Én Liệng Truông Mây - Hồi 20 - Phần 4

Trần Lâm đáp:

- Dạ kịp, thưa thầy.

- Giỏi lắm! Con bắt đầu thực hiện các bước này trước, sau đó thầy sẽ từ từ hướng dẫn chi tiết thêm. Đến khi nội lực tạm đủ, thầy sẽ truyền cho con bộ pháp Cửu cung di ảnh. Đó là hai độc môn công phu của sư phụ thầy ngày xưa đã truyền lại.

- Sư tổ của con là ai?

- Sư tổ là người đã khai sơn cốc Dũng Tuyền này. Pháp danh của người là Giám Huyền.

- Chúng ta hấp thu âm dương nhị khí để tạo thành thái cực khí thì tại sao không gọi nó là thái cực chân khí mà lại gọi là cửu dương chân khí, thưa thầy?

- Mọi vật trên đời đều được kết hợp bởi âm dương nhị khí. Sự kết hợp của âm dương tạo thành thái cực, nhưng trong vòng thái cực không nhất thiết phải quân bình âm dương mà còn có thái âm, thiếu dương và ngược lại. Sự luân chuyển âm thịnh dương suy rồi dương thịnh âm suy tạo thành nguyên lý của sự biến dịch trong trời đất, từ đó có sinh có diệt, có thịnh có suy. Không một vật thể nào có duy nhất một tính chất, duy nhất dương hay duy nhất âm, cũng có nghĩa là không một sự vật nào nằm yên bất biến, hay giữ được tính chất tuyệt đối của chúng cả. Lý âm dương tương tác này của Đạo gia giống với tính chất vô thường của đạo Phật. Muôn vật vô thường vì không có sự bất biến, thường hằng. Cả con người cũng vậy, đều phải tuân theo qui luật “thành, trụ, hoại, không”. Con hiểu kịp những gì thầy đang nói không?

Trần Lâm vốn thông tuệ lại từ bé đã được cha mẹ dạy dỗ đường hoàng, thời gian đi biển cùng Lê Trung nó cũng được ông ta chỉ bảo nhiều việc nên kiến thức khá phong phú. Nó đáp:

- Dạ con hiểu kịp ạ.

- Sở dĩ thầy nói xa như vậy là vì căn bản võ học và y học của chúng ta đặt trên nền tảng âm dương, đó là phần đào tạo tri thức. Một khi tri thức đã thành toàn, đem ra thực hành thì phải dựa trên cái tâm từ bi của Phật tổ. Đó là một trong những mục đích của tư tưởng “tam giáo đồng lưu” mà Chúa Phúc Chu đã khuyến khích toàn dân noi theo. Được như vậy thì khi con dùng thuốc, con sẽ là lương y, khi con dùng võ lực, con sẽ là một hiệp sĩ cứu khốn, phò nguy, vì dân trừ bạo. Con hiểu chứ?

Trần Lâm cúi đầu đáp:

- Dạ con hiểu và sẽ giữ đúng lời thầy dạy khi ra đời.

Ông Núi nói tiếp:

- Âm dương nhị khí khi còn rời nhau thì gọi là vô cực, khi kết hợp thì trở thành thái cực, rồi từ thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái. Khí thái cực kết nạp vào nội thể ở giai đoạn đầu với mục đích là để kiện toàn và làm gia tăng khí lực chung cho toàn thân, tạo sự quân bình âm dương trong toàn bộ kinh mạch và dùng nó để khai mở tất cả kinh mạch đó.

Ông dừng lại theo dõi diễn biến trên nét mặt của tên đồ đệ nhỏ, thấy nó có vẻ thông hiểu, ông mỉm cười nói:

- Từ mai con có thể bắt đầu giai đoạn một.

Từ đó, Trần Lâm ở lại Linh Phong tự học võ và nghề thuốc của Ông Núi. Dựa theo hai cuốn Y Kinh của thiền sư Tuệ Tĩnh đời Trần và Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, một hôm Ông Núi thấy Trần Lâm đã có thành tựu tốt trong giai đoạn một nên ông hướng dẫn tiếp giai đoạn hai.

- Sang giai đoạn hai con sẽ ngồi theo thế kiết già của nhà Phật, thế ngồi này giúp ta dễ dàng loại bỏ tạp niệm để trấn nhiếp thân và tâm, giữ tâm an định. Khi tâm đã an định thì dùng ý thu hút dương khí từ mặt trời theo năm đường: huyệt bách hội trên đỉnh đầu, hai huyệt dũng tuyền dưới hai bàn chân và hai huyệt lao cung ở giữa hai lòng bàn tay. Đưa năm luồng dương khí này qui tụ về đan điền, mệnh môn, vì mệnh môn là chỗ ở của chân hỏa. Từ mệnh môn dẫn chân hỏa xuống huyệt trường cường vì trường cường là nơi phát sinh chân hỏa, để kích thích chân hỏa tàng ẩn trong cơ thể, từ đó dùng ý lưu chuyển dương khí theo đốc mạch qua ngọc chẩm, lên bách hội, sang thần đình rồi theo nhâm mạch trở về lại đan điền, từ đan điền phân tán ra khắp các kinh mạch. Dương khí lúc này sẽ tiềm tàng khắp nơi trong cơ thể. Tiếp tục đưa dương khí đang sung mãn chu chuyển theo vòng đại chu thiên. Khi nào khí có thể vận động, thu phát một cách tùy tâm, tùy ý, lúc ấy sẽ đạt đến cảnh giới tột cùng của võ học.

Trần Lâm hỏi:

- Đó có phải là cảnh giới ngũ khí triều nguyên, tam hoa tụ đỉnh không thưa thầy?

Ông Núi gật gù tỏ vẻ tán thưởng câu hỏi của Trần Lâm. Ông hỏi:

- Con đã biết gì về dịch học, âm dương, ngũ hành chưa?

- Dạ con có nghe chú Lê Trung giảng giải sơ qua.

Tuy nói vậy nhưng thật ra từ bé mẹ nó đã có dạy cho nó rồi. Ông Núi nói:

- Tốt! Để thầy nói rõ hơn rồi con ghi nhớ mà áp dụng cho võ học và y học sau này. Con người là sự kết hợp của tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Tứ đại nhờ có duyên mà kếp hợp thành, đó là thuyết của nhà Phật. Đạo học Đông phương thì cho rằng con người là sự kết hợp của ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngũ hành đại diện cho năm bộ phận: tim chứa thần thuộc hỏa, can chứa hồn thuộc mộc, tỳ chứa ý thuộc thổ, phế chứa phách thuộc kim, thận chứa tinh (hay chí) thuộc thủy. Đạo gia tu luyện đến mức không còn bị ràng buộc bởi ngũ hành, ngũ khí. Nghĩa là cả ngũ khí đã hòa vào làm một, thoát khỏi sự ràng buộc của ngũ hành, hòa nhập cùng trời đất. Đó là cảnh giới ngũ khí triều nguyên. Còn tam hoa tụ đỉnh tức là thiên, địa, nhân đã hợp nhất lại, con người thông linh và trở về với vũ trụ.

Trần Lâm là đứa bé thông minh tuyệt đỉnh, khả năng nhận thức triết học và đạo học của nó rất bén nhạy. Có lẽ do trước khi sinh nó ra, Tuyết Hoa đã bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu dịch lý để chú giải “Tiểu Bát quái trận đồ”, sau đó lại giảng cho nó biết những điều cơ bản của dịch học nên bây giờ nó nghe qua thầy giảng đã nhanh chóng lĩnh hội được ngay. Ông Núi nhìn nét mặt thấu hiểu của nó thì thầm nghĩ: “Đứa bé này sẽ là một kỳ tài trong thiên hạ sau này.” Trần Lâm lại hỏi:

- Đã thu hút năm luồng dương khí qua năm đại huyệt sao không gọi là Ngũ dương mà gọi là Cửu dương?

Ông Núi nghe câu hỏi cắc cớ chợt bật cười. Ông giải thích:

- Nói Cửu dương là nói theo Kinh Dịch. Kinh Dịch cho rằng dương có năm số, đều là số lẻ: 1,3,5,7,9. Dương lấy ba số 1,3,5 làm số sinh, hai số 7,9 làm số thành nên dùng số 9 là cửu để gọi hào dương. Một lý do quan trọng nữa là hào năm quẻ Kiền thuần dương là hào Cửu Ngũ, ở địa vị chí tôn là tượng của vua, tốt nhất. Thêm vào đó kinh thư trong thiên Hồng Phạm đã đặt ra Cửu Trù, tức là chín phạm trù để giải quyết mọi vấn đề to lớn trong vũ trụ, do đó người ta coi con số 9 là số tốt nhất về tượng. Cho nên môn khí công thuần dương tuy do năm đại mạch thu hút vào nhưng vẫn gọi là Cửu dương chân khí.

- Ra là thế! Nhưng đã có Cửu dương tức phải có Cửu âm đúng không thầy?

Ông Núi gật đầu:

- Đúng vậy. Theo cách luyện tập trên, nếu luyện vào ban đêm, lúc mặt trăng lên thì ta sẽ có được khí Cửu âm. Lẽ ra phải gọi là Lục âm mới đúng vì theo Kinh Dịch, ba số thành của âm là 10, 8, 6. Số 6 tức lục, nên hào âm gọi là hào lục, nhưng trong võ học chúng ta gọi Cửu âm là để chỉ tính chất thuần âm của khí công.

Trần Lâm bắt đầu luyện giai đoạn hai của Cửu dương khí công và bộ pháp Cửu cung di ảnh trên đỉnh núi Linh Phong. Một hôm nó đem bài kiếm gia truyền ra tập cho Ông Núi xem, ông lấy làm lạ hỏi:

- Đây là bài kiếm một thời được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất của danh tướng Hoa Lư là Trịnh Tú thời kỳ loạn mười hai sứ quân, sau đó truyền cho họ Đoàn, con học ở đâu được bài kiếm này?

Trần Lâm biết không nên giấu thầy nữa nên nó quì xuống nói:

- Xin thầy thứ lỗi vì con đã giấu thầy về thân thế của mình, chẳng qua con có nỗi khổ tâm riêng.

Ông vỗ vai nó nói:

- Con không cần nói những việc quá khứ cũng như thân thế của con. Hãy giữ nó trong lòng để thúc đẩy thêm quyết tâm cho mình. Chỉ cần nhớ rằng quá khứ là chuyện đã qua, đừng để nó làm tâm trí mình phiền muộn, hiện tại và tương lai mới là việc con cần lưu tâm và vươn tới. Quá khứ đau buồn là một bóng đen, hiện tại và tương lai là những tia sáng, hãy dùng tia sáng này để xóa đi bóng đen kia. Con hiểu không?

- Đội ơn thầy dạy bảo. Con sẽ dùng hiện tại tạo ra ánh sáng cho tương lai và dùng ánh sáng đó để xua tan bóng đen của quá khứ như lời thầy dạy.

Ông Núi gật đầu:

- Con sáng trí lắm.

Một hôm, có một nhà sư tu ở một ngôi chùa nhỏ tại núi Phước Sơn ghé thăm Ông Núi, thấy Trần Lâm căn cốt hơn người nên đã truyền cho bài roi Nhất điểm tuyệt mệnh côn. Bài roi vô cùng đơn giản nhưng khi giao đấu thì thật ảo diệu vô song. Nguyên tắc chính của bài roi là “mượn sức địch đánh địch” tức “tá lực đả lực” của nhu công, chuyên dùng để đánh bạt vũ khí của đối phương. Tuyệt chiêu cuối cùng trong bài roi có tên Nhất điểm tuyệt mệnh, khi xuất thủ, đối phương dù tài giỏi đến đâu cũng không tránh khỏi bị đầu roi điểm vào huyệt uyên dịch ở nách. Đó là lối “đâm so đũa” thần kỳ. Bí quyết là chờ khi địch thủ tấn công, cây roi của mình liền luồn theo đường roi của địch ở thế song song mà đâm vào nách địch. Tuy ra chiêu sau nhưng đầu roi của mình đến trước là nhờ ba điều: tâm phải định, mắt phải nhanh, xuất thủ phải thật thần tốc. Trần Lâm sau khi thuần thục bài roi đã đem nó kết hợp với đường kiếm gia truyền của mình để sáng chế ra một chiêu kiếm mà chàng đặt tên là Nhất điểm hồng. Một kiếm xuyên yết hầu địch thủ.

***

Trong những năm ở trên núi, Trần Lâm đã thay mặt thầy mang thuốc xuống đổi lương thực dưới xóm và làm quen được với Phan Sinh, một nho sinh công tử con nhà bá hộ ở làng Phương Phi, người nức tiếng là diệu thủ vì có tài viết chữ chẳng kém Lan đình thiếp của Vương Hy Chi ngày xưa, lại có tài thổi sáo chẳng khác chàng Trương Chi thuở trước. Mỗi dịp lễ lớn như đầu năm và rằm tháng Giêng, Phan Sinh thường đem giấy bút lên Linh Phong tự để viết câu đối cho bà con rồi lấy tiền đó cúng vào thùng công đức của chùa. Một hôm, Trần Lâm được thầy sai xuống núi để sắm ít vật dụng, chàng bèn rủ Phan Sinh cùng đi vào cảng Nước Mặn.

Cảng Nước Mặn cách làng Phương Phi chừng sáu bảy dặm, xéo về phía đông nam. Hai con ngựa chở trên lưng hai chàng thiếu niên tuấn tú thong dong bước đi. Trần Lâm mặt đẹp như ngọc, mặc toàn y phục trắng vì từ lâu chàng đã mặc thế là có ý để tang cho em gái mình. Phan Sinh phong thái nho nhã, vận y phục xanh dương. Hai chàng mỗi người mỗi vẻ nhưng quả là những trang mỹ nam tử trong đời.

Thời bấy giờ cảng Nước Mặn rất sầm uất, là cửa ngõ đường thủy chính của phủ Quy Nhơn. Xã Minh Hương với nhiều cửa hàng kinh doanh được những người Minh Hương bỏ nhà Thanh sang đây xây dựng dọc theo con sông Cầu Ngói. Họ cùng với người Việt bản địa kiến tạo Nước Mặn trở thành một thương cảng sầm uất. Cảng rất sâu nên dễ dàng cho tàu lớn của nước ngoài ra vào buôn bán. Những nhà truyền giáo của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp Lang Sa đã theo thuyền buôn đến cảng này, nhờ thế mà Nước Mặn là một trong những vùng khởi điểm việc phát triển chữ Latin Quốc ngữ sau này.

Khi hai chàng thiếu niên vào đến thương cảng, Trần Lâm nói:

- Tôi nhớ lúc trước theo thuyền chú Lê Trung đi khắp nơi, nghe được biết bao nhiêu chuyện giang hồ thật là thú vị. Bấy lâu nay ở riết trên núi buồn chết đi được, không biết thiên hạ giờ ra sao.

Phan Sinh đề nghị:

- Chúng ta hãy đến Chiêu Anh quán đi. Nơi đấy là chốn tụ tập của anh hùng tứ xứ, chuyện trên trời dưới đất gì ở đó cũng biết cả.

Sinh hoạt của Chiêu Anh quán thật đúng với cái tên của nó. Quán lúc nào cũng đông khách, đủ các hạng người: giang hồ hiệp sĩ, khách thương buôn... Hai chàng bước vào quán, một cô gái tuổi chừng mười sáu từ phía sau quầy bước ra chào:

- Chào anh Phan Sinh, lâu quá mới thấy anh đến quán này. Anh đi cùng người bạn mới hả?

Phan Sinh vui vẻ:

- Chào cô Lan Anh, cô khỏe chứ? Vâng, đây là Trần Lâm, bạn của tôi. Còn đây là cô Lan Anh, em gái của chủ quán.

Lan Anh nở nụ cười thật tươi trên khuôn mặt xinh xắn nói:

- Lan Anh bây giờ là chủ quán rồi. Chị Ngọc Chiêu đã đi lấy chồng.

- À, ra thế! Vậy tôi xin chúc mừng cô Lan Anh nhé.

- Cảm ơn anh. Để tạ ơn, Lan Anh sẽ mời hai anh một bữa rượu. Coi như là tiệc mừng Lan Anh trở thành chủ quán vậy mà. Mời hai anh đến bàn này.

- Cô chủ quán làm như thế chẳng khác nào trói chúng tôi vào mấy chiếc ghế này rồi. Nhưng không sao, rượu ngon, cô chủ diễm kiều, lại là rượu mời, nếu còn không uống gấp chẳng lẽ đợi uống rượu phạt hay sao?

Lan Anh mỉm cười nguýt dài:

- Gớm chửa? Đúng là người bụng chứa đầy bồ văn chương.

Rồi cô quay vào trong dặn người mang rượu ra. Phan Sinh nói với Trần Lâm:

- Chị em của cô chủ quán này đẹp người lại đẹp nết. Tôi biết họ từ khi tôi và Lan Anh còn bé, lúc họ còn ở làng Phương Phi.

Trần Lâm hỏi:

- Cái tên Chiêu Anh quán là lấy tên của hai chị em họ phải không?

- Ừ.

Họ ngồi vào chiếc bàn mà Lan Anh vừa chỉ. Ngay sau đó, rượu thịt đã được mang ra. Trong quán mọi người đang xôn xao bàn tán về nhân vật chàng Lía, biệt danh là Hắc Hổ vì chàng thường khoác một bộ da cọp màu đen. Chàng vừa xuất hiện ở vùng núi phía Tây như một hiệp sĩ chuyên cứu khốn phò nguy, cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo. Một người đàn ông ra dáng dân buôn đang thao thao về chàng.

Ông ta kể rằng chàng Lía võ nghệ tuyệt luân, với đường roi và thanh đao đánh khắp thiên hạ vô địch thủ, tài khinh công cũng thuộc loại giang hồ đệ nhất, bay nhảy như chim. Chỉ trong vòng nửa năm kể từ khi xuất hiện, chàng Lía đã đánh gục hai tên đầu lĩnh của một bọn cướp hung dữ ở thành Bá Bích và được bọn chúng tôn lên làm đầu lĩnh. Sau đó, chàng Lía đã biến bọn thảo khấu hung tàn thành một đảng cướp hiệp nghĩa. Suốt một miệt Tây Sơn vùng thượng và hạ, xuống đến tận Tuy Viễn, tất cả những nhà hào phú, tham quan đều bị người của chàng ghé thăm. Nghe nói nhà nào tự động đem của ra nộp thì bọn chàng Lía để yên, nếu chống cự sẽ bị thẳng tay trừng trị. Nhiều nhà giàu mướn thêm võ sư về giữ của nhưng chàng Lía với cú đấm và cây đao của mình vẫn tung hoành, chưa có một ai có thể áp đảo được. Tài vật cướp được chàng đem phân phát cho người nghèo. Bọn quan binh phủ Quy Nhơn mấy lần đánh dẹp nhưng chẳng làm gì được vì địa thế núi rừng quanh Bá Bích thành rất hiểm trở.

Người đàn ông nọ kể chuyện hấp dẫn đến độ đám thính giả bu quanh nghe một cách hăng say. Rồi họ bàn ra tán vào, tô điểm thêm cho nhân vật chàng Lía như một thiên thần hạ thế để cứu giúp những kẻ khốn cùng đang ngày một nhiều vì sự mục nát của triều đình do bè đảng của quan ngoại tả Trương Phúc Loan tạo ra.

Trần Lâm ngồi uống rượu với Phan Sinh nghe thiên hạ ca tụng chàng Lía cũng thấy ái mộ nhân vật này lắm, chàng nói:

- Làm trai như chú Lía mới đáng nên trai. Tôi thật hâm mộ nhân vật này.

Phan Sinh nói:

- Thì anh cứ xin thầy xuống núi hành hiệp trượng nghĩa là được như ý nguyện chứ gì. Tài trí như anh đâu thua kém gì chú Lía?

- Chí nguyện là như thế, chỉ sợ không được như lời anh nói mà thôi.

Phan Sinh khích lệ:

- Anh đừng khiêm tốn quá. Tôi rất tin ở tài nghệ của anh.

- Cảm ơn anh. Thầy nói tôi còn phải luyện tập thêm một thời gian nữa mới có thể xuất sơn được.

Hai người đang nói chuyện thì Lan Anh đến, Phan Sinh vui vẻ nói:

- Mời cô Lan Anh ngồi. Cảm ơn cô lần nữa nhé. Làm chủ một mình chắc là bận rộn và cực nhọc lắm phải không?

Lan Anh cười tươi:

- Còn phải hỏi, nhưng cũng phải ráng thôi. Đói đầu gối cũng phải bò mà.

- Cô chủ quán xinh đẹp thế này nên quán đông là phải. Đã có chàng nào đến đây đóng đô chưa?

Họ quen nhau từ bé nên đùa giỡn rất tự nhiên. Lan Anh nguýt dài:

- Có ma nào thèm ngó tới con Lan Anh xấu xí này mà anh hỏi. Anh đã chuẩn bị để tham dự kỳ thi sắp tới chưa?

- Học được mới có vài ba chữ mà thi với cử nỗi gì. Vả lại thời buổi nhiễu nhương thế này, cha tôi nói thà ở nhà làm ruộng cho thanh nhàn còn hơn. Làm quan chỉ tổ để dân chúng họ chửi rủa, cha tôi không thích.

Lan Anh cười, tiếng cười trong như pha lê:

- Tướng anh làm ruộng sao được mà đòi ở nhà? Thời buổi này mới cần những vị quan thanh liêm cho dân đỡ khổ chứ anh. Người tốt cứ trốn hết, chỉ còn lại bọn tham quan thì dân chúng chịu đời sao thấu?

- Bây giờ ra làm quan mà không ô lại thì ba bảy hai mươi mốt ngày cũng bị đuổi về vườn ngay. Biết vậy nên tôi về vườn trước, đỡ phải tốn công tốn của đi thi.

Lan Anh bĩu môi:

- Đúng là từ hồi nào giờ tôi không cãi thắng được anh mà. Còn anh Lâm, anh chắc không định ở vườn làm rẫy chứ?

Trần Lâm thấy cuộc trò chuyện tự nhiên nên cũng vui vẻ đáp:

- Tôi không có vườn để ở nên đành phải ở chùa quét lá đa.

Lan Anh tròn xoe mắt. Đôi mắt nàng còn đen hơn cả mái tóc óng mượt đang xõa trên vai.

- Anh ở chùa à? Chùa Linh Phong hả? Lâu quá rồi, từ ngày dọn ra đây Lan Anh chưa có dịp về chùa. Sư ông khỏe không anh Lâm?

- Cảm ơn cô Lan Anh, thầy vẫn khỏe. Lan Anh làm chủ quán rượu có gặp rắc rối với những tay giang hồ quá chén không?

Lan Anh buồn bã đáp:

- Có chứ. Nhất là bọn cướp Ngưu Ma Vương ngoài biển. Lan Anh phải nộp phí bảo kê hàng năm cho chúng thì mới được yên đấy.

Trần Lâm chợt nhớ lại chuyện Lưu Phương tự sát trước mặt mình ngày trước, cơn giận chợt bùng lên, mắt chàng long lanh giận dữ:

- Bọn Ngưu Ma Vương vẫn còn hoành hành ở đây à? Lâu rồi mà phủ Chúa không dẹp nổi chúng sao?

- Cũng có đem quân đánh dẹp nhưng chúng bỏ trốn rồi quay trở lại, tình trạng lại y như cũ. Riết rồi chính quyền cũng bỏ mặc luôn.

- Sào huyệt của chúng vẫn ở đảo Hòn Trâu và vùng núi gần hồ Đạm Thủy à?

- Nghe nói chúng còn đóng trại ở Hòn Trâu nhưng trại ở núi Bà đã bị quan binh phá sạch. Chúng dời ra một hòn đảo ngoài khơi Quy Nhơn, hòn Cù Lao Xanh gì đó.

Trần Lâm im lặng không hỏi nữa. Trong bụng chàng vừa nảy ra một chủ ý. Ngày xuống núi, việc đầu tiên cần làm của chàng là phải phá nát hai sào huyệt bọn cướp này giống như chú Lía đã làm vậy.