Én Liệng Truông Mây - Hồi 21 - Phần 3

Ở Bá Bích được một thời gian, một hôm Lía nói với Lưu Đằng:

- Ta có chút việc riêng gia đình nên phải trở về Phù Ly một chuyến, ngươi ở lại đây thay ta lo mọi việc. Nhất thiết đừng để bọn em út làm điều sai quấy.

Lưu Đằng hỏi:

- Thủ lĩnh có cần đến bọn tôi giúp sức không?

- Không cần. Ta đi một thời gian ngắn rồi sẽ trở về. Các ngươi an tâm.

Hôm sau, Lía một đao một ngựa rời Bá Bích thành qua Côn giang trở lại hòn Sưng thăm mộ mẹ và sư phụ rồi từ đó vòng theo hòn Sõng ở phía bắc, vượt đèo Bồ Bồ ra Vĩnh Thạnh để xuống Phù Ly. Nhớ lại lời chỉ dẫn của mẹ năm xưa, chàng phóng ngựa theo núi Bích Khê trở về trang trại. Dọc đường, những tờ cáo thị có vẽ hình treo giải thưởng năm trăm lạng vàng cho bất kỳ ai bắt được chàng được dán khắp nơi. Không muốn sinh sự rắc rối, chàng vội giấu hai đuôi tóc vào trong áo, dùng chiếc khăn choàng qua cổ, tìm một chiếc nón rộng vành che phần trên khuôn mặt để giấu hành tung của mình.

Dù tất cả chỉ còn lại những hình ảnh lờ mờ trong ký ức nhưng lúc về gần đến trang trại cũ, lòng chàng vẫn không xiết bồi hồi, rộn rã. Hơn mười lăm năm, ngôi mộ tập thể của gia đình chàng tuy cỏ dại phủ um tùm chung quanh nhưng mộ chí vẫn còn nguyên vẹn. Tấm bia đá lớn với những dòng chữ “Võ gia trang tập thể chi mộ”, bên dưới khắc sâu dòng “Đoàn Phong và bằng hữu kính lập” vẫn còn sạch sẽ như có người thường xuyên chăm sóc. Lía rất lấy làm lạ, một tia hi vọng chợt lóe lên trong đầu, chàng nghĩ có lẽ một trong những người sư huynh của mình năm xưa hãy còn sống sót, hoặc giả sư tổ đã trở về.

Chàng gục đầu phủ phục trước mộ, để mặc hai hàng nước mắt tuôn rơi cho vơi bớt niềm đau thương và uất hận tắt nghẹn trong lòng. Chừng đã nguôi ngoai, chàng lạy bốn lạy cho cha và tám lạy cho những sư huynh rồi phóng ngựa lên núi tìm ngôi am cũ của sư tổ với hi vọng gặp được người. Nhưng tất cả đã trở nên hoang tàn, cũ kỹ, không còn lại chút gì. Vậy là tia hi vọng coi như đã tắt. Đêm đó, chàng ngủ lại trước mộ, sáng hôm sau vượt đèo Lại Khánh ra Phú Xuân tìm chú Đoàn Phong.

Khi qua đò Lại Dương chàng nghe nhiều khách đi đò bàn tán về chuyện bọn cướp ở Truông Mây của hai tên cha Hồ, chú Nhẫn nào đó. Chúng đang hoành hành cướp bóc rất dữ dội ở huyện Bồng Sơn, quan quân không thể nào đánh dẹp được vì địa thế Truông Mây hiểm trở vô cùng. Họ than trời vì chuyện quan quân hách dịch, bóc lột, nay lại thêm bọn cướp quấy phá, thật không biết khổ cực đến cơ man nào mà nói. Lía nghe chuyện nghĩ thầm: “Tìm được chú Phong hỏi cho ra tên hung thủ rồi ta sẽ trở lại dẹp bọn Truông Mây này để giúp người dân ở đây. Thời buổi gì mà ăn cướp nổi lên khắp nơi vậy không biết!”

Rời Bồng Sơn, qua đèo Thạch Tân xuống địa phận Quảng Ngãi thì những tờ cáo thị truy nã chàng không còn thấy nữa. Suốt con đường thiên lý, đâu đâu cũng thấy ăn mày lang thang, cảnh thôn làng xơ xác và những lời kêu than không ngớt của bà con dân nghèo, lòng Lía dâng lên một niềm thương cảm không sao diễn tả được. Thế nhưng khi vào đến kinh đô Phú Xuân thì mọi thứ đổi khác hoàn toàn. Trước mắt Lía là cảnh tượng nguy nga, tráng lệ của cung đình phủ Chúa, đường sá dọc ngang dập dìu xe ngựa. Cảnh tượng trái ngược đó tạo cho chàng một cảm giác tức giận đến nghẹn họng. Chàng thầm chửi cái triều đình thối nát của Chúa Nguyễn, nguyền rủa bọn quyền cao chức trọng, ăn trên ngồi trốc, dẫm đạp lên sự đau khổ của đồng bào trăm họ làm vui. Nhớ lại lời Nguyễn Nhạc, chàng nghĩ cái thời nhiễu nhương của Lý Cao Tông chắc cũng chỉ đến thế này là cùng. Đã vậy thì sự sụp đổ của nhà Nguyễn nay mai cũng xảy ra y như lời sấm đã báo mà thôi.

Lía lần dò hỏi thăm và tìm được đến tư dinh của cựu quan Hình bộ Tôn Thất Dục, không may ông ta đi vắng, chỉ còn người lão bộc Ân Phúc. Phúc cho biết Dục công vừa cùng cô cháu gái đi ngao du sơn thủy rồi, không biết bao giờ mới về. Chàng hỏi thăm về Đoàn Phong mới hay Đoàn Phong đã bặt vô âm tín từ ngày Dục công bị bắt giam. Chàng thất vọng vô cùng, đành cảm ơn Ân Phúc rồi phóng ngựa ngược đèo Hải Vân, xuống cửa Đại Chiêm để tìm cai đội Long. Chàng đến doanh trại thủy quân hỏi thăm, người lính gác cho hay cai đội Long đã bị cách chức, ông buồn bực nên đem gia đình vào Nam sinh sống. Lại một lần nữa thất bại, chàng chán nản quay về Bồng Sơn, dự định tìm đến sào huyệt của bọn cướp Truông Mây đánh dẹp rồi trở ra lại Phú Xuân tìm Tôn Thất Dục lần nữa.

Chàng xuống đò Lại Dương lúc trời đã sập tối. Bến chỉ còn một con đò nhỏ và khách qua đò cũng chỉ có mình chàng và con Bạch mã. Chàng lân la hỏi chuyện ông lái đò:

- Bác làm nghề này bao lâu rồi, thưa bác?

Ông lái đò tuổi ngoài bốn mươi, đáp:

- Chúng tôi làm nghề này cha truyền con nối. Tôi qua lại với con đò này đã hơn ba mươi năm rồi.

- Cũng lâu đó nhỉ? Nghe nói dạo này ở Truông Mây có bọn cướp đang hoành hành tác quái dữ lắm phải không bác?

- Đúng vậy. Bọn cha Hồ, chú Nhẫn tụ tập ở đó đã hơn năm nay, chúng đổ xuống vùng này cướp phá luôn. Quan binh ở Lại Khánh đánh dẹp không được nên đành bó tay để chúng làm càn. Mà có chết là chết bọn dân đen, người buôn bán chứ bọn quan lính có thiệt hại gì đâu mà chúng lo? Thời này cứ no cơm ấm cật là bọn quan lính vui rồi, mấy ai biết lo cho dân đen chúng tôi?

- Lý do gì mà không dẹp được chúng vậy bác?

- Một là bọn quan lính chết nhát, hai là Truông Mây um tùm gai góc, bọn cướp chạy trốn không biết đâu mà lùng.

- Ra là thế! Đường đến Truông Mây lối nào dễ đi nhất, bác có biết không?

Ông lái đò nghe hỏi vội nhìn Lía với ánh mắt đầy kinh ngạc:

- Hiệp sĩ định đến đó làm gì? Đừng nói với tôi là tới phá sào huyệt bọn cướp nghen? Nguy hiểm lắm! Hai tên cha Hồ, chú Nhẫn cùng bọn đàn em đứa nào võ nghệ cũng cao cường, một mình hiệp sĩ không làm gì được đâu. Chưa kể nơi đó nguy hiểm trùng trùng, rừng mây chằng chịt. Không nên mạo hiểm, tôi khuyên tráng sĩ thật lòng đó.

- Ồ không, bác an tâm. Cháu chỉ hỏi cho biết vậy mà. Bác có biết lối nào đến đó dễ nhất không?

- Nếu có đò qua sông thì dễ lắm. Hiệp sĩ chỉ cần đi dọc theo bờ trái Lại Dương Giang lên phía tây chừng ba bốn dặm, qua khỏi ngã ba sông theo nhánh Kim Sơn bên trái, đi lên tí nữa, nhìn sang sông thấy rừng mây bạt ngàn là Truông Mây đó. Nhưng nghe nói vùng này bọn cướp đặt trạm gác nhiều lắm. Động tí là chúng phát hiện ngay, do đó quan binh vừa đến nơi là chúng biết liền.

- Còn đi bằng ngựa?

- Đi bằng ngựa thì phải vòng theo con lộ gần ngã ba sông, đến một ngã ba rồi rẽ trái sẽ đến hồ Thạch Khê. Hiệp sĩ cứ đi thẳng vòng qua núi Lỗ Đố, rẽ phải qua thượng nguồn nhánh Kim Sơn, ở đấy sông cạn lắm có thể đi ngựa được, là có thể vào Truông Mây.

- Bác thật là tài, địa hình ở đây bác nắm rõ như trong lòng bàn tay. Thật cảm ơn bác.

- Có gì đâu, lúc nhỏ tôi đã từng lăn lộn ở vùng Kim Sơn để tìm vàng nên mới biết đó thôi.

- Nghe bác nhắc đến vàng ở Kim Sơn, cháu chợt nhớ thiên hạ từng kể rằng mười mấy năm về trước có một vụ huyết án kinh thiên xảy ra ở núi Bích Khê, cả một trang trại ngựa bị giết sạch, lúc đó bác có nghe nói đến không?

Ông lái đò nhìn chàng như để dò xét rồi đáp:

- Nghe chứ, lúc ấy ai mà không biết chuyện đó. Nhưng không phải chỉ riêng ở Bích Khê thôi đâu, ngoài Mộ Hoa bên cạnh Liên Trì, cả một nhà Trần gia cũng bị thảm sát cùng trong một đêm mưa gió với trại ngựa Bích Khê mới là kinh thiên chứ. Hai nơi tổng cộng gần bốn mươi nhân mạng đó.

Lía nghe nói ngạc nhiên hỏi:

- Cả hai nhà cùng bị giết trong một đêm à? Rồi chính quyền có điều tra ra ai là hung phạm không bác? Mà vì sao chúng giết cả hai nhà đó?

Ông lái đò vừa bơi nhẹ tay chèo vừa đáp:

- Có! Phải mất hai năm Hình bộ và một nhóm hiệp sĩ mới tìm ra là bọn giặc người Hoa ở Cù lao Phố làm. Chúng giết Trần gia ở Liên Trì để mưu đoạt cây bảo đao Ô Long, còn Võ gia ở Bích Khê nghe đâu chúng cũng có liên quan ít nhiều. Nhưng cái chính là vì Võ Trụ thời đó làm tổng quản mỏ vàng Kim Sơn quá thanh liêm nên có người ganh ghét, bày mưu cấu kết với bọn Tàu giết ông ta đi để dễ bề tham ô.

Lía nghe nhắc đến cái chết cha mình thì máu nóng sôi lên nhưng chàng cố dằn xuống hỏi tiếp:

- Rốt cuộc bọn hung thủ đó có bị bắt không bác?

Ông lái đò đáp giọng có vẻ hả hê lắm:

- Bị chứ! Tên đầu sỏ Lý Văn Quang và gần năm trăm tên tặc đảng khác nổi loạn định chiếm Cù lao Phố nhưng đã bị sáu chàng hiệp sĩ và quan binh Trấn Biên tiêu diệt sạch. Tên đầu sỏ cùng sáu mươi tên đàn em bị bắt đem về nhốt ở nhà lao Quảng Nam này nè. Nhưng nghe đâu mấy năm trước phủ Chúa đã trao trả bọn chúng về cho Thanh triều xử tội rồi. Thế mới tức chứ.

- Sáu chàng hiệp sĩ đó là những ai vậy?

Ông lái đò trầm ngâm như cố moi lại trong ký ức mình tên tuổi của những chàng hiệp sĩ đó. Một lúc sau ông đáp:

- Lớn tuổi rồi, mau quên thật. Hồi đó chuyện này tôi kể cho khách qua đò nghe như cơm bữa vậy mà bây giờ lại quên mất. Để coi, họ là hai người tả hữu hộ vệ của Hình bộ, một là Đoàn Phong còn người kia là Ngô Mãnh. Còn có cái người được mệnh danh Thần Thâu, ông ta chuyên ăn trộm của nhà giàu phát cho nhà nghèo, cũng như việc mà bọn chú Lía ở Bá Bích thành bây giờ đang làm vậy đó. Nghe đâu lúc trước ông ta có một trại nuôi trẻ mồ côi ở cửa Hàn, sau đó đã dời vào Cù lao Phố. Lâu rồi không còn nghe tiếng ông ta nữa. Còn ba người nữa là nhóm cái gì... ừm, nhóm Phong Điền Tam Hữu, đúng rồi. Trong ba người này có một người mưu trí vô cùng nên có biệt hiệu là Trại Ức Trai, giống ông quân sư Ức Trai Nguyễn Trãi đã giúp Lê Thái Tổ mình tiêu diệt bọn chó nhà Minh đó.

Lía nghe đến đây mừng thầm trong bụng. Vậy là chàng đã biết thêm tên tuổi những người bạn của cha mình, công việc dò hỏi tung tích hung thủ sẽ dễ dàng hơn. Chàng hỏi tiếp:

- Mỏ vàng Kim Sơn còn hoạt động không bác? Bây giờ ai là tổng quản ở đó?

- Dẹp rồi. Cả mười năm nay họ đào sạch, vét sạch cả rồi. Nghe nói vàng nhiều lắm nhưng vào quốc khố thì ít mà vào (ông nhỏ giọng lại) túi quan ngoại tả và bọn tay chân thì nhiều. Ấy vậy chúng nó mới tìm cách giết ông Võ Trụ liêm khiết kia đó chứ. Thật tội nghệp hết sức! Thời buổi này là thời buổi của ma vương và những tên trộm đạo. Chúng ăn cắp, ăn cướp giữa ban ngày, một cách công khai trước mặt phủ Chúa. Bọn Truông Mây ở đây đã ra gì so với đám phụ mẫu chi dân kia!

Lía hỏi nhanh:

- Như vậy hung thủ giết nhà họ Võ là quan ngoại tả à?

Giữa dòng sông vắng tanh mà ông lái đò vẫn cố hạ thấp giọng thật nhỏ như sợ bị người khác nghe thấy:

- Người ta nghi như vậy nhưng không ai dám nói. Vả lại có đúng đi nữa thì ông ta chỉ sai bọn tay chân làm mà thôi. Ổng ngồi tuốt trên cao, đời nào tự mình nhúng tay vào?

Ông nói xong liền đưa tay bụm miệng mình lại như hối hận vì đã vô ý thổ lộ việc phạm tội tày đình này. Lía gật gù:

- Ra là thế! Vậy những chàng hiệp sĩ có tìm ra đám tay chân đó của quan ngoại tả không bác?

- Tôi không biết, nhưng nghe đồn là những kẻ tham gia vào hai vụ án ấy đã bị sáu vị hiệp sĩ đó giết chết hết rồi. Thế mới gọi là ông trời có mắt chứ. Nói nhỏ hiệp sĩ nghe, đừng kể lại là tôi nói nhé. Cái lão Trần Đại Chí ở Hoàng Kim Môn gần thành Lại Khánh đó, nghe nói hắn là tay chân của quan ngoại tả trong vụ này, về sau hắn bị cai đội Long ở cửa Đại Chiêm chặn thuyền giết chết bỏ thây ngoài biển. Thật đúng là lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Thôi, tới bờ rồi, trời cũng đã tối, hiệp sĩ định đi đâu? Chúc hiệp sĩ thượng lộ bình an.

- Chắc là phải ngủ lại ở Lại Khánh một đêm, mai mới đi. Cảm ơn bác đã kể chuyện cho nghe. Mai mốt chúng ta gặp lại.

Chàng từ giã ông lái đò rồi lên ngựa phóng đến thủ phủ Lại Khánh. Chàng vào tửu điếm Qua Đèo bên quan lộ, hỏi thuê một căn phòng sau đó gọi thức ăn và rượu, lên lầu chọn chiếc bàn trong góc vắng vừa ngồi uống rượu vừa ngẫm lại lời kể của ông lái đò. Nếu đúng như vậy thì kẻ thù giết hai nhà họ Trần và họ Võ đã bị giết sạch. Chàng thấy trong lòng nhẹ nhàng khoan khoái vô cùng, bao nhiêu uất hận bấy lâu, nay đã được giải tỏa. Chợt chàng nhìn xuống bên dưới thấy có một thiếu nữ cưỡi một con ngựa sắc lông đỏ đang dừng trước cửa quán. Con ngựa to lớn chẳng kém gì con bạch mã của chàng. Một lúc sau đã thấy cô gái đó bước lên lầu. Cô vận y phục toàn một màu đỏ thẫm, nét mặt kiều diễm, trên lưng giắt một thanh kiếm có cán rất đẹp. Cô gái gọi thức ăn rồi ngồi im lặng thưởng thức. Thực khách trong quán thưa thớt, chỉ có vài ba bàn nhưng ai nấy cũng đều đổ dồn ánh mắt về phía cô gái. Lía vốn không ưa nhìn phụ nữ, dù là phụ nữ đẹp như cô gái áo đỏ này. Chàng đưa mắt nhìn bâng quơ ra cửa sổ, uống rượu và tiếp tục dòng suy tư của mình.

Chợt lúc ấy có năm người thanh niên bước lên lầu. Cả năm tên mặt mày đều vô cùng dữ tợn, miệng bô bô nói chuyện rất to. Tên đi đầu liếc nhìn thấy cô gái áo đỏ đang ngồi một mình liền kéo đồng bọn đến chiếc bàn gần đó. Một tên lớn tiếng gọi:

- Mang rượu uống đi chủ quán ơi! Ba lít rượu Bàu Đá, năm cân thịt bò xào hành. Nhanh lên, đói rồi đó!

Một tên khác nói:

- Bân đại ca, nghe nói gần đây ở Phù Ly có một nữ quái áo đỏ võ nghệ rất cao cường, thường hành hiệp cứu người, danh tiếng hiệp nữ Chu Muội Nương[6] nổi như sóng dậy biển Đông. Đại ca nhìn xem cô gái này có phải là nữ quái đó không?

[6] Chu Muội Nương: cô gái mặc áo đỏ.

Hắn dùng từ “nữ quái” có ý châm chọc và nói đủ lớn để cho cô gái áo đỏ ngồi cạnh bàn nghe được. Cô gái vẫn điềm nhiên ăn uống. Tên được gọi là Bân đại ca nói:

- Mày cũng cứ giữ cái tật thấy phụ nữ là tươm tướp. Nếu người ta quả đúng thật là vị nữ hiệp kia thì ăn nói kiểu mày sẽ lãnh đủ đó.

Tên nọ cười hề hề:

- Người ta nói tánh nào tật đó mà. Để em sang hỏi thử nhé?

Rồi hắn đứng lên bước sang bàn cô gái áo đỏ. Hắn đứng nghiêm trang trước mặt cô gái, chắp tay cúi đầu hỏi, điệu bộ trông thì trang trọng nhưng lại rất hoạt kê:

- Kẻ hèn này xin phép được hỏi thăm, cô nương xinh đẹp đây quí danh là chi? Cô nương đây có phải là vị nữ quái gần đây nổi danh khắp phủ Quy Nhơn Chu Muội Nương không? Cô nương đây có thể cất giọng oanh vàng nói cho kẻ hèn này biết được chăng?

Cô gái vẫn im lặng. Bốn tên ngồi ở bàn nghe hắn hỏi, lại nhìn điệu bộ cung kính của hắn thì không nín được cười. Cả bọn ngặt nghẽo cười ồ lên, một tên nói:

- Hai Lém, văn chương ăn nói của mày hay đến nỗi tao nghe mà phát ói thì làm sao người đẹp trả lời cho mày được? Coi chừng nàng ói vào mặt mày bây giờ đó. Tìm câu khác hay hơn hỏi lại đi.

Hai Lém vẫn giữ thái độ nghiêm trang nói:

- Cô nương đây có thấy không, văn chương bóng bẩy đâu phải bọn ngu ngốc như thằng Năm Dồ kia có thể thưởng thức được. Nhưng kẻ hèn này tin chắc người thông minh, xinh đẹp như cô nương đây thế nào cũng nhận ra cái hay của nó. Xin cô nương trả lời đi, hay là đợi kẻ hèn này quì xuống năn nỉ?

Cô gái áo đỏ chẳng màng quan tâm, vẫn cúi đầu ăn. Năm Dồ nói:

- Phải đó, phải đó! Gặp người đẹp thì phải quì xuống năn nỉ mới đúng phép lịch sự. Mau quì xuống đi Hai Lém.

Nãy giờ Lía ngồi im trong góc quan sát, chàng thầm phục sự kiên nhẫn của cô gái nọ. Trong khi đó Hai Lém lại nói:

- Nếu cô nương đây không trả lời thì kẻ hèn này đành phải quì xuống lạy để năn nỉ cho đúng phép lịch sự vậy.

Nói xong hắn liền quì xuống nhưng hai bàn tay lại chụp vào chân cô gái. Cô gái áo đỏ dường như biết trước, với phản ứng rất lẹ, chân trái cô đá thẳng vào mặt Hai Lém. Hắn liền xòe cả hai bàn tay toan chộp chân cô gái. Không ngờ đó chỉ là cú đá dứ, cô rút chân lại thật nhanh. Hai Lém lỡ đòn biết nguy nhưng chưa kịp xoay xở thì chân phải của cô đã tạt ngang một cú thật mạnh vào thái dương trái của hắn đánh bộp một tiếng. Hai Lém trúng cú đá đó ngã nhào qua một bên. Cô gái lại tiếp tục cầm đũa gắp thức ăn đưa lên miệng, mắt không thèm nhìn đến chung quanh lấy một lần.

Tên được gọi Bân đại ca vỗ tay khen:

- Cú đá tuyệt đẹp! Tao đã bảo mà, nếu người ta là nữ hiệp Chu Muội Nương thì mày lãnh đủ. Đúng không Hai Lém? Giờ bỏ tật tươm tướp chưa hả em?

Hai Lém vừa đau vừa quê mặt, lại nghe Bân đại ca hỏi kiểu xách mé đó thì càng xấu hổ hơn. Thẹn quá hóa giận, hắn đứng lên xông tới thẳng tay tát mạnh vào mặt cô gái, miệng nói lớn kiểu côn đồ:

- Con nữ kê này tác quái! Tao sẽ cho mày một bài học!

Với cú tát vũ bão của Hai Lém, cô gái vẫn không coi ra gì. Nàng ung dung đưa hai chiếc đũa đang cầm trong tay chĩa thẳng vào huyệt nội quan trên cổ tay Hai Lém. Hắn giật mình vội hạ tay phải xuống rút nhanh về, còn tay trái toan chộp vào cổ tay địch. Cô gái xoay cổ tay chĩa đầu đũa đâm vào huyệt lao cung giữa lòng bàn tay trái của hắn. Hai Lém nhanh như cắt xoay tay chém vào tay cô gái, còn tay kia thì chộp vào ngực cô ta. Cú đánh hết sức lưu manh, hạ cấp. Cô gái thất kinh vội dùng ngón trỏ bên tay trái điểm thật nhanh vào lòng bàn tay Hai Lém, đồng thời nàng xoay tròn cánh tay kia điểm đầu đũa vào huyệt ngoại quan trên tay hắn. Cô gái xuất thủ vừa nhanh vừa chính xác và miệng hét lớn:

- Súc sinh!

Hai tay của Hai Lém đều bị điểm trúng huyệt nên tê cứng không còn cử động được nữa. Cô gái áo đỏ chưa hết giận vì cú đánh hạ cấp của Hai Lém, nàng vụt đứng lên, hai bàn tay như cương đao chặt thẳng vào hai bên thái dương của hắn, gằn giọng:

- Thứ súc sinh như ngươi không đáng sống trên đời này!

Gương mặt và giọng nói của cô gái lúc nổi giận trông thật uy dũng chẳng khác gì nam nhi. Hai Lém trúng đòn, ngã nhào xuống nằm im bất động. Tên Bân đại ca đứng lên bước tới đỡ Hai Lém dậy, xem xét một hồi xong đặt hắn nằm xuống rồi nhìn cô gái nói:

- Cô nương ra tay quá nặng rồi đấy. Từ nay hắn sống cũng như chết. Hồ Bân này không muốn giao đấu với phụ nữ nhưng thù của Hai Lém chúng tôi phải trả. Cô nương đành khuất tất ngồi lại đây chờ chị của hắn là Thi Chân đến giải quyết vậy.

Nói xong hắn quay lại bảo Năm Dồ:

- Ngươi và Sáu Lũ mang Hai Lém về gấp và gọi tam nương đến đây ngay.

Cô gái áo đỏ lên tiếng hỏi:

- Bọn các ngươi có phải là thủ hạ của Truông Mây không?

Giọng nói của nàng trong như tiếng khánh ngọc, tuy trong lúc tức giận nhưng nghe rất êm tai. Hồ Bân mỉm cười đáp:

- Cô nương tinh mắt đấy.

- Nếu vậy thì các ngươi không cần gọi tam nương gì đó đến đây chi cho mất công. Từ lâu ta đã có ý định dẹp bỏ cái sào huyệt của các ngươi. Sẵn dịp này ngày mai ta sẽ đến Truông Mây, chừng đó tam nương của các ngươi có muốn trả thù rửa hận cho tên khốn kiếp này cũng chưa muộn.

Hồ Bân nghe cô gái nói liền ngửa mặt cười khan. Một lúc sau hắn thôi cười hỏi:

- Khẩu khí lớn thật! Cô nương đây đúng là Chu Muội Nương hiệp nữ nổi danh gần đây phải không?

- Chu Muội Nương chính là ta, còn hai tiếng hiệp nữ là của thiên hạ đa sự ghép vào, ta không dám nhận.

- Thì ra là tiểu thư út của Châu gia trang ở Phù Ly, thảo nào gan của cô chẳng lớn bằng trời. Được, các ngươi cứ kéo hết cả nhà đến Truông Mây, chúng ta cũng muốn thử qua cho biết tài nghệ Châu gia thế nào mà thiên hạ lại coi trọng đến như thế.

- Không cần cả nhà đâu. Một mình ta đến Truông Mây cũng đủ phá nát cái ổ cướp bọn ngươi rồi. Các ngươi cứ mang hắn về đi. Hắn không chết đâu.

Hồ Bân nghe giọng điệu hách dịch, chẳng xem Truông Mây của hắn ra gì thì giận lắm. Hắn nói:

- Được! Nếu mai cô không đến thì cái trại ngựa của Châu gia trang sẽ thành tro bụi đó.

- Ngươi an tâm, một lời nói của ta nặng hơn núi Kim Sơn. Các ngươi cho thuyền chờ ta, giờ Thìn ngày mai ta nhất định sẽ đến.

- Được, cô cứ đến! Ta sẽ đích thân đưa cô sang.

Hắn nói xong khoát tay ra hiệu cho bọn đàn em khiêng Hai Lém xuống lầu, lên ngựa phóng đi. Thấy bọn cướp bỏ đi, số thực khách nãy giờ đang căng thẳng tột độ liền thở phào nhẹ nhõm. Ông chủ quán vội bước đến bàn cô gái nói:

- Thì ra là Chu nữ hiệp. Quán tôi thật hân hạnh đón tiếp nữ hiệp. Nhưng nữ hiệp không thể một mình vào hang cọp như thế được đâu. Nghe nói Truông Mây vừa hiểm trở mà bọn cha Hồ, chú Nhẫn võ nghệ rất cao cường, nhất là tên Hồ Bân lúc nãy. Một mình nữ hiệp làm sao chống lại nổi?

Chu Muội Nương nở nụ cười tươi như đóa sen trên đôi môi đỏ mọng:

- Cảm ơn chủ quán. Tôi tự mình biết lo liệu mà. Đã chuẩn bị phòng cho tôi chưa?

- Dạ rồi ạ, nữ hiệp ăn uống xong có thể về nghỉ ngơi.

Nàng nói lớn đủ để mọi người trên lầu cùng nghe:

- Việc này đã lỡ lộ ra, ông chủ giữ kín giùm tôi nhé. Tôi không muốn đến tai cha tôi, phiền lắm đấy.

Chủ quán vội nói:

- Dạ, nữ hiệp đã dặn thì chúng tôi quyết chẳng hở môi đâu.

Rồi ông quay sang thực khách ôm quyền nói:

- Bà con nhớ giữ lời giùm nhé.

Chu Muội Nương chợt hỏi:

- Tên Bân lúc nãy là người thế nào ở Truông Mây, ông chủ biết không?

- Hắn là cháu ruột của cha Hồ, tên Hồ Bân. Thanh hổ đầu đao của hắn lợi hại bậc nhất Truông Mây. Tật xấu duy nhất của hắn là uống rượu.

- Hắn cũng có khí phách đấy chứ. Tiếc là lại đi làm ăn cướp, hiếp đáp dân lành.

Ông chủ quán nghiêm sắc mặt nói:

- Thời thế nhiễu nhương đã đẩy rất nhiều anh hùng trở thành đạo tặc. Nữ hiệp coi, ăn cướp kiểu chú Lía ở Bá Bích thành thì nhân dân cầu còn hơn nắng hạn mong mưa nữa đó.

Đôi mắt đen láy của Chu Muội Nương bỗng lóe lên tia sáng long lanh như hai viên hắc ngọc, cô nhoẻn miệng cười nói:

- Ông chủ nói đúng. Có rất nhiều kẻ cướp mà lòng dạ nhân từ, cuộc sống có ý nghĩa còn hơn những kẻ tự xưng mình là phụ mẫu chi dân. Chàng Lía là một trong số đó.

Nói xong hai má nàng bỗng ửng hồng, vội vã cảm ơn chủ quán lần nữa rồi đứng lên về phòng. Lía thầm nghĩ: “Cô gái này gan lớn bằng trời, thật là ngựa non háu đá. Cũng vừa may, mai ta giúp cô ta một tay vậy.”

Cô gái đi rồi, thực khách cũng từ từ rời khỏi quán, chỉ còn lại một mình Lía. Chàng hất chiếc nón rộng vành ra sau lưng, gọi chủ quán đến hỏi:

- Cô gái lúc nãy thật là gan lớn bằng trời, chắc gia thế cô ta lớn lắm hả chú?

Chủ quán đáp:

- Hiệp sĩ là người từ phương xa đến phải không? Vâng, đó là nữ hiệp Chu Muội Nương, tiểu thư út của Châu gia trang ở Phù Ly. Chà! Nói đến Châu gia trang, một nhà hiệp nghĩa đó thì dân ở phủ Quy Nhơn này ai mà không biết. Họ là những người trọng nghĩa khinh tài, không có chuyện nhân đức, cứu khốn phò nguy nào mà thiếu bàn tay của họ. Gia đình họ có bốn trai một gái, gọi là tứ long nhất phụng, người nào cũng văn hay chữ tốt, võ nghệ siêu quần, mưu trí hơn người. Nhất là Châu nhị công tử Châu Văn Tiếp, một đao vô địch, thật xứng với danh hiệu Phù Ly đệ nhất cao thủ.

- Ra là thế! Thảo nào cô ta chẳng một mình mà dám đòi vào tận sào huyệt của bọn cướp Truông Mây.

- Mấy năm trước anh em nhà họ đã từng tiêu diệt bọn cướp ở Truông Mây vùng núi Bà, bắt ba tên đầu đảng nộp cho phủ thành. Lần này đến lượt Truông Mây ở Kim Sơn.

- Nhưng cô ta chỉ có một mình, theo chú thì kết quả sẽ thế nào?

Chủ quán gãi đầu tỏ vẻ lo lắng:

- Thật là nguy hiểm. Bọn Truông Mây ở Kim Sơn người đông, địa thế lại hiểm trở, chỉ e nữ hiệp cô thân độc mã sẽ bị nguy.

- Không có cách gì giúp cô ta à? Hay là báo cho Châu gia trang để họ đến giúp?

- Chu nữ hiệp đã dặn lúc nãy rồi, đừng để đến tai cha cô ấy. Chà, chắc là nữ hiệp lén nhà một mình tự ý vào hang cọp đây. Thật là gan dạ hết sức nói!

- Hành vi của bọn Truông Mây thế nào?

Chủ quán nhìn chàng bằng ánh mắt tò mò:

- Không quá hung ác như bọn Ngưu Ma Vương ngoài biển nhưng cướp vẫn là cướp, trừ phi là cướp hiệp nghĩa như chú Lía ở Bá Bích thành. Hiệp sĩ định giúp Chu nữ hiệp à? Phải đó, dù sao hai người cũng còn hơn một. Tôi mà có võ nghệ cao cường thì tôi cũng sẽ đi liền. Cái bọn khốn kiếp ấy, hiệp sĩ thấy đó, lúc nãy mà không có chuyện là quán tôi sẽ mất toi số tiền rượu thịt chúng kêu rồi. Chưa kể hàng năm còn phải nộp tiền cho chúng nữa chứ. Chúng làm như triều đình vậy, ai không nộp phí sẽ bị chúng phá nát hàng quán. Quan lính ở đây cứ trơ mắt ra nhìn, không làm gì được cả. Nhiều lúc tức đến ói máu nhưng đành chịu.

Ông ngừng lại một chút để lấy hơi rồi nói tiếp:

- Này nhé, để tránh bị chúng phát giác, hiệp sĩ cứ theo bờ Lại Dương đi về phía tây một đoạn, rẽ trái và tiếp tục theo con lộ đó tới núi Lỗ Đố, vòng qua núi là có thể băng qua thượng nguồn sông Kim Sơn rồi trở ngược xuống một chút, sào huyệt Truông Mây ở ngay tại đó.

Lía nghe ông chủ quán chỉ đường cũng giống ông lái đò thì biết đó là con đường duy nhất đến Truông Mây. Chàng nói:

- Cảm ơn chú, cháu chỉ hỏi thăm cho biết vậy thôi. Mai cháu phải lên đường sớm rồi.

Chủ quán vò đầu nói:

- Vậy à? Chết thật! Có cách gì khác để giúp cho vị nữ hiệp không nhỉ?

Lía cười thầm, bỗng dưng thấy rất có cảm tình với ông chủ quán tốt bụng. Chàng thanh toán tiền rượu và tiền phòng để sáng có thể đi sớm mà không phiền đến chủ quán, xong về phòng nghỉ ngơi. Cả tháng nay miệt mài trên lưng ngựa nên chàng cũng cảm thấy hơi mệt.