Giường đơn hay giường đôi - Chương 08 - Phần 3

8-5

Theo chế độ giáo dục của nước Anh, lịch học nghiên cứu sinh của Vĩnh Đạo tại Hồng Kông tiến hành vô cùng thuận lợi, chưa đầy hai năm đã hoàn thành luận văn. Trước lúc tốt nghiệp, tuy thầy hướng dẫn giữ lại nhưng anh vẫn kiên quyết lựa chọn trở về Bắc Kinh phát triển sự nghiệp.

Khi đó Phổ Hoa đã quen với cuộc sống mỗi người một nơi, mỗi năm lại gặp Vĩnh Đạo vào lễ Noel và nghỉ hè. Công việc của cô ở tòa soạn tuy không được coi là quá tốt nhưng chí ít cũng ổn định, hơn nữa còn có vị trí nhỏ của riêng mình. Tang Hinh Mai - cô gái ban đầu Vĩnh Bác giới thiệu cho Phổ Hoa quen đã cho Phổ Hoa rất nhiều gợi ý trong công việc, cũng gián tiếp giúp cô quen biết rất nhiều biên tập trong lĩnh vực này, dần dần hòa nhập vào nghề biên tập.

Tuy công việc là do người nhà Vĩnh Đạo tìm giúp nhưng có bạn bè và đồng nghiệp quen thuộc, Phổ Hoa thực sự quyết định coi việc biên tập thành công việc chính. Năm đầu tiên cô cực kỳ cố gắng, giành vài giải thưởng nhỏ không đáng kể nhưng bố vẫn vô cùng tự hào vì điều đó.

Ngoài cuộc sống gia đình, các phương diện khác Phổ Hoa hoàn toàn thay đổi từ sinh viên trở thành con người của xã hội, nói theo lời của Quyên Quyên thì là: “Quả thật bà cụ non có chút thay đổi rồi”.

Thật sự rất nhiều lúc, bố cô cũng tốt, bên nhà họ Thi cũng tốt, đều dựa theo tiêu chuẩn của người phụ nữ đã kết hôn hoặc sắp kết hôn mà yêu cầu Phổ Hoa.

Chuyến hành lý cuối cùng của Vĩnh Đạo được vận chuyển bằng đường hàng không về Bắc Kinh chính là mấy ngày hè nóng nực nhất, Phổ Hoa xin phòng biên tập nghỉ làm ra sân bay đón anh.

Hai năm nay, cô sớm đã có thể quen điều chỉnh tâm trạng mong chờ của mình trong những ngày anh sắp trở về, gần như hàng ngày đều nói chuyện điện thoại, cuối tuần đều có thư hoặc quà tặng gửi về, gặp anh và đọc về cuộc sống của anh trong thư chắc chắn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng những ngày anh không ở bên lại vô cùng tự do, cô muốn làm gì thì có thể làm điều đó.

Vì vậy, Phổ Hoa chưa bao giờ thể hiện nồng nhiệt quá mức trước mặt Vĩnh Đạo, tất cả tình cảm và suy nghĩ tích lũy lại đều được giải tỏa trong giây khắc nhìn thấy anh, sau đó an nhàn ở bên cạnh anh cho tới lần chia tay sau.

Lần này không đi nữa, vì vậy ngược lại cô không biết nên đối diện thế nào.

Ngồi xe Vĩnh Bác ra sân bay, trên đường Phổ Hoa nghĩ rất nhiều, gần như bất cứ ngôn ngữ diễn đạt nào cũng trở nên dư thừa trong giây phút gặp mặt, chỉ cần anh nhẹ nhàng ôm cô là đủ.

Vĩnh Bác vừa lái xe vừa hát theo đài, nhắc tới chuyện của tòa soạn tạp chí, Phổ Hoa mới biết Tang Hinh Mai từ chức tới làm trợ lý hành chính cho một doanh nghiệp nước ngoài, nhảy vào một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, còn cuộc đời nghề nghiệp tương lai của bản thân cô về cơ bản đã được lập kế hoạch xong.

“Hai đứa định làm gì chưa? Vĩnh Đạo trở về tiếp tục học hay làm việc?”. Vấn đề tự nhiên lại chuyển sang Vĩnh Đạo, Vĩnh Bác vô tình hỏi, nhưng trong lòng Phổ Hoa đã suy nghĩ về vấn đề này rất lâu rồi.

Cô hy vọng Vĩnh Đạo có thể làm việc, rời xa trường học cảm nhận luồng không khí mới mẻ, nhưng mặt khác, học chuyên ngành sinh hóa khi lựa chọn công việc lại bị bối cảnh học thuật hạn chế một cách nghiêm ngặt, cô hiểu rõ có thể những thử thách anh phải đối mặt luôn nhiều hơn cơ hội.

“Bọn em chưa bàn, anh cảm thấy thế nào?”. Phổ Hoa trưng cầu ý kiến của Vĩnh Bác.

“Anh…”. Vĩnh Bác nhún nhún vai, “Anh không rõ mấy thứ này, có điều theo anh thấy học hành cũng kha khá rồi, cũng coi như từng ra ngoài rồi, chi bằng trở về làm việc cho đến nơi đến chốn, nếu thực sự phải tiếp tục học, có thể làm việc, có kinh nghiệm rồi trở lại học để lấy cái học vị”.

“Vâng, em đồng ý”. Phổ Hoa mỉm cười gật đầu, cảm thấy vui với ý kiến của Vĩnh Bác.

Trong tất cả mọi người nhà họ Thi, Vĩnh Bác là người dễ tiếp xúc nhất, cũng thường nghe cô dốc bầu tâm sự nhất, thậm chí còn dễ dàng hiểu ý cô muốn biểu đạt hơn cả Vĩnh Đạo. Nhưng do trở ngại công việc và thân phận, cơ hội Phổ Hoa gặp gỡ Vĩnh Bác có hạn, cô hiểu Vĩnh Bác cũng không sâu, phần nhiều là kính trọng. Cũng may khi chưa bàn bạc xong với Vĩnh Đạo thì Vĩnh Bác đã thay cô phát biểu ý kiến rồi, một năm trước anh ấy khuyên ngăn Vĩnh Đạo giúp bạn học làm hạng mục thí nghiệm thuốc trên cơ thể người, sau đó, lại chặn đứng suy nghĩ đăng ký lớp nghiên cứu ngắn hạn tại Đại học Trung văn rồi đón cô qua.

“Vĩnh Đạo thi thoảng cực kỳ cố chấp, em phải cứng rắn hơn!”. Xe sắp dừng ở chỗ dừng xe đợi máy bay, Vĩnh Bác đùa với Phổ Hoa.

Từ khi bên nhau năm thứ ba đại học, cô từng cứng rắn với anh, bỏ mặc không thèm nói năng vì chuyện xảy ra với Cầu Nhân, sau đó thời gian hai năm chớp mắt qua đi, những ngày bình yên thực ra ẩn giấu rất nhiều vấn đề, ví dụ như tính cách không hợp, ví dụ giá trị quan khác nhau, ví dụ như sự khác biệt đối với khát vọng về sự nghiệp, tình cảm. Nhưng những vấn đề dễ nhận thấy này không hề đạt được bất cứ sự cải thiện và giải quyết nào.

Vĩnh Đạo đẩy xe hành lý ra khỏi cổng, Phổ Hoa chưa chạy qua, lặng lẽ đứng nguyên chỗ cũ đợi anh chạy tới.

Anh vẫn như xưa, để lại xe đẩy hành lý, dang rộng hai cánh tay ôm cô quay một vòng, đặt xuống đất rồi hôn lên trán, chóp mũi, dừng rất lâu trên môi như chốn không người. Anh là một người bạn trai nhiệt tình, đây là đáp án do các đồng nghiệp phòng biên tập đưa ra, biên tập Lưu Yến ngồi bàn đối diện với Phổ Hoa thậm chí còn khẳng định anh sau này sẽ là một ông chồng tốt, vì cực kỳ biết cách yêu thương cô. Còn trong mắt Phổ Hoa, Vĩnh Đạo chính là Vĩnh Đạo. Cách đối xử đối với tình cảm của họ khác nhau, cô càng hy vọng anh biểu hiện kín đáo hơn.

Trên đường trở về thành phố, Vĩnh Bác nửa đường xuống xe, để lại ghế lái cho Vĩnh Đạo, Phổ Hoa hỏi vì sao, Vĩnh Bác hỏi lại: “Em nói đi!”.

Phổ Hoa bĩu môi, chuyện này không chỉ mới một hai lần, cô chẳng lạ. Sắp xếp kế hoạch khi trở về trước nay là đặc quyền của Vĩnh Đạo, anh hiếm khi trưng cầu ý kiến của cô, thường hay quyết định thay cô.

“Trở về anh định thế nào? Làm việc không? Hay tiếp tục học?”. Cô luôn muốn hỏi nhưng anh vẫn không nói.

“Nói sau, ăn trước đi em”.

Xe chạy tới Tô Chiết Hối, mua mấy món cô thích ăn nhất, Vĩnh Đạo đến giá cũng không thèm hỏi, cầm thẻ quẹt, ký tên cái roẹt rồi dắt cô về nhà.

“Sao thế? Gặp anh không vui à?” Lên xe, anh kéo cô vào ngồi ghế phụ, tự tay thắt dây an toàn cho cô.

Đi nhà hàng nào, ăn gì, sau này phải ở lại căn hộ mấy ngày, trong lòng anh sớm đã có dự tính, sự sắc bén trong đôi mắt nói lên tất cả, thậm chí ở bên chỗ bố, anh cũng đã chào hỏi trước đó rồi.

Phổ Hoa sống ở chỗ Vĩnh Đạo nháy mắt đã được nửa tháng, anh không nhắc từ nào tới dự tính tương lai.

Anh hưởng thụ niềm vui trùng phùng, không chút che đậy thể hiện nỗi nhớ của mình, nhưng càng nồng nhiệt, Phổ Hoa càng không biết làm thế nào. Ở lâu cùng anh, Phổ Hoa thậm chí cảm thấy bản thân giống như một pho tượng không chút sinh mệnh, đóng vai không hề quan trọng trong cuộc sống của anh, anh chẳng qua chỉ cần một đối tượng bị chi phối, được yêu, không hề suy nghĩ cẩn thận mà chọn phải cô.

Cô không phải không suy nghĩ, nhưng càng hy vọng có thể lặng lẽ ngồi bên nhau, nghe anh nói chuyện cuộc sống ở Hồng Kông, kể cho anh biết những chuyện đã xảy ra trong nửa năm ở đây, cho dù chỉ ăn chút bánh bao với nước lọc vô cùng đơn giản, giao tiếp về mặt linh hồn sâu sắc hơn một chút cũng tốt.

Mỗi lần khốn cùng trong cơn sóng dục vọng anh nhen lên, Phổ Hoa giống như kẻ vùng vẫy trong nước, vừa lên khỏi mặt nước liền bị một làn sóng lớn hơn cuốn vào trung tâm dòng nước xoáy. Trong ý thức còn sót lại, cô luôn lờ mờ nghĩ tới câu nói “Vĩnh Đạo thỉnh thoảng vô cùng cố chấp, cô phải cứng rắn hơn!” của Vĩnh Bác.

Cứng rắn thế nào? Lẽ nào từ chối anh? Hay cãi nhau một trận?

Nhưng chỉ sau vài giây mơ màng, anh dừng lại mọi động tác còn dang dở trong đêm, chống tay vây hãm cô ở dưới thân mình chăm chú ngắm nhìn cô. Vĩnh Đạo lúc này luôn khiến Phổ Hoa nghĩ tới chàng trai bao năm trước ở trên tầng thượng trường học đó, trong mắt lóe lên sự nghi ngờ và không chắc chắn đối với cô.

Anh nâng mặt cô nhìn thẳng rất lâu, khiến cô thậm chí không thể khống chế được hỉ nộ ái lạc của bản thân. Cô không thể không nhắm mắt, mất đi dũng khí nhìn thẳng anh, rơi vào trong chiếc lưới lớn hơn nữa.

“Sau này chúng ta sẽ thế nào?”. Phổ Hoa không chỉ một lần từng hỏi câu hỏi như vậy.

Vĩnh Đạo cũng dùng cách trêu chọc trả lời cô, đeo lên ngón áp út của cô chiếc nhẫn kết bằng cỏ, “Không được nghĩ linh tinh, nhớ anh là được rồi!”.

“Anh có dự định gì?”.

“Dự định…”. Anh kéo dài âm cuối, nâng tay cô lên che ánh mặt trời, mắt khép lại, “Chúng ta… sẽ kết hôn!”.

“!”.

“Diệp Phổ Hoa!”. Anh gọi tên cô, yêu cầu cô nhìn thẳng mình.

“?”.

“Em sẽ kết hôn với anh - trước khi anh lấy được bằng tiến sỹ! Biết chưa!”. Anh tính sẵn trong lòng, khoanh tay cười.

Ánh mặt trời chiếu vào đồng tử của anh, trong đó là một vực sâu không thấy đáy, Phổ Hoa không nhìn ra trong đó chứa đựng tình cảm, suy nghĩ gì.

Trở về Bắc Kinh tròn một tháng, Vĩnh Đạo tới nhà họ Diệp, chính thức bàn chuyện hôn sự với bố Phổ Hoa.

8-6

Vì sao tới hai năm sau khi Vĩnh Đạo học tiến sĩ mới kết hôn? Đó là vì sự kiên quyết của Phổ Hoa.

Hai mươi ba tuổi, đối với một biên tập vừa làm việc hai năm mà nói vẫn chưa chuẩn bị đủ tâm lý để gánh vác trách nhiệm gia đình, Phổ Hoa là như vậy. Bạn bè xung quanh đều là những người độc thân kết hôn muộn, đều khuyên cô nên lập nghiệp rồi hãy suy nghĩ tới chuyện thành gia, thậm chí cả Hải Anh đã kết hôn cũng không chỉ một lần khuyên cô phải thận trọng khi lựa chọn.

Thế là, kế hoạch của Vĩnh Đạo chưa thể thực hiện hoàn toàn được, đương nhiên cũng không lệch hướng ban đầu của anh. Họ chỉ yên lòng sống những ngày tháng là người yêu, không sống chung, thường xuyên cãi nhau, tình trạng vô cùng phổ biến trước hôn nhân.

Trong tất cả các kiểu yêu đương, họ có thể là đôi ổn định nhất, quen nhau từ trung học, qua lại cho tới khi tốt nghiệp đại học, làm việc, rất nhiều thứ kéo dài lắng đọng theo thời gian, sự thấu hiểu lẫn nhau không ngừng tăng thêm, mâu thuẫn kéo theo cũng không ít. Tính cách Phổ Hoa hướng nội, lãnh đạm nghiêm túc, Vĩnh Đạo đầy sức sống, quá độc đoán ngang ngược. Ở bên nhau lâu, tính cách ai thế nào đều không thể che giấu, thường vì thế mà tranh cãi không khoan nhượng.

Cãi nhau rồi có thể giảng hòa, không giảng hòa chỉ có thể tiếp tục cãi. Luôn luôn là mâu thuẫn trước vừa dịu xuống, sau đó sẽ lại phát sinh mâu thuẫn sau. Căn bản bắt nguồn từ việc cô muốn duy trì không gian độc lập riêng, còn anh liên tục đòi hỏi cuộc sống hai người hoàn toàn hòa làm một.

Điều này sao có thể? Cho dù yêu nhau, cô cũng nên là một cá thể độc lập, thuộc về bản thân mình.

Vĩnh Đạo liền giận giữ chất vấn: “Còn bắt anh đợi bao lâu!”, “Rốt cuộc em đang băn khoăn cái gì?”, “Vì sao không thể như vậy!”.

Thứ Phổ Hoa phải băn khoăn quả thực rất nhiều. Cô thiếu đi sự hướng dẫn từ người mẹ ruột yêu mến, cô không yên tâm bố sống một mình sau này, khi cô vẫn còn rất gò bó khi tiếp xúc với bố mẹ Vĩnh Đạo, còn bản thân Vĩnh Đạo cũng có rất nhiều thói quen và tính cách không muốn thay đổi vì cô khiến cô phiền não.

Cứ như vậy mỗi người đều lo ngại giằng co ở hai đầu dây, biết Phổ Hoa còn vài ngày nữa tới sinh nhật hai mươi bốn tuổi, tất cả tranh cãi đều bằng không vì trên que thử thai đã xuất hiện nhiều hơn một vạch.

Nhà, xe đã sẵn có, tiền thanh toán mua căn nhà theo hình thức trả góp đã được lấy ra từ tiền lương của Vĩnh Đạo một thời gian, không thể thuận theo Phổ Hoa lấy việc phát triển công việc làm lý do từ chối, hôn nhân đại sự trở thành mũi tên đã lên dây cung, không thể không bắn đi. Phụ huynh hai nhà vui mừng vì đã thành công, chỉ mong sao hai người họ sớm có nơi có chốn. Bạn bè đồng nghiệp chân thành chúc mừng, từ đầu đến cuối, dáng vẻ hòa thuận vui vẻ, ngược lại không chú ý tới cảm nhận của Phổ Hoa, rốt cuộc cô có vui không thì chẳng ai quan tâm.

Chỉ có Quyên Quyên, đêm trước khi Phổ Hoa đi đăng ký kết hôn đã thận trọng hỏi cô vài lần trong điện thoại: “Phổ Hoa, cậu thực sự nghĩ kỹ rồi chứ?”.

Nghĩ thế nào, nghĩ cái gì?

Vĩnh Đạo cũng trưng cầu ý kiến của cô, nhưng đa phần chỉ giới hạn trong việc làm nghi lễ kiểu gì, mua nhẫn cưới kiểu gì, đi đâu hưởng tuần trăng mật.

Hôn sự chuẩn bị có phần gấp gáp, cuối cùng rất nhiều ý tưởng ban đầu đều không thực hiện, về mặt kinh tế và thời gian đều không cho phép. Đề tài tiến sĩ của Vĩnh Đạo rất bận, công việc của Phổ Hoa ở tòa soạn cũng không bỏ được. Nhẫn cưới mua kiểu dáng đơn giản, kỳ nghỉ kết hôn cũng chỉ hơn nửa ngày, sau khi đăng ký hai người vẫn làm những công việc như cũ, đi tới viện nghiên cứu thì tới viện nghiên cứu, ảnh cưới cũng không có thời gian chụp.

Vốn cho rằng cứ như thế yên lòng chờ đợi một sinh mệnh mới ra đời, nhưng điều mỉa mai nhất lại xảy ra một tuần sau khi đăng ký kết hôn, tất cả triệu chứng trong tháng đầu tiên mang thai đều biến mất, đi bệnh viện xét nghiệm để so sánh với kết quả thử thai trước đó mới biết được sự giải thích chính xác từ bác sĩ - Phổ Hoa căn bản không hề mang thai.

Ban đầu người vui mừng nhất là Vĩnh Đạo, nhận được tin tức xong, thất vọng nhất cũng là anh, tuy anh hết sức che giấu tâm trạng mất mát. Vĩnh Bác từng nói, chưa từng thấy đứa em trai này tự đáy lòng thích cái gì mà vui mừng đến như vậy, nguyện vọng bao năm nay đã đạt được, niềm vui cũng mang theo vào trong giấc mộng. Giờ đây anh thất vọng đến nước này, Phổ Hoa cũng thấy thêm gánh nặng trong lòng.

Ngày hôm đó anh không nói gì, cũng chẳng còn lòng dạ nào làm việc, thường nhoài người lên bụng cô lặng lẽ lắng nghe, thực ra trong đó chẳng có gì, chỉ có tiếng thở dài não nề từ lồng ngực anh.

“Ngốc ạ, sau này sẽ có!”. Phổ Hoa thử an ủi anh, kỳ thực bản thân cô cũng cần thử điều chỉnh tâm trạng mình.

Anh lật người ngồi dậy, ủ rũ nhìn bụng cô chăm chú, sau đó nhìn vào mắt cô, hỏi một câu không đầu không cuối: “Có thể không?”.

Bàn tay đặt sau gáy anh đang xoa nhẹ đột nhiên dừng lại, cô đọc được lời nói trong mắt anh “Em sẽ sinh con cho anh chứ?”.

Sau đó, giữa họ có khoảng cách rõ ràng, tuy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi hơn nữa nhanh chóng hòa thuận như ban đầu, nhưng trong lòng Phổ Hoa vẫn có một ám ảnh. Nền tảng hôn nhân đã không vững chắc, câu nói “Có thể không” của Vĩnh Đạo luôn thường trực trong đầu cô, dường như dự báo điều gì đó.

Hạnh phúc lớn nhất trong hôn nhân nếu coi hòa thuận yên ổn, họ đã cố gắng làm được nhưng thiếu đi sự tương hợp về tâm hồn như sáu năm qua, Vĩnh Đạo chưa bao giờ thực sự hiểu Phổ Hoa là người như thế nào, cô muốn gì. Còn cô cũng không có ý định đề cập đến, giấu tâm tư vào sâu trong thế giới của chính mình.

Đến Quyên Quyên cũng biết, Phổ Hoa ngồi yên tĩnh đọc hết một quyển tiểu thuyết trong phòng khách không đồng nghĩa với việc không muốn tham gia cuộc họp mặt bạn bè của Vĩnh Đạo, chẳng qua rất vội vàng hy vọng đọc xong kết thúc của câu chuyện. Phổ Hoa tiếp tục công việc phiên dịch không có nghĩa cảm thấy túng thiếu, bất mãn với thu nhập của Vĩnh Đạo, chỉ là thích dịch thuật.

Nhưng Vĩnh Đạo không biết, đối với anh, Phổ Hoa trước sau đầu tư không đủ cho cuộc hôn nhân này, co cụm lại trong thế giới anh không thể tìm được, bài xích sự tiếp cận của anh.

Cô đồng ý bừa việc sắp xếp phòng ngủ rộng rãi, phòng khách chật hẹp, cô nhiệt tình quá mức giúp Vĩnh Bác sắp xếp tất cả các bức ảnh, cô vừa như cố ý vừa như vô tình giảm bớt số lần thân mật, cũng hiếm khi cùng anh tham gia những cuộc chiêu đãi bên ngoài.

Anh không thể cái gì cũng đưa ra yêu cầu với cô, những cuộc cãi lộn nhỏ đạt được mục đích còn coi như giải tỏa tâm lý, nhưng cũng có lúc hai người đều không kìm chế được sự nóng giận, bất kể chuyện lớn chuyện nhỏ đều như cố tình gây sự, trút giận lên đối phương.

Anh sẽ nhấn mạnh nhiều lần cuộc hôn nhân này là ước nguyện bao năm nay của anh, không cho phép cô có chút chán ghét, anh hạn chế cô và Vĩnh Bác liên lạc với nhau, lọc ra những người bạn khác giới bên cạnh cô, anh tìm cách làm cô có thai, dùng bất cứ thủ đoạn nào.

Cô im lặng chấp nhận hoặc thỏa hiệp, có một bên nhất thiết phải thỏa hiệp, đây chính là bản chất của hôn nhân, từ hai cá thể đối đầu gay gắt cho tới một chỉnh thể tương hợp bao dung cho nhau. Những lời này, không cần anh nói, bố mẹ Phổ Hoa trong ngoài trên dưới không biết đã nhắc bao lần. Cô chỉ có thể cố gắng chấp nhận, chịu thua, dù gì cãi nhau nhiều cũng sẽ làm tổn thương tình cảm của nhau, cô cũng không thích kiểu đầu giường cãi nhau cuối giường hòa, dứt khoát không cãi nhau nữa, vấn đề không thể giải quyết thì dùng cách giải quyết chuyện Cầu Nhân, giấu trong lòng không nói ra.

Phổ Hoa chủ động xa cách một vài người bạn, hiếm khi tiếp xúc với các tác giả nam trong công việc, cũng từ bỏ một phần sở thích của mình, làm theo nguyện vọng của bố, cô dành nhiều thời gian hơn cho Vĩnh Đạo cho gia đình, cho dù gia đình này đang như gông xiềng tạo thành lớp kén dày, từng chút từng chút bao bọc thôn tính lấy cô, cho tới khi cô nghẹt thở.

Lần không vui nhất sau khi kết hôn của họ xảy ra vào lễ kỷ niệm một năm ngày cưới.

Vĩnh Đạo mua một tá hoa hồng phủ đầy trên giường, còn chuẩn bị rượu Champagne và đồ ăn nhẹ, tạo ra không khí lãng mạn hiếm có. Còn Phổ Hoa vì tham dự buổi bán sách và ký tặng của tác giả trong tòa soạn mà quên sạch ngày kỷ niệm.

Anh gọi điện cho cô cả tối đều không người nghe, từ đầu đến cuối cô đều để điện thoại ở chế độ im lặng đặt bên người, buổi ký tặng và bán sách đã xong liền đi ăn tiệc, quá nửa đêm mới xong công việc trở về nhà.

Vào cửa thấy tất cả các đèn đều bật, anh uống hơn nửa chai Champagne nằm liệt trên ghế sofa, khẩu khí như dạy bảo: “Em đi đâu về!”.

Cô từng nhắc tới việc ký tặng và bán sách, trong túi vẫn còn sách mẫu, khi nhìn thấy nến trên bàn ăn liền nghĩ ra đã bỏ lỡ cái gì, nhưng muốn giải thích, anh đều không chấp nhận lý do. Đối với anh mà nói, những lời “Xin lỗi. Em quên mất” hoặc “Công việc bận quá” chắc chắn là không đủ.

Anh ngửi thấy mùi thuốc lá trên người cô. Lông mày nhíu chặt không hề giãn ra, túm được cô cũng không quan tâm sự chống cự và mệt mỏi cả ngày trời, chỉ muốn dùng cách của mình bù đắp việc bỏ lỡ ngày kỷ niệm ngày cưới, nhiều hơn cả là trút đi sự bất mãn trong lòng, còn điều cô có thể làm được trong sự phản kháng là để lại vết cắn sâu trên cổ tay anh và hét lên: “Thi Vĩnh Đạo, tôi muốn chia tay với anh!”.

Đối với hôn nhân không có chút nền tảng niềm tin, Phổ Hoa cảm thấy mệt mỏi gấp bội, Vĩnh Đạo cũng chẳng khá gì hơn.

“Diệp Phổ Hoa! Em nhìn anh đây!”. Anh vừa gọi tên cô vừa ra sức lắc cô, anh muốn hủy hoại bức tường thành kiên cố trong lòng cô, mỗi lần tức giận cãi nhau, anh đều bị kích động, nhưng chưa bao giờ nói ra lời chia tay “Vì sao em không nhớ hôm nay là ngày gì! Em nói chia tay lại lần nữa thử xem!”.

Cô có rất nhiều câu hỏi vì sao không trả lời được, cũng không thể thỏa mãn nguyện vọng muốn hiểu cô của anh. Anh muốn sự thẳng thắn, nhưng sau khi kết hôn vẫn không hiểu vì sao ban đầu cô chấp nhận anh rồi lại lừa gạt anh, vì sao có thể đồng ý ở bên anh nhưng luôn không tập trung, vì sao anh nhiều lần cố gắng duy trì tình cảm và cuộc hôn nhân này, còn cô lại không thể thoát khỏi quá khứ.

Phổ Hoa cũng chưa từng phân tích bản thân một cách thấu đáo, sau lần cãi nhau đó, cô vẫn luôn nghĩ lại, có phải nơi sâu thẳm nhất trong trái tim cô căn bản vẫn cố ý không nhớ ngày kỷ niệm ngày cưới để kích động anh không. Hay nói cách khác, ban đầu lựa chọn ngày cưới với Vĩnh Đạo chẳng phải là ước nguyện của cô?