Tuyển Tập Truyện Ngắn Của Jack London - 04 - Part 1

Kho Tàng Ngọc Trai

Nguyên tác: The Pearls of Parlay

Viên hoa tiêu người xứ Kanaka xoay bánh lái trở về nguyên vị và chiếc Malahini lướt ngược chiều gió rồi lấy lại thăng bằng. Bộ buồm mũi hết gió trũng xuống, có tiếng đầu móc ở mép buồm và tiếng nhanh tay đổi trục giây kéo buồm kêu lách cách, và con tầu chao mình nghiêng về một bên mạn lướt đi với cánh buồm bên kia phồng gió. Tuy trờì vừa hửng sáng và gió thổi nhanh, năm người da trắng hóng mát trên boong thượng đằng mũi đều vận quần áo sơ sài. Thuyền chủ David Grief và Gregory Mulhall, một tân khách người Anh của ông, vẫn còn vận quần áo ngủ, chân trần xỏ trong dép Tàu. Thuyền trưởng và phó thuyền trưởng mặc áo lót mỏng, quần vải thô không hồ bột, còn viên quản lý hàng hoá tay vẫn còn cầm áo lót dùng dằng chưa muốn mặc vội. Mồ hôi đọng thành giọt trên trán và hắn hơi ưỡn bộ ngực để trần về phía trước như để đón ngọn gió không mang lại một chút hơi mát nào. 


"Gió này là gió heo may mà sao lại oi nồng quá thế? - hắn càu nhàu nói. 

"Không biết ở miền Tây nó thổi ra sao? Đó là điều tôi muốn biết," - Grief cũng góp lời than phiền phụ hoạ theo mọi người. 

"Gió này thổi chẳng được mấy chốc, mà xem nó vừa mới nổi lên thôi," Hermann, viên phó thuyền trưởng người Hoà-Lan nói: - Suốt đêm rồi nó chỉ lăng nhăng thổi quanh - chỗ này năm phút, chỗ kia mười phút, lại một chỗ khác một tiếng." 

"Chắc có gì chẳng lành sắp xảy ra," thuyền trưởng Warfield nói, giọng ồm ồm, rồi xòe hai tay đưa lên vuốt bộ ria mép cứng như rễ tre và hất bộ râu cằm rậm rạp vào hướng gió để đón chút hơi mát tuy biết rằng vô hy vọng. "Suốt nửa tháng qua, thời tiết bỗng trở chứng. Đã ba tuần rồi mà chưa có được một cơn gió mậu dịch nào thổi đúng hướng. Cái gì cũng trở thành hỗn tạp. Hôm qua lúc hoàng hôn xuống, phong vũ biểu tụt dữ dội, bây giờ vẫn còn xuống thấp hơn nữa, mặc dù mấy tay thạo thời tiết cứ quả quyết là chẳng có gì đáng sợ. Dầu sao, thấy nó tụt xuống nhiều quá tôi chẳng yên lòng chút nào. Tôi bứt rứt thế nào ấy. Nó cũng tụt vùn vụt kiểu này hồi tụi tôi mất chiếc "Lancaster". Dạo ấy, tôi còn đang học nghề, nhưng tôi vẫn nhớ chuyện ấy rành rọt. Tàu bọc sắt mới nguyên, bốn cột buồm mà mới đi biển lần đầu tiên nó đắm làm lão thuyền trưởng đau buồn đến tuyệt vọng. Lão làm việc cho hãng trước sau được bốn chục năm. Láo héo hon dần rồi chết một năm sau đó." 

Mặc dầu có gió và trời còn sớm, hơi nóng thật ngột ngạt. Trong gió thoang thoảng hơi mát nhưng gió chẳng quạt mát được ai. Giá không có hơi ẩm nặng trĩu trong gió thì người ta đã tưởng nó từ sa mạc Sahara thổi về. Lúc ấy không có sương mù hay sương mỏng hay một chút điềm nhỏ nào báo hiệu có sương cả. Tuy nhiên, trạng thái mơ hồ của khoảng cách khiến người ta có ấn tượng là có sương buông. 

Trên trời không có mây bay thành đám rõ rệt, tuy thế, một màn mây u ám giăng kín bầu trời dấy đến nỗi ánh mặt trời không sao chiếu lọt qua. 

"Cho tàu quay mũi" thuyền trưởng Warfield ra lệnh, giọng chậm chạp nhưng đanh thép. 

Đám thuỷ thủ Kanaka, da bánh mật, ngang hông quàng sa-rông ngắn chấm đầu gối, uể oải bắt tay vào việc nhưng cũng đủ nhanh để dương buồm và cần mắc buồm. 

"Cho nghiêng mạnh về hướng gió". 

Viên hoa tiêu xoay thêm mấy nấc, xem ra không có ý cho tàu lướt chậm lại cho đỡ tròng trành. Chiếc Malahini lao mũi nghênh gió, rồi lượn quanh. 

"Ái chà, con tàu này hay quá đỗi," Mulhall khen. "Ai ngờ bọn lái buôn miền Nam-Hải các anh lại biết lái du thuyền chứ." 

"Nó vốn là tàu đánh cá xứ Gloucester đấy," Grief giải thích "mà tàu bè hạt Gloucester đều lắp buồm, lèo hệt như du thuyền vậy." 

"Anh đang cho nó chạy thẳng vào, vậy sao lại không vào nổi?" người khách xứ Anh chỉ trích. 

"Này thuyền trưởng Warfield, thử cố xem sao," - Grief đề nghị. "Cho hắn biết là cửa đầm mặn chảy xiết khó vào ra sao, nhất là khi nước triều rút ra quá mạnh." 

"Cho tiến lại gần hơn nữa," - thuyền trưởng ra lệnh. 

"Cho tiến lại gần hơn nữa" viên hoa tiêu Kanaka nhắc lại, xoay tay lái xuống nửa nấc. 

Chiếc Malahini vọt thẳng mũi vào cửa đầm hẹp đưa vào hồ nước mặn nằm trong một hòn đảo san hô to lớn, hình bầu dục, vừa dài vừa hẹp. Cứ nhìn hình dạng của đảo san hô, người ta có cảm tưởng rằng nó gồm ba hòn đảo khác nhau đã đâm xầm vào nhau trong khi đang được cấu tạo, kết hợp với nhau và quên không xây vách phân chia nhau ra. Đây đó, trên vòng đai trải cát, dừa mọc thành cụm, và, ở những chỗ bãi cát nằm thấp gần mặt biển, dừa không mọc được. Qua những quãng trống đó, người ta nhác thấy mặt đầm nước mặn lặng gió, trải rộng khác nào một tấm gương gợn sóng lăn tăn. Đầm mặn quanh co rộng có đến mười dặm vuông. Nước hồ theo thuỷ triều cuồn cuộn rút ra khơi qua chiếc cửa đầm hẹp duy nhất. Lối ra thì quá hẹp mà con nước chảy ra lại quá mạnh đến nỗi cửa đầm không còn là lối nước biển tràn vào đảo san hô mà là ngọn thác đổ trên một con sông chảy xiết. Nước biển réo lên sùng sục, xoáy tròn, lượn quanh và lao vút ra khơi thành những đợt sóng bạc đầu dũng mãnh nhấp nhô như răng cưa. Mỗi khi một cơn sóng dựng đứng đánh thốc vào phía mũi, chiếc Malahini lại bị đẩy chệch hướng. Như những chiếc đục thép khổng lồ, từng đợt sóng dúi con tàu dạt sang qua một bên cửa đầm. Mới vào được một đoạn, vì bị ép quá gần vách san hô, nó lại phải lượn quanh, xoay mình ngang với dòng thuỷ triều rồi bị cuốn mạnh ra khơi. 

"Nào, giờ đến lúc ta đem dùng cái bộ máy đắt như vàng vừa mới tậu của anh đó " Grief vui vẻ riễu. 

Bộ máy là một nhược điểm đối với thuyền trưởng Warfield không phải là không có lý do. Hắn đã phải năn nỉ, nằng nặc đòi cho bằng được đến nỗi cuối cùng Grief phải bằng lòng cho phép mua. 

"Nó còn khối dịp để tỏ rõ giá trị của nó" - thuyền trưởng đáp. "Cứ đợi rồi sẽ thấy. Có nó còn lợi hơn đóng tiền bảo hiểm, vì không ai là không biết rằng bọn công ty bảo hiểm không dám nhận bảo hiểm cho các tàu bè chạy trong vùng Paumotus" 

Grief chỉ về phía một chiếc thuyền buồm mũi vuông ở đằng đuôi đang tiến lên và cũng theo một lộ trình. 

"Tôi dám cuộc năm quan là chiếc Nuhiva tí hon sẽ vượt chúng ta vào được trong đó." 

"Dĩ nhiên rồi" - thuyền trưởng Warfield đồng ý. "Sức nó quá mạnh so với thân hình nhỏ nhoi của nó." 

Đem sắp cạnh nó thì tàu ta có khác gì một chiếc thuyền, thế mà chỉ có bốn chục mã lực. Nó có mười mã lực nhưng lại nhỏ, nhẹ như chiếc giá hớt bọt. Nó có thể lướt trên mặt bọt sóng con sông dưới âm ty. Nhưng gặp ngọn thuỷ triều này thì đừng có hòng vượt qua được nhé. Lúc này sức nước rút nhanh lắm, phải mười gút một giờ là ít". 

Và, với tốc độ mười gút, chiếc Malahini bị sóng nhồi nghiêng ngửa và theo ngọn thuỷ triều lướt ra khơi. 

"Chỉ nửa giờ nữa sức nước triều sẽ yếu hẳn – lúc ấy ta sẽ quay mũi chạy thẳng vào" - thuyền trưởng Warfield nói, giọng lộ vẻ cáu kỉnh qua những câu tiếp theo. "Thằng cha đó không có quyền gì để đặt tên là đảo Parlay. Trên bản đồ của bộ tư Lệnh Hải Quân, mà ngay trên bản đồ của người Pháp cũng thế, người ta đã chỉ rõ nó là đảo Hikihoho. Bougainville tìm ra nó và đặt tên nó theo thổ dân?" 

"Tên là gì đi chăng nữa thì có quan hệ gì" – viên quản lý hỏi và nhân câu chuyện đang nói giở, ngưng mặc áo lót mới xỏ được đôi tay. "Đấy, nó đấy, nằm ngay trước mũi ta đấy. Và lão Parlay đang ở đấy với mỏ ngọc trai". 

"Có ai nhìn tận mắt chỗ ngọc trai ấy chưa?". Hermann hỏi, đưa mắt nhìn hết người này đến người kia. 

"Ai mà chẳng biết" – viên quản lý đáp rồi quay sang phía người bẻ lái. "Này, Tai-Hotauri, kể cho họ nghe đi". 

Gã Kanaka, vừa hài lòng vừa cho là mình quan trọng, lấy qua rồi trả về một nấc bánh lái. "Tôi có người anh em mò ngọc cho lão Parlay được ba bốn tháng. Hắn biết nhiều chuyện về trân châu lắm. Hikihoho là nơi nhiều ngọc". 

"Mà chưa một gã lái buôn ngọc nào dỗ nổi lão bán bớt cho họ lấy một viên ngọc" – viên thuyền trưởng nói xen vào. 

"Người ta nói hồi dong buồm sang Tahiti, lão già mang theo một mũ đầy ngọc trai cho Armande con gái lão" – viên quản lý nói tiếp. 

"Đấy là mười lăm năm về trước rồi. Từ ngày ấy đến giờ lão ta ắt phải có thêm nhiều nữa - đến sà cừ lão còn cất kỹ vào kho nữa là. Ai mà chẳng được nhìn tận mắt - vỏ trai chất đống, phải có tới hàng trăm tấn là ít. Nghe nói trai trong đầm mặn mò hết sạch rồi. Có lẽ vì vậy mà lão ta bắn tin mở cuộc bán đấu giá đấy". 

"Nếu quả thực lão ta muốn bán chỗ ngọc trai hiện có, thì số ngọc trai đem ra bán năm nay nhiều hơn hết từ trước tới nay trong khắp vùng Paumotus này" – Grief nói. 

"Này, cho tôi hỏi cái đã." Mulhall buột miệng ngắt ngang câu chuyện. Cũng như hầu hết những người khác, hắn rất bực dọc vì cơn nóng nồng hơi ẩm. "Tất cả những chuyện ấy là nghĩa làm sao? Thực ra lão tứ chiếng ấy là ai? Tất cả cái mỏ ngọc ấy làm gì vậy? Tại sao lại phải úp úp mở mở như vậy?" 

"Đảo Hikihoho là tài sản của lão Parlay" – viên quản lý đáp. "Lão có một đống trân châu, cả một gia tài đồ sộ, lão đã dành dụm không biết được bao năm rồi. Từ mấy tuần trước, lão loan tin sẽ đem chỗ ngọc ấy ra bán đấu giá cho lái buôn vào ngày mai. Anh có thấy mé trong đầm lô nhô biết bao nhiêu là cột buồm không?" 

"Tám cái tất cả - Theo tôi thấy" - Hermann nói. 

"Tụi chúng kéo nhau đến hòn đảo san hô nhỏ xíu như thế này làm gì mới được chứ?" – viên quản lý nói tiếp. "Cả năm, khô dừa sản xuất ở đây không đủ để chất chất đầy một chiếc thuyền buồm, chúng có đến cũng chỉ vì cuộc bán đấu giá. Cũng vì vậy, mà chúng ta mới có mặt nơi đây. Cũng vì vậy chiếc Nuhiva tí hon mới đang nhấp nhô mé sau đuôi chúng ta kia - mặc dầu tôi không đoán được ra là sức nó có thể mua nổi cái gì. Narii Herring, một người Anh lai Do Thái, vừa làm chủ nó vừa làm hoa tiêu. Tài sản của hắn là tính liều lĩnh, nợ nần và hoá đơn mua chịu rượu uýt-ky. Về những món đó hắn quả là một thiên tài. Hắn mắc nợ quá nhiều đến nỗi không một thương gia nào ở Papeete lại không lo lắng cho số phận hắn. Họ phải cất công bày ra công việc để giao cho hắn. Họ buộc lòng phải làm thế - và Narii rất đắc ý được họ chăm lo cho như vậy. Giờ tôi chẳng nợ nần ai. Kết quả sẽ ra sao? Nếu tôi chẳng may bị bạo bệnh ngã lăn quay ra ngoài bãi biển, người ta sẽ để mặc tôi nằm đấy cho đến chết. Họ đâu có mất mát gì. Nhưng nếu là Narii Herring thì lại khác. Giá hắn ngã bất tỉnh, thử hỏi có cái gì mà họ không làm để cứu hắn? Dù họ có hết sức cũng là không đủ đối với trường hợp hắn. Tiền của họ đọng trên thân hắn quá nhiều nên họ không dám để hắn nằm sõng sượt nơi đó. Họ tất khiêng hắn về nhà họ, thân hành săn sóc, nâng giấc hắn như người em ruột. Tôi xin thưa để quý vị rõ là tính sòng phẳng trong việc trang trải nợ nần không còn được trọng vọng như xưa nữa". 

"Thằng cha Narii đó thì ăn thua gì đến việc này?" – gã người Anh sốt ruột hỏi. Và, quay sang Grief, hắn nói: "Tất cả cái câu chuyện trân châu ấm ớ này là nghĩa làm sao? Xin anh cho biết từ đầu". 

"Có chỗ nào sót các anh phải nhắc dùm đấy nhé" – Grief dặn trước mấy người kia rồi bắt đầu kể. "Parlay là một lão già kỳ quặc. Căn cứ vào những điều tôi nhận xét về lão, tôi dám cả quyết rằng lão có phần hơi khùng. Dẫu sao, đây là sự tích lão Parlay, một người Pháp nguyên chất. Có lần lão bảo tôi là lão quê ở Paris. Tiếng lão nói quả là giọng Paris chính cống. Lão phiêu bạt sang đây từ hồi xa xưa. Buôn bán ngược xuôi và tất cả những việc khác. Cũng vì thế mà lão đặt chân tới Hikihoho. Đến đây để mậu dịch hồi mả mậu dịch còn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Lão kết hôn với Nữ Hoàng trên đảo – theo đúng tục lệ thổ dân. Khi nữ chúa băng hà tất cả mọi thứ đều để lại cho lão. Dịch sởi đột phát chỉ còn không quá một tá sống sót. Lão nuôi dưỡng họ, bắt họ lao tác và thành Quốc Vương. Quên không nói là trước khi băng hà, Nữ Hoàng sinh ra một công chúa. Đó là nàng Armande. Mới lên ba, nàng được cha gửi sang nhà dòng nữ tu ở đảo Papeete. Khi nàng lên bảy lên tám gì đó, cha nàng gửi nàng sang Pháp. Chắc anh đã bắt đầu hình dung ra được tình trạng ấy. Ngôi trường nhà dòng nữ tu tốt nhất và cao sang nhất bên Pháp chẳng phải là quá tốt đẹp đối với vị công nương con một vị chúa đảo kiêm tư bản của miền Paumotus. Chắc anh cũng rõ là người dân Pháp ở xứ họ không kỳ thị màu da. Nàng được giáo dục như một nàng công chúa và nàng cũng đinh ninh như thế. Nàng cũng lại tưởng mình là dân da trắng và chưa bao giờ nghĩ tới thảm hoạ phân chia chủng tộc, dù là trong cõi mộng". 

"Thế rồi tai hoạ giáng xuống. Lão già xưa nay tính vốn kênh kiệu, đồng bóng. Lão đóng vai một vị quân vương chuyên chế trên đảo Hikihoho đã quá lâu khiến lão ngờ rằng đối với nhà vua và công chúa mọi sự đều tốt đẹp cả. Khi Armande vừa tròn đôi chín, lão cho người sang đón nàng về. Lão giàu nứt đố đổ vách, theo lời thằng Bill người Mỹ thường nói. Lão xây toà nhà nguy nga ở Hikihoho và một biệt thự diêm dúa bên Papeete. Nàng phải đáp chuyến tàu thư từ Tân-Tây-Lan tới và lão thân hành lái chiếc thuyền buồm của lão đến Papeete đón nàng. Và lẽ ra lão đã ngăn chặn kịp thảm trạng ấy, bất chấp các mụ vợ người da trắng và lũ đầu bò ở Papeete, nếu không có cơn bão tố. Có phải là vào cái năm mà toàn thể đảo Manu Huni bị tàn phá và ngàn mốt nhân mạng chết toi không nhỉ?". 

Mấy người kia gật đầu xác nhận và thuyền trưởng Warfield nói: "Tôi đang ở trên chiếc "Magpie", khi trận bão ấy thổi. Tụi tôi, toàn thể đoàn thuỷ thủ và gã đầu bếp nghĩa là tất cả chiếc "Magpie" - dạt sâu vào bờ đến một phần tư dặm giữa rừng dừa ở đầu Vịnh Taiohae xưa nay được coi là một hải cảng không bao giờ bị bão". 

"Vậy thì" – Grief tiếp, "Lão Parlay nhà ta cũng bị kẹt trong trận bão ấy và đến được Papeete với một mũ đầy trân châu nhưng muộn mất ba tuần. Hẳn phải cho kích chiếc thuyền buồm của hắn lên và mở một con đường dài nửa dặm mới đem được tàu trở ra biển". 

Trong thời gian ấy, Armande ở Papeete, mà chẳng ma dại nào buồn đến thăm viếng nàng. Theo đúng kiểu Pháp-lang-sa, nàng có đến thăm xã giao viên Thống Đốc và một vị bác sĩ hải cảng. Họ tiếp kiến nàng, nhưng không một con nào trong đám vợ dưới của chúng chịu ở nhà để tiếp hay đáp lễ nàng. Nàng bị gạt ra ngoài lề giai cấp – vô giai cấp - mặc dầu xưa nay nàng chưa hề nghĩ ra điều đó; và đó là lề lối tử tế nhất mà tụi chúng nghĩ ra để tỏ thái độ với nàng. Lúc ấy trên chiếc tàu tuần dương hạm Pháp có một gã trung uý vui vẻ trẻ trung. Gã mê nàng nhưng vẫn giữ vững được lý trí. Anh có thể mường tượng được ra nỗi đau khổ của một thiếu phụ phong nhã, xinh đẹp, được dạy dỗ như con nhà thế phiệt, quanh mình lúc nào cũng có sẵn tất cả những gì là cái tốt, cái đẹp nhất nước Pháp cổ kính mà tiền bạc có thể mua được. Giờ thì anh có thể tự đoán được kết cuộc ra sao." Hắn nhún vai "Trong biệt thự có một gã bồi người Nhật. Gã được mục kích cảnh ấy. Gã nói nàng xử sự đúng tinh thần võ sĩ đạo. Cầm dao lá liễu – không thọc, không đâm, không vội vã trong việc tự huỷ - nàng cầm lưỡi dao lá liễu, thận trọng tì mũi dao vào chỗ tim và với cả hai tay, nàng từ từ và đều đặn đẩy dao vào yếu huyệt. 

"Sự việc đã xảy ra, lão Parlay mới tới với mớ ngọc trai. Có một viên ngọc, theo lời đồn, riêng nó cũng đáng giá 6 vạn quan rồi. Lão Peter Gee từng thấy viên ngọc ấy và có bảo tôi là hắn đã trả tới số tiền ấy mà mua không được. Lão già điên hẳn trong một thời gian ngắn. Người ta phải trói chặt lão tại câu lạc bộ Thuộc địa hai ngày liền". 

"Chú vợ lão, một thổ dân Paumotus già lụ khụ, cắt dây trói và thả lão ra" – viên quản lý góp lời. 

"Rồi lão Parlay bắt đầu trả oán" – Grief nói tiếp. "Tương ba phát đạn vào người thằng trung uý chó má đó". 

"Hắn nằm liệt giường trong bệnh viện dưới tàu trong ba tháng" - thuyền trưởng Warfield nhắc. 

"Lao cả một ly rượu vào mặt viên thống đốc; đấu súng tay đôi với viên bác sỹ hải cảng để rửa nhục; đánh đập gia nhân của hắn thật tàn nhẫn, đập phá tan hoang ngôi nhà thương, đánh một gã y tá gẫy một xương quai xanh và một cặp xương sườn rồi dông tuốt xuống tàu buồm của lão, mỗi tay một súng, thách gã quận trưởng cảnh sát và toàn thể lũ sen đầm bắt lão và dong buồm về Hikihoho. Người ta nói là từ ngày ấy đến giờ lão chưa hề rời khỏi đảo". 

Viên quản lý gật đầu đồng ý, "Mười lăm năm rồi mà lão chưa hề động đậy". 

"Và góp thêm trân châu vào kho tàng của lão," – viên thuyền trưởng nói. "Lão già ấy tâm tính thất thường và điên dại. Nói đến lão cũng đủ làm tôi sợ hết vía. Thật là một gã Phần Lan chính cống". 

"Thế nghĩa là gì?" – Lý –Hùng hỏi. 

"Điều khiển được thời tiết - dầu sao, đó cũng là niềm tin của thổ dân. Cứ hỏi gã Tai-Hotauri đứng kia thì rõ. Này, Tai-Hotauri, theo chú thì lão Parlay có tài gì trong lãnh vực thời tiết?" 

"Lão quả là một hung thần," gã thổ dân Kanaka trả lời." Tôi biết rõ lắm. Nếu muốn có bão lớn, lão làm ra bão lớn ngay. Nếu lão không muốn có gió chẳng có cơn gió nào đến". 

"Một lão phù thuỷ chính hiệu" – Mulhall nói. 

"Mớ trân châu ấy không mang lại may mắn đâu" – Tai-Hotauri buột miệng nói, đầu hắn lắc lư tỏ vẻ sợ hãi. "Lão nói là lão muốn bán. Cả đống tàu buồm lũ lượt kéo đến. Lúc ấy lão mới làm bão lớn, rồi các ngài xem, ai nấy đều sẽ hết đời. Thổ dân không ai là không nói thế". 

"Giờ đương mùa bão" - thuyền trưởng Warfield phá lên cười giọng bực dọc. "Lý của họ chẳng sai sự thực là mấy. Ngay lúc này đang có một cái chẳng lành sắp xảy ra: nếu chiếc Malahini ở cách xa đây ngàn dặm tôi mới thấy yên lòng được". 

"Lão quả có hơi điên" – Grief kết luận. "Tôi đã từng tìm cách dò quan điểm của lão. Tư tưởng của lão, xem ra thật hỗn độn. Trong suốt mười tám năm, lúc nào lão cũng chỉ nghĩ đến Armande. Lão hầu như tin tưởng rằng nàng vẫn còn sống chưa ở Pháp về. Đó là một trong những lý lẽ khiến lão khư khư giữ chắc mớ ngọc trai. Không lúc nào là lão không ghét cay ghét đắng người da trắng. Lão nhớ mãi rằng họ đã giết nàng, mặc dầu nhiều lúc lão quên bẵng là nàng đã chết". 

"Ê, gió của anh đi đâu rồi?" 

Mấy cánh buồm trên đầu họ vắng gió chùng xuống. Thuyền trưởng Warfield làu nhàu tỏ vẻ bực dọc. Lúc nãy có gió mà trời đã oi nồng, bây giờ vắng gió, hơi nóng hầu như ngột ngạt. Mồ hôi tuôn thành dòng trên mặt họ; thỉnh thoảng, hết người này lại đến người kia hít những hơi dài, như cố lấy thêm không khí mà không biết. 

"Lại có gió đấy – xoay thêm tám nấc nữa. Kéo ngang cần căng buồm! Lẹ lên!". 

Đoàn thuỷ thủ Kanaka hấp tấp theo lệnh thuyền trưởng và trong năm phút, chiếc tàu buồm lao thẳng vào cửa đầm và tiến lên được một đoạn ngược dòng thuỷ triều. Cơn gió may lại tắt, để rồi lại từ trong hướng cũ thổi đến buộc đoàn thuỷ thủ phải đổi lại cánh và cần buồm. 

"Chiếc Nuhiva đã tới đấy rồi" – Grief nói. "Nó đã xả máy. Coi nó lướt đi kìa?" 

"Sắp sẵn rồi chứ?" - thuyền trưởng hỏi viên kỹ sư lai Bồ Đào Nha; đầu và vai hắn nhô ra khỏi chiếc cửa sổ tròn nhỏ ở ngay trước phòng ngủ. Hắn đưa một mớ giẻ đầy mỡ lên lau bộ mặt nhễ nhại mồ hôi. 

"Dĩ nhiên rồi" - hắn đáp. 

"Cho máy chạy đi chứ?" 

Viên kỹ sư lai vào phòng máy và một lát sau, ống khói kêu lụ xụ và khuấy bọt nước tung toé ở một bên mạn tàu. Tuy nhiên, chiếc tàu buồm không còn dẫn đầu được nữa. Chiếc thuyền buồm vuông mũi tiến được ba thước trong khi nó mới tiến được hai. Chẳng mấy chốc, chiếc thuyền nhỏ đã lên ngang hàng rồi vượt qua chiếc tàu lớn. 

Trên boong thuyền toàn là thổ dân, và người đàn ông bẻ lái giơ tay vẫy để chào và cáo biệt một cách chế diễu. 

"Thằng cha ấy là Narii Herring" – Grief bảo Mulhall. "Cái thằng cao lớn đứng sau bánh lái ấy, thằng đểu cáng vô sỉ nhất mà cũng lật lọng nhất trong khắp vùng Paumotus". 

Năm phút sau, đám thuỷ thủ Kanaka trên tàu hò reo sung sướng khiến họ dồn mắt nhìn sang chiếc Nuhiva. Động cơ của nó đã liệt và họ đang bắt kịp nó. Đoàn thuỷ thủ trên chiếc Malahini nhảy lên như choi choi bám vào màn lưới chão và reo hò chế giễu trong khi họ vượt qua; bị gió ép nghiêng sang một bên mạn, chiếc thuyền buồm nhỏ đang lùi dần theo nước thuỷ triều. 

"Máy tàu ta cũng cừ đấy chứ?" – Grief tán thưởng, trong khi đầm nước mặn trải rộng trước mắt họ và phương hướng được đổi để con tàu băng ngang mặt hồ tiến tới vùng bỏ neo.