Mẫu Thượng Ngàn - Phần 08 - Chương 03 - Part 01

Chương 3

Pierre Messmer sau khi được ông hộ Hiếu chữa cho khỏi bệnh điên, biến thành một con người trầm lặng. Cả ngày Pierre tha thẩn khắp mọi nơi rồi hí hoáy vẽ. Philippe rất lo, nghĩ rằng bệnh của em mình chưa khỏi. Ông René de Fromentin về thăm. Gặp ông, Pierre mừng rú lên, đem những bức vẽ ra khoe. René xem tranh của Pierre, gật đầu khen:
Tranh anh vẽ càng ngày càng đẹp.

Philippe gọi riêng René ra bảo:

- Sao ông lại khen công việc lẩm cẩm ấy của Pierre. Sự mộng mơ đã làm hại chú ấy. Ông có biết giới thuộc địa họ nói thế nào về kiểu người như Pierre không?
- Tôi không biết.
- Họ bảo rằng các nhà nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu là những kẻ vô tích sự. Họ chỉ là những vật trang trí cho đời sống thuộc địa mà thôi. Họ không thực tế và chính sự không thực tế đó lắm khi đã làm hại bản thân họ.
René phá lên cười:
- Theo cách phân loại của ông, thì tôi và Pierre là thứ người đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chính những người ấy mới thực sự làm cho công cuộc thuộc địa có chút ý nghĩa.
Cười xong, René nghiêm nét mặt nói:
- Tôi nghĩ rằng, sự vẽ vời này rất có lợi cho sức khỏe của Pierre. Chính nó sẽ giúp cho ông em của ông khỏi bệnh. Tôi khuyên ông đừng ngăn mà chỉ nên khuyến khích Pierre cầm bút vẽ.

Philippe là con người hành động. Ông ta cho rằng ở thuộc địa, những thầy tu, nhà binh, nhà kinh doanh mới là những con người tích cực với công cuộc khai hóa. Những người như Pierre, em ông, ông cũng quý nhưng ông cho đó là những con người sống trên mây trên gió. Nếu họ không thay đổi thích ứng, đời sống thuộc địa khắc nghiệt sẽ nghiền nát họ. Ông xếp loại họ vào loại người yếu đuối, đáng yêu nhưng đáng thương, họ chẳng biết đời sống thực của thuộc địa. Ông nghĩ rằng có lẽ Pierre nên quay trở về Pháp. Ông định bụng khi Pierre khỏi hẳn bệnh ông sẽ đặt vấn đề này ra. Nghe René nói nhờ vẽ có thể Pierre khỏi bệnh, Philippe lấy làm nghi ngờ, liền hỏi ý kiến cha Colombert và các bác sĩ ở Hà Nội. Họ đều xác nhận ý kiến của René và còn nói rằng càng ngày càng vẽ đẹp hơn tức là bệnh tiến triển tốt. Philippe nghe vậy, bèn giao cho Pierre trang trí ngôi nhà thờ. Pierre nói với cha Colombert:

- Con sẽ thay thế cây thập tự trên đỉnh nhà thờ bằng một bức tượng Chúa mặc áo choàng giang hai tay ra thương xót nhìn xuống thế gian. Thân người và hai cánh tay giang rộng cũng chẳng khác gì cây thập tự.
Cha Colombert vui sướng, tán thành ý kiến ấy. Và công việc này làm Pierre phải tốn thời gian một nửa năm trời. Lúc hoàn thành, Pierre nằm trên cỏ, ngửa mặt nhìn pho tượng Chúa và nói:
- Người dân An Nam thích tượng. Trong các ngôi chùa quê của họ, đem tổng cộng lại, phải có hàng vạn pho tượng Phật. Con rất vui vì đã góp được thêm một pho tượng của mình vào cái kho tàng khổng lồ đó.
Cha Colombert nói:
- Cha cũng rất vui vì con đã cụ thể hóa những ý tưởng của Chúa vào pho tượng quý. Có lẽ cha chỉ xin thêm vào ở phía dưới nên có bức phù điêu một quyển sách trên có dòng chữ: "Je suis le chemin, la lumière, la vérité" (Ta là con đường, ánh sáng, chân lý).
Và kỳ lạ thay, sau khi làm pho tượng xong, bệnh của Pierre hoàn toàn khỏi. Philippe vui sướng, quên cả chuyện đưa em về Pháp, ông còn khuyến khích Pierre vẽ và định có dịp sẽ tổ chức cho em mình một cuộc triển lãm ở Hà Nội.

Pierre, từ đấy, đem giá vẽ đi đến những ngôi chùa, những phong cảnh đẹp rồi những chợ quê để vẽ về người bản xứ. Vào một phiên chợ tết, anh gặp ông thầy Tầu Hoàng Sùng Linh. Ông già Tầu ngoài việc xem phong thuỷ, bắt mạch chữa bệnh, còn làm nghề vẽ chữ, viết câu đối, lúc tết gần đến. Pierre rất ngạc nhiên vì lối vẽ chữ của ông già. Nó thần tình chẳng khác gì vẽ một bức tranh. Ông già bảo:

- Chữ của chúng tôi là những hình, trong đó có đậm, có nhạt, có xa, có gần... Có cả kiêu hùng phóng khoáng, cả nỗi âu lo phấp phỏng, có cả sát khí lẫn nỗi khiếp nhược, có cả khi vui khi buồn... Nói tóm lại, cái thần trong ta thế nào, thì nét chữ sẽ ra thế ấy.
Xem ông Hoàng vẽ mấy buổi, Pierre nói:
- Thưa thầy, tôi muốn học chữ của thầy.
- Ông Tây ơi, học cái chữ này lâu lắm, công phu lắm.
- Lâu tôi cũng học được. Tôi mời thầy về ở nhà tôi.
- Ở đâu?
- Trong đồn điền.

Philippe thấy em quý ông thầy Tầu nên cũng chiều, thuê ông Hoàng về dạy chữ Nho cho Pierre. Ông Hoàng còn làm thức ăn rất đặc biệt, Philippe lại thấy ăn đồ Tầu ngon, nên thuê luôn ông ta kiêm đầu bếp. Tưởng ông Hoàng đã đỗ tú tài Tầu, sẽ chê cái chân bếp là cái công việc của những kẻ hầu hạ, song ông Hoàng cũng cười và chấp nhận. Philippe hỏi lý do, ông ta rất thành thực trả lời:

- Đời tôi chỉ ao ước mở một hiệu thuốc nhưng không có tiền. Bốc thuốc ở chợ thì chẳng biết đến đời nào mới đủ tiền làm việc mình thích. Tôi làm với các ông năm năm chắc có thể thực hiện được ước muốn. Vả lại, làm món ăn ngon cũng là một công việc mà tôi rất thích.

Xây nhà thờ xong, Philippe tính chuyện xây nhà cho mình ở đồn điền. Ông đã lặn lội trong đời lính ở nhiều nơi trên xứ Bắc Kỳ, nào Lạng Sơn, nào Yên Bái, nào Hòa Bình. Do vậy, ông luôn ở trong những doanh trại xây hình chữ U, một ngôi nhà chính cho sĩ quan ở giữa, hai bên là nhà lính và nhà cho hạ sĩ quan. Cái cổng doanh trại thì to đóng hai cánh. Ở hai bên cổng có hai chòi canh cao lênh khênh. Chung quanh doanh trại cắm nào tre vót nhọn như lưỡi mác... Kiểu kiến trúc trại lính ấy còn theo ông đến tận đồn điền Mắt Mèo. Cũng ba căn nhà hình chữ U, cũng cánh cổng to hai cánh, cũng hàng rào lông nhím chung quanh. Chỉ có điểm khác nhỏ là thiếu hai chòi canh cao lênh khênh hai bên, nhưng vết tích của nó thì hãy còn đó là hai cái trụ xây bằng đá ở hai bên cổng to hơi quá cỡ. Nhà cửa vẫn bằng tre gỗ và lợp cỏ tranh.Lần này, Philippe đã có gạch ngói rồi. Ông quyết định xây ngôi nhà hai tầng. Tầng dưới thấp dùng để làm bếp, kho và khu vệ sinh. Chủ yếu ở trên tầng hai, bốn buồng. Để lên tầng hai, có một chiếc cầu thang vừa là chỗ đi lại, vừa là vật trang trí đẹp đẽ đằng trước căn nhà. Nhà ba căn theo hình chứ U bị phế bỏ. Chỉ có ngôi nhà chính tường quét vôi vàng, cửa sổ sơn xanh, với hàng hiên rộng rãi đứng duyên dáng ở giữa quả đồi. Chung quanh nhà có bãi cỏ, có vườn hoa, có cây cối mát mẻ. Khu nhà làm việc tách riêng hẳn ra chỗ khác. Khu công nhân đồn điền cũng tách ra xa thành một xóm ở quả đồi bên cạnh. Hàng rào lông nhím được thay thế bằng bức tường gạch thấp nhô như con rồng quây khắn quả đồi. Ngôi nhà chính của đồn điền đã ra dáng như một vila.Cái nóng ở Bắc Kỳ là điều mọi người Pháp đến đây đều sợ nhất. Họ đều bảo đó là thứ nóng bức khủng khiếp. Vừa nóng, vừa ẩm, lại không có gió. Không gian như một nhà tắm hơi nóng. Đầu óc, cơ thể bức bối như muốn nổ tung ra, tâm hồn tưởng muốn phát điên. Cái nóng làm tiêu tan mọi suy nghĩ. Không muốn làm việc trí óc, lại cũng không muốn cử động tay chân. Con người lúc nào cũng lờ đờ, lúc nào cũng muốn ngủ. Buổi trưa, khi ngủ xong, không muốn cựa mình trở dậy nữa, và đầu óc càng lờ đờ hơn, uể oải hơn. Philippe đã tận mắt trông thấy bao nhiêu người bạn đã ngã gục vì không chống cự lại nổi cái nóng Bắc Kỳ. Đi ra đường lúc nào Philippe cũng đội trên đầu chiếc mũ cát rộng vành màu trắng xấu xí. Lần này xây nhà, Philippe rất chú ý đến sự chống nóng. Ông bắt thợ xây nhà phải chú ý không xâm hại đến những cây cối vốn đã có sẵn trên đồi. Nhà quay hướng Nam để đón gió. Hiên thật rộng. Các buồng đều có trần. Đặc biệt, ông bắt chước các nhà Tây ở Hà Nội, xây một phòng tắm, mà thời bấy giờ người ta gọi là phòng thủy liệu pháp (hydrothérapie) ở thành nhố, phòng "thủy liệu pháp" có hoa sen phun nước. Khi tắm, có một người bồi đứng bên ngoài phòng liên tục kẻo cái cần bơm để nước trong hoa sen phun ra từ đầu đến chân người tắm. Philippe ở đồn điền ít tiền hơn nên không mua bộ phận hoa sen, mà thay vào đó xây một chiếc bồn tắm bằng gạch trát xi măng bóng loáng. Khi trời nóng quá, sai bồi múc nước giếng đổ vào, rồi ngâm mình trong đó. Chuyện này Philippe cũng rất cẩn thận hỏi ý kiến bác sĩ. Người ta khuyên ngày chỉ được ngâm tắm ba lần sáng, trưa, chiều.Về phương diện vận tải, Philippe đã có lúc định mua một chiếc xe tay người kẻo giống như mấy vị quan Hà Nội (lúc này phong trào mua xe tay nhập từ Nhật đang phát triển).

Tuy nhiên, đầu óc thực tế lại khuyên ông không nên, vì đường đất Cổ Đình rất gồ ghề. Vả lại, dùng xe kéo ra ruộng sao được. Cuối cùng ông chọn giải pháp dùng ngựa.

Để chống nóng, Philippe còn có một dụng cụ rất đặc biệt treo trong phòng khách. Đó là chiếc quạt to, to gấp ba, bốn lần chiếc quạt lúa, treo ngang trên trần nhà. Buổi trưa, buổi tối, sau khi ăn uống xong, ông thả người trên chiếc ghế xích đu đọc báo; lúc đó, thằng bé con dùng tay (đôi khi dùng chân) kẻo chiếc quạt đu đưa, phe phẩy, cùng với tiếng kêu kẽo kẹt phần phật đều đều, như muốn ru con người vào giấc ngủ.Philippe đã tự tạo cho mình một cuộc sống khá tiện nghi. Ông cứ nhớ như in lời nói của viên đại tá: "Chúng ta sang xứ này để làm ông chủ. Cuộc sống êm đềm ấy lại có quản Liên tích cực giúp điều khiển nên nó cứ chạy êm ru như một cỗ máy trơn dầu. Nhà Philippe có cả một nửa tá đầy tớ phục vụ: ông bếp người Tầu kiêm dạy Pierre học, có lúc lại đưa ra ý kiến như một quân sư; chị sen làm việc vặt và dọn dẹp nhà cửa; anh bồi ngựa kiêm thêm việc chỉ huy khiêng võng khi ông cần oai vệ đi gặp những vị chức sắc An Nam; anh bồi phòng chuyện sửa soạn phòng ngủ kiêm việc gọi gái; chú bé con kéo quạt và làm đầu sai vặt cho tất cả mọi người; chị khâu đầm lo việc đăng ten rèm cửa, giặt giũ, phơi phóng, là ủi, v.v... Philippe không bắt họ mặc đồng phục, nhưng bắt tất cả người phục vụ đều mặc màu trắng. Những buổi trưa hè, nằm trên ghế xích đu, lim dim đôi mắt nửa thức nửa ngủ, nhìn lờ mờ những bóng trắng rón rén đi qua đi lại một cách âm thầm để không gây một tiếng động nhỏ, Philippe không khỏi dâng lên một niềm thích thú, có thể nói là kiêu hãnh tự hào.Lúc đầu Philippe phải hà tiện từng đồng xu nhỏ, phải ở trong một chiếc nhà lá ẩm thấp, tối tăm giống như người nhà quê bản xứ. Ông chỉ có trong tay hai vạn phờ-răng làm vốn. Phải sắm từ cái cuốc, con dao, cái cày, cái bừa. Phải lăn lộn hàng ngày dưới trời nắng chang chang cùng với những người phu nông nghiệp. Khi tắm, cũng phải múc nước bằng chiếc gáo dừa mà đổ xuống đầu hệt như người dân bản địa, hoặc có lúc tì tũm bơi trên dòng sông Son đục ngầu. Philippe hiểu nếu không biết dè sẻn, nếu không quyết chí, nếu không chịu đổ mồ hôi, nếu không chống cự nổi với cái nóng ẩm và bệnh tật, nếu nản chí xuôi tay lại chỉ thích hưởng thụ ngay, thì dù nhà nước cho không rất nhiều đất đai và dù nhiều vốn đến đâu, thì cuối cùng cơ nghiệp rồi cũng tiêu tan. May thay, Philippe vốn là người nông dân, vốn là người lính đã tham gia trận mạc chịu đựng được gian khổ, rồi lại có sức khỏe trời cho và cái máu liều hiểm của thứ người conquistador nên chỉ mới năm năm kinh doanh đồn điền cơ nghiệp của ông đã rất ổn định.Philippe chịu ơn quản Liến rất nhiều. Liến vừa là người công giáo, lại có một thời gian dài làm con nuôi họ Vũ Xuân, nên có thể nói anh ta biết rõ Cổ Đình như lòng bàn tay. Họ Vũ Xuân nắm hết các vị trí chức dịch. Liến khuyên Philippe nên thân thiết với dòng họ này. Đầu tiên, đến thăm hỏi ông tú Cao, ông này chẳng làm chức vị gì, nhưng người An Nam trọng bằng sắc nên cụ tú Cao hầu như là người thủ lĩnh tinh thần của họ Vũ. Vả lại ông ta còn có con gái lấy ông đốc tờ Tây. Cụ tú Cao tiếp họ khá nhạt nhẽo, song không hề gì bởi vì họ đến nhà cụ cũng chỉ là một hình thức ngoại giao. Kế tiếp, họ đến nhà ông tiên chỉ Nhậm. Liến bảo:

- Tay này đã lăn lộn kinh doanh, người thâm lắm, từ từ ta sẽ nắm sau.

Cuộc đi kết giao chủ yếu nhằm vào lý Cỏn. Lý Cỏn vừa giàu, vừa là lý trưởng đương chức. Lý Cỏn ít tuổi hơn Liến chừng năm tuổi, nhưng đứng về thế thứ phải gọi Liến bằng chú vì Liến là em nuôi cụ tú Cao và bố lý Cỏn. Vì vậy, khi thấy chó sủa rồi Philippe và Liến đi vào thì Cỏn rất lễ phép niềm nở:

- Kính chào quan lớn đồn điền. Con lạy chú ạ.
Liến thuở nhỏ vẫn chơi với Cỏn nên hai người biết nhau lắm. Chú cũng láu cá và cháu cũng khôn ngoan chẳng kém. Thấy Cỏn lễ phép có trên có dưới, Liến cũng hỉ hả trong lòng. Hắn bảo Cỏn:
- Tôi mang quý nhân đến cho ông đây.
- Dạ quý hóa quá.
- Còn mang cả mối lợi đến cho ông đây.

Lý Cỏn sai bà Hai cấp tốc làm đồ nhắm cho ba người uống rượu. Philippe mới gặp Cỏn đã thấy ưng ngay, ưng vì cái nhà của Cỏn rất Á Đông, sập gụ tủ chè sạch như li như lau, chứ không nhếch nhác như nhà ông tú Cao, tràng kỷ và bàn chỉ là đồ tre. Ưng vì nghe nói lý Cỏn có những ba bà vợ. Một con người thích nhiều đàn bà thế chắc hẳn là một người lanh lợi. Đó là cách suy luận riêng của Philippe. Còn ưng nữa vì lý Cỏn là tay bám rượu. Philippe đoán xét người, lúc sơ kiến, là thử xem đối với đàn bà và rượu anh ta có thái độ thế nào. Ông cho rằng người không thích hai khoản ấy thì chắc sẽ là người kém năng động.Ông Tây Philippe uống vào, mặt đỏ như con gà chọi và cười ha hả. Lý Cỏn càng uống mặt càng tái, và cười mỉm. Còn Liến uống rượu như uống nước lã rồi nói những lời sáng láng và khôn như rận. Liến hỏi:

- Ông có biết mối lợi tôi đem đến cho ông là gì không?
- Cháu chịu. Nhưng chú cháu mình từ xưa vẫn thân thiết với nhau. Cái đó thì cháu rất rõ. Trước sau, chú cháu mình vẫn thân thiết không suy suyển. Chú mang lợi đến cho cháu, thì cháu cũng phải biết công ơn của chú.
- Thế này nhé. Ông Philipne đồn điền có hơn trăm héc ta ruộng ở đồng làng ta.Vị chi là có khoảng 30.000 sào. Ông philippe định cho dân làng cấy thuê. Cứ mỗi sào lấy 30 cân thóc. Việc này ông chủ định giao cho ông lý quản hết. Ông là người làng, cầm quyền trong làng. Ruộng nương ở đâu ông thuộc hết. Người làng cũng ở trong tay ông. Ông nắm gốc gác hoàn cảnh chi li đến từng người. Và ngài Philippe sẽ cho ông ăn hoa hồng. Đừng lo. Gái có công thì chồng chẳng phụ. Ông lại có những ba bà vợ và một lũ con. Việc này tôi nghĩ mãi, giao cho ông là hợp nhất.

Thực ra, việc này lúc đầu Liến định nhờ chú, tức là ông trưởng Cam làm. Ông trưởng Cam nghĩ ngay đến nhà vợ, tức bà tổ cô, ông bảo Liến:

- Sao cháu không nghĩ đến họ Vũ Xuân. Họ nhà người ta có bao nhiêu công ơn với cháu. Không có họ Vũ Xuân thì liệu cháu có còn sống đến giờ không? Vả lại, ruộng nương nhà mình chú trông nom còn chẳng xuể. Còn bên ấy thì đông người lại có quyền có chức.