thủy thủ bỏ vào rượu là Lưu Phương lại phát run lên. Trần Lâm trấn an bạn và bàn tính chuyện bỏ trốn. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng Lỗ Đại lại vào thăm và không quên nhắc lại chuyện nhận Trần Lâm làm đồ đệ nhưng mười lần như một, Trần Lâm đều từ chối. Một hôm vết thương đã lành, Lỗ Đại cho dẫn hai đứa ra phòng lớn của trại rồi hỏi Trần Lâm:

- Bé con ngươi có chịu nhận ta là sư phụ hay không? Ta cho ngươi cơ hội cuối cùng. Nếu ngươi còn ngoan cố thì ta sẽ moi tim thằng bạn của mày trước rồi moi tim mày sau. Trả lời đi!

Trong khi hắn nói, một tên lâu la đã lại nắm cổ áo Lưu Phương xách lên gí con dao vào tim. Không hiểu nhờ vào sức mạnh nào mà Lưu Phương bây giờ trở nên gan dạ vô cùng, mặt nó tỉnh bơ không hề biểu lộ chút sợ hãi nào, nó lên tiếng:

- Đừng Trần Lâm! Mày là nhân tài, đừng nhận ác quỉ làm thầy. Tao có chết cũng sẽ rất vui. Mày nhớ lời tao nhé.

Rồi bất thình lình nó chụp tay của tên lâu la vừa đẩy mạnh mũi dao vào tim mình vừa nói lớn:

- Nhớ lời tao nghe Lâm!

Máu trên ngực nó phun ra, đầu ngoẻo sang một bên. Nó chết trên tay thằng lâu la. Trần Lâm hốt hoảng lao vào đấm tên lâu la một cú bật ngửa, giật lấy thây Lưu Phương ôm khóc nức nở. Tên lâu la bị đấm nổi nóng bước lại đá Trần Lâm một cú văng ra xa. Rồi hắn thọc mạnh con dao xuống ngực moi trái tim của Lưu Phương ra đem bỏ vào hũ rượu. Trần Lâm lao theo gào lên:

- Ta liều chết với bọn ác quỉ các ngươi!

Một tên lâu la khác xông đến chặn Trần Lâm lại. Trần Lâm tung liền hai cú đấm vào bụng hắn. Quyền của nó tuy còn yếu như rất hiểm hóc, tên lâu la bị trúng đòn phải thoái lui lại. Lỗ Đại hét lớn:

- Nhốt thằng nhỏ lại cho ta! Đừng làm hại nó!

Tên phó trại Tập Đình võ nghệ rất cao cường, hắn xông đến vung tay gạt Trần Lâm khiến nó té nhào lên xác của Lưu Phương. Sau hắn dùng chân đè lên ngực nó rồi lệnh cho hai tên lâu la khác:

- Trói nó lại dẫn đi!

Trần Lâm té lên con dao nhỏ liền nhanh trí giấu vội con dao vào ống giày bên trong ống quần của mình. Hai tên lâu la trói tay nó lại, dẫn ra sau xô vào nhà tù và lấy xích khóa cửa lại. Chiều hôm sau nó nghe tiếng bọn cướp nhậu nhẹt la lối om sòm phía trước, chắc chúng vừa cướp xong một vố lớn. Tên lâu la có nhiệm vụ canh gác mang đồ ăn xuống cho nó nói:

- Thằng nhóc con ăn đi, đồ ăn mừng chiến thắng đó.

Giọng hắn ồ ề, hơi thở sặc mùi rượu. Trần Lâm nói:

- Đại ca, em muốn đi ngoài một chút. Đại ca mở cửa đi.

Tên lâu la đang nhậu nhẹt ngon lành nghe nó nói thì đâm quạu gắt:

- Mày không thấy tao đang nhậu sao? Ráng nín đi!

- Dạ, em đã ráng nín lâu lắm rồi. Giờ thì hết chịu nổi, đại ca cho em đi nhanh rồi trở vào nhậu. Nhanh lên, em sắp ra rồi nè.

Tên lâu la vừa mở khóa vừa cằn nhằn:

- Nhanh lên thằng khốn. Theo tao!

Hắn dẫn Trần Lâm ra nhà xí sau động đá, tay cầm đao đứng canh. Trần Lâm đi ngoài xong thì lại kế bên hắn hỏi:

- Hôm nay trại có gì mà vui quá vậy đại ca?

- Đại vương vừa cướp được một chuyến hàng lớn. Mày ngu quá, chịu làm đệ tử của đại vương đi thì sẽ được sung sướng, làm phách chi cho khổ thân hả con?

- Tiểu đệ nghĩ lại rồi. Mai tiểu đệ sẽ bái ông ta làm sư phụ.

- Vậy mới là khôn đó con. Tao khỏi phải canh chừng mày nữa. Đi vô!

Trần Lâm bỗng chỉ tay về phía núi nói lớn:

- Đại ca nhìn kìa, cái gì kia vậy?

Tên lâu la đưa mắt nhìn theo ngón tay Trần Lâm chỉ nhưng hắn không thấy gì cả. Hắn định quay lại hỏi thì đã trúng một nhát dao từ sau lưng đâm tới ngay tim ngã xuống tắt thở. Trần Lâm rút vội cây dao về rồi nhắm hướng ngọn núi cao mà đâm đầu chạy thẳng một mạch. Khi chạy được một lúc khá lâu thì có tiếng bọn cướp la lối đuổi theo, chắc là chúng đã phát hiện tên gác tù bị giết. Trần Lâm cắm đầu cắm cổ chạy. Nó nghĩ khi thoát được vào núi cao rừng rậm rồi thì bọn cướp sẽ khó tìm gặp hơn. Đến chân núi, nó phát hiện ra một khe núi liền chạy mải miết vào trong đó. Khe núi mỗi lúc mỗi hẹp dần, thân hình bé con như nó có chỗ phải rất khó khăn mới len qua được. Tiếng bọn cướp dần dần im bặt, không còn nghe thấy nữa nhưng nó vẫn tiếp tục len lỏi đi sâu vào.

Khe núi dài không biết bao nhiêu mà tính. Trời sập tối dần, lòng khe đen như mực, khí lạnh bắt đầu tỏa ra làm cho nó run lên cầm cập. Tin chắc bọn cướp đã bỏ về, không đuổi theo nữa nên nó nằm lăn trên một tảng đá giữa khe núi, ngước mặt lên trời thở dốc. Hai vách núi sừng sững thẳng đứng tạo thành một khe dài lấp lánh đầy những ngôi sao. Nó vừa mừng vừa sợ rồi co người lại cho đỡ lạnh và thiếp đi.

Khi Trần Lâm thức dậy trời đã sáng hẳn. Nó thấy bụng đói cồn cào nhưng vẫn ráng sức đứng lên đi tiếp vào bên trong, hi vọng tìm ra ít trái cây gì đó ăn tạm cho đỡ đói. Nó vui mừng khi nhận ra lòng khe mỗi lúc một rộng hơn. Nó vừa đi vừa nhìn quanh quất tìm kiếm nhưng không thấy có gì để ăn cả. Mặt trời lên cao chiếu ánh sáng thẳng xuống lòng khe núi nhưng nó vẫn cảm thấy lạnh căm. Bỗng nó nghe có tiếng chim kêu quang quác và tiếng đập cánh rất mạnh. Nó hiếu kỳ liền chạy tới gần, núp sau một tảng đá quan sát. Một con chim đại bàng rất lớn liên tục bay lên rồi cúp cánh lao xuống tấn công vào đầu của một con rắn nằm trước cửa một hang động. Con rắn to lắm, cái đầu của nó to cỡ cái đầu của Trần Lâm, miệng nó không ngớt phát ra những tiếng phì phì và phun ra một mùi tanh hôi nồng nặc. Cái lưỡi nó liên tục thè ra thụt vào, hai cái răng nanh nhọn hoắc cố phập vào mỏ con chim đang lao xuống. Hình như con rắn muốn ngăn cản không cho con chim bay vào trong động. Con chim rất tinh khôn, nó lao xuống nhắm thẳng đầu con rắn mà tấn công. Con rắn né tránh rồi đớp lại. Nhưng ngay lập tức, hai chân với những vuốt nhọn của con chim chụp mạnh vào đầu con rắn. Con rắn bị những móng vuốt cào trúng nên đầu rách mấy chỗ, máu chảy túa ra. Nó tức giận đập chiếc đuôi dài khuất bên trong động nghe bình bịch. Hai con vật khổng lồ đánh nhau rất lâu, con chim cũng bị con rắn đớp trúng mấy cái, lông rụng bay lõa xõa khắp nơi. Cuối cùng đôi mắt con rắn hình như đã bị móng vuốt con chim cào mù nên những đòn né tránh và phản công của nó loạn xạ rồi chậm dần. Con chim liên tiếp mổ trúng đầu con rắn khiến nó nằm vật ra chết tươi. Hạ được địch thủ xong con chim cũng đáp xuống đất, nó lắc lư mấy cái rồi ngã ra bất động.

Trần Lâm bấy giờ mới hoàn hồn. Nó biết cả hai con vật đã chết hết nhưng tay vẫn cầm chặt con dao nhỏ tiến lại gần quan sát. Con chim nằm bất động nhưng hình như vẫn chưa chết còn con rắn thì đã chết thật rồi. Lâm tò mò bước vào trong động, một luồng hơi lạnh ghê gớm bao trùm. Nhưng có mùi thơm của trái cây chín tỏa ra ngào ngạt, át cả mùi hôi thối của hơi thở con rắn lúc nãy. Cơn đói bụng lại nổi lên cồn cào. Nó bước sâu vào trong, qua ánh sáng lờ mờ nó phát hiện có một cây nhỏ mọc trên vách đá, trên cây có một trái chín đỏ hỏn thơm ngát. Nó đưa tay hái trái và bỏ vào miệng ăn ngon lành. Trái này vừa ngọt vừa thơm, nuốt xuống tới đâu thì hơi ấm lan tới đó vô cùng sảng khoái. Nó đưa tay nhổ luôn thân cây có chín chiếc lá bỏ vào bọc. Đột nhiên bụng nó bỗng phát nóng ran như lửa đốt. Nó hoảng hồn nghĩ chắc trái cây có độc. Cơn nóng bộc phát mỗi lúc một dữ dội, miệng mồm khô ran khiến nó có cảm giác khát nước không chịu nổi. Nó vội chạy ra ngoài, nhìn thấy máu chảy từ đầu con rắn nhỏ xuống, nó đâm liều đưa miệng hứng uống. Chưa đã khát, nó kê mồm vào vết thương hút mạnh. Máu con rắn trôi vào người đến đâu thì cảm giác nóng bức giảm xuống đến đó nhưng đầu óc nó vẫn còn quay cuồng. Một lúc, nó ngã ra bất tỉnh.

Khi nó tỉnh lại mặt trời đã lên cao, đáy hang sáng rực. Nó đứng lên, thấy trong người khỏe khoắn lạ thường. Chợt nhớ có lần chú Lê Trung kể ở Nam Dương có một loại rắn rất lớn, sống đã ngàn năm nên trong đầu có một viên ngọc có thể trị được mọi nọc độc. Trần Lâm liền cầm con dao rạch sâu vào đầu con rắn xem thử, quả đúng như lời chú Lê Trung, có một viên ngọc to bằng đầu ngón chân cái nằm trong đầu con rắn. Nó mừng rỡ lấy viên ngọc ra lau sạch máu. Viên ngọc tỏa ánh sáng chói lòa dưới ánh mặt trời.

Sau đó Trần Lâm tiếp tục theo lòng hang đi tới. Không rõ là bao lâu nhưng cuối cùng nó đã ra được bên ngoài. Bốn bề rừng rú vắng lặng. Nó chẳng màng quan tâm, cứ lặn lội trong rừng đi miết. Bỗng nó thấy một ông sư trong bộ cà sa cũ kỹ, râu đã bạc phơ nên reo lên mừng rỡ. Ông sư cũng ngạc nhiên khi thấy một đứa bé lạc giữa rừng sâu nên vội hỏi:

- Cháu bé là ai? Sao lại đi lạc một mình giữa rừng hoang thế này?

Trần Lâm thấy nhà sư nét mặt hiền từ, lòng sinh ngay niềm kính phục nên cúi đầu đáp:

- Dạ, con tên Trần Lâm. Con bị bọn cướp bắt nên bỏ trốn rồi lạc đến đây.

Xong, nó bèn đem chuyện chạy trốn, gặp hai con ác thú đánh nhau và ăn trái cây đỏ rồi ngất xỉu thuật lại. Ông sư hỏi:

- Vậy là con đã ăn trái cây đỏ trên cây đó phải không?

- Dạ, nhưng khi vừa ăn xong thì trong người con bỗng nóng dữ dội, con khát nước quá không biết làm thế nào bèn liều uống máu con rắn, sau đó lại bị ngất đi. Tỉnh dậy trong người không những hết nóng mà còn thấy khỏe lắm. Sư ông có biết vì sao lại thế không?

- Cây này có tất cả chín lá phải không?

- Dạ!

Nó liền lấy thân cây đã nhổ được và viên ngọc ra đưa cho sư coi. Ông nhìn nó bằng ánh mắt vừa vui mừng vừa kinh ngạc:

- Đây là cây Cửu diệp độc hỏa thảo. Loại cây này chỉ mọc những nơi rất lạnh, có nhiều khí âm hàn. Trái cây con ăn đó được gọi là Độc hỏa lê chứa rất nhiều dương tính, có thể nói nó là loại quả chí dương trong thiên hạ. Người ăn nó hỏa nhiệt sẽ tăng lên dữ dội, nếu không kịp thời hấp thu một chất chí hàn nào đó vào cơ thể thì hỏa khí xông lên làm cho mất mạng. Con may mắn đã uống máu con rắn lớn, loại rắn này quanh năm sống nơi lạnh lẽo nên máu của nó thuộc loại chí hàn. Hàn khí trong máu con rắn đã dung hợp với hỏa khí trong trái Độc hỏa lê tạo cho con một thân khí lực hết sức dồi dào. Khí lực này rất cần thiết cho người luyện võ. Cơ duyên này quả thật ngàn năm có một. Chúc mừng con!

- Thật thế hả sư ông? Hèn chi con ở trong động đá đó không còn thấy lạnh chút nào. Ra là thế!

- Loại ngọc mà con lấy được trong đầu con rắn ngàn năm gọi là Tỵ độc châu. Nó có thể trị bất kỳ loại độc nào trong thiên hạ. Con giữ lấy để sau này cứu người.

Ông sư trả lại viên ngọc và thân cây cho nó. Trần Lâm cất viên ngọc vào bọc rồi hỏi tiếp:

- Còn cây Cửu diệp độc hỏa thảo này có công dụng gì không sư ông?

- Nó có rất nhiều công dụng. Dùng nó để pha trộn với một số dược thảo khác có thể chế ra một loại linh đơn gọi là Cửu chuyển tục mạng đơn, giúp cải tử hồi sinh.

Trần Lâm liền trao thân cây cho ông sư nói:

- Vậy sư ông cất đi để chế thuốc cứu người.

Ông sư nhận lấy rồi hỏi:

- Cháu bé có muốn theo ta về chùa không?

Trần Lâm nghe nói mừng rỡ thưa:

- Dạ, con muốn chứ!

Ông sư bèn dẫn nó về ngôi chùa nơi ông đang trụ trì cách đó khá xa. Ông nói:

- Con đi tắm rửa nghỉ ngơi rồi chúng ta nói chuyện sau.

Sau đó ông chỉ nó ra con suối. Con suối này chảy từ trên núi cao đổ xuống trước cửa động đá sau lưng chùa, rồi chảy quanh ra phía trước cửa chùa. Trần Lâm tắm rửa xong trở lên, ông sư dẫn nó vào trong một động đá, trước cửa động có mấy chữ “Dũng Tuyền thạch cốc” được khắc sâu vào vách đá. Ông sư bảo nó ngồi xuống chiếc ghế bằng đá rồi hỏi:

- Kể cho ta nghe con là ai, vì sao bị bọn cướp bắt?

Trần Lâm kể lại đoạn từ lúc nó lạc lên thuyền của Lê Trung cho đến khi gặp được ông sư. Thấy Trần Lâm mặt mũi phương phi, ngũ quan đoan chính lại thông minh lanh lẹ nên ông rất có thiện cảm. Ông nói:

- Cơ duyên của con ngàn năm chỉ có một. Gặp nhau âu cũng là một chữ duyên. Con có muốn ở lại đây học võ với ta không?

Trần Lâm từ khi gặp ông sư đã nảy sinh lòng kính trọng, nghe hỏi nó mừng quá, vội quì xuống lạy bốn:

- Đệ tử Trần Lâm xin ra mắt thầy.

Ông sư mỉm cười tỏ ý mãn nguyện bảo:

- Con đứng dậy đi. Lâu nay ta không nhận đệ tử học võ, con là người có duyên nên ta mới phá lệ. Con phải ráng tập luyện để trở thành người hữu dụng, giúp đời sau này.

Trần Lâm quì lạy một lần nữa nói:

- Đệ tử sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng ân sư và nguyện sẽ ra sức cứu người, giúp đời.

- Tốt lắm! Bên phải có một động đá nhỏ, con sang đó nghỉ ngơi. Từ nay, đó là chỗ ở của con. Mai thầy trò chúng ta bắt đầu.

Hôm sau, Trầm Lâm bị đánh thức rất sớm bởi tiếng chuông vang lên từ ngôi chùa. Nó ra trước chùa mới biết ngôi chùa nằm ở lưng chừng sườn núi, dưới chân là làng mạc, ruộng lúa xanh bạt ngàn. Xa xa, có một đầm nước lớn và một dải cát trắng chạy dài bên ngoài đầm nước. Trời còn sớm, sương mù giăng trên sườn núi, mặt trời vừa nhú lên chiếu tia nắng ban mai xuống những hạt sương lấp lánh. Cảnh vật chẳng khác gì cõi non tiên.

Ngôi chùa không lớn lắm, mái ngói tường đá. Nó bước vào bên trong chánh điện, trên bàn thờ có một tượng Phật khá lớn, hai bên bàn thờ có hai câu liễn đối:

Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ

Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.

Nghĩa là:

Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật

Chùa Linh Phong đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời

Bên vách phải có một tấm hoành phi khắc chữ Triện lớn:

“Linh Phong thiền tự”

Ở góc trái tấm hoành phi khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quí Sửu”, còn góc phải thì khắc chữ “Quốc chủ ngự đề”.

Ông sư vừa gõ xong mấy tiếng chuông chấm dứt buổi kinh sáng, Trần Lâm bước vội đến quì sau lưng thầy lạy Phật ba lạy rồi đứng lên. Nó hỏi:

- Ở chùa mình không còn ai nữa sao thầy?

- Không. Thầy không thu nhận đệ tử. Chỉ có những dịp lễ lớn chùa mới mở cửa cho đạo hữu về dâng hương lạy Phật. Những dịp như vậy, bổn đạo quanh vùng, nhất là làng Phương Phi ở ngay chân núi tề tựu về đây cùng nhau lo việc lễ lạc.

- Con thấy trên bức hoành phi có mấy chữ “Quốc chủ ngự đề”, là của Chúa nào vậy thưa thầy?

- Của Chúa Phúc Chú. Thuở xưa khi thầy mới đến tu, ở đây chỉ có cốc Dũng Tuyền. Có lẽ nhờ tiếng đồn thầy hay phát thuốc cứu bà con dưới xóm lan rộng nên chúa mới cho xây ngôi chùa này và ngự tứ cái tên Linh Phong thiền tự, ban cho bức hoành phi, hai câu liễn đối và chiếc hồng chung này.

Trần Lâm tỏ vẻ ngập ngừng nhìn thầy hỏi tiếp:

- Pháp danh của thầy...

- Thầy định hôm nay sẽ nói cho con biết. Thầy thuộc dòng họ Lê, vì chán ngán cảnh thế sự nhiễu nhương, kỷ cương điên đảo nên từ Đàng Ngoài phiêu dạt vào đây nương nhờ cửa Phật. Lúc trước thầy sống một mình trên núi này, chế thuốc để đổi lấy thức ăn nên bà con đặt cho thầy cái tên Ông Núi. Sau đó vào năm Quí Sửu, Chúa Phúc Chú ban hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư.

Ông Núi ngưng một chút rồi nói tiếp:

- Từ hôm nay thầy sẽ truyền cho con một môn khí công gọi là Cửu dương khí công. Đây là sự kết hợp giữa Đạo gia tâm pháp và Phật môn khí công. Môn nội công này kẻ bình thường phải luyện mười hai năm mới thành, người có căn cơ tốt như con chí ít cũng phải mất sáu bảy năm. Nhưng con may mắn ăn được trái Độc hỏa lê nên dương khí trong người sung túc, thầy hi vọng trong vòng bốn năm con có thể đại thành, nhâm đốc đả thông, sinh tử huyền quan khai mở.

Trần Lâm mừng rỡ cúi đầu tạ ơn thầy. Ông Núi dẫn nó ra trước cửa chùa, vừa thực hành vừa giải thích:

- Để chân trần, đứng quay mặt về hướng đông đón ánh thái dương, tập trung ý chí, gạt bỏ mọi tạp niệm, toàn thân buông xả thật tự nhiên. Tập trung ý về đan điền, ngưng hô hấp giữ khí ở đan điền một thời gian. Sau khi thở ra, dùng ý thu hút dương khí của mặt trời theo huyệt bách hội qua nhâm mạch xuống tụ ở đan điền. Tiếp đến là hút âm khí từ lòng đất theo huyệt dũng tuyền giữa hai bàn chân đưa lên đan điền. Âm dương nhị khí tụ ở đan điền tạo thành vòng thái cực, rồi thong thả dùng ý chu chuyển vòng thái cực để dung hợp âm dương, sau đó thở ra và trở lại từ đầu. Thực hiện chu trình này mỗi ngày một canh giờ, thời điểm tốt nhất là từ đầu giờ Mẹo đến giờ đầu Thìn. Sau một năm, âm dương nhị khí sẽ sung mãn tại đan điền, rồi mới đưa thái cực khí qua hệ nhâm đốc thực hiện vòng tiểu chu thiên để đả thông toàn bộ huyệt đạo thuộc hai hệ đại mạch này. Khi nhị đại mạch đã đả thông thì thực hiện tiếp vòng đại chu thiên, đưa khí đi khắp các đại tiểu huyệt trên cơ thể. Lúc ấy sinh tử huyền quan sẽ được khai thông. Con theo dõi kịp không?