Én Liệng Truông Mây - Hồi 21 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT

Ơn chú Lía như mưa rào nắng hạn

Chu Muội Nương đơn kiếm loạn Truông Mây

*

Đại hạn phùng cam vũ

Tha hương ngộ cố tri

Động phòng hoa chúc dạ

Kim bảng quải danh thì.

Dịch:

Hạn lớn gặp trời mưa

Xa xứ gặp người đồng hương

Đêm động phòng hoa chúc

Bảng vàng có đề tên thi đậu.

Đó là bốn điều thống khoái mà dân gian thường nói tới trong cuộc sống hàng ngày sau những giờ làm lụng vất vả để vơi bớt nỗi cơ cực. Đối với đám dân nghèo lúc này, mà hầu như đại đa số dân bây giờ đang nghèo, còn không nghèo thì cũng gặp cảnh khó khăn, điều vui thú mà họ nói tới là chuyện hành hiệp trượng nghĩa của chú Lía. Những người đứng tuổi khi nói chuyện về chàng Lía, họ không nỡ gọi là thằng Lía vì lúc này Lía chỉ mới ngoài hai mươi tuổi nên họ gọi yêu là chú Lía. Chú Lía cướp của bọn cường hào, ác bá để phân phát lại cho họ nên họ thương, họ ca tụng người anh hùng và cũng là ân nhân của họ không hết lời. Trong thời buổi nhiễu nhương, kỷ cương tan nát, quan lại bóc lột, ức hiếp, sưu cao thuế nặng, hạn hán mất mùa... đủ mọi thứ khổ chụp xuống đầu đám dân đen, hoàn cảnh như thế mà lại xuất hiện một người hiệp sĩ cứu khốn phò nguy như chú Lía thì quả đúng là đại hạn gặp mưa rào.

Năm Đinh Sửu 1757, cửa Tư Dung, một cửa khẩu quan trọng bậc nhất của kinh đô Phú Xuân, sau một cơn động đất dữ dội đã bị khép nhỏ lại và lấp cạn. Có nơi núi sập lở, chuột đồng xuất hiện hàng hà sa số ở nhiều địa phương, chúng phá nát mùa màng cùng hoa màu, sau đó gây bệnh dịch tràn lan. Một thầy sãi bị quan quân chúa Nguyễn, hay nói đúng hơn là quan quân của quan ngoại tả Trương Phúc Loan bắt đem chém đầu chỉ vì đã khẳng định rằng: “Những hiện tượng núi sập, cửa Tư Dung bị lấp, chuột đồng xuất hiện... chỉ là những cảnh báo cho nhiều điều sắp tới xảy ra còn tệ hại hơn nhiều như: lửa cháy khắp nước, loạn lạc, dân chết vì dịch lệ, nạn đao binh...”. Lại có một ông đạo sĩ 80 tuổi khác từ một vùng núi phía Nam khẳng định: “Chỉ có đến tám đời Chúa thôi, không hơn, cho đến khi núi biến thành đồng, cửa biển bị lấp, người quanh ta chết tiệt để cho lớp người mới đến thay thế và vương quốc sẽ chuyền tay người khác...”[4]

[4] Bài sử khác cho Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường.

Những hiện tượng xấu của thiên nhiên xảy ra, những lời khẳng định của một số người có thế lực tinh thần như các thầy sãi, ông đạo đã một lần nữa làm cho dân chúng hoang mang, nhắc nhớ lời sấm truyền lúc trước: “Chỉ đến tám đời Chúa thôi sẽ trở về Trung Đô” và họ tin rằng lời sấm đó sẽ linh nghiệm. Nhân tâm xao động, triều chính rối ren, nạn mua quan bán tước diễn ra thường nhật trong hệ thống cai trị. Đứng đầu là Trương Phúc Loan, hắn đã đưa một lớp người tham lam, ngu ngốc, bất tài lên cầm quyền. Chúng bỏ tiền ra mua chức tước rồi tìm cách vơ vét của công hoặc bóp họng dân đen mà lấy lại, để gỡ cả vốn lẫn lời. Dân chúng cơ cực kêu trời không thấu, từ đó mất lòng tin vào phủ Chúa, dẫn đến cảnh đất nước loạn ly, giặc cướp nổi lên như rạ. Chỉ trong phủ Quy Nhơn đã có ba bọn cướp lớn: Ngưu Ma Vương và Tập Đình, Lý Tài ở ngoài biển; Bá Bích thành ở Tây Sơn với hai tên đầu đảng Cha Pon, Cha Sót người Chiêm và Truông Mây ở Phù Ly của cha Hồ, chú Nhẫn; chưa kể những tên cướp cạn ban ngày thì hằng hà sa số. Trong tình hình điên đảo như vậy, chú Lía xuất hiện như một hiệp sĩ cứu khốn phò nguy, thật đúng là điều thống khoái chẳng khác nào kim bảng đề danh.

Nhắc lại chuyện Lía theo cụ Bạch học võ trên núi Trưng Sơn, thấm thoắt mà đã bảy năm trôi qua. Bảy năm dùi mài tu luyện bằng tất cả lòng ham học và căn cốt trời ban, Lía đã thụ đắc được hết sở học bình sinh của cụ Bạch. Dường như quá mãn nguyện vì đã tìm được một truyền nhân xuất sắc cho môn võ gia truyền của mình nên khi Lía thành tài cũng là lúc cụ Bạch lìa trần. Lía thương tiếc vô cùng, lập mộ cho thầy ngay trước gian nhà trúc. Sau đó chàng lần xuống chân núi bốc mộ của mẹ, mang hài cốt lên chôn phía sau nhà cạnh dòng suối. Chàng ở lại chăm sóc hai ngôi mộ ba tháng mới bái tạ xuống núi.

Người mà chàng tìm đến đầu tiên là Bưu, thằng bạn thân nhất ngày xưa. Bảy năm không gặp, nay Lía đã trở thành chàng thanh niên cường tráng với hai đuôi tóc tết xoắn dài quá mông khiến Bưu không thể nào nhận ra, đứng trố mắt nhìn trân. Lía thấy Bưu không nhận ra mình thì cười ha hả nói:

- Không nhận ra tao hả? Lía đây. Phú Lạc vương mà ngày xưa bọn bay hay gọi đây.

Bưu sững người một lúc nữa rồi nhảy cẫng lên mừng rỡ:

- Lía! Trời ơi, đúng là mày rồi! Mày còn sống hả? Gặp lại mày tao mừng quá. Lâu nay mày đi đâu sao không tìm tao?

Bưu ôm chầm lấy bạn, nỗi vui mừng không sao kể xiết. Lía nói:

- Thong thả tao kể mày nghe. Mẹ mày khỏe không? Bọn thằng Sứt, thằng Nhạc bây giờ thế nào?

Bưu buồn rầu đáp:

- Mẹ tao bệnh, thằng Nhạc và ông thầy thuốc nam giúp cho bao nhiêu thuốc cũng không khỏi, đã mất hồi năm ngoái rồi. Thằng Sứt cưới con Lé lúc trước ở đợ cho nhà ông Hương chỉ, vợ chồng nó cất một căn nhà nhỏ trong vườn nhà cũ của thằng Nhạc, vừa ở vừa coi chừng nhà cho thằng Nhạc. Sau khi mày bỏ trốn, ông Phúc bị chúng bắt bỏ tù, phải lo lót tiền mới được thả ra. Thằng Nhạc phải bỏ học ở Bằng Châu về phụ cha buôn bán vì sau lần bị bắt, ông Phúc suy nhược dần. Ổng dời nhà xuống Kiên Mỹ, vài năm sau cũng mất, thằng Nhạc phải thay cha đảm đương mọi việc.

Lía nghe chuyện thở dài:

- Chia buồn với mày về bác gái nhé. Lỗi cũng ở tao một phần. Ông Phúc sống rất có tình có nghĩa, người tốt như vậy sao lại chết sớm thế? Mày thấy ông trời có bất công không?

Bưu gật đầu:

- Ừ, như cha con thằng Đằng đó, nịnh hót cấp trên nên giờ cha nó đã làm xã trưởng xã mình, còn thằng Đằng thì thay cha làm đốc trưng trông coi việc thu lúa cho huyện. Hống hách hết chỗ nói luôn. Thằng Nhạc bị nhà lão soi mói làm khó đủ điều. Mà mấy người gian ác như vậy thì cứ sống nhăn ra để hà hiếp bọn cu đen như mình mới ghét chứ.

- Mình ghé thăm vợ chồng thằng Sứt đi. Tụi nó làm ăn được không?

- Được. Nó được thằng Nhạc giao cho một mẫu ruộng để làm, thu hoạch được bao nhiêu thì hưởng, rồi coi ngó giúp bốn mẫu ruộng còn lại cho thằng Nhạc. Tao cũng được thằng Nhạc giao cho năm sào, phụ với thằng Sứt canh tác phần còn lại đó cho nó.

- Vậy là hai đứa bay yên chí rồi. Thằng Nhạc thật tốt. Nó buôn bán khá không?

- Rất khá. Nó đang bỏ tiền mua rẫy trên Tây Sơn thượng rồi thuê người lên đó canh tác. Nhiều việc quá nên nó bận như con ong thợ đi tìm mật vậy.

- Mày ví von hay quá há. Đi thăm thằng Sứt một chút rồi xuống thăm thằng Nhạc. Tao phải cảm ơn gia đình nó một tiếng.

- Thằng Sứt giờ chắc đang ở dưới Trường Trầu phụ việc cho thằng Nhạc. Mày không nên xuống đó. Lệnh truy nã mày vẫn còn dán ở khắp nơi, ở Trường Trầu có lính canh, mày xuống mà bị chúng phát hiện được thì mệt lắm. Để tao chạy xuống gọi tụi nó lên. Đêm nay, mình uống một trận thật đã để mừng ngày mày trở về nghen. Tao đi rồi mày ở yên đây đừng đi đâu nghen, cái đám nhà thằng Đằng mà thấy mày là nó hô hoán lên liền đó.

Lía thở dài:

- Ừ. Cũng được. Xứ sở này, xã hội này không thừa nhận tao, thôi đành vậy. Mà tao cũng cóc cần. Có khi tao phải đập nát nó ra để xây dựng lại cái khác cũng không chừng.

- Mày đi đâu? Mày tính làm gì?

Hai mắt Lía long lanh sáng. Bưu đọc được sự căm tức trong ánh mắt đó. Lía nói:

- Tao cũng chưa biết. Xuống đồng bằng thì bọn cầm quyền đuổi bắt, cuộc đời tao giờ chỉ còn núi rừng là nơi có thể dung thân mà thôi.

Bưu nhìn bạn ái ngại:

- Làm gì thì làm, đừng làm ăn cướp nghen Lía. Như bọn cướp người Chiêm ở thành Bá Bích bên kia sông, chúng ăn cướp, hãm hiếp đàn bà thật chẳng thua gì cầm thú.

Lía nghe nói giật mình:

- Thật vậy à? Chúng hoạt động bao lâu rồi?

- Chừng năm sáu năm nay. Đám quan quân chết nhát của huyện Tuy Viễn chỉ giỏi bắt nạt dân lành, còn bọn cướp hung ác kia thì cứ mỗi lần kéo quân đi lại kéo quân về, chẳng làm nên tích sự gì cả. Bọn cướp vẫn hoành hành tác quái, chẳng kiêng nể gì ai.

- Chúng đông lắm à?

- Nghe thiên hạ đồn bọn chúng khá đông. Địa bàn hoạt động của chúng rộng lắm, cả miệt tả ngạn sông Côn xuống khỏi An Thái, lên cả Tây Sơn thượng.

Lía mỉm cười:

- Vậy là tao có việc làm rồi.

Bưu ngạc nhiên hỏi:

- Mày định làm gì?

- Đập cho bể đầu bọn cướp khốn kiếp đó chứ làm gì nữa.

Bưu trợn mắt:

- Mày nói giỡn chơi hả Lía? Cả đám quan binh kéo tới kéo lui mãi còn chưa dẹp được chúng, một mình mày thì làm được gì?

- Bọn quan binh vừa chết nhát vừa bất tài nên thế. Đánh rắn chỉ cần đánh dập đầu là xong. Mày coi tao nhé. Tao mà không dẹp được bọn cướp đó thì sao có thể xứng với cái danh Phú Lạc vương mà tụi bay tặng lúc xưa.

- Ngày xưa bọn tao gọi đùa vậy thôi. Mày đừng làm liều, nguy hiểm lắm đó.

- Đằng nào tao cũng không có lối đi. Làm một việc gì đó có nghĩa lý giúp bà con rồi ra sao thì ra. Nhưng mày cứ an tâm đi. Ê, mà sao thằng Sứt có vợ còn mày thì chưa? Thằng Nhạc nữa, nó có vợ chưa?

- Thằng Sứt tính nó an phận nên cưới con Lé. Thằng Nhạc thì cưới con gái của ông Trần Kim Báu, cháu nội của võ sư Trần Kim Hùng ở Trường Định. Còn tao, không biết tao học cái thói trèo cao từ lúc nào mà bỗng mê say con gái nhà ông hương chỉ. Mê để mà mê thôi chớ làm sao tao với tới. Đến khi nàng lấy chồng, ôm mối tương tư, từ trên cao té xuống mới biết mình dại. Đau nhưng mà thú. Hề hề...

Lía cũng bật lên cười ha hả:

- Hay lắm! Không ngờ mày vậy mà hay. Dám yêu rồi dám khổ vì yêu. Ha ha... Tao chịu mày đó.

Bưu xấu hổ:

- Hay cái con khỉ gió! Bây giờ ở giá nằm không đây, mày không thấy sao?

- Nằm không thì nằm chớ đã chết ai. Đêm đêm uống rượu nhớ nàng. Chà, tao mà là thi sĩ tao sẽ làm tặng cho mày một bài thơ.

Bưu ngạc nhiên nhìn bạn:

- Lâu nay mày học ở đâu ra mà ăn nói chữ nghĩa hay thế?

- Chứ mày học ở đâu ra cái tính mơ mộng trèo cao thế?

Hai thằng nhìn nhau cười xòa. Lía nhớ lời thầy dặn nên không nói tới việc mình theo thầy học võ, học chữ bảy năm nay. Cụ Bạch không muốn ai biết đến việc ông đã từng sống và chết ở Trưng Sơn này.

Trời sắp sập tối, Bưu chạy xuống Trường Trầu kêu Sứt và Nguyễn Nhạc lên nhà. Sứt nghe Lía còn sống trở về nó mừng còn hơn cha chết sống lại. Nó vội vã thu xếp mọi việc rồi hối Bưu và Nhạc đi gấp. Nguyễn Nhạc cũng mong gặp lại Lía lắm nên ba chàng trai bèn mang rượu và thức ăn theo. Sứt gặp lại Lía, ôm vồ lấy khóc rưng rức. Lía cảm động trước mối chân tình của thằng bạn cùng khốn thời nhỏ dại, mắt chàng cũng rươm rướm. Sứt hỏi dồn liên tục một hơi:

- Lâu nay mày đi đâu? Làm gì? Chắc là cực khổ lắm phải không? Bây giờ mày tính sao?

Lía cười:

- Mày để tao chào ông thầy Nguyễn Nhạc của tao đã chứ. Hỏi nhiều như vậy tao trả lời sao kịp?

Sứt quẹt nước mắt cười:

- Xin lỗi mày. Gặp lại được mày tao mừng quá nên quên hết mọi chuyện.

Nguyễn Nhạc cười nói:

- Thằng Sứt nó giành hết, làm tao đứng thừa thãi nãy giờ.

Nói rồi Nhạc cũng ôm chầm lấy Lía. Lía đẩy Nguyễn Nhạc xích ra, ngắm một lúc rồi cười ha hả:

- Ông thầy võ tí hon của tao giờ đã trở thành chàng thanh niên hiên ngang, bảnh trai rồi đây. Chà, nhanh thật! Nghe Bưu nói ông thầy giờ làm ăn khá giả lắm phải không? Chừng nào làm cha?

- Tao đã làm cha rồi, sơ sơ mới có hai nỡm thôi, hì hì... Mày làm ơn bỏ cái tiếng thầy giùm tao được không? Coi như tụi mình lúc còn ở truồng tắm sông đi. Mày tao cho nó sướng cái miệng.

Bưu đang bày thức ăn ra chiếc chiếu trải ngoài sân cũng lên tiếng chen vào:

- Đúng vậy! Dù cho tới già, mấy đứa mình cũng nên giữ cái tiếng mày tao cho nó thân thiết. Làm mẹ gì mà phải khách sáo. Phú Lạc vương, Tây Sơn vương gì gì đó chỉ là tiếng gọi đùa lúc bọn mình còn nhỏ. Nhưng mà sau này dù hai đứa bay có làm vương làm tướng thiệt đi nữa tao cũng chỉ muốn gọi mày tao thôi. Ê, tao nói vậy đúng không Nhạc?

Nguyễn Nhạc cười:

- Đúng, đúng! Giá mà thằng Lía nó làm vương, mình tới gọi nó bằng thằng chắc bọn hầu cận của nó giận lắm. Ê, mà thôi đừng mơ nữa. Xong chưa Bưu, mình uống rượu mừng thằng Lía trở về. Tao muốn nghe nó kể lại khoảng thời gian bảy năm qua quá rồi.

Bốn người bạn ngồi trên chiếu giữa sân dưới ánh trăng sáng tỏ chốn đồng quê. Nhạc rót rượu ra mấy cái bát đất bảo:

- Uống cạn bát này mừng ngày đoàn tụ.

Bốn người cạn bát, Sứt nhắc:

- Kể đi Lía! Bao nhiêu năm nay mày làm gì, ở đâu?

Lía rót rượu ra rồi nâng bát lên mời ba thằng bạn, uống một hơi cạn sạch mới đáp:

- Lúc tao trốn vào rừng sâu, lang thang trong đó một thời gian may sao gặp được một ông lão nhận làm học trò dạy võ nghệ từ đó đến nay.

Lía vỗ vào tấm áo da cọp đen nói tiếp:

- Cũng nhờ tao liều mạng giết chết con cọp đen này cứu ông lão nên mới có được cái duyên thầy trò. Sự đời may rủi, rủi may vô chừng quá phải không?

Nhạc nói:

- Đúng vậy, trong họa gặp phúc. Vậy là giờ đây với thiên khiếu bẩm sinh của mày, chắc mày đã thụ đắc được một bản lãnh kinh người rồi phải không? Cái ước mơ đánh khắp thiên hạ vô địch thủ của mày chắc là thành rồi đó.

- Võ học mênh mông, làm sao dám nói đánh khắp thiên hạ vô địch thủ? Tao chỉ cần đủ sức để đánh đổ cường quyền, trừng trị bọn tham quan, ác bá giúp đỡ dân nghèo là tao mãn nguyện rồi.

Nhạc vỗ tay khen:

- Hay lắm! Có tài mà không cậy, đó mới thật là người tài. Tao uống với mày câu nói này một bát đầy.

Nói rồi rót hai bát rượu đầy. Bưu la lên:

- Ê, đâu có được uống riêng vậy. Tao cũng uống với nó về câu nói đó nữa.

Sứt cũng không chịu thua:

- Tao nữa chớ! Tao cũng thấy thằng Lía nói câu đó thật là chí lý.

Lía cười khà khà:

- Vậy thì cả bốn thằng hám rượu cùng uống cả đi, khỏi tranh giành.

Bốn người cùng cười lớn rồi uống sạch bát. Lía hỏi:

- Mày thì sao Nhạc? Trước hết cho tao kính hương hồn bác trai về sự giúp đỡ mẹ tao lúc lâm chung. Mày đảm đương công việc thay bác chắc bận bịu lắm hả? Bác gái và hai chú nhóc Lữ, Huệ cùng cô Hoa em của mày ra sao rồi?

Nhạc xua tay:

- Mày đừng để tâm đến chuyện ơn nghĩa. Lối xóm mọi người đều giúp một tay mà. Mẹ tao còn khá, hai thằng nhóc em nay đã chín, mười tuổi rồi. Tao gởi chúng xuống nhà bác Nhưng bắt đầu học võ dưới Bằng Châu. Thằng Lữ hiền bao nhiêu thì thằng Huệ phá bấy nhiêu. Mà đặc biệt nó lại có khiếu học võ giống mày lắm. Bây giờ nhà tao phải gọi nó là thằng Bình. Con Hoa đã lấy chồng, có hai đứa con rồi. Nó lấy thằng Sáu Bá em của Năm Ngạn bạn tao.

- Mừng cho gia đình mày. Một thân võ nghệ mà không có chữ nghĩa, đầu óc như tao thì cũng chẳng nên cơm cháo gì. Mày ráng cho thằng Huệ học chữ nghĩa nữa thì võ nghệ mới thực sự diệu dụng. Mà sao phải đổi tên Huệ của nó vậy?

- Chị dâu nó tên Huệ thì nó phải đổi tên chớ.

Sứt nói:

- Mày còn có trái tim nữa Lía. Trái tim mới là quan trọng. Tao thấy nhiều người chữ nghĩa nhiều nhưng ác còn hơn quỉ sứ.

Lía cười đùa:

- Tao không có trái tim thì làm sao thương mày được?

Rồi hỏi Nhạc:

- Tình hình lúc này ra sao Nhạc? Mày buôn bán đi lại nhiều nơi chắc nắm rõ được nhiều việc phải không?

Nhạc chán nản đáp:

- Tồi tệ. Tồi tệ chưa từng thấy. Tệ từ trên cao tệ xuống. Bây giờ cái nạn mua quan bán tước nó phổ biến như là đi chợ vậy, khỏi cần học hành thi cử làm gì cho mệt. Có tiền hả? Được, bán cho mày cái chức. Tiền nhiều, chức lớn, tiền ít, chức nhỏ. Thế thần càng lớn, địa vị càng cao. Có tiền hả? Khỏi đi lính, để mấy đứa nghèo nó đi, già yếu bệnh tật gì cũng mặc kệ. Mà bỏ tiền ra mua quan, mua chức thì khi làm quan mày phải tìm cách thu hồi lại chứ, đúng không? Thế là cả một hệ thống từ trên phủ Chúa, đứng đầu là quan ngoại tả, xuống cho tới xã trưởng, như lão đốc trưng cha thằng Đằng đó, đều thối nát cả. Hai cha con nhà nó có chữ nghĩa gì đâu, vậy mà bây giờ thằng Đằng thì thay cha coi lo thuế má trên huyện, lão đốc thì về làm xã trưởng, hét ra lửa ở vùng này. Dốt đặc, bất tài! Bọn quan lại bây giờ chỉ biết ăn của đút lót và bóp họng dân đen thôi. Nói tới chuyện làm lợi cho dân cho nước hả, tao đố mày kiếm ra được một thằng! Có tiền tội nhẹ, không có tiền mọt gông. Thử bây giờ mày mà có một đống vàng trải từ xã lên phủ coi, tụi nó chẳng những tha tội, đốt bỏ liền cái hồ sơ giết quan giết lính gì đó của mày mà còn vái lạy mày nữa kìa.

- Rồi dân làm sao sống, những người buôn bán như mày làm sao tránh khỏi tụi nó mè nheo?

Nhạc uống một bát rượu rồi cười khẩy:

- Thì chịu khó lo lót thôi. Thằng nhỏ tới thì lo ít, ông lớn xuống thì lo nhiều. Im mẹ cái mõm tụi nó hết liền. Còn dân đen hả? Nếu mày nhìn thấy chồng sổ nợ thuế của bà con mình ở đây mày té xỉu liền. Đồng tiền bây giờ mất giá lắm, bà con mình làm lúa, mùa trúng có dư chút đỉnh đem bán được mấy trăm quan tiền kẽm vác muốn còng cả lưng nhưng về mua không được thứ gì cho đáng giá cả. Chưa kể mấy năm mất mùa thua trắng thì ôm cái bụng đói mà la trời không thấu. Có dịp mày xuống vùng chợ An Thái hay ghé phủ lỵ Quy Nhơn mà coi, ăn mày bây giờ nhan nhản, đa số họ từ Đàng Ngoài chạy vào. Đàng Trong mình cũng bắt đầu sản xuất ăn mày rồi đó. Cả ăn cướp nữa chứ.

Lía thở dài, ánh mắt long lên tia uất hận:

- Rốt cuộc đám dân đen bọn mình là khổ nhất.

Bưu bỗng chen vào:

- Cục cứt lăn từ trên cao xuống, đó là qui luật tự nhiên mà.

Lía hỏi:

- Tại sao tự dưng đang yên ổn lại trở nên loạn xà ngầu vậy?

Nhạc ngước mặt nhìn lên vầng trăng, giọng nhỏ lại chỉ đủ bốn người nghe:

- Trăng khuyết rồi lại tròn, tròn rồi lại khuyết. Làm như vầng trăng của phủ Chúa đã bước sang ngày hăm mốt, hăm hai nên bắt đầu khuyết đi. Mà nguyên nhân chính chỉ tại ở một người: quan ngoại tả Trương Phúc Loan! Dân gian gọi lão là Trương Tần Cối. Dối chúa, tham lam, lũng đoạn, phe cánh, quyền hành... không thiếu một tật xấu nào. Một người mà có thể làm khổ hàng vạn người, hắn ta quả đáng để mình nể sợ.

- Đã vậy sao không cắt cổ hắn đi, như thế thì có phải cả nước được yên không?

Sứt giật mình nói nhỏ:

- Mày đừng nói những lời đó. Người khác mà nghe được thì mày sẽ bị chém đầu ngay tức khắc đó.

Lía cười:

- Tao không nói thì cũng đã bị tụi nó tuyên chém rồi, còn sợ cái gì nữa.

Nhạc nói:

- Thời buổi này không phải là một người làm một người chịu đâu. Liên lụy cả đám đó. Ý của mày cũng hay, nhưng hơi muộn rồi. Võ vương bây giờ chẳng khác nào Lý Cao Tông thời suy tàn của nhà Lý vào những năm đầu thế kỷ mười ba[5]. Lòng dân giờ đã quá xao động, hoang mang rồi. Thiên tai, núi sập, cửa biển lấp, dịch bệnh, mất mùa, những lời sấm xấu... đủ thứ điềm báo không may xuất hiện trong mấy năm qua khiến dân chúng vô cùng lo sợ, lòng tin vào phủ Chúa đã thật sự lung lay. Trong khi đó Võ vương chỉ biết suốt ngày đắm chìm trong trụy lạc cùng bà quý phi Ngọc Cầu nơi cung Trường Lạc, không quan tâm gì tới chính sự, dân tình. Chỉ e...

[5] Lý Cao Tông (1173-1210)là vịvuathứ bảy củanhà Lý, cai trị từ năm1176đến năm 1210. Khi còn nhỏ, Cao Tông là người ngoan lành, song khi lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi. Đến năm 1208 đói kém, người chết đói hàng loạt nhưng vua vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lại lờ đi như không biết. Năm1210, Cao Tông mất ở cung Thánh Thọ, thọ 38 tuổi, ủy thác cho Đỗ Kính Tu việc triều đình. Thái tử Sảm lên ngôi, tức Lý Huệ Tông. Tình hình trong nước ngày càng rối ren hơn, được hơn 10 năm thìnhà Lýmất về tay họ Trần (1225).

Lía tiếp lời:

- Mày sợ sẽ có chiến tranh, đổi đời hả?

- Mày cũng nhạy bén với vấn đề này đó chứ. Mày thấy sao?

- Tao như thằng khờ mới xuống núi, đã nhìn thấy gì đâu mà thấy sao. Mày có mộng làm Tây Sơn vương mà, mày thấy sao?

Nhạc cúi xuống rót rượu, tránh tia nhìn của Lía, đáp:

- Tao suốt ngày buôn bán lo cho mẹ và hai đứa em tới đầu tắt mặt tối, nghe vậy, thấy vậy nhưng chỉ để mà vậy thôi chứ làm con mẹ gì được, nghĩ chi cho mệt.

Bưu chợt hỏi:

- Mày thuê cả đống người lên Tây Sơn thượng khai rừng mở rẫy trên đó làm gì mà nhiều vậy? Không phải để làm Tây Sơn vương à?

Nhạc nghe Bưu hỏi giật mình gạt ngang:

- Mày nói bậy là cả nhà tao chết chém hết đó thằng quỉ sứ. Quyền cao như quan Hình bộ Tôn Thất Dục, lại là vai hoàng thúc nữa mà còn bị vu oan suýt bỏ mạng trong tù đó mày không thấy sao. Thời buổi này bọn nó chụp cái mũ phản loạn vào là nhà cửa sạch trơn, suốt đời lao lý. Bọn bay phải hết sức cẩn thận mới được. Nhà thằng Đằng mà nghe mày nói câu đó chắc bọn nó cúng cái đầu heo lớn.

Bưu nghe Nhạc nói sự tình nghiêm trọng như vậy thì vội xin lỗi:

- Xin lỗi, tao chỉ hỏi chơi vậy thôi. Tao không nói bậy với ai đâu.

Nhạc cười, sự căng thẳng trên khuôn mặt cũng giãn bớt ra:

- Đó là vùng nương rẫy tình thương. Tao thấy bà con nhiều người đói rách quá không biết làm gì nên mua rẻ lại đất của người Bana để cho họ có việc làm, kiếm miếng ăn.

Lía thấy Nhạc không muốn nói nhiều về việc này nên hỏi:

- Nghe nói bọn cướp ở Bá Bích thành lộng hành tác yêu dữ lắm hả Nhạc?

Nhạc đáp:

- Đúng vậy. Hai anh em tên đầu đảng Ma Pon và Ma Saot mà bọn lâu la gọi là Cha Pon và Cha Sót thuộc nhóm người Côn Man bị bọn Cao Miên đuổi giết vào năm Ất Hợi 1755 ở biên giới Việt Miên. Thay vì theo quân Chúa Nguyễn xuống định cư ở vùng Cửu Long Giang thì chúng lại dẫn vài tên bộ hạ chạy ra vùng này làm ăn cướp. Miệt tả ngạn sông Côn bị chúng cướp bóc liên tục, còn hãm hiếp đàn bà, phụ nữ nữa, thật chẳng còn coi vương pháp ra gì!

- Chúng giỏi võ lắm à?

- Tên Ma Pon đó võ công rất cao, lối đánh cũng rất kỳ lạ, dường như là võ thuật của bọn Xiêm La.

Lía ngồi im không nói gì. Đêm đó, bốn người bạn uống rượu đến gần sáng mới bịn rịn chia tay. Lía không muốn các bạn mình lo lắng nên khi từ biệt đã nói dối rằng sẽ về thăm lại quê cha.