Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Jack London - 03 - Part 2

Từ chỗ lánh nạn Raoul vẫy vị thuyền trưởng. Ông cũng vẫy lại ra hiệu. Bầu trời xuống thấp gần như sát đầu, lúc trước màu chì, bây giờ màu đen. Nhiều người còn ở dưới đất không leo lên được. Họ tụ tập tại các gốc cây và bám lấy nhau cho gió khỏi cuốn, vừa kêu khóc vừa cầu nguyện. Tiếng kinh cầu của đạo Mormon trong hoàn cảnh này nghe rất thê thảm.

Gió vẫn tiếp tục gầm rú mỗi lúc càng thêm điên cuồng. Một thân cây trốc gốc đổ rạp đem theo chùm người. Những lớp sóng chồm lên cuốn họ xuống hồ, chàng chỉ trông thấy thấp thoáng vài mảng da nâu, vài cái đầu màu đen chới với, giẫy giụa. Nhiều cây khác cũng đổ hoặc bi gió đánh gãy, trên cây có những chùm người. Cây của chàng nghiêng ngả, rạp hẳn xuống rồi lại bật lên, đầu lá chạm tới mặt nước. Hai người đàn bà khóc; một người ôm chặt đứa con gái còn nó thì vẫn giữ chặt con mèo. 

Người đàn ông ôm đứa con trai khẽ bấm Raoul, chỉ tay về phía trước mặt. Chàng nhìn theo. Ngôi nhà thờ Mormon bị bứt khỏi nền, cứ thế bị gió đem đi, lôi về phía biển. Những làn sóng chồm tới, nó nghiêng ngả, đụng vào các thân cây dừa trên đó chi chít những chùm người, họ rụng xuống, lóp ngóp và bị chôn vùi như những con kiến trên mặt nước. Không phải là sự sợ hãi nữa mà là kinh hoàng. Những làn sóng khổng lồ cứ xô đẩy làm ngôi nhà thờ vần lăn, nhô lên thụp xuống cho đến khi bị vùi xuống biển. 

Chàng nhìn về phía ngôi nhà của vị thuyền trưởng. Nó cũng đã biến mất. Chàng bất ngờ nhìn sang chỗ thuyền trưởng Lynch đúng lúc sự việc xây ra. Thân cây gãy đôi, tan vụn ở chỗ bị bẻ không có tiếng động. Phần ngọn với ba thuỷ thủ của chiếc Aorai và vị thuyền trưởng già bay về phía hồ. Nó không rơi xuống đất mà bị cuốn trong không khí giống như chiếc diều. Chàng dõi theo con đường nó bay, khoảng một trăm mét trướckhi rơi xuống mặt sóng. Chàng nhìn trân trối và có cảm giác lúc gặp tai nạn, vị truyền trưởng già giơ tay giã biệt. 

Raoul không còn trông đợi vào điều gì nữa. Chàng đụng vào người thổ dân ra hiệu trụt xuống đất. Người đàn ông muốn xuống, nhưng hai người vợ hoàn toàn tê liệt vì quá khiếp đảm. Anh ta từ chối, ở lại với họ. Raoul choàng sợi dây chung quanh thân cây, trụt xuống. Chân chưa đụng đất, lập tức một đợt sóng nước mặn trùm lên đầu chàng. Chàng nhắm mắt, ngậm miệng và hai tay bám chắc sợi dây một cách tuyệt vọng. Làn sóng qua đi, chàng ngoi lên để thở và cột lại sợi dây kỹ hơn, một đầu vào thân cây, một đầu vào bụng. Lại một làn sóng khác xô tới dìm hàng xuống. Một trong hai người đàn bà cũng xuống, bám vào sợi dây của chàng; người đàn ông ở lại với người đàn bà kia cùng hai đứa nhỏ và con mèo. Raoul đã để ý tại sao những nhóm bám ở gốc cây đằng kia lại cứ mất bớt người đi. Phải níu thật chặt và đủ sức chịu đựng.. Đằng này chàng may mắn có sợi dây nhưng về sức khỏe, đã mệt lắm rồi, cả người đàn bà cũng mệt vì bị dìm lên dìm xuống. Mỗi lần trồi lên chàng lại ngạc nhiên thấy mình vẫn còn đấy, và, tiếp theo, ngạc nhiên thấy người đàn bà vẫn còn đấy, bám được sợi dây. Nhưng cuối cùng, khi chàng trồi lên thì chỉ thấy có một mình mình đơn độc. Chàng nhìn lên. ngọn cây đã gãy và bay đi mất. Nửa thân cây còn lại bị cụt, rung động. Chàng chưa chết. Cây vẫn bám vừng. Chàng vỡ lẽ ra rằng cây cụt ít bị gió đánh mạnh bằng cây có ngọn. Vậy là chàng bắt dầu trèo lên. Chàng yếu đến nỗi leo từng khoảng một rất chậm, sóng đánh vào lưng chàng, muốn lôi chàng xuống nhưng chàng đã có sợi dây và từ vô thức, chàng ôm rất chắc. 

Khi đã leo được lên trên, chàng dùng sợi dây quấn mình vào thân cây và cột thật chặt. Xong, thân thể chàng cứng ngắc và đầu óc chàng rũ liệt, hai tay ôm phần cây gẫy, gục trên cánh tay, chàng rơi vào trạng thái u mê rồi không biết gì nữa. 



Cao điểm của trận cuồng phong kéo dài từ mười một giờ đêm tới ba giờ sáng. Gia đình Mapuhi núp trên ngọn cây dứa dại (Pandanus, giống với cây cọ nhưng thuộc họ Dứa- Pandanaceae.-ND). Nó bị gió đánh gãy ngay lúc mười một giờ và bị nước cuốn. Mapuhi trồi trên mặt hồ, tay vẫn nắm chặt con bé N’gakura. Chỉ dân các đảo Nam Mỹ chuyên nghề mò ngọc mới sống nổi trong tình trạng bị dìm dưới nước như thế. Cây dứa dại nơi hắn cột mình bị xoáy cuộn trong các lớp sóng, trở ngang trở dọc, chìm tới chìm lui. Cứ lúc nó chìm xuống thì hắn buông tay, nổi lên và giữ cho cái đầu hắn với đầu con bé N’gakura ở trên mặt nước để thở. Lúc nó nổi lên, hắn bám thật nhanh chỉ một tay thôi, tay kia phải nắm con bé. Nhưng thở rất khó, không khí toàn hơi nước và bọt nước mặn của các lớp sóng, lại mưa nữa, mưa chéo góc bắn vào mặt hắn. 

Mười dặm ngang qua mặt hồ là vòng cát san hô. Ở đấy nhấp nhô các thân cây, xác xuồng, xác nhà; mười người sống sót trên mặt hồ thì đến chín người bị đập vào những thứ hỗn tạp đó mà chết. Nhưng Mapuhi gặp may. Sự may mắn của hắn thuộc một trong mười phần, chỉ con bé N’gakura bị thương, gãy cánh tay trái, các ngón tay mặt bị nghiền, mặt và trán toác tới tận xương. Hắn bám được một cây cụt hãy còn đứng và trèo lên, mang theo đứa con gái, cột mình vào đó trong khi nước hồ tràn tới đầu gối, lúc cao thì tới ngang bụng. 

Đến ba giờ sáng thì cơn cuồng phong dịu bớt. Năm giờ sáng chỉ còn những cơn gió nhẹ. Sáu giờ sáng hoàn toàn yên lặng và mặt trời ló dạng. Biển đã rút. Từ trên bờ còn lại của hồ nước mặn, Mapuhi nhìn thấy xác chết cùng khắp. Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắc Tefara vợ hắn và Nauri mẹ hắn có trong số đó. Hắn đi dọc bờ biển tìm kiếm và thấy vợ hắn nửa nằm trên cát, nửa nằm dưới nước. Hắn ngồi xuống, đấm ngực, vò đầu bứt tai khóc ồ ồ như tiếng rống của một con vật thời nguyên thủy. Vợ hắn mở mắt một cách khó nhọc và chép chép miệng than vãn. Hắn nhìn kỹ hơn. Chẳng những vợ hắn sống sót mà còn không có một tí thương tích. Nàng ngủ giấc ngủ hiếm có. Và, nàng cũng thuộc số một phần mười may mắn. 



Cùng lúc ấy, Nauri, người đã bị trận cuồng phong tách khỏi gia đình và bị quét đi, đang phiêu lưu một cuộc phiêu lưu lạ lùng trong đời mụ. Bám được mảnh gỗ thô đã đụng vào mụ và làm mụ bị thương, khắp người trầy sứt, mụ bị đẩy khỏi hồ rồi trôi ra biển. Ở đấy, những quả núi nước làm mụ tuột mất miếng ván. Mụ đã gần sáu mươi tuổi. Nhưng mụ là dân Pomotus và chưa bao giờ rời khỏi biển. Vậy thì mụ bơi tay không, bơi trong đêm tối, nghẹt thở vì tuổi già, nghẹt thở vì không khí đẫm hơi nước, chống cự với sóng, với bão. Bỗng, vai mụ đụng phải một quả dừa còn nguyên cả cành. Đầu óc mụ chợt nẩy ra một kế hoạch, mụ nắm lấy nó. Trong giờ sau mụ tóm thêm được bảy trái nữa, túm chúng lại với nhau kẹp hai bên nách làm thành chiếc phao bơi. Mụ là một bà già mập, xoay trở nặng nề hơn bà già ốm. Nhưng mụ có kinh nghiệm về biển. Và, trong khi vừa bơi vừa cầu nguyện thần cá mập của mụ che chở mụ khỏi gặp những con cá mập thì mụ cũng cầu mong cho cơn bão tan đi. 

Nhưng đến gần ba giờ sáng, bão vẫn chưa tan làm mụ mệt nhoài, gần như rơi vào trạng thái hôn mê. Gần sáu giờ sáng, cơn bão ngừng, mặt trời đã mọc. Mụ bị sốc, ý thức trở lại khi đụng bãi cát. Mụ bấu cả tay cả chân xuống cát ướt để cố bò lên vì sợ nước lại lôi mụ xuống nữa. 

Mụ biết mụ đang ở đâu. Cái đảo bé tí teo này không gì khác hơn là đảo Takokota. Nó chẳng có hồ và cũng chẳng có ai sống trên đó. Nó cách đảo Hikueru khoảng mười lăm dặm. Mụ không thể nhìn thấy đảo Hikueru nhưng mụ biết nó nằm ở phía nam. 

Nhiều ngày trôi qua. Mụ sống nhờ những trái dừa đã vớ được trong lúc trôi giạt. Nhưng mụ không dám ăn đầy đủ như ý mụ muốn. Mụ không dám uống đầy đủ như ý mụ muốn. Việc cứu nạn là một vấn đề. Mụ nhìn thấy khói của những chiếc tàu cứu nạn ở nơi chân trời, nhưng làm sao người ta có thể nghĩ mụ đang ở đây, trên hòn đảo Takokota bé tí không người ở này? 

Từ đầu mụ đã khốn khổ vì các xác chết. Biển nhất định ném chúng lên bãi cát bé tí của mụ. Mụ nhất định đẩy chúng trở ra. Ở đây, hàng đàn cá mập tha hồ đánh chén no nê. Nhưng mụ đẩy riết cũng mệt, không còn sức nữa mà nay cũng không kịp. Xác chết giăng mắc la liệt tới mức độ khủng khiếp. Mụ bèn rút lui vào trong, nhưng đâu có xa được bao nhiêu, hòn đảo quá nhỏ. 

Đến ngày thứ mười thì dừa cũng hết. Người mụ tóp đi vì khát. Mụ lang thang trên bãi tìm dừa. Một điều lạ là xác chết thì nhiều nhưng lại không có dừa. Chắc chắn dừa phải nhiều hơn người chết chứ! Cuối cùng mụ chán nản bèn ngồi xuống thở vì kiệt quệ. Thế là hết, không còn cách chi ngoài việc chờ chết. 

Bỗng, mụ để ý thấy cái đầu của một xác chết đang dập dình ở dưới mép nước. Mái tóc màu hung hung đỏ giống với màu cát trông rất quen. Cái xác nằm ngửa, không có mặt. Nhưng mụ đang chờ chết, xác người đàn ông đó là ai đối với mụ cũng chẳng quan trọng. 

Một lúc sau, mụ uể oải đứng dậy, tự nhiên bước tới nhìn kỹ hơn. Đúng, mụ nghĩ đúng, cái xác tóc đỏ ấy không thể thuộc về dân Pomotus tóc đen. Đó là Levy, lão nhà buôn người Đức gốc Do Thái mập ú đã mua lại viên ngọc và đem đi trên chiếc Hira. Ồ, vậy thì đã rõ: chiếc Hira đã tiêu tùng, vị thánh quan thầy nghề đánh cá và nghề trộm cắp đã quay mặt đi với lão. 

Mụ cúi xuống xác chết. Chiếc áo sơ mi rách nát nên mụ trông thấy sợi dây nịt to bản bằng da có các ngăn đựng tiền của lão thắt ở trên bụng. Mụ bịt mũi lại, cố nín thở và tháo cái khóa ở đầu sợi dây. Nó mở dễ dàng hơn mụ trông đợi. Và mụ mau mau rời khỏi cái xác đã chương phình, bước vội lên bãi, kéo lê sợi dây nịt ở đằng sau. Từng ngăn một, mụ mở nút bấm, sục sạo, chỉ thấy tiền chứ không thấy "nó". Vậy "nó" ở đâu? Mãi tới ngăn cuối cùng mụ mới thấy nó, một cục, gói ghém cẩn thận: viên ngọc đầu tiên và duy nhất mà lão đã mua trong cuộn hành trình. 

Mụ đi xa ra để tránh mùi xú uế từ sợi dây nịt và miếng khăn gói, đem rửa sạch rồi cân nhắc nặng nhẹ trên tay. Đó chính là viên ngọc Mapuhi đã mò được và bị lão Toriki tước đoạt. Mụ cứ ngắm nghía, ve vuốt nó mãi, quên cả đói khát. Từ viên ngọc ấy, mụ không thấy đẹp nhưng thấy ngôi nhà mà mụ, thằng Mapuhi và Tefara đã từng bàn tính với nhau, xây trong trí óc rất cẩn thận không thiếu một chi tiết nào tại đảo Fakarava. Cứ nhìn ngắm nó mụ lại thấy hiện rõ chiếc đồng hồ tám cạnh thật đẹp treo trên tường, bên dưới có cục tròn tròn lắc qua lắc lại. 

Trên mình mụ chẳng có gì hơn. Mụ cởi nốt cái ahu rồi xé lấy vải, cột viên ngọc thật cẩn thận đoạn quấn quanh cổ. Bây giờ thì mụ hăng hái lắm. Mụ đi khắp đảo tìm dừa. Mụ thấy một trái, và, nhìn chung quanh, mụ lại thấy thêm một trái nữa. Mụ đập một trái, uống nước. Nó đã có mùi chua nhưng vẫn tốt chán. Mụ ăn cơm dừa. Tự nhiên mụ mạnh mẽ hẳn lên. Chỉ một lát sau mụ tìm thấy một chiếc xuồng hỏng. Lái của nó đã mất nhưng mụ vẫn hy vọng. Quả nhiên đến chiều thì mụ tìm được. Những vật đó khiến mụ tăng thêm phấn khởi. Viên ngọc thật đúng là lá bùa hộ mệnh. 

Hôm sau mụ trông thấy một chiếc thùng gỗ mấp mé mặt nước. Kéo lên thấy bên trong còn sót mười hộp cá mòi. Mụ mở một hộp bằng cách đập lên thành xuồng. Hộp móp méo, chảy nước. Mụ hút lấy thứ nước béo ngậy đối với mụ là cao lương mỹ vị ấy. Mụ dùng hàng tiếng đồng hồ để mở rộng lỗ thủng, moi từng chút cá một cách kiên nhẫn . 

Tám ngày dài mụ mong có sự cứu giúp. Nhưng tám ngày đó mụ không ngồi yên. Mụ bện dây thừng bằng xơ dừa, kể cả phần còn lại của chiếc ahu, dùng để cột chiếc lái mụ đã tìm được vào xuồng. Khó nhất là làm bơi chèo. Mụ phá chiếc thùng lấy mảnh gỗ ván tương đối vừa phải, dùng răng cạp từng chút ở một đầu cho nhỏ dần rồi cột lại với thanh gỗ lấy từ miệng thùng, vậy là mụ đã có một chiếc bơi chèo tuy ngắn nhưng cũng xài tạm được. Một vài chỗ nứt trên xuồng thì mụ chịu thua. Mụ nhét đỡ bằng xơ dừa và hy vọng sẽ dùng gáo dừa tát nước. 

Vào ngày thứ mười tám, nửa đêm, mụ "hạ thủy" chiếc xuồng, bắt đầu trở lại đảo Hikueru với lương thực gồm hai hộp cá mòi còn lại. Mụ là một bà già gần sáu mươi tuổi. Sự cực nhọc đã lấy hết mỡ của mụ chỉ để lại da bọc xương, nhăn nhúm như con ma đói. Chiếc xuồng quá lớn, đáng lẽ ít nhất phải ba người đàn ông chèo, bây giờ mụ chỉ có một thân một mình với chiếc bơi chèo ngắn ngủn tự chế tạo lấy. Xuồng lại rò rỉ một cách tệ hại nên một phần ba thời gian mụ phải dùng để tát nước. Vậy mà đến sáng mụ đã lờ mờ nhìn thấy đảo Hikueru. Mặt trời thiêu đốt thân thể hoàn toàn trần trụi của mụ, ép khô hết nước. Hai hộp cá mòi để đấy lâu lâu mụ chỉ nhấm nháp bởi vì không có thì giờ moi cá. Dòng nước chảy về phía tây, mụ xuôi theo phía tây, xem có cách nào đến được phía nam không. 

Vào khoảng xế chiều, mụ đứng thẳng người trong xuồng nhìn Hikueru. Cảnh sum xuê của những cây dừa cây bây giờ không còn nữa. Đây đó, rải rác những thân cây cụt hoặc bị đổ gãy nằm hỗn độn, thê lương, tàn tạ. Cả đảo không còn lấy một ngôi nhà hoặc một chiếc chòi nguyên vẹn, chỉ có những chỗ người ta đào cát, khum lên, che đỡ một miếng gì đó ở tạm. Dù sao hòn đảo thân yêu cũng làm mụ phấn khởi, mụ thấy mình đã gần với nó hơn so với dự đoán. Nhưng dòng nước cứ tiếp tục chảy xuôi về phía tây trong khi đảo ở phía nam. Mụ vội vã chèo. Mảnh gỗ làm chèo xộc xệch rồi bị tuột ra. Mụ mất thì giờ cột lại nhưng nó vẫn xộc xệch, chèo được vài nhát lại tuột. Một trong ba tiếng đồng hồ mụ phải ngừng tay để sửa bơi chèo, lo việc tát nước. Suốt thời gian đó xuồng tiếp tục bị đưa về tây. Đến nhá nhem tối, mụ thấy Hikueru đã cách mình khoảng ba dặm về phía đông nam, vậy là mụ đã bị đưa xuống phía dưới, càng lúc càng xa với đảo. Trăng mọc. Mụ xa thêm hai dặm nữa. 

Mụ cố gắng chống cự nhưng vô ích, nước vào quá nhiều, mụ lo tát nước thì chiếc xuồng chỉ càng bị đưa về phía tây hơn nữa mà thôi. Không còn cách nào khác, mụ cầu nguyện thần cá mập che chở cho mụ rồi bỏ xuồng, trụt xuống nước và bắt đầu bơi ngược lại, chênh chếch về hướng đông nam. Thân thể mụ mát mẻ. Mụ mau chóng bỏ xa chiếc xuồng. Sau một tiếng đồng hồ, hòn đảo đến gần trông thấy. Nhưng bỗng mụ sợ hãi tột độ: ngay trước mặt mụ, cách khoảng năm sáu thước, vây một con cá mập lù lù xuất hiện, nhô trên mặt nước. Mụ lại đang bơi về phía nó mới chết. Nó cắt ngang qua trước mặt mụ một cách chậm chạp, đánh một vòng rộng và từ từ lượn chung quanh mụ. Lúc cái vây hình tam giác trầm xuống, mụ úp mặt dưới nước mở mắt ngó trộm nhưng chẳng trông thấy gì hết. Lúc nó nổi lên ở phía sau, mụ ra sức bơi nhanh hơn. Con quái vật này lười- mụ thấy rõ điều đó. Chắc nó đã no nê xác chết trên biển do trận cuồng phong gây ra. Nếu đói, nó đã không lưỡng lự gì mà không nhào vào mụ. Nó dài ít nhất năm thước, mụ hiểu chỉ một cái tợp của nó, thân thể mụ sẽ đứt đôi ngay lập tức. Nhưng mụ không có cách nào chọn lựa. Nếu không cố gắng bơi tiếp, nước sẽ kéo mụ lại – cũng thế cả thôi. 

Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ quan sát, không thấy động tĩnh gì, con quái vật trở thành bạo dạn. Nó tiến lại gần mụ và lượn thành vòng hẹp hơn. Nếu cứ để như vậy đằng nào cũng chết, nó sẽ "đớp chơi" mụ dù bụng đã no. Mụ phải ra tay trước. Đó là một hành động liều lĩnh mà mụ đã suy nghĩ rất kỹ. Mụ đã già, một mình ở trên mặt biển, kiệt sức vì đói khát và quá cực khổ; giờ đây, trong cơn nguy hiểm, đối diện với con quái vật, mắt nó đang tho lỏ nhìn mụ, lưỡng lự, thay vì nó xông vào mụ thì mụ sẽ xông vào nó trước. Nó cách mụ khoảng hai mét. Mụ bơi vòng vòng hơi xích về phía đuôi nó thật nhanh và làm ầm ầm giả bộ tấn công rồi liều mạng giơ bàn tay của một bà già, nắm tay đấm vào phía sau gần lưng nó một cái. Con quái vật giật mình, quẫy đuôi, cứ thế lặn xuống, chuồn thẳng, lát sau biến mất. Cái đuôi như giấy nhám của nó quất mạnh đến nỗi làm mụ đau rát. Từ chỗ khuỷu tay tới bả vai mụ bị tuột da, lòi thịt. 



Trong cái hũng đào dưới cát, bên trên che vài miếng gỗ và thiếc đã nhặt nhạnh được, Mapuhi và Tefara đang nằm cãi cọ. Họ gây với nhau lần này là lần thứ một ngàn rồi. 

- Nếu làm như lời tôi nói thì đâu đến nỗi. Tôi đã bảo phải giấu viên ngọc đừng cho ai biết. Nếu giữ kín bây giờ hãy còn. 

- Nhưng Huruhuru nó rình mò khi tôi mở sò. Nó rình mò tất cả mọi người khi họ mở sò, tôi đã chẳng nói vậy nhiều lần, rất nhiều lần rồi sao. 

- Bây giờ thì không có nhà, không có máy khâu, không có đồng hồ, không có gì cả. Sáng nay Raoul mới bảo tôi nếu đừng bán viên ngọc cho Toriki... 

- Tôi không bán. Toriki ăn cướp của tôi. 

- Raoul bảo nếu còn viên ngọc, cậu ấy có thể mua với giá năm ngàn đồng tiền vàng Pháp, tức mười ngàn đô la Chi Lê. 

- Tại vì cậu ấy đã về bảo với mẹ cậu ấy. Mẹ cậu ấy bảo cậu ấy có thể mua viên ngọc với giá đó. Bà ấy muốn mua... 

- Bây giờ nó mất . . 

- Nhưng tôi đã trả nợ được cho Toriki, nó là một ngàn hai trăm và hai trăm tiền tín phiếu, cộng một trăm tiền cho thêm. 

- Toriki đã chết. Không ai nghe nói gì về tàu của ông ta. Nó đã mất cùng với chiếc Aorai và chiếc Hira. Toriki có trả cho anh ba trăm đô la tín phiếu như lời nói không? Không, bởi vì Toriki đã chết. Nếu anh không có viên ngọc, anh có phải trả nợ cho Toriki không? Không, bởi vì Toriki đã chết. Anh không phải trả nợ cho một người đã chết. 

- Nhưng Levy chưa trả tiền Toriki. Ông ta viết cho Toriki một miếng giấy. Miếng giấy đó tốt ở Papitty vì có thể lãnh được tiền, mà không tốt ở Hikueru vì không lãnh được tiền. Miếng giấy ấy đã mất theo Toriki, và viên ngọc mất theo Levy. 

-Mình nói rất đúng, Tefara. Tôi mất viên ngọc mà chả được gì cả. Bây giờ hãy để yên cho tôi ngủ. 

Bỗng Mapuhi lắng tai nghe ngóng. Có tiếng người thở nặng nề và tiếng rên rỉ đau đớn. Một bàn tay quờ quạng sờ lên chiếc chiếu cứu trợ che tạm phía ngoài dùng thay cho cửa. Bàn tay đó gầy guộc, run rẩy khiến hắn sợ hãi: 

- Ai đó? 

- Mẹ đây. Mẹ là Nauri đây. Mapuhi phải không? 

Tefara co dúm người lại, bám chặt lấy chồng, khe khẽ thì thầm nói không ra tiếng: 

- Ma, ma đấy! Bà già chết rồi... 

Mapuhi cũng run lập cập, giấu mặt vào lưng vợ: 

- Mapuhi không có ở đây đâu. Nó ở ngoài hồ... 

Có tiếng khóc rưng rức, năn nỉ: 

- Mapuhi, con nỡ từ chối mẹ của con sao? Mẹ đã cực khổ, sống sót về đây... 

- Không, không, Mapuhi không từ chối mẹ của nó. Nhưng tôi không phải Mapuhi. Linh hồn thiêng liêng, hãy đi nơi khác đi! 

- Mẹ từ ngoài biển bơi về... 

- Có, tôi biết, tôi biết, linh hồn từ ngoài biển bơi về... 

"Linh hồn" vạch chiếc chiếu lết vào, trên mình ướt nước và không có cả lấy chiếc ahu nữa. Tefara chúi chặt người vào chồng, nhắm nghiền hai mắt, còn con bé N’gakura thì trùm kín chiếc mền mỏng lên đầu. Nó sợ quá nên khóc. 

- Con đuổi mẹ đi nhưng ít nhất cũng phải cho mẹ già của con một miếng nước. Mẹ khát khô cổ họng... 

Tefara run rẩy giục chồng: 

- Lấy cho linh hồn miếng nước. 

Mapuhi giục con bé N’gukura: 

- Lấy cho linh hồn miếng nước. 

Cả hai vợ chồng bèn giựt chiếc mền, đẩy con bé N’gakura ra ngoài. 

Một lát sau, con N’gukura quay mặt đi, tay đưa gáo nước. "Linh hồn" uống lấy uống để nhưng vẫn còn khát. Mapuhi lấy thêm rồi đánh bạo sờ vào cánh tay "linh hồn" thì quả thấy có da bọc xương thật. 

Đến lúc bà già kể lại chuyện phiêu lưu ở biển, gặp cái xác Levy và tìm thấy viên ngọc thì cả hai người cứ sát lại mà nghe, không còn sợ ma nữa. Bà cởi viên ngọc đeo trên cổ, bỏ vào trong tay Tefara, chị thấy bà đúng là bà Nauri, mẹ chồng của chị. 

- Sáng hôm nay Raoul nói sẽ mua với giá năm ngàn đồng tiền vàng Pháp. 

Bà Nauri ngạc nhiên: 

- Thế còn cái nhà? 

- Raoul bằng lòng xây nhà. Raoul bảo nó giá bốn ngàn tiền vàng, còn lại một ngàn cậu ấy sẽ trả bằng tín phiếu, đưa hàng trừ dần. 

- Và cái nhà sẽ dài sáu sải? 

- Đúng thế, sáu sải. - Mapuhi trả lời thay vợ. 

- Trên tường có cái đồng hồ tám cạnh? 

- Đúng thế, đồng hồ tám cạnh. Giữa phòng có chiếc bàn tròn. 

Người con dâu nói thêm: 

- Tất nhiên có cái máy khâu và đủ thứ hết, cộng thêm một ngàn đồng vàng tín phiếu. 

Bà già kết luận: 

- Bây giờ thì kiếm gì cho mẹ ăn cái đã, mẹ đói lắm. Mai sẽ nói tiếp suốt ngày về cái nhà. Nhưng tốt nhất là lấy một ngàn đồng vàng Pháp tức hai ngàn đồng Chi Lê bằng tiền mặt. Tiền mặt tốt hơn tín phiếu vì có thể mua mọi thứ của các tàu buôn. Họ thích được trả bằng tiền mặt.