Giường đơn hay giường đôi - Chương 08 - Phần 4

8-7

Cô nhận được email bạn cùng trường forward cho, Phổ Hoa ban đầu không quan tâm, để bức thư đó trong hòm thư mấy tuần không mở ra xem. Sau đó khi tìm cách liên hệ của tác giả trong hòm thư mới tiện tay mở ra, Phổ Hoa mới phát hiện bức thư đó ban đầu được gửi từ hòm thư của Kỷ An Vĩnh.

Vài năm nay mọi người không nhắc tới cậu ấy, đi từ năm thứ ba đại học, vài tin tức Phổ Hoa đều nghe từ chỗ các bạn ở ký túc. Tin tức qua tay vài người, Phổ Hoa không có thông tin chính xác, chỉ biết Kỷ An Vĩnh hoàn thành chương trình đại học ở Canada, lại tiếp tục học nghiên cứu sinh, nhưng không ai nói tới chuyện cậu ấy có phải di dân định cư ở đó không, đến cậu ấy sống ở thành phố nào cô cũng không biết.

Ký ức của cô đối với Kỷ An Vĩnh mãi mãi dừng lại ở mùa hè năm thứ ba đại học, cậu ấy đi một cách vội vã, đồ đạc để lại không đủ để lưu luyến, nhưng cô vẫn cất giữ quyển Tuyển tập thơ Tagore và chiếc bút máy gãy đôi.

Bây giờ tập thơ đặt cùng với tập thơ trước cậu ấy tặng, buổi tối trước khi đi ngủ Phổ Hoa thi thoảng lật ra xem, đặc biệt là bài thơ Khoảng cách xa nhất trên thế giới, tuy rất nhiều người nói bài thơ đó không phải là do Tagore viết, làm giả trên mạng rồi đưa vào trong tập thơ lậu, từ đó lưu truyền, nhưng Phổ Hoa vẫn coi nó như vật kỷ niệm quý báu nhất thời trung học.

Cô như cố ý lại như vô tình nghe ngóng tin tức của Kỷ An Vĩnh, vài tháng sau, cuối cùng cũng nghe được tin tức từ chỗ Tiểu Quỷ, rất bất ngờ, Kỷ An Vĩnh đã về nước! Hơn nữa mới gần đây.

Trong điện thoại Tiểu Quỷ còn nói Kỷ An Vĩnh từng tổ chức gặp mặt bạn học với quy mô nhỏ, giới hạn trong phạm vi bạn đại học của cậu ấy.

Nhưng vì sao không phải trung học chứ?

Phổ Hoa ngạc nhiên trong lòng, có cảm giác xúc động không rõ ràng, cô rất muốn gặp mặt Kỷ An Vĩnh một lần, nói cảm ơn, cho dù không nói gì, chỉ xem cậu ấy có bình yên không, bù đắp một chút tiếc nuối ban đầu chưa chào tạm biệt.

Ly biệt như vậy quả thật để lại tiếc nuối rất lớn trong lòng cô, thực ra trong phạm vi hiểu biết của cô, với quan hệ của Vĩnh Đạo và Kỷ An Vĩnh ban đầu, họ hoàn toàn có thể làm bạn tốt. Nhưng hiện thực không tốt đẹp như mong ước, Vĩnh Đạo và Kỷ An Vĩnh không chỉ không còn là bạn, mà sau vài năm xa cách đã giống như người xa lạ. Phổ Hoa chưa từng nghe thấy Vĩnh Đạo nhắc một câu về Kỷ An Vĩnh, cho dù họ có chung hồi ức về thời kỳ trung học, Kỷ An Vĩnh cũng trở thành một điều anh cố ý vùi lấp.

Cô rất muốn hỏi nhưng lại không thể hỏi.

Dùng dãy số ngày sinh nhật của mình để đăng nhập vào máy tính của Vĩnh Đạo, Phổ Hoa không chỉ đọc được bức mail đó, còn tìm thấy một bức thư của Kỷ An Vĩnh trong phần thư xóa gần đây, trên đó rõ ràng hẹn Vĩnh Đạo và Doãn Trình, Cao Triệu Phong cùng tụ tập, ngày tháng đã là hai tuần trước.

Cô suy nghĩ mấy ngày, cố lấy can đảm viết một lá thư đơn giản ngắn gọn đại diện cho mình và Vĩnh Đạo gửi cho Kỷ An Vĩnh, đại khái là hỏi thăm cuộc sống ở nước ngoài của cậu ấy mấy năm nay có tốt không, đồng thời kín đáo hỏi sau này cậu ấy có dự định phát triển trong nước không.

Tính thời gian đã gần năm năm chưa từng gặp mặt, chưa từng nói chuyện, Phổ Hoa gửi thư xong vẫn khó mà kiềm chế sự căng thẳng trong lòng, cô không dám đoán bừa Kỷ An Vĩnh sẽ nghĩ thế nào, thậm chí cô nghi ngờ cậu ấy có đọc bức thư này không, nhưng phần cuối của bức thư, cô vẫn viết một đoạn những lời mà cô còn mắc nợ cậu ấy.

“Mấy năm đã qua từ ngày cậu đi, hy vọng cậu đi học ở nước ngoài tất cả đều suôn sẻ bình an. Năm đó bệnh nặng có cậu giúp đỡ mới có thể thoát khỏi nguy hiểm, luôn muốn gặp mặt cảm ơn cậu, khổ nỗi không có cơ hội, hy vọng bây giờ nói cảm ơn không muộn. Có lẽ chúng ta vẫn luôn chưa được coi là bạn bè thực sự, nhưng cho dù cậu ở đâu, mình và Vĩnh Đạo đều sẽ thực lòng cầu chúc cậu sự nghiệp thuận lợi, cuộc sống hạnh phúc”.

Thư đã gửi đi, đêm đó trở về hòm thư của Phổ Hoa là một bức mail dài, hoàn toàn không có vẻ xa cách, trong đó có một đoạn, Phổ Hoa đọc vài lần.

“Bỏ lỡ đám cưới của hai người, bây giờ chúc mừng bù mong hai cậu tân hôn vui vẻ, có cơ hội thì sẽ bù quà tặng. Năm năm ở nước ngoài vẫn ổn, nhưng không bằng trong nước có gia đình và bạn bè, có một cảm giác thân thuộc. Có thể con người càng trưởng thành càng dễ nhớ chuyện xưa, vừa tới Bắc Kinh là mình tới trường trung học và đại học, gặp thầy cô năm đó, vẫn dáng vẻ xưa, thực sự đều thay đổi rồi. Sau này vẫn chưa nghĩ nên ở nước ngoài làm việc hay quay lại phát triển, nơi đó dù sao cũng không phải là nhà, sớm muộn phải trở về thôi. Rất hy vọng trước khi đi có thể gặp mặt nói chuyện, nếu hai người có thời gian…”.

Một đoạn ngắn ngủi nhưng khiến Phổ Hoa xúc động vô cùng. An Vĩnh nói rõ thời gian trở về Canada, còn để lại địa chỉ và phương thức liên lạc, Phổ Hoa nhập số vào danh bạ điện thoại, không đề tên Kỷ An Vĩnh, chỉ dùng con số vô nghĩa thay thế.

Cô không hồi âm cho Kỷ An Vĩnh, vì không biết nên nói gì. Những ngày tháng êm dịu nhất mà họ bên nhau chưa từng nói quá sâu tới chủ đề tình cảm. Bây giờ cô đã kết hôn, cậu ấy độc thân, lại có Vĩnh Đạo ở giữa, đến gặp mặt cũng là sự xa xỉ.

Nhưng vận mệnh vẫn để Phổ Hoa gặp được An Vĩnh, với cách thức cô không ngờ tới.

Cô và Vĩnh Đạo vì chuyện vớ vẩn mà cãi nhau, cô một mình rời khỏi nhà đi không mục đích trên đường, gặp Kỷ An Vĩnh trên đường gần trường, cậu ấy vừa từ Kiến Nhất đi ra, đang dong chiếc xe đạp đi từ thời học sinh.

Họ đều vô cùng bất ngờ, thậm chí có một giây không nhận ra nhau.

Kỷ An Vĩnh bước lên trước, mỉm cười chào hỏi, vẫn nụ cười ôn hòa như trước đây, làm ấm một góc lạnh lẽo trong trái tim Phổ Hoa.

“Hi!”. Giọng nói của cậu ấy sau năm năm ngoài điềm tĩnh, còn có vẻ già dặn đi nhiều.

“Hi… lâu lắm không gặp…”. Cô suy ngẫm về giới hạn an toàn, không dám nhìn thẳng vào ánh mắt dịu dàng của cậu ấy.

“Ừ… quả là rất lâu rồi”. Cậu ấy lịch sự quay đầu để đi cùng đường với cô, hỏi thăm cuộc sống mấy năm nay của cô và Vĩnh Đạo.

“Vậy còn cậu?”. Phổ Hoa nói xong về mình, không nén được quan tâm đến tình hình gần đây của An Vĩnh.

“Trong thư chẳng phải đã viết rồi ư, vẫn tốt, không thể nói không tốt, có điều cũng không thể coi là tốt nhất”.

“Cuộc sống ở nước ngoài rất vất vả ư?”.

“Cũng chẳng phải, tự lập về kinh tế, cuộc sống cũng thường thường bậc trung, nhưng dù gì cũng là công dân hạng hai, ở đâu cũng bị phân biệt đối xử, tâm tình hoàn toàn khác với ở trong nước”.

“Thật ư?”.

“Thật, bất cứ lúc nào ở đâu cũng có thể cảm nhận được”. Trên vai cậu ấy như có một gánh nặng không thể đặt xuống, “Có điều vẫn phải quay, bên đó còn có công việc”.

“Vậy… khi nào đi?”.

“Vé bay tuần này”.

Cậu ấy đưa cô tới ngoài khu nhà, dừng xe.

“Cho mình gửi lời hỏi thăm Vĩnh Đạo, lần sau trở về có cơ hội sẽ cùng ăn bữa cơm nhé, lần này vội quá, cũng chưa hẹn được, cậu ấy bận lắm à?”.

“Hơi bận”. Phổ Hoa nói dối thay Vĩnh Đạo, lên tầng dừng bên cửa kính hành lang nhìn trộm ra ngoài.

Kỷ An Vĩnh đi xa rồi, bóng dáng là một vệt đen dài chéo, cô đơn lẻ loi, có vẻ rất đáng thương.

Cô giấu Vĩnh Đạo lấy xuống Tập thơ Tagore Kỷ An Vĩnh để lại, viết lời chúc phúc trên sách, bọc cùng chiếc bút bi bị gãy đôi cho vào trong túi, chuẩn bị trả lại kèm quà tặng cho cậu ấy.

Hôm sau, trong giờ nghỉ trưa, cô đi chọn quà, từ thời trung học, cô chỉ từng tặng cậu ấy thiệp và thư, không hề tặng quà gì, liền chọn một cái bút máy rất tinh xảo.

Chuyển phát nhanh đi, trong quá trình trung chuyển xảy ra vài vấn đề, bưu phẩm bị trả lại chỗ cũ, cô sợ dây dưa lỡ việc không tới tay cậu ấy, đành đích thân mang tặng.

Đây là lần đầu tiên Phổ Hoa tới thăm nhà An Vĩnh, đó là căn hộ ở tầng sáu đã cũ, bài trí đơn giản, đồ gia dụng đều phủ vải trắng, dễ nhận thấy không lâu nữa cậu ấy sẽ đi.

An Vĩnh đi rửa cốc pha trà, Phổ Hoa trịnh trọng đặt quà tặng lên bàn uống nước, nhìn kỹ xung quanh căn phòng của cậu ấy, bức ảnh chụp chung treo trên tường đã phủ đầy bụi, rèm cửa sổ bạc màu, đặt trên bộ máy tính trong góc, trên giá sách sắp xếp ngăn nắp các tác phẩm nổi tiếng, rất nhiều trong số đó là sách cô thích.

An Vĩnh không hề ngạc nhiên với quà tặng của cô, chỉ không ngờ tập thơ bao năm vẫn được gìn giữ như ban đầu, đến góc trang sách lần cuối cùng đọc được gấp lại vẫn còn. Cầm chiếc bút gãy đôi lên, cậu ấy không nén được bật cười.

“Đến cái này cậu cũng giữ à?”.

“Ừ”.

“Vậy còn tập thơ Tagore?”.

“Vẫn còn”.

Họ ngầm hiểu lẫn nhau, nói từ Tagore tới rất nhiều thứ. Ban đầu trao đổi sinh viên sang Canada cậu ấy gặp nhiều khó khăn, không thích ứng, làm thêm công việc tay chân, khi làm mất một phần cơm, đành nhịn đói hai ngày, cô cũng kể về cuộc sống công việc bây giờ, nhưng không hề phàn nàn điều gì, đặc biệt là hôn nhân của cô và Vĩnh Đạo, cô nhất định phải để lại ấn tượng hạnh phúc cho An Vĩnh.

Rời nhà An Vĩnh, trời đã muộn, cuộc cãi vã hai tối trước vẫn chưa làm hòa, Phổ Hoa bỏ ý nghĩ trở về nhà đối diện với Vĩnh Đạo, lên xe đến nhà Quyên Quyên.

Khi chia tay, An Vĩnh vẫy tay, Phổ Hoa cũng vẫy tay với cậu ấy, rồi lại quay đầu. Thực ra cô không muốn xa rời từng bước như vậy, cô muốn tự mình tiễn cậu ấy đi, coi như cho mình một kết cục.

8-8

Phổ Hoa hoàn toàn không biết bao bì bưu phẩm sao lại đến tay Vĩnh Đạo, địa chỉ và tên An Vĩnh trên đó hiển nhiên không thể qua khỏi con mắt của Vĩnh Đạo.

Cô và Quyên Quyên lén đến sân bay vốn dĩ chỉ muốn tiễn Kỷ An Vĩnh, kết quả lại bị Vĩnh Đạo chặn ở khu vực đợi. Nhận ra áo gió màu đen của Vĩnh Đạo, và vẻ phẫn nộ âm thầm nhẫn nhịn trên mặt anh khi quay đầu lại, cô lập tức ý thức được bản thân đã phạm một sai lầm, một sai lầm không cách nào cứu vãn.

Tối hôm trước khi chia tay, cô và An Vĩnh bắt tay tạm biệt, giống như thời đại học hai chiến hữu cùng chung chí hướng nắm tay nói lời tạm biệt, đó là thói quen của họ, cũng là một sự ăn ý, trong hai bàn tay giao nhau đó truyền cho nhau những lời chưa nói hết. Từ khi quen nhau thời trung học, giữa họ luôn có một tình cảm không bao giờ nói rõ, làm bạn từ đầu đến cuối, khi tạm biệt ngoài từ “Tạm biệt” và “Bảo trọng”, sẽ không nói bất cứ lời nào dễ làm người khác hiểu lầm.

Nhưng tối đó khi tạm biệt, cậu ấy nắm chặt tay cô rồi nói: “Thật không muốn đi”, phút giây đó tình cảm nhẹ nhàng êm dịu trong mắt cậu ấy khiến Phổ Hoa không thể coi đó là lời nói đùa.

“Sẽ trở về mà”. Cô rút tay lại an ủi cậu ấy, vờ như một cuộc tạm biệt bình thường, nhưng lại mất cả tối nằm trên ghế sofa nhà Quyên Quyên hồi tưởng lại sáu, bảy năm từ trung học đến đại học.

Khi cô còn độc thân, cậu ấy chưa từng bày tỏ điều gì, thân phận bây giờ của cô, cậu ấy càng không thể bày tỏ. Họ đã định sẵn sẽ để vuột mất nhau, đã không thể làm bạn thân, cũng sẽ không là tình nhân, thậm chí sau này làm bạn học tốt của nhau cũng rất khó.

Đọc được cơn thịnh nộ của Vĩnh Đạo, sự lưu luyến chia tay với Kỷ An Vĩnh vẫn vấn vít trong lòng Phổ Hoa, cô đã bị tước đi rất nhiều thứ, không nên đến quyền tiễn một người bạn cũng không có.

Vì vậy cô kiên trì lập trường của mình.

Bị Vĩnh Đạo ép buộc đưa về nhà, đến Quyên Quyên ở đó cũng không thể làm lắng dịu cơn phẫn nộ của anh, họ cãi nhau từ phòng đợi máy bay đến khi lên xe, lại cãi nhau tới lúc về nhà. Anh nắm cổ tay cô điên cuồng lắc, ép hỏi cô nhiều lần: “Tối qua em đi đâu! Có phải đi tìm An Vĩnh không?”.

“Em đi tặng đồ, tạm biệt cậu ấy, không có gì khác”. Cô càng giải thích, anh càng tức giận.

“Sau đó thì sao? Vì sao không về nhà? Cả đêm em ở đó phải không?!”.

“Em không có!”.

“Vậy em ở đâu?”.

“Chỗ Quyên Quyên!”.

“Em cảm thấy anh sẽ tin ư?”.

“Em không nói dối!”.

Họ tiếp tục giằng co, cãi nhau tới tận nửa đêm, cô mệt đến nỗi nằm lên giường ngủ luôn, anh cầm bao bì gói bưu phẩm chuyển phát nhanh xộc vào, một trận tranh cãi kịch liệt hơn lại bùng nổ, giữa lúc cãi nhau không hiểu sao cô lại rớt khỏi giường, bò lên chống tay lên tường trả đòn lại anh.

“Em không thể tặng quà cho bạn ư? Em không thể trả đồ cho cậu ấy ư? Hay em căn bản không thể có bạn, không thể gặp mặt nói chuyện với người khác giới, nếu cần thiết phải thông qua sự đồng ý của anh, Thi Vĩnh Đạo, em không phải đồ chơi của anh, bây giờ anh như vậy quả là bất chấp lý lẽ!”.

“Thế ư? Anh bất chấp lý lẽ, vậy vì sao em còn giữ đồ của cậu ta, vì sao em không nói cho anh biết em đi gặp cậu ta, không cho anh biết em đi sân bay tiễn cậu ta?”.

“Để anh biết rồi anh có đồng ý cho em đi không?”.

“Không! Cậu ta về nước có liên quan gì tới em không? Vì sao em phải đi tiễn cậu ta, em là gì của cậu ta!”.

“Anh…”. Cô nghẹn lời, vùng bụng âm ỉ đau, khom gập người.

Tối đó, bệnh viện kiểm tra cô đã mang thai ba tháng, có dấu hiệu sảy thai, tất cả mọi tranh cãi mới lắng xuống.

Nhưng tình hình không hề tiến triển tốt hơn, trải qua sự vui vẻ kinh ngạc ngắn ngủi, họ lại rơi xuống vực sâu nghi ngờ lẫn nhau, Kỷ An Vĩnh trở thành vết rạn giữa họ, không cách nào liền miệng.

Cho dù cô mang thai, họ vẫn không ngừng chiến tranh lạnh. Anh cố nhẫn nhịn, thử tìm hiểu sự thực nhưng không chịu tin tất cả những lời cô và Quyên Quyên nói.

Sau mấy tuần mang thai, nhắc lại chuyện cũ chính vì anh nhìn thấy cô lật quyển Tập thơ Tagore. Anh chỉ yêu cầu cô nói câu: “Em sai rồi, không nên đi tiễn cậu ấy”, chứ không hề muốn cãi nhau. Nhưng cô không nói, cuối cùng ép mạnh quá, cô ôm đầu gào lên không chút lý trí: “Phải, em ở bên cậu ấy, tối đó em luôn ở bên cậu ấy, em luôn thích cậu ấy được chưa, Thi Vĩnh Đạo!”.

Lời của cô giống như vô số mũi kim sắc nhọn đâm vào trái tim anh, anh đập vỡ bình hoa đạp cửa rời đi, cô cũng bị kích động, thai nhi chưa lớn lên đã rời cơ thể mẹ tối đó.

Tất cả oán hận chất chứa lên tới đỉnh điểm, họ cũng đều sụp đổ.

Anh ôm cơ thể không chút ý thức của cô lặng lẽ rơi lệ, tận mắt chứng kiến đứa trẻ rời đi. Nỗi đau đớn của cô không cần nói rõ cũng có thể tưởng tượng được, anh không khá hơn chút nào.

Cô trở nên lạnh lùng, lờ đi sự tồn tại của anh, xem thường nỗi day dứt của anh, xem thường tất cả những cố gắng muốn bù đắp của anh.

Đây trở thành bước ngoặt cuối cùng trong cuộc hôn nhân này, họ trải qua hai tuần lễ khó khăn nhất từ trước đến nay, tất cả những lời xin tha thứ đều không có tác dụng.

Sau nỗi đau khổ có bề ngoài bình lặng là khoảng cách càng lúc càng xa, anh bị đẩy ra khỏi phòng ngủ, tuy sống dưới cùng một mái nhà nhưng lại sống cuộc sống của những người xa lạ.

Cô thường xuyên ngơ ngẩn một mình, cho dù trong tầm mắt anh, anh cũng không thể bước vào thế giới của cô. Anh biểu hiện rất tốt, làm việc nhà, nhưng trong đôi mắt trống rỗng của cô, căn bản không có sự tồn tại của anh.

Tình trạng cứ như vậy tiếp diễn, Kỷ An Vĩnh trở thành một nút chết, không nhắc đến có thể miễn cưỡng tiếp tục duy trì không can thiệp lẫn nhau, nhắc đến lại tranh cãi càng kịch liệt hơn. Mỗi lần không phải vì làm tổn thương lẫn nhau nhưng cuối cùng lại chỉ khiến đối phương bị tổn thương hơn nữa.

Họ chỉ cố ý trốn tránh chủ đề đứa trẻ, ai cũng không chạm vào, vì nghĩ tới sẽ vô cùng hối hận. Nếu có đứa trẻ này, có lẽ sau này rất nhiều tranh chấp đều có thể hóa giải, nhưng mọi sự không chuyển biến, mất đi là mất đi, vết rạn giữa họ càng không ngừng toác rộng trong sự hiểu lầm càng ngày càng lớn.

Trước mặt bạn bè cô không còn che giấu cuộc hôn nhân tan nát của mình, vài lần chính tai anh nghe thấy cô đã nói: “Mình không thể chịu được nữa rồi”.

Có lẽ cứ như vậy nhường nhịn sống tiếp quả thật là một sự giày vò quá lớn, khi chia tay trở thành từ cửa miệng mỗi lần cãi nhau, Phổ Hoa cũng không còn e dè đề cập đến từ “Ly hôn”, Vĩnh Đạo từ con sư tử phát điên trở thành con cún im lặng, anh cũng mệt mỏi rồi, những cách có thể nghĩ đến đều đã dùng, nhưng không hề có một chút hiệu quả đối với Phổ Hoa. Nền móng giữa bọn họ đã bị lung lay, tình cảm hình thành từ nhiều năm vỡ tan thành từng mảnh, chỉ còn lại cái khung trống.

Bất cứ sự nhẫn nại nào cũng đều có giới hạn, lần cãi nhau cuối cùng gần như bị kích động, anh điên cuồng cố chấp cả đêm, cô liên tục kêu gào biết bao lần: “Hôm đó em và cậu ta ở bên nhau! Em muốn ly hôn!”. Cánh tay ôm chặt cô cuối cùng cũng buông lơi, mặc cô khóc cả đêm.

Đứng hút thuốc cả tối, anh suy nghĩ dến những lời cô nói, bình tĩnh trở lại. Từ sau khi mất đi đứa trẻ, họ gần mặt cách lòng, không có một phút giây thực sự hạnh phúc nào. Nếu cứ tiếp tục như vậy cả hai người đều đau khổ, không bằng cho cô tự do cô muốn.

Dập tắt đầu thuốc lá, anh quay người hỏi cô câu cuối cùng: “Có phải em vẫn luôn thích cậu ta?”.

Cô không phủ nhận.

Sau khi trời sáng, anh rời nhà, đặt một mảnh giấy dưới gạt tàn thuốc lá, trên đó viết: “Ly hôn đi, anh đồng ý”.

8-9

Làm xong thủ tục ly hôn, hai người đứng một lát trong hàng rào sắt của cục dân chính, Vĩnh Đạo lấy chìa khóa xe, cúi đầu lật tìm một tấm danh thiếp đưa cho Phổ Hoa, ra khỏi cửa rẽ phải, không chào tạm biệt, cũng không quay đầu lại. Trên danh thiếp là số điện thoại mới của anh.

Phổ Hoa quen đi theo anh, bước một bước mới ý thức được nên dừng lại, mắt tiễn xe anh đi. Cô suy tính những ngày tháng tương lai, cùng quyển sổ vừa đóng dấu trong túi, cô một mình rẽ trái, khi đi qua trạm gác cô cúi đầu.

Cứ như vậy họ kết thúc quan hệ hôn nhân chưa đầy hai năm.

Cô từ cục dân chính trở về nhà bố, vào cửa bụng rỗng uống nước, đá giày ra khỏi chân, bước vào phòng nằm ngửa trên giường không động đậy.

Một đôi giày cũ lại có thể cọ vào ngón cái khiến cho nó mọc mụn nước. Cô tìm kim trong máy khâu, ngậm trong miệng rồi châm vỡ bong bóng. Nước chảy ra, ngoài chút đau đớn còn có niềm vui khi máu chảy ra, đặt kim xuống, cô mặc cho miệng vết thương hở, vẫn mặc quần áo lại nằm xuống, nhìn lên hoa văn màu nhạt trên rèm cửa.

Rất nhiều thứ không phải cứ lâu năm thì nhất định thích hợp, bất luận là đôi giày dưới chân, hay là người nào đó trong cuộc đời, mài mòn không đúng cuối cùng rất khó khớp vào nhau, mài hỏng, sẽ thành vết chai, tích thành từng lớp dày, cho tới khi quyết tâm cắt bỏ chỗ đau đó.

Cô chọc thủng cuộc hôn nhân của mình và Vĩnh Đạo, tự đáy lòng mới cảm nhận được nỗi đau đớn gấp bội trên vết thương, vì thói quen là một thứ đáng sợ.

Không còn cãi nhau, căn phòng trở nên yên tĩnh một cách đáng sợ, cô không quen. Mấy ngày đầu anh đi, trên bàn ăn chỉ còn một người, cô không ăn nổi, chăn chỉ còn hơi ấm của một người, cả đêm lạnh lẽo, cô khó có thể chợp mắt.

Cô không xử lý tốt vết thương trên chân, bị viêm, hơi sốt, cả chân đều như đau như bị khoét, không đi nổi.

Bố gọi điện kêu Vĩnh Đạo đưa cô tới viện bôi thuốc, anh tự mình chăm sóc không nhờ cậy ai. Trước mặt bố, họ ngầm hiểu, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra.

Cô chưa khỏi bệnh, anh vẫn ngủ ở phòng ngoài.

Có vài lần lúc nửa đêm, cô tỉnh dậy trong mơ, gọi tên anh, trở mình bên gối trống không, đến một sợi tóc của anh cũng không có. Vừa thất thần, anh đã từ phòng ngoài chạy vào, bước nhanh tới bên giường, cho cô uống thuốc, ngủ cùng cô.

Tâm sự nặng nề của họ đều trầm trọng hơn, có thể bắt đầu khi đó, sự kiên trì trong lòng Phổ Hoa từng chút sụp đổ tan tành, hoặc ly hôn chẳng phải là kết quả cô muốn, chỉ là một con đường mà thôi.

Bình tĩnh lại, nhớ lại chuyện cũ, cô mới dần dần cảm nhận được ngoài gông cùm, anh còn dành cho cô rất nhiều thứ. Tất cả những mâu thuẫn, khuyết điểm ban đầu không thể khoan nhượng đều dần dần phai màu, cho dù anh vẫn kiêu ngạo như cũ, vẫn ngang ngược không theo lẽ phải, vẫn có khả năng khiến cô nghẹt thở, nhưng rất nhiều tranh chấp không còn quan trọng, ưu điểm của anh mà cô đã bỏ qua dần hiện ra.

Sau khi vết thương đã đỡ, họ từng thận trọng nói chuyện một lần, làm xong thủ tục, quan hệ hôn nhân không còn nữa, nhưng hai bên gia đình vẫn không biết sự tình. Cô không muốn nói, anh cũng không chủ động nêu ra. Vĩnh Đạo dọn về căn phòng trước khi anh kết hôn, những thứ khác, về cơ bản vẫn duy trì trạng thái hôn nhân, chỉ có một phần nhỏ tiền trả góp căn nhà do Phổ Hoa đảm nhiệm. Phần lớn đồ đạc của anh vẫn để lại trong căn hộ, mỗi tháng đúng giờ sẽ gọi điện cho cô.

Ba bốn tháng đầu không gặp mặt, khoảng cách thực sự đã khiến cô tự do, có thể hít thở thoải mái, thoát khỏi trói buộc, nhưng cũng nhận thức được sự cô đơn thực sự. Giấu gia đình, bơ vơ không người nương tựa, không ai ở bên, đến bờ vai để dựa dẫm cũng không có, bạn bè toàn quay lại chỉ trích cô, chỉ có Quyên Quyên ủng hộ quyết định của cô, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tức thay cho cô rồi thôi.

Ly hôn quả thật không có nghĩa là kết thúc.

Thời gian càng dài, tình cảm của cô càng thay đổi, tất cả mọi chi tiết trong cuộc sống đều khiến cô nhớ tới Vĩnh Đạo. Hai năm anh ở Hồng Kông, cô cũng chưa từng nhớ da diết như vậy.

Cô bắt đầu phủ định chính mình, ở bên nhau thì không thể chịu đựng nổi anh, chia tay rồi, lại không cách nào chống đỡ được nỗi cô đơn. Có phải đã quá nhiều năm cô quen có anh ở bên, đã coi những điều anh bỏ ra trong tình cảm như một điều đương nhiên chăng?

 Khi mất ngủ đến mức đến thuốc cũng không có tác dụng, cô không kiềm được bèn nhắn tin cho anh, anh vẫn có thói quen ngủ muộn, lập tức nhắn tin lại nói chuyện cùng cô, cho tới khi cô mệt quá ngủ mất.

Anh cũng gọi điện đến hẹn cô gặp mặt ăn cơm, lần gặp mặt đầu tiên sau vài tháng, anh ôm cô ở ngoài nhà hàng, không nén nổi tình cảm giữ cô ở trong lòng rất lâu.

Điều này có nghĩa là anh cũng lưu luyến ư?

Cuối tuần anh cùng cô về nhà thăm bố, lại đưa cô về căn nhà của hai người. Không thể nói là anh ép cô, mọi thứ xảy ra đều rất tự nhiên. Anh vô cùng mãnh liệt, cô cũng rất nhớ cảm giác an toàn khi khỏa thân tan chảy trong vòng tay anh.

Sau này, Phổ Hoa không còn suy nghĩ đúng sai nữa, không còn để lý trí đấu chọi với tình cảm nữa, vì Vĩnh Đạo cũng không làm thế. Ngoài chuyện không tái hôn, họ chung sống với nhau như một đôi vợ chồng ly hôn có chừng mực.

Giống như trong phim nói, nếu có thể chi bằng cho hôn nhân một kỳ nghỉ dài, để hai người thoải mái hít thở, trở về làm một đôi nam nữ yêu nhau, bỏ đi trách nhiệm, mâu thuẫn, trở về với trạng thái tình cảm nguyên sơ nhất. Nếu có khái niệm gọi là nghỉ hôn nhân dài hạn, Phổ Hoa nghĩ, có lẽ là một năm, hoặc lâu hơn chút nữa.

Hoàn toàn vứt bỏ những oán giận trước kia, cô đứng ở nguyên vị trí ban đầu tiếp tục chờ đợi theo mạch suy nghĩ này, hai năm sau, thứ chờ được lại là tin Vĩnh Đạo tái hôn.