Bạch Nhật Quỷ Hồn - Chương 01 - phần 1

Trận mưa hạ phủ mờ ba mươi sáu đỉnh núi của rặng Vũ Di Sơn. Du khách phải đứng xa vài dặm mới thấy được hết vẻ đẹp kỳ tú của ngọn danh sơn. Dẫu nắng hay mưa, rặng núi ở phía Bắc Phúc Kiến này cũng không mất đi sức quyến rũ của mình.

Nhân gian thường truyền tụng câu:

"Vũ Di Sơn thủy thiên hạ kỳ". (Non nước Vũ Di Sơn là kỳ lạ nhất thiên hạ.) Vũ Di Sơn, tuy chỉ là ngọn núi thấp, cao độ hai trăm mười mấy trượng, nhưng với địa hình chín khúc, ba mươi sáu ngọn núi, chín mươi chín hang động, đã trở thành một trong những dãy núi xinh đẹp nhất Trung Hoa.

Từ đời Tống, Vũ Di Sơn đã được các đế vương quan tâm, chú ý. Các vua chúa thường đến đây, trước là tế lễ, sau là ngoạn cảnh. Các văn nhân Nam Tống như Tân Khí Tật, Lục Du đều đã đến nơi này.

Trên sườn núi có những công trình kiến trúc như Tam Thanh Điện, Ngọc Hoàng Các, Từ Đường Lưu Lãm... Nhưng cũng có vài ngọn núi vắng bóng chân người, do địa hình hiểm trở, ác thú dẫy đầy. Du khách chẳng bao giờ dám tìm đến đấy cả! Một trong vài ngọn núi cô tịch ấy là đỉnh Hổ Phong.

Nghe tên cũng biết nơi ấy là lãnh địa của loài mãnh ác thú. Thác Hổ Tuyền chảy từ lưng chừng núi xuống như dải lụa bạc, hơi nước mượn ánh nắng mà tạo nên những vòng cầu rất đẹp. Tiếc là không ai dám đến thưởng thức cảnh quan tuyệt mỹ kia!

Nếu có người đủ khả năng bám vào những mõm đá cạnh sắc như dao trên vách đá dựng đứng cao ba chục trượng cạnh thác Hổ Tuyền mà trèo lên đến bình đài phía trên, sẽ phát hiện chủ nhân thực sự của ngọn núi Hổ Phong này!

Nơi cư trú của họ là một hang động thiên nhiên rộng rãi, cạnh dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống. Cảnh vật ngoài cửa hang xanh tươi, diễm lệ bao nhiêu thì không khí trong hang u ám bấy nhiêu!

Thạch động u ám không phải vì thiếu ánh sáng mà vì cảnh tượng mà chúng ta sắp nhìn thấy. Bước vào chừng năm trượng, bên vách tả là một tảng đá lớn được đục đẽo vuông vắn, cao chừng nửa trượng. Trên ấy có một xác nữ nhân, ngồi xếp bằng, mái tóc dài phủ lưng bạc như sương, lất phất bay bởi ngọn gió Nam lạc vào. Da thịt trên mặt bà ta đã khô quắt lại, để lộ hàm răng trắng nhởn, tạo dáng một nụ cười quái dị và ghê rợn.

Bộ y phục màu hồng sặc sỡ trên cơ thể tử thi cũng không làm giảm được vẻ ám uổng, chết chóc trong hang.

Thế mà nơi đây vẫn có người sống. Đó là một nữ nhân tuổi gần tứ thập, dung nhan xinh đẹp phi thường nhưng sắc diện lạnh lùng, khắc nghiệt. Người thứ hai là một cậu bé độ mười ba tuổi. Cậu ta đang trần truồng nằm trên một tảng đá bằng phẳng, mắt nhắm nghiền lại, môi mím chặt. Và nữ nhân kia đang cật lực đánh tới tấp vào thân thể cậu bé, bằng một bó gồm những cọng rễ cây sần sùi, nhỏ hơn mút đũa. Tiếng roi xé gió, rít lên ghê người.

Thỉnh thoảng bà ta nhúng bó rễ cây ấy vào một nồi nước đen nhánh, và tiếp tục đánh.

Những nhát roi đã để lại trên thân thể cậu bé những vết hằn rướm máu.

Sau khi đánh hết lược thân trước, lại lật sấp cậu bé đánh tiếp.

Cảnh tượng tàn nhẫn, vô nhân kia khiến người ngoài phải sôi giận.

Nhưng hãy nhìn kỹ những giọt lệ đọng ở khóe mắt người phụ nữ! Bà cũng khóc như bao nhiêu người phụ nữ trên cõi đời này! Đứa bé kia chính là đứa con đứt ruột đẻ ra của Mông Diện La Sát Phùng Lệ Phi. Nó có cái tên rất khó nghe:

Nam Cung Hận Thiên!

Phùng nương nhìn những vết roi phủ đầy thân sau, lau nước mắt rồi nghiêm nghị bảo:

- Thiên nhi! hôm nay như thế là đủ, ngươi ra sau ngâm thuốc đi!

Cậu bé lồm cồm ngồi lên, dương đôi mắt to tròn, lo lắng hỏi:

- Mẫu thân! Phải chăng sức khỏe của người đã suy giảm nên hài nhi không còn nghe đau đớn gì cả?

Phùng nương cảm động và hài lòng:

- Không phải đâu, đó là do công phu Thiên Ma Bách Luyện của ngươi có hỏa hầu rồi đấy! Chỉ cần thêm ít máu của con Hồng Sắc Mãng Xà là thành công. Lúc ấy, dù ngươi có rớt từ đỉnh thác xuống cũng không thể chết được!

Hận Thiên vui vẻ nói:

- Mẫu thân nói quá, làm gì có chuyện ấy?

Phùng Nương mỉm cười:

- phải! Ta chỉ ví dụ thế thôi! Thực ra công phu này chỉ làm tăng sức chịu đựng của ngươi lên gấp mười lần so với người thường. Như vậy cũng đủ gọi là kỳ tích rồi! Thiên nhi đi ngâm thuốc đi, nhớ ngâm cả đầu đấy nhé!

Cậu bé phụng phịu đáp:

- Hài nhi không sợ đau đớn, chỉ sợ mùi thuốc hăng hắc khó chịu kia thôi.

Chợt nhận ra ánh mắt nghiêm khắc của mẫu thân, Thiên nhi le lưỡi, chạy vụt vào trong hậu động!

Phùng Lệ Phi thẫn thờ bước ra cửa động, đứng dưới làn mưa hạ, nhìn về hướng Bắc, căm hận rít lên:

- Mộ Dung Thiên! Sẽ có ngày ngươi được nếm cảm giác thống khổ tột cùng của kiếp người!

Thì ra kẻ thù của Phùng Nương là Mộ Dung Thiên, vì vậy đã đặt tên con mình là Hận Thiên, chứ chẳng phải oán trời, trách đất gì cả!

Nhưng mối thù kia sâu đậm đến dường nào mà bảy năm qua Phùng Nương bắt con mình phải chịu biết bao đau đớn, để luyện tuyệt học số một của tà môn?

Mặt trời chưa mọc, Phùng Nương đã bắt Thiên nhi phải luyện võ. Mé tả cửa động có một bãi loạn thạch gồm ba trăm sáu mươi tảng đá tròn, lớn nhỏ không đều. Tuy gọi là loạn thạch nhưng thực ra chúng được xếp theo những vị trí nhất định. Và Hận Thiên phải di chuyển, nhảy nhót trên ấy mà thi triển một pho quyền chưởng. Càng lúc cước bộ của cậu bé càng nhanh. Cuối cùng chỉ còn là một chiếc bóng mờ, và quyền phong rít lên vù vù từ đôi bàn tay, bàn chân nhỏ bé.

Phùng Nương đẹp dạ gọi:

-Thiên Nhi giỏi lắm! Chuẩn bị Sách Hồn Tiễn!

Bà cúi xuống bưng rỗ tre dưới chân lên, tay hữu bốc từng mảnh gỗ nhỏ, ném về phía Hận Thiên tấn công từ mặt đến bàn chân. Những mảnh gỗ nhỏ hơn bàn tay kia bay đi với tốc độ kinh người, nhưng đều không đến được mục tiêu, rơi xuống cách Hận Thiên hơn trượng. Hai tay cậu bé liên tục búng ra những kim thép, chặn đứng những mảnh gỗ lại.

Phùng Nương quát lớn:

- Chú ý!

Bà cầm mảnh gỗ cuối cùng, buông rổ xuống đất, vung tay ném mạnh. Kỳ diệu thay, nó không bay thẳng mà đi theo một quỹ đạo rắc rối, chập chờn như cánh bướm.

Hận Thiên cẩn trọng quắc đôi mắt tinh anh chăm chú nhìn, và vẫy nhẹ bàn tay. Trong một sát na nhỏ bé, khi mảnh gỗ chuyển hướng từ vị trí này sang vị trí này sang vị trí khác, một mũi tiểu đao đã kịp tìm đến mục tiêu!

Phùng Nương mĩm cười giang tay như muốn gọi đứa con thân yêu. Hận Thiên hiểu ý, lao vút vào lòng bà. Mông Diên La Sát vuốt tóc con khen ngợi:

- Không uổng công ta dạy dỗ ngươi suốt bảy năm nay! Tuyệt kỹ Sách Hồn Phi Tiễn không còn sợ thất truyền nữa rồi!

Hận Thiên dụi đầu vào ngực mẫu thân, cảm nhận giây phút hạnh phúc hiếm hoi. Tính tình Phùng Lệ Chi cực kỳ lãnh đạm, ít khi âu yếm con thơ.

Nhưng Thiên Nhi biết rằng bà yêu thương nó nhất trên đời!

Chỉ lát sau, Mông Diện La Sát đã đẩy cậu bé ra và nghiêm giọng:

- Ngươi đừng thấy ta khen ngợi như vậy mà tự mãn. Đấy chỉ là phần căn bản của công phu mà thôi, phải cố gắng luyện tập thêm vài năm nữa. Khi nào đạt đến mức ám khí phát ra vô thanh, vô ảnh mới mong giết được kẻ đại thù!

Hận Thiên gật đầu, và đột nhiên hỏi lại:

- Má à! Dù hài nhi có khổ luyện thêm mấy năm nữa cũng không thể bằng mẫu thân. Sao người không tự tay hạ sát lão Mộ Dung Thiên kia!

Phùng nương thở dài:

- Bản lĩnh của Bạch Y Hầu nghiêng trời lệch đất, ngay ta cũng chẳng thể làm gì được lão! Những gì ngươi học trong mấy năm qua chỉ là công phu tổ truyền của Vũ Di Phái, để làm vốn liếng trên đường đi tìm một vị tuyệt thế kỳ nhân mà thụ giáo kiếm thuật thượng thừa!

Thiên Nhi kinh ngạc:

- Mẫu thân! Chẳng hay ông ta là ai vậy?

Phùng Nương đáp:

- Vị kỳ nhân ấy có danh hiệu là Bất Biệt Cư Sĩ, tuổi đã hơn trăm, kiếm thuật cao cường nhất thiên hạ. Thanh tiểu đao mà ngươi thường sử dụng chính là tín vật mà Cư Sĩ đã tặng cho sư tổ ngươi cách đây ba mươi năm! Vật ấy vô cùng quý giá, ngươi tuyệt đối không được làm thất lạc!

Hận Thiên dạ rất ngoan, bối rối hỏi:

- Vậy chừng nào hài nhi phải đi?

Phùng Nương lạnh lùng bảo:

- Ngươi phải gặp được Bất Biệt Cư Sĩ trước ngày tròn mười sáu tuổi. Có thế mới đủ điều kiện để học kiếm thuật thượng thừa!

Hận Thiên ngập ngừng:

- Hài nhi chẳng muốn xa mẫu thân chút nào cả! Hay là hai mẹ con chúng ta cùng đi?

Phùng Nương quắc mắt:

- Làm thân nam tử sao lại cứ muốn suốt đời nép bên váy mẹ? Ngươi phải đi một mình, tự lực tự cường đến cho được Hồ Đạt Lai trên đất Nội Mông! Đó chính là cách tốt nhất để thu thập kinh nghiệm giang hồ, trui rèn bản lĩnh mà tồn tại!

Thiên Nhi sợ hãi cúi đầu, chẳng dám nói thêm! Phùng Nương cau mày:

- Ngươi hãy mau nhặt ám khí rồi vào sau núi săn dã vị!

Hận Thiên mau mắn làm theo lời dạn, rút tiểu đap và những mui Sách Hồn Tiễn ra khỏi những mảnh gỗ, rồi lầm lui đi về phía hậu sơn!

Cậu bé không hề sợ hãi đám mãnh thú ở Hổ Phong. Với pho khinh công Cửu Cung Mê Bộ, chẳng con vật nào có thể chạm đến Thiên Nhi. Và dưới thanh tiểu đao dài hơn gang tay kia, bọn chồn, thỏ, hươu nai khó mà thoát chết!

Hận Thiên được mẫu thân đi săn từ những năm tám tuổi, quen thuộc với tính nết từng loài, lão luyện như một thợ săn người Cao Sơn chính gốc.

Mông Diện La Sát Phùng Lệ Phi là người Cao Sơn, một bộ tộc thiểu số ở Phúc Kiến. Vì vậy, trong huyết quản của Hận Thiên chỉ có nửa giòng máu Hán tộc.

Có lẽ vì thế nên da dẻ Thiên nhi trắng hồng, mắt to tròn chứ không dài nhỏ như đa số người Trung Hoa. Trừ đôi mắt, những bộ phận còn lại trên gương mặt cậu bé đều giống hệt như bức họa của phụ thân Nam Cung Phi treo trong thạch động.

Bức họa này do Mông Diện La Sát Phùng Lệ Phi vẽ lại. Bà kể rằng ông ta đã bị Bạch Y Hầu Mộ Dung Thiên sát hại đúng vào ngày đầy năm của Thiên nhi mười tám tháng sáu bên bờ sông Lạc Thủy!

Hận Thiên vào đến khu rừng rậm ở hậu sơn, khoan khoái hít lấy mùi hương cỏ cây quen thuộc. Nó quên hết mọi việc trên đời, tai mắt căng ra, trước là đề phòng mãnh hổ, sau là tìm kiếm con mồi!

Sau gần hai canh giờ sau, Hận Thiên hí hửng trở lại thạch động với một con nai tơ nặng ước hai trăm cân trên vai. Nhờ công phu khổ luyện từ lúc lên sáu, nên ở tuổi mười ba, Hận Thiên mới vác nổi một trọng lượng nặng như vậy!

Hận Thiên hân hoan gọi mẹ:

- Mẫu thân! Hài nhi đã săn được một con nai rất lớn!

Nhưng không thấy Phùng Nương trả lời, Thiên Nhi buông con vật xuống cạnh bờ suối rồi tất tả chạy vào.

Một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt khiến Hận Thiên chết đứng. Thủ cấp của Vũ Di Tiên Nương nằm lăn lóc trên sàn động. Còn trên chiếc giường đá kia là thân thể lõa lồ của Mông Diện La Sát Phùng Lệ Phi. Y phục của bà bị xé nát, rơi vương vãi quanh chân thạch sàn!

Hận Thiên rú lên, chạy đến bên xác mẹ lay gọi. Nhưng bà đã vinh viễn ra đi vì cần cổ đã đứt lìa, chỉ còn dính với đầu bằng một lớp da mỏng.

Thiên nhi gào khóc một lúc, đau đớn ngất lịm đi! Khi nó tỉnh lại thì trời đã chính ngọ. Hận Thiên ôm xác mẫu thân khóc lóc cho đến khi hai mắt đỏ ngầu và sưng vù!

Nhưng bao năm qua, Phùng Nương đã dùng hận thù mà dạy dỗ con thơ, nên tâm tính Thiên Nhi kiên cường khác hẳn những đứa bé đồng tuổi. Giờ đây, khi mất đi người mẹ yêu quí nhất đời, lửa cừu hận bốc lên ngùn ngụt.

Hận Thiên mau chóng trấn tĩnh, thề sẽ tìm ra hung thủ.

Nó vào cuối động, lục trong tủ gỗ lấy ra bộ y phục đẹp nhất, mặc cho mẫu thân. Trước đó, Thiên nhi đã dùng khăn lau sạch thân thể Phùng Nương!

Vũ Di Phái là một võ phái của Miêu tộc, thiện dụng độc dược và độc vật.

Năm bốn tuổi, Hận Thiên đã được mẫu thân dạy học chữ bằng chính quyển Độc Kinh của sư tổ. Vì vậy, nó thuộc lòng sở học của bổn môn!

Hận Thiên không muốn mất mẹ nên đã áp dụng cách ướp xác để lưu giữ thi hài, như Vũ Di Tiên Nương vậy.

Khi tẩm liệm, Hận Thiên phát hiện trong bàn tay tả của mẫu thân có mấy sợi tóc đỏ hung. Nó ngẩn người suy nghĩ và đoán ra rằng đó chính là tóc của hung thủ! Hận Thiên cẩn thận cất đi!

Ở cuối động có một gian mật thất cực kỳ kín đáo, là mơi cất giữ dược vật và của cải. Cửa vào nằm sau chiếc tủ gỗ mộc y phục, nhờ vậy người ngoài không thể biết được!

Khi hoàn tất công việc thì trời đã về chiều. Hận Thiên ăn qua loa mấy bát cơm nguội, bước ra mép bình đài quan sát. Nó vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiếc thang dây vẫn còn nằm cạnh gốc cây. Như vậy là hung thủ đã lên và xuống mà không cần đến thang! Khinh công của lão còn cao cường hơn cả mẫu thân mình?

Hận Thiên buồn rầu nhìn ánh tà dương le lói sau ngọn núi Cực Tây của rặng Vũ Di Sơn, đắn đo suy nghĩ. Trước đây, nó vẫn nghi rằng hung thủ là kẻ đại thù Mộ Dung Thiên, nhưng từ lúc phát hiện mấy sợi tóc đỏ, nó biết rằng không phải. Bạch Y Hầu là người Hán và có mái tóc đen tuyền!

Vậy gã khốn khiếp kia là ai? Hận Thiên quyết định hạ sơn để tìm cho ra kẻ thù đồng thời, đi Nội Mông để gặp Bất Biệt Cư Sĩ mà học nghệ. Giờ đây, đôi mắt hồn hậu kia ngập tràn cừu hận, luôn bắn ra những tia nhìn lạnh lẽo.

Vu Di Tiên Nương đã chết khi Hận Thiên vừa tròn ba tuổi, chỉ còn lại hai mẹ con nên luôn quấn quýt bên nhau! Sắc diện Phùng Nương băng giá, nhưng trong lòng yêu con thơ rất nồng nàn. Bà miệt mài dạy dỗ Hận Thiên, ngoài võ nghệ, chữ nghĩa, còn có cả những kinh nghiệm đã từng trải qua trong mười năm phiêu bạt!

Thiên Nhi thông tuệ tuyệt luân, bất cứ điều gì đã nghe qua, đọc qua một lần là chẳng bao giờ quên. Do đó, tuy không thị mình kinh qua nhưng Hận Thiên chẳng lạ lẫm gì thủ đoạn của giới võ lâm!

Với hành trang ấy, sáng hôm sau, Hận Thiên đua cả hai thi hài của mẹ và sư tổ vào thạch thất!

Nhưng nếu xuống bằng thang dây, tất sau này sẽ có kẻ lên bằng sợi thang ấy! Hận Thiên quyết định đi lối hậu sơn!

Phía sau núi Hổ Phong là khu rừng già rập rạp đầy gai góc. Gần chân núi là hang ổ của bầy mãnh hổ đông đến ba chục con. Thiên Nhi chưa đi lối đấy bao giờ, chỉ săn bắt trên sườn cao. Nhưng giờ đây, lửa hận đã làm tăng dũng khí, khiến nó không còn biết sợ là gì! Đối với nó, việc quan trọng nhất là không để ai đụng chạm đến thi hài thân mẫu. Hận Thiên đã rải kỳ độc suốt chiều ngang của thạch độc, ngăn ngừa bọn thú rừng và kẻ lạ mặt!

Mãi đến cuối giờ mùi, Hận Thiên mới xuống dưới chân núi phía sau, y phục bị gai cào rách cả. Nó đã dùng Sách Hồn Tiễn bắn vào mắt bốn con ác thú để mở đường.

Phùng Lệ Phi muốn đào luyện cho con trai tấm thân mình đồng da sắt nên suốt ngày chỉ có mảnh da hươu quấn quanh hạ thể. Giờ đây, bộ quần áo vải duy nhất đã rách tung. Hận Thiên tặc lưỡi, mở bọc hành lý. Lấy ra hai mảnh da báo gấm.

Phùng Nương đã khâu bộ y phục kỳ lạ này, khi bà tình cờ giết được một con Kim Tiền Báo.

Mông Diện La Sát tuy mang họ Phùng nhưng lại chẳng giỏi giang trong nghề khâu vá. Tuy nhiên, giờ đây đó là kỷ vật thiêng liêng đối với Hận Thiên.

Có điều, chính sự may vụng về của Phùng Nương lại làm tăng vẻ đẹp sơn dã của Hận Thiên. Làn da trắng muốt và gương mặt đẹp như tiên đồng kia nổi bật lên cạnh mảnh da lốm đốm, tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ!

Quần chỉ ngắn ngang gối, áo thì không tay, không nút gài, được cột bằng chính da đuôi của con Kim Tiền Báo! Và thanh tiểu đao không vỏ kia được cắm vào đôi ủng cũng bằng cùng một loại da báo!

Theo phong tục của người Cao Sơn, Thiên nhi không búi tóc mà chỉ cột ngang trán bằng một dải lụa trắng, cắt ra từ áo mẫu thân. Nó đang để tang cho người mẹ yêu dấu của mình.

Hận Thiên thay áo xong, tiếp tục đi về hướng Bắc, nó từng nghe Phùng Nương kể rằng ở hướng ấy có một đại trấn tên gọi là Thượng Nhiêu, thuộc địa phận tỉnh Giang Tây!

Bốn hôm sau, Thiên Nhi mới đến nơi, đúng ngày mười tám tháng sau.

Đây là ngày giỗ cha và cũng là ngày Hận Thiên ra đời!

Mông Diện La Sát đã có đủ thời gian để kể lại quãng đời xa xưa của mình!

Bà cũng có trí nhớ phi thường nên tái hiện lại từng cuộc bôn hành, không sót một chi tiết nào. Giờ đây, khi đến Thượng Nhiêu, Hận Thiên nhớ ngay đến lời mẹ kể, vào đúng tòa Mỹ Hương tửu lâu.

Lúc sáng, Hận Thiên đã tắm, gội trong một dòng suối nên thân thể sạch sẽ, da dẻ trắng hồng. Thần thái nghiêm lạnh của cậu bé đã khiến bọn tiểu nhị ngại ngùng, tuy đối phương chỉ là một đứa bé y phục sơn cước lạ mắt, nhưng sắc diện lại bội phần tôn quý. Nhất là ánh mắt sáng như sao, xoáy vào lòng người!

Hận Thiên thản bước lên lầu, ngồi xuống bên bàn cạnh lan can, để có thể nhìn về rặng Vũ Di Sơn. Gã tiểu nhị cười hì hì:

- Chẳng hay tiểu hiệp dùng món chi?

Gã xưng hô như vậy vì thấy trên lưng Thiên Nhi có một thanh đoản kiếm, dài độ gần bốn gang. Đây là vũ khí tùy thân của Mông Diện La Sát Phùng Lệ Phi. Hận Thiên mang theo để sau này dùng nó mà hạ sát kẻ thù! Bản thân Thiên Nhi chỉ được mẹ dạy cho có ba chiêu kiếm.

Hận Thiên lãnh đạm đọc tên ba món đặc sản của tòa tửu lâu này, y như đã từng ghé qua.

Đây chính là những món mà Phùng Nương đã từng gọi, cách đây mười bốn năm! Tất nhiên chúng rất đắt tiền!

Gã tiểu nhị bối rối gãi đầu:

- Mong tiểu hiệp lượng thứ! Người đầu bếp cũ đã qua đời nên bổn điếm không còn ai biết nấu ba món ấy nữa!

Hận Thiên cười nhạt:

- Nếu ta đọc ra công thức chế biến, liệu các ngươi có làm được không?

Gã tiểu nhị há hốc miệng chạy đi tìm chưởng quỷ. Lát sau, một gã béo phệ, mặt láng như bôi mỡ, đến bên bàn, vòng tay nói:

- Nếu quả thực tiểu hiệp biết được cách nấu ba món ăn đã thất truyền, bổn điếm xin ngàn lần đội ơn! Vương Hỏa Đầu là người ích kỷ, lúc còn sống luôn giấu giếm tài nghệ. Khi lão qua đời, bổn điếm có thử làm nhưng không sao ngon bằng. Do đó, ba món kia đành mai một!

Hận Thiên lạnh lùng bảo:

- Lão cứ lấy văn phòng tứ bảo ra đây, ta sẽ đọc cho mà viết!

Gã tiểu nhị mau mắn chạy đến quầy lấy ngay! Hận Thiên chậm rãi đọc tên vật liệu, gia vị và số lượng từng món!

Chưởng quỷ lập tức phát hiện ra những gia vị bí mật của Vương Hỏa đầu.

Lão vui mừng khôn xiết, vái dài:

- Đúng là nó rồi! Thiếu hiệp quả là bậc tiên nhân giáng phàm cứu vãn cơ nghiệp của lão phu. Từ ngày mất ba món mỹ vị này, sanh ý cực kỳ ế ẩm, trước sau gì cũng sạt nghiệp, lão phu xin đê đầu bái tạ!

Hận Thiên xua tay:

- Bất tất phải làm như vậy! Chỉ cần từ nay về sau, mỗi lần nấu đến một trong ba món này lão đầu bếp khấn một câu là đủ!

Chưởng quầy, cũng la chủ nhân Mỹ Hương tửu lâu hân hoan đáp:

- Xin thiếu hiệp cứ dạy!

Hận Thiên bùi ngùi nói:

- Câu ấy là:

Kính thỉnh hương linh Phùng nữ hiệp về thượng hưởng!

Mẫu thân ta lúc sinh tiền rất thích ba món ăn này!

Lão chưởng quầy sửng người nghi rằng có khấn vái trong bếp cũng chẳng sợ khách nghe thấy, liền hoan hỉ chấp thuận.

Chắc đọc giả lấy làm lạ là vì sao Hận Thiên lại biết được nghề làm bếp.

Thực ra Thiên Nhi không biết gì cả. Cậu ta chỉ thuộc làu quyển Trung Hoa Mỹ Vị Tinh Quyển của tay đầu bếp người Quảng Đông Hoàng Phúc Khẩu. Họ Hoàng là thánh thủ trong nghề bếp núc, từng là quan Ngự Thiện suốt ba chục năm!

Số là ở Vũ Di Sơn có một thư viện rất lớn, sách vở hàng mấy vạn quyển.

Tử Dương thư viện do học giả Chu Di thời Nam Tống thành lập. Sau khi từ quan, họ Chu đến thăm Vũ Di Sơn, mến cảnh ở lại xây dựng thư viện đồ sộ này. Đây là một tòa kiến trúc lớn, qui mô hùng vĩ, gồm nhiều tiểu viện như:

Nhân Trí Đường, Ấn Lai Đường, Quan Thiện Tế, Hàn Lâm Quán... Tử Dưong thư viện được người đời ca ngợi là:

"Vũ Di Chi Cự Quan" (cảnh quan to lớn của Vũ Di).

Năm lên chín tuổi, Hận Thiên đã thuộc lòng sách vở có trong hang. Thấy chàng ham học, Mông Diện La Sát liền đột nhập Tử Dương thư viện, mượn lén vài chục quyển mang về cho con. Tất nhiên là bà phải đi vào ban đêm, nên không thể nhận ra tựa sách mà chọn. Vì vậy, Phùng Nương vô tình lấy cả quyển sách dạy nấu ăn về! Hận Thiên lại vì yêu thương mẹ, muốn sau này tự tay mình nấu những món cao lương mỹ vị cho bà ăn, nên đã cố công học thuộc!

Hận Thiên đọc xong tất cả, Phùng Nương lại mang đi trả và lấy về số khác. Chính vì vậy sở học của Thiên Nhi rất bác tạp, rộng rãi!

Chỉ hai khắc sau, ba món ăn thất truyền kia đã được dọn lên bàn của Hận Thiên. Lão chưởng quầy xun xoe nói:

- Mong thiếu hiệp thẩm định cho!

Thiên Nhi nếm thử, cảm thấy rất ngon miệng, gật gù tán thưởng.

Lão béo kia cung kính nói:

- Lão phu là Chu Duy Diễn. Dám hỏi phương danh của thiếu hiệp!

Cậu bé hờ hửng đáp:

- Nam Cung Hận Thiên!

Chu lão giật mình vì cái danh tự sặc mùi cừu hận kia. Lão suy nghĩmột lúc, ngượng ngùng hỏi:

- Chẳng hay thiếu hiệp đi đâu mà lại giá lâm tệ điếm?

Thiên Nhi tư lự đáp:

- Ta đi tìm một khách võ lâm có mái tóc màu hung đỏ! Lão là người lịch duyệt, liệu có thể chỉ giáo cho ta không?

Chu Duy Diễn ngồi xuống ghế, vân vê chòm râu thưa, trầm ngâm rất lâu.

cuối cùng lão áy náy đáp:

- Lão phu dám tự hào nắm rõ lai lịch của tất cả các anh hùng hảo hán ở phía nam Trường Giang, và đoán chắc rằng không có ai tóc hung đỏ. Như vậy, người kia phải là một cao thủ ở Trung Nguyên, hoặc ở phía Bắc Hoàng Hà.

Lão nhận ra vẻ thất vọng của Thiên Nhi, mỉm cười nói tiếp:

- Lão phu có một vị biểu huynh tên Chu Minh là chủ nhân Lạc Hà Đại Tửu Lâu ở Lạc Dương. Chu Minh trước đây từng là khách võ lâm, nổi danh Nhất Bất Thông, kiến văn rộng như biển. Thiếu hiệp cứ đến đấy hỏi lão sẽ tìm ra người tóc hung!

Hận Thiên mừng rỡ, và không khỏi thắc mắc:

- Vì sao lão ta lại có danh hiệu kỳ quái ấy?

Chủ lão cười khà khà:

- Chu biểu huynh tự hào rằng chỉ không biết có một điều, đó là việc sau khi chết. Ngoài ra, bất cứ điều gì lão cũng kiến giải được!

Nói xong, lão rời bàn về quầy biên một bức thư giới thiệu Hận Thiên với Nhất Bất Thông.

Chờ Thiên nhi ăn xong, Chu lão trao thư và nói với giọng thân tình:

- Đường đến Lạc Dương xa hơn hai ngàn dặm, lão phu xin biếu tặng thiếu hiệp con tuấn mã để đỡ chân!

Hận Thiên thản nhiên đáp:

- Ta không biết cỡi ngựa!

Chu lão nghiêm giọng:

- Lão phu cũng từng là khách giang hồ, nên nhận ra thiếu hiệp có luyện qua khinh công. Vì vậy, việc cưỡi ngựa không có gì là khó cả. Hơn nữa, con tuấn mã này rất hiền và ngoan ngoãn.

Hận Thiên biết mình không thể đi bộ đến Lạc Dương. Đành chấp thuận:

- Chu lão đã có lòng, ta xin tuân mệnh!

Chu Duy Diễn mừng rỡ, đưa Thiên Nhi đến mảnh sân rộng rãi phía sau, dạy cho nó thuật kỵ mã!

Đến chiều thì Hận Thiên đã điều khiển tuấn mã rất thành thục. Chu lão giữ cậu bé ngủ lại một đêm, sáng hôm sau mới kên đường.

Hận Thiên bắt đầu có cảm tình với lão già phúc hậu họ Chu, nhưng tuyệt đối không hé răng tiết lộ lai lịch cũng như mối hận thù của mình! Nó chỉ nhờ Chu chưởng quỷ định giá giùm số châu báu mà mẫu thân đã để lại!

Theo lời khuyên của Chu lão, Hận Thiên đi về hướng Tây Bắc để đến Hán Khẩu, tồi từ đây mà ngược về Bắc. Như vậy sẽ nhanh hơn vì đường quan đạo rộng rãi, bằng phẳng