Áo vàng qua ngõ - Chương 06 part 1

CHƯƠNG 6/8
uộc tiếp xúc đầu tiên giữa Thường và gia đình đã mang tới nhiều bất lợi. Tuy Thường đã tới chơi nhiều lần nhưng chỉ gặp chị Huyền, nhóc Phục. Nhưng đây là lần đầu tiên Thường chạm mặt với mẹ Trúc. Bà Phán tuy không phải là khắc nghiệt nhưng bà quá lo xa. Trúc đã nhận ra sự lo ngại trong từng ánh mắt của mẹ cô và nó đã hình thành một nỗi lo lắng mãi cho tới khi đưa Thường ra về.
Vừa trở vào, bà Phán đã gọi Trúc lại gần, bảo ngồi xuống ghế sa lông và hỏi:
- Cậu Thường đó người ở đâu thế?
- Dạ quê anh ấy ở Vũng Tàu.
- Sao lại vào trong này học?
- Ở ngoài đó không có trường.
- Gia đình cậu ấy làm nghề gì?
- Dạ nghề đi biển, gia đình có nghề chài lưới truyền thống.
- Mới vào đại học phải không?
- Dạ.
- Mẹ không cấm con quan hệ với bạn trai nhưng không nên đi quá xa trong tình cảm khi còn phải vượt qua việc học của mình. Lúc này mẹ thấy con đi chơi nhiều.
Trúc lúng túng nói:
- Anh ấy, là một người đàng hoàng, gia đình lao động, tuy nghèo nhưng rất có tư cách.
- Mẹ không nói tới chuyện đó. Tóm lại là mẹ không muốn cho con đi quá xa trong tình cảm khi tuổi hãy còn nhỏ. Vấn đề không đơn giản như con tưởng đâu.
Trúc thấy là không nên giải thích gì thêm, cô buồn bã đi về phòng mình và nằm vật ra giường ôm chiếc gối dài ngó lên trần nhà bằng cặp mắt vô hồn. Vậy là nỗi lo sợ của Trúc đã thành sự thật, mẹ đã kkhông chấp nhận cho Trúc quan hệ với Thường tuy bà nói rất khéo, nhẹ nhàng, nhưng Trúc hiểu rằng mọi chuyện đã trở thành phức tạp và cô rất buồn, rất ngạc nhiên trước thái độ của mẹ.
Trúc bỏ cơm chiều và nằm vùi trong phòng, trời lại mưa lất phất. Những giọt mưa bay qua cửa sổ như những chiếc roi quất vào lòng Trúc, cảm giác một cái đau âm thầm, mềm mại nhưng sâu lắng, khiến người cô vật vờ. Trúc vặn nhạc nhưng không nghe hết bản, tìm một cuốn sách để đọc nhưng không thể xem hết một trang. Cuối cùng Trúc nằm yên lắng nghe tiếng mưa nhẹ ném trên mái nhà và rơi trên những cành cây ngoài vườn. Lúc này những cuộc đi chơi với Thường bắt đầu quay lại trong tâm trí Trúc như một cuộn phim với những hình ảnh sáng bừng lên, rồi mờ dần, nhạt nhòa. Hình ảnh của Thường trong vườn sầu riêng mới đây, tiếng ve ran trong một bầu không gian êm ả, nhữngn chùm chôm chôm đỏ hồng. Ánh mắt của Thường tươi cười trong bóng râm của cây lá...
- Trúc ơi.
Trúc uể oải ngồi dậy ra mở cửa cho chị Huyền. Hai chị em thoáng nhìn nhau. Chị Huyền ngồi xuống mép giường hỏi:
- Sao buồn thế?
- Chị đã biết rồi mà.
- Chuyện mẹ la ấy à?
- hình như mẹ không thích Thường, mới hồi chiều Thường đến chơi, mẹ tỏ thái độ ra mặt. Tại sao vậy nhỉ?
Chị Huyền nói:
- Ðơn giản là mấy bà già có con gái lớn, lo xa, vậy thôi.
- Không đơn giản như chị nói đâu. Tuy mẹ không nói thẳng ra, nhưng em hiểu đó là sự ngăn cấm. Em buồn quá.
- Không lẽ buồn rồi bỏ ăn cơm.
- Em không đói.
- Nếu như em trước đây chị đã tuyệt thực luôn rồi.
Trúc nói như than:
- Chị bây giờ thật hạnh phúc, em mong có đựơc cuộc sống bình lặng như chị.
- Muốn vậy em phải đợi khi học xong đại học, nghĩa là lớn thêm vài tuổi nữa.
Trúc ôm chiếc gối, chớpmắt hỏi:
- Chị thấy Thường thế nào?
- Cũng được.
- "Cũng đựơc" thôi ư?
- Chứ em muốn chị trả lời sao nữa? - Chị Huyền bẹo má Trúc và cười.
- Anh ấy là một người trung thực.
- Yêu rồi à?
- Em cũng chưa biết rõ ra sao. Có đáng gọi là tình yêu không nhỉ?
- Em không hiểu thì chị làm sao hiểu được.
- hình như là tình yêu thôi, chị ạ.
- Sao lại hình như? - Chị Huyền ngó thẳng Trúc hỏi.
- Vì em cũng chưa rõ đựơc tình cảm của mình. Chỉ thấy Thường hiện dịên rất đúng lúc, đó là một niềm vui Ðôi lúc như một người thân thiết gắn bó với vui buồn của mình.
- Hai chị em nằm bên nhau, ngoài kia trời mưa lớn dần, tiếng mưa nghe nặng hạt. Chị Huyền bỗng ôm choàng lấy Trúc và nói vào tai cô:
- Ðích thực là tình yêu rồi chứ không còn hình như đâu, khi mình thấy người khác trở nên thân thiết với mình, chi phối niềm vui nỗi buồn của mình.
- Lúc chị yêu anh Nghiêm cũng thế à?
- Chị khác chứ. Ðâu có tình yêu nào giống với tình yêu nào.
Trúc thở ra một hơi dài. Chị Huyền vuốt má Trúc, cười khẽ:
- Lại thở dài rồi.
- Chị có nghĩ là mẹ đã khắc nghiệt với Thường không?
- Chưa biết.
- Anh ấy là một người nhiều tự ái, thái độ của mẹ đã hơi quá đáng với Thường lúc chiều. Em khổ tâm quá.
- Phải cố gắng chịu đựng thôi em ơi. Nhưng đừng nên nhịn cơm như vậy.
Chị Huyền đứng lên đi loanh quanh trong phòng. Dạo này chị Huyền đẹp ra, đôi mắt lúc nào cũng long lanh, ngời hạnh phúc. Chị thường hát trong phòng tắm, trong hành lang, trong những lúc rảnh rỗi.
Có tiếng gõ cửa phòng, và rồi giọng Phục nói như hét:
- Chị Trúc ơi ba gọi.
Và tiếng chân Phục chạy xuống cầu thang, mất hút. Trúc vào phòng tắm rửa mặt, chải mái tóc rối và ngó mặt mình rất lâu trong gương. Mặt Trúc hơi tái. Trúc ra hỏi chị Huyền:
- Ba mới về à?
- lâu rồi, ba hỏi em sao không ăn cơm, biết mẹ trả lời sao không?
- Trả lời sao?
- Chê cơm.
- Ba gọi em làm gì nhỉ?
- Chắc là bắt ăn cơm thôi.
- Lạy trời cho ba đừng bắt em ăn cơm. Giờ này mà ngồi trước mâm cơm, em sẽ chẳng tài nào nuốt nổi đâu.
Hai chị em đi xuống nhà và đựơc gọi ra phòng khách. Ông Phán đang uống trà và trước mặt ông nhóc Phục đang sắp lại bàn cờ tướng.
Thấy Trúc xuống, ông Phán ngước lên nói:
- Tới đây con gái, đánh với ba vài ván cờ. Cho Huyền làm trọng tài.
Trúc thở phào. Nhưng cô làm sao có đủ tỉnh táo để đánh cờ được. Trúc lắc đầu:
- Hôm nay con không đánh cờ đựơc đâu ba.
- Sao thế?
Chị Huyền cười:
- Nó đang... rối loạn bộ nhớ.
Ông Phán vỗ vỗ lên trán và cười. Ông thuyết phục con gái:
- Không sao, đánh một ván cờ tướng là bộ nhớ nó bình thường trở lại. Cờ tướng là một môn thể thao trí tuệ, nó làm cho con người ta có thói quen bình tĩnh trong sự rối loạn. Con ngồi xuống đi, còn nhóc Phục xê ra.
Trúc ngồi xuống chiếc ghế Phục vừa nhường lại. Còn Phục ngồi gần chị Huyền, giữ vai trò... chầu rìa. Trong nhà ai cũng biết chơi cờ tướng, kể cả mẹ, nhưng chỉ có Trúc mới là đối thủ của ba thôi.
- Trời mưa, uống nước trà đặc, đánh vài ván cờ tướng thì cuộc sống sảng khoái lắm rồi.
Trúc nói:
- Ba đi trước đi.
- À, lại còn chấp ông già đi trước nữa chứ. Nhưng mà phải đánh cho thật ác liệt à nghen, đừng vì rối loạn bộ nhớ mà để thua đấy.
- Ðánh ba ván thôi nghen ba, ăn thua gì cũng nghỉ.
- Ðồng ý.
Ông Phán vô pháo đầu, một nước đi quen thuộc của ông từ hồi nào tới giờ, trong lúc đó Trúc lên tượng. Ông Phán định lên xe ở nước thứ nhất nhưng không hiểu sao ông lại thôi mà đi ngựa. Huyền lắc đầu cười:
- Không được, hạ thủ bất huờn. Ba đi lại xe đi.
- Cha, quên có trọng tài ngồi bên cạnh. Rồi, cũng đựơc, đi xe thì đi.
Ông Phán trở lại nước xe, và bưng tách trà lên uống một ngụm. Ông thở ra một hơi dài, đầy sảng khoái. Nhóc Phục nhồi thuốc vào tẩu, nó gõ tẩu thuốc vào cạnh bàn cạch cạch rồi đưa cho ông Phán.
- Giỏi lắm.
Không biết ông vừa khen Phục hay khen một nước cờ của Trúc vừa đi.
Kết quả ba ván cờ là huề. Mỗi người thắng một bàn còn một bàn huề. Chị Huyền và Phục đã đi ngủ, chỉ còn ông Phán và Trúc ngồi trong ghế sa lông. Nhưng thường lệ sau vài ván cờ ông Phán kể cho con gái nghe công việc của ông một ngày ở bệnh viện. Hôm nay là một ngày làm việc bình thường, không có ca nào nặng. ÔNg Phán bảo đó là một ngày yên ổn của người thầy thuốc.
Cuối cùng ông Phán nhìn Trúc, hơi mỉm cười:
- Lúc chiều mẹ rầy phải không?
- Dạ.
- Sao lại rầy thế, con gái nhỏ bé của ba?
Bao giờ ông Phán cũng gọi Trúc như vậy, bằng một sự trìu mến của một ông bố thương con rất mực. Thật ra Trúc đã lớn, nhưng vì là con gái nhỏ nhất nhà nên ông Phán vẫn xem Trúc là một đứa bé không hơn không kém.
Trúc thấy không cần giấu ba, nên nói:
- Mẹ không cho con quan hệ với một người bạn trai.
- Ai vậy?
- Anh Thường.
- À, cái cậu vẫn thường đến chơi nhà mình ấy à. Cái cậu vẫn thường cho nhãn, phải không?
- Dạ.
- THường học ở đâu?
- Dạ, anh ấy học Bách khoa, mới vào năm nay thôi.
- Giữa con và Thường như thế nào?
- Con không thể nói rõ đựơc, mặc dù con không muốn giấu ba điều gì.
- Nếu chỉ là quan hệ bình thường, như một người bạn thì ba thấy không có việc gì phải đặt ra hết. Nhưng mẹ nói lại với ba, giữa con và Thường đã có những biểu hiện tình cảm khá đặc biệt. Ðiều ấy đúng không?
- Dĩ nhiên anh ấy là một người bạn thân của con.
- Hai đứa đã từng tổ chức đi chơi à?
- Dạ, cùng đi với mấy người bạn nữa.
- Ba mẹ dĩ nhiên là không khắt khe với con trong quan hệ bạn bè, nhưng nếu không phòng ngừa thì vấn đề phức tạp có thể xảy ra. Con còn đi học và ba chỉ muốn cho con chú tâm vào việc học mà thôi. hãy còn quá sớm ở tuổi của con nếu đặt ra vấn đề tình cảm. Có thể con chưa hiểu tình yêu là gì đâu. Ðó là một vấn đề hết sức phức tạp.
Trúc bối rối:
- Ba thấy anh Thường như thế nào?
- Ba chưa nói chuyện nhiều với cậu ấy, nhưng khách quan nhận xét, cậu ta có vẻ có tư cách.
- Vậy mà mẹ có thái độ không ưa anh ấy ra mặt ngay chiều này. Con buồn quá.
- Mẹ con nhiều lúc cũng hơi quá đáng. Tuy nhiên cũng có thể giải quyết được, vì mẹ lo cho con.
- Con đã lớn và đã biết suy nghĩ.
- Ba chỉ khuyên con nên cố gắng học, đó là việc quan trọng hàng đầu của con. Chuyện quan hệ bạn bè là thứ yếu. Nếu có dịp ba sẽ nói chuyện với Thường để tìm hiểu thêm về câu ấy. Trước mắt con không nên buồn phiền gì về mẹ. Con nên nhớ là mẹ sinh con ra trong rừng, lúc máy bay Mỹ đang ném bom, con không hiểu hết sự cực khổ của mẹ đâu.
Ông Phán lại nhồi tẩu thuốc khác, lần này ông ngả đầu lên thành ghế rít mấy hơi dài, Trúc cảm thấy mùi khói thuốc làm cô nghẹt thở, Trúc ho mấy tiếng. Ông PHán cười:
- Con không chịu đựơc khói thuốc à. Thôi, đi ngủ đi con gái nhỏ bé của ba.
- Ba không đi ngủ sao?
- Ba còn thức uống trà.
Trúc thấy thương ba quá. Ông Phán đúng là một người đàn ông mẫu mực, thương vợ con, sống tất cả cuộc đời mình cho sự nghiệp và cho gia đình. Cuộc đời của ông đã gắn liền với hai cuộc kháng chiến, đi khắp nơi, tập kết ra Bắc rồi trở về miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, có lúc ông bị thương ở chiến trường ác liệt tưởng đã chết. Ba cực khổ biết bao nhiêu nhưng lúc nào cũng sống rất lạc quan, trầm tĩnh. Ngày trở về Sài gòn, Trúc hãy còn là một cô bé lên sáu, lúc ấy tóc ba hãy xanh, bây giờ Trúc đã mười chín, tóc ba đã lốm đốm bạc. Mười ba năm trôi qua thật nhanh chóng như một giấc mơ.
Trúc nhìn ba, ái ngại:
- Thôi con đi ngủ đây, ba cũng đừng nên thức khuya. Sáng mai con sẽ nhổ tóc bạc cho ba nhé.
Ông Phán cười:
- Sáng mai con không đi học à?
- Sáng mai con nghỉ một buổi.
- Ba lại đi làm.
- Thì chiều ba về vậy.
- Lúc này không hiểu sao tóc bạc ra nhanh quá. Chẳng mấy chốc ba sẽ thành ông lão tóc trắng cho mà coi.
Ông Phán vuốt mái tóc mình, cười cười nhìn con gái. Trúc rời khỏi ghế đi về phía cầu thang. Giờ này chắc mẹ đã ngủ. Trúc bước lên những bậc thang mà nghe cả tiếng chân của chính mình. Cơn mưa mỗi lúc như càng lớn hơn. Bây giờ thì tiếng nước đổ ào ạt ngoài vườn cây. Trúc thoáng lạnh, cô rùng mình khi lên hết những bậc thang và về trước cửa phòng mình. Trúc vào phòng không mở đèn, cô trùm mền mở mắt nhìn bóng tối. Lạ làm sao, khóe mắt Trúc ứa ra hai giọt lệ nóng. Trúc khóc một cách bất ngờ hết sức. Nhiều khi cũng chẳng ai hiểu rõ những giọt nước mắt của mình.
Thế là Thường không tới nhà Trúc nữa, từ buổi chiều hôm đó. Anh cũng không ghé trường đón Trúc vào giờ tan học như dạo nào. Trưa nay Trúc cùng về với Bích Hồng, cô bỗng có ý nghĩ rủ bạn cùng đi tới nhà Thường.
Bích Hồng cười:
- Bộ anh chị giận nhau rồi à?
- Không.
- Sao Thường lại không tới đón Trúc?
- Chắc Thường bận việc gì đó.
- Bây giờ tới nhà, chắc Thường có ở nhà không?
- Làm sao biết được. Nhưng cứ tới thử xem.
Bích Hồng cười:
- Ði thì đi.
Trúc chở Bích Hồng chạy giữa dòng xe cô đông nghẹt. Qua những con đường trong phố, thỉnh thoảng Trúc bắt gặp một cây phựơng già cuối mùa hoa đã thay lá non. Tuy thế những chùm hoa hiếm hoi sót lại trên cành cây vẫn rực rỡ trong màu lá xanh.
Bích Hồng đập vai Trúc:
- Chạy tà tà thôi nhỏ ơi, gấp gì mà phóng ào ào thế. Cuộc đời ta còn tươi phơi phới, đừng có gây tai nạn tội nghiệp lắm.
- Bích Hồng sợ chết à?
- Ta không sợ chết mà chỉ sợ gãy giò thôi.
- Gãy giờ ông Tùng cũng thương như thường. Ðừng lo.
Một lúc Bích Hồng hỏi:
- Ta hỏi thật, mà Trúc cũng phải nói thật, đừng có giấu bạn bè.
- Hỏi đi.
- Bộ Thường và Trúc giận nhau hả?
- Ừa.
- Ai giận ai trước.
- Cả hai. Giận cùng một lượt.
- Sao bày đặt giận nhau chi vậy, thiếu gì chuyện vui sao lại giận nhau làm chi cho chóng già?
- Trúc đâu có muốn giận nhau.
- Vậy lỗi tại Thường à?
- Cứ cho là thế đi.
- Vậy thì hãy quay xe lại, đừng thèm tới nhà ông ấy làm gì. Người ta giận, Trúc cũng phải giận lại, nếu cần cứ giận mút chỉ coi ai năn nỉ trước.
Nhưng con hẻm vào nhà Thường đã hiện ra. Con hẻm thật dễ nhớ vì nó có một cây cột điện gãy chân sắp ngã nhào, nếu không có mấy sợi dây điện níu lại.
- Ngõ vào nhà Thường đây hả? - Bích Hồng hỏi.
- Chứ không lẽ ta vào nhà người khác?
- Vô duyên, ta hỏi thế mà nhỏ cũng cự nự. Sao hôm nay nhỏ ham gây lộn thế?
Trúc làm thinh, vì xe vào ngõ hẻm phải chạy thật cẩn thận, trong hẻm đầy trẻ con. Ở một bãi đất trống cặp theo hẻm bọn trẻ con còn chia nhau đá banh, Trúc đã suýt tông phải một đứa trẻ con ở chỗ này nên hôm nay vẫn còn sợ.
- Trúc nhớ nhà không đó, sao con hẻm chạy loằng ngoằng như con rắn thế này?
- Sao lại không nhớ.
- Trí nhớ của nhỏ tốt thiệt, vào loại siêu rồi đấy. Ta có đi vào con hẻm nào bảy lần cũng vẫn quên như thường.
Nhà ông chú của Thường hiện ra bên tay phải gần cuối hẻm. Trúc dừng xe, ngó lên căn gác, cánh cửa sổ quen thuộc hãy còn đóng im ỉm chứng tỏ Thường không có mặt ở nhà. Tuy vậy Trúc vẫn gõ cửa và ngay sau đó có người từ trong nhà đi ra. Ðó là Phượng, đứa em bà con của Thường. Con bé quen với Trúc nên cười nói:
- Anh Thường không có nhà.
- Ði học chưa về à? - Trúc hỏi.
- Em không biết nữa. Lúc này anh ấy đi bất thường lắm, và cũng không nói gì ở nhà cả.
Trúc sực nhớ hôm nay là thứ bảy, cuối tuần. Có thể Thường về Vũng Tàu chăng?
- Anh Thường có báo là đi về Vũng Tàu chăng?
Phượng lắc đầu:
- Không.
- Anh Thường không về ăn cơm sao?
- Cũng chẳng nghe anh ấy nói gì cả. Lúc này cơm nước của ảnh cũng bất thường. Có khi ảnh ăn cơm ở đâu rồi mới về nhà. Có khi đi chơi suốt tới khuya mới về nhà. Chị có biết chuyện gì không?
- Chuyện gì? - Trúc ngạc nhiên hỏi.
- Hình như anh Thường gặp một chuyện gì buồn lắm, ảnh đi chơi hoài và thường say rượu nữa.
Trúc thở ra. Bích Hồng hiểu tiếng thở ra đó của bạn mang ý nghĩa gì. Bích Hồng ái ngại nói:
- Như vậy là bất thường rồi. Trúc phải gặp Thường mới đựơc.
Phựơng hỏi Trúc:
- Hay là chị nhắn gì cho anh Thường, em nói lại cho.
- Không.
Trúc cắn môi quay xe ra con hẻm. Bích Hồng đấm lưng bạn nói:
- Sao không nhắn gì với Thường hết vậy nhỏ?
- Biết nhắn gì bây giờ, để suy nghĩ đã.
- Rõ ràng là giữa anh chị có chuyện gì trục trặc rồi, nói đi, ta tình nguyện làm trung gian hòa giải cho.
- Bích Hồng không hiểu được đâu.
- Trúc không chịu nói thì có trời mới hiểu nổi.
- Ừa, chỉ có trời mới hiểu thôi. Ta khổ lắm nhỏ ơi.
- Lại than thở rồi. Ta ghét cảnh than thở lắm. Chuyện gì cũng giải quyết được hết, đừng có than thở mà nghe não lòng.
- Chắc Thường đã về Vũng Tàu rồi.
- Sao Trúc biết?
- Biết chứ.
- Vậy đi Vũng Tàu tìm Thường không?
- Thôi đừng có khùng.
- Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua mà.
- Ta héo ruột gan mà nhỏ còn trêu được sao?
- Chứ không lẽ khóc à? - bích Hồng cười.
- Ừa, ta cũng muốn khóc lắm đấy.
Ðúng như Trúc đoán, trưa hôm đó Thường đã ra bến xe đò về Vũng Tàu. Anh không thể ở lại thành phố trong một buổi chiều cuối tuần với bao nhiêu kỷ niệm đổ xô về như những con sóng biển có sức mạnh xô ngã mình và dìm anh trong nỗi buồn của tiếng ve cuối mùa hạ vỡ ra. Thường đã tự động không gặp Trúc vì anh không thể nào quên được ánh mắt của mẹ cô. Suốt những ngày trôi qua Thường sống trong mặc cảm và tìm mọi cách lãng quên cô gái đã đến với anh bằng một tình yêu đầu đời.
Chú bé Ngoan thấy Thường đi xuống con dốc đầy sỏi đá vào nhà, Ngoan không ngạc nhiên vì Thường vẫn trở về Vũng Tàu vào buổi chiều thứ bảy hàng tuần. Chỉ hơi nghi ngờ có chuyện bất thường khi chú nhìn vào đôi mắt của Thường, đôi mắt ấy giống đôi mắt con thuyền trên biển, nó mênh mông quá, buồn bã quá.