Kẻ lãng mạn cuối cùng - Tập 01 - Part 4

Công tác thông tin liên lạc của đồng chí Trần Dụng do Giang Sơn, tên thật là Chil Sơn, người cận vệ của Dụng, tổ trưởng tổ Phù Đổng đảm nhận. Giang Sơn thuồc dân tộc K'Ho, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Năm 1970, được kết nạp đảng. Lập nhiều chiến công, có nhiều huân chương, bằng khen. Sau năm 1975, đồng chí về lại Lạc Dương, làm công tác an ninh.
Phần tài liệu bổ sung từ 1972.
- 1977 Trần thị Quỳnh Dao bàn giao toàn bộ nhà máy cao su và tài sản, tiền bạc cho nhà nước.
- 1977 Nhà nước tặng thưởng bằng khen có công với cách mạng, cấp nhà vĩnh viễn (căn nhà cũ ngày trước).
- Tháng 2 năm 1979, nghi vấn Quỳnh Dao thâm lạm công quỹ mở cuộc điều tra không có kết quả.
- Tháng 10 năm 1980, Giang Sơn liên lạc thường xuyên với mẹ con Quỳnh Dao. Giang Sơn quan hệ với Phi Yến và báo cáo trước cơ quan.
- Tháng 3 năm 1981, mẹ con Quỳnh Dao vượt biên, căn nhà được cấp cho một cán bộ thuộc viện nghiên cứu khoa học. Năm 1985, căn nhà đổi chủ. Năm 1992 một Việt kiều quốc tịch Ý mua lại. Theo đúng thủ tục hành chánh tên Hoàng thị Thanh Vân, là giám đốc công ty may xuất khẩu Thế Giới.
Người đàn ông bệ vệ ngả đầu ra sau, nhắm mắt, một thoáng ngẫm nghĩ, ông lấy ra tập hồ sơ khác, chăm chú đọc.
Hồ sơ điều tra Chil Sơn tức Giang Sơn (mật)
Đồng chí Chil Sơn có phẩm chất tốt, là một cán bộ trung kiên của đảng, luôn đi đầu trong mọi khó khăn, chăm lo cho dân cái ăn, cái mặc, cái chữ. Đồng chí Sơn nói phải học chữ mới sáng cái đầu, mới giàu mạnh. Những ngày đầu về lại xã Lát, đồng chí là người đầu tiên phá bom, gỡ mìn.
.... K'Min cán bộ phụ nữ xã khai báo: "nó giấu mặt thật thôi, nó quen ăn ngon mặc đẹp ở thành phố, nó chẳng thích về với bản làng đâu. Nó làm xong việc là lên Đà Lạt, nó không mặc xà rông, không uống rượu cần, nó chê gái K'Ho không đẹp, không thơm, nó quan hệ vợ chồng với cô gái mặt trắng thành thị bằng tuổi con cháu, nó không thể tốt khi đạo đức xấu".
.... Đăm M'Dương (Nhân dân huyện Lạc Dương gọi là Chúa Lang Brian) vừa du học nước ngoài về, không trả lời và không nhận xét chỉ nói một câu: "Sư tử không bao giờ là chuột". M'Dương không tiếp cán bộ điều tra hai lần sau đó. Ghi chú: Đăm M'Dương trong lòng nhân dân Lạc Dương là chúa tể, tôi xin ghi vắn tắt sơ yếu lý lịch anh ta. Đăm M'Dương sinh năm 1969. Cha: Đăm M'Thông là Chauquangbòng (tộc trưởng người K'Ho). Mẹ: Lê thị Bình người Kinh, là giáo viên trường cấp 2 Lạc Dương. Đăm M'Dương có sức khỏe kỳ lạ, thông minh, từ bé nổi tiếng thần đồng. Năm 1985, mới 17 tuổi đã đậu đại học, được nhà nước cho du học nước ngoài, được học bổng suốt thời gian học của hội khuyến học nước Pháp. Về nước năm 1989. Tốt nghiệp hai đại học loại ưu. Kỹ sư lâm nghiệp. Cử nhân: kinh tế - đối ngoại. Thông thạo tiếng Anh - Pháp.
Xin lưu ý về người này, vì M'Thông là anh kết máu ăn thề với Chil Sơn, M'Dương rất quí chú mình, anh có người yêu tên K'lan, học đại học.
Xếp tập hồ sơ, lơ đãng châm điếu thuốc, người đàn ông nhớ về một đêm trăng ông trở lại xã Lát....
- Nó được gọi là chúa Lang - Brian, không ai khuyên nó được. - Người cha nói vẻ tự hào, nhìn con trai.
Hắn bỏ đi, đi mãi, đến con suối có người con gái đang tắm, hát véo von. Ông thấy hắn nhìn cô, tràn yêu thương qua tia mắt sáng rực dưới trăng.
- Tôi sẽ đi với chú, không phải vì những gì chú đã làm cho tôi. Suy cho cùng ra, đó là nhiệm vụ của chú với đất nước, tôi còn cả một đời để trả, để cống hiến. Tôi đi vì Chil Sơn, vì chú ấy, tôi mới đủ can đảm lìa xa nàng, làm kẻ bội tình, quên lời thề trên đỉnh Lang-Brian năm nào - Hắn thở dài - Coi như thử thách lòng chung thủy của nàng.
Người đàn ông bệ vệ chợt cười một mình. Ai biết nó hơn ông. Cái thằng! Lúc nào cũng có điều gì đó khiến ông nể phục. Nó là niềm kiêu hãnh của người K'Ho.
Ông ngồi thẳng lên, rút tập hồ sơ từ Pháp gởi về.
***
Tháng 3 năm 1965 tại Paris, ngài Bruller đang sống những giây phút cuối đời đầy đau khổ, dằn vặt...
Ông nằm trên chiếc giường phủ drap trắng, tất cả đều một màu trắng, quanh người đầy dây nhợ, máy móc. Ông tỉnh lại, sau mũi tiêm vào tĩnh mạch.
- Cha!
Người đàn ông ngoài 30, trong áo choàng trắng, dừng chân ở giường, mừng rỡ gọi, lao đến bên cha.
- Lạy chúa! cha tỉnh rồi.
- Chuẩn bị cho sự ra đi về cõi vĩnh hằng - Người cha thều thào nói, bàn tay trơ xương, gầy đét níu tay con trai.
- Gọi luật sư Vĩnh cho ta. Mau!
- Thưa cha, ông ấy đang chờ bên ngoài.
Vĩnh, luật sư cố vấn dòng họ Bruller bước vào. Đó là người đàn ông Châu Á, tầm thước trạc 35 tuổi, quốc tịch Pháp, gốc Hoa lai Việt.
- Thưa ngài Bruller! - Vĩnh cúi xuống vẻ sẵn sàng lắng nghe, nét mặt trang trọng.
- Vĩnh! - Một thoáng hồng hào, tinh anh trở lại ở gương mặt khô đét, xanh nhợt, Bruller cha đặt bàn tay gầy xương xẩy lên tay người luật sư gia đình nói:
- Ông làm hết giấy tờ chưa?
- Thưa ngài Bruller, đã xong.
- Anh hãy tiếp tục với con tôi như với tôi hồi mười năm trước. Hứa đi.
- Vâng, thưa ngài. Xin ngài an lòng tĩnh dưỡng.
- Tĩnh dưỡng? Ông Vĩnh! Không cần gượng nhẹ, đúng không? Bruller cha nở nụ cười méo mó - Ai cũng phải chết một lần, tốt hơn khối kẻ, bởi tôi đã được tất cả, và bây giờ tới thời Jean Bruller.
Bruller ho tràng dài, Jean vuốt ngực cha bối rối, lo sợ. Cha anh gạt đi, hổn hển nói:
- Chúng ta đã sẵn sàng, Jean! Đừng đàn bà như thế. Đó là lý do tại sao cha không muốn gặp bất cứ người phụ nữ nào thuộc dòng họ nhà Bruller. Đàn bà! Nước mắt! Hừ! Có ích gì trong xã hội này. Nghe cha nói đây, cha còn việc cuối cùng muốn con và luật sư Vĩnh làm.
- Xin cha cứ nói.
- Con hẳn ngạc nhiên khi không thấy bộ sưu tập kim cương kê trong di chúc thừa kế? Là cha quyết định trao tặng một người. À không, cho một tổ chức kháng chiến dành độc lập. Cha đã trao đổi với ông Vĩnh, con hãy thay cha hoàn thành tâm nguyện cuối cùng này.
- Thưa cha, đó là tổ chức nào?
- Thưa ông Bruller, lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam - Luật sư Vĩnh trả lời.
Jean Bruller không hiểu, Vĩnh nói rõ hơn:
- Cô Maria có người bạn trai là nhạc sĩ Việt Nam, người này làm cách mạng ở Việt Nam từng sang Paris rất được ngài Bruller quí mến. Ngày cô Maria sắp mất, có xin ngài Bruller cho phần thừa kế và dùng số thừa kế này ủng hộ kháng chiến Việt Nam, cha ngài đã hứa.
Jean Bruller siết chặt tay cha, anh nhớ đến em gái, nhìn cha, đau thắt lòng, nghẹn ngào nói:
- Cha yên lòng, tâm nguyện Maria con sẽ thay cha hoàn thành.
- Tốt lắm Jean. Giờ con hãy ký giấy cho cha được chết trong an lành.
- Cha!
- Cha không thể chịu đựng nổi. Con hiểu không? Cha sợ sự đau đớn hơn cái chết. Jean! Hãy giúp cha - Bruller cha oằn oại thều thào.
- Cha ơi! - Jean Bruller òa khóc, quì thụp xuống giường.
Mười lăm phút sau, Bruller cha, nhà tỷ phú, tổng giám đốc tập đoàn kim cương đá quí châu Âu đã trút hơi thở sau cùng.
Người đàn ông đọc tư liệu nhận từ nước ngoài
Tháng 8 năm 1965, Cộng Hòa Dân Chủ Đức - Berlin George Block là một người đàn ông nhỏ nhắn, trắng trẻo, có hàng ria mép cánh kiến tỉa tốt và đôi mắt xám màu thép. Chỉ đôi mắt ấy mới khẳng định hết bản chất thật sự trong anh, dưới cương vị chủ tịch hiệp hội "Vì hòa bình độc lập toàn thế giới".
Anh đang đứng trước ban thường trực hội gồm 8 thành viên thuộc 8 nước: Ba Lan, Liên Xô, Bungari, Nam Tư, Tiệp Khắc, Hungari, Anbani và Cu Ba, đọc bức thư mới nhận cách nửa giờ.
".. Ngài Jean Bruller muốn thông qua tổ chức các ông, chuyển đến lực lượng giải phòng miền Nam Việt nam số tài sản này để họ dùng vào việc đấu tranh thống nhất đất nước. Ngoài ra, ngài Jean Bruller gởi tặng riêng hịêp hội các ông một số tiền là hai triệu Franc. Nếu hiệp hội hoàn thành xong nhiệm vụ một cách hoàn toàn bí mật. Nếu các ông đồng ý, chúng ta sẽ tiền hành giao dịch. Địa điểm tùy các ông chọn. Mong chờ sự trả lời nhanh chóng từ các ông.
Ký tên.
Junot Bernadotte (Luật sư cố vấn tập đoàn Bruller cha và con).
George Block đặt bức thư xuống, nhìn quanh và dừng ánh mắt tại Artua Antôniepxki.
- Antôniepxki, anh giữ mối liên hệ ở Pháp, có biết gì về tập đoàn Bruller không?
Artua rời bàn, nói:
- Xin dời cuộc họp lại sau một giờ, chúng ta đủ hồ sơ về tập đoàn Bruller và tay Junot Bernadotte mới quyết định.
- Đồng ý. - Cả tám thành viên điều nhất trí.
Đúng một giờ sau, chín người về chỗ cũ,k trên tay Artua thêm xấp hồ sơ, anh đọc xong khi tất cả ngồi xuống.
- Bruller cha và con, nắm trong tay 65% cổ phần tập đoàn đá quí châu Âu, nên tập đoàn nầy mang tên Bruller cha và con, ngoài ra còn khoảng 15% cổ phần nằm trong tay con trai, con gái khác của Bruller cha. Bọn họ đều làm chung ở tập đoàn. Số cổ phần còn lại, nằm trong tay các giám đốc khu vực từng nước. Tóm lại, hầu như tập đoàn này là của dòng họ Bruller. Bruller cha là người Pháp, cổ điển, bảo thủ, đó là lý do tại sao tập đoàn đá quí không bành trướng sang các châu khác. Nhưng họ có quan hệ buôn bán mật ở châu Phi và châu Á. Bruller là tỷ phú nhất, nhì tại Pháp. Gia đình sống nếp cổ, nên con cái được giáo dục tốt, học hành giỏi, và đều thành đạt. Ngày 15 tháng 3 năm nay ngài Bruller từ trần vì ung thư. Truyền hình, phát thanh, báo chí khắp các nước tư bản đều có đưa tin này.
George Block gõ tay lên bàn, trầm ngâm rồi hỏi:
- Anh có tài liệu gì cứ đọc tiếp.
- Bruller không xu hướng chính trị, nhưng là nhà từ thiện danh tiếng, ông có cô con gái đi vào trường hoạt động xã hội tên Maria Bruller. Cô ta tốt nghiệp nhạc viện Paris. Có bằng thạc sĩ xã hội học, là đứa con gái mà Bruller cưng quí nhất, đã chết năm 1963 tại Sài gòn vì cuộc chính biến niềm Nam Việt Nam trong thời gian chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Xuxana Benca, thành viên thường trực hiệp hội, người Hungari, một cô gái tóc vàng ngoài ba mươi học vấn uyên bác, khiến ai cũng thấy cô đẹp nhờ trí tuệ hơn nhan sắc, uể oải đưa tay:
- Maria là nguyên nhân chính khiến Bruller có quyết định trên. Đúng không Artua?
Artua gật đầu nói tiếp:
- Maria Bruller ngoài trừ là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, cô còn là giảng viên nhạc viện. Tại đây, cô quen một người cộng sản Việt Nam đến Pháp biểu diễn. Cô ta yêu và vì người yêu hy sinh tại Sài gòn. Trước giờ chết, cô được gặp Bruller cha, cô yêu cầu chuyển phần thừa kế cho lực lượng giải phóng miền Nam Việt nam. Bruller cha nhận lời.
- Ái chà! Tin này anh lấy từ đâu ra hở Artua?
Artua trước đôi mắt chờ trả lời của Xuxana, nói:
- Những người nhân đạo Pháp vừa fax qua, chính họ làm cầu nối liên lạc cho ta với Junot Bernadotte.
Sara Candux, người phụ nữ da nâu, cao lớn, thành viên người Cu Ba, với vẻ sôi nổi hiếm có ở lứa tuổi 50, đưa tay phát biểu:
- Các đồng chí Pháp đã thẩm tra thì ta tiến hành thôi, nhưng Junot Bernadotte là người thế nào ta cần biết rõ, cái họ Bernadotte tôi nghe quen.
Xuxana uể oải nói:
- Là họ của vua Thụy Điển Carl XIV Johan, ông ta là người Pháp, từng làm thống chế dưới thời Napoléon. Theo chủ nghĩa cộng hòa tên thật là Jean Baptiste Bernadotte.
- Khẩn trương các đồng chí - George Block nói.
Artua nói tiếp:
- Junot Bernadotte quốc tịch Pháp nhưng là người Việt gốc Hoa, tên Việt là Lưu Triệu Vĩnh. Bernadotte nhận làm con nuôi đưa về Pháp sau đệ nhị thế chiến. Là một luật sư lỗi lạc, đầy đủ tài đức ở tòa án tối cao nước Pháp. Bernadotte cha với Bruller cha là bạn chí cốt nhiều năm.
- Rõ rồi. - George Block - Các đồng chí có ý kiến gì không?
Vladimia Culesop thành viên người Nga, giờ mới lên tiếng, anh nói như kết thúc vấn đề:
- Các đồng chí, theo đúng mục đích hiệp hội, ta không có lý do gì từ chối việc này. Hồ sơ đầy đủ, an ninh hội bảo đảm ta tiến hành thôi, nhưng cần lưu ý điều yêu cầu hoàn toàn bí mật của Bernadotte họ sợ giới tư bản tẩy chay trên thương trường.
Toàn ban chấp hành hiệp hội nhất trí. Artua Antôniepxki được giao nhiệm vụ này.
***
Người đàn ông đưa bàn tay thon mảnh kỳ lạ xoa lên mặt, gương mặt đọng nỗi buồn năm tháng. Ông nhớ đến người con gái trên Bruller Maria. Tim ông rên xiết bởi niềm đau vùng lên từ ký ức xa xưa. Anh đáng gì hở Maria? Để em hy sinh một đời tài hoa, chết trên đất lạ quê người? Ngày ấy, nhìn em khoác áo chữ thập đỏ quốc tế, lăn xả vào nơi bom đạn cùng đồng bào anh, để rồi... áo em loang máu, đẫm mờ cả hình chim câu trắng trên quả địa cầu, ngã gục bởi viên đạn vô tình trước dinh Độc Lập, anh ước cho trái đất nổ tung, hay một quả đại bác nào, giết chết chúng nó và cả anh. Maria! Nhưng đó còn chưa phải điều khiến anh ray rứt mãi đến giờ, mà là sự "hèn nhát" trong anh, khiến anh không được bên em những giây phút sau cùng. Maria! Hơn ba mươi năm rồi, niềm ao ước được ôm em vào lòng, nói yêu em trước khi em nhắm mắt, luôn là sự trừng phạt âm thầm, dai dẳng, triền miên.
Người đàn ông gục xuống chiếc bàn, ôm đầu. Chợt có tiếng gõ cửa, ông ngẩng lên, trong chớp mắt, ông trở thành con người khác, ung dung, đường bệ:
- Vào đi.
- Báo cáo chỉ huy, tôi Văn Tiền Đường có mặt.
Gã thanh niên ăn mặc như dân bụi đời, đứng trong tư thế nghiêm trông thật tức cười, và người đàn ông bệ vệ tủm tỉm cười khiến mọi nếp nhăn trên vầng trán biến mất.
- Ngồi xuống đi. Này! Có ai hỏi tại sao cậu có tên là Tiền Đường không nhỉ?
Gã thanh niên vẫn đứng thế nghiêm:
- Báo cáo Đại tá. Rất nhiều người, nhưng tôi chưa trả lời ai cả. Nếu Đại tá muốn biết tôi xin trả lời.
Ông Đại tá ngắm chàng Thiếu Úy bằng vẻ mặt vui thích. Dĩ nhiên tôi muốn biết.
- Trình Đại tá, cha tôi nói con sông Tiền Đường của thi hào Nguyễn Du là dòng sông duy nhất gội rửa sạch mọi ô trọc giữa trần ai. Ông đặt tên Tiền Đường cho tôi với ước vọng tôi mãi là dòng nước ấy rửa sạch mọi vết nhơ bẩn trong cuộc đời.
- Nguyên nhân chính khiến cậu thành sĩ quan an ninh?
- Một phần năm, thưa Đại tá.
- Còn bốn phần kia? - Đồng chí K3.
- Thuộc về lý tưởng bản thân. - Đường kiêu hãnh đáp.
Ông Đại tá cười xòa, ấn Đường ngồi vào ghế.
- Cậu thoải mái lại chưa? Giờ báo cáo đi.
- Báo cáo, tôi không chịu nổi hắn, đề nghị cho tôi chuyển nhiệm vụ.
- Không được. - Ông Đại tá nghiêm mặt - Lúc xưa cậu cam kết trong năm năm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Hắn là thằng mê gái, thằng hết thuốc chữa, tiền mồ hôi nước mắt bao người làm ra, hắn đem đốt.
- Chuyện ấy không liên quan đến cậu, ta đã ký với hắn hợp đồng giao dịch,nếu hắn sai, phải chịu trách nhiệm với tôi chớ không phải với cậu.
Đường vùng dậy, đấm tay tức tối:
- Chúng ta hết người sao? Khối kẻ giỏi, tài ba, bảnh bao hơn hắn.
- Nhưng không ai có mối quan hệ rộng và biết kín miệng như hắn. Cậu có định chỉ trích khả năng lãnh đạo và cách nhìn người của tôi không?
- Nhưng hắn đã thay đổi. Hắn là thằng háo sắc từ trong máu, hắn mê ả ta thật sự, một lúc nào đó sẽ làm tiêu tan tiền mồ hôi nước mắt chúng ta.
Ông Đại tá nhíu mày. Ông nhớ đến Giang Sơn, con người gang thép kiên định ấy, đổ gục trước cô bé Sơn Ca mới 16 tuổi thật dễ dàng.
- Đó không phải là việc của cậu. Cứ về làm người cận vệ trung thành, nhất cử nhất động của hắn báo cáo ngay cho tôi. Còn gì nói không?
- Không. - Đường nói cộc lốc, quay ra.
- Đường!
Hắn đứng im khi nghe gọi, vẫn không quay mặt lại. Ông Đại tá lắc đầu:
- Chúng ta vì bao đồng chí đã chết và những người còn sống, vì nền an ninh thời mở cửa phải bước vào kinh tế thị trường. Cao Nguyên Xanh là tuyến đầu bảo đảm an ninh thành phố, nhưng nó vẫn là đơn vị kinh doanh. Phải trân trọng hắn.
- Rõ, đồng chí Đại tá.
Đường lao ra cửa, ông Đại tá nhìn theo. Ông không bận tâm mấy về hắn. Hắn có thể gào thét, đập bàn nhưng luôn thi hành mọi mệnh lệnh nghiêm túc.
Pierre Vian ngồi vào ghế dài, nhìn qua gương chiếu hậu hỏi Jean:
- Đi nữa không?
- Qua thăm nhà cô Bình Minh - Jean nói.
- Không dám phiền ông. - Bình Minh khước từ khéo léo. - Mẹ tôi hơi bảo thủ và luôn dị ứng người ngoại quốc.
Pierre lẳng lặng mở vòng cua, ngoặc về Cao Xanh Nguyên. Jean cắn cắn môi làu bàu.
- Cô đúng là một nữ thư ký không biết điều, cự tuyệt lòng tốt hoàn toàn lịch sự, đúng lễ nghi của một ông chủ giàu có, hào hoa.
- Xin lỗi ông. Tôi không muốn sau buổi gặp mặt mọi ý nghĩ tốt về phụ nữ Việt Nam mất sạch trong ông. - Bình Minh bình thản nói.
- Đàn bà Việt Nam chẳng mấy người giống mẹ con cô. - Pierre tham gia bằng giọng lạnh tanh.
- Vì giới ông gặp không còn là đàn bà Việt Nam. - Bình Minh đối đáp - Người phụ nữ Á Đông chỉ có hạnh phúc thật sự trong mái ấm gia đình, bên một người đàn ông mà thôi.
Pierre nghẹn họng. Con bé thật đáo để, vừa giải thích vừa xỏ xiên - Hắn không nhịn được, trên nét mặt lạnh tanh thoáng nụ cười để Jean bắt gặp. Chúa ơi! Cô bé cứng đầu này đã khiến được Pierre cười.
- Thế cô có người đàn ông đó chưa? - Jean hỏi.
- Tôi không thích trả lời câu hỏi này.
Xe đến Cao Nguyên Xanh, Jean mở cửa xe, Bình Minh bước xuống theo cả hai vào khách sạn. Pierre thoáng ngạc nhiên rồi tỉnh bơ bước vô thang máy.
- Cô không về sao? - Jean hỏi.
- Tôi muốn nói chuyện với ông.
Cô bước vào phòng không số với chút ngần ngừ. Jean định nhấn máy gọi nước, Bình Minh cản lại, nói:
- Thưa ông Bruller, trước tiên, tôi muốn ông và ông Vian hiểu tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về thân thế hai ông, điều tôi muốn nói là, tôi có thời hạn sáu tháng làm việc, nhưng chẳng hiểu làm việc với ai, mục đích chính là gì? Tôi muốn được giải thích để ứng biến khi xảy ra sự cố.
- Ứng biến? - Pierre nhún vai - Cô đóng vai thư ký thật tốt là đủ rồi.
Bình Minh lắc đầu định phản đối. Jean xua tay.
- Lúc cần nói, Đình Phong sẽ nói. Hắn dặn sao tôi nghe vậy, cô nên biết điều duy nhất là chúng tôi không phương hại cô - Hắn đổi sang giọng nửa đùa nửa thật - Mà dù muốn, chắc gì đã được phải không cô thư ký có trái tim cục sắt?
Bình Minh ngượng ngập đứng lên:
- Vậy tôi xin phép cáo từ.
Bình Minh rời khỏi phòng với nỗi ấm ức lẫn lo âu. Gã râu ria ấy thỉnh thoảng "tấn công" cô bằng lối ỡm ờ đáng ghét.
Phải hỏi ông ấy cho ra lẽ. - Cô nghĩ thầm dù hiểu một cách cay đắng, cô chưa có can đảm làm điều đó với gã giám đốc kiêu hãnh lạnh lùng.
***
Cả bốn đang trên đường đèo, hành trình cách nhau hai giờ. Pierre và Jean khởi hành lúc sáu giờ chiều, bên cạnh là Bình Minh. Đình Phong một mình đi trên chiếc Bonus 125 khởi hành hai giờ sau đó. Trong khi Thiên được lệnh thay anh lái xe đến thăm nhà ông Vĩnh Tường. Họ gặp nhau dưới chân đèo Bảo Lộc, trong ngôi quán vắng ven đường cạnh rẫy cà phê xanh um. Cho đến khi hắn gỡ mũ bảo hộ, Bình Minh mới nhận ra. Cô sửng sốt. Hắn chẳng ra vẻ ông giám đốc đa tình, hào hoa trong chiếc quần jean bạc phếch đầy tua và chiếc áo da cánh tay nhiều túi vằn vện. Hắn mỉm cười. Ối trời! Cô có mơ không? Hắn, à không. Ông giám đốc rõ ràng mỉm cười với cô.
Cô đứng lên luýnh quýnh. Jean gầm gừ:
- Cô cứ ngồi, hắn chẳng ăn thịt cô đâu.
Đình Phong cười phà, Bình Minh hết hồn, tiếng cười hắn trong đêm như tiếng cồng đá dội vang núi rừng:
- Bác gái biết cô đi đâu chứ? - Hắn ngồi xuống hỏi.
- Dạ biết. - Bình minh cúi mặt đáp nhỏ.
Hắn nhìn cô, khẽ lắc đầu.
- Quá muộn để tôi hối tiếc vì đã kéo cô vào chuyện này. Nhưng cô an tâm, tôi hứa chỉ trong ba đến sáu tháng và sẽ thưởng xứng đáng.
- Không phạm pháp chớ? - Cô buột miệng.
Hắn lắc đầu, nhìn quanh. Trong nhà bước ra người đàn ông trạc bốn mươi, tiến lại gần hắn, mặt rạng rỡ:
- Gọi tôi là Phong - Hắn nói ngay.
Người đàn ông gật đầu, vẻ hiểu. Hắn nói tiếp:
- Tôi gởi xe lại đây, sáng quay lại lấy. Thấy cô ấy về chưa?
- Mới lúc chiều, buồn lắm, thương quá Phong ạ.
Hắn làm lơ đứng lên:
- Ta đi thôi.
Cả bốn vào xe, Jean ngồi ghế trước nhường cho hắn và Bình Minh ngồi ở sau. Lần đầu tiên, hắn thấy người con gái run như thế này, hắn chép miệng than.
- Tôi không nghĩ mình đáng sợ đến vậy. Thế này nhé, đừng nghĩ đang ngồi bên ông giám đốc "chằn ăn" mà bên một người bạn đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ của cô, được không?
Hai tiếng "chằn ăn" hắn nói ra khiến cô suýt cười và bớt hồi hộp. Cô nhìn hắn khẽ gật đầu. Hắn thở phào.
- Jean nói tôi nên có buổi nói chuyện với cô, nhân dịp tôi đưa họ về Đà Lạt thăm một người, tôi sẽ nói, à không, tôi kể cô nghe một câu chuyện, nghe xong cô sẽ hiểu.
Jean xoay ra sau, ra hiệu với Phong, nói.
- Trước nhất cậu nghe một số thông tin mình vừa nhận được, cả tốt và xấu.
- Nói tin xấu trước.
- Hiệp hội vì hòa bình độc lập thế giới vừa thông báo Pierre được nghỉ phép không hạn định.
- Nghĩa là sau những thông tin cộng tác với bên mình, họ cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Từ nay Pierre chỉ giúp với tính cách cá nhân?
- Tôi hiểu rồi, thế còn cậu?
- Mình cũng thế, luật sư Bernadotte đã chuyển tiền công tác phí đến đây và fax cho biết, nhiệm vụ chấm dứt. Nhưng cậu yên chí, mình ở lại với cậu.
- Bản điều tra cuối, các cậu giao bên an ninh thành phố chưa? Có chút manh mối gì vụ Chil Sơn không?
- Tin tốt đây, nghe luôn. Bộ sưu tập kim cương hai mươi bốn màu chưa xuất hiện ở nước nào, chắc chắn nó còn nằm tại Việt Nam. Thứ hai, qua năm nước, mẹ con Quỳnh Dao có phạm pháp, tội lừa đảo, nhưng vì nạn nhân có danh tiếng không khai báo, nên an ninh các nước không có hồ sơ tầm nã. Và điều chắc chắn, nước Anh là chặng cuối mụ dừng lại, mất tích. Vậy sự nghi ngờ của cậu có cơ sở.
- Đợi gặp Ensa! - Hắn quyết định.
Jean nhận cái bắt tay của hắn, Pierre một cái vỗ vai thật mạnh. Sau đó hắn nhìn Bình Minh, chậm rãi nói.
- Đừng ngạc nhiên đến đờ ra như vậy, giờ tôi kể cô nghe chuyện một người tên gọi Chil Sơn. Thế này nhé. Năm ông ta ba tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, học võ với một võ sư làm cách mạng...
Trăng mờ ảo treo lơ lửng trên đỉnh Lang Brian sừng sửng im lìm, trăng nhạt nhòa, chao đảo, vỡ vụn dưới dòng suối có người con gái vùng vẫy mê mải. Nàng muốn tẩy sạch mọi dấu vết, cát bụi mang về từ thành phố lẫn niềm tuyệt vọng kiếm tìm một người âm thầm ra đi không trở lại.
- K'Lan ơi! K'Lan ơi!
Gã thanh niên hiện ra bên suối sau tiếng hú gọi cô gái đứng lên, khoe đôi ngực trần thanh tân chắc nịch (người Lát thuộc dân tộc K'Ho, con gái chưa chồng, thường tắm trần cả nơi cộng đồng).
- Đăm M'ang tìm mình?
- K'Lan mau về. - Đăm M'ang huơ tay - Nhiều cán bộ lắm, tìm Chil Sơn, nó nín thinh miết, gay hung.
Cô gái điềm tĩnh nói:
- Đăm M'ang quay lưng đi. K'Lan tắm truồng đấy.
Gã con trai cao to ngẩn ra, rồi như người máy quay lưng nhắm tịt mắt. Cô gái lên bờ tròng nhanh váy áo, nói.
- Xong rồi, về thôi.