Bạch Hổ Tinh Quân - Hồi 17 - phần 3

Một kẻ biết bơi thì dẫu có mất trí cũng vẫn biết bơi khi rơi xuống nước. Những động tác của tứ chi đã trở thành bản năng rất khó bị lãng quên. Thanh Chân còn nhớ được võ công thì cũng không quên được bộ pháp ra vào trận kỳ môn chung quanh Lôi Đình Thần Cung.

Tử Khuê hài lòng cảm tạ Thanh Chân rồi ung dung bảo Băng Tâm Ma Nữ:

- Thực ra dẫu cho phu nhân có đến được Lôi Đình Thần cung thì cũng chẵng mua nổi "Hắc Ngọc tiên đào". Trác Đế Quân là bậc đại phú, tuổi đã cao nên cần sự trường thọ hơn hoàng kim. Hơn nữa, lệnh lang và các thiếu phu nhân đây đều là kẻ đối đầu Nhạc Cuồng Loan, học trò của Trác Ngạn Chi. Vậy liệu lão ta có chịu bán linh quả hay không? Và nếu bán thì với giá nào?

Băng Tâm Ma Nữ cười mát đáp:

- Hầu gia luận việc rất hữu lý. Nhưng phải chăng các hạ đã có hướng sách nào khác?

Tử Khuê mỉm cười gật gù:

- Phu nhân quả là sáng suốt! Vãn bối có quan hệ quyến thuộc với Trác Đế Quân, sẽ đem ba quả đào tiên về đây với giá vạn lượng vàng.

Dịch Quan San mưu trí tuyệt luân, nhìn ra ngay ẩn tình. Nến cất tiếng nói to:

- Nếu Hầu gia tự tin có thể xin được linh quả sao lại còn phải hỏi han cách xuất nhập trận kỳ môn?

Tử Khuê thản nhiên đáp:

- Tại hạ chẳng dại gì xin xỏ khi biết chắc là không được. Tiên mỗ sẽ trổ tài đạo chích rồi đào tẩu.

Cả nhà sửng sốt nhìn Ngân Diện Hầu không chớp mắt. Dịch Tái Vân buột miệng phê phán:

- Tiên phủ giàu sang nhất Trịnh Châu, sao Hầu gia lại liều thân vì chút tiền tài như thế? Hành vi của các hạ cổ quái khhôn lường, ta chằng thể nào hiểu nổi.

Tử Khuê cười khà khà:

- Năng nhặt chặt bị. Bổn nhân ăn hại của song thân đã nhiều, nay cố kiếm chút đỉnh mà cưới vợ, không để họ tốn kém thêm.

Biết mẹ mình đang cân nhắc, lo cho sự an toàn của số vàng năm ngàn lượng ứng trước, Tử Khuê tủm tỉm trấn an bà:

- Lần này, vãn bối sẽ không ứng trước lộ phí, mà sẽ nhận trọn vạn lượng vàng khi mang đủ ba trái tiên đào về đây. Và trong trường hợp Quách trang chủ dùng xong mà không có triệu chứng thuyên giảm bệnh tình, vãn bối cũng tự nguyện hoàn lại nguyên số.

Băng Tâm Ma Nữ được "nắm dao đằng chuôi" thì vô cùng yên dạ. Nhưng bà cũng thầm tự nhủ:

- Lạ thực! Sao gã lại đoán ra ta đang nghi ngại chuyện ấy nhỉ!

Thấy mẫu thân đã đồng ý, Tử Khuê liền nói sang chuyện khác:

- Bẩm phu nhân! Tỳ thiếp của vãn bối đã cấn thai nên sẽ ở lại đây. Mong phu nhân thương tình chiếu cố cho!

Từ lâu rồi, Quách phu nhân luôn khát khao có được đứa cháu nội đễ ẳm bồng, nhất là khi Tử Khuê vận số long đong, luôn vào sinh ra tử. Bà vẫn thường chê Tái Vân kém phúc đức nên mới không thụ thai, dù đã có nhiều thời gian gần gũi chồng. Nay nghe nói Tiểu Tinh có hỉ tín, bất giác bà mừng lây, vui vẻ nói:

- Cung hỉ! Cung hỉ! Lão thân xin chúc mừng Hầu gia! Các hạ cứ yên tâm thượng lộ, lão thân hứa sẽ chăm sóc Tiểu Tinh chu đáo.

Và bà buột miệng than:

- Ôi! Lão thân mong mỏi đã lâu mà vẫn chưa có đứa cháu nào.

Thiên Kim và Tái Vân chột dạ, thầm ganh tị với ả họ Tống kia. Nhưng nàng ta đang vô cùng hổ thẹn, trông rất tội nghiệp, nên hai nữ nhân trút giận lên đầu Ngân Diện Hầu. Chính cái thói trăng hoa, lấy cả tỳ nữ làm tỳ thiếp của Mẫn Hiên đã khiến họ bị mẹ chồng mắng mỏ.

Tái Vân thọ ơn cứu mạng nên không dám dè bỉu Ngân Diện Hầu, nhưng Nữ Hầu tước thì chẳng phải ngán ai. Thiên Kim hậm hực lên tiếng:

- Này Tiêu Hầu! Túc hạ chưa hề có chính thất, trong khi Tống cô nương lại đang mang cốt nhục của họ Tiêu. Đúng lý ra, nàng ta phải được xem là thiếp chứ sao lại chỉ là tỷ thiếp? Tuy Tiểu Tinh xuất thân dân dã nhưng không thể bị đối xử bất công như vậy. Bổn nhân rất thất vọng về nhân phẩm của Ngân Diện Hầu.

Cả nhả chết điếng, không ngờ Thiên Kim lại nặng lời đến thế. Ngân Diện Hầu dẫu sao cũng là ân nhân, từng cứu Tống Thụy, Tái Vân và Thanh Chân. Vả lại, nếu gã ta nỗi giận, không đi Lôi Đình Thần Cung tìm linh quả nữa thì nguy to.

Quách phu nhân bực bội nạt nàng dâu trưởng:

- Kim nhi! Sao con lại dám xúc phạm đến thượng khách của lão thân? Gia sự của Tiêu Hầu là việc riêng tư, hà cớ gì ngươi phải lắm lời?

Thiên Kim biết mẹ chồng đã nổi lôi đình, nàng sợ đến xanh mặt, định đứng lên ngỏ lời tạ lỗi Tiêu Mẫn Hiên. Nào ngờ, Ngân Diện Hầu cười ha hả, vui vẻ nói:

- Hoàng Phong Hầu dạy chí phải. Tiêu mỗ xin tuân lệnh!

Và gã quay sang bảo Tiểu Tinh:

- Nàng mau vái tạ tấm lòng đại lượng của Trình Hầu tước.

Thiếp có nghĩa là vợ lẽ, còn tỳ thiếp là nàng hầu. Trước đây, Tử Khuê vì sợ Thiên Kim nên chỉ dám nhận Tiểu Tinh làm tỳ thiếp. Nay Nữ Hầu tước vô tình xe dây tự trói, Tử Khuê liền chụp ngay lấy cơ hội.

Tiểu Tinh cũng biết vậy nên mau mắn đứng lên, nghiêng mình thi lễ:

- Tiểu muội xin cảm tạ Đại thư!

Kẻ tinh ý nhất lại là cậu bé Tử Chiêm, nó bật cười hăng hắc và phát biểu:

- Kỳ quái thực! Sao trông giống như cảnh Trình đại tẩu nạp thiếp cho Tam ca thế nhỉ?

Tử Khuê thầm khen bào đệ của mình thông tuệ. Và chàng vội cáo từ ngay vì hổ thẹn khi lừa dối Thiên Kim!

Đồng Quan là một địa phương rất nổi tiếng, từ hồi Chiến Quốc cho đến tận bây giờ. Nguyên nhân vì Đồng Quan có cửa ái Hàm Cốc, cửa ải trọng yếu nhất của nước Tần, thông với với Trung Nguyên. Ải đầu thứ hai là Vũ Quan, không lẫy lừng bằng Hàm Cốc.

Đến tận thời nhà Minh, việc thông thương giữa Thiểm Tây và các tỉnh phía Đông nó cũng vẫn phải qua hai ải này. Do địa hình vùng ranh giới Thiểm Tây - Hà Nam quá hiểm trở, nên người ta chẳng thể mở thêm lối đi nào khác nữa.

Đường trục Đông - Tây nối liền Trường An, Lạc Dương, Trịnh Châu, Khai Phong, Tế Châu và biển Đông. Đồng Quan nằm trên đường ấy, thuộc Thiểm Tây và giáp ranh Hà Nam. Nhờ vậy mà Đồng Quan rất sầm uất, mỗi ngày đón đưa hàng trăm đoàn xe hàng hóa lại qua, lữ khách thì hàng vạn.

Ở chốn đông người, các ngành thương mại, dịch vụ đều phát triển, cho nên trong thành Đồng Quan có rất nhiều hiệu buôn, trà lâu, tửu quán, khách sạn, đỗ trường, kỹ viện…

Tất nhiên, nơi kinh doanh thuận lợi nhất chính là những cơ ngơi nằm trên đường trục chính Đông - Tây qua thành. Đường Bắc - Nam trong thành khó làm ăn hơn vì hướng bắc Đồng Quan là sông Hoàng Hà, còn phía nam là núi rừng hoang vu, thô lậu.

Khi vào thành Đồng Quan bằng cửa hướng Đông, lữ khách sẽ bắt gặp một cơ ngơi ba tầng cực kỳ đồ sộ và khang trang. Nó được mện danh là Đồng Quan đệ nhất tửu lâu.

Lão Tử là người đầu tiên chán ngán thói ba hoa, khoác lác của dân tộc Hoa Hạ, nên đã dạy họ đức khiêm tốn, giấu mình. Ngay chính Khổng Phu Tử còn bị Lão Tử chê là kẻ khoe khoang, kiêu căng. Khổng Tử thì biết mình sai, nhưng trong suốt mấy ngàn năm sau đó, người Hoa Hạ vẫn cứ thích xưng mình là Đệ nhất.

Nhưng Đồng Quan Đệ nhất tửu lâu thì danh phù kỳ thực, nổi tiếng đã gần trăm năm, nhờ thức ăn và rượu ngon số một chốn này.

Bằng chứng là sáng nay, mười chín tháng ba, mới qua đầu giờ Tị mà trên lầu một của tửu lâu đã có đến tám bàn khách khứa. Lúc này còn quá sớm để ăn nhậu, trừ những kẻ vô công rỗi nghề, những ma men hoặc những người chán đời.

Quả đúng là nơi đây đang hiện diện một kẻ chán đời. Người vui vẻ chẳng bao giờ ngồi nhậu một mình và cứ nốc tỳ tỳ hết chén này đến chén khác, mặt thì nặng nề như đeo đá.

Kẻ đáng thương ấy là một vị đạo sĩ áo trắng, tuổi độ quá bốn mươi, dung mạo hơi thô nhưng cũng đầy nét cương nghị và oai vệ. Cây trường kích mạ bạc sáng loáng, dựng ở cột gỗ gần bàn, chính là chiêu bài của Lã Bất Thành, đại để tử Bắc Thiên Tôn.

Họ Lã ngồi quay mặt về hướng bắc, chắc là đang thương nhớ quê xưa Đại Bạch Sơn, ở vùng Cực Bắc cao nguyên Sơn Tây. Ánh mắt xa xăm của Bất Thành chẳng thèm để ý đến vị thực khách mới lên, vừa ngồi xuống một bàn bên mé tả gã.

Người ấy là một chàng thư sinh tuổi độ hăm ba hăm bốn, thân dong dỏng cao, vai rộng, trông khá khỏe mạnh chứ không quá văn nhược. Tuy mặt óc học trò màu xanh nhạt, nhưng bên hông trái chàng ta lại lủng lẵng một thanh trường kiếm, trông chẳng thích hợp chút nào cả.

Khi chàng thư sinh an tọa, lột nón tre rộng vành ra, người ta mới thấy rõ gương mặt đoan chính, thanh tú, sống mũi cao và thẳng, đầu nhọn, mắt sáng, miệng rộng, môi dày…. Là tướng mạo của một nam nhân khả ái, trung hậu. Nhưng tiếc thay, dưới vầng trán rộng kia là một cặp lông mày rậm và dài thượt, rũ xuống như tơ liễu buông mành.

Tướng trường mi này thường xuất hiện ở những người đã quá già. Lúc ấy chúng bạc trắng và đẹp lão. Nhưng khi chúng đen thui và ngự trị trên gương mặt của một chàng trai trẻ thì thật khó coi.

Tuy nhiên chủ nhân của chúng chẳng hề có ý định tỉa tót lại cho bình thường, mà còn tự hào về cặp lông mày dị tướng ấy, đến mức tự xưng là Trường Mi Thư Sinh. Cái danh hiệu này rất nổi tiếng ở miền Nam Quảng Đông, giáp với nước An Nam.

Song chốn ấy là vùng biên thùy hoang vu, thô lậu, chẳng thể bì với đất Trung Nguyên văn vật. Nên Trường Mi Thư Sinh Thượng Quan Nhẫn chỉ được võ lâm xếp vào loại cao thủ hạng ba, và rất ít người biết mặt gã. 

Ở người già, tướng trường mi là tướng đại thọ, song với người trẻ thì ngược lại. Nghĩa là Thượng Quan Nhẫn đã yểu mạng chết toi từ hồi đầu xuân năm ngoái.

Kẻ đã qui tiên thì chẳng thể đi đứng, nói năng, ăn uống, nên chúng ta có thể kết luận gã Trường Mi Thư Sinh vừa xuất hiện kia là giả mạo. Va cũng chẳng khó để đoán ra kẻ bịp bợm ấy là Quách Tử Khuê. 

Tử Khuê đã chọn cách cải dạng đơn giản này vì mang mặt nạ da người suốt mấy ngàn dặm đường rất bất tiện và bất lợi. Nắng cuối xuân sẽ làm mồ hôi chàng tuôn chảy và bong cả lớp hóa trang. Trong khi đó, cặp lông mày quái dị này được gắn chặt vào mặt chàng bằng một loại keo đặc biệt, nước không trôi, kéo không ra.

Trong đêm cuối cùng, Tử Khuê rời Quách gia trang, Tống Tiểu Tinh đã trao cho chàng một túi lụa nhỏ và ngượng ngùng thú nhận:

- Xin tướng công lượng thứ! Vào đêm giải cứu Lưu biểu tỷ, thiếp đã quay lại mật thất lục soát và tìm thấy túi vải này. Trong đáy có dụng cụ dịch dung của Xảo Diện Khách cùng số ngân phiếu trị giá đến bảy vạn lượng vàng. Từ lâu, thiếp đã muốn dâng cho tướng công mà không dám. Nay đã là phu thế, chắc chàng chẵng nỡ trách thiếp là kẻ tham vặt.

Tử Khuê mỉm cười bao dung nhưng trong lòng suy nghĩ rất nhiều. Nếu tài sản này của Lư gia trang thì chàng sẽ phải hoàn lại, vì sau này chúng thuộc về vợ chồng Lưu Tiên.

Nhưng chàng nhớ rõ Lư Tài Thần đã kiểm tra rất kỹ càng số tài vật bị Xảo Diện Khách ăn trộm, và tuyên bố rằng đủ cả. Vậy phải chăng bảy vạn lượng vàng ngân phiếu trong túi lụa là tiền riêng của Khưu Trọng Nhiệm?

Tử Khuê liền xem kỹ lại những tờ ngân phiếu và phát hiện chúng đều do Sơn Tây Đệ Nhất Tiền Trang phát hành. Cơ sở ấy hoạt động ở miền Bắc Trung Hoa, trong khi địa bàn kinh doanh của Lư Tài Thần là miền Nam nên lão chẳng thể có số ngân phiếu này.

Bỗng chàng có linh cảm xấu rằng biết đâu đấy là vàng của người Mông Cổ tiếp tế cho Long Vân Bảo? Dù Minh Triều đang suy yếu nhưng vẫn còn đứng vững nhờ mấy trăm vạn binh sĩ trấn giữ trường thành. Và chỉ khi Trung Hoa có nội loạn thì rợ Mông mới mong vào được Trung Nguyên. Nay Bắc Thiên Tôn đã chết, có thể quân Mông sẽ mượn tay Long Vân Tú Sĩ? 

Không thể đoán chắc được điều gì, Tử Khuê bỏ qua lai lịch số ngân phiếu, xem xét những đạo cụ hóa trang. Ngoài mười mấy tấm mặt nạ, râu giả, lông mày giả, thuốc màu,…còn có quyển sách "Dịch Dung bí kíp".

Quyển sách này chứa đựng toàn bộ tinh hoa của nghề dịch dung. Bản chất cải trang của Xảo Diện Khách cao siêu hơn hẳn Dịch Quan San. Bằng chứng họ Dịch đã không khám phá ra việc Khưu lão quỷ mang mặt nạ giả làm Lư Công Đán.

Những trang cuối của bí kíp còn có lý lịch từng tấm mặt nạ, kèm theo thẻ Đinh, được đánh số cẩn thận. Tử Khuê cân nhắc một lúc lâu rồi quyết định đóng vai Trường Mi Thư Sinh.

Cặp chân mày quái dị ấy lồ lộ, thu hút sự chú ý của thiên hạ, nên họ sẽ không lưu tâm đến mặt thực của chàng. Trừ phi gặp phải người thân trong gia đình, Tử Khuê chẳng sợ ai nhận ra mình.

Nhắc lại, Tử Khuê ghé vào Đồng Quan đệ nhất tửu lâu để dùng cơm. Tình cờ gặp lại Lã Bất Thành, chàng rất ngạc nhiên và sinh lòng cảnh giác. Sự phản trắc của Hồ Đồ Thần Thương Khổng Đam đã khiến Tử Khuê e sợ lòng người. Kẻ thọ ơn cứu mạng còn bán đứng chàng, huống chi một kẻ xa lạ, thuộc phe đối lập như họ Tả.